21:05 ICT Thứ sáu, 19/04/2024

Giới Thiệu

Thiền sư Minh Bổn

Minh Bổn Thiền-sư (1263-1323), phái Thiền Lâm Tế đời thứ 19, họ Tông, người Tiền Đường, mẹ nằm mộng thấy ông già Vô Mông Khai cầm lồng đèn đến nhà, sau đó bà hạ sanh. Ngay khi mới hiểu biết đôi chút, không cần dùng đến tả lót nữa và đã biết ngồi kiết-già. Vừa biết nói là đã ca ngay bài Tán Phật....

Danh mục chính

Liên Kết Trang

TS DUC SON
TS NGUYET KHE
HUE NANG

Trang nhất » Tông Phong Tàng Thư » Sách Hướng Dẫn Tham Thiền » Thiền thất khai thị lục

Thiền thất khai thị luc - phần II

Chủ nhật - 31/03/2013 19:07 Xem: 1829
Thất thứ II
8. KHAI THỊ : Ngày 23 tháng 10 (Thất thứ nhì ngày đầu)

Liễu sanh, thoát tử, minh Tâm, kiến Tánh pháp Tham-thiền rất là hợp đương-cơ, cũng có thể nói là trùm khắp tam căn. Ta thật tin tưởng Pháp nầy, trong tám vạn bốn ngàn Pháp-môn không pháp nào sánh cùng Pháp nầy. Nhưng mà trong các ông còn nhiều người không cho như vậy, cứ nghĩ rằng tham câu thoại-đầu làm sao có thể vượt hẳn lên tám vạn bốn ngàn Pháp-môn được ?

Dù ông không tin thế cũng được, chúng ta hãy bỏ qua câu thoại-đầu, các ông nói Pháp nào được liễu sanh thoát tử trực tiếp nhất, triệt để nhất ? Có cái nào khỏi cần tham, cũng khỏi cần dụng công phu mà có thể minh Tâm, kiến Tánh được không ?

Các ông nghĩ thử xem, nếu thực có một pháp nào so với Tham-thiền còn mau hơn thì ta cũng muốn theo các ông mà học. Bởi vì ngã kiến các ông quá sâu, thiện căn quá cạn, muốn trừ cái chấp kiến của các ông quy về một con đường lớn nầy nên cần phải chỉ ra cho các ông biết, các ông suy nghĩ cẩn thận xem : Xem Kinh có thể liễu sanh thoát tử không ? Niệm-phật, Trì-chú có thể liễu sanh thoát tử không ?

Các ông đến nơi đây là vì sanh tử mà đến, đương nhiên cần phải nghiên cứu, không phải là việc nhỏ đâu, các ông thảo luận thử xem; coi Kinh chỉ có thể gieo trồng một chút thiện căn, biết được chút ít ý nghĩa, muốn nói liễu sanh thoát tử thì làm không xong. Niệm Phật, niệm A-di-đà Phật cũng có thể liễu sanh thoát tử, mà muốn bảo đạt đến đỉnh núi Niết-bàn thì làm không được. Trì Chú thì thân tâm được thanh tịnh, có thể được một tí thần thông, liễu sanh thoát tử thì không thể được. Bởi vì xem Kinh, niệm Phật, trì Chú đều là hướng ngoại tìm cầu, sanh tử của các ông không phải từ ngoài mà được, không dựa vào cái khác mà có, đều từ trong nhà mình mà ra, ông chạy ra ngoài càng chạy càng xa.

Ông cần phải biết : Tham câu thoại-đầu tức là hướng vào trong nhà mà chạy. Tại sao vậy ? Ta nói một ví dụ : Như con cháu đi học, đọc quyển Bá Gia Tính từ Triệu, Tiền, Tôn, Lý, Châu, Ngô, Trịnh, Vương ... cứ đọc thẳng một mạch bất quá mấy ngày thì thuộc lòng rồi, giả sử đọc câu Triệu, Tiền, Tôn, Lý rồi hỏi đó là lý lẽ gì thì làm sao giải thích, cứ hỏi như vậy không phải là ngớ ngẩn sao ? Chỉ trong câu Triệu, Tiền, Tôn, Lý mà nghiên cứu thì câu Châu, Ngô, Trịnh, Vương không phải mất rồi sao ? Đạt đến chỗ thâm nhập của việc nghiên cứu thì Triệu, Tiền, Tôn, Lý cũng mất tiêu luôn.

Các ông hãy nghĩ : Hai chữ niệm Phật, không phải A-di-đà Phật, A-di-đà Phật từng câu mà thẳng tay niệm. Hôm nay hỏi ông : Niệm Phật là người nào ? Đứng ngay chỗ nầy không phải quày đầu lại sao ? Cũng giống như đọc câu Triệu, Tiền, Tôn, Lý, các ông suy xét cẩn thận thử một chút xem có đúng không ? Niệm Phật là ai không phải là quày đầu vào trong nhà mà chạy sao ?

Hướng vào trong nhà là gì ? Không có sanh cũng không có tử, nói minh tâm kiến tánh cũng là lời nói dư, đến nhà Tâm không đợi nói minh, bổn lai đã minh, Tánh không cần kiến, đã sẵn sàng hiện tiền. Cái câu thoại-đầu nầy bước một chân thì đưa ông đến nhà, chỉ cần có một câu mà có thể về nhà ngơi nghỉ yên ổn. Tại các ông không biết câu thoại-đầu có chỗ tốt như vậy.

Các ông tưởng rằng : "Tối ngày cứ đề câu thoại-đầu lên thì vọng tưởng cũng nổi lên nhưng lại không kéo dài được, vậy thì làm sao lại nói tham câu thoại-đầu thì đến nhà được ? Thực là làm cho tôi khó hiểu".

Đúng thế ! Các ông phải hiểu được : Biết có vọng tưởng đó là công phu đã tiến bộ, đề khởi lên được mà kéo không dài, lại càng tiến bộ thêm. Các ông phải hiểu : Bất cứ một Pháp-môn nào cũng ở trong vọng tưởng mà sinh hoạt, làm sao biết được có vọng tưởng ? Sở dĩ biết được có vọng tưởng cảm thấy không kéo dài được đều là tin tức tốt.

Thực tại các ông tu Đạo là đáng thương. Chúng ta đứng ở đây là người mấy chục tuổi cả, nói đến sanh tử thì không kể xiết, nên muốn tu Đạo, truy cứu câu niệm Phật là ai không được thông, 3 năm, 5 năm cũng còn chưa thông, tình huống như vậy thì nói làm sao tu Đạo ? Nói sanh tử làm sao cho xiết ? Chỉ để cho ngày tháng trôi qua thôi. Câu thoại-đầu nầy tham không được thông còn kể được là người tu hành sao ?

Chỗ nào cũng cần thể diện, câu thoại-đầu không thông thì không cần thể diện gì cả. Người có chút tri thức thì phải biết làm sao cho đúng bổn phận. Các ông còn có người nào chảy nước mắt không ? Thật là tội nghiệp, tất cả đều ở trong chỗ đen tối.

Ngày nay bảo các ông nhắm mắt lại, các ông đều nhắm mắt lại. Ta lại hỏi các ông : Mắt mở ra rồi có thấy được ta chăng ? Mắt nhắm lại rồi ông còn tự mình thấy được mình không ? Các ông nhắm mắt lại thì thấy tối đen, một tí gì cũng chẳng thấy. Ta hỏi các ông nữa : Đang lúc nhắm mắt lại rồi, bước thêm bước nữa thì đến chỗ nào ? Các ông còn có ai nắm chắc được không ? Các ông có hiểu được bước một bước nầy thì đi đến chỗ nào không ? Hãy tham đi !  

9. KHAI THỊ : Ngày 24 tháng 10 (Thất nhì ngày thứ hai)

Người mới phát tâm tham-thiền dụng công sợ vọng tưởng, ngồi lâu sợ hôn trầm. Ta nói loại người như các ông thì dụng công không được, liễu thoát sanh tử không có phần của các ông. Tại sao vậy ? Bởi vì các ông không biết phạm vi của vọng tưởng cũng như hôn trầm từ đâu ra ? Các ông cần phải hiểu : Từ vô lượng kiếp đến nay lên Thiên-đường cũng nó, xuống Địa-ngục cũng nó, biến thành trâu ngựa cũng nó, hôm nay tu hành cũng là nó, muốn liễu thoát sanh tử cũng là nó, muốn thành Phật, làm Tổ cũng là nó.

Cần phải hiểu rằng : Trên từ thành Phật dưới đến Địa-ngục tất cả mọi cái đều do nó làm chủ. Lực lượng của nó lớn lắm, ông muốn sợ nó thì phải lìa xa nó, ông muốn lìa xa nó phỏng ông có lực lượng bao nhiêu ? Lực lượng của vọng tưởng có tưới bao nhiêu nước cũng không vào được, còn lực lượng của ông chỉ cần một giọt trong số đó cũng đã thấm vào rồi. Các ông tưởng tượng xem sức lực các ông nhỏ bé như vậy thì làm sao mà lìa nổi cái sức của vọng tưởng lớn dường ấy được ? Ông nhất định là sợ nó rồi, xa lìa nó không được, mà lìa không được lại càng sợ, còn một ngày lìa không được thì chỉ có sợ nó thôi, càng sợ lại càng lìa không được, ba năm, năm năm muốn lìa muốn sợ như vậy cho đến suốt đời cũng chỉ muốn lìa nó, sợ nó thôi. Các ông tưởng tượng xem còn dụng công phu được không ? Nếu đã dụng công phu không được thì còn làm sao liễu thoát sanh tử được ? Cho nên các ông sợ vọng tưởng, sợ hôn trầm là việc không đúng rồi.

Lại nữa, vọng tưởng là làm sao mà lìa ? Cả thân tâm các ông vốn là ở trong vọng tưởng. Bởi vì tâm các ông là tâm vọng tưởng, thân các ông cũng là thân vọng tưởng, thế giới cũng là vọng tưởng, trong hư-không là vọng tưởng, ngoài hư-không cũng là vọng tưởng, cử tâm, động niệm, đi đứng nằm ngồi, lằm việc đều ở trong vọng tưởng. Ta hỏi các ông : Lìa vọng tưởng rồi ông ở chỗ nào ? Lìa vọng tưởng rồi ông là người gì ? Các ông hãy nghiên cứu cẩn thận xem còn có thể lãnh hội một tí nào không ? Vậy thì làm thế nào mới có thể dụng công phu được ?

Vọng tưởng có nhiều chừng nào đi nữa cũng đừng sợ nó, vậy không sợ nó thì phải yêu nó sao ? Cũng không được yêu nó. Không sợ nó, không lấy nó làm bạn ác, không yêu nó, không lấy nó làm bạn tốt. Giả sử ông yêu nó vậy thì đến phải xuống địa ngục rồi. Vì ông yêu nó thì phải tùy thuận nó, thuận nó thì phá giới, phá giới thì không phải xuống địa ngục sao ?

Cho nên, sợ cũng sợ không được, yêu cũng yêu không được, chỉ cần đề lên câu thoại-đầu là cái gì ? Khởi lên nghi-tình để tham vấn truy cứu, nhưng mà hai chữ truy cứu chỉ cho ông truy cứu câu thoại-đầu niệm Phật là ai ? Rốt ráo là ai ? Cứu kính là ai ? Nếu mà cứ truy cứu cái đề khởi câu thoại-đầu "Niệm Phật là ai ?" là ai ? Người biết truy cứu lại là ai ? làm như thế thì không những không phải là truy cứu mà trái lại chỉ là ngược trở lại thôi, đây là việc bên thức-thần không gọi là tham-thiền, không thể liễu sanh thoát tử được !

Vậy thì tham làm sao đây ? Hôm nay ta cho các ông rõ : Cái đường lối trực tiếp là ở niệm Phật là ai, là người nào, không hiểu được, cứu kính là ai cũng không rõ ràng. Ngoài ra một tí suy nghĩ, đoán nầy đoán nọ cũng không có. Các ông ở chỗ nầy thẩm định sâu sắc một tí xem có vọng tưởng không ? Còn hôn trầm không ? Hãy nghiên cứu cẩn thận, không phải chuyện nhỏ nhặt đâu.

Các ông lúc tham-thiền đi tiêu đi tiểu xong ngồi xuống, ngồi xuống rồi chưa nghe đánh bản chỉ-tịnh còn phải đợi thêm một chút xíu nữa, đánh ba lần bản, một lần chuông chỉ tịnh rồi mới suy nghĩ đề lên câu thoại-đầu thì vọng tưởng cũng đến luôn, chán quá ! Muốn lìa bỏ vọng tưởng; một lìa, lìa không được, lại lìa nữa thì hôn trầm đến luôn. Đuổi vọng tưởng hôn trầm không được thì mặc kệ nó. Đến giờ khai-tịnh thì cũng hết chuyện rồi, chạy hương thì chạy, đại khái đều như thế. Tiếc thay ! Cứ như thế mãi thì cho đến tận vị lai cũng không có khi nào dứt được.

Các ông muốn thấy rõ cái khổ của việc sanh tử, cái khổ của tam ác đạo, trong nháy mắt đã bị lôi kéo đi, thực đáng sợ, đáng sợ lắm ! Chỉ mong các ông triệt để nhận thức mau chóng đề lên câu thoại-đầu tham cho thông rồi thì sanh tử sẽ không có phần của các ông, Lục-đạo luân hồi còn ở đâu lại được nữa ! Các ông hãy phát tâm. Tham đi !  

10. KHAI THỊ : Ngày 25 tháng 10 (Thất nhì ngày thứ ba)

Mở mắt thì không chiêm bao, tâm không khởi ý thì không có đối đãi. Ý nghĩa hai câu nầy ta giảng sơ qua : Mắt mở thì cứ mở cho lớn thì không chiêm bao, mắt nhắm lại thì nằm chiêm bao, đại khái là như vậy. Nhưng ta nói : Mắt nhắm nằm chiêm bao, mắt mở rộng lại còn nằm chiêm bao hơn, các ông tin hay không ? Các ông nghĩ rằng mắt nhắm thì ngủ nằm chiêm bao, tại sao mắt mở rộng cũng còn nằm chiêm bao. Tôi có chỗ không tin.

Đúng đấy ! Nhưng ta nói các ông đứng ngay đây đang nằm chiêm bao, suốt ngày suốt đêm chiêm bao, mắt nhắm lại nằm chiêm bao còn có thể mau chóng tỉnh lại được, các ông mở mắt mà chiêm bao thì chẳng có lúc nào tỉnh, còn biết cái chiêm bao nầy sẽ kéo dài tới thời gian nào mới có thể tỉnh được ? Tội nghiệp quá !

Người chưa liễu ngộ đều là mở mắt nằm chiêm bao mà không hiểu được đang nằm chiêm bao. Muốn biết cái chiêm bao nầy lúc nào mới tỉnh lại được thì nhất thiết phải khai-ngộ, khai-ngộ rồi cũng như ngủ nằm chiêm bao thình lình tỉnh dậy. Ta hỏi các ông cái chiêm bao nầy còn có kỳ hạn tỉnh dậy không ?

Còn nói về cái tâm không khởi ý, ý tức là niệm, tâm có thể khởi thiện niệm, khởi ác niệm, nếu tất cả niệm đều không khởi ấy tức là không có đối đãi, đại khái ý nghĩa là như vậy đó. Kỳ thực không phải thế, cần phải Thánh bất khả đắc, phàm bất khả đắc, niệm bất khả đắc, tâm cũng bất khả đắc, nói không rơi vào hai (có đối đãi) thì đã rơi vào ba, luôn cái một cũng bất khả đắc mới cho là có một tí tương ưng trong Thiền-tông.

Trong Thiền-tông chính yếu là phá cái mở mắt chiêm bao, quét sạch mọi tà niệm. Chiêm bao không tỉnh được thì sanh tử không liễu được, tà niệm không trừ thì vọng sinh ra chi tiết, chi tiết vọng rồi thì thiện nhân chiêu ác quả. Ông tưởng là không sai : Kỳ thật là báng Phật, phỉ Tổ, phỉ báng Thiền-đường, phỉ báng Đại-pháp-luân, cái nhân nầy đã gieo xuống rồi thì khỏi nói nữa, phải đọa địa ngục A-tỳ.

Có người nói : "Trong Thiền-tông nói nghe thì tốt lắm, có huyền có diệu, nhưng làm thì có chỗ như không đúng. Mỗi khi ngồi xuống lại buồn ngủ mà còn ngáy nữa", thế thì tâm ông sanh hột giống khinh mạn, ông làm như vậy thì cái nhân phỉ báng đã gieo xuống rồi. Tại sao vậy ? Người xưa có câu chuyện tương tợ nay ta kể ra một câu chuyện xưa cho nghe :

Ngày trước Tứ Tổ đến núi Ngưu Đầu ở Nam Kinh thấy có tử khí (hơi màu đỏ). Tổ nói : "Trong núi nhất định có người tu Đạo."

Tổ bèn trèo lên, thì gặp Thiền-sư Pháp Dung, có con cọp ở một bên, Tứ Tổ làm ra vẻ hoảng sợ, Dung nói : "Ông còn có cái nầy tồn tại sao ?"

Tứ Tổ nói thầm trong bụng "Đây là bậc Đạo-nhân" rồi chạy đến chỗ ngồi bằng cỏ của Pháp Dung và vẽ một chữ Phật lên trên đó.

Dung thấy có chữ Phật thì không dám ngồi.

Tứ Tổ bèn hỏi : "Ông còn cái nầy tồn tại sao ?" Biết được đồng là có Đạo.

Đêm đó Dung nhường chỗ cho Tổ ngủ, trên giường suốt đêm Tổ cứ ngáy.

Sáng ngày hôm sau, Dung nói : "Ông thực không biết mắc cỡ, ngáy suốt đêm làm tôi ngồi không yên".

Tứ Tổ nói : "Ông còn làm phiền tôi, ông làm con rệp rớt xuống đất té gảy chân vừa kêu vừa nhảy không thôi suốt đêm làm tôi ngủ không yên".

Người đời sau có hai câu nói : "Pháp Dung khi chưa gặp Tứ Tổ thì như thế nào ? Sau khi gặp rồi thì thế nào ? Khi chưa gặp thì Trời, người đều cúng dường, vượn khỉ dâng trái cây, sau khi gặp Tổ chẳng còn ai cúng dường, quả chẳng ai dâng".

Các ông tham xem tại sao như vậy ? Lúc ta ở Chùa Kim Sơn khi dụng công phu đắc lực nằm trên quãng-đơn nghe tiếng ồn ào, ta đi xuống xem thì không thấy ai, tất cả Đại-chúng đều ngủ không một người nào nói chuyện, ta nhìn dưới đáy quãng-đơn mới thấy hai con rệp cắn lộn nhau, ta mới đưa chúng tới Liêu-như-ý (nhà y tế), cho ít đồ ăn để chúng nó ăn. Các ông thử tưởng tượng xem, còn có thể lấy cái vọng tưởng của mình mà phân biệt được không ?

Điều ta nói chính là bản thân ta làm đến. Hôm nay ta nói cái chỗ hành của ta, sợ các ông còn có điểm hoài nghi, đợi khi công phu của các ông đến chỗ nầy rồi thì các ông sẽ được biết. Nhưng đợi đến các ông biết để ăn năn cái nhân phỉ báng đã tạo lúc trước thì đã trễ rồi, cho nên ta hôm nay đặc biệt chỉ ra cho các ông, ấy là việc rất cần cần lắm. Các ông hãy phát tâm, tham đi !  

11. KHAI THỊ : Ngày 26 tháng 10 (Thất nhì ngày thứ tư)

Tham-thiền dụng công quý ở chỗ hành. Hành được mới gọi là tham-thiền, không hành, miệng nói tham-thiền cũng như không. Chữ hành trong Thiền-tông rất quan trọng. Không những đời nay hiểu sai lầm cái chữ hành nầy mà ngày xưa người hiểu sai lầm cũng không ít; tất cả đều cho thấy được là xong, hoặc lãnh hội được sự kiện nầy người xưa nay đều vốn có, không cần tu chứng, hoàn toàn là vậy rồi, vậy còn hành cái gì ? Cứ cho hành là dư thừa, kỳ thực Thiền-tông rất quý chữ hành, ấy là sự thực hành, chớ nên lầm tưởng.

Phải biết cửa Thiền-tông là cửa vô thượng, cái hành của Thiền-tông là hành vô thượng. Muốn đạt đến mục đích trước tiên phải biết : Chúng ta từ vô lượng kiếp đến nay là do hành mà đến, tuyệt không phải khi không mà có được, cũng không phải người ta đưa ông đến; lên Thiên-đường cũng do ông đi, xuống Địa-ngục cũng do ông đến, thai trâu bụng ngựa cũng do ông đi đến, nay làm người như thế nầy cũng do ông hành tới, đại khái đều như vậy cả. Chẳng thấy người ta lôi ông xuống Địa-ngục. Từ đó suy ra phàm chúng sanh có sinh tử thì cũng từ lý nầy.

Chúng ta dĩ nhiên đều biết tất cả đều do tự ta hành đến, vậy ngày nay muốn phản bổn quy nguyên đâu phải cứ nói ra là đến nhà được đâu, là lãnh hội được đâu ? Thời gian tới phải trãi qua biết bao niên đại mới đến nơi xa như thế nầy, nay muốn phản bổn quy nguyên tất phải theo lối cũ mà về thôi.

Hơn nữa, trên tâm hạnh các ông đều biết phiền não không tốt, vọng tưởng xấu xa, nghiệp chướng không được nổi lên, nhưng mà tuy biết phiền não là không tốt, phải vứt đi, vọng tưởng là cái xấu phải bỏ đi, sự thật thì có thể bỏ được chăng ? Giả sử vứt được thì vứt ngay bây giờ xem nào, dù ông bản lĩnh to bằng Trời sợ không làm được như lời đâu, đã không làm được thì không được như thế, theo thế mà nghiên cứu thì chữ hành tất nhiên không được thiếu sót.

Nhưng đối với người trung hạ căn mà nói thì cái hành này cũng giống như đi đường từ bao xa đến, khi trở về cũng phải đi từng ấy xa thì mới trở về được nguyên xứ. Ví dụ từ ngoài nghìn dặm đến hôm nay trở về cũng phải trải qua nghìn dặm, mỗi ngày đi trăm dặm thì phải đi mất mười ngày mới đi hết. Giả sử thiếu một ngày hay thiếu một dặm cũng không đến nhà được, lý do nầy thì nhất định.

Nhưng đối với các ông người có chút căn cơ lại thêm vào đích chỉ trong Thiền-tông của chúng ta thì không cần phải đi như vậy. Chỗ hành của Thiền-tông thì như thế nào ? Ông từ ngàn dặm đến đây, hôm nay không những không cần ông đi ngàn dặm mới đến được quê nhà mà luôn cả danh từ ngàn dặm đường cũng bất khả đắc, danh từ đã bất khả đắc mà còn muốn ông đi sao ? Quày đầu lại là đúng rồi, gót chân không cần nhúc nhích hễ cử động là phải rồi. Các ông thử nghĩ xem : Cái pháp Tham-thiền nầy có trực tiếp không ?

Người căn cơ thượng đẳng phải hiểu được rằng không phải sinh ra là đã được thượng căn rồi mà cũng là do ở chúng ta từ làm người hạ căn đạt đến trung căn, rồi từ trung căn thành thượng căn, đến thượng căn rồi thì một nghe ngàn ngộ. Tham đi !  

12. KHAI THỊ : Ngày 27 tháng 10 (Thất nhì ngày thứ năm)

Pháp tham-thiền là một Chánh-pháp cứu Thế, cứu Thân và là Diệu-pháp cứu Tâm. Chữ thiền nầy là cái cửa ngõ tất yếu mà làm người cần phải đi qua, người tham-thiền không phải đã tham được thiền là xong đâu, thực ra phải có một tí mùi vị gì của tham-thiền; vậy thì ông phải bận rộn hết sức, có bảo các ông dừng nghỉ một chút các ông cũng không chịu. Nếu chân thực đạt được mục đích của thiền thì việc thành Phật sẵn sàng trước mắt. Phật đây không có quốc-độ nầy quốc-độ nọ, không có chúng sanh chư Phật. Muốn thành Phật trải qua A-tăng-kỳ kiếp, cần phải xả đầu mắt, xả óc tủy tim gan, ngũ tạng, kết duyên cho với chúng sanh cõi Đại-địa, kết duyên cho đầy đủ rồi, nhân duyên thành thục thị hiện giáng sanh, khổ hạnh thành Phật tọa Đạo-tràng, một đời hoằng dương Thánh-giáo. Nhưng quả địa Phật nầy lại do nhân địa Phật tạo ra quả địa Phật, khi thành thì làm Giáo-chủ cả Đại thiên thế giới.

Mỗi người tham-thiền các ông cần đạt đến mục đích của thiền, không những các ông ở tại Thiền-đường nầy mà cả Tăng lẫn Tục ở khắp nơi, nam hoặc nữ đều cần phải đạt đến mục đích của thiền, muốn đạt đến mục đích đương nhiên phải có một phen sự việc, còn mong các ông dư ra được mấy người không chỗ làm việc, ở đó mà ngủ gục, tại sao vậy ? Mỗi thế giới có một Giáo-chủ, vậy vô lượng thế giới cho đến vi trần trong hư-không đều có Giáo-chủ. Người thành Phật quá đông còn dư ra mấy người không có thế giới để làm Giáo-chủ giáo hóa chúng sanh, đây là điều tôi hy vọng đối với các ông.

Không những ta hy vọng các ông như vậy, cả đến thập phương Chư Phật thấy các ông có cái tri thức tham-thiền được như vậy cũng phải vui vẻ cười to, chư Đại Bồ-tát cho đến Hộ-pháp Long-thiên đều phải chắp tay hoan hỷ hộ trì các ông, không những hộ trì mà lễ bái cũng còn được nữa. Vì vậy ở trong Đạo-tràng nầy, thêm vào thời kỳ Thiền-thất được định kỳ thủ chứng, nên cần phải thiết tha nổ lực, mọi cái đều phải buông bỏ hết, buông đến sạch sành sanh. Tham đi !

13. KHAI THỊ : Ngày 28 tháng 10 (thất nhì ngày thứ sáu)

Người trong Thiền-tông phải làm việc trong Thiền-tông. Các ông cần phải hiểu cái hành trong Thiền-tông là cái gì ? Nếu không hiểu rõ thì cho ông có suốt đời ở Thiền-đường thì vẫn còn đứng ở ngoài cửa thôi.

Hôm nay ta nói cho các ông biết qua, ấy là việc ở Thiền-tông không có gì khác ngoài việc tham-thiền ngộ Đạo, liễu sanh thoát tử nhưng tham-thiền là tham ở nơi mình, liễu sanh thoát tử là liễu thoát sanh tử của mình chứ không phải là thay cho người khác, dù cho ông có bản lĩnh lớn bằng Trời cũng không thể làm thay cho người khác được. Còn có người ở Thiền-đường tưởng rằng là ở thay cho người khác, cho đến làm mọi việc là làm thay cho người khác.

Các ông phải biết rằng tất cả mọi việc, việc nào không phải việc của mình đâu ? Các ông nếu là người có chút tri thức không đợi ta nói ra mà đã biết quay về với chính mình rồi. Lại có một số người tưởng ở Thiền-đường chùa Cao Mân, dụng công là dụng cho chùa Cao Mân. Trong các ông nếu có người như vậy thì còn xứng đáng là người làm cái việc trong Thiền-tông không ? Tham-thiền ngộ Đạo, liễu sanh thoát tử còn có phần của các ông không ? Vì vậy muốn các ông mở mắt thấy cho rõ.

Nhưng tham-thiền ngộ Đạo liễu sanh thoát tử, hai câu nói đó gom lại chỉ là hai chữ Tham-thiền. Do tham-thiền mà ngộ được Đạo, ngộ Đạo rồi sanh tử lý nào không liễu ? Tóm lại là tham-thiền.

Đối với việc tham-thiền thì thế nào là thiền ? Thế nào là tham ? Các ông cần phải biết rõ ý nghĩa tham-thiền rất rộng. Ta sơ lược chỉ cho các ông một chỗ hạ thủ rất xác thực, mong các ông cứ nghe thì lãnh hội ngay và một mạch mà hành thì sẽ đến nhà.

Trước nhất phải biết : Từ vô lượng kiếp do một niệm bất giác nên đều hướng ngoại mà chạy cho đến nay vẫn còn bất tri bất giác, thậm chí đều không biết có nhà, vì thế nên gọi là chúng sanh. Phải biết hướng ngoại là gì ? Hướng nội là gì ? Hướng ngoại là Lục-đạo luân hồi sanh tử bất định; hướng nội là bổn lai diện mục cùng đồng một thể với chư Phật. Dạy các ông tham thoại-đầu là dạy các ông hướng nội, tham thoại-đầu tức là tham-thiền, là hướng nội. Tóm lại, muốn thấy bổn lai diện mục mà không hướng nội là không được; không hướng nội ấy là sinh tử.

Vì sao tham thoại-đầu là hướng nội ? Có lẽ các ông không rõ ràng, ta giảng một thí dụ cho các ông nghe : Các ông đang ngồi đây ta hỏi các ông : "Có thấy bàn thờ Phật không ?" Các ông đương nhiên trả lời là thấy, ta hỏi thêm : "Trên bàn thờ có gì  ?" Nhất định các ông sẽ trả lời là : Bên trong có Phật Tỳ-lô và những thứ khác." Ta lại hỏi : "Người thấy bàn thờ Phật là ai  ?" Các ông hãy quay đầu hướng vào chính mình xem ! Trong lúc đó không thấy có Phật, ngay cả bàn thờ Phật cũng không có luôn, các đồ vật khác còn có không ? Không những không còn mà còn phải quay đầu lại tham vấn trên cái niệm của chính mình đi. Các ông thử nghĩ xem thấy bàn thờ là hướng ngoại, không thấy là hướng nội; không thấy bàn thờ Phật. Trên niệm nầy mà "Truy" ấy là hướng nội.

Theo như thí dụ nầy mà thấy thì tham thoại-đầu cũng vậy. Niệm Phật, có Phật để niệm được là hướng ngoại; tham "Niệm Phật là ai  ?" thì cứ trên niệm ấy mà tham vấn, ấy là hướng nội, hướng nội tức là tham-thiền.

Hôm nay ta đem ví dụ về sự tham-thiền giảng cho các ông nghe qua rồi các ông không được nói là không biết tham-thiền, không hiểu được tham câu thoại-đầu nữa. Ta hôm nay giao hẹn rõ ràng cho các ông rồi, hãy phát tâm. Tham đi !  

14. KHAI THỊ : Ngày 29 tháng 10 (Thất thứ nhì ngày thứ bảy)

Người có một tí lợi căn thì dụng công không lấy gì làm khó. Không nhờ ở tu chứng, đương thể bổn lai chân tánh không dư, không thiếu, thanh tịnh quang minh không do người khác mà được, đều tự mình sẵn có, chỉ vì các ông không thể hành như vậy thôi.

Bệnh ở đâu ? Bệnh ở nơi chữ "chướng". Chúng ta vốn không có mê, vì chướng mà có mê, chướng lìa thì ngộ, sanh tử vì chướng mà có, nếu không có chướng thì sanh tử cũng không. Nếu bỏ chướng đi thì bổn lai diện mục chúng ta đương nhiên hiện ra. Như vậy phải biết chướng là cái cửa ngõ trọng yếu của người dụng công phu, các ông có biết không ? Nếu biết được cái chướng nầy thì các ông sẽ có biện pháp để trừ nó. Nếu không biết chướng là cái gì, lấy cái gì làm chướng thì còn nói làm sao trừ chướng được ? Làm sao lo cho xong ?

Đối với người thông thường thì cho là : "Sanh tử là chướng, sanh tử bên bờ nầy là chướng, bên bờ kia là Niết-bàn, Niết-bàn không phải là chướng, mê là chướng, ngộ tức không phải là chướng, trần lao là chướng, thanh tịnh là cứu cánh, chúng sanh là chướng, Phật là rất tốt". Đại khái là thế.

Thiền-tông thì không vậy; sanh tử là chướng, Niết-bàn cũng là chướng, mê là chướng, ngộ cũng là chướng, chúng sanh là chướng, Phật cũng là chướng, thân là chướng, tâm cũng là chướng, sơn hà đại-địa là chướng, hư-không cũng là chướng.

Các ông còn tin chăng ?

Có người cho rằng : Sanh tử là khổ đương nhiên là chướng rồi, Niết-bàn là lạc làm sao lại là chướng được ? Chúng sanh là chướng, sao Phật cũng là chướng ? Sơn hà là chướng, hư-không tại sao cũng là chướng ? Nói như vậy thì tôi cần dụng công làm cái gì ? Việc trong Thiền-tông thật là khó tu quá !

Đúng đấy ! Các ông hồ-nghi như vậy nên ta muốn chỉ ra cho các ông, muốn dẫn các ông đi trên đường đi của Thiền-tông. Nhưng ta chỉ vẽ cho các ông, dẫn đường cho các ông là muốn các ông tự đi, chứ nếu các ông không tự mình đi thì ta không đi thay cho được đâu.

Tại sao trong Thiền-tông muốn nói Sanh tử Niết-bàn, Chúng sanh Chư Phật, bờ nầy bờ kia, thanh tịnh phiền não, mê ngộ, thân tâm, hư không đại địa đều là chướng ? Phải biết rằng tất cả chướng không rời tâm, sanh tử là tâm, chứng Niết-bàn cũng là tâm, cho đến hết thảy hư không đại địa cũng đều là tâm cả. Cái tâm nầy là cái chướng căn bản, căn bản đã chướng thì còn chỗ nào không phải là chướng nữa ? Các ông muốn lìa cái chướng nầy thì phải có cách nào ?

Nếu nói : Sanh tử khổ là chướng thì lìa bỏ nó, lạc của Niết-bàn cũng là chướng thì cũng bỏ luôn lạc đi; bờ nầy không trụ, bờ kia không trụ, phiền não không trụ, thanh tịnh không trụ, cho đến hư-không cũng không trụ. Tóm lại, tất cả trần lao thế giới bên ngoài thân đều bỏ sạch, nhức ngứa trên thân cũng bỏ, vọng tưởng nhiều như cát trong tâm cũng bỏ. Phương pháp trừ bỏ như vậy sai hay không sai ?

Nhưng trong Thiền-tông không như vậy. Tại sao như thế ? Nếu bỏ từng món một thì chẳng lúc nào hết được; bên nầy dứt thì bên kia sanh, chôn hồ lô trên nước thì không dễ gì được đâu. Đến nhà rồi thì mới có thể đem gốc của nó mà bỏ đi hết được. Thí dụ như Mặt-trời Mặt-trăng sơn hà đại địa v.v... tuy là sắc tướng nhiều lắm nhưng đều ở trong một cái hư không, nếu ta muốn bỏ mặt trời mặt trăng, sơn hà đại địa không phải là nhiều lắm sao ? Nếu muốn bỏ lần lượt từng món vật cho hết thì e rằng không có bản lĩnh to như thế ! Nếu ta có sức lực một tay đặp bể hư-không thì còn cái gì nữa ? Liễu chướng cũng như vậy thôi.

Mặt-trăng, Mặt-trời và mọi cái khác cũng giống như những cái chướng nầy nọ của chúng ta, hư-không thì cũng như tâm của chúng ta, nếu có thể đem tâm mà liễu bỏ được, thế không phải là trừ bỏ hết tất cả chướng hay sao ? Pháp liễu tâm tức là tham thoại-đầu; Pháp nầy để trên niệm mình mà truy cứu, lâu ngày rồi thì tâm sẽ hết, vọng tưởng cũng sẽ hết, nhân, pháp đều mất. Lúc bấy giờ thì các ông mới nhận thức chùa Cao Mân, mới hiểu được lợi ích của câu thoại-đầu ở Thiền-đường.

Nhưng sự dụng công ngay bây giờ của các ông cần phải đề lên câu thoại-đầu từng giây, từng phút mà truy cứu, chẳng hỏi động tịnh nằm ngồi đi đứng, niệm niệm không gián đoạn, có ngày các ông sẽ đập bể được hư-không. Hãy tham đi !

=> Thất thứ 3

Tác giả bài viết: Liễu Phàm

Nguồn tin: Tông Phong Tàng Thư

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn