THƯ ĐÁP TĂNG THIÊN DU II
Ông xuất thân dòng phú quí mà chẳng bị phú quí trói buộc, nếu chẳng phải đời trước gieo trồng chủng trí Bát-nhã đâu thể được như vậy. Chỉ e ông quên ý này, bị thông minh lanh lợi chướng ngại, dùng cái tâm có sở đắc để cầu cái pháp vô sở đắc, nên chẳng thể ở nơi nguồn gốc cho một dao cắt đứt, ngay đó thôi nghỉ như Cổ-nhân vậy. Bệnh này chẳng riêng Sĩ-phu, mà Tăng-sĩ tham học lâu năm cũng mắc phải. Họ phần nhiều chẳng chịu ở nơi ít phí sức làm công phu, chỉ dùng ý-thức thông minh so đo, suy nghĩ để hướng ngoại tìm cầu, nên dù chợt nghe Thiện-tri-thức trước mặt khai-thị về việc bổn phận, vượt ra ngoài phạm vi ý-thức thông minh so đo, suy nghĩ thì cũng để thoáng qua mất. Lại tưởng Cổ-đức có pháp thật cho người.
Ngài Nham Đầu nói : Buông vật là cao, chạy theo vật là thấp. Phải biết cương yếu của Thiền-tông cần nên biết cú (ngữ). Thế nào là cú ? khi chẳng nghĩ điều gì là Chánh-cú, cũng gọi là tỉnh tỉnh, cũng gọi là ‘Thế ấy’. Đem cái ‘Thế ấy’ đó để phá tan tất cả thị phi. Nhưng, mới nói ‘Thế ấy’ thì chẳng phải ‘Thế ấy’ rồi. Cho nên, gặp cú quét cú, gặp phi cú quét phi cú, giống như một đống lửa hồng, đụng gì cũng chảy, đâu thể có chỗ dựa ?.
Sĩ-phu thời nay phần nhiều đem suy nghĩ so đo làm nơi nương náu, mới nghe lời nói ‘Thế ấy’ bèn cho là lọt vào ‘Ngoan không’. Khác chi chỉ vì sợ ghe chìm mà đã vội nhảy xuống nước trước để bị chết đuối, thật đáng thương xót.
Gần đây, Tôi có đến Giang Tây gặp Lữ Cư Nhân, Cư Nhân từ lâu đã lưu tâm đến Tổ-sư-thiền này và cũng mang cùng một bệnh ấy. Ông ta đâu chẳng phải là người không thông minh ư.
Tông Cảo tôi có hỏi Ông ta :
- Ông sợ rơi vào không, vậy Ông có biết được người sợ đó là không hay chẳng không ? Thử nói xem.
Ông ta ngẫm nghĩ muốn tìm câu trả lời, lúc ấy Tôi bèn hét cho một tiếng, cho đến ngày hôm nay ông ta vẫn còn mờ mịt, dò xét mặt mũi chẳng được. Đó là vì trước kia đã ôm cái tâm cầu ngộ, tự làm chướng nạn, chứ chẳng do việc gì khác. Nay Ông hãy thực hành công phu tham-thiền như thế, lâu ngày chầy tháng sẽ được đến nơi.
Nếu muốn đem tâm chờ ngộ, đem tâm chờ thôi nghỉ thì dù tham mãi đến Di-lặc hạ sanh cũng chẳng thể ngộ, cũng chẳng thể thôi nghỉ, trái lại càng thêm mê muội mà thôi.
Hòa-thượng Bình Điền nói :
Thần quang chẳng phải sáng tối
Luôn luôn chiếu soi vạn cổ,
Những ai muốn nhập cửa này
Cần phải quyét sạch tri giải.
Cổ-đức nói : “Việc này chẳng thể dùng hữu tâm cầu, chẳng thể dùng vô tâm đắc, chẳng thể dùng ngôn ngữ tạo, chẳng thể dùng im lặng thông”. Trên đây là những lời tha thiết bậc nhất để dạy bảo hậu học mà thường thường người tham-thiền chỉ đọc qua rồi thôi, không chịu xét kỷ lưỡng xem đó là đạo lý gì, nếu là người có chí khí, vừa nghe nòi đến liền đem bảo kiếm Kim-cang-vương chém một nhát đứt bốn sợi xiềng xích này (hữu tâm, vô tâm, nói, nín), như vậy thì đường sanh tử đứt, đường phàm Thánh cũng đứt, so đo suy nghĩ cũng đứt, đắc thất thị phi cũng đứt, dưới gót chân người ấy sạch trơn không còn gì để nắm. Há chẳng sướng thay.
Xưa kia Hòa-thượng Quán Khê lúc đầu đến tham học Lâm Tế, Lâm Tế thấy Ngài liền xuống thiền-sàng, thình lình chụp ngay ngực Ngài. Quán Khê buột miệng nói : ‘Lãnh rồi, lãnh rồi’. Lâm Tế biết Ngài đã ngộ liền buông ra và cũng không nói thêm một tiếng nào. Ngay lúc ấy Quán Khê làm sao suy nghĩ so đo mà trả lời được ?
Từ xưa đến nay thật ít có người nêu được cái gương như thế, mà người thời nay lại sơ sót chẳng để ý đến việc này, Quán Khê lúc đầu nếu đem tâm đợi ngộ, chờ chứng đợi ngộ, dù cho có trói quách ông ta lại dắt đi giáp vòng tứ Thiên-hạ cũng chẳng thể được ngộ, cũng chẳng thể được thôi nghĩ.
Những cái thường hay so đo sắp đặt ấy là tình-thức, tùy theo sanh tử trôi nổi cũng là tình-thức, sợ hãy kinh hoàng cũng là tình-thức. Thế mà nay người tham học chẳng biết đó là bệnh mà lại cứ mãi mê lặn hụp trong đó, trong Kinh gọi đó là ‘Tu hành theo Thức, chẳng theo Trí’, do đó che khuất cái ‘Bản địa phong quang’, cái ‘Bản lai diện mục’. Nếu một khi buông xuống được những so đo suy nghĩ, bỗng nhiên trược chân dẫm nhằm lỗ mũi (Kiến-tánh) thì tình-thức tức là Chân không diệu trí, chẳng còn Trí khác để đắc.
Nếu có sở đắc sở chứng nào khác thì không đúng rồi. Như người lúc mê thì gọi phương Đông là phương Tây, Đến khi ngộ thì chính phương Tây tức là phương Đông, Chẳng có phương Đông nào khác. Trong hư không kia liệu có một vật nào làm chướng ngại được nó chăng ? Dù chẳng bị một vật chướng ngại mà nó cũng không ngại các vật qua lại trong đó. CáiChân không diệu trí này cũng vậy, những sanh tử, phàm Thánh, nhơ sạch dính nó một chút cũng chẳng được, dù dính nó chẳng được mà nó cũng không ngại sanh tử, phàm Thánh qua lại trong đó. Như thế mà tin được nổi, thấy được suốt mới là người ra vào sanh tử được đại tự tại, mới có ít phần tương ưng với hai Công-án ‘Buông xuống đi’ và ‘Núi Tu-di’. Nếu không thì cứ vác tòa núi Tu-di đi hành cước khắp nơi, kể rõ cho người mắt sáng đi.
THƯ ĐÁP III.
Bàng Uẩn nói :
Chỉ cần bỏ hết các thứ hiện có.
Đừng đem vào cái mà mình không có.
Hành được hai câu này thì một đời tham học tất đã xong vậy.
Ngày nay có bọn Ngoại-đạo trọc đầu, mắt mình chưa sáng mà cứ dùng cái lời chết cứng để dạy người thôi đi nghỉ đi. Nếu thôi nghỉ như thế đến ngàn Phật ra đời cũng thôi nghỉ chẳng được, lại càng khiến cho tâm mê muội. Họ còn dạy người tùy duyên ứng phó, mặc-chiếu quên tâm, quên tâm mặc-chiếu, chiếu đi chiếu lại, ứng tới ứng lui, lại càng thêm mê muội không biết đến lúc nào mới xong. Thực là làm mất hết phương-tiện của Tổ-sư, lầm chỉ dạy người, khiến uổng qua một đời.
Họ còn dạy người việc này chớ màng đến, cứ thế nghỉ đi, nghỉ được đến tình niệm chẳng sanh, đến lúc ấy chẳng phải mờ mịt vô tri mà ngay đó là tỉnh tỉnh rõ ràng. Bọn này thật độc hại, làm mù mắt người, chẳng phải việc nhỏ. Tôi thấy họ, chẳng xem họ là con người. Bọn họ tự mình mắt chẳng sáng, chỉ đem lời trong Kinh-sách ra y theo đó dạy người. Cái ấy làm sao dạy ?. Nếu tin bọn này thì muôn kiếp tham chẳng được.
Tôi bình thường không phải không dạy người tọa thiền hướng vào chỗ tỉnh lặng để làm công phu, nhưng đó là tùy bệnh cho thuốc, chớ thật ra không có gì để chỉ thị người. Cũng như Hoàng Bá nói : Thiền-tông ta từ trước trao truyền đến nay chẳng từng dạy người cầu tri cầu giải.
Nói hai chữ học đạo cũng chỉ là lời tiếp dẫn mà thôi. Song, Đạo cũng không thể học, ý toan học đạo lại trở thành mê đạo. Đạo chẳng phương-sở, gọi là Tâm-đại-thừa. Tâm này chẳng ở trong, ngoài và chính giữa, thật không có nơi chốn, nhất là không được khởi tri giải. Chỉ nói với ông rằng chỗ tình lượng hiện tại là Đạo, tình lượng nếu sạch thì Tâm-thể trùm khắp mười phương. Đạo này thiên chân vốn không danh tự, chỉ vì người đời chẳng biết mà mê theo tình-thức. Do đó chư Phật ra đời nói rõ về việc này, sợ người không rõ nên phương-tiện đặt tên là Đạo, không nên chấp thật danh tự mà sanh tri giải.
Nãy giờ đề cập đến, đó là bọn mắt mù dùng lời bậy bạ dạy người, vì họ nhận lầm mắt cá là minh-châu, là kẻ dạy người chấp lấy danh tự mà sanh tri giải. Kẻ dạy người tùy duyên ứng phó, đó là kẻ chấp cái Giác-chiếu-soi mà sanh tri giải. Kẻ đem lời chết cứng dạy người thôi đi nghỉ đi, đó là người giữ lấy cái không-tịch quên tâm mà sanh tri giải. Dù thôi nghỉ đến vô giác vô tri giống như gỗ đá mà đương lúc ấy chẳng phải mờ mịt vô tri, đó cũng là kể nhận lầm lời nói phương-tiện mở trói mà sanh tri giải. Kẻ dạy người tùy duyên quán-chiếu đừng cho ác giác sanh khởi, đó là kẻ nhận lấy tình-thức của hài cốt mà sanh tri giải. Kẻ dạy người chỉ cần phóng khoáng tự tại chẳng màng đến sanh tâm động niệm, vì niệm khởi vốn không thực thể, nếu chấp là thật thì sanh tử sanh khởi, đó là kẻ giữ lấy cái thể tự nhiên cho là pháp cứu cánh mà sanh tri giải. Các bệnh kể trên chẳng phải lỗi của người học Đạo, mà đều do các Tông-sư mắt mù chỉ dạy tầm bậy mà thôi.
Ông đã tự ở nơi thanh tịnh, giữ cái tâm hướng Đạo kiên cố chân thật, chớ lo công phu thuần nhất hay không thuần nhất. Chớ nên đem ngôn cú của người xưa chất thành cái tháp, hết lớp này đến lớp khác, uổng dụng công phu không biết lúc nào mới xong. Chỉ cần chú tâm ở một chỗ, khi thời tiết nhân duyên đến thì tự nhiên nghi-tình bùng vỡ, muốn không ngộ cũng chẳng được.
Hỏi : Chẳng khởi một niệm có lỗi hay không ?
Đáp : Lỗi bằng núi Tu-di !
Hỏi : Lúc một vật chẳng đem đến là thế nào ?
Đáp : Buông xuống đi !
Chỗ này cái nghi chẳng phá vỡ thì phải ở chỗ này tham mãi, chớ nên tự sanh nhánh lá. Nếu ông tin được lời tôi thì cứ thế tham đi, chẳng còn Phật-pháp nào khác để dạy người. Nếu ông tin không nổi thì : "Mặc tình hỏi khắp người Thiên-hạ, một hồ nghi thêm một hồ nghi".
THƯ ĐÁP IV.
Đọc kỹ thư mới biết Ông trong bốn oai nghi không có lúc nào công phu gián đoạn, chẳng bị công vụ đoạt mất, lúc ở trong dòng thác lũ của thế sự cũng luôn tự cảnh giác không buông lung, Đạo-tâm ngày càng kiên cố. Như thế rất hợp lòng Tôi.
Nhưng trần lao thế gian như lữa cháy hừng hực biết đến bao giờ mới tắt, phải ngay trong chỗ náo động mà chẳng quên việc tham-cứu, trước kia để tâm nơi chỗ tỉnh lặng thì nay phải dụng tâm nơi chỗ náo động. Nếu ở chỗ náo động chẳng đắc lực thì có khác nào chưa từng dụng công phu nơi tỉnh lặng.
Việc Ông tự than : Do có ác duyên kiếp trước mà nay phải chịu quả báo này. Thế thì không đúng, nếu Ông nghĩ như thế thì chướng Đạo vậy.
Cổ-đức nói :
Theo dòng nhận được Tánh
Chẳng buồn cũng chẳng vui.
Duy-ma-cật nói :‘Ví như cao nguyên đất khô chẳng sanh hoa sen mà nơi bùn lầy ẩm thấp mới mọc hoa nầy’.
Phật nói : ‘Tự-tánh chẳng giữ Chân-như tùy duyên mà thành tựu tất cả pháp’. Lại nói : ‘Tùy duyên cảm ứng khắp mọi nơi mà thường ở tại tòa Bồ-đề’. Như vậy há dối người ư ?
Nếu cho chỗ tỉnh lặng là phải, chỗ náo động là chẳng phải, ấy là hoại tướng thế gian mà cầu Thực-tướng, lìa sanh diệt mà cầu tịch diệt. Ngay lúc thích tỉnh lặng ghét náo động chính là lúc nên dụng công phu. Bỗng nhiên ở chỗ náo động đụng ngã cái tin tức của lúc tỉnh lặng (vỡ nghi-tình) thì cái sức mạnh hơn lúc ngồi im lặng trên bồ-đoàn gấp vạn ức lần.
Hãy nghe lấy lời Tôi, chắc chắn không lừa gạt Ông đâu.
Lại nữa, Ông lấy hai câu của Bàng Uẩn làm châm ngôn trong lúc đi đứng nằm ngồi là tốt nhất. Nếu đang lúc náo động mà sanh lòng chán ghét đó là tự làm nhiễu loạn tâm mình. Ông là người đại trí huệ, đã đủ niềm tin quyết định dụng công trong chỗ tỉnh lặng lâu ngày rồi, nên Tôi mới dám nói lời này. Nếu nói lời này với kẻ Tăng-thượng-mạn nghiệp thức mang mang, ắt sẽ làm nặng thêm gánh ác nghiệp của họ.
Các thứ bệnh trong Thiền-môn, ở thư trước Tôi đã trình bày, không biết Ông đã lý hội kỹ càng chưa ?
THƯ ĐÁP V.
Thư Ông nói rằng :
- Ngoài dứt các duyên, trong tâm không lay động là cửa phương-tiện có thể vào Đạo, nếu nắm phương-tiện chẳng buông thì trở thành bệnh.
Thực đúng như lời Ông nói, Sơn-tăng này đọc xong vui mừng biết bao. Ngày nay Tông-sư ở các nơi, nắm phương-tiện chẳng buông cho là pháp thật dùng để chỉ dạy người, thế nên làm mù mắt người chẳng ít. Do đó Sơn-tăng cần phải phân biện tà chánh để cứu giúp họ.
Thời gian gần đây, Ma mạnh Pháp yếu, người chấp ‘Trạm nhập hợp trạm’(1) cho là cứu cánh nhiều không kể xiết, còn người nắm phương-tiện chẳng buông làm Tông-sư cũng nhiều như Hằng-sa. Sơn Tăng lúc gần đây thường đem hai hạng người nầy nói với các Thiền-giả. Thật chính là đúng như thư Ông đã nói vậy, nếu chẳng phải Ông lưu tâm trong Bát-nhã, niệm niệm không gián đoạn, thì không thể nào thấu suốt cái phương-tiện đặc biệt của chư Thánh thuở xưa.
Ông đã nắm được cái cán rồi còn lo gì mà chẳng bỏ cửa phương-tiện để vào Đạo ư ? Chỉ cần thực hành công phu như thế này : Như xem những ngôn cú sai biệt trong Kinh-điển và Ngữ-lục của người xưa cũng chỉ thực hành công phu như thế. Không được sanh cái tri giải nào khác, cầu cái đạo lý nào khác để làm tài năng khéo léo. Ông có thể ở trong lúc công việc vội gấp mà luôn thực hành công phu như thế, nếu Đạo-nghiệp không thành tựu thì Phật-pháp không linh nghiệm vậy. Xin Ông hãy nhớ cho !
(1). Trong Kinh Lăng Nghiêm nói : ‘Trạm nhập hợp trạm’ là bờ bến của Thức-ấm. Thức gọi là Trạm Liễu (trong lặng sáng suốt), dụ cho đã diệt sanh diệt, thì Tánh-thức nhập vào chỗ cội gốc trong lặng, mà hợp với trạm-nhiên, có nhập có hợp là bờ bến của Thức-ấm. Vì Trạm-nhập là Thức-ấm, Trạm-xuất là Hành-ấm, Chân-tánh chẳng gọi là Trạm-nhập là vì cùng khắp Pháp-giới, nên chẳng có xuất nhập, nay nói Trạm-nhập là dần dần đi vào, cho đến nhập-vô-sớ-nhập, mới đến chỗ chẳng sanh diệt vậy. Xuất - nhập - ly - hợp là pháp tương đối, cứu kính là pháp tuyệt đối nên ngài Đại Huệ quở người chấp ‘Trạm nhập hợp trạm' cho là pháp cứu kính là Tông-sư mắt mù.
THƯ ĐÁP VI.
Thư đến Tôi đọc kỹ mấy lượt, đủ thấy Ông có tấm lòng sắt đá, lập chí quyết định chẳng chịu lôi thôi. Tham-thiền được như thế thì ngày lâm chung cũng có thể cùng Diêm-vương đối địch. Đó là chưa nói đến chuyện mở to con mắt trên đảnh (khai ngộ), nắm chuôi kiếm Kim-cang-vương ngồi trên đảnh Tỳ-lô (triệt ngộ).
Tôi đã từng nói với các Đạo-hữu rằng : Ngày nay người học Đạo chỉ cầu mau có hiệu quả mà chẳng biết thế là lầm. Trái lại họ còn nói ‘Vô sự ít duyên, tĩnh-tọa thể cứu là uổng qua thì giờ, chẳng bằng xem vài quyển Kinh, niệm vài tiếng Phật, trước Phật lễ vài lạy sám hối những tội lỗi bình sanh đã tạo, cố để khỏi bị ăn gậy sắt của Diêm-vương’. Đấy là việc làm của kẻ ngu. Bọn Đạo-gia ngày nay toàn dùng tâm vọng tưởng, quán tưởng tinh hoa của nhật nguyệt, suốt sáng chiều hấp khí Trời mà còn có thể lưu hình hài ở lại đời, chẳng bị lạnh nóng làm bức ngặt. Huống là chuyển tâm này hoàn toàn vào trong Bát-nhã ư ?
Bậc Thánh xưa có nói rõ ràng : ‘Ví dụ côn trùng vô cùng nhỏ chỗ nào cũng đậu được kể cả hư không, duy chẳng thể đậu trên ngọn lửa. Chúng sanh cũng thế, chỗ nào cũng có thể duyên, duy chẳng thể duyên trên Bát-nhã. Ví như niệm niệm chẳng thối thất sơ tâm, đem cái tâm thức duyên theo trần lao thế gian (tập khí) của mình trở lại đặt trên Bát-nhã để dụng công. Đời này dẫu chưa thấu triệt thì đến lúc lâm chung nhất định cũng chẳng bị ác nghiệp kéo đi lưu lạc vào Ác-đạo ; đời sau vừa lọt lòng sẽ theo nguyện lực đời này mà quyết định được ở trong Bát-nhã, sẵn sàng thọ dụng. Đây là việc chắc chắn không nên nghi ngờ.
Việc trong phạm vi chúng sanh chẳng cần học vì tập-khí con người từ vô thủy đã thuần thục, đường lối cũng đã quen thì tự nhiên ham chấp lấy nó, khó mà bỏ được. Nay cần phải dụng công để trừ sạch nó đi.
Tâm xuất thế gian học Bát-nhã, từ vô thủy đến nay bị chống trái, nên khi chợt được nghe bậc Thiện-tri-thức nói đến nó thì tự nhiên chẳng lý hội được. Vậy cần phải quyết chí dùng Bát-nhã để đối trị tập-khí.
Bát-nhã và Tập-khí không bao giờ cùng chung được. Có Tập-khí thì không có Bát-nhã, có Bát-nhã thì không có Tập-khí. Nếu ở đây nghi-tình được đi sâu vào thì Tập-khí chẳng trừ mà tự trừ và các tà ma Ngoại-đạo cũng tự nhiên chạy trốn mất. Công phu lâu ngày thì chỗ lạ (Bát-nhã) trở thành quen, chỗ quen (tập-khí) trở thành lạ. Làm đúng như vậy thì chỗ thực hành công phu hằng ngày nắm được cán, dần dần cảm thấy ít phí sức, ấy là chỗ đắc lực rồi vậy.
THƯ ĐÁP LÂU KHU MẬT.
Chẳng biết sau khi chia tay, chỗ ứng duyên hằng ngày Ông có bị lôi kéo chăng ? Đối với những văn kiện chất trên bàn làm việc có thể gạt qua một bên chăng ? Khi gặp người, tiếp vật có bị lay động chăng ? Ở nơi tịch tịnh có nổi vọng tưởng chăng ? Đối với tham-thiền có tạp niệm xen vào chăng ?
Phật nói :
Tâm chẳng vọng lấy pháp quá khứ
Cũng chẳng tham đắm việc vị lai
Ở nơi hiện tại vô sở trụ
Liễu đạt tam thế đều không-tịch.
Việc quá khứ hoặc thiện hoặc ác chớ nên suy lường, suy lường thì chướng Đạo. Việc vị lai chớ nên tính toán, tính toán ắt cuồng loạn. Việc hiện tại ở trước mắt hoặc thuận hoặc nghịch cũng chớ nên để ý, để ý thì trong tâm bị nhiễu loạn. Cuộc sống hằng ngày tùy duyên ứng phó, tất cả chỉ xem là tạm thời thì sẽ thích ứng tự nhiên.
Gặp cảnh giới nghịch còn dể tu, gặp cảnh giới thuận mới là khó. Lúc nghịch ý ta chỉ cần một chữ nhẫn chốc lát liền qua được, lúc cảnh giới thuận thì thật là chẳng có chỗ để trốn tránh, vì cảnh giới thuận, ý mình ham thích như nam châm hút sắt dính chặt một chỗ. Vật vô tình còn vậy huống là vô-minh hiện hành, toàn thân sống trong đó. Gặp cảnh giới này nếu chẳng có trí tuệ thì bất tri bất giác bị nó lôi kéo vào lưới Ma, mình muốn tìm đường ra thật là khó. Cho nên bậc Thánh xưa có nói : ‘Nhập thế gian được thì xuất thế gian không còn dư’, tức là Đạo-lý này vậy.
Gần đây có một số người tu hành lạc mất phương-tiện, luôn luôn nhận vô-minh hiện hành là nhập thế gian, bèn đem pháp thế gian cưỡng cho là việc ‘xuất thế gian không còn dư’. Thật đáng thương xót !
Duy-ma-cật có nói : ‘Phật vì những kẻ Tăng-thượng-mạn mà thuyết Pháp lìa dâm, nộ, si là giải thoát. Nếu những người không phải Tăng-thượng-mạn thì Phật nói tánh dâm, nộ, si tức là giải thoát’. Nếu tránh được lỗi này thì nơi cảnh giới thuận nghịch chẳng có tướng khởi diệt, ấy mới lìa được tên gọi Tăng-thượng-mạn. Như thế mới có thể cho là nhập được thế gian và xuất thế gian không còn dư.
Những điều nói trên đều là chỗ Diệu Hỷ tôi đã từng trải qua, hiện nay cũng chỉ tu hành như thế. Mong ông thừa lúc cơ thể còn khỏe mạnh cũng nhập tam-muội này.
KHAI THỊ THÔNG HUỆ.
Dù được thân tâm yên tịnh vẫn cần phải nổ lực, chớ nên hướng vào chỗ yên tịnh mà sanh tâm thích thú. Trong Giáo-môn nói đó là hầm sâu giải thoát rất đáng sợ hãi. Cần phải như hồ lô xoay chuyển trên mặt nước, tự do tự tại chẳng bị dính mắc, vào nhơ vào sạch chẳng ngại chẳng chìm, mới được ở dưới Cửa-thiền có chút phần thân cận. Nếu chỉ ôm chặt được đứa bé không khóc thì đâu có tác dụng gì ?.
KHAI THỊ NGHIÊM TỬ KHAM.
Ngài Lâm Tế nói : ‘Nếu ngươi luôn luôn ngưng được cái tâm tìm cầu thì so với Phật Thích-ca chẳng khác’. Lời này chẳng phải dối người. Như Thất-địa Bồ-tát, cái tâm cầu Phật-trí chưa đủ còn bị gọi là phiền não. Thực là chẳng có chỗ để sắp đặt, dính mắc một chút vật gì bên ngoài cũng không được.
Mấy năm trước có một vị Cư-sĩ họ Hứa chỉ nhận được cái cửa bên ngoài, bèn gửi thơ đến trình kiến-giải rằng : ‘Ứng dụng hằng ngày nơi trống rỗng, chẳng có một vật để đối đãi, mới biết vạn pháp trong Tam-giới tất cả vốn không có, buông xuống hết thực là an lạc sung sướng’. Do đó Ta khai-thị cho một bài Kệ :
Chớ luyến chỗ thanh tịnh
Thanh tịnh khiến người mê,
Chớ luyến chỗ sung sướng
Sung sướng khiến người cuồng,
Như nước theo đồ đựng
Tùy vuông, tròn, dài, ngắn
Buông xuống, không buông xuống
Lại xin suy nghĩ kỹ
Tam-giới và vạn pháp
Có quê nào để về ?
Nếu cứ chấp như thế
Việc này rất chống trái
Báo cho Hứa Cư-sĩ
Người nhà tự làm hại
Mở rộng Thiên-thánh-nhãn
Chẳng cần sự mong cầu.
KHAI THỊ CHÂN NHƯ.
Tâm chẳng tìm cầu, chẳng vọng tưởng, chẳng duyên các cảnh thì ngay chỗ nhà lửa trần lao này tức là chỗ giải thoát ra khỏi Tam-giới.
Phật chẳng nói sao : ‘Nơi tất cả vô y, vô trụ, vô phân biệt, thấy rõ Pháp-giới quảng đại an lập, liễu đạt tất cả pháp thế gian bình đẳng bất nhị nên Viễn-hành-địa Bồ-tát dùng sức trí tuệ của mình tự động siêu việt tất cả Nhị-thừa, dù được cảnh giới Phật mà thị hiện trụ cảnh giới Ma, dù siêu việt Đạo-ma mà hiện hạnh Pháp-ma, dù thị hiện hạnh đồng như Ngoại-đạo mà chẳng bỏ Phật-pháp, dù thị hiện tùy thuận tất cả thế gian mà thường hành tất cả pháp xuất thế gian’. Đây là chân phương tiện trong nhà lửa trần lao vậy.
Người học Bát-nhã nếu bỏ phương-tiện này tùy thuận trần lao, ắt phải bị Ma nhiếp-trì. Lại còn ở nơi cảnh tùy thuận gượng nói Đạo-lý rằng : ‘Phiền não tức Bồ-đề, vô-minh tức Đại-trí’, chân thì đuổi theo nó, miệng thì đàm luận Không, thật chẳng biết tự trách mình bị nghiệp-lực lôi kéo, lại còn dạy người xóa bỏ nhân quả. Bọn này bị tà ma ác độc xâm nhập tâm can, muốn ra khỏi trần lao cũng như tạt dầu để cứu hỏa. Thật đáng thương xót !
Nên biết đã triệt-ngộ rồi mới có thể nói : ‘Phiền não tức Bồ-đề, vô-minh tức Đại-trí’. Trong Diệu-tâm vốn quãng đại, tịch diệt, trong sạch, sáng tỏ cũng như hư không chẳng có một vật gì có thể làm chướng ngại. Vậy thì chữ Phật cũng còn là vật bên ngoài, huống chi còn có vô minh, phiền não để làm đối đãi ư ?!
THƯ ĐÁP TỪ ĐÔN TẾ.
Việc này tỏ rõ như ban ngày, trong trẻo, sáng sủa, không biến, không động, không thêm, không bớt, chỗ tiếp xúc ở ngay mỗi người đều ứng hiện rõ ràng, nắm giữ nó thì cũng không được, buông xả nó thì thường còn thênh thang vô ngại, bát ngát rỗng không, như trái hồ lô thả trên mặt nước, lôi kéo nó chẳng được, cột trói nó chẳng được. Các bậc đắc Đạo từ xưa đến nay được nó rồi, vào trong biển sanh tử trồi lên hụp xuống toàn thể thọ dụng không thiếu, không dư, như chiết cây chiên-đàn thì mỗi nhánh đều là chiên-đàn, vậy sanh tử trần lao từ đâu mà sanh khởi ?! Lúc thu nhận kết quả lại dính mắc vào chỗ nào ?.
Đã không có chỗ dính mắc thì Phật là huyễn, Tam-giới, Thập-nhị-xứ, Thập-bát-giới đều rỗng không. Đến được chỗ này thì một chữ Phật đều không dính dáng. Vậy Chơn-như, Phật-tánh, Bồ-đề, Niết-bàn ở chỗ nào mà có ? Nên Bố-đại-sĩ nói : “Sợ người sanh đoạn-kiến, mới tạm lập giả danh” Người học Đạo không hiểu, cứ ở trong nhân duyên học Đạo của Cổ-nhân cầu huyền cầu diệu, cầu kì lạ, tìm tri giải, chẳng thể "thấy Trăng quên ngón”, ngay đó một dao cắt dứt.
Cũng như Vĩnh Gia nói :
Trong nắm tay không chấp có thật
Tâm cảnh tương sanh vọng kiến lập.
Cứ ở trong trần lao sanh vọng kiến chấp, tự trói buộc mình, Như-lai nói là kẻ đáng thương xót. Hòa-thượng Nham Đầu nói : “Ngươi chỉ cần vô dục, vô y tức là Phật”. Thật ra chỉ có một cục thịt do cha mẹ sanh, nếu một hơi thở không đến liền biến thành vật khác. Ngoài cục thịt này ra đâu còn cái gì khác. Vậy lấy gì làm kỳ lạ huyền diệu, lấy gì làm Bồ-đề Niết-bàn, lấy gì làm Chơn-như Phật-tánh ? Bậc Sĩ-phu muốn tham-cứu việc này, không hướng theo thực tế, lại ở trên Công-án người xưa cầu tri giải, dẫu cho tri cùng giải tận, biết hết cả Đại-tạng Giáo-điển, khi ngày cuối cùng sanh tử đến thì một chút cũng dùng không được.
Còn có một số người mới vừa nghe Thiện-tri-thức kể việc này, lại đem tâm ý thức so sánh suy lường rằng : “Nếu như thế chẳng phải lọt vào không chăng ?”. Đối với những người này, Diệu Hỷ bất đắc dĩ nói với họ. Ông chưa từng được “Không” lấy gì để sợ, như đi ghe chưa chìm đã vội nhảy xuống nước. Thấy họ chưa hiểu nên Tôi không tiếc khẩu-nghiệp nói dài dòng thêm. Cái sợ lọt vào không đó còn có thể “Không” được chăng ? Nghĩa “Không” là hiển bày sự dụng : Mắt ông nếu chẳng không thì lấy gì thấy sắc, tai ông nếu chẳng không thì lấy gì để nghe tiếng, mũi ông nếu chẳng không thì lấy gì ngửi mùi, lưỡi ông nếu chẳng không thì lấy gì để nếm vị, thân ông nếu chẳng không thì lấy gì để cảm giác, ý ông nếu chẳng không thì lấy gì để phân biệt vạn pháp.
Phật nói : “Vô : Nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý; Vô : Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp; Vô : Thập-nhị-xứ, Thập-bát-giới, cho đến Thanh-văn, Duyên-giác, Bồ-tát, Phật; cho đến Bồ-đề, Niết-bàn, Chân-như, Phật-tánh,... tất cả pháp của Phật thuyết và kẻ thuyết pháp này, kẻ nghe pháp này, kẻ thuyết ra như thế, kẻ thọ cái thuyết như thế thảy đều chẳng có. Được như thế rồi gọi là không ư ? Gọi là bất không ư ?; gọi là Phật ư ?; gọi là Bồ-tát ư ?; gọi là Thanh-văn, Duyên-giác, Bồ-đề, Niết-bàn ư ?; gọi là Chân-như, Phật-tánh ư ?
Nếu tự cho ta thông minh lanh lợi chẳng bị người gạt thì xin hướng vào chỗ này xem xét cho đúng. Nếu xem xét ra thì được ở trong Am cũng như ở ngoài cửa. Còn xem xét chẳng ra thì rất kỵ khoa trương nói lời quá lố. Kẻ Đại-trượng-phu muốn tham-cứu việc đại sự nhân duyên này cần phải không màng đến thể diện, tâm dũng mãnh đứng thẳng, chớ theo tình cảm, đem chỗ nghi của mình dán lên trán, hằng ngày tựa như thiếu nợ người muôn triệu, bị người đòi nợ đuổi theo, chẳng có gì để trả nợ, sợ bị người sỉ nhục, không muốn gấp cũng phải gấp, không muốn bận rộn cũng phải bận rộn, không việc gì lớn hơn việc này, như thế mới có phần tương ưng. Suốt ngày suốt đêm, lúc uống trà ăn cơm, lúc vui lúc giận, chỗ sạch chỗ dơ, chỗ vợ con tụ tập, chỗ tiếp khách làm việc, chỗ con cái cưới gả đều là thời tiết cảnh giác để làm công phu.
Xưa kia Lý Văn Hòa làm Thừa-tướng trong phú quí tham-thiền được đại ngộ, Dương Văn Công làm quan chức Hàn-lâm tham-thiền được ngộ, Trương Vô Tận làm Đốc-sứ Tỉnh Giang Tây cũng tham-thiền được ngộ. Chỉ ba ông này đủ làm mô phạm ‘Chẳng hoại tướng thế gian mà chứng Thực-tướng’ vậy. Đâu cần phải bỏ vợ con, từ Quan-chức, ăn mặc cực khổ, tránh náo động cầu vắng lặng, vào trong hang quỷ ngồi thiền như cây khô rồi mới được ngộ Đạo ?
Bàng Uẩn nói :
Hễ tự vô tâm nơi vạn vật
Đâu sợ vạn vật thường nhiễu quanh
Trâu sắt không sợ Sư-tử rống
Giống như người gỗ thấy con chim
Bản thể người gỗ vốn vô tình
Con chim gặp người cũng không sợ
Tâm cảnh như như chỉ thế nầy
Lo gì Bồ-đề đạo chẳng thành.
Ở trong trần lao thế tục không quên được việc sanh tử, dù chưa thể kiến Tánh nhưng cũng gieo được hạt giống Bát-nhã thâm sâu, kiếp khác ra đời cũng ít phí sức, cũng không đến nỗi lưu lạc trong Ác-đạo, hơn người đắm nhiễm trần lao chẳng cầu giải thoát, cứ nói việc này không dễ gì. Người đời phần nhiều có kiến-giải như thế, thực đáng thương xót !
Tác giả: Vuong