Phật Thích-ca

 

Thích-ca Mâu-ni là Phật thứ tư trong Hiền kiếp, họ Sát-lỵ, cha là vua Tịnh-phạn, mẹ hoàng hậu Ma-da. Dòng Sát-lỵ làm Vua từ khi châu Diêm-phù-đề bắt đầu. Phật trải qua nhiều kiếp tu hành được Phật Nhiên Đăng thọ ký kế vị Phật Ca-diếp, thành Phật trong kiếp này.

Phật xưa kia đắc đạo Bồ-tát, sanh cõi Trời Đâu-suất, tên Hộ Minh Đại sĩ. Khi nhân duyên đến, cách đây khoảng 3021 năm (1030 năm trước tây lịch), Ngài giáng sanh tại Népal. Theo lịch Trung-quốc là mồng 8 tháng 4 năm Giáp Dần, niên hiệu 24, triều đại Châu Chiêu Vương. Lúc ra đời, Ngài phóng đại Trí quang minh soi khắp mười phương thế giới, có hoa sen vàng từ dưới đất nổi lên hứng hai chân Ngài.

Khi ấy Ngài một tay chỉ trời một tay chỉ đất, đi vòng bảy bước, mắt nhìn bốn phương nói : Trong cuộc sống, chỉ cái "Ta" là cao quí nhất (Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn). Sau khi giáng sanh, hiện ra đủ thứ thần dị như đã được ghi trong các Kinh. Năm 19 tuổi, mồng 8 tháng 2, Ngài có ý muốn xuất gia, trong tâm nghĩ rằng sẽ được gặp nhân duyên, nên đi dạo khắp bốn cửa thành, đích thân gặp thấy bốn cảnh: người già, người bệnh, người chết và người tu đạo (đạo sĩ) liền quyết chí tìm cách để lìa hẳn.

Ngay giữa đêm đó, có người ở cõi Trời Tịnh cư hiện trước cửa sổ bạch rằng : “Thời xuất gia đã đến, Ngài hãy ra đi”. Rồi có chư Thiên ôm chân ngựa Ngài đang cỡi bay ra khỏi thành, khi ấy Ngài phát thệ nguyện rằng : “Nếu chẳng dứt tám khổ, chẳng thành Vô thượng Bồ-đề, chẳng chuyển Pháp luân thì không bao giờ trở về”.

Phụ vương Tịnh phạn thương nhớ Ngài, sai nhiều đại thần đi khuyên Ngài trở về cung, Ngài nhất định không về. Ngài vào núi Đàn-đặc tu đạo, lúc đầu theo ngoại đạo A-lam-ca-lam ba năm, học định Bất-dụng-xứ, sau biết quấy liền bỏ. Rồi đến nơi Uất-đầu-lam-phất ba năm, học định Phi-phi-tưởng, sau biết quấy cũng bỏ. Kế đến núi Đầu dơi, cùng các ngoại đạo hằng ngày chỉ ăn mạch, mè trải qua sáu năm.

Ngài tự nghĩ rằng : “Tu khổ hạnh này chẳng thể giải thoát chân chính. Ta sẽ ăn uống lại”. Rồi xuống sông Ni-liên-thiền tắm rửa, nhận sữa cúng dường của cô gái chăn dê. Kế đến gốc cây Bồ-đề, Thiên đế đem cỏ tường thoại trải tòa ngồi cho Ngài.

Khi ấy gió dịu mây đẹp dấy lên từ bốn phương, Thiên ma sợ Ngài thành đạo nên thống lãnh Ma chúng đến làm mọi cách ngăn trở, như hiện hình khủng bố, hoặc hiện người nữ nhan sắc. Ngài đều an nhiên chẳng động, lại dùng ngón tay chỉ đất khiến đất chấn động mạnh, bọn Ma đều ngã té liền bị hàng phục.

Nên Kinh nói : “Dùng vô tâm ý, vô thọ hạnh mà hàng phục hết thảy các Ngoại đạo Tà ma”.

Đến đêm mồng 7 tháng 2 năm Quý Mùi là năm thứ ba Châu Mục Vương, Ngài nhập Chân tam-muội. Rạng sáng mồng 8, vào lúc sao Mai mọc, Ngài hoát nhiên đại ngộ thành Đẳng-chánh-giác, than rằng : “Lạ thay ! Tất cả chúng sanh đều sẵn đủ trí huệ đức tướng Như-lai, chỉ vì vọng tưởng chấp trước mà chẳng thể chứng đắc”. Khi ấy Ngài ba mươi tuổi.

Sau khi thành đạo sáu năm, Ngài về cung vì vua Tịnh phạn thuyết Pháp. Vua rất vui mừng, cho dòng quý tộc năm trăm người theo Phật xuất gia...

*

Phật ở hội Linh sơn niêm hoa thị Chúng. Lúc ấy Chúng đều im lặng, chỉ một mình Tôn giả Ca-diếp mỉm cười.

Thế tôn nói : “Ta có Chánh pháp Nhãn tạng (từ nghi đến ngộ), Niết-bàn diệu tâm, thực tướng vô tướng, Pháp môn vi diệu, Bất lập văn tự, Giáo ngoại biệt truyền, nay phó chúc cho Ma-ha Ca-diếp”.

Rồi Thế tôn đến trước tháp Đa tử bảo Ma-ha-ca-diếp ngồi kế cạnh, dùng Tăng-già-lê (áo Cà-sa) quàng lên thân Ca-diếp và bảo rằng : “Ta đem Chánh pháp Nhãn tạng mật phó cho ngươi, ngươi nên hộ trì”. Rồi bảo A-nan làm phó, giúp Ca-diếp hoằng hóa, chớ cho đoạn tuyệt. Xong Phật thuyết Kệ rằng :

Bản pháp vốn vô pháp,

Vô pháp cũng là pháp.

Nay phó chúc vô pháp,

Pháp pháp đâu từng pháp ?

Thế-tôn thuyết kệ xong lại bảo Ca-diếp : “Ta đem áo Kim-lan Tăng-già-lê truyền phó cho ngươi để chuyển trao cho Phật vị lai”.

Ca-diếp nghe kệ xong đảnh lễ chân Phật, tán thán rằng : Lành thay ! Lành thay ! Con sẽ vâng lời Phật.

Thế tôn sắp nhập Niết-bàn, Văn-thù thỉnh Phật tái Chuyển Pháp luân. Thế tôn quở rằng : Văn-thù ! Ta bốn mươi chín năm trụ thế chưa từng thuyết một lời. Nay ngươi thỉnh Ta tái Chuyển Pháp-luân, vậy cho Ta đã từng Chuyển Pháp-luân sao ?

٭

Thế-tôn ở trong hội Niết-bàn tay đặt trên ngực bảo Chúng rằng :

“Đại chúng hãy khéo quán xét cái thân vàng này, chiêm ngưỡng cho đủ, chớ nên hối tiếc. Nếu nói Ta diệt độ thì chẳng phải đệ tử của Ta. Nếu nói Ta chẳng diệt độ thì cũng chẳng phải đệ tử của Ta”.

Khi ấy cả triệu ức Chúng thảy đều khế ngộ.

Lúc bấy giờ Thế-tôn đến thành Câu-thi-la bảo Đại-chúng rằng : “Nay Ta đau lưng muốn nhập Niết-bàn”. Rồi Ngài đi bộ đến gần bờ sông Ni-liên, giữa hai cây Sa-la, nằm nghiêng phía mặt im lặng thị tịch. Sau đó Ngài lại từ trong quan tài lại đặc biệt đưa ra hai chân để hóa độ Kỳ-bà và thuyết Kệ vô thường rằng :

Chư hạnh vô thường là pháp sanh diệt.

Sanh diệt diệt rồi, tịch diệt làm vui.

Lúc ấy các đệ tử giành nhau đem trầm hương thiêu đốt quan tài. Sau khi lửa tàn, quan tài vẫn còn nguyên. Đại chúng thấy vậy, ngay trước Phật tán Kệ rằng :

Vật phàm dù cháy bừng,

Đâu thể thiêu thân Thánh.

Xin thỉnh lửa Tam-muội,

Để thiêu sắc thân vàng.

Lúc bấy giờ, quan tài tự nhảy lên cao bằng cây Sa-la, rồi lên xuống bảy lần như vậy trên không xong hóa ra lửa Tam-muội, trong chốc lát biến thành tro, có cả thảy tám giạ bốn đấu Xá-lợi. Hôm đó, nhầm ngày 15 tháng 2 năm Nhâm Thân, tức năm thứ năm mươi hai đời vua Chiêu Mục Vương. Một ngàn bảy trăm năm sau khi Thế tôn nhập diệt, Giáo pháp được truyền sang Trung-quốc, tức nhằm năm thứ 10 niên hiệu Vĩnh Bình đời Hậu Hán (năm 67 sau Tây Lịch).

Ngày Thế-tôn nhập Niết-bàn, ngài Ca-diếp là người đến sau cùng, Thế-tôn đưa hai chân từ trong quan tài ra thị hiện cho Ca-diếp xem.
Kinh sách Việt ngữ được thầy Thích Duy Lực phiên dịch từ Trung văn gồm có : Chư kinh tập yếu, Kinh lăng nghiêm, Kinh lăng già... mời các bạn tham khảo ở mục "Tông phong tàng thư" của trang./.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây