Tam Giáo Thánh nhơn, khai hóa Thiên-hạ, từ việc lớn đến việc nhỏ, đều có Pháp-độ, Chương-luật. Đạo phải có gốc, học phải có thầy, không phải xuyên tạc, bày đặt để mượn tiếng làm thầy Thiên-hạ được.
Nho – Đạo, hai giáo Phái này có truyền thống, ở đây không bàn đến. Ta chỉ nói riêng về đạo Phật (Thích-giáo). Đức Đại Hùng Văn Phật giáo hóa chúng sanh, lấy lòng từ bi làm lợi cho muôn vật, lấy trí tuệ tiếp độ mọi người, dạy cho đồ chúng, chia thành ba môn để cho kẻ hậu tiến tiện đường hướng theo. Tổ Dược Sơn bảo rằng: “Luật có Luật-sư, Luận có Luận-sư”. Hiện nay bảo là “Tông-sư” thì chưa hiểu Thiền-chỉ (Chỉ yếu thiền), bảo rằng "Luật-sư" thì chưa hiểu Giới-tướng, bảo rằng “Luận-sư” lại chưa hiểu nghĩa Kinh; hành động lố lăng, nói năng lộn xộn, tự ý đặt điều làm hại kẻ hậu học; khinh người dối Phật, ăn hại thí cúng của thập phương, thực là loài ma nghiệt số một trong Pháp-môn vậy.
Theo kinh Duy Ma nói thì ai mà cúng dường cho những hạng người ấy không được phước, còn hạng người ấy nhận của cúng dường phải đọa vào ba ác đạo (...)
Nay do Quốc-vương (1) triệu thỉnh, Lão-tăng từ phương xa đến, được Quốc-vương cung kính thân thiện như cốt nhục. Vả lại, thần dân trong nước thảy đều qui y Tam Bảo, thật là một Quốc-gia ưa muốn làm việc lành rất hiếm có. Ta nỡ nào mặc áo Cà-sa, làm trái phép Phật, với Phật kết oan, với Pháp kết thù và với Tăng kết oán cho đành. Lão-tăng thấy mà không nói, thả cho ma làm Bụt, còn tội nào lớn hơn và rất phụ mỹ ý tín ngưỡng của Vua-quan, Tứ-chúng. Bởi thế, lược cử ra ba việc sau đây, nói rõ mối tệ, giúp cho Thiện-nam Tín-nữ trong nước khỏi bị bọn tu hành giả dối lừa bịp.
Phật-tổ đặt ra Giới-luật, cũng như Khổng Thánh dạy người “Giới thân khủng cụ, khắc kỷ phục lễ”. Vậy Ngài bảo rằng: Trái lễ chớ xem, trái lễ chớ nói; nghĩa là gốc của thành ý, chính tâm tu thân đều ở chỗ biết răn sợ. Đức Văn Phật độ thế, sợ người đời khí tập nặng nề, đắm đuối trong vòng tham, sân, si, ái nên đặt ra các Giới-pháp Sa-di, Tỳ-kheo và Bồ-tát. Tại gia Bồ-tát có ngũ giới, bát quan trai giới, phát minh điều luật, gồm ba ngàn tế hạnh, tám trăm oai nghi; cốt khiến người đời giữ thân tâm cho đoan chính, trừ bỏ vọng tưởng, tu hành cho đến cõi Bồ-đề. Đặt ra ba đàn Đại Giới, trên bày ba vị Tổ-sư, bảy vị Tôn Chứng, nghiêm kết Đàn-tràng nghi lễ, đối với Bát Bộ Long Thiên, vân tập Tứ-chúng, khiến những kẻ cầu Giới, tự đem việc làm trong đời mình, hoặc có lỗi hoặc không, phát nguyện sám hối. Hơn nữa, phải ba Đàn làm phép, bốn dạo hỏi tra, làm trọn thanh tịnh phép mầu mới cho thọ Giới. Nếu xét có lỗi nặng thì sẽ bị từ khước tức thì. Gần đây, có một bọn Ma-sư truyền Giới-pháp cho người, dầu người ấy không chịu lên Đàn, chẳng hề chịu qua sự truyền pháp của Tam Sư, chứng minh của Thất Chứng, túc nghiệp không hề sám hối, Giới-luật chẳng hề giảng bàn; khoác áo Cà-sa, cầm bình bát, chẳng hề giảng tập các oai nghi; không căn cứ Tăng hay tục, chỉ cần có một số tiền hương đăng công đức, tức thì có Pháp Y, Giới điệp cầm đến tận tay, khiến cho bọn cầu Giới vô tri ngang nhiên tự cho mình đã đắc truyền Đại Giới Tam Đàn (...)
Đức Phật ban đầu hiện thân “Lô-xá-na” diễn giải kinh Hoa Nghiêm, giải thích luận bàn hao hơi rát cổ mà Thiên-long hải chúng ngồi nghe như điếc; Ngài nhận thấy chúng sanh mê lầm, khó bề tiếp dẫn, bèn nói rằng: “Thôi, Ta không thuyết Pháp nữa”, liền trở vào Niết-bàn. Nhưng sau suy nghĩ 21 ngày, cuối cùng dùng phương-tiện khéo léo, đến vườn Lộc-giả mở hội A-hàm, theo pháp “Sanh lão bệnh tử” diễn thành các chủng loại, các lời thuyết giảng tùy theo căn cơ riêng của từng người mà dẫn Đạo, khiến cho mọi người đều được bổ ích. Bởi vì Phật nghĩa là “Giác”, chẳng những tự mình giác ngộ mà còn phải giác ngộ cho người đời nữa (...)
Còn những người gánh vác việc nhà Phật, giữ trọng trách làm thầy người, cần phải tiếp đãi Tứ-chúng thập phương từ hòa và bình đẳng, đối với ai cũng tận tâm khai hóa, không luận việc tinh tế hay thô lậu, việc lớn hay việc nhỏ, hễ có người thành tâm đến thỉnh Giáo, đều phải dẫn giải chỉ bày; cho đến những người không biết gì đến hỏi han, nếu mình nghe thấy cũng phải tìm cách, ra công dạy dỗ, lựa lời dạy bảo dầu có rát cổ hao hơi, không được vì mệt nhọc mà bỏ dở nửa chừng, cốt phải làm sao cho người nghe giác ngộ, cải tà qui chánh mới thôi. Dạy mỗi ngày mỗi tiến, học lâu thành quen, như thế dần dần sẽ hợp Đạo.
Gần đây, thấy có một bọn người giả dối, giả danh làm thầy mà Giáo-điều, Giới-luật mù mịt không biết, ngu dốt mà tự cho mình là cao, khinh khi kẻ hậu học, khi thì nói “Bọn chúng không thể dạy được”, khi thì nói “Dù có dạy, chúng nó cũng chẳng biết chi”, ngăn người là tự ngăn mình, dối người chính là tự dối mình vậy (...)
Nay xem, người Bản-quốc có lòng tin rất kiên cố, Chùa chiền khắp xứ, Tăng Ni (sãi vải) đầy đoàn, há phải thiếu kẻ tu hành có căn tánh lanh lợi, cớ sao ba môn học “Tông, Luật, Luận” không có người nào chỉ vẽ; khiến cho Đại-chúng mờ mịt, đắm đuối trong tà tịch, tình si. Túng sử tập tục mê lầm, cũng ắt có một lần phát niệm trở về với ánh sáng. Khốn nỗi, những bực Sư-trưởng, tiền bối, chẳng những chẳng khích lệ hướng dẫn mà còn không chỉnh đốn khuôn phép, giảng dạy không ra trò, hỗn loạn hồ đồ (...)
Đến ngày nay, Thiên-đạo suy vi, thuần phong tiêu tán, có kẻ giày cỏ chưa mang hết một đôi, cửa Thiền chưa bước qua hai bực, một mai ra làm thầy người, sợ người ta biết rõ chân tướng, làm bộ lim dim nhắm mắt, sửa giọng thanh cao, làm như bực giải thoát, ghen ghét tham lam, giả dối bề ngoài, để được tiếng khen là “Lão tu hành”, lấy thế làm đắc sách (...); “Từ bi” chưa được như Phật, “kiến giải” chưa đúng như Pháp, “tâm hạnh” chưa phải Tăng; thế mà dám thọ lãnh thập phương lễ bái, Tứ-chúng qui y, lên mặt thầy của người (nhơn sư) mạo danh Pháp-chủ, há chẳng sợ địa ngục quả báo hay sao ?
Phật ở Linh Sơn thuyết Pháp, Đại-chúng đều lặng thinh, chỉ có Đầu-đà Ca-diếp, mỉm cười hớn hở, Đức Phật bảo rằng: “Chánh Pháp Nhãn Tạng, Niết Bàn Diệu Tâm, giao phó cho ngươi, phải hộ trì lưu thông vĩnh viễn, chớ làm gián đoạn”. Từ đó, lập nên Tông-phái (Thiền tông) gọi là “Giáo ngoại biệt truyền” (truyền ngoài Giáo-pháp) khiến người noi theo đó mà tiến thủ, minh tâm kiến tánh, nối đời truyền thụ cho nhau. Tây Thiên có 28 Tổ-sư, Đông Độ có 6 Tổ-sư, đến Tào Khê Đại Giám Tổ-sư (Huệ Năng) thì hết truyền Y - Bát, chỉ truyền “Tâm-pháp”, đời đời nối nhau. Sau lại chia thành hai phái: Thanh Nguyên (Hành Tư) và Nam Nhạc (Hoài Nhượng); năm chi là “Qui Ngưỡng, Lâm Tế, Tào Động, Vân Môn, Pháp Nhãn”. Năm chi hoằng hóa mở rộng Phật-giáo cho đến ngày nay.
Ôi ! Phật là một chúng sanh Giác-ngộ trước, chúng sanh là một vị Phật chưa giác ngộ, bởi thế, phàm phu có đủ tư cách Thánh nhơn mà phàm phu không biết; Thánh nhơn cũng có tư cách phàm phu; Thánh nhơn chẳng hay mình là Thánh nhơn, nếu biết mình Thánh nhơn tức là phàm phu, phàm phu nếu biết phàm phu tức thị Thánh nhơn (...)
Đã làm con cháu Phật - Tổ, nên kiên tâm tự nguyện mở đường Giác-ngộ cho người đời, phá ám khai mê, phản tà qui Chánh, há phải là việc nhỏ mọn hay sao ? Nên nghĩ : Vườn Phật xuân tàn, sân Chùa thu muộn, trong thời Pháp-môn thất truyền lưu lạc, há nên lấy ngoa truyền ngoa, khiến Tăng nhơn khắp nước chẳng biết ra đời học Đạo là cái gì, ù ù cạc cạc trong làn túy mộng.
Lão tăng không nỡ làm thinh ngồi ngó, nên không ngại khẩu nghiệp, nói thẳng vài lời.
Nay Bố Cáo
(1) Quốc-vương: Tức chúa Nguyễn Phước Châu (1691 – 1725).
(Có ai trong chúng ta dám noi gương người xưa in "Lời Cáo Bạch" này đem dán ở các Chùa một lần nữa không nhỉ ?)
Tác giả: Vuong