04:50 EDT Thứ ba, 19/03/2024

Trang nhất » Giới Thiệu

Thiền sư Bác sơn

Hòa-thượng Bác Sơn (1575-1630), họ Sa, tên Đại Hy, tự là Vô Dị, người đời thường gọi là Ngài là Thiền-sư Vô Dị. Sư năm 16 tuổi phát chí xuất gia, đến chùa Ngõa Quan ở Kim Lăng nghe giảng kinh Pháp Hoa, cảm khái than : “Cầu điều đó ngay nơi mình, há có thể đuổi theo câu văn mà được ư ?”

Sư bèn bỏ đi Kiến Vô lễ Pháp-sư Ngũ Đài Thông cạo tóc xuất gia. Đầu tiên tu tập Chỉ-quán. Sư ngồi tu dưới cội tùng chẳng biết ngày đêm, muỗi mòng bu đầy trên thân như cắn cây khô, bên trong chẳng biết có thân tâm, bên ngoài chẳng thấy có núi sông đại địa, trải qua năm năm, dù lạnh dù nóng cũng không ngừng nghỉ.

Sau đó, Sư đến Pháp-sư Hồng, ở núi Siêu Hoa thọ Giới-tỳ-kheo, nghe nói Đại-sư Thọ Xương Huệ Kinh ở núi Nga Phong xiển Pháp của Tào Động, Sư qua yết kiến, thấy ngài Thọ Xương đầu đội nón lá, vác cuốc giống như người nhà nông, tâm bèn sanh nghi. Sư bỏ đi về đất Mân (Phước Kiến) ở núi Bạch Vân Phong ba năm, viết thư trình sở đắc lên Thọ Xương. Thọ Xương viết thư phúc đáp rằng : “Đó chẳng phải là đệ-nhất-nghĩa”. Sư mới biết mình lầm, bèn đốt thư đi. Sư càng để tâm vào Tông-thừa, xem lời của Thuyền Tử nói : “Chỗ ẩn thân không tung tích, chỗ không tung tích chớ ẩn thân”, nghi-tình liền phát khởi, đến nỗi quên ngủ quên ăn trải qua hơn một năm. Một hôm Sư xem Truyền Đăng Lục thấy Triệu Châu bảo Tăng rằng : “Phải ra ngoài ba ngàn dặm gặp Thiện-tri-thức mới được”. Sư bất giác tỉnh ngộ, như bỏ được gánh nặng ngàn cân, tự cho rằng đại ngộ, chạy đến yết kiến Thọ Xương, Thọ Xương chẳng công nhận. Sư mới hổ thẹn, từ đó y-chỉ Thọ Xương nỗ lực cầu Đạo đến nỗi thân hình khô héo, mặt mũi nám đen, còn da bọc xương mà tinh tấn chẳng lùi.

Một hôm, Thọ Xương nhận lời Ngọc Sơn thỉnh muốn Sư cùng đi, Sư từ chối. Thọ Xương nói : “Hôm nay có người thuyết Pháp cho ông nghe chóng làm cho ông ngộ”. Sư mới chịu đi. Dọc đường luận về chỉ thú ngũ vị quân thần, Sư nói lưu loát chẳng ngừng, Thọ Xương đều công nhận, rồi hỏi lại Sư : “Như lời Phật-ấn nói 'con kiến biết tìm chỗ tanh đến, ruồi xanh hay đến chỗ thối tha' là thuộc về quân-vị hay thần-vị ?”

Sư đáp : Thuộc về thần-vị.

Thọ Xương quở : Sẽ có người cười ông.

- Tại sao trước nói phải mà bây giờ nói chẳng phải ?

- Một chẳng phải thì tất cả chẳng phải.

Đến Ngọc Sơn, Sư ngồi kiết-già trên tảng đá, bỗng nghe tượng Hộ-pháp Già-lam ngã xuống đất, trong tâm hoát nhiên, vội làm Kệ-tụng trình Thọ Xương :

Ngọc Sơn dạy một lời

Tâm dứt, ngữ ngôn bặt

Bao nhiêu hiểu huyền diệu

Như tuyết gặp nước sôi

Kim vàng không lỗ trôn

Nhân duyên thời tiết tốt

Cành khô sanh hoa mai

Hoa đào nở tháng chín

Đầu ghềnh nước đổ ném gậy dò

Chìm chết vô hạn anh hùng khách.

Thọ Xương nói : “Một đến nhiều cửa, lại đến cửa. Bởi vì tâm tri giải tuyệt mà mạng-căn chưa dứt”.

Sư càng tự cố gắng, ở riêng trong Thiền-đường ngày đêm chẳng chịu ngủ nghỉ. Một hôm, Sư đi cầu xí thấy người leo cây bèn ngộ Chí-đạo, chạy đến yết kiến Thọ Xương, vừa vào cửa liền lễ bái.

Thọ Xương hỏi : Ngày gần đây như thế nào ?

Sư đáp : Có con đường sống chẳng cho người biết.

- Vì sao chẳng cho người biết ?

- Chẳng biết, chẳng biết.

Thọ Xương nhắc lại Công-án : “Bà già đốt am đuổi Tăng” và hỏi “Thủ-đoạn bà già như thế nào ?”

Sư đáp : Vàng ròng thêm màu mà thôi.

Thọ Xương lại cử câu : “Rồng gầm, cọp rống”, bảo Sư làm Kệ tụng.

Sư liền cầm bút lập tức viết :

Giết cứu tranh hùng đều diệu kỳ

Mơ hồ mắt thịt đâu thể hay

Nói ra chẳng toại lòng ai cả

Du xuân gió mát vẫn y xưa.

Thọ Xương cười nói : Ông hôm nay mới biết ta chẳng dối gạt ông.

Sư hỏi : Về sau còn có việc gì nữa hay không ?

- Lão Tăng chỉ biết mặc áo ăn cơm.

- Há không có phương tiện ư ?

- Ông về sau được ngồi mặc áo, không còn tính toán là đủ rồi. 

Thọ Xương bèn nói kệ truyền Pháp :

Xưa nay thanh tịnh hằng như nhiên

Khế chứng nhiều đời gặp hữu duyên

Chạm mắt hỗn dung đều chí diệu

Toàn thân tác dụng thảy hư huyền.

Năm Tông cực-tắc cơ đồng quán

Ba Tạng tinh vi lý cũng viên

Chẳng ngại xưa nay việc phàm Thánh

Như-lai-thiền hợp Tổ-sư-thiền.

Lại phó-chúc thêm : “Hãy lấy vô tâm tương tục làm Chánh-dụng, tận Pháp hành trì, đền đáp cái ơn chẳng thể báo đáp bằng cách làm lợi ích cho người Chánh-tín có duyên”. Lúc ấy Sư mới 27 tuổi.

Sư qua Nga Hồ thọ giới Bồ-tát, ở lại sáu tháng rồi trở về đất Mân, nhận lời mời thỉnh đến Viện Tổ-ấn ở Tín Châu, sau đó Sư dời về Bác sơn, bèn trao cho Sư cái nghi-uỷ thọ Giới để làm Luật-sư. Từ đó Thiền & Luật song hành, Tông-phong rất hưng thạnh. Miền Bắc đến Yên Đô (Bắc Kinh), miền Nam đến tận Giao Chỉ (Việt Nam), người nghe tiếng Sư mỗi năm tìm đến có hàng ngàn.

Sư đã từng nhận lời mời đến chùa Thiên Giới ở Kim Lăng (Nam Kinh) thuyết Pháp. Chùa ấy rộng mấy mươi dặm, có thể dung nạp mấy trăm vạn người, lúc ấy nón giày vân tập chùa thành ra nhỏ. Tổn phí cơm nước mỗi ngày hơn bạc vạn mà mỗi người chỉ được ăn một chén cơm với vài cọng rau mà thôi.

Niên hiệu Sùng Trinh năm Canh Ngọ (1630), Sư từ Kim Lăng trở về, tự nói : “Ta xuất thế quá sớm thì tạ thế cũng sớm”. Sư bèn sai đệ-tử xây Tháp. Kiết hạ, Sư trước tác Tông Giáo Thông Thuyết một quyển, trình bày hết những điều huyền ảo, sách viết chín tháng mới xong. Sư bèn thị hiện có chút bệnh, đến nửa đêm ngày 17 Sư gọi Thủ-tọa Trí Mẫn đến giường dặn dò áo-nghĩa Tông-thừa rồi cười.

Thủ-tọa hỏi : Hòa-thượng an chăng ?

Sư đáp : Được chút thọ dụng.

- Còn có cái chẳng bệnh chăng ?

- Nóng làm sao ấy !

- Đến đi tự tại thế nào ?

Sư đòi bút, viết bốn chữ lớn “Rõ Ràng Phân Minh”, rồi ném bút, ngồi tịch. Sư thọ 66 tuổi đời, 41 tuổi Đạo.

Pháp-tôn là Hoằng Hàn, Hoằng Dũ gom góp Ngữ-lục của Sư thành Quảng-lục ba mươi lăm quyển lưu hành ở đời (xem Tục Tạng Kinh).

Năm sau, Ngày 21 tháng 10 năm Tân Mùi (1631) đem toàn thân Sư nhập Tháp trên ngọn Thê Phụng Lãnh ở phía tây chùa. Sư để lại ngôn thuyết Pháp phân chia làm chín loại, trong đó bộ Tham Thiền Cảnh Ngữ là kinh nghiệm của chính Sư đã trải qua, vì người phát tâm Tối-thượng-thừa, chỗ đau châm trên mũi dùi, lúc trượt thì đưa gậy cho nắm, thật đáng là linh đơn thay xương đổi cốt vậy.