08:36 ICT Thứ bảy, 27/04/2024

Giới Thiệu

Tổ Bồ-đề-đạt-ma

  Tổ Bồ-đề-đạt-ma là người Nam Thiên Trúc, con thứ ba của vua nước Hương Chí, họ Sát-lỵ, trước tên là Bồ-đề-đa-la, về sau khi đắc Pháp nơi Tôn-giả Bát-nhã-đa-la, Tôn-giả nói : “Ngươi đối với các pháp đã được thông đạt. Đạt-ma là thông đạt đại nghĩa, nên Ta đổi tên cho ngươi là...

Danh mục chính

Liên Kết Trang

TS DUC SON
TS NGUYET KHE
HUE NANG

Trang nhất » Tông Phong Tàng Thư » Sách Hướng Dẫn Tham Thiền » Thiền thất khai thị lục

Thiền thất khai thị luc - phần VII

Thứ hai - 01/04/2013 06:33 Xem: 1833
Thất thứ sáu ngày thứ 3
37. KHAI THỊ : Ngày 23 tháng 11 (Thất 6 ngày thứ ba).

Người dụng công phu hình như trong tịnh thì dụng được, khi ngồi xuống mà dụng thì công phu trước mắt, muốn nói trong khi động mà dụng công phu thì không dễ đâu ! Lúc công phu đứng đắn thì hình như không động được, hễ động một cái thì công phu mất tiêu; còn muốn nói trong động trong tịnh nghi-tình thành khối, đập thành phiến lại càng không dễ gì làm được.

Đúng thế ! Vậy thì nói thực một câu : Trong khi động, công phu không dễ gì mà dụng. Tại sao vậy ? “Một động, hai động” cái động này chưa hết thì cái động kia đã đến rồi, về sau cứ tiếp tục xông lên mãi mãi như vậy : “Một động, hai động, ba động”, cũng như các ông tọa-hương, công phu thấy được lắm, gặp khi khai-tịnh thì không phải là động rồi sao ? Sau khi khai-tịnh thì phải buông chân ra; đã khởi-hương rồi thì phải đi tiểu tiện; những chuyện này có thể nói : Khai-tịnh buông chân ra là một động hai động, khởi-hương tiểu tiện là ba động. Các ông nghĩ xem : Niệm niệm không ngừng động như vậy, cho đến chưa từng ở trong động dụng tâm qua, vì vậy hôm nay muốn trong động dụng công thì sao mà các ông làm được.

Hiện tại chúng ta đã Đả được năm, sáu Thất, công phu trong khi tịnh các ông đương nhiên đã dụng được rồi. Nay muốn các ông dụng công phu trong khi động thì không dễ gì mà dụng được, tại sao vậy ? Bởi vì các ông từ lâu chưa có lưu tâm. Các ông phải hiểu : Công phu trong khi tịnh mặc dù đắc lực, hễ có một tí động tác thì lập tức mất liền; giả sử các ông trong khi động mà dụng công phu được thì dù cho tất cả động cũng không động được đến chỗ công phu của các ông, bởi vì công phu của các ông là từ trong khi động mà được thì đâu có sợ gì động nữa ?

Các ông cho rằng lúc động thì khó, ta nói không khó ! Thứ nhất là muốn các ông có tri thức này, muốn liễu sinh thoát tử tất cần phải dụng công phu trong lúc động, khi trong động mà dụng công được tốt rồi thì mới có thể động tịnh nhất như được.

Cái trường kỳ của sinh tử, lợi hại của sinh tử, sinh tử khổ não, nếu không dụng công phu đến động tịnh nhất như thì không thể liễu được : Đây là tri thức thức thứ nhất. Thứ hai là phải biết muốn dụng công phu thì bất luận trong động trong tịnh, không được rời khỏi công phu; muốn liễu sinh tử thì tất phải dụng công phu cho đến thành khối thành phiến : Đây tức là tri thức thứ hai của các ông.

Có được hai tri thức, lập định chí hướng không làm đến thì không được; nếu không công phu cho tốt thì ta không thể là người tham-thiền được ! Nào là đi, đứng, nằm, ngồi, không hỏi động tịnh, chung qui cứ ôm chặt lấy câu thoại-đầu đến chết cũng không buông. Ông có được quyết chí như vậy mà còn sợ làm không tốt sao ?

Nhưng mà có quyết chí rồi còn phải biết phương tiện, không hiểu phương tiện thì sẽ làm hỏng việc. Thế nào là hiểu phương tiện ? Trước tiên phải biết : Sinh tử không phải một ngày là làm xong, hôm nay muốn hiểu sinh tử cũng không phải là việc gấp được.

Vậy phải làm thế nào ? Ba năm, năm năm công phu dụng không đến được nhà thì ta cũng dụng, ba mươi năm, năm mưoi năm cho đến kiếp này không xong, kiếp sau làm nữa, kiếp sau làm không xong ta cũng không sửa đổi chí hướng ban đầu; chung qui lấy việc làm cho xong làm kỳ hạn. Lâu cũng được, mau cũng được, lâu hay mau ta không quan tâm, cái tâm rộng lớn tuyệt đối không có tí do dự; làm như vậy mới gọi là biết các phương tiện.

Người không hiểu phương tiện, dụng công phu ba ngày không thấy mùi vị gì hoặc là khi tịnh thì dụng, khi động thì không thể dụng; cảm thấy không có mùi vị, thì dụng hay không dụng đâu cần gì nữa ? Ấy là không hiểu phương tiện. Đại đa số các ông có còn cái tri thức này không ?

Công phu hiện nay, ta thử hỏi các ông : “Công phu trong khi động, tịnh ra như thế nào ?”. Các ông nhất định trả lời rằng : “Tiếng bảng buổi sáng lúc tịnh còn có thể được, tiếng bảng buổi trưa có hôn trầm, đến nén hương dưỡng tức, nửa nén hương trên còn khá”. E rằng các ông đều trả lời giống nhau.

Nói như thế thì trong khi tịnh còn chưa hoàn toàn làm cho tốt được còn nói gì đến trong khi động ? Không có được một người nào nói : “Tôi mỗi nén hương đều nắm được chắc, chỉ trừ lúc động là không đắc lực thôi”, còn có được người như vậy không ? Lại nữa : “Tôi lúc tịnh cũng có công phu dụng, chỉ khi tiếng mõ đánh cho đi cầu mới làm cho công phu của tôi bị đánh mất thôi”. Các ông còn có người nào như vậy không ? Có được người như vậy cũng gọi là tốt rồi.

Công phu các ông không làm đến nơi, bịnh tại chỗ nào ? Ấy là ở chỗ sợ bị mất mặt, từ sáng đến chiều sợ chạm mặt người, sợ chướng ngại người, chỉ lo sao cho đối với việc này việc nọ không để sai phạm, nếu có sai phạm một chút thì lập tức bị đánh hương-bản, bộ mặt sẽ coi không được, thấy khó chịu !

Các ông tưởng tượng xem có phải không, có phải suốt ngày cứ ở trong nhân và ngã mà lưu tâm không ? Bởi vì “Ngã” sợ bị mất mặt, không được phạm Quy-củ của người ta, cái cửa này lại nhốt kín ông ở trong. Còn có người nào nói : “Tôi không thể Quy-củ hay không Quy-củ ! Quy-củ là cái thứ hai, câu thoại-đầu là thứ nhất, nếu câu thoại-đầu của tôi có mảy may bị mất thì cái mạng của tôi cũng mất luôn rồi; tôi có chỗ nào sai lạc thì cứ đánh đi, la rầy cho một trận đi, nhưng cái công phu của tôi thì không thể bị đánh mất được !”.

Các ông thực có công phu này thì khi hương-bản có đánh xuống thân ông sẽ không biết đau đớn, la lối ông cũng không cảm thấy khó chịu; đánh chửi đều không hiểu được thì làm sao còn biết đến sợ bị mất mặt ? Không phải là an nhiên đi qua cái cửa ngõ khó khăn này hay sao ? Nhưng nói không cần Quy-củ cũng không phải, nếu không cần Quy-củ thì ông đến thành phóng túng thôi. Kỳ thực người có công phu chân thật, công phu đứng đắn chừng nào thì Quy-củ giữ tốt chừng đó.

Các ông cho rằng : “Cái chỗ rất khó khăn của công phu là câu thoại-đầu dụng đến chỗ thật khó, vậy làm sao đi qua được chỗ cực khó đó ?”. Các ông thực dụng đến chỗ khó, muốn qua khỏi chỗ khó đó vốn không phải là việc dễ dàng đâu. Thí dụ câu thoại-đầu dụng lên bước tới không được, bước lui cũng không được, bên trái bên phải đều không đi được, đứng ngay chỗ đó cũng không yên ổn. Như trước mặt có người cầm dao, nếu ông bước tới thì họ sẽ cho ông một dao, sau lưng có người cầm súng, hễ lui thì họ bắn ông một phát, bên trái là lửa lớn, bên phải là nước mênh mông, bốn bên đều là hiểm địa, hễ nhúc nhích một cái là mất mạng ! Hễ đứng ngay đó bất động thì bốn phía đều gom sát lại cũng phải bị mất mạng. Ta hỏi các ông phải chạy đi đâu ? Cái cửa này làm sao qua được ? Các ông tịnh tâm để lĩnh hội thử xem.

Đây là thí dụ : Các ông lấy cái ý nghĩa thí dụ này để trong tâm mà xem xét thử, lấy câu thoại-đầu để chứng minh thử xem phải làm sao mới qua được ? Đấy không phải là việc nhỏ đâu ! Trong tâm các ông hãy trả lời ta một câu. Nếu trả lời được, nghĩa là trước có dao, sau có súng, bên trái lửa, bên phải nước mà qua được, thì dù cho rừng kiếm núi đao cũng qua được, chảo dầu sôi, lò lửa than cũng qua được. Nếu không qua được chỗ này thì chỗ nào cũng không qua khỏi được !

Ta lại muốn thảo luận với các ông thêm nữa, người cầm dao trước mặt thật hung dữ chạy đến, dao chỉ cách đầu có hai tấc, súng sau lưng cũng muốn chạm tới thân mình, bên trái lửa cháy ầm ầm, bên phải thì nước như muôn ngựa tràn tới, đến lúc ấy thì cái thân mạng của ông còn muốn giữ được không ? Nếu muốn thì phải qua khỏi chỗ đó mới được.

Các ông có cách nào qua khỏi được chỗ đó không ? Hãy nghĩ trong bụng thử xem. Các ông nếu không có biện pháp nào thì còn có thể gọi là một người dụng công để liễu sinh thoát tử sao ? Đáng tiếc thay ! Các ông sợ không có biện pháp nào có can đảm mà nói là qua được ?

Cái cửa này ta muốn đi giùm cho các ông, không thôi các ông đều qua không được; cái cửa ngõ này không qua được thì dụng công để liễu sinh tử không có phần của ông.

Các ông hãy đề công phu lên đi ! Ta hỏi các ông : Các ông đang lúc qua không được, lúc đang sợ hãi quá sức, ông lại hỏi : Niệm Phật là ai ? Cứu cánh là ai ? Đáo để là người nào ? Các ông hỏi như thế rồi, ta lại hỏi các ông nữa : Thân của ông ở chỗ nào ? Tâm ở chỗ nào ? Các ông nghiên cứu thử xem : Hỏi như thế đương nhiên thân tâm đều không còn, thân tâm đã không còn thì các ông còn sợ dao súng chỗ nào nữa ? Cái tướng nước tướng lửa còn hay không ? Dù cho hoàn cảnh khó hơn nữa, ta cứ lấy công phu truy cứu thì không phải ngay khi ấy mọi cái đều tan rã, tiêu diệt hết rồi sao ?

Vậy cái cửa này qua được rồi thì tất cả hoàn cảnh nào cũng qua được. Cái cửa này ta đã đi qua giùm cho các ông rồi, nhưng việc về sau thì các ông phải tự mình đi. Thí dụ như : Từ Nam Kinh đến Bắc Kinh có xa, Trung Quốc với Nước-ngoài không sợ ngăn sông cách núi, ta hôm nay đi máy bay một lát thì qua khỏi, có phải là hết sức dễ dàng không ! Các ông hãy phát tâm tham đi !

38. KHAI THỊ : Ngày 24 tháng 11 (Thất 6 ngày thứ 4).

“Đi cũng thiền, ngồi cũng thiền, nói năng, im lặng, động tịnh thể an nhiên”. Mấy lời này là nói việc trên tâm hạnh từ sáng đến tối của người dụng công phu, tức là muốn các ông động tịnh nhất như, không phân biệt đêm ngày, dụng công đều cần phải như thế.

Tại sao cần phải như thế ? Không được nghỉ ngơi chăng ? Cần phải hiểu : Các ông có công phu chân thật như thế tương lai mới được chỗ ngộ chân thật, nếu các ông có một chỗ nào chưa làm tới nơi thì tương lai chỗ ngộ cũng có một chỗ chưa tới. Chân-ngộ là nhất ngộ nhất thiết ngộ, nếu có một tí chưa ngộ thì không được gọi là chân ngộ, cho nên cần cái chân hạnh hiện tại của các ông, cái ngộ tương lai nhất định sẽ được Chân.

Nhưng mà ngộ này tuyệt không phải là cầu ngộ, cũng không phải là suy nghĩ ngộ, cũng không phải tùy cái miệng nói ngộ. Muốn chân ngộ cần phải chân hạnh, hành đến nơi thì tự mình sẽ được ngộ.

Nhưng các ông cần phải ôm chặt lấy câu thoại-đầu, đi cũng tham, ngồi cũng tham, công phu đứng đắc cũng tham, không đứng đắn cũng tham, có vọng tưởng cũng tham, có hôn trầm cũng tham; các ông có tha thiết chịu khổ chịu tham như thế, công phu chân thật bất hư thì còn muốn khai-ngộ làm chi nữa ? Ta nói không ngộ cũng còn được. Tại sao vậy ? Các ông có thiết tha chịu khổ mà tham như thế, chân thật bất hư mà làm thì còn sợ gì tam tai bát nạn ? Sợ gì tứ Sanh lục Đạo ? Sanh tử luân hồi ? Tất cả đều không sợ !

Vậy không phải là không khai-ngộ cũng được chăng ? Công phu các ông dụng đến nhà rồi, đâu có lý nào không khai-ngộ ? Thí dụ : Đường đi đến Trấn Giang, Qua Châu, ra cửa chùa đi thẳng về hướng Nam, nhắm mắt phóng chân mà chạy, trên đường có người, ta cũng không hỏi, đến hay không đến cũng không hỏi, chạy suốt một ngày thì đến nơi rồi. Đã đến Qua Châu thì có được nói là chưa đến Qua Châu chăng ? Hay là bảo ông chạy về hướng Nam, ông chạy thì phải rồi, nhưng ông mới lên đường, nhìn bên Đông một cái, ngó bên Tây một cái, kiếm người ngồi xuống nói chuyện, uống chén trà rồi hỏi : “Còn được bao xa ?”. Các ông như thế thì có còn được đến chăng ?

Dụng công phu cũng như đi đường, bảo ông đề câu thoại-đầu cứ thẳng mà tham đi, đắc lực cũng tham, không đắc lực cũng tham, khai-ngộ ta cũng không hỏi, không khai-ngộ ta cũng không hỏi, chung quy khi ta đến nơi rồi không khai-ngộ cũng không được, công phu của các ông chưa đi đến chỗ, muốn khai-ngộ cũng không được. Cũng như đi đường đến Qua Châu rồi, ông nói không phải Qua Châu thì không được ! Chưa đến Qua Châu ông nói là qua Châu cũng không được !

Trong các ông có một số đông người bảo cứ thẳng tay mà dụng công, các ông chịu dụng thì cũng như người đi đường đó vậy, nhìn bên Đông, ngó bên Tây như thế tức là vọng tưởng, hôn trầm, hỏi thăm chỗ này có phải là Qua Châu không, sự thật giống y như thế !

Các ông dụng công cũng như vậy. “Tôi đã ngộ rồi chứ ?”. Thấy Thần, thấy Quỷ, tự mình xuyên tạc bậy bạ, tự mình bày đặt này nọ, suy nghĩ phân biệt, tự mình làm hỏng mình, còn đổ thừa ai ? Các ông còn tưởng gạt người ta là xong, gạt người ta thì được chứ tự gạt mình thì đến lúc chịu quả báo có kêu khổ cũng vô ích !

Bởi vì các ông làm nhân không thật, đương nhiên phải chịu quả báo. Cho nên bảo các ông đừng có cầu ngộ, thay vì cầu ngộ thì lấy tâm đó để dụng công phu thì tốt hơn biết bao !

Đề câu thoại-đầu này, các ông không dụng đến chỗ đi không biết đi, ngồi không biết ngồi mà muốn được một tí thọ dụng thì không thể được, không phải ba ngày, năm ngày, ba tháng, năm tháng thì được đến nhà đâu ! Muốn các ông không hỏi đến ngày tháng, cứ đề một câu thoại-đầu mà tham thẳng đi, hai ba chục năm mà còn chưa ngộ cũng đừng có nghỉ ngơi.

Ta hỏi ông : Niệm Phật là ai ? Niệm Phật là người nào ? Các ông không ai mở miệng trả lời được. Người Thiên-hạ đều bị nhốt trong cửa này, các ông có người nào nói : “Người Thiên-hạ bị nhốt ở trong thì được chứ tôi thì không !”, còn có người nào được như vậy không ? Nếu được như vậy thì công phu dụng công trong ba mươi năm của ông, ta hỏi đến niệm Phật là ai, ông hẳn có lời nói rồi. Ta mới hỏi thì ông lập tức trả lời được.

Các ông tưởng xem : Người Thiên-hạ đều bị nó nhốt hết, không mở miệng ra được, chỉ vì “Niệm Phật là người nào ?” không thể trả lời được. Khi công phu dụng đến nơi rồi ta hỏi thì ông đáp được, còn công phu của các ông chưa dụng được, Thiền cũng không biết Tham, mở miệng lại muốn giữ bộ mặt giả : “Ta ngộ rồi, ta biết rồi, ta lĩnh hội rồi !”.

Các ông như thế này thì chỉ là kẻ đứng ngoài, chỉ là kẻ nói suông ! Có chỗ nào tốt đâu ? Ông gạt người ta thì được chứ tự gạt mình thì phải chịu khổ não lắm !

Từ hôm nay trở đi có thỉnh khai-thị, bất cứ đến phòng của ta hoặc liêu phòng của sư Ban-thủ, không cho nói chuyện gì khác, hễ cứ đến thì nói “Niệm Phật là ai ?”.

Trước kia thỉnh khai-thị là các ông hỏi ta, hôm nay ta muốn sửa đổi lại Quy-củ, không cho các ông mở miệng, hễ ông đến thì ta hỏi các ông liền : Niệm Phật là người nào ? Ông phải nói ngay, ông nói không ra thì ta cho ông một trận hương bảng.

Hoặc giả ông không dám mở miệng, trong bụng ông không muốn đi, hễ ta tra xét đến người nào không đi ta sẽ đến Thiền-đường hối thúc chạy hương, ít nhất cũng phải đánh năm, ba cái hương-bản. Bởi vì công phu không ép buộc không được, không ép thì không tiến bộ được.

Nhưng ta hỏi các ông, nếu như các ông nhất định muốn đáp, giả sử đáp sai, không đúng, ta nói cho các ông biết : Hương-bản của ta đánh xuống sẽ làm cho các ông chịu không nổi đâu ! Nếu thấy mình chưa nắm vững được thì đừng mở miệng, ăn hai cái hương-bản là xong; Nếu mở miệng nói bậy thì ta sẽ chẳng khứng đâu ! Các ông hãy phát tâm tham đi !

39. KHAI THỊ : Ngày 25 tháng 11 (Thất 6 ngày thứ năm).

Người trong Thiền-tông không được mở miệng nói bậy, giả sử nói sai một câu thì phải bị hư thân mất mạng. Thân ông hư rồi, mạng mất rồi còn kể là việc nhỏ. Vậy thế nào là việc lớn ? Trả lời bậy một chữ là đọa xuống địa-ngục A-tỳ. Ông thấy việc này có còn nhỏ chăng ? Tại sao lợi hại như thế ? Không phải là ta nói mà lời vàng Phật đã nói : “Chưa chứng nói là chứng, chưa được nói là được, chưa minh nói là minh, chưa ngộ nói là ngộ, là đại vọng ngữ phải đọa địa-ngục A-tỳ”. Đây là Phật không thể nói sai được.

Nói chứng là chứng cái gì ? Chưa chứng được Sơ-quả, Nhị-quả, Tam-quả, Tứ-quả mà nói đã chứng được rồi. Nói đắc là chưa đắc được Tam-minh, Lục-thông, Bát-giải-thoát mà tự mình đã đắc được.

Nói minh là chưa có Thiên-nhĩ-minh, Thiên-nhãn-minh mà tự nói đã minh, cũng như nói niệm Phật là người nào mà không biết tức là chưa minh, đáp lại được một câu tức là đã minh; vốn đáp không được mà mở miệng đáp một câu tức là tự nói mình đã minh.

Nói ngộ là đối với bách thiên Tam-muội của thập phương chư Phật, vô lượng Diệu-nghĩa của hết thảy Tổ-sư, một tí chưa ngộ mà tự nói là đã ngộ.

Nếu tham câu thoại-đầu được ngộ rồi, thì nói trần nói sát vô cùng vô tận, câu thoại-đầu này chưa ngộ thì mở miệng không được, như trả lời một câu thì tức là đã nói. Cứ theo như thế thì có phải chăng cứ đáp sai một câu thì phải đọa xuống địa-ngục A-tỳ ?

Đại khiếu hoán địa-ngục, tiểu khiếu hoán địa-ngục đều có phần của ông, cũng như trái cân rớt xuống nước chìm thẳng tận đáy.

Hôm nay các ông có vị tùy tiện đáp bậy một câu, bởi vì ông không hiểu cái thứ nhân này rất lợi hại, ta thấy ông rất đáng thương ! Cái câu nói này không phải nói rồi là xong việc ! Người xưa đáp sai một câu đọa thân làm cáo chồn năm trăm kiếp (Công-án trước Bách Trượng với sau Bách trượng). Nếu các ông thực lấy câu thoại-đầu mà tham cho thông suốt rồi thì tự nhiên được miệng chứ không phải không được mở miệng mãi.

Khi ông đã đi đến nơi, không những miệng có thể nói chuyện được, mà tai cũng có thể nói chuyện được, mũi cũng nói chuyện được, người xưa đã chẳng nói : “Tận cùng Đại-địa là miệng của ta”. Vậy so với hư-không còn lớn hơn !

Ta hỏi ông nữa : Hư-không ông có thể nuốt được chăng ? Ông đương nhiên đáp : “Tôi đã nuốt xuống rồi !”.

Ta lại hỏi nữa : Hư-không nuốt xuống rồi thì thân để tại chỗ nào ? Phải rặn cho ra, ông phải trả lời ta một câu, không mở miệng không được ! Hãy tham !

40. KHAI THỊ  : Ngày 26 tháng 11 (Thất 6 ngày thứ sáu).

Người tham-thiền công phu đến lúc thâm nhập thì tự nhiên thân tâm đều mất, động tịnh quên cả, cho nên bảo các ông lúc động dụng như thế, lúc tịnh cũng dụng như thế.

Công phu lúc tịnh dụng cách nào, công phu lúc động dụng cách nào. Sở dĩ chia ra động tịnh là vì thực tại đối với các ông là người sơ dụng công, nên bất đắc dĩ mới nói như vậy.

Chỉ cần đề câu thoại-đầu lên, không minh bạch, nhận chân mà nắm chắc lấy, không cho có một tí ti gián đoạn; ông quả được chân thật bất hư mà dụng công như thế thì ông thử mở mắt ra xem, tâm để chỗ nào ? Đương nhiên tâm bất khả đắc. Tâm đã bất khả đắc thì thân cũng đương nhiên bất khả đắc. Tại sao vậy ? Vì tâm trụ nơi thân, thân do nơi tâm mà có, có thân thì có tâm, thân với tâm không thể rời nhau.

Hôm nay công phu đứng đắn, tâm bất khả đắc, thân cũng bất khả đắc, cái này chẳng phải là làm công phu đến chỗ thân tâm đều mất ư ? Động phải do thân động, tịnh cũng phải do tâm tịnh. Trên thân tâm có động có tịnh tất cần phải phân biệt mới biết.

Công phu của ông đến thân tâm bất khả đắc, lấy cái gì mà phân biệt ? Đã có phân biệt thì không phải là đã có tâm rồi sao ? Tâm đã có thì tất cả đều có, thế còn nói công phu gì nữa ? Có công phu thì không có tâm như thế. Đã không có tâm thì quyết định không có phân biệt, đã không phân biệt thì cái tướng động tịnh lại càng bất khả đắc, cho nên nói động tịnh đều quên cả.

Nay các ông đã Đả năm, sáu Thất rồi mà công phu chưa đến chỗ này, nếu công phu không dụng được đến chỗ này mà trong kỳ Thiền-thất này muốn được một ít tin tức, muốn được hiểu biết một chút xíu thì cũng không có phần của ông rồi ! Nếu liễu sinh thoát tử lại không có phần của ông nữa ! Theo như thế thì không phải là đã chịu một phen cực khổ mà cũng như không sao ?

Hoặc có người từ thiên sơn vạn thủy đến đây, suốt năm chỉ hy vọng trong kỳ đả-thất được liễu thoát sinh tử, được khai-ngộ cuối cùng (đáy thùng rơi ra). Ta thấy các ông chẳng có người nào làm được cả, cho nên muốn giúp các ông, bắt các ông ở trong Thiền-đường, muốn các ông chân thật dụng công không có một tí phóng túng, nếu có một tí lười biếng thì lập tức phải thúc hối chạy hương, cái chạy hương này thì sẽ làm cho các ông mất mạng !

Bảo các ông đi đến liêu phòng, muốn các ông nói, nói không ra thì đánh cho một trận loạn hương-bản ! Thế nào là loạn hương-bản ? Quy-củ hương-bản là : hai, năm, tám, ba, sáu, chín cái này là theo Quy-củ; loạn hương-bảng là lấy hết sức ra mà đánh không hỏi mười cái hay tám cái, đó là loạn hương-bảng.

Cần phải hiểu cái loạn hương-bản này thật làm cho người ta mất mặt, bị đánh loạn hương-bản rồi mặt mày trông khó coi lắm ! Các ông còn có người nào thấy sự đánh loạn hương-bản bị mất mặt là việc không đáng kể chăng ?

Trong bụng các ông lại nói : “Cái đánh hương-bản của thúc chạy hương thật nặng quá, không bằng đến Liêu-phòng một chút, có bị đánh một trận hương-bản cũng chẳng ăn thua gì, chỉ trôi qua rồi là xong, ngoài ra còn có gì khác đâu ?”. Dụng tâm của các ông đều ở những chỗ này.

Hoặc là : “Còn có phòng của sư Ban-thủ nào chưa đến thì phải đi cho có lễ phép một chút ! Nếu không đi thì sợ Sư sẽ không vui”. Các ông đều ở những nơi này dụng công phu.

Còn có người nào nói : “Không đúng ! Đến Liêu-phòng mà bị một trận loạn hương-bản thì thật còn ý nghĩa gì cả ? Người chân tu thì chẳng chịu như vậy. Người Thiên-hạ bị đánh thì được, chứ tôi không chịu như vậy. Tôi muốn đi chẳng những không bị đánh mà còn muốn nói chuyện ung dung thong thả, người ta còn phải cung kính tôi, đó không phải người nào cũng làm được đâu !”

Ta nói với các ông như thế chẳng phải là gạt các ông mà nói cho dễ nghe đâu ! Các ông không mở miệng được là tại công phu các ông chưa đến chỗ này; nếu công phu các ông dụng đến nơi rồi thì tự nhiên sẽ nói được.

Lúc ta ở chùa Kim Sơn chưa được bao lâu, chỉ mới hơn một năm, nhưng “Niệm Phật là ai ?” đã sớm tin rồi. Lúc tại gia đã dùng cách này để tham nhưng chưa được thâm nhập, cho đến khi ở Kim Sơn được một năm thô vọng đều hết, rồi hai mươi ngày nữa tế vọng cũng hết luôn, cảm thấy thanh thanh tịnh tịnh (cảnh giới vô thủy vô minh), rồi bảy tám ngày sau cảnh-giới ấy vẫn y như cũ. Tại sao vậy ? Đó là cái cảnh-giới trên công phu ắt phải có; công phu của các ông dụng đến chỗ đó cũng sẽ có như thế; thập phương chư Phật, lịch đại Tổ-sư cũng đều đã đi qua giai đoạn này.

Thô vọng ngưng rồi thì thế nào ? Tế vọng ngưng rồi là cảnh-giới chi ? Ta đã tự mình thấy được, có nói ra cho các ông nghe cũng như không ! Vì các ông không biết chỉ làm cho các ông tăng thêm vọng tưởng.

Các ông chỉ cần chân thực khẩn thiết ôm chặt lấy câu thoại-đầu mà tham, thà chết cũng không buông, các ông hành đến chỗ này thì sẽ tự mình thấy được thôi.

Khi ta thô vọng tế vọng đều dứt hết thì khoảng một tháng sau, ngày ấy chính là ngày 26 tháng 9 năm Quang Tự thứ 34 (1900 TL), trong khi Đả-thiền-thất, vào nén hương thứ sáu buổi tối chợt nghe một tiếng mõ đánh, ta đột nhiên “Ồ” lên một tiếng, lúc đó ta cảm thấy giống như nhào lộn trong hư-không, từ dười đất lộn lên Trời, từ trên Trời lộn xuống đất, rồi ta buột miệng than rằng : Cái Tự-tánh vốn sẵn sàng này, không ngăn cách với ta một chút nào mà sao lại để bị chôn vùi đến nỗi ta phải chịu đau khổ mãi từ xưa cho đến ngày nay ? Thực là oan uổng ! Còn cảm thấy buồn cười nữa !

Cái tốt khác thì ta không dám nói, nhưng sự tự do tự tại thì đã đạt được rồi. Tương lai nói sanh lên cõi Trời, ta thích sanh thì đi, không thích thì không đi; giả sử xuống Địa-ngục, ta chịu đi thì đi, không chịu đi thì thôi, tất cả ta đều có thể tự chủ được. Đối với ngộ thì không có ngộ.

Từ đấy về sau có một vị Thủ-tọa Hòa-thượng, vị này tu hành rất tốt, ông ấy thấy ta cử chỉ khác thường bèn gọi ta đến hỏi : “Niệm Phật là ai ?”, rồi bảo ta nói. Ta biết ông ấy muốn thử thách ta rồi đó ! Ví như có người hỏi ta việc trong Thiền-đường liệu ta còn không hiểu chăng ? Giả sử ông chưa ở qua Thiền-đường, nếu có người hỏi ông việc ở trong Thiền-đường thì ông làm sao biết được ? Cứ thế ông ấy với ta một hỏi một trả lời.

Ông ta nói : “Ông ngộ rồi !”, ta nói : “Chưa có ngộ”, ông ta nói : “Không phải ngộ thì là do học mà biết được chăng ?”, ta nói : “Học cũng không có học”.

Lúc ấy do sự vấn đáp như thế làm kinh động cả Đại-chúng, nên tất cả đều tán thán không thôi. Lúc bấy giờ ta cảm thấy không đúng bèn đắp y mặc áo đi thỉnh họ đừng làm ồn như thế. Ta nói : “Sự tu hành của tôi chưa có thâm nhập đến chỗ cuối cùng, xin các vị thứ lỗi cho tôi mới phải”.

Về sau có một vị sư Tây-đường là Từ Bản lão nhân, vị lão nhân này việc tu hành của ông cũng rất tốt, ông rất thích lấy “Hoạt cú” tiếp người hậu học. Hoạt tức là cơ phong chuyển-ngữ của Thiền-tông; ta thì xưa nay không muốn dùng hoạt cú, bởi vì người thời nay căn tính không bằng người xưa, bảo họ ôm chặt câu thoại-đầu tử tham dẫu có chết cũng không rời mà còn không tử được cái tâm, mà dùng hoạt cú thì lại càng tử không được cái tâm nữa, cho nên ta không muốn là vậy.

Nhưng trái lại vị sư Tây-đường này lại muốn nói chuyện với ta. Một ngày nọ bấy giờ ông ta đang rửa mặt, đưa cái khăn tay lên, hỏi ta : “Đây là cái gì ?”, ta nói : “Buông xuống đi”, ông ta nói : “Tôi muốn rửa mặt”, ta nói : “Cũng phải buông xuống !”. Làm cho ông ta không mở miệng được.

Những lời nói này các ông nghe rồi chẳng phải bảo các ông học lấy đâu, đừng có tưởng lầm ! Chỉ nói cho các ông nghe thôi, muốn các ông biết được việc này là có thể mở miệng được, chứ chẳng phải không mở miệng được mãi mãi.

Các ông phải nghe cho rõ, lúc ấy ta chẳng phải giành hơn thua với ông ta, chỉ vì muốn ông ta bỏ cái thói quen ham dùng “Hoạt cú” mà thôi, vì Căn-tánh người đời nay không thích hợp dùng hoạt cú.

Nhưng ông ta vẫn không chịu sửa đổi, lại một ngày kia ta đến Liêu-phòng ông ta uống nước trà, ông ta lấy một quả nhãn lột ra, cái thì đưa ta ăn còn vỏ thì cầm trong tay mà nói : “Cả mười phương hư-không đều ở trong cái vỏ này, nói một câu đi !”. Ta nói : “Mười phương hư-không đều ở trong cái vỏ này, thế còn thân ông ở chỗ nào ? Xin nói một câu đi !”. Một lần nữa lại làm cho ông ta không trả lời được. Các ông nghĩ xem : Người đã ngộ thì làm sao không mở miệng được ?

Nay ta sở dĩ ép buộc các ông : Ở trong Thiền-đường phải đến Liêu-phòng để cho ta hỏi, nếu không đi thì không được, nếu đi mà nói không ra cũng không được, ép buộc các ông trước hết tuy cảm thấy cái thân này không có chỗ buông nhưng vẫn phải buông, buông mãi cho đến lúc sự buông cũng không còn, tâm cũng không còn có chỗ để, cứ thẳng tay ép buộc cho đến lúc thân tâm các ông buông đến chỗ không còn gì để buông, còn phải ép buộc các ông đến chỗ sơn cùng thủy tận. Đến lúc ấy nếu các ông mở miệng không được ta đương nhiên còn phải lấy luôn mạng của các ông nữa ! Các hãy lưu tâm nhớ cho kỹ ! Hãy tham đi !

41. KHAI THỊ  : Ngày 27 tháng 11 (Thất 6 ngày thứ bảy).

Có Đạo hay không có Đạo tự mình biết mà người ta cũng biết. Hiện nay muốn các ông mỗi ngày đều đi đến Liêu-phòng, để trả lời câu niệm Phật là người nào ?, công phu của mình dụng đến chỗ nào. Nói được hay không nói được, nói ra đúng hay không đúng, tự mình đâu có lý nào lại không biết ? Nếu quả thực là không biết, ấy là tại công phu của các ông chưa dụng đến.

Giả sử công phu của các ông chưa dụng đến mà muốn làm bộ mặt giả dối đoán này đoán nọ, kiếm một hai câu nói của người xưa đem ra cho là lời của mình; hễ người ta nghe ông mở miệng ra, đúng hay không đúng, phỏng người ta còn không biết được chăng ?

Tại sao người ta biết ? Dù cho ông ta nói thế nào đi nữa cũng không ra ngoài bốn thứ này, ấy là : Ý đến cú (lời nói) không đến, cú đến ý không đến, ý cú đều đến, ý cú đều không đến. Dù cho các ông có đoán rất hay cũng đều vô dụng, chung quy không ra khỏi bốn thứ này.

Cần phải cơ-phong ăn khớp, vừa vặn khít khao. Dù cho lời nói của ông là đúng mà đối với chỗ hỏi của ta không ăn khớp, hoặc là chần chờ suy nghĩ một chút thì đều là không đúng rồi. Thế là lý lẽ gì vậy ? Người xưa có như thế không ? Triệt Tổ Thiên Tuệ là đời thứ nhất chùa Cao Mân gặp vua Ung Chính, cùng là một lời nói mà cái đúng, có cái không đúng. Cái Công-án này ta kể cho các ông nghe :

Đời Thanh, Hoàng-đế Ung Chính sau mười năm cầm quyền, chuyên xem Kinh-điển, nghĩ đến việc đức Thế Tổ (vua Khang Hy) có lạy Ngọc Lâm Quốc-sư làm thầy, thắc mắc Sư này có sở trường gì đặc biệt mà được làm Sư phụ của Vua ? Nên Ngài bèn tìm Ngữ-lục của Ngọc Lâm Quốc-sư để xem; xem rồi mới biết Ngọc Lâm Quốc-sư quả đáng làm thầy của cả nước. Vậy thì đã có thầy tất phải có trò nên Ngài bèn phái quan Khâm-sai đại thần tìm kiếm khắp nơi, về sau tìm được Triệt Tổ Thiên Tuệ ở núi Khánh Sơn, lúc ấy Tổ đang làm thư ký ở đó.

Mặc dù công phu đã đắc dụng, Khẩu-đầu-thiền cũng học được một tí nhưng gót chân còn chưa chấm đất, lúc ấy Tổ không dám đi nhưng sau trải qua nhiều sự khuyến khích của chư sơn Hòa-thượng nên mới cùng vị Khâm-sai tiến Kinh.

Đương thời bấy giờ Hoàng-đế Ung Chính muốn hội kiến với người xuất gia nên đặc biệt xây dựng một vườn hoa gọi là Viên Minh Viên. Cái ý nghĩa vấn đáp sau khi gặp Vua, các ông hãy nghe kỹ ! Vua hỏi : “Khi cha mẹ chưa sinh ra, mặt mũi bổn lai của ông ra sao ?”. Thiên Tổ lúc ấy hình như suy nghĩ chút ít liền đưa nắm tay lên.

Các ông còn lĩnh hội chăng ? Hôm nay ta ý theo đó mà hỏi các ông, các ông còn có người nào đáp lại ta chăng ? Cũng đưa nắm tay lên, đưa lên như thế, không đúng ! Các ông còn biết được chăng ? Sợ các ông không biết rồi.

Hoàng-đế thấy Tổ có chút suy nghĩ thì không chịu khứng cho, biết Thiên Tổ gót chân chưa chấm đất cho nên không công nhận. Tại sao vậy ?  'Chậm trễ một chút, muôn dặm mây trắng', tức là muốn nói chậm trễ một chút thì mây trắng đã che khuất hết muôn dặm Trời. Vậy muốn làm thế nào mới đúng ? Lời hỏi gần dứt thì ông đưa nắm tay lên liền mới là đúng, ngừng lại một tí thì không đúng đâu.

Vua Ung Chính thấy Thiên Tổ cũng là bậc Pháp-khí, có tâm muốn thành tựu cho người bèn nói : “Ông hỏi lại tôi để tôi đáp”. Thiên Tổ lại hỏi : “Muôn tâu bệ hạ, khi cha mẹ chưa sinh ra, mặt mũi bổn lai của Ngài ra sao ?”. Vua Ung Chính đưa nắm tay lên thì Thiên Tổ ngộ ngay.

Vua Ung Chính quay đầu lại hỏi Thiên Tổ nữa : “Khi cha mẹ chưa sinh ra, mặt mũi bổn lai của ông ra sao ?” Thiên Tổ đáp lại bằng bốn câu kệ :

“Nắm tay không gọi là nắm tay 

Gọi là nắm tay mắt kéo mây 

Hết thảy Thánh-hiền như điện chớp 

Thế giới chỉ như bọt biển thôi”.

Vua Ung Chính lúc ấy nói liền : “Kỳ này như ý, kỳ này như ý”, nói xong liền ban cho hai cây Như-ý, xuống chiếu cho Tổ phụng chỉ về núi, ban cho Y, Bát, Tích-trượng v.v…

Các ông tưởng tượng xem : Đáp ra một câu nói, trễ một tí thì chưa ngộ; cũng là một lời nói, không trễ tức là ngộ. các ông hôm nay có thể đáp ra được một câu, dù không được phụng chỉ Vua nhưng thanh danh cũng là có.

Một câu nói này quý trọng biết bao; đáp không ra, dù cho công phu ông tốt thế nào cũng uổng thôi ! Câu nói này nói ra rồi thì biết được công phu ông đúng hay không, có thể nói là “Ngôn tiền kiến Đạo”. Một câu nói vừa ra khỏi miệng thì ông ngộ liền, ấy tức là “Cú hạ thừa-đương”.

Cho nên muốn các ông đề câu thoại-đầu chân thật tham-cứu, đi, đứng, nằm, ngồi, ăn cơm, ngủ nghỉ, đều không rời câu thoại-đầu này (nghi-tình). Có nghi-tình tức là có công phu, không có nghi-tình tức là không có công phu.

Hiện tại các ông muốn khởi nghi-tình phải đề câu thoại-đầu này, tương lai minh tâm là minh câu này, ngộ là ngộ câu này, liễu cũng là liễu câu này. Chung quy nếu câu này chưa liễu thì sanh tử chưa liễu, câu này chưa minh thì Tâm-địa chưa minh. Muốn minh, muốn ngộ, muốn liễu cần phải lấy câu thoại-đầu này mà tham cứu đi. Hãy tham !

=> Thất thứ bảy

Tác giả bài viết: Liễu Phàm

Nguồn tin: Tông Phong Tàng Thư

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin cũ hơn