22:08 ICT Thứ sáu, 29/03/2024

Giới Thiệu

Thiền sư Bá Trượng

Thiền sư Hoài Hải, họ Vương, người Trường Lạc, Phước Châu. Thuở bé theo mẹ vào chùa lễ Phật, chỉ tượng Phật hỏi mẹ : Đây là ai ? Mẹ nói : Là Phật. Sư nói : Hình dạng Phật với người chẳng khác, con sau nầy cũng sẽ làm Phật.  Sư xuất gia từ thuở thiếu thời, tam học đều thông, ham thích...

Danh mục chính

Liên Kết Trang

TS NGUYET KHE
HUE NANG
TS DUC SON

Trang nhất » Tông Phong Tàng Thư » Sách Hướng Dẫn Tham Thiền » Trung Phong Pháp Ngữ

Trung Phong Pháp Ngữ - phần hai

Chủ nhật - 07/04/2013 15:52 Xem: 1919
8. KHAI THỊ THỦ TỌA LINH TẨU CỒ

Tham-thiền phải giải quyết xong cái nghi-tình sanh tử. Cái nghi nầy đã giải quyết thì tất cả thị phi sai biệt đồng thời đều giải quyết. Đã giải quyết xong như thế mới biết xưa nay không một vật. Ở chỗ không một vật cũng không có người nghi, cũng không có người sanh tử, cũng không có người giải quyết, cũng không có người nhận lời nói như thế, tất cả đều thâu về Tự-kỷ, chẳng nghĩ thiện, chẳng nghĩ ác, Pháp-tánh xưa nay bình đẳng. Đến chỗ này còn nói có một tí ti như vi trần là Phật, là pháp, là Thiền, là Đạo đều rơi vào vọng duyên. Thiền-đạo, Phật-pháp còn là vọng thì há nghi cùng chẳng nghi chẳng phải là vọng ư ?

Ông nếu thật chưa từng hướng về Tự-kỷ triệt ngộ một phen thấu suốt nguồn đáy, bèn hướng vào trong tâm trần lao hư vọng phóng túng sanh ra vọng kiến, lấy câu : "Bổn lai vô nhất vật" của người khác, dùng tình ý thức hòa hội suy tính rồi nói không có Tam-giới để ra, không có Niết-bàn để chứng. Nói được cũng tương tợ, song chỉ là lời nói thôi, nên đều trở thành vọng kiến; tính đem vọng kiến để thoát sanh-tử thì có khác nào ôm củi chữa lửa, lửa càng cháy mạnh, thật là vô lý.

Ông nếu chân thật muốn hạ thủ công phu, trước tiên đem cái việc lớnsanh-tử vô thường đặt ở trong lòng không cho có chút gián đoạn chỉ đề một câu-thoại-đầu, hết một báo thân nầy hướng thẳng tới trước đi. Điều thiết yếu là chẳng được nghĩ trước tính sau, hạ thủ công phu được, cũng như thế ấy hạ thủ, hạ thủ công phu chẳng được, cũng như thế ấy hạ thủ. Lâu ngày chẳng thay chẳng đổi, công phu thuần thục, việc hay giỏi đều quên, các vọng đều tiêu, bất giác bất tri ngộ nhập.

Công phu có thuần thục hay không thuần thục, nghi-tình có khởi hay không khởi. Người xưa nói : "Tham-thiền không bí quyết, chỉ cần sanh-tử thiết". Một cái tâm vì việc lớn sanh-tử nầy của ông chí thiết chí chân, chỉ từ trên cái tâm chân thiết đều là nghi-tình, tự nhiên chẳng cần buông bỏ hay bày đặt. Làm lâu ngày, cái tâm thiết tha vì sanh-tử chẳng gián đoạn, đầu đuôi xâu suốt thì còn có pháp nào có thể làm chướng ngại ?!

Cái Chánh-niệm vì sanh-tử của ông chẳng chân chẳng thiết, chỉ lo cố đề thoại-đầu khởi mạnh nghi-tình, quyết định chẳng thể khai-ngộ. Hễ cố được một lúc thì nghi được một lúc, cái tâm cố làm đó thối một chút thì nghi-tình cũng theo đó mất luôn.

Chỉ cần ở chỗ công phu chẳng thuần thục, chẳng nên cố khởi nghi-tình, chỉ cần đem sanh-tử vô thường suy nghĩ một bận xem, thấy đến không biết phải làm sao, không có phương-tiện có thể phá trừ, duy có một câu-thoại-đầu. Lại mạnh mẽ đề khởi cùng nó hạ thủ đi, hạ thủ được, cũng như thế ấy hạ thủ, hạ thủ chẳng được, cũng như thế ấy hạ thủ. Hạ thủ đến chỗ chẳng biết làm thế nào, bèn là lúc công phu thuần thục, cũng chẳng nên nghĩ là thuần thục, chỉ đầu đuôi nối nhau hạ thủ đi ! Hạ thủ như thế mà chẳng triệt chứng thì thật vô lý !

Nói khó nói dễ đều do người đó dùng sự suy lường của mình mà phân biệt, chứ thật ra tuyệt không có khó dễ. Như Đức Sơn thấy thổi tắt cây đuốc liền lãnh hội, Linh Vân thấy hoa đào ngay khi ấy lãnh hội. Cơ duyên như thế là dễ hay khó. Phải biết ở trên phần của Đức Sơn, Linh Vân là dễ còn ở trên phần người khác thì chẳng phải dễ. Ông nếu chẳng lấy việc lớn sanh-tử làm nhiệm vụ nặng nề của mình, quyết ý tham vấn nguyện cầu Chánh-ngộ thì dẫu cho đem 1700 Công-án, mỗi mỗi chú giải để cho ông hiểu, có thể nói là dễ đấy. Song chẳng biết hiểu lời nói là dễ, thấu được sanh-tử tình vọng kia thì khó đó lại khó. Chỉ cần tin được một câu-thoại-đầu liên tục tham-cứu, cũng chẳng cần hỏi là dễ hay khó. Lâu ngày Tâm-tánh sáng suốt thì khó cùng với dễ chẳng cần phải nói.

Chữ "Không" và "Sau khi chết, thiêu rồi, cái gì là Tánh của ta" đã là hai lớp, dù tôi có chỉ ông thoại-đầu thì chẳng xiết lộn xộn, công phu càng thấy đa đoan. Hôm nay ông chỉ cần đem hai câu-thoại-đầu kể trên xem câu nào được thuần thục hơn, rồi chỉ lấy một câu khán được thuần thục đó, đứng vững gót chân, cứ như thế một niệm muôn năm hạ thủ đi. Hạ thủ không ngừng, một chỗ thấu thì ngàn muôn chỗ đồng thời thấu. Hạ thủ đến chỗ quên cả mê ngộ, mất hết Thánh-phàm, nhìn lại thấy 1700 Công-án đều là lời nói dư, chỉ là mạt vàng làm lòa mắt mà thôi. Hãy kỹ lưỡng, hãy kỹ lưỡng !

Ba năm nay, tôi không viết chữ cũng không nói chuyện với người, vì ông từ xa đến hỏi, bất giác nói dây dưa như thế.    

9. KHAI THỊ THỦ TỌA UYÊN Ở HẢI ĐÔNG

Trên công phu nói khởi nghi-tình, phải biết nghi-tình vốn không có những việc chỉ bảo truyền thụ, cũng không có hình dạng, cũng không có tri giác cũng không có cán nắm, cũng không có xu hướng, cũng không có phương-tiện, cũng không có tạo tác an bài v.v... lại không riêng có Đạo-lý có thể sắp đặt chỉ bảo được để làm cho ông khởi nghi.

Chỗ gọi là nghi đó, chỉ là một việc lớn sanh-tử ngay nơi bản thân ông chưa từng sáng tỏ, chỉ nghi việc lớn sanh-tử nầy vì sao từ vô lượng kiếp đến nay trôi lăn mãi đến ngày hôm nay là cái lỗ mũi nào. Lại vì sao từ ngày nay bị trôi vào tận đời vị lai, quyết định có ngày nào xong ? Chỉ cái nầy là chỗ nghi. Từ xưa Phật & Tổ đều từ cái nghi nầy nghi mãi chẳng thôi tự nhiên đường tâm bặt, tình vọng tiêu, tri giải hết, năng sở quên, bất giác hốt nhiên tương ưng, tức là thời tiết của nghi-tình vỡ.

Người xưa cũng chẳng từng đi khán thoại-đầu, tham Công-án, lên bồ-đoàn làm hình thức, mà chỉ thiết tha ở trên việc lớn sanh-tử khởi nghi, đi ba ngàn dặm, năm ngàn dặm tìm gặp Thiện-tri-thức, chưa kịp cởi giày cỏ đã liền nói ngay : "Con vì việc lớn sanh-tử, vô thường nhanh chóng". Ngàn người, muôn người đều như thế, xuất gia như thế, hành cước (du phương) như thế, cầu Thiện-tri-thức như thế, học Đạo như thế, chẳng làm cái việc thứ hai nào khác, giả sử có cũng chẳng làm.

Từ đời sau đến ngày nay, dưới Thiền-tông chẳng nên có những lời dây dưa phổ biến, thường thường chân chưa bước vào cửa đã bị một thứ ngữ ngôn nầy dẫn dụ đem đi vào trong hang ổ dây dưa trói buộc, gọi là Phật-pháp, gọi là Thiền-đạo, bị cuốn vào trong lưới tri giải chẳng được xuất đầu, chỉ thêm đa văn là sở tri chướng, đối với Đạo chẳng từng có chút dính dáng. Các bậc Tôn-túc gần đây chẳng nỡ thấy trong Tùng-lâm có một tệ bệnh nầy, chưa đợi ông mở miệng, chỉ đem một câu-thoại-đầu vô nghĩa vô vị quăng ra trước mặt người học, chỉ muốn ông buông bỏ tất cả thân tâm, thế giới, các duyên tạp niệm và Thiền-đạo, Phật-pháp, ngữ ngôn, văn tự v.v...Chỉ dạy ông hướng lên trên câu-thoại-đầu nầy khởi đại nghi-tình tham cứu đi !

Chính ngay lúc tham cũng chẳng phải muốn rõ Phật-pháp mà tham, cũng chẳng phải muốn hiểu Thiền-đạo mà tham, cũng chẳng phải muốn cầu tất cả tri giải mà tham. Chỗ dụng tâm tham chỉ là chính mình có cái việc lớn sanh-tử vô thường mà không biết làm sao ? Vì thế tham đến chỗ thoại-đầu vỡ thì việc lớn sanh-tử cũng theo đó đều vỡ. Chỗ việc lớn sanh-tử rõ thì tất cả ngữ ngôn văn tự cũng theo đó đều rõ. Ngoài sanh-tử ra không riêng có thoại-đầu. Ngoài thoại-đầu ra không riêng có sanh-tử.

Từ xưa Cổ-nhân chỉ nghi sanh tử mà liễu ngộ đạo, người thời nay chỉ nghi thoại-đầu mà liễu ngộ Đạo. Cái việc khởi nghi-tình dường như có khác, nhưng cái Đạo ngộ kia thật không xưa không nay, không tạp không khác.

Chính đương lúc nghi thoại-đầu cũng chớ cầu phương-tiện, cần phải tin tham-thiền không có phương-tiện; cũng chớ cầu xu hướng, phải biết tham-thiền không có xu hướng; cũng chớ cầu cán nắm, phải biết tham-thiền không có cán nắm. Nói phương-tiện thì câu-thoại-đầu là phương-tiện, câu-thoại-đầu là xu hướng, câu-thoại-đầu là cán nắm. Chỉ cần tin được nổi, dựa được ổn. Đời nầy tham câu-thoại-đầu, quyết định phải ở trên câu-thoại-đầu nầy thấu triệt, như chưa thấu triệt cũng không sao, chỉ vì tự mình thiếu sự gan dạ, thiếu sự kiên cố, thiếu sự bất thoái chuyển, thiếu niềm tin và sự nắm chắc mà thôi. Chỉ cần nắm được Chánh-niệm tham câu-thoại-đầu cho chắc, cũng đừng để ý đến hôn trầm tán loạn, cũng đừng để ý đến động tịnh nói nín, cũng đừng để ý đến sanh già bệnh chết, cũng đừng để ý đến khổ vui thuận nghịch, cũng đừng để ý đến thành tựu hay chẳng thành tựu v.v... cho đến trừ cái Chánh-niệm tham câu-thoại-đầu nầy ra, dẫu cho tam thế chư Phật, lịch đại Tổ-sư đồng thời hiện ra trước mặt đem Pháp-yếu vô thượng đệ-nhất-nghĩa đế trút vào trong bụng ta, cũng cần phải lập tức mửa ra và cũng đừng để ý đến các Ngài. Bởi vì việc nầy chẳng ở trên Phật - Tổ, chẳng ở trên cảnh duyên, chẳng ở trên văn tự, chẳng ở trên tri giải, chỉ ở chỗ tột cùng là ông tin được việc lớn sanh-tử vô thường. Vì chẳng biết phải làm sao để giải quyết vấn đề sanh-tử nên phải tham thoại-đầu của Cổ-nhân. Trừ một cái niệm tham thoại-đầu của Cổ-nhân nầy ra còn muốn hướng vào trong một niệm thứ hai tìm kiếm thì giống như vạch sóng tìm nước vậy. Cổ-nhân nói : "Mật ở bên ông". Và đâu từng có một pháp cho người để thấy nghe, để nắm giữ. Hôm nay dạy ông khán câu-thoại-đầu đã là bất đắc dĩ rồi. Nếu ngoài câu-thoại-đầu nầy ra, lại suy nghĩ tính toán càng không dính dáng. Lâu ngày, về sau công phu thuần thục, thời tiết đến, nghi-tình vỡ. Phải biết nghi đó, tham đó cho đến cùng câu-thoại-đầu quy về Tự-kỷ, lại không có một pháp có lý lẽ, cũng không có một pháp là liễu hay chẳng liễu, cho nên trong Kinh nói : Sum la vạn tượng, một pháp sở ấn. Chỉ một pháp cũng không có chỗ tìm, há có câu-thoại-đầu ư ? Chỉ cần tin nhận, quyết chẳng gạt nhau.

Thiền-nhân Uyên ở Hải Đông hằng ngày ở trong Tăng-đường, nhân khán thoại-đầu chưa xong, viết thư cầu chỉ dạy, tôi viết vài lời đáp ông như thế.

10 KHAI THỊ THIỀN NHÂN VÔ ĐỊA LẬP

Bốn chữ Hồi Quang Phản Chiếu là cảnh giới độc thoát phàm tình, siêu nhập lãnh vực đại ngộ. Ông công phu chưa tới chỗ nầy thì quang làm sao hồi, chiếu làm sao phản. Ông nếu chưa chân chánh ngộ minh hễ có lý để hồi để phản đều là tự dối. Vì ngộ đến chỗ triệt thì Tâm-quang chẳng đợi hồi mà tự hồi, Giác-chiếu chẳng đợi phản mà tự phản. Vì không có đối đãi nên cũng không có quang để hồi, cũng không có chiếu để phản, ấy là nhất hạnh tam-muội. Từ xưa, Phật - Tổ đều nhằm vào chỗ nầy đặt gót, chứ chẳng phải chỗ ý-thức tình vọng có thể đến.

Hiện nay có một bọn người ngu si ở chỗ vắng lặng thâu cái thấy nghe tuyệt kiến văn tương tợ như gỗ đá, gọi là hồi quang phản chiếu, chiếu như thế ấy ba mươi năm, niệm niệm muốn thoát sanh tử chẳng được.

Chỉ cần mạnh mẽ đề khởi câu : "Triệu Châu vì sao nói Không ?" ngày đêm tham-cứu, đi cũng nghi, ngồi cũng nghi. Chính đương lúc khán như thế, điều thiết yếu là chẳng được tưởng là hồi quang phản chiếu. Chỗ tham-cứu chẳng được, chính là lúc tán thân bỏ mạng. Lâu ngày thuần thục hốt nhiên khai-ngộ, chẳng từng tự biết mà hồi quang phản chiếu hoàn tất vậy. Nếu còn cho là hồi quang phản chiếu thì vẫn y như xưa, chưa được ngộ.

Thiền-nhân Vô Địa Lập cầu lời cảnh-sách, tôi viết như thế.   

11. KHAI THỊ THƯỢNG CHỦ PHÙ

Như nói trong 24 tiếng đồng hồ làm chủ chẳng được, chẳng biết lìa câu-thoại-đầu sở tham nầy ra, lại gọi cái gì làm chủ ? Phải biết chính câu-thoại-đầu nầy là chủ của ông. Chỉ cần thường khiến cho câu-thoại-đầu sở tham nầy chẳng lìa Tâm-niệm, ấy là làm được chủ, cũng chẳng nên nghĩ là làm được chủ. Ý của người xưa trước kia chẳng từng nói đến "làm chủ", như Tổ Qui Sơn nói : "Có làm Chủ-tể chớ theo nhân tình" là lời nói tạm thời sách phát sự tinh tấn cho người, chứ chẳng phải Đạo.

Lại nói ở trên hôn trầm, tán loạn, thị phi, nghịch thuận khán thoại-đầu. Lời nầy không có đạo-lý khó hiểu, chỉ tại ông hiểu chẳng được, cố sanh tri kiến. Như đang khi khán thoại-đầu chợt các cảnh hôn trầm, tán loạn, thuận nghịch hiện tiền thì phải phấn chấn tinh thần hướng vào trong hôn trầm, tán loạn khán, lâu ngày hôn trầm, tán loạn, tình vọng thuận nghịch tự tiêu. Có người thấy các cảnh hôn trầm, tán loạn, thuận nghịch nầy hiện tiền bèn sanh nghi, rồi lầm cho rằng chắc còn có phương-tiện nào khác để trừ khử các thói quen hôn trầm, tán loạn v.v...Lại đổ lỗi cho căn-khí, túc nghiệp, các thứ cảnh duyên, vừa khởi tâm nầy thì ở trên hôn trầm, tán loạn chồng thêm hôn trầm tán loạn, ở trong thuận nghịch lại thêm thuận nghịch. Vì thế dạy ông lúc hôn trầm tán loạn chỉ ở trên hôn trầm tán loạn khán, cũng chẳng phải có vật gì khác để khán, cũng chẳng phải khán hôn trầm, tán loạn là vật gì ? Cũng chẳng dạy ông ở trong hôn trầm tán loạn, thuận nghịch v.v... tìm cái lỗ mũi nào khác. Chỉ dạy ông ở trên hôn trầm, tán loạn v.v...chỉ đề khởi thoại-đầu tự khán, hằng chẳng buông bỏ, cũng chẳng vọng khởi niệm thứ hai phân biệt đây là hôn trầm, tán loạn, thuận nghịch v.v..., đây chẳng phải là hôn trầm, tán loạn, thuận nghịch v.v... Hạ thủ công phu chỉ cần ngộ thoại-đầu, chẳng cần ông bài trừ hôn trầm, tán loạn v.v...Ông chỉ cần thống thiết nghĩ đến việc lớn sanh-tử vô thường, đơn đề một câu-thoại-đầu khởi lên đại nghi-tình để cầu Chánh-ngộ. Hễ niệm-sanh-tử thiết tha thì tự nhiên thoại-đầu miên mật. Ở chỗ khán thoại-đầu miên mật, hôn trầm tán loạn tự nhiên chẳng hiện. Lúc hạ thủ công phu thấy có hôn trầm tán loạn v.v... tức là cái niệm vì sanh-tử của ông chẳng thống thiết, niệm khán thoại-đầu chẳng miên mật.

Lại nói ở trên thoại-đầu khởi nghi-tình sợ rơi vào suy nghĩ. Nói vậy là sai rồi. Người xưa chỉ vì việc lớn sanh-tử chưa giải quyết, hai ba mươi năm đi ba ngàn dặm, một muôn dặm, gặp Thiện-tri-thức liền thưa : "Con vì việc lớn sanh tử", chứ đâu từng khán thoại-đầu, khởi nghi-tình. Tuy chẳng khán thoại-đầu, khởi nghi-tình mà cái tâm vì việc lớn sanh tử chưa giải quyết, chính là chỗ nghi của người xưa.

Người tham học thời gần đây có cái khổ là chẳng lấy sanh-tử làm việc lớn, lại còn thêm ngữ ngôn rườm rà của Thiền-tông càng nhiều, khiến cho người học chưa bước vào cửa, trước đã lấy sự ghi nhớ ngữ ngôn làm sự nghiệp, khiến cho cái Chánh-niệm vì sanh-tử bị ngăn cách. Cho nên các bậc Tôn-túc thời gần đây bất đắc dĩ đem câu-thoại-đầu vô nghĩa vô vị ném vào trong ruộng Bát-thức của ông, bảo ông bỏ đi tất cả tri giải, chỉ hướng vào chỗ chưa hiểu của câu-thoại-đầu nghi đi. Cái nghi-tình như đụng nhằm núi bạc vách sắt trước mặt không có một bước có thể tiến, vừa khởi niệm thứ hai là rơi vào suy lường. Hễ chẳng khởi niệm thứ hai tức là nghi-tình, trong nghi-tình nầy tự nhiên cắt đứt tất cả các bệnh tri kiến, giải hội, hốt nhiên ông ở chỗ nghi đụng nhằm lật ngược (ngộ) mới biết như một lời nửa câu của Cổ-nhân thật là đống lửa lớn, là suy mao kiếm (*) chẳng thể phạm được. Hễ dốc lòng tin thì không việc gì chẳng xong.  
  GHI CHÚ : (*) Suy mao kiếm : Tên một thứ bảo kiếm rất bén, có thể để sợi tóc lên trên lưỡi thổi một cái thì tóc đứt liền.    

12. KHAI THỊ THIỀN NHÂN NHẬT BỒN NGUYÊN

Tâm nầy mê thành Sanh-tử, ngộ thành Niết-bàn. Vậy cái mê sanh-tử hẳn là khó trừ, nhưng trái lại chẳng biết Niết-bàn của ngộ vẫn là mạt vàng rơi vào mắt. Phải biết Bát-nhã như đống lửa lớn chẳng cho tất cả ghé vào. Ông hạ thủ công phu, tâm chẳng chịu chân thật thiết tha, chẳng thể ở trên một niệm đầu tiên làm mù (không biết gì hết) để tọa đoạn, trong hai mươi bốn tiếng đồng hồ ngây ngây tương tợ như người chết dựa vào câu-thoại-đầu sở tham, tất cả đều chém đứt. Người học thường ở chỗ tọa chẳng đoạn mà sanh ra sự tính toán sai khác, cho là khó là dễ, dẫn khởi tình vọng sai biệt lăng xăng giao tiếp, lòng chẳng thể tùy chỗ cắt đứt. Rồi lập mười điều nguyện nặng, muốn dựa vào sức của các nguyện nầy cắt đứt những suy nghĩ vẫn vơ, vọng tưởng hư huyễn như đá đè cỏ, dẫu cho có lập ngàn điều nguyện nặng cũng đè chẳng được, càng thấy xa xôi.

Ông chẳng nghĩ sanh tử vô thường là một đoạn nhân duyên lớn nhất từ vô-thỉ. Ông cần muốn tương ưng thì không có phương-tiện nào khác hơn là chỉ có một câu-thoại-đầu sở tham, ngay đây chỉ cần một phiến Chánh-niệm quyết định chẳng thoái chuyển, chẳng đổi dời, sống cùng nó sống, chết cùng nó chết. Giả sử khi chưa ngộ, ngàn Thích-ca, muôn Di-lặc trút cả bốn biển Phật-pháp vào lỗ tai ông cũng đều là trần lao hư vọng chứ chẳng phải cứu cánh. Chỉ vì cái Chánh-niệm của ông chẳng vững vàng nên điên đảo cuồng vọng ngàn đường muôn lối trọn không có lúc thôi nghỉ.

Cẩn trọng ! cẩn trọng !

Thiền nhân Nguyên hãy cố gắng !    

13. KHAI THỊ THỊ GIẢ TỰ HẢI VĂN

Phật - Tổ thuở xưa thống thiết vì việc lớn sanh-tử chưa giải quyết xong, nhiều kiếp ở trong biển Bồ-đề huân tập sâu dầy, luyện kỹ chẳng phí phút giây cho đến ở trong Pháp-bồ-đề bỏ trăm ngàn muôn ức thân mạng, xem phú quý ân ái chẳng khác nào bụi bay qua mắt. Một niệm chăm chăm đề khởi câu-thoại-đầu vô nghĩa vô vị của Cổ-nhân, quên lạnh quên nóng, bỏ ngủ bỏ ăn, chẳng đến chỗ Đại phát minh, chỗ hoàn toàn thôi nghỉ thì chẳng thôi. Đủ thế tài như thế, mỗi mỗi thấu đảnh thấu đáy, đầu đuôi xâu suốt với nhau. Sau đó đem chỗ sở đắc đưa vào lò rèn trui đi luyện lại để cho mảy trần sạch hết, trắng trẻo thanh khiết, ở trên bờ sanh-tử Niết-bàn dạo chơi tự tại, đây là người Tâm-không thi đậu về. Đâu có giống như người thời nay gót chân cạn cợt chẳng chịu tử tâm, tử chí hướng vào chỗ chân thật đứng vững gót chân để cầu chân thật giải thoát, chỉ quý ở trên sách vở ghi nhớ, bên miệng nói tai nghe, nhiễm thành thói quen chỉ muốn hiểu Thiền là xong. Trái lại, chẳng biết việc lớn sanh-tử ở dưới gót chân vẫn y như cũ đen như dầu hắc, chẳng những vô ích mà còn hại nữa.

Thị-giả Tự Hải Văn cầu lời cảnh-sách, tôi khai-thị đường tắt nhập Đạo như thế.

Hạ thủ công phu cần tin cho nổi. Từ một niệm đầu tiên tin cho nổi, như vậy ba mươi năm vĩnh viễn chẳng sanh niệm thứ hai. Càng tham chẳng được càng thêm tinh tấn, càng hạ thủ chẳng được càng thêm dũng mãnh. Ông ở chỗ hạ thủ chẳng được, tham chẳng được, chợt sanh một niệm nghi hoặc vọng kiến khởi các thứ tình giải hoặc phàm hoặc Thánh v.v...đều rơi vào hầm sanh-tử.

Tham-thiền, nếu tham chẳng được chẳng nên nói căn khí chậm lụt, chẳng nên nói nghiệp chướng nặng, chẳng nên nói thời tiết muộn, chẳng nên nói chẳng gặp Thiện-tri-thức. Đại ý chỉ vì một cái Chánh-niệm vì sanh-tử của ông chẳng chân chẳng thiết. Tâm nầy nếu chân thiết, nói gì ba mươi năm, mà ba mươi đời cũng không sợ hãi, cứ mật thiết hướng tới trước tham-cứu. Cổ-nhân nói :

Cần câu gãy hết trồng trúc khác

Chẳng tính công trình, được mới thôi.

Nếu ông chẳng đủ những thể tài nầy thì tham-thiền học Đạo đều là kiến giải điên đảo. Người học Đạo chân chánh cần phải biết.

Thị-giả Văn hãy cố gắng, lão huyễn nói như thế.   

14. KHAI THỊ THIỀN NHÂN Ý

Phật-pháp toàn thể là ông đầy đủ, ông vừa chợt sanh một niệm muốn nhằm ở trên Phật-pháp nắm lấy thì đã rơi vào ý-địa, không bao giờ cùng với Phật-pháp tương ưng. Ông nếu chân chánh chẳng chịu bỏ qua việc lớn sanh-tử, lại chẳng hướng vào lúc một niệm chưa khởi mà gánh vác, chỉ đem câu-thoại-đầu :"Khi tứ Đại tan rã hướng vào chỗ nào an thân lập mạng ?". Tùy theo ông bất cứ ở chỗ nào đứng ngồi miên mật tham-cứu. Chính đương lúc tham, tất cả những nghĩa lý của Kinh-điển và ngữ ngôn, Công-án trong Thiền-tông từ xưa đến nay đã ghi nhớ được đều chẳng được nhớ nửa chữ trong lòng, cũng chẳng được treo nửa chữ ở bên khoé miệng. Trong 24 tiếng đồng hồ ngây ngây tương tự như xác chết biết đi. Chỉ như thế chuyên chú đề câu-thoại-đầu sở tham, tham-cứu lâu ngày chẳng lui sụt thì tự có cái thời tiết siêu nhiên đốn ngộ. Ông nếu chưa đích thân đến cái thời tiết Chánh-ngộ nầy mà chỉ muốn đem tâm-ý-thức hướng lên trên ngữ ngôn tương tợ hòa hội tri giải, dẫu cho ông hiểu được một gánh Thiền-đạo Phật-pháp, đây gọi là "Ăn đàm dãi con chồn", muôn kiếp ông cũng không xong việc.

Thiền nhân Ý hãy nhớ lấy !    

15. KHAI THỊ THIỀN NHÂN NHÂN

1. Chỉ có niềm tin mới khiến cho mình đề khởi câu-thoại-đầu sở tham bất kể thời hạn, bền bỉ tham đi tự nhiên có lúc ngộ nhập. Chẳng nên ở ngay lúc tham-cứu sanh ra tất cả tâm nghi ngờ, lại chẳng nên sanh tất cả tâm cầu mau khai-ngộ. Ví như đi đường, gắng sức ắt tự đến nơi.

Lúc tham thoại-đầu, hạ thủ công phu, hễ có tất cả kiến văn giác tri kỳ đặc, thù thắng, ứng nghiệm v.v... đều là duyên ma, chỉ cần chẳng sanh tâm chạy theo, lâu ngày tự cởi mở. Ông nếu vừa sanh một niệm tình chấp ưa thích thì rơi vào cảnh ma, tự cho là phát minh, trở thành cuồng loạn.

Ngộ Đạo như người đến nhà, cảnh vật trước mắt đều là nhà cũ, mỗi mỗi tự nhiên ổn đáng rõ ràng, không còn có một mảy may nghi hoặc. Nếu như còn nửa điểm nghi hoặc quyết định chẳng phải nhà cũ thì phải tiếp tục tham-cứu. Bằng không thì vọng thành dị kiến.

Tham chữ "Không", chỉ cần hướng lên trên chữ Không khởi nghi-tình tham "Triệu Châu vì sao nói chữ Không" nầy ?. Trong 24 tiếng đồng hồ chỉ tham như thế. Chính đương lúc tham, chẳng hỏi có suy nghĩ phân biệt hay không suy nghĩ phân biệt. Có suy nghĩ hay không suy nghĩ đều thuộc về vọng tưởng. Hôm nay chỉ muốn ông hướng lên trên câu-thoại-đầu sở tham khởi nghi-tình. Chẳng nên ở trên tất cả cảnh duyên khởi tưởng phân biệt. Hễ ngoài câu-thoại-đầu sở tham ra, khởi một niệm khác bất luận là niệm về Phật, niệm về Pháp đều là chẳng phải Chánh-niệm. đều là hạt giống sanh-tử.

Người chân thật hạ thủ công phu trong 24 tiếng đồng hồ, niệm-niệm như cứu lửa cháy đầu, như một người địch với muôn người, đâu có thì giờ rảnh mà để ý đến thân mạng thế duyên, cũng đâu có thì giờ rảnh để yêu cầu người khai phát, cũng đâu có thì giờ rảnh hỏi người để tìm ngôn cú, tìm giải hội.

Lại có một hạng người ba ngày không được khai phát thì tâm mờ mịt. Bọn nầy đều là người đuổi theo vọng lưu chuyển, chẳng phải là người hạ thủ công phu.

Đại khái, người hạ thủ công phu như kẻ ăn trộm muốn trộm vàng bạc của người, lúc đi cũng muốn trộm, lúc ngồi cũng muốn trộm, lúc rảnh cũng muốn trộm, lúc bận cũng muốn trộm, lại đâu để lộ cái tâm muốn ăn trộm nầy cho người ta thấy. Càng muốn ăn trộm thì càng giấu kín ý muốn. Tâm tâm, niệm niệm như thế lâu ngày chẳng lui sụt thì đến được địa vị của Cổ-nhân. Đâu giống như người trong 24 tiếng đồng hồ làm chủ không được, chỉ muốn chạy theo vọng tưởng lưu chuyển, cố làm Chủ-tể, chạy lên bồ-đoàn làm hình thức, niệm niệm rong ruổi tìm cầu chẳng chịu thôi nghỉ, đâu tìm được thời tiết tương ưng.

Hãy ghi nhớ !

Thời giờ qua mau như nước chảy, phải nên tự tỉnh !  


Tác giả bài viết: thichdaophat

Nguồn tin: Tông Phong Tàng Thư

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn