09:32 ICT Thứ sáu, 26/04/2024

Giới Thiệu

Thiền sư Diên Thọ

Thiền-sư Diên Thọ ở Vĩnh Minh, họ Vương, người Hàng Châu. Thuở nhỏ đã biết kính Phật-thừa, lớn lên một ngày chỉ ăn một bữa. Tụng kinh Pháp Hoa hai tháng đã thuộc lòng, cảm thông được bầy dê quỳ nghe. Đến tuổi hai mươi tám, làm quan chức Chấn Tướng xứ Huê Đình, gặp ghe lưới đều mua hết cá rồi thả...

Danh mục chính

Liên Kết Trang

TS NGUYET KHE
HUE NANG
TS DUC SON

Trang nhất » Tông Phong Tàng Thư » Ngữ Lục » Bá Trượng Ngữ Lục

Bá Trượng Ngữ Lục - phần II

Thứ bảy - 30/03/2013 03:47 Xem: 1599
Phần II
Sư khai-thị rằng : Ngôn ngữ cần phải phân biệt trắng đen, cần phải biết là lời nói chung hay lời nói riêng, lời nói liễu-nghĩa hay bất-liễu-nghĩa. 

Kinh-giáo liễu nghĩa phân biệt về thanh (trong) còn Kinh-giáo bất liễu nghĩa phân biệt về trược (đục). Nói cấu bên pháp-uế là phân biệt về phàm, nói cấu bên pháp-tịnh là phân biệt về Thánh. Nay thuyết từ chín bộ Giáo-điển tiến lên, chúng sanh không có mắt, cần phải nhờ người gọt giũa. Nếu nói với người tục tai điếc, cần phải dạy họ xuất gia trì Giới, tu Thiền học Huệ, nếu là người tục siêu xuất thì không nên dạy họ như thế, như trường hợp các ngài Duy-ma-cật, Phó-đại-sĩ....Đối với bậc Sa-môn đã thọ Giới-cụ-túc, sức Giới-định-huệ đã có mà nói như thế thì gọi là phi-thời-ngữ (chẳng ứng cơ), cũng gọi là ỷ-ngữ (nói thêu dệt). Nếu là bậc Sa-môn phải nói cấu bên pháp-tịnh, phải nói lìa các pháp có không, lìa tất cả tu chứng, cũng lìa cả cái lìa nữa. Nếu trong hàng Sa-môn mà tẩy trừ tập nhiễm tham sân không được cũng gọi là kẻ tục tai điếc, phải dạy họ tu Thiền học Huệ. Nếu hàng Tăng-sĩ Nhị-thừa đã dứt được bệnh tham sân mà còn trụ nơi vô tham, cho đó là đúng, là thuộc về vô-sắc-giới, là ngăn trở ánh sáng Phật là làm thân Phật chảy máu, cũng phải dạy họ tu Thiền học Huệ. 

Cần phải biện biệt rõ ràng lời nói thanh, trược. Pháp-trược là các danh từ tham, sân, ái, thủ... Pháp-thanh là các danh từ Bồ-đề, Niết-bàn, Giải-thoát... Nay cái giác chiếu soi chỉ cần đối với hai dòng thanh trược, các pháp Thánh, phàm, sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, các pháp thế gian và xuất thế gian... đều chẳng nên có mảy may ái thủ. Đã chẳng ái thủ mà y trụ vào chẳng ái thủ cho đó là phải, ấy là Sơ-thiện, là trụ nơi điều phục tâm, là hàng Thanh-văn, là người đã đến bờ rồi mà còn lưu luyến chiếc bè không chịu bỏ là đạo Nhị-thừa, là quả Thiền-na. Đã chẳng ái thủ cũng chẳng y trụ nơi chẳng ái thủ, là Trung-thiện, là bán-tự-giáo, vẫn còn là vô-sắc-giới, khỏi sa vào đạo Nhị-thừa, khỏi lạc vào lối Ma-dân, vẫn còn là bệnh Thiền-na, còn bị trói buộc vào Bồ-tát thừa. Đã không y trụ nơi chẳng ái thủ và cũng không khởi cái tri giải về không y trụ, ấy là Hậu-thiện, là mãn-tự-giáo, khỏi rơi vào vô-sắc-giới, tránh khỏi bệnh Thiền-na, khỏi sa vào Bồ-tát thừa, khỏi bị đọa vào địa vị Ma-vương, nhưng vì bị Trí-chướng, địa-chướng, hành-chướng nên thấy Phật-tánh của mình như ban đêm thấy hình sắc. 

Về tập-khí vi tế, Phật nói : "Muốn đến địa vị Phật phải đoạn dứt hai thứ ngu : Một là vi tế sở tri ngu, hai là cực vi tế sở tri ngu". Cho nên Kinh nói : "Có bậc Đại-trí đập vỡ hạt bụi lấy ra quyển Kinh". Nếu thấu suốt nghĩa ba câu thì chẳng bị kẹt nơi ba đoạn Sơ, Trung, Hậu-thiện. Giáo-môn thí dụ con hươu nhảy ba lần ra khỏi lưới, gọi là làm Phật ngoại triền, không có vật gì ràng buộc được người này. Đây thuộc về Phật sau đức Nhiên-đăng, là Tối-thượng-thừa, là Thượng-thượng-trí, là đứng trên Phật-đạo; người này là Phật, có Phật-tánh, là Đạo-sư, là điều khiển được vô-sở-ngại-phong, là vô-ngại-huệ, về sau được tự do sai khiến nhân quả phước trí, là làm xe chuyên chở nhân quả, ở nơi sanh không bị sanh nhốt, ở nơi tử không bị tử ngại, ở nơi ngũ Ấm như cửa đã mở, không bị ngũ Ấm ngăn trở, đi ở tự do, ra vào không khó. Nếu được như thế, không luận thứ bậc hơn kém, dù là thân con kiến, chỉ cần được như thế thì đều là cõi nước thanh tịnh vi diệu không thể nghĩ bàn. Những lời kể trên còn là lời nói mở trói, họ (Tự-tánh) vốn không thương tích thì đừng làm cho bị thương. Những cái thương tích Phật, thương tích Bồ-tát đều là thương tích (có nghĩa là chấp Phật là thương tích Phật, chấp Bồ-tát là thương tích Bồ-tát). Phàm nói các pháp "Có, Không" đều là thương tích vì "Có, Không" bao gồm tất cả pháp. 

Hàng Thập-địa là Chúng ở trong dòng nước đục, tự cho là dòng nước thanh, dựng lập tướng thanh để nói lỗi của tướng trược. Trước kia 10 vị Đại-đệ-tử như Xá-lợi-phất, Phú-lâu-na, chánh-tín như A-nan, tà-tín như Thiện-tinh... mỗi người có một cốt cách riêng, mỗi người có một phép tắc riêng, đều bị Đạo-sư (Phật) nói toạc ra là chẳng đúng. Tứ-thiền, Bát-định, A-la-hán... trụ trong Định tám muôn kiếp, họ là người tu hành theo kiến-chấp vì bị rượu-tịnh-pháp làm say, nên hàng Thanh-văn nghe Phật-pháp không phát được Đạo-tâm vô thượng, do đó bị gọi là người đoạn thiện-căn không có Phật-tánh. Kinh-giáo nói : "Chỗ gọi là hầm-sâu-giải-thoát đáng sợ, nếu có một niệm tâm lui sụt thì rơi vào địa-ngục mau như tên bắn". Cũng chẳng được nhất định nói lui sụt, cũng chẳng được nhất định nói không lui sụt, như các ngài Văn-thù, Quan-âm, Thế-chí,... đến thị hiện đồng loại với Tu-đà-hoàn để dẫn dụ, chẳng được nói họ lui sụt, mặc dù lúc bấy giờ họ chỉ được gọi là người Tu-đà-hoàn thôi. 

Nay cái Giác chiều soi chỉ cần chẳng bị các pháp "có, không" dính mắc, thấu suốt 'nghĩa ba câu' và tất cả cảnh giới nghịch thuận thì dầu có nghe trăm nghìn muôn ức đức Phật xuất hiện ở thế gian cũng như không nghe, cũng không y trụ vào chỗ không nghe, cũng không khởi tri giải về sự không y trụ, nói họ là người lui sụt chẳng được, vì số lượng không hạn chế họ được, ấy là Phật thường trụ thế gian mà chẳng nhiễm Thế-pháp. 

Nói Phật chuyển Pháp-luân mà lui sụt là phỉ báng Phật, Pháp, Tăng. Nói Phật chẳng chuyển Pháp-luân mà chẳng lui sụt cũng là phỉ báng Phật, Pháp, Tăng. Như ngài Tăng Triệu nói : "Đạo-bồ-đề không thể suy lường, cao vô thượng, rộng vô cùng, sâu thăm thẳm". Rơi vào lời nói là bệnh, nói Giác-chiếu-soi cũng còn là không đúng, chỉ là từ trược biện thanh (do cái đục mà biện biệt cái trong) mà thôi. Nếu cho nói cái Giác-chiếu-soi này là đúng tức là ngoài cái Giác-chiếu-soi còn có cái Giác khác không đúng tức là Ma thuyết. Nếu chấp lấy cái Giác-chiếu-soi này thì cũng đồng Ma thuyết, cũng gọi là Tự-nhiên Ngoại-đạo. Nói cái Giác-chiếu-soi là Phật của chính mình, đó là lời nói thước tấc, là lời tính toán, giống như con chồn (dã can) kêu, vẫn thuộc về cửa keo sơn (dính mắc). Từ trước đến nay chẳng nhận cái tự Tri, tự Giác là Phật của chính mình mà lại hướng ra ngoài tìm Phật, nhờ Thiện-tri-thức nói ra cái tự Tri tự Giác để làm thuốc trị cái bệnh hướng ngoại tìm cầu, bệnh hướng ngoại tìm cầu đã lành thì thuốc cũng phải bỏ. Nếu chấp lấy cái tự Tri tự Giác thì đó là bệnh Thiền-na, là định tánh Thanh-văn, như nước đóng băng, toàn băng là nước nhưng khó mong cứu được nạn khát, cũng nói : "Bệnh chắc chắn chết, lương y bó tay". 

Vô-thỉ chẳng phải là Phật, chớ cho là Phật thật. Phật là thuốc của chúng sanh, không có bệnh chẳng cần uống thuốc, thì thuốc và bệnh đều hết. Phật-tánh dụ như cam thảo, chúng sanh tu hành Chánh-pháp dụ như nước trong, lấy cam thảo hòa với nước trong, cũng như mật hòa với nước, rất là ngon ngọt, nếu chỉ cho là nước trong thì không đúng, vì chẳng phải không có Phật-tánh, Phật-tánh vốn là sẵn có, nên cũng nói : "Lý này mọi người đều vốn sẵn có". 

Chư Phật, Bồ-tát được mệnh danh là người chỉ cho biết hạt Châu. Từ xưa đến nay nó chẳng phải là vật, chẳng cần biết nó, hiểu nó, không cần cho nó là phải hay chẳng phải, chỉ cần cắt đứt câu hai đầu, cắt đứt câu có, câu chẳng có, cắt đứt câu không, câu chẳng không, dấu vết hai đầu chẳng hiện. Hai đầu kéo ông chẳng được, số lượng chi phối ông chẳng được, chẳng phải thiếu thốn, chẳng phải đầy đủ, chẳng phải phàm, chẳng phải Thánh, chẳng phải sáng, chẳng phải tối, chẳng phải hữu tri, chẳng phải vô tri, chẳng phải ràng buộc, chẳng phải giải thoát, chẳng phải tất cả danh tướng. Tại sao không phải là lời nói thật ? Nếu cho rằng đục đẽo hư không làm được tướng mạo Phật, hoặc cho rằng hư không là do xanh, vàng, đỏ, trắng làm thành, đều chẳng phải là lời nói thật vì pháp chẳng thể so sánh, chẳng thể ví dụ, nên nói : "Pháp-thân vô vi bất đọa chư số", cũng nói : "Thánh-thể vô danh chẳng thể nói được". Lý thật của Cửa-không khó ghé, thí dụ như con 'Thái-mạc-trùng' (tên một loại côn trùng đặc biệt rất nhỏ) có thể đậu ở khắp mọi nơi, nhưng không thể đậu được trên ngọn lửa, tâm của chúng sanh cũng thế, có thể duyên ở mọi nơi, nhưng không thể duyên trên Bát-nhã. 

Thiện-tri-thức ham dạy người học tìm cầu tri-giải, đó là Thiện-tri-thức-ma, vì chấp tri-giải; nếu phát tứ hoằng thệ nguyện, "Nguyện độ hết tất cả chúng sanh rồi sau ta mới thành Phật", đó là Bồ-tát phát Trí-ma, vì thệ nguyện không buông bỏ; nếu ham gieo trồng thiện-căn như trì Trai giữ Giới, tu Thiền học Huệ cho đến ngồi Đạo-tràng thị hiện thành Đẳng-chánh-giác độ chúng sanh nhiều như số cát sông Hằng thảy đều chứng quả Bích-chi-phật, đó là thiện-căn-ma, vì khởi tâm tham đắm; nếu đối với các pháp đều không tham nhiễm, Diệu-lý độc tồn, trụ trong Thiền-định thâm sâu không còn tiến lên nữa, đó là tam-muội-ma, vì đam mê cái vui Thiền-định; nếu chấp Niết-bàn-chí-thượng & ly-dục-tịch-tịnh là nghiệp-ma vì có sự tạo tác. Nếu Trí-huệ thoát những lưới ma kể trên chưa triệt để thì dẫu cho hiểu được trăm ngàn Kinh-phật thảy đều là cặn bã địa-ngục, ví như muốn tìm Phật-tương-tự thì không có chỗ đúng. 

Như nay nghe nói chẳng chấp trước vào tất cả pháp thiện- ác, có-không... liền cho đó là rơi vào Không, mà chẳng biết rằng bỏ gốc theo ngọn mới chính là rơi vào Không. Thế nào là bỏ gốc theo ngọn ? Cầu Phật, cầu Bồ-đề và tất cả pháp có-không... là bỏ gốc theo ngọn. Hiện tại chỉ cần ăn đạm bạc tạm sống, mặc áo vá đỡ lạnh, khát thì bụm lấy nước uống, ngoài ra đối với tất cả pháp có-không, đều không có mảy may nghĩ tưởng, người nầy dần dần sẽ có chút phần nhẹ nhàng sáng suốt. 

Thiện-tri-thức chẳng chấp có, chẳng chấp không, thoát được 'mười câu Ma-ngữ' (1) thì nói ra không trói buộc người, có nói lời nào ra cũng chẳng tự xưng là 'Thầy nói', cũng như tiếng dội trong hang, tiếng nói trùm khắp thiên hạ cũng không có lỗi khẩu nghiệp, đủ sức làm Y-chỉ cho người. Nếu nói 'ta biết thuyết, biết giải, nói ta là Hòa-thượng, ngươi là đệ-tử' lỗi đó đồng như Ma thuyết. Vô cớ nói rằng : Mắt thấy Đạo còn, là Phật hay chẳng là Phật, là Bồ-đề hay chẳng là Bồ-đề, là Niết-bàn hay chẳng là Niết-bàn, là giải thoát hay chẳng là giải thoát,... hoặc vô cớ nói ra một tri, một giải, hoặc giơ một cánh tay, dựng một ngón tay bảo là Thiền, là Đạo, những lời nói cử chỉ này trói buộc người không biết đến khi nào mới thôi, ấy là chồng thêm dây trói buộc Tỳ-kheo. Dẫu cho không nói cũng có lỗi. Thà làm thầy cho Tâm, chẳng cho tâm làm Thầy. 

(1) Mười câu Ma-ngữ là : Trược tâm, tham tâm, ái tâm, nhiễm tâm, sân tâm, chấp tâm, trụ tâm, y tâm, thủ tâm, luyến tâm. 

Giáo-bất-liễu-nghĩa mới có Thiên-nhân-sư, có Đạo-Sư. Trong Giáo-liễu-nghĩa thì chẳng có Thiên-nhân-sư, chẳng cho pháp làm Thầy. Nếu chưa thể y được sự chiếu soi nhiệm mầu của Tự-tánh, tạm y được Giáo-liễu-nghĩa còn có phần thân cận, nếu là Giáo-bất-liễu-nghĩa thì chỉ thích hợp để nói trước bọn người tục tai điếc. Nay chỉ cần chẳng y trụ tất cả pháp có-không, cũng không trụ nơi chẳng y trụ, cũng không khởi cái tri giải về chẳng y trụ, đây gọi là đại Thiện-tri-thức, cũng nói : "Chỉ có một mình Phật là người đại Thiện-tri-thức, không có người thứ hai, ngoài ra đều gọi là Ngoại-đạo, cũng gọi là Ma thuyết". Nay chỉ cần phá câu nói hai đầu (tương đối), chớ tham nhiễm việc mở trói và tất cả cảnh pháp có, không, ngoài ra không có ngữ cú nào khác để dạy người. Nếu nói có ngữ cú khác để dạy người, có pháp khác để cho người, đó gọi là Ngoại-đạo, cũng gọi là Ma thuyết. 

Cần phải biết lời Giáo-liễu-nghĩa, lời Giáo-bất-liễu-nghĩa, cần phải biết lời tùy tục, lời nghịch tục, cần phải biết lời nói sống, lời nói chết, cần phải biết lời thuốc, lời bệnh, cần phải biết lời ví dụ thuận, lời ví dụ nghịch, cần phải biết lời nói chung, lời nói riêng. Nói do tu hành được thành Phật, có tu có chứng, là tâm là Phật, tức tâm tức Phật,..., dù là do Phật thuyết nhưng đều thuộc về lời Giáo-bất-liễu-nghĩa, là lời tùy tục, là lời nói chung, là lời nhẹ như mang một lon một lít, là lời nói về bên pháp-uế, là lời ví dụ thuận, là lời nói chết, là lời nói trước kẻ phàm phu. Chẳng cho do tu hành mà được thành Phật, không tu không chứng, phi tâm phi Phật,... cũng là lời do Phật thuyết, nhưng đều thuộc về lời Giáo-liễu-nghĩa, là lời nghịch tục, là lời nói riêng, là lời nặng như mang trăm tạ, là lời nói ngoài Giáo-tam-thừa, là lời ví dụ nghịch, là lời nói về bên pháp-tịnh, là lời nói sống, là lời nói trước người có quả vị. 

Từ Tu-đà-hoàn trở lên cho đến bậc Thập-địa, hễ có lời nói đều thuộc về pháp-trần-cấu, hễ có lời nói đều thuộc về bên phiền não, hễ có lời nói đều thuộc về Giáo-bất-liễu-nghĩa. Giáo-liễu-nghĩa là trì, Giáo-bất-liễu-nghĩa là phạm, Phật-địa không có trì phạm nên Giáo-liễu-nghĩa và Giáo-bất-liễu nghĩa đều chẳng cho. 

Do mạ biết đất tốt xấu, do trược (đục) biết thanh (trong). Như nay cái Giác-chiếu-soi nếu theo bên thanh mà xét thì có Giác-chiếu-soi cũng chẳng phải thanh, không có Giác-chiếu-soi cũng chẳng phải thanh, thanh cũng chẳng phải, không thanh cũng chẳng phải, Thánh cũng chẳng phải, không Thánh cũng chẳng phải, tại vì thấy nước đục (trược) mới nói lỗi của nước đục, nước nếu trong (thanh) thì đâu có gì để nói nữa, nói ra là làm đục nước rồi. 

Nếu có cái hỏi của không hỏi thì cũng có cái nói của không nói, bởi Phật chẳng vì Phật mà nói Pháp. Pháp-giới bình đẳng chân-như, không có Phật nào mà không độ chúng sanh, Phật chẳng trụ Phật gọi là Chân-phước-điền. 

Cần phải phân biệt lời chủ khách, nếu tham nhiễm tất cả cảnh pháp có, không, sẽ bị tất cả cảnh pháp có, không làm mê hoặc thì tự Tâm là Ma-vương, chiếu dụng thuộc Ma-dân. Như nay cái Giác-chiếu-soi chỉ cần chẳng y trụ vào tất cả các pháp có không, các pháp thế gian và xuất thế gian, cũng không trụ nơi chẳng y trụ, cũng không có tri giải về "không trụ nơi chẳng y trụ". 

Tự-tâm là Phật, Phật là bất nhị, nếu chiếu-dụng (khách quan) thuộc Bồ-tát. Tâm-tâm là chúa-tể thì chiếu-dụng (chủ quan) thuộc khách-trần. Như nước nổi sóng thì chẳng thể chiếu soi vạn tượng, nếu nước trong lặng tịch-chiếu, không lập năng-sở, tự nhiên thấu suốt cổ kim, như nói : "Thần vô chiếu công, chí công thường tồn" (2), bậc người như thế được làm Đạo-sư ở khắp mọi nơi. 

(2) Thần vô chiếu công, chí công thường tồn : Thần dụ cho Tự-tánh, Tự-tánh bất nhị không có năng chiếu sở chiếu nên nói "Thần vô chiếu công", nhưng không phải là không có chiếu soi. Vì thể dụng của Tự-tánh cùng khắp không gian thời gian nên nói "Chí công thường tồn".

Tánh-thức của chúng sanh là tánh keo sơn, luôn luôn dính mắc các pháp có-không, vì chưa từng bước lên thềm bậc Phật nên thình lình cho uống thuốc huyền-chỉ chẳng được, bỗng nghe lời nói xuất cách họ tin chẳng nổi, cho nên đức Phật ngồi dưới cội Bồ-đề bốn mươi chín ngày lặng lẽ tư duy, vì Phật-tánh không có hình tướng số lượng, chẳng thể thí dụ, thực là khó nói. Nếu nói chúng sanh có Phật-tánh cũng là phỉ báng Phật Pháp-Tăng, nói chúng sanh không Phật-tánh cũng là phỉ báng Phật-Pháp-Tăng. Nếu nói có Phật-tánh là chấp trước báng. Nếu nói không Phật-tánh là hư vọng báng. Như nói về tứ cú kệ : Nói Phật-tánh có là tăng ích báng (nói thêm), nói Phật-tánh không là tổn giảm báng (nói bớt), nói Phật-tánh cũng có cũng không là tương vi báng (trái ngược nhau), nói Phật-tánh chẳng có chẳng không là hý luận báng (nói bông đùa). Ban sơ nếu không nói thì chúng sanh không có hy vọng giải thoát, còn ban sơ nếu muốn nói lại sợ chúng sanh đuổi theo lời nói sanh ra kiến giải, lợi ít mà hại nhiều. Nên Phật nói : "Ta thà chẳng thuyết Pháp, hãy mau nhập Niết-bàn". Nhưng sau đó tìm về chư Phật quá khứ, thấy các Ngài đều nói Pháp-tam-thừa nên Phật mới giả lập Kệ-pháp, giả lập danh tự, vốn chẳng phải Phật, nói với họ là Phật, vốn chẳng phải Bồ-đề, Niết-bàn, Giải-thoát, nói với họ là Bồ-đề, Niết-bàn, Giải-thoát,.... Biết họ gánh trăm tạ chẳng nổi tạm cho họ gánh một lon một lít, biết họ khó tin Giáo-liễu-nghĩa tạm nói với họ Giáo-bất-liễu-nghĩa, tạm được pháp-lành lưu hành còn hơn là pháp-ác. Vì thiện quả mãn rồi thì ác quả đến, được Phật thì có chúng sanh đến, được Niết-bàn thì có sanh tử đến, được sáng thì có tối đến, tất cả chỉ là nhân quả hữu lậu đối đãi nhau, nếu muốn vượt qua sự đối đãi chỉ cần cắt đứt câu hai đầu (tương đối) thì chẳng bị số lượng hạn chế. 

Phật-tánh bất nhị, không Phật, không chúng sanh, không thân, không sơ, không cao, không thấp, không bình, không đẳng, không đi, không đến, chỉ cần chẳng chấp trước văn tự, cắt đứt hai đầu thì sự tương đối trói buộc chẳng được, khỏi bị khổ vui lôi kéo, khỏi bị sáng tối khống chế. Nói về lý thì chân thật cũng chẳng chân thật hư vọng cũng chẳng hư vọng, vì không phải là vật có số lượng nên dụ như không, chẳng thể tu sửa. Nếu tâm có một chút tri giải liền bị số lượng dính mắc cũng như keo sơn, năm chỗ (ngũ Uẩn) đều bị dính mắc thì bị Ma-vương nắm bắt được, chẳng được tự do về nhà. 

Luận về Giáo-ngữ đều có ba câu liền nhau là Sơ thiện, Trung thiện và Hậu thiện. Sơ là bảo họ phát thiện tâm, Trung là phá thiện tâm, Hậu mới gọi là thiện tốt. "Bồ-tát tức phi Bồ-tát thị danh Bồ-tát", "Pháp, phi pháp, phi phi pháp", cũng như tất cả ba câu trong kinh Kim Cang nghĩa đều như thế. Nếu chỉ nói nghĩa một câu hoặc hai câu làm cho chúng sanh vào Địa-ngục là tội của Pháp-sư, nếu đồng thời nói cả nghĩa ba câu mà họ hiểu lầm tự vào Địa-ngục thì việc ấy không liên can gì đến Pháp-sư. Như nay nói cái Giác-chiếu-soi là Phật của mình, là Sơ-thiện không chấp lấy cái Giác-chiếu-soi này, câu là Trung-thiện, cũng không có cái tri giải về sự không chấp lấy, là Hậu-thiện. Những lời trên còn thuộc về Phật sau đức Nhiên-đăng, chỉ là không phàm cũng không Thánh, chớ sai lầm nói Phật chẳng phải phàm chẳng phải Thánh. Sơ-tổ Trung-hoa nói : "Vô năng, vô Thánh là Phật-thánh". Nếu nói có thần thông biến hóa là Phật-thánh thì chín phẩm tinh-linh rồng, súc sanh... cho đến các cõi Trời trở lên cũng có thần thông cũng có thần thông biến hóa, cũng biết được việc xưa nay trăm kiếp, nhưng đâu được gọi là Phật ?! Như A-tu-la vương thân gấp đôi núi Tu-di vô cùng to lớn, lúc cùng với trời Đế-thích giao chiến, tự biết sức không bằng bèn dắt trăm muôn binh sĩ chui vào cọng sen ẩn núp, thần thông biện tài cũng không biết nhưng chẳng phải là Phật. 

Giáo-ngữ có cấp bậc ẩn hiển, cao thấp, lên xuống bất đồng. Lúc chưa ngộ, chưa giải thoát gọi là tham sân, ngộ rồi gọi là Phật-huệ, nên nói : "Không khác người thuở trước, mà chỉ khác cái hành vi thuở trước". 

Hỏi : Chặt cây, cuốc cỏ, khai mương, đào đất, có tướng tội báo không ? 

Sư đáp : Không thể nhất định nói là có tội hay không tội. Việc có tội hay không tội là do nơi người đó. Nếu tham nhiễm tất cả pháp có-không, có tâm lấy bỏ, không thấu suốt 'nghĩa ba câu' thì nói người này nhất định có tội. Nếu thấu suốt (nghĩa ba câu) tâm như hư không, cũng chẳng có cái nghĩ tưởng hư không thì người này nhất định là không tội. Lại nữa, nếu tội đã tạo rồi mà nói là không thấy có tội thật là vô lý. Nếu không tạo tội mà nói là có tội thì cũng là vô lý. Như trong Luật nói : "Người hôn mê giết người và trong chiêm bao giết người còn không bị tội giết", huống là sự truyền thừa của Thiền-tông, chẳng trụ một pháp nào, tâm như hư không, cũng không có tướng hư không, thì tội đặt để ở chỗ nào ?   

Xưa nếu có nay thì nay cũng có xưa, nghĩa là ngày xưa có Phật thì ngày nay cũng có Phật. Hiện tại nếu được một niệm chẳng bị tất cả pháp có-không quản nhiếp thì thẳng đến tận vị lai cũng được như vậy. Xưa cũng như nay, Phật chỉ là người, người chỉ là Phật, cũng là Chánh-định, chẳng cần đem Định nhập Định, chẳng cần đem Thiền tưởng Thiền, chẳng cần đem Phật tìm Phật, như nói : "Pháp chẳng cầu pháp, pháp chẳng đắc pháp, pháp chẳng hành pháp, pháp chẳng thấy pháp, thì tự nhiên đắc pháp, chẳng nhờ đắc để đắc thêm". Cho nên Bồ-tát cần phải Chánh-niệm như vầy : Đối với pháp rỗng không độc tồn, cũng không biết cái pháp độc tồn thì chí Tánh tự như-như, chẳng phải do nhân làm ra, cũng gọi là thể-kết, cũng gọi là thể-tập, chẳng phải là Trí biết, chẳng phải là Thức biết, dứt chỗ suy lường, tột cái thể ngưng tịch, sự suy nghĩ dứt hẳn như nước biển cạn sạch, sóng không còn sanh khởi nữa. 

Cũng nói : Như nước biển lớn không có gió mà lượn sóng lăn tăn, bỗng biết lượn sóng lăn tăn ấy là cái biết thô trong tế, quên cái biết nơi biết vẫn còn là cái tế trong tế. Nói cảnh giới Phật là từ cái biết đầu tiên này sanh ra tất cả tam-muội, cũng gọi là đảnh-tam-muội, cũng gọi là vua-tam-muội, cũng gọi là nhĩ-diệm-trí (trí sở tri), dùng những tam-muội này tưới trên đảnh đầu của các vị Pháp-vương-tử, khiến cho ở nơi tất cả cõi nước (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) đều thành Đẳng-chánh-giác, khi ấy trong ngoài thông đạt chẳng gì ngăn cách một Sắc một Trần, một Phật một Sắc, tất cả Phật tất cả Sắc, tất cả Trần tất cả Phật, do đến tất cả sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, mỗi mỗi cùng khắp tất cả cõi nước cũng đều như thế. Đây là thô trong tế, là cảnh giới thiện, trong cảnh giới này kiến văn giác tri là tất cả thượng lưu, xuất sanh nhập tử độ tất cả "Có, Không" cũng là thượng-lưu, Niết-bàn cũng là thượng-lưu, Vô-thượng-đạo, Vô-đẳng-đẳng Chú cũng là thượng-lưu.... Phàm sở thuyết của thượng-lưu là cái thuyết đệ nhất, ở trong các thuyết rất là thâm sâu, không người nào có thể đến được. Nói chư Phật hộ niệm nghĩa là khéo nói cái dụng thâm sâu quảng đại của tất cả nước trong và đục nên mới được chư Phật hộ niệm. 

Kinh nói : "Đi đứng nằm ngồi nếu được như thế, lúc ấy Ta liền hiện thân thanh tịnh quang minh". Lại nói : "Như ngươi thân bằng, ngữ bằng, Ta cũng bằng như thế, cho đến một Phật-sát (1) thanh, một Phật-sát hương, một Phật-sát vị, một Phật-sát xúc, một Phật-sát sự, thảy đều như thế. Từ đây lên đến thế giới Liên-hoa-tạng cao rộng thảy đều như vậy". 

Nếu giữ lấy cái biết đầu tiên làm tri giải, gọi là Đảnh-kết (phiền não cao tột), cũng gọi là đọa-đảnh-kết, là căn bản của tất cả trần lao. Vô cớ tự sanh tri kiến gọi là không dây mà tự trói. Tại sao vậy ? Vì có sở tri nên bị cái sở tri ấy ràng buộc trong Tam-giới. Lại nữa cái biết đầu tiên nầy có thể làm tan tất cả cửa phiền não trói buộc, Nhị-thừa gọi là nhĩ-diệm-thức (thức sở tri), cũng gọi là vi tế phiền não, hàng Nhị-thừa biết được lập tức dứt trừ. Đã dứt trừ xong, gọi là đem thần-tánh trở về cái hang Không, cũng gọi là bị rượu tam-muội làm say, cũng gọi là bị Ma-giải-thoát trói buộc. Thế giới thành hoại, định lực Nhị-thừa có thể duy trì, nhưng vẫn bị lọt vào quốc-độ khác mà chẳng hay biết, nên gọi là chỗ hầm-sâu-giải-thoát đáng sợ hãi. Còn hàng Bồ-tát thì xa lìa hết thảy. 

GHI CHÚ : (1) Một Phật-sát : Một 'Tam thiên đại thiên thế giới'. 

*

Sư nói : Phát nguyện cầu vô thượng Niết-bàn còn là tà nguyện. Nơi thân ngũ Ấm của mình bị người mổ xẻ, không cảm thấy phiền não, cũng không một niệm sanh tâm nhân ngã, nếu y trụ cái không một niệm đó cho là phải, gọi là pháp-trần-cấu. Người Thập-địa thoát chẳng được còn trôi vào sông sanh tử, huống là những kẻ đuổi theo danh lợi, cống cao ngã mạn, nói "Ta được tất cả vô ngại", ấy chỉ là tự dối thôi. 

Tổ Đạt-ma nói : "Tâm cho là có chỗ đúng ắt phải có chỗ sai". 

Nếu quý một vật thì bị một vật mê hoặc, nếu tin thì bị tin mê hoặc, nếu không tin lại thành phỉ báng. Vậy chớ nên quý chớ nên không quý, chớ nên tin chớ nên không tin. 

Hỏi : Thế nào là "Hữu tình không Phật-tánh" và "Vô tình có Phật-tánh" ? 

Sư đáp : Từ người đến Phật là tình chấp Thánh, từ người đến Địa-ngục là tình chấp phàm. Như nay đối với hai cảnh phàm Thánh có tâm ái nhiễm thì gọi là 'hữu tình không Phật-tánh'. Còn như đối với hai cảnh phàm-Thánh và tất cả pháp có-không đều không có tâm lấy bỏ, cũng không có cả cái tri giải về không lấy bỏ thì gọi là 'vô tình có Phật-tánh'. Do vì không bị tình chấp ràng buộc nên gọi là vô tình, chứ không phải đồng với các loại vô tình như gỗ đá, hư không, hoa vàng, trúc biếc, mà cho là có Phật-tánh. Nếu nói vô tình có Phật-tánh, tại sao trong Kinh không thấy thọ-ký cho chúng thành Phật ? Chỉ như hiện nay cái Giác-chiếu-soi không bị loài hữu tình ảnh hưởng mà biến đổi, nên dụ như trúc biếc; tịch mà thường chiếu, sẵn sàng ứng cơ, chẳng phải không biết thời tiết, thời tiết đến thì hoa nở, nên dụ như hoa vàng. 

Lại nói : "Nếu bước lên nấc thang Phật là vô tình có Phật-tánh, còn chưa bước lên nấc thang Phật là hữu tình không Phật-tánh". Lúc chưa ngộ gọi là mẹ, ngộ rồi gọi là con, cũng không có tri giải về ngộ và chưa ngộ gọi là mẹ con đều mất. 

*

Sư nói : Tất cả ngôn Giáo chỉ là trị bệnh. Vì bệnh chẳng đồng nên thuốc cũng chẳng đồng, do đó có lúc nói có Phật, có lúc nói không Phật, mục đích chính là trị bệnh. Bệnh nếu được lành, mỗi lời đều là lời thật, nếu trị bệnh không lành, mỗi lời đều là hư vọng. Cho lời thật là lời hư vọng là vì sanh khởi kiến chấp, cho lời hư vọng là lời thật là vì muốn đoạn dứt tưởng điên đảo của chúng sanh. Kỳ thật bệnh vốn là hư vọng thì phải dùng thuốc hư vọng để đối trị mà thôi. 

Sư nói : Nơi Thánh-địa học tập nhân phàm là Phật vào trong chúng sanh để dẫn dắt dạy bảo đồng loại. Cũng như vào đạo Ngạ-quỷ cùng họ chịu khổ, mới có dịp thuyết Bát-nhã Ba-la-mật cho họ khiến họ phát tâm, nếu cứ ở Thánh-địa mãi thì làm sao có dịp đến thuyết Pháp cho họ. Phật vào các loài chúng sanh làm ghe thuyền cho họ, cùng họ chịu khổ, lao nhọc biết bao ! Phật vào chỗ khổ cũng đồng như chúng sanh chịu khổ, Phật chỉ là đi ở tự do chẳng đồng với chúng sanh thôi. Phật chẳng phải hư không, chịu khổ đâu thể không khổ, nếu nói không khổ là không đúng. 

Bình thường chớ nên nói Phật có thần thông tự tại hay không tự tại. Người biết hổ thẹn thì không dám nói Phật là hữu-vi hay là vô-vi, không dám nói Phật là tự do hay không tự do. Ngoài sự tán thán phương thuốc hay, không được hiển lộ sự tương đối. Kinh nói : "Nếu người đem Phật, Bồ-đề đặt bên chỗ đúng thì người ấy bị tội lớn". Cũng nói : "Nếu ở trước người không biết Phật-pháp mà nói với họ như thế thì không lỗi". Thí dụ sữa bò vô lậu hay trị bệnh hữu lậu, bò ấy không ở trên cao nguyên, không ở dưới ẩm thấp, thì sữa bò này nên làm thuốc. Cao nguyên dụ cho Phật, ẩm thấp dụ cho chúng sanh. Cũng như nói : "Thật-trí của Pháp-thân Như-lai biện tài vô ngại, đi ở tự tại, bất sanh bất diệt, gọi là sáng, còn sanh lão bệnh tử, đau khổ mọi thứ, gọi là tối, như ăn canh nấm trúng độc mà chết ấy là tối. Nếu tiêu diệt dấu tích, sáng tối đều lìa vô thủ vô y thì chẳng sáng chẳng tối". 

Nói Phật sanh nơi cung Vua, lấy vợ Da-du-đà-la, cho đến trải qua tám giai đoạn thành Phật, ấy là sự vọng tưởng chấp thật của hàng Thanh-văn và Ngoại-đạo. Tự-tánh bất nhị, chẳng một chẳng hai, người mắt sáng cần phải đủ hai con mắt để chiếu soi, chiếu phá diệt hai đầu (tương đối). Nếu chỉ có một con mắt thiên hướng một bên thì phải bỏ mất bên kia. Người xưa nói : "Dù Công-đức-thiên, Hắc-ám-nữ đi theo, người chủ có Trí thì cả hai đều chẳng nhận". Người học Đạo nên tâm như hư không, sở học mới được thành tựu. 

Lục Tổ nói : Thiện ác đều chớ suy nghĩ. 

Mã Tổ nói : Như người mê chẳng phân biệt được phương hướng. 

Tăng Triệu nói : Bế tắc trí huệ thông minh, độc giác mênh mông. 

Văn Thù nói : 

Vì Tâm đồng hư không 

Kính lễ vô-sở-quán 

Kinh-điển rất thâm sâu 

Chẳng nghe chẳng thọ trì.

Chỉ như nay đối với các pháp có-không chẳng thấy chẳng nghe, lục Căn đóng bít, nếu học được như thế, trì Kinh như thế, mới có phần tu hành. Lời này đắng miệng nghịch tai, nếu người nào thực hành được thì đến kiếp thứ nhì hoặc kiếp thứ ba ắt được ở chỗ không có Phật mà tọa Đạo-tràng, thị hiện thành Đẳng-chánh-giác, biến ác thành thiện, biến thiện thành ác, dùng pháp ác giáo hóa Thập-địa Bồ-tát, dùng pháp thiện giáo hóa địa-ngục ngạ-quỷ, gặp chỗ sáng thì khéo mở trói cho sáng, gặp chỗ tối thì khéo mở trói cho tối. Cũng nói : "Từ Sắc-giới trở lên, bố thí là bệnh, bỏn xẻn là thuốc, từ Sắc-giới trở xuống, bỏn xẻn là bệnh, bố thí là thuốc". Cũng nói : "Từ người đến Phật là đắc, từ người đến địa-ngục là thất, thị phi cũng vậy". Tam Tổ nói : "Đắc thất thị phi, nhất thời buông bỏ". Nắm vàng thành đất, nắm đất thành vàng, tự do biến hóa, tất cả đều làm được. Ngoài Hằng-sa thế giới có kẻ cầu cứu, Phật liền hiện ra ba mươi hai tướng tốt trước mặt người ấy, dùng tiếng nói của họ thuyết Pháp cho họ, tùy cơ cảm ứng, tùy loại biến hóa, mà hiện hình khác nhau, lìa ngã và ngã sở. Làm những được việc này vẫn chỉ là tiểu dụng, cũng còn nằm trong cửa Phật-sự. Nếu là đại dụng : Đại-thân ẩn nơi vô hình, đại-âm dấu nơi hy thanh (âm thanh ngoài tần số nghe), như lữa ở trong gỗ cây, như tiếng ở trong chuông trống, khi chưa đủ nhân duyên chẳng thể nói đó là có hay không. Đối với quả báo cõi Trời, bỏ nó như nhổ nước miếng, đối với lục độ vạn hạnh của Bồ-tát như nhờ tử thi làm bè qua sông, cũng như chui lỗ cầu tiêu để ra khỏi tù. Phật đắp ba mươi hai tướng tốt gọi là đắp cái y cáu bẩn. 

Sư nói : Chẳng thiện trói, chẳng ác trói, chẳng Phật trói, chẳng chúng sanh trói, cho đến chẳng tất cả số lượng trói.

Nên nói : Phật là người ở ngoài trói buộc. 

Những người tham đắm tri giải nghĩa cú như mẹ thương con, chỉ biết cho con ăn nhiều tô-lạc, tiêu hay không tiêu đều không màng đến. Lời này dụ cho : Hàng Thập-địa thọ sự cúng dường của Trời người là 'tôn quý phiền não'.  

Thiền-định sanh vào sắc-giới, vô-sắc-giới là 'phước lạc phiền não'.  

Được thần thông tự tại bay đi ẩn hiện khắp Tịnh-độ mười phương chư Phật, là 'nghe pháp phiền não'.  

Học từ bi hỷ xả là 'nhân duyên phiền não'.  

Học lý không, bình đẳng là 'trung đạo phiền não'.  

Học tam minh lục thông là 'tứ vô ngại phiền não'.  

Học tâm Đại-thừa là 'phát tứ hoằng thệ nguyện phiền não'.  

Sơ địa, nhị địa, tam địa, tứ địa là 'minh giải phiền não'.  

Ngũ địa, lục địa, thất địa là 'chư tri kiến phiền não'. 

Bát địa, cửu địa, thập địa là 'song chiếu nhị đế (chân đế và tục đế) phiền não'

Cho đến học Phật quả là 'bá vạn A-tăng-kỳ chư hạnh phiền não'

Chỉ biết tham đắm nghĩa cú tri giải chẳng biết đó là 'trói buộc phiền não', nên nói : "Dòng sông kiến chấp hay cuốn trôi hương tượng (loài voi lớn ở Himalaya dụ cho hàng Bồ-tát)". 

Lược giải : Các thứ phiền não kể trên có thể khiến người đọc nghi ngờ nên chúng tôi lược giải : Bản năng của Tự-tánh vốn đầy đủ, cùng khắp không-gian và thời-gian, nếu được phát hiện (kiến tánh) thì tùy duyên cảm ứng chẳng thiếu sót. Nay còn học thêm làm thêm cũng như trên đầu mọc thêm đầu, chỉ tự thêm lao nhọc, cho nên nói là phiền não.

 

Tác giả bài viết: thichdaophat

Nguồn tin: Tông Phong Tàng Thư

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn