02:19 EDT Thứ ba, 19/03/2024

Trang nhất » Giới Thiệu

Thiền sư Bá Trượng


Thiền sư Hoài Hải, họ Vương, người Trường Lạc, Phước Châu. Thuở bé theo mẹ vào chùa lễ Phật, chỉ tượng Phật hỏi mẹ : Đây là ai ?

Mẹ nói : Là Phật.

Sư nói : Hình dạng Phật với người chẳng khác, con sau nầy cũng sẽ làm Phật. 

Sư xuất gia từ thuở thiếu thời, tam học đều thông, ham thích Thiền-đốn-ngộ, nghe Thiền-sư Mã Tổ Đạo Nhất khai hóa ở Nam Khang (nay là núi Mã Tổ ở Giang Tây), Sư bèn hết lòng y-chỉ.

Sau khi nối pháp Mã Tổ, Sư được đàn-tín thỉnh Trụ-trì Đại Trí Thọ Thánh Thiền Tự ở núi Đại Hùng thuộc Hồng Châu, núi cao chót vót, nước suối Ngô Nguyên bay xuống ngàn thước, nên có tên là núi Bá Trượng.

Sư Trụ-trì chưa đầy một tháng, người bốn phương đến tham học vân tập hơn một nghìn, trong đó Qui Sơn và Hoàng Bá làm thượng-thủ. Từ đó Pháp-môn càng ngày càng hưng thạnh, Tông-phong lừng lẫy, Sư bèn quyết ý lập ra Thiền-viện đầu tiên. Trước kia các Tự-viện Thiền-tông đều nhờ vào Chùa của Luật-tông, từ nay mới được lập riêng.

Sư là người khởi sáng cho Thiền-tự được độc lập, soạn định chế độ Tòng-lâm, gọi là Bá Trượng Thanh Quy, nên cũng được tôn xưng là Tổ Trung Hưng của Thiền-tông. 

Sư là người siêng năng làm việc, mỗi khi có việc nhà Chùa đều tự mình làm trước cả Đại-chúng; người Chủ-sự lén giấu dụng cụ canh tác của Sư, mời Sư nghỉ ngơi, Sư nói : "Đức ta không đủ, đâu dám trút sự lao động của mình cho người khác". Tìm dụng cụ không được thì ngày đó không ăn, cho nên mới có câu : "Một ngày không làm, một ngày không ăn".

Vì thế mới biết được Gia-phong của Sư chân thật như thế nào, thật đáng làm mô phạm cho muôn đời. 

Ngày 17 tháng giêng năm Nguyên Hòa thứ 9 đời nhà Đường (CN 814), Sư thị tịch, thọ 9l tuổi, đệ-tử được phó Pháp là Qui Sơn Linh Hựu Thiền-sư, Hoàng Bá Hy Vận Thiền-sư, v.v... tất cả có 28 người, hết thảy đều là môn đồ xuất sắc (kỳ lân, phụng hoàng) trong Phật-pháp. Ngoài tác phẩm này ra còn có Bá Trượng Thanh Qui 2 quyển. Năm Trường Khánh thứ nhất đời Đường Mục Tông, Sư được sắc ban là Đại Trí Thiền-sư, Tháp hiệu là Đại Bảo Thắng Luân./.
Ngữ lục của ngài được thầy Duy Lực dịch sang chữ Việt có tựa đề "Bá Trượng Ngữ Lục" mời các bạn tìm đọc.