21:53 ICT Thứ năm, 28/03/2024

Giới Thiệu

Lời Bạt

Một lần gặp mặt một lần già, Một lần gió thổi một lần lạnh!          Khi lược qua trang này có bạn đặt câu hỏi với ban biên tập (Bbt) rằng : Xin cho biết thầy hoằng pháp Giáo môn hay là Tổ Sư Thiền (TST) vậy ? Con nghĩ thầy hãy đề rõ ràng tin tức để tránh hiểu lầm....

Danh mục chính

Liên Kết Trang

TS NGUYET KHE
TS DUC SON
HUE NANG

Trang nhất » Tông Phong Tàng Thư » Sách Hướng Dẫn Tham Thiền » Thiền thất khai thị lục

Thiền thất khai thị luc - phần IX

Chủ nhật - 31/03/2013 19:42 Xem: 2168
Thất tám
47. KHAI THỊ : Ngày 6 tháng 12 (Thất 8 ngày đầu).

Người dụng công phải có công phu để dụng mới gọi là Đạo-nhân. Giả sử nói là người dụng công, nhưng đối với sự thực hành của chính mình thì lại không được công phu, sao gọi là Đạo-nhân được ?

Hành-đạo cũng như đi đường, lúc đầu ở ngã tư đường, đi qua đi lại thấy đông đảo, tốt quá, người đi lại thì nhiều, cái gì cũng có, lần lần hình như kẻ qua lại ít đi thì bớt náo nhiệt rồi. Đi nữa thì đến chỗ ven vùng sơn dã khó mà thấy được một người, vắng vẻ cả rồi, càng đi nữa thì đến chỗ thâm sơn cùng cốc, một người cũng chẳng có, cảnh vật thanh vắng, đường đi càng nhỏ.

Các ông người có dụng công đối với lời nói này ắt thấy rất tương ứng với mình, một điểm, một chữ cũng không sai. Người không dụng công được không biết lời của ta nói là gì, đường phố cũng không biết đường phố ở Thị-trấn nào, núi cũng không biết núi gì, đường nào cũng chẳng biết đường nào hết, thiệt làm cho người ta mò chẳng ra được ! Đại khái các ông có loại tri kiến này.

Ta phải nói rõ cho các ông biết : Đây là lời nói về sự công phu, các ông đừng làm ở bề ngoài. Vậy đường đi đã hết, lần lần đến chỗ thâm sơn cùng cốc, đến chỗ này rồi thì còn đường đi nữa không ? Đường thì không có để đi, nhưng trên công phu làm sao lãnh hội được ?

Lúc mới đầu đề lên câu thoại-đầu thì vọng tưởng, phiền não, tham ái, si mê v.v… so với ngã tư thành phố còn náo nhiệt hơn, bởi vì quá nhiều; hôm nay cũng câu thoại-đầu ngày mai cũng câu thoại-đầu, cũng như đi đường vậy, cứ tham chậm chậm; câu thoại-đầu tham lâu ngày rồi thì dần dần vọng tưởng, sân ái, phiền não v.v… đều bớt đi.

Lại nữa nghi-tình biết đề lên rồi thì lần lần quen thuộc thôi ! Nghi-tình khi đã quen thuộc thì giống như đến nơi sơn dã vậy, vọng tưởng phiền não khó mà khởi lên được. Tham nữa, khởi nghi-tình nữa thì nghi-tình này sẽ thành khối thôi. Con đường trước mặt ban đầu càng đi càng nhỏ lại, thanh vắng im lặng; đến bây giờ khi nghi-tình thành khối thì cũng không còn đường để đi nữa mà một chút mùi vị cũng không có, cô đơn thanh vắng, nhưng tri kiến các ông tưởng là : “Không đúng ! Làm sao người dụng công trên công phu lại tạo thanh vắng làm gì ? Náo nhiệt thì tốt biết bao, tại sao lại muốn cô đơn thanh vắng, một chút mùi vị cũng chẳng có làm gì ?”.

Đúng vậy ! Nhưng ta nói : Muốn náo nhiệt để làm gì ? Đường đi đã không có, náo nhiệt để chỗ nào ? Không có mùi vị thì còn có miệng không ? Miệng đã không có thì lưỡi ở đâu ? Còn mùi vị hay không ? Không có lưỡi thì không thể nào biết được, lưỡi đã không thì mùi vị từ đâu đến ?

Đối với chữ Thiền đương nhiên cần phải Tham. Nhưng công phu hành đến nơi còn nói chi là Thiền ? Thí dụ có bệnh mới uống thuốc, bệnh hết rồi còn uống làm gì ? Nếu bệnh hết mà còn uống thuốc thì không đúng rồi ! Bệnh hết, thuốc nhất định phải bỏ. Lời này các ông có hiểu được chăng ? Nếu những lời nói về công phu lúc mới đầu này có chút lĩnh hội thì cũng không cô phụ các ông là người Đả-thiền-thất.

Như thế đường ta nói đã đi xong chưa, có còn đứng tại chỗ này hay đã lùi về phía sau rồi ? Còn đứng tại chỗ này thì không đúng, không thể xong việc, người đứng trên đường đã không đúng, sụt lùi lại càng không đúng nữa.

Đến thì cứ đến ! Muốn các ông thối lui phía sau thì phía sau là lửa cháy mạnh, đương nhiên không lùi được, không lùi nhất định phải tiến về phía trước, không tiến cũng phải tiến, đây không phải là việc dễ gì làm được. Muốn duỗi chân ra thì chân không có chỗ để duỗi, muốn đưa tay ra cũng không có chỗ mà đưa, các ông hãy nghĩ xem : Cũng như con dòi trong lu mặc dù bò ra không được cũng ráng sức mà bò, chỉ muốn đi trốn, bò qua bò lại còn có thể lăn lộn vài lần. Các ông công phu nghi-tình đã thành khối rồi, trong khối này còn được lăn lộn không ? Sợ không dễ gì ? Bởi vì cái khối này lớn quá, muốn duỗi chân ra thì một tí chỗ hở cũng không có. Trong hư-không cũng ở trong khối này, ngoài hư-không cũng ở trong khối này, thập phương chư Phật cũng ở trong khối này.

Các ông thử nghĩ xem : Chân này duỗi ra chỗ nào ? Tay đưa ra chỗ nào ? Nhô đầu ra đâu ? Muốn duỗi chân một chút thì chỗ đưa chân cũng ở trong khối này và nhô đầu ra cũng vậy. Không những tay chân, chúng ta còn phải nghiên cứu xem xét rốt cuộc khối này là bao lớn ? Con người của ta ở trong hay ở ngoài cái khối này ? Bên ngoài còn có chỗ nào, mà ở trong thì tướng mạo ra sao ? Các ông đều cần phải thấy được một tí mới tốt, cần phải rõ ràng thấy đến mới đúng; chỉ nghe nói thôi thì vẫn còn là của ta.

Cái khối này lớn lắm, không những hư-không bị nó lôi cuốn vào trong mà ngay cả Phật Thích-ca, các đại Bồ-tát, Văn Thù, Phổ Hiền, Quan-âm cho đến thập phương chư Phật đều bị khối này bao gồm vào trong. Thiên-đường, Địa-ngục, sâu bọ con kiến cũng đều ở trong khối này, các ông hiểu hay không ? Cần nghiên cứu xem, đây không phải là việc nhỏ đâu.

Tại sao ? Các ông không nghiên cứu nó cho rõ thì nói làm sao đập bể khối nghi ? Làm sao đập vỡ được khối nghi ? Nếu nói khối nghi đập bể đích thân nhìn thấy bản lai diện mục là nói bậy ! Ông nói ông thấy bản lai diện mục của ông, như vậy còn có bản lai diện mục của ta chăng ? Diện mục của người khác có hay không ? Cái diện mục này so với nghi-tình thì lớn hay nhỏ hơn ?

Nói câu : “Đập bể khối nghi, đích thân thấy bổn lai diện mục”, đó đều là do các ông học từ bên ngoài mà thôi. Ta hỏi câu thứ nhất thì các ông đều đáp không nổi. Sở dĩ muốn các ông tự mình thấy được, muốn thiết thực thảo luận qua; nếu không thấy được như vậy, thân thiết như vậy, dù cho các ông nói thật đập bể khối nghi thì vẫn còn là kẻ mang mặt bộ mặt giả !

Phải hiểu là đường đi vạn dặm thủy chung không rời bước đầu tiên. Nếu không thấy được rõ ràng thì cứ sai mãi, ngàn sai muôn sai đều do cái sai này. Rất cần yếu là tham đi !

48. KHAI THỊ : Ngày 7 tháng 12 (Thất 8 ngày thứ 2).

(Giảng sự tích Phật Thích-ca nửa đêm trông thấy sao sáng mà thành đạo và thuyết pháp v.v… Nay lược bỏ).

49. KHAI THỊ : Ngày 8 tháng 12 (Thất 8 ngày thứ 3).

Người tham-thiền như trên đường vạn dặm trở về nhà, mà nay đã đi được chín ngàn dặm rồi, chẳng bao lâu nữa thì về đến nhà. Tỷ như đỉnh núi muôn trượng, chúng ta từ chân núi mà trèo lên ngọn, một chân cứt chó, một chân gai góc, muốn tìm một con đường lớn để đi mà không có, chẳng hỏi có đường hay không có đường mà chỉ hướng đi lên; hôm nay cũng trèo, ngày mai cũng trèo thì trèo lên được thôi.

Trèo lên thì được rồi, đến đầu ngọn núi chỉ có chỗ để đặt một chân thôi, nhìn xuống là vách núi muôn trượng, động chân thì bước vào hư không, chung quanh đều không còn chỗ. Đến chỗ này rồi đứng lại, dường như là tốt lắm, có thể nói : “Đỉnh núi muôn trượng”, “Đầu sào trăm thước”.

Đến nơi này rồi tốt thì tốt nhưng còn thiếu một bước đường, một vạn dặm đi được 99.999 dặm rồi, chỉ thiếu một dặm nữa thì đến cái nhà bản lai của chúng ta; đến được nơi này rồi thì hy vọng vô cùng. Một dặm đường này chỉ cần các ông bước chân là có thể đến nhà, chỉ cần bước chân một chút thôi thì có thể hy vọng thành Phật, hy vọng làm Tổ, cho đến hy vọng siêu Phật vượt Tổ cũng ở cái bước này.

Tại sao lại phải bước thêm một bước ? Chỗ này đương nhiên là không tốt mà người xưa đã nói như thế rồi. Tại sao vậy ? Người xưa nói : “Người ngồi trên đầu sào trăm thước tuy là được nhập nhưng mà chưa chân thật”. Ấy là muốn nói : Lúc mà các ông đến đầu sào trăm thước rồi ngồi xuống tại chỗ đó không bước thêm về trước nữa thì chẳng thể kể là người chân thật về đến nhà.

Ta hôm nay muốn hỏi các ông : Công phu có đến được chỗ này chưa ? Những lời này là vì các ông cần công phu đến được chỗ này thì mới giảng cho các ông nghe; trong kỳ Thất thứ ba giảng mấy lời này là vô dụng vì công phu các ông không dụng đến được nơi này, nếu ở vào lúc bình thường lại càng không xong. Hôm nay đã được bảy, tám Thất rồi, công phu đương nhiên phải đến chỗ này, các ông hãy nhủ lòng tự hỏi : Có hay không có ? Nếu công phu đến được chỗ này thì tốt lắm ! Ta nói như thế thì các ông nhất định lĩnh hội được; bảo các ông bước thêm bước nữa, các ông cũng có thể tin chắc mà bước tới, ấy chẳng phải là rất tốt sao ?

Không có được công phu như thế thì ta uổng công nói rồi ! Còn chỗ nào là có ích đâu ? Nhưng không thể vì các ông như vậy mà không nói ra; công phu các ông không dụng đến, đả-thất được bảy, tám kỳ rồi, đương nhiên muốn giảng đến chỗ này cho các ông, công phu các không dụng đến, ấy là các ông phụ ta, không phải ta phụ các ông.

Nhưng mà “Đỉnh núi muôn trượng” chỉ là một ví dụ, về công phu của chúng ta thì lại là như thế nào ? Cần các ông lĩnh hội một chút, từ chỗ không biết mà dụng công, một chân cứt chó, hôn trầm vọng tưởng, dụng đến thuần thục cho đến thành khối tự tại, cho đến đỉnh núi muôn trượng. Nhưng mức công phu này làm sao đến được ? Lúc công phu đến mức thành khối thì quét bỏ cả tâm, ý, thức mới có thể đạt đến mức này.

Nói cho rõ ràng một chút : Tâm là cái năng tri, tất cả thiện ác, thế gian xuất thế gian là sở tri của tâm, cái tâm này phải lìa bỏ. Ý nghĩa là tất cả pháp, chẳng kể là pháp Đại-thừa hay Tiểu-thừa, nếu dùng bộ não suy nghĩ một chút thì liền rơi vào Ý-thức, cho nên cũng cần phải lìa bỏ. Đó là chuyện trong Thiền-tông, tuyệt không phải là chuyện trong Giáo-môn đâu, mọi người cần nhận biết cho rõ ràng. Giáo-môn không có chuyện như thế đâu !

Nói đến chữ Thức tức là muốn các ông nhận chân mà tham-thiền ! Vậy thế nào là Chân-tham ? Chân-tham là vô tham. Ý nghĩa câu nói này ta phải phân biệt dùm cho các ông một chút, vì câu nói này người hiểu lầm rất nhiều.

Tại sao vậy ? Người không biết dụng công nghe câu nói này rồi bèn nghĩ : “Tốt lắm ! Chân-tham là vô tham, ta quả không biết tham tức là vô tham, ấy chẳng phải chân vô tham sao ? Vậy không cần dụng công nữa rồi !”. Ông cứ cho đấy là rất đúng : “Ta là vô tham”. Kỳ thực cái vô tham này của ông là cái vô tham của Lục-đạo luân hồi, không phải cái vô tham siêu Phật vượt Tổ !

Cái vô tham đó là công phu dụng được đến thành khối mà chẳng biết có sự tham, chứ chẳng phải là không có tham. Ta hôm trước đã giảng về nghi-tình thành khối rồi, thập phương chư Phật, hết thảy Bồ-tát, lịch đại Tổ-sư đều ở trong cái khối nghi này, không cho các ông biết công phu của cái nghi-tình thành khối này, tham cho đến chỗ này không biết mình đang tham, đó mới là vô tham.

Cái vô tham này của các vị ấy có giống cái vô tham của người hiểu lầm không ? Nếu mọi người đã tham và chân tham cái vô tham này, như thế thì cái vô tham này do chân thật dụng công tự nhiên đến chỗ không còn tự biết, còn cho các ông phân biệt chăng ? Hễ cứ muốn phân biệt thì rơi vào cái Thức ngay ! Cho nên không cho Tâm biết, không cho Ý suy nghĩ, không cho Thức hiểu thì mới kể là đến được “Đỉnh núi muôn trượng” cũng là đầu sào trăm thước.

Ta muốn hỏi các ông công phu có đến chỗ này chưa ? Các ông cứ cho việc này là khó lắm, ta bảo là không khó. Các ông cứ tự mở mắt ra xem, nơi các ông đứng là nơi nào ? Công phu đến nơi này, há có lẽ nào mà không thấy được chăng ?

Nhưng mà ta muốn hỏi các ông : “Công phu có dụng đến chỗ này chăng ?”. Các ông đáp : “Tôi đến rồi !”. Ta lại hỏi : “Nơi này mở mắt ra xem còn có gì nữa không ?”. Các ông cần trả lời ta mới đúng. Còn có người không ? Còn có ta không ? Còn có Phật không ? Còn có Pháp không ? Còn có Tăng không ?

Các ông nếu trả lời ta : “Có”, đã nói có thì cái có từ đâu mà có ? Nếu nói không có thì các ông ở chỗ nào ? Đây không phải là việc nhỏ đâu, ta hỏi các ông, các ông phải biết thật rõ ràng mới đúng. Nếu các ông có thể dụng công phu đến chỗ “Đầu sào trăm thước” thì nhất định biết thôi.

Phải hiểu được rằng : “Công phu đến chỗ này thì rất có hy vọng; hễ tiến thêm một bước thì thọ dụng vô cùng”. Hãy tham đi !

50. KHAI THỊ : Ngày 9 tháng 12 (Thất 8 ngày thứ 4).

“Vực thẳm buông tay, chết rồi sống lại”, hai câu nói này người đã ở chốn Thiền-lâm đại khái đều có nghe qua. Nhưng mà nghe thì cho ông đã nghe qua, mà hành thì không, vậy không cho là các ông hành qua. Tại sao vậy ? Nếu ông đã từ chỗ này hành qua một chút, thì hôm nay các ông chẳng phải là một người như thế này.

Đối với công phu ở hai câu trên là công phu gì ? Cần phải giải thích rõ rệt cho các ông một chút : Thiền-tông vốn không mượn lời nói nhưng vì dẫn dắt các ông hành Đạo, nếu không nhờ lời nói thì lại chẳng có đường để đi, cho nên ở phía trước ta nói, các ông có thể theo lời ta nói mà hành cho đến, cái lời nói phương tiện này thì không thể hiểu được.

Cũng như hôm qua ta nói đến đỉnh nhọn ở trên đầu núi, từ chỗ này mà bước thêm một bước nữa thì lọt vào hư không, thế không phải là vực thằm buông tay sao ? Nhưng cái bước này rất là quan trọng. Tại sao vậy ? Trước mũi chân là hư không, vậy muốn bước chân này phải bước như thế nào ? Cái bước này động được thì phỏng có đường đi không ? Không thể bước đi trong hư không được, vậy có người nào làm được cái chuyện bước đi trong hư không chăng ? Quả chẳng phải là chuyện chơi !

Đối với người công phu đến được chỗ này thì họ tự biết rõ là có con đường này, họ không những buông tay đi mà còn buông chân để chạy nữa, đi qua Đông qua Tây, đi lên đi xuống, tùy họ đi như thế nào cũng có đường đi cả.

Người không có được công phu như vậy thì đáng tiếc lắm ! Nghe ta nói thì muốn chết đi ! Làm sao một người lại một mình đứng được ở chỗ cao như thế, bốn phía đều trống không, nghiêng một chút thì mất mạng liền. Nếu như ta đem các ông đặt lên chỗ ấy, các ông nhất định sợ chết, đâu còn biết được trong hư không có đường đi hay không ?

Các ông hãy nghĩ đúng không ? Nhưng mà thí dụ ở trên không có đường đi thì phải dùng biện pháp nào để có thể đi được ? Há chẳng phải là phép thí dụ không hợp chăng ? “Thí dụ” thì có nhiều lắm, nói nữa thì lại quá dài. Nhưng mà từ chỗ này cứ bước một bước thì té xuống ngay !

Theo ta nói không những phải bước cho té xuống mà còn phải té cho chết nữa, cho đến cái xác tan nát thành bột, một mảy lông cũng không còn mới đúng. Nếu không té cho chết thì cũng chẳng khác như chưa té ! Như vậy thì cái công phu này của các ông còn chưa đúng ! Tại sao vậy ? Ấy là nửa chết mà chưa chết, chỉ thành một kẻ chết giả ! Nếu như vậy lại thành quỉ giữ xác. Cho nên cần phải té cho thật nát ! Từ chỗ này mới cho các ông được tuyệt hậu tái tô. Khi sống lại rồi thì khác hẳn, không phải như người trước nữa.

Ngày hôm qua ta nói vế tâm, ý, thức cần phải quên đi, nhưng tâm, ý, thức quên rồi thì vẫn còn ở cái ổ tâm, ý, thức, công phu đến chỗ này rồi thì phải lôi cái ổ này đập bể nó đi. Cái ồ là thức thứ bảy và thức thứ tám đó. Có thể bỏ rời thức thứ bảy và thức thứ tám ra thì công phu mới có thể đến chỗ sống lại này được. Nếu không thể lìa bỏ cái ổ này, thành Phật cũng là cái ổ này, làm Tổ cũng là cái ổ này, thiên đường, địa ngục, cầm thú… cũng từ cái ổ này ra, do vậy công phu  nhất định phải đến chỗ này.

Ổ một khi đã phá tan thì mới bật ra một tiếng “Ồ” (tả sự ngộ). Đáy thùng rơi ra, chuyển mình triệt để, quay đầu chuyển não, chết rồi sống lại đều là cái “Ồ” này.

Nhưng cái chỗ này không phải chỉ có nói như thế, người xưa đã từng có những lời nói ra làm bằng chứng vững chắc. Như thế nào vậy ? Ấy là : Đầu sào trăm thước lại bước tới, thập phương thế giới hiện toàn thân.

Đầu sào trăm thước, vách núi muôn trượng đều như nhau cả, như các ông lên đến ngọn sào cao mười trượng cũng như đứng trên đầu ngọn núi đó vậy; trên đầu ngọn núi này lại bước tới một bước nữa; giống như trên đầu sào trăm thước lại bước tới một bước nữa, chết rồi sống lại cũng như thập phương thế giới hiện toàn thân thôi.

Hai câu nói này có thể chứng minh công phu chúng ta đến chỗ này rồi thì về đến nhà vậy. Nhìn trở lại thì có còn con người trước chăng ? Còn là cái tâm trước không ? Các ông nghĩ xem : Có phải là con người trước không ?

Đại khái người là người trước đi, nhưng tâm thì không vậy đâu. Người ta nói : “Ngộ cũng bằng chưa ngộ”. Nếu nói người cũng như vậy, tâm như vậy là phế bỏ nhân quả rồi ! Trước khi chưa ngộ ăn ba chén cơm, ngộ rồi thì vẫn là ba chén cơm, cơm thì vẫn như vậy nhưng tâm trước với tâm sau khi ngộ rồi thì khác xa như Trời với đất.

Từ nay về sau điều ta nói là hay lắm ! E các ông lại tưởng rằng : “Có cái gì tốt đâu ? Chẳng đả-thất thì mới tốt ! Còn như muốn chúng tôi Đả hai Thất nữa thì làm người ta khổ chết đi thôi, mà lại nói là tốt chứ !”.

Đúng đấy ! Ta nói : Trở về sau năm là năm tốt, tháng là tháng tốt, ngày là ngày tốt, các ông còn có người biết không ? Không kể các ông công phu hành đến chỗ này hay không đến chỗ này nhưng lời ta nói thì có giảng đến. Trở về sau nữa thì ta chẳng nói như vậy nữa mà lại nói khác đi. Người chưa ngộ trong số các ông, công phu chưa đến, nghe ta nói khác đi thì thấy có điểm không tương ứng, bởi vì trở về sau nữa ta sẽ không nói với loại người như các ông đâu, vậy thì làm gì có sự tương ứng được. Ta giảng với người ngộ, ta chiếu cố toàn người như vậy, cứ giảng đường đi cho các ông nghe mãi thì thành ra dẹp bỏ người đã ngộ rồi sao ?

Đối với các ông bất cứ là ta giảng đến nơi nào, mặc dù công phu các ông không dụng đến, nhưng hôm nay ta giảng đến chỗ này thì các ông tất phải hành theo, thế nào cũng phải hành đến chỗ này mới được buông tay. Nếu không hành đến chỗ này, không được cho là cái lời giảng của ta nói và cái sự hành của các ông không giống nhau mà rồi buông bỏ đi, như thế không đúng đâu ! Còn cần phải hướng về phía trước mà dụng công. Nếu không lại phụ cái phen công phu khổ tâm này của mình đi thôi. Các ông hãy phát tâm. Tham đi ! 

51. KHAI THỊ : Ngày 10 tháng 12 (Thất 8 ngày 5).

“Trước khi chưa ngộ việc còn ít, sau khi đã ngộ việc lại nhiều thêm”. Hai câu này câu nói trong Thiền-tông, muốn tìm nát ba Tạng, mười hai bộ Kinh cũng tìm không ra.

Lời nói trong Thiền-tông và Giáo-môn khác nhau chỗ nào ? Giáo-môn thì không kể tâm hạnh các ông như thế nào mà chỉ cứ nói thẳng đi thôi. Lời nói trong Thiền-tông thì lại theo tâm của ông đi đến chỗ nào thì nói chỗ ấy, cái không giống nhau là ở chỗ này.

Các ông hãy đề một câu thoại-đầu mà tham cho đến u u nhã nhã, thanh thanh tịnh tịnh không biết đến có người có ta thì còn nói chi đến chuyện khác ? Chỉ có câu thoại-đầu chẳng có gì khác, như thế thì suốt ngày tự tự tại tại, tịch tịch tỉnh tỉnh.

Các ông nghĩ xem : Có phải như vậy không ? Đã ngộ rồi thì lại không như thế. Tại sao vậy ? Các ông mở mắt ra nhìn một cái thì phải than lớn một tiếng, chẳng ngộ thì thôi, một khi ngộ rồi còn có nhiều chuyện như thế : Nhiều, nhiều lắm ! Thí dụ như thế nào ? Cũng như : Một cái nhà cũ mà chúng ta đã ở ba mươi năm trước, là một căn phòng nho nhỏ, bên trong có đồ đạc, hôm nay đã xa nhà ba mươi năm rồi chưa hề trở lại một lần nào. Bỗng nhiên, hôm nay về đến nhà cũ, một chân đạp cửa mở ra, nhìn vào một cái, thấy không được rồi : Khói bụi trên bàn, rêu xanh dưới đất dầy cộm ! Trong nồi chuột làm tổ, cứt mèo, màng nhện v.v… trước bàn thờ Phật không biết là bao nhiêu ! Nhìn thấy như thế còn có muốn nói là một căn phòng chăng ? Chỗ nào cũng không ở được, mặc kệ thì không được, cần từ quét dọn từng món một. Còn may mắn là hai con mắt đã mở ra, nếu không phải là mở mắt thì làm sao biết được nhiều việc không tốt như thế ?

Đây là ví dụ, còn lãnh hội về cái pháp thì sao ? Người chưa ngộ suốt ngày cứ ở trong sinh tử, phiền não, nghiệp chướng, vọng tưởng, chẳng có tri giác gì; dù cho biết thì chỉ là nghe người ta nói hoặc thấy được trong Kinh-điển, chứ chưa tự bước chân vào chỗ thực tế; thấy được từ bên ngoài, tuy thấy mà cũng như không thấy, cho nên khi họ dụng công thì chỉ có công phu thôi.

Hôm nay bỗng nhiên khai-ngộ thì cũng như xa căn phòng trong ngôi nhà cũ đã ba mươi năm rồi, hôm nay mới có một bước mà về nhà vậy; mở mắt ra nhìn một cái thì mới biết ra là còn có nhiều việc như thế ! Mà có việc thì đương nhiên phải giải quyết từng việc một.

Cổ-nhân đã có câu nói là để chứng minh cái công phu của chúng ta đến được nơi này, Cổ-nhân nói :

“Khi chưa đến ngõ còn mặc ý, khi đến ngõ rồi việc càng nhiều”, ý nghĩa hai câu nói này thì giống như việc ta nói ngày hôm nay thôi. Đối với những ta giảng cùng các ông như thế thì thực không cần phải giảng, chẳng qua trong Thiền-tông những lời nói như thế đều là viên-nhân, viên-chủng cả, các ông tuy công phu chưa đến mà đem cái loại viên-chủng này gieo xuống thì việc gặt hái trong tương lai sẽ vô cùng tốt đẹp.

Nhưng người trong số các ông nhiều như vậy thì làm sao lại không có người biết đường biết lối ? Bắt gió, nắm bóng, những cái không thực mà biết được một tí, hiểu một tí thì cũng không phải là không khó. Vậy thì nhốt gió lại được, nắm bóng lại được cũng kể là việc hiếm có.

Thí dụ như khi ta nói chuyện ở trong nhà, các ông tuy chưa vào nhưng nếu đứng ngay ở ngoài cổng cũng có thể nghe được vậy, giả sử có động một bước chân thì đương nhiên sẽ vào được nhà. Sợ các ông cách xa ba ngàn dặm, còn chưa đủ tư cách làm người đứng ở ngoài cổng, ngay cả đến loại này không đủ tư cách thì ông biết còn dụng được gì chăng ?

Người đến được chỗ này thì có cái thọ dụng này, ông đến được chỗ này rồi, tuy có lắm việc như thế, còn không được cho là nhiều; ông đến được chỗ này rồi không những không sợ nhiều mà muốn càng nhiều càng tốt nữa. Nếu sợ nhiều việc thì lại trở thành một người vác bảng thôi ! Đâu còn kể được là người mắt sáng ?

Người mắt sáng làm việc toàn thể là sự lý viên dung. Người có sức lực xuất Chúng nhất khi ngộ như thế thì sự lý không còn trụ, tâm cảnh không còn trụ, Phật cũng không trụ, Tổ lại càng không trụ. Cổ-nhân có câu nói : “Đi trên đầu Phật”, trên cái ngộ này thì mới có thần-thông, tuy có thần-thông nhưng cũng chưa phải là toàn thông, hãy xem các ông căn nào bồi đắp được nhiều thì thông cái căn đó trước.

Nói sơ lược thì có ba loại cửa ải là Sơ-quan, Trùng-quan và Mạt-hậu-lao-quan :

(1) Giai đoạn phá Sơ Quan : Cũng gọi là phá Bản-tham tức là Kiến-tánh. Chưa kiến Tánh là mắt mù, nay Kiến-tánh là người mắt sáng. Đến cửa này lý thì ngộ rồi, sự thì chưa liễu. Sự tức là tập-khí.

(2) Giai đoạn phá Trùng Quan : Tập-khí là cấu bẩn. Ví như một thùng phẩn lâu ngày, múc từng gáo đổ ra ngoài hết rồi rửa sạch cái thùng nhưng hôi thối vẫn còn, nên phải cạo cho sạch, cạo sạch rồi vẫn còn hôi thối vì hôi thối thấm sâu vào gỗ thùng lâu ngày rồi. Nên phải bỏ luôn cả cái thùng. Tất cả phẩn và hôi thối đều là bệnh của tâm, bệnh tâm cạo sạch rồi còn phải bỏ luôn cái tâm (vọng tâm) mới được gọi là liễu-sự.

Vậy khi tâm sạch rồi, sự liễu rồi, lý cũng thông, sự cũng dung, nên nói : “Sự lý song dung, tâm cảnh vô ngại”. Đây tức là phá Trùng-quan.

(3) Giai đoạn phá Mạt Hậu Lao Quan : Phật, Tổ chẳng trụ, Niết-bàn chẳng trụ, không còn gì để trụ nữa, đến đây thì : “Trên đầu có mắt, sau não đập chùy”, tác dụng của bộ não sạch hết, dụng của Tự-tánh hiện tiền, gọi là phá Mạt-hậu-lao-quan tức là cửa ải kiên cố cuối cùng. Đây là sự giải thích đứng đắn về Tam-quan của Thiền-sư Hoàng Long trong Thiền-tông vậy.

Nếu thật người có con mắt sáng thì đương nhiên việc càng nhiều càng càng tốt. Tại sao vậy ? Vì cái chỗ của người mắt sáng thấy, người khác không thấy được cho nên mới gọi là mắt sáng. Vậy thì, mắt sáng thì mũi có thể sáng được không ? Tai cũng có thể sáng được không ? Sáng thì tất cả đều sáng mới đúng ! Lỗ tai cũng có thể thấy được vật, mắt cũng biết được thơm thối. Năng sở dung thông với nhau, sự là lý, lý là sự, dụng là thể, thể là dụng, dụng cũng lại là tâm, tâm cũng lại là sự. Cầm hương-bản vào tay là tâm, tâm là hương-bản, tiểu tiện là tâm, tâm cũng là tiểu tiện.

Các ông nghĩ xem : Có được cái hỗ dụng này thì còn sợ nhiều việc gì nữa ? Nhưng hôm nay các ông là người dụng công phu chưa đến được chỗ này thì cần phải nhận chân tham-cứu. Nói chung cần phải dụng công cho đến sau khi đại-ngộ rồi thì mới kể là mục đích của các ông. Nếu chưa đến chỗ đó thì không thể buông bỏ công phu đi được.

Hiện tại các ông đứng ở nơi đây, ta hỏi các ông : “Đứng ở chỗ nào ?”.

Các ông nhất định sẽ đáp : “Đứng ở trên gạch”.

Đợi các ông đến lúc đó ta lại hỏi các ông : “Đứng ở chỗ nào ?”.

Các ông nhất định sẽ đáp : “Chẳng phải đứng trên gạch”. Không đứng ở trên gạch thì đứng ở chỗ nào ? Hãy tham đi !

52. KHAI THỊ : Ngày 11 tháng 12 (Thất 8 ngày thứ 6).

“Ngộ lý nhất thời, liễu sự xa xôi”, ngộ lý thì trong sát-na có thể ngộ được, ngộ rồi thì thời gian liễu-sự rất dài, không phải là một ngày, hai ngày mà liễu được.

Nhưng ba cái cửa ải của chỗ ngộ trong Thiền-tông từ thời Đường, Tống trở về trước không có chuyện Tam-quan gì cả, đến thời Tống mới có Thiền-sư Hoàng Long lập ra cửa ải Tam-quan; Thiền-tông thật có ba cửa này : Thứ nhất là Sơ-quan, thứ nhì là Trùng-quan, thứ ba là Lao-quan.

Danh từ (tên) của ba cửa ải này tuy trên phương diện dụng công thì có trước sau, nhưng không phải là có thứ công phu nào đặc biệt dùng để phá Sơ-quan, phá Sơ-quan rồi cũng chẳng phải có thứ công phu đặc biệt nào để phá Trùng-quan, cũng chẳng phải phá Trùng-quan xong rồi lại có công phu đặc biệt nào để phá Lao-quan sau chót được, tất cả không phải như vậy.

Cần biết là Quan thì có ba lớp, sâu cạn chẳng đồng, mà công phu thì chỉ có một câu thoại-đầu, sâu cạn là do lực lượng câu thoại-đầu lớn hay nhỏ. Tỷ như bắn tên, người lực lượng nhỏ bắn phát tên qua được một mặt trống, người lực lượng mạnh hơn chút ít, một phát tên bắn qua hai mặt trống, người có lực lượng đặc biệt, lực lượng siêu Quần xuất Chúng thì một phát tên bắn qua được ba mặt trống, tức là lý lẽ này.

Phật Thích-ca lực lượng to lớn nhất, một phát tên bắn qua được chín mặt trống. Ba cái mặt trống này cũng giống như ba cái Quan-ải, dụng công thì tựa như bắn tên vậy.

Đối với cái công phu Tam-quan này của Thiền-tông thì cách thức dụng công như thế nào ? Cửa ải làm sao phá ? Phá đến cửa nào thì có cảnh-giới gì ? Tất cần phải nói rõ ràng cho các ông nghe. Nhưng thân tâm ta thật tiếc cho các ông trong thời kỳ Đả-thất chẳng có người nào công phu được chút tiến bộ sâu xa nào, chẳng từng có được người nào công phu khai được tiểu ngộ, đó là điều ta thật tiếc vô cùng !

Ví như nếu trên công phu giống như trên song cửa sổ có một lớp giấy, như Mặt-trời chiếu qua giấy, tuy cách một lớp giấy nhưng ánh sáng còn có thể chiếu qua được, có được một người như thế thì cũng tốt. Tuy tiếc lắm nhưng ta không thể không vì các ông mà giảng đến.

Các ông chỉ cần tham một câu thoại-đầu đến khi công phu cùng cực, cái hôm trước ta đã nói qua, cái chết rồi sống lại đó, người tương đối có lực lượng hễ ngộ thì phá được Bản-tham. Nhưng cái ngộ cho là Kiến-tánh; sinh tử thì cũng cho họ biết sinh từ đâu đến, chết đi về đâu. Tuy Tánh thì kiến rồi, nhưng cấu bẩn thì chưa trừ, sinh tử thì cho các ông biết nhưng sự thì chưa liễu.

Người có lực lượng lớn một chút thì từ cái ngộ này Tánh cũng kiến rồi, Tâm cũng minh rồi, Lý cũng liễu rồi, Sự cũng liễu rồi, tâm cảnh đều quên, cứ như thế mà lần lượt phá ba cửa ải.

Chúng ta người hành giả tham-thiền thứ nhất cần phải có Chánh-tri-kiến, sinh lòng tin chân chính, một câu thoại-đầu lấy ngộ tâm làm kỳ hạn. Các ông hãy phát tâm tham đi !

53. KHAI THỊ : Ngày 12 tháng 12 (Thất 8 ngày thứ 7).

Người chưa khai-ngộ cử tâm động niệm đều là vọng tưởng, khai-ngộ rồi cử tâm động niệm đều là Chân-như. Người phá Bản-tham rồi đương nhiên là rõ ràng thôi; muốn vì những người các ông công phu chưa đến mà phân biệt rõ rệt một chút, nếu không thì sợ các ông đều lẫn lộn : Chúng tôi khi chưa ngộ, cứ vọng tưởng động là một tướng, nổi vọng tưởng Nam Kinh thì tướng Nam Kinh hiện ra ngay, lại nổi vọng tưởng Thượng Hải thì tướng Nam Kinh diệt liền và rồi tướng Thượng Hải theo đó mà hiện ra. Theo đấy suy ra, tướng này sinh tướng kia diệt, tướng này diệt tướng kia sinh, cái kia sinh cái này diệt không bao giờ tạm dừng, ấy là vọng tưởng.

Nếu các ông trong lúc vọng tưởng không dừng mà đề lên câu thoại-đầu, khi đã đề lên, nghi-tình hiện tiền thì tất vọng tưởng tự nhiên bị quét sạch. Vì nghi-tình vốn vô tướng và tâm của con người chỉ có một cái, cho nên hễ khởi lên cái vô tướng của nghi-tình thì cái hữu tướng của vọng tưởng liền tiêu diệt.

Dụng công dần dần sẽ đến cái vô tướng thuần nhất, cái công phu thuần nhất này sẽ tự phá Bản-tham. Phá Bản-tham rồi tức là vô tướng thuần nhất vậy, sẽ không còn có tí hình bóng vọng tưởng nào cả. Phá Bản-tham rồi muốn tìm một chút vọng tưởng cũng không có !

Công phu đến bước này thì cử tâm động niệm đều ở trên cái công phu vô tướng này, ăn cơm cũng không rời, mặc áo cũng không bớt một chút, dù cho có nhiều việc khác nữa thì công phu này cũng không bớt giảm; ở nơi này mà lập nên một danh từ gọi là “Chân-như”.

Hai chữ Chân-như mà đối với vọng tưởng mà nói, vì rời vọng tưởng rồi mới nói đến Chân-như; không đặt cái danh từ này thì làm sao nói ? Tuy miễn cưỡng gọi nó là Chân-như, Bản lai diện mục của Chân-như đâu phải như vậy ? Cứu kính ra sao ? Muốn các ông phải tự mình dụng công phu đến chỗ này thì tự mình sẽ biết được; cứ nghe lời ta nói thôi là vô dụng, không những vô dụng, mà dù cho ta nói ra, các ông cũng không tin nữa. Tại sao vậy ? 

Trước kia có một học-giả muốn ta đem Chân-như ra giảng cho ông ta nghe, ta nói : “Giảng cho ông nghe, ông có tin chăng ?”.

Ông ta nói : “Tôi tin”.

Ông đã tin rồi ta nói cho ông nghe : “Trên đầu Chân-như có bốn sừng, trước hai sau hai, có hai cái đuôi, một cái trên mông một cái trên bụng, ông tin chăng ?”.

Ông ta nói : “Không đúng, đâu có lý như thế ? Chân-như đâu lại có sừng có đuôi ? Dù cho có sừng thì đâu có đến bốn cái, phía trước có mà phía sau lại có nữa ? Ở mông có đuôi mà trước bụng lại có đuôi nữa. Há có lý này sao ? Tôi không tin”.

Ta nói : Tôi đã nói trước là ông không tin rồi, Cái này là Chân-như thiệt; cái Chân-như này ông không tin thì ta nói một cái giả cho ông nghe : "Chân-như dựng khắp tam tế, ngang khắp mười phương, ở chư Phật không tăng, ở chúng sinh không giảm, vô tịnh, vô nhiễm”.

Ông ta nghe rồi nói : “Cái này đại khái là đúng, bảo tôi thì còn được !”.

Các ông nghĩ xem : Ta nói chân thật, ông ta không tin, ta nói giả, ông ta lại tin. Hôm nay ta giảng cho các ông nghe, các ông có người nào tin chăng ? Các ông không tin rồi ! Chung quy phá Bản-tham rồi là không còn vọng tưởng. Không có vọng tưởng tức là không có tất cả niệm sinh diệt, niệm có sinh diệt thì có tướng, có tướng thì Diêm-vương có thể bắt được, bắt biến thành trâu thành ngựa thì cũng nghe theo lệnh của ông ta thôi.

Chúng ta không có vọng tưởng thì không có tướng, vậy thì Diêm-vương bắt cái gì ? Cho nên người phá Bản-tham thì nhất định dứt sinh tử; người phá Trùng-quan nhất định không có mộng tưởng, ngủ nghỉ thì vẫn là ngủ nghỉ, chiêm bao thì không có.

Tưởng có người nói : “Người khai-ngộ của Thiền-tông còn có hôn trầm”. Kỳ thực họ chẳng biết Thiền-tông cần phải đạt đến một mức nào đó thì mới không có hôn trầm. Vậy cần phải biết người phá Trùng-quan không có mộng tưởng thì còn có cái gì ? Phải biết mộng tưởng từ đâu mà ra ? Dù cho các ông mộng như thế nào thì cũng không ra khỏi sự tướng thế gian.

Người phá Trùng-quan thì lý sự đều liễu, tâm cảnh song dung thì chỗ nào còn thế gian sự ? Cho nên người phá Trùng-quan quyết định không có mộng tưởng, có tướng để Diêm-vương thấy được là có sinh tử. Có Chân-như thì Diêm Vương không thấy được, mặc dù Diêm-vương không thấy được nhưng Phật Thích-ca thấy được, Phật Thích-ca còn thấy thì có Niết-bàn; liễu sinh tử còn phải liễu được Niết-bàn.

Người phá Lao-quan sau chót thì hôn vọng đều trừ, mộng tưởng diệt sạch; đến chỗ này rồi người ấy không còn hôn trầm, họ đến chỗ này thì sinh tử không còn, Niết-bàn cũng không trụ. Nói nhất chân Pháp-giới thì ngay cái nhất chân Pháp-giới cũng phải vượt qua.

Lại nữa, phá Bản-tham là kiến Pháp-thân, phá Trùng-quan là chứng Pháp-thân. Tại sao nói Kiến ? Tại sao nói Chứng vậy ? Thí dụ như Thiền-đường : Người kiến Pháp-thân như đứng ở cửa Thiền-đường, việc trong Thiền-đường đều thấy được rõ ràng cả nhưng chưa bước vào. Chứng Pháp-thân là bước vào Thiền-đường. Thấu Pháp-thân là đi thẳng vào trong khám Duy-ma-cật mà ngồi. Cho nên nói phá Bản-tham kiến Pháp-thân, phá Trùng-quan chứng Pháp-thân, phá Lao-quan thấu Pháp-thân.

Tất cả Pháp-môn khác công phu cùng tột chỉ có thể đến chỗ chứng Pháp-thân thôi, duy có Thiền-tông cần phải tiến thêm một bước thấu qua Pháp-thân thì mới đúng việc của Thiền-tông.

Những lời nói của ta đối với các ông lúc này dù chẳng có ý nghĩa gì cả, bất quá ta giảng như thế các ông dùng tai nghe qua nhưng cũng có thể nói là : “Một khi đã vào tai thì vĩnh viễn là hạt giống Đạo”. Có được cái hạt giống này thì tương lai nhất định sẽ được nảy mầm, nảy mầm thì sẽ có kết quả.

Phật dạy : “Nhân nào quả ấy”. Hãy tham đi !

=> Thất thứ chín

Tác giả bài viết: Liễu Phàm

Nguồn tin: Tông Phong Tàng Thư

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn