Đại Huệ ngữ lục - phần III

Thứ năm - 27/06/2024 12:28
Quang nói : Phật Tâm kể Công-án của Phổ Hoá rồi nói rằng : Ta thì chẳng phải vậy ! Nếu ta vừa nghe câu "Khi tất cả đều chẳng phải, như thế là thế nào ?" thì liền đánh ngay xương sống dẫu cho phân thân khắp nơi.
Đại Huệ ngữ lục - phần III

CƠ DUYÊN

Di Quang Thiền-sư ban sơ y chỉ Viên Ngộ, kế đó đi yết kiết Phật Tâm, sau đi tham vấn Sư.

Sư hỏi : Cái sở đắc của ngươi lúc ở chỗ Phật Tâm nay kể ra thử xem ?

Quang nói : Phật Tâm kể Công-án của Phổ Hoá rồi nói rằng : Ta thì chẳng phải vậy ! Nếu ta vừa nghe câu "Khi tất cả đều chẳng phải, như thế là thế nào ?" thì liền đánh ngay xương sống dẫu cho phân thân khắp nơi.

Sư nói : Ý ngươi thế nào ?

Quang nói : Tôi không chịu Phật Tâm thêm cái ghi chú ở sau chót.

Sư nói : Ấy chính là lấy bệnh làm pháp.

Quang quả quyết không tin.

Sư nói : Ngươi hãy xem xét kỹ lại.

Rốt cuộc Quang cũng không chịu.

Trải qua một tuần, Quang bỗng nhớ lời của Thiền-sư Hải Ấn đã nói :

- "Tiếng sét quá lớn thay, giọt mưa toàn không có", thình lình thông suốt, đến bạch Sư. Sư đem Công-án của Huỳnh Sa về "Lời nói chưa triệt ngộ" để hỏi Quang. Quang đáp xong, Sư nói :

- Ngươi dù được tiến thêm một bước nhưng vẫn còn chưa. Cũng như người đốn cây, hễ một dao ngay gốc cây thì mạng-căn dứt liền. Ngươi lại hướng trên nhánh mà chặt thì làm sao dứt mạng-căn được ? Nay Thiền-sư các nơi đều có kiến-giải như thế, đâu có ích lợi gì ?! Thực ra được Tâm-ấn chính truyền của Dương Chi chỉ có ba bốn người mà thôi.

Quang nổi giận bỏ đi.

Hôm sau, Sư hỏi : Ngươi còn nghi chăng ?

Quang nói : Không có gì để nghi.

Sư nói : Cũng như người xưa gặp nhau, khi chưa mở miệng đã biết hư thật, hoặc vừa nghe lời nói liền biết sâu cạn, lý này thế nào ?.

Quang ngơ ngác.

Sư bảo tham Công-án "Hữu cú, vô cú".

Sư qua chùa Vân Môn, Quang theo hầu.

Một hôm, Quang hỏi Sư : Tôi đến chỗ này không được triệt ngộ là bệnh ở chỗ nào ?

Sư nói : Bệnh ngươi rất hiếm, thầy thuốc bó tay. Tại sao ? Vì người khác chết rồi chẳng thể sống, nay ngươi sống rồi chưa từng chết. Muốn đến chỗ đại an lạc, cần phải chết một lần mới được.

Quang do đó càng nghi thêm.

Sau một hôm vào Thất tham vấn, Sư hỏi : Ăn cháo rồi, rữa bát rồi, bỏ hẳn thuốc kỵ, nói ra một câu xem ?

Quang nói : Nứt bể.

Sư sai hùng hét rằng : Ngươi lại nói thiền nữa.

Quang ngay đó đại-ngộ.

Sư đánh trống báo cho Chúng rằng :

Lông rùa nhặt được thật vui thay.

Cửa ải muôn lớp ngay đó khai.

Cuộc đời sung sướng là hôm nay.

Nói chi ngàn dặm gặp ta đây.

Quang cũng trình bài Tụng rằng :

Bức bách đương-cơ sấm sét cao.

Tu-di kinh sợ dấu Bắc Đẩu.

Làn sóng mênh mông khắp thiên hạ.

Nhặt được lỗ mũi thất lạc khẩu.

 

Phúc-Châu Tây-Thiền Đỉnh-Nhu Thiền-sư lúc trẻ thi đậu Tiến-sĩ, đến tuổi hai mươi lăm ngẫu nhiên đọc Kinh, Giáo rồi buột miệng tham "Không dè xưa nay bị cái mũ nhà Nho làm hại". Ý muốn xuất gia, người mẹ không cho bảo rằng sắp đến ngày đám cưới.

Nhu bỏ đi theo Bảo Thọ Lạc xuất gia làm Tỳ-kheo, rồi đi khắp nơi tham học với các Sư danh tiếng. Sau tự cất một cái Am ở đỉnh núi Cương Phong, suốt ba năm không xuống núi.

Phật Tâm Tài mời ra làm Thủ-tọa ở chùa Đại-thừa. Nhu có dạy hành-giả về nhân duyên "Tức tâm tức Phật". Lúc ấy Sư (Đại Huệ) vừa ở chùa Dương Đảo. Sư Di Quang là bạn thân của Nhu, nói với Nhu rằng :

- Chủ chùa cơ-xảo khác với các nơi, nên đi tham vấn. Nhưng Nhu không nghe, Quang bài kế gạt Nhu đi. Khi đến, gặp lúc Đại Huệ đang cho Chúng vào phòng hỏi Đạo, Nhu cũng theo Chúng cùng vào.

Sư hỏi : Lời "Tức tâm tức Phật" làm sao hiểu ?

Nhu trả lời.

Sư mắng rằng : Kiến-giải của ngươi như thế mà dám làm thầy cho người sao ?

Rồi đánh trống tập Chúng phổ thuyết, phê bình những điểm Nhu cho là trọng yếu thảy đều là tà kiến. Nhu tự nghĩ chỗ sai lầm của mình vừa chảy nước mắt mà thầm trong bụng : "Cái sở đắc của ta đã quấy vậy cái ý chỉ truyền từ Ấn-độ thực ra là thế nào ?"

Một hôm Sư hỏi rằng : Trong không thả ra, ngoài không cho vào, chính ngay lúc đó là thế nào ?.

Nhu tính mở miệng Sư đem gậy đánh luôn mấy cái trên lưng.

Nhu do đó đại-ngộ hô to rằng : Hoà-thượng ! Đã nhiều rồi vậy.

Sư lại đánh thêm một gậy, Nhu lễ bái.

Sư cười rằng : Hôm nay mới biết ta chẳng dối ngươi. Rồi ấn-chứng bằng một bài Kệ.  
 

Ngọc Tuyền Đàm Vị Thiền-sư với Dục Vương Tôn Phát Thiền-sư đều tham học với Viên Ngộ, tự cho là đến cùng tột. Vị ra hoằng Pháp tại Tường Vân, tỉnh Phúc Kiến, Phát phụ giúp, Pháp-hội rất hưng thịnh. Khi Sư đến Phúc Kiến, biết việc họ chưa xong, sợ hại cho người học, gửi thơ khiến họ đến. Vị đang do dự, Sư thăng tòa chỉ ra cái quấy của họ, Vị mới đến yết kiến.

Sư xét sở chứng của Vị rồi nói : Kiến-giải của ngươi như thế mà dám nối Pháp của Viên Ngộ lão nhân ư ?

Vị bèn về từ chức Viện-chủ, cùng Phát đến y chỉ Sư.

Một hôm Sư hỏi Phát về Công-án của Tam Thánh với Hưng Hoá (hai đệ tử của ngài Lâm Tế) về lời "Xuất bất xuất, vi nhân bất vi nhân" rằng :

- Ngươi nói hai ông này còn có chỗ xuất thân hay không ?

Phát đánh trên đầu gối Sư một cái.

Sư nói : Cái đánh này của ngươi là vì bênh vực cho Hưng Hoá hay cho Tam Thánh. Nói mau ! Nói mau !

Phát do sự muốn nói.

Sư đánh một gậy ngay sau lưng rồi nói : Ngươi không được quên một gậy này.

Một hôm Phát được nghe một Tăng vào phòng Sư hỏi Đạo.

Sư hỏi Tăng : Đức Sơn thấy Tăng vào cửa liền đánh, Lâm Tế thấy Tăng vào cửa liền hét, Tuyết Phong thấy Tăng vào cửa liền hỏi : Là cái gì ? còn Mộc Châu thấy Tăng vào cửa liền nói : "Công-án sẵn sàng cho ngươi ba mươi gậy".

Như bốn ông Lão này còn có chỗ dạy người hay không ?

Tăng đáp : Có

Sư nói : Đáp

Tăng do dự. Sư liền hét đuổi ra.

Phát nghe xong bỗng tĩnh ngộ.

 

Một hôm Vị vào phòng Sư.

Sư hỏi : Ta muốn một người chẳng hiểu thiền làm Quốc-sư.

Vị nói : Tôi làm được Quốc-sư rồi.

Sư hét đuổi ra.

Trải qua một thời gian, Sư nói với Vị rằng : Chỗ Hương Nghiêm ngộ chẳng ở bên tiếng tre, chỗ Câu Đế ngộ chẳng ở trên ngón tay. Vị cũng tỉnh ngộ.  
 

Văn-Thiện Đạo-Khiêm Thiền-sư ban sơ y chỉ Viên Ngộ, sau theo Sư ở chùa Tuyền Nam. Khi Sư trụ trì Kính Sơn, khiến Khiêm đem thơ đi Trường Sa cho Cư-sĩ Tiá Nham.

Khiêm tự nghĩ : "Mình tham thiền hai mươi năm còn chưa có chỗ ngộ nhập, nay lại phải đi đường xa xôi, thật uổng qua ngày tháng". Ý muốn không đi. Người bạn thân là Tôn Nguyên (đã kiến Tánh) hét rằng :

- Chẳng lẽ đi đường tham thiền không được sao ? Thôi ta với ông cùng đi.

Khiêm bất đắc dĩ lên đường, mà vừa đi vừa chảy nước mắt, nói với Nguyên rằng :

Tôi tham-thiền lâu năm mà không có chỗ đắc lực. Nay lại đi đường bôn ba đâu thể được tương ưng vậy ?

Nguyên nói : Nay ông đối với những cái đã đắc được ở các nơi, những cái đã ngộ được, những lời của Viên Ngộ, Diệu Hỷ nói với ông v.v... đều đừng có màng đến. Dọc đường những việc tôi có thể làm tôi sẽ làm dùm cho ông, chỉ có năm việc làm dùm không được, ông phải tự mình ứng phó.

Khiêm hỏi : Năm việc nào ?

Nguyên nói : Mặc áo, ăn cơm, đại tiện, tiểu tiện, kéo cái tử thi đi trên đường.

Khiêm ngay đó lãnh ngộ.

Khi Khiêm gởi thơ xong trở về.

Sư nhìn thấy liền nói : Ông này luôn cả xương tủy đều thay đổi rồi vậy.

Khiêm nghe rồi nói : Chỗ khám nghiệm của ông già không thua Phật Thích-ca.

* Phụ lục lời khai-thị của Khiêm Thiền-sư :

Khiêm rằng : Thời giờ trôi nhanh hãy cố gắng công phu. Công phu chẳng có gì khó, chỉ cần buông xuống là được. Chỉ đem những cái đã có trên tâm thức nhứt thời buông xuống ấy là công phu chân chính giản dị. Nếu có công phu nào khác đều là si cuồng chạy bên ngoài. Sơn-tăng thường nói : "Đi đứng ngồi nằm quyết định chẳng phải, kiến văn giác tri quyết định chẳng phải, ngôn ngữ vấn đáp quyết định chẳng phải".

Thử cắt tuyệt bốn đường dây này xem. Nếu không cắt tuyệt, quyết định không thể ngộ. Nếu bốn đường dây này cắt tuyệt thì đối với những Công-án như :

Tăng hỏi Triệu Châu : Con chó có Phật-tánh hay không ?.

Triệu Châu đáp : Không.

 Hoặc hỏi : Thế nào là Phật ?.

Vân Môn đáp : Cục cứt khô v.v...

Chắc chắn sẽ ha hả cười to.

Tiến-Phước Ngộ-Bổn Thiền-sư y chỉ Sư đã lâu mà không được ứng khả, bèn muốn bỏ đi. Sư nói với Bổn rằng :

- Ngươi hãy quyết tâm tham-cứu. Nếu có sở đắc, không cần mở miệng ta đã biết rồi.

Lúc ấy có một Tăng nghe Bổn nhập Thất, cố ý nói với Bổn rằng :

- Ông Bổn tham-thiền nhiều năm, mỗi ngày chỉ nói được một câu "Không hiểu".

Bổn giận nói :

- Cái thằng quỷ này ! Tao cho mày biết, khi mày chưa sanh, tao đã ba lần từ chức trong chùa rồi.

Từ đó, Bổn thêm dũng mãnh tham Công-án : "Con chó không có Phật-tánh".

Một hôm gần canh ba Bổn dựa cột Chánh-điện đang ngũ mê, bất giác chữ "Không" tự ra nơi miệng, bỗng nhiên đốn-ngộ. Ba ngày sau, Sư từ Châu Thành về, Bổn đến phòng Trụ-trì, chân vừa bước vào, chưa kịp mở miệng, Sư liền nói :

-  Râu xồm Bổn ! Lần này mới thật là triệt-ngộ.

 Kế đó Bổn qua thăm Ông Khiêm nơi chùa Kiến Vương, gặp Khiêm đang kể bài Tụng của Thiền-sư Bảo Ninh về nhân duyên Ngũ Thông Tiên Nhân rằng :

Từ vô lượng kiếp chưa từng ngộ.

Sao lại bất động đến tận trong.

Chớ nói Phật-pháp không có nhiều.

Khổ thay Cồ Đàm một Thông kia.

Khiêm nói thêm :

- Ta rất thích câu 'sao lại bất động đến tận trong'. Đã là bất động thì làm sao đến ? Xem bậc Cổ-nhân đã ngộ rồi, tuỳ nghi nói ra tự nhiên giãi nhằm chỗ ngứa của người.

Bổn hỏi : Vì sao lại nói "Khổ thay Cồ Đàm một Thông kia" ?

Khiêm nói : Khi này chưa sanh, tao đã ba lần từ chức trong chùa rồi vậy.

Đến đây, hai người nhìn nhau cười to.

Sự vấn đáp của bạn đồng tham rất có ích lợi, cũng như ấn-chứng tờ khế ước chẳng sai, cho đến trong tâm rõ ràng sáng tỏ khiến người đời sau được tưởng nhớ mô phạm ngàn xưa. 

*

Dục-Vương Phật-Chiếu Đức-Quang Thiền-sư ban sơ y chỉ Cát Thiền-sư. Một hôm Quang vào phòng trụ trì, Cát hỏi :

- Chẳng phải tâm, chẳng phải Phật, chẳng phải vật, là cái gì ?

Quang ngơ ngác, từ đó phát khởi nghi-tình, suốt đêm không ngủ.

Hôm sau đến phòng Trụ-trì thỉnh ích :

- Hôm qua đội ơn Hòa-thượng ban cho câu hỏi : "Đã chẳng phải Tâm, lại chẳng Phật, cũng chẳng phải vật, rốt cuộc là cái gì". Mong Hòa-thượng từ bi khai-thị ?!

Cát oai hùng rằng : Sa-di này ! Còn muốn ta chú thích cho ngươi sao ?

Liền đem gậy đánh đập đuổi ra.

Quang do đó được ngộ. Kế đó đi tham vấn các Tôn-túc danh tiếng, nhưng tự cảm thấy không thỏa mãn. Lúc Sư trụ trì chùa Dục Vương, Quang đi y chỉ.

Sư ở trong phòng hỏi Quang : "Gọi cây gậy thì trái, không gọi là cây gậy thì nghịch, không cho nói, không cho nín".

Quang muốn đáp, Sư liền đánh.

Quang hoát nhiên đại-ngộ, tất cả sở đắc trước kia ngay đó tan rã.  

*

Ngạn-Sơn Năng-Nhân Tổ-Nguyên Thiền-sư ban sơ đi tham học Tuyết-Phong-Dự đều đã khế cơ. Sau y chỉ Sư nơi chùa Vân Môn. Lúc đêm đang ngồi, bỗng thấy một Tăng khơi tim đèn mới chứng-ngộ triệt để, có bài Kệ rằng :

Khơi lên tim đèn là lửa

Nhiều kiếp vô minh chiếu phá

Về chùa gặp được Thánh Tăng

Thiếu chút trước mặt lướt qua

Không lướt qua, là cái gì ?

Mười lăm năm trước tất kỳ lạ

Chỉ là cái này y như cũ.

Sư tặng cho bài Kệ rằng :

Vực thẳm muôn trượng dám buông thân

Đứng dậy như trước vẫn tỉnh bơ

Khát uống đói ăn vốn vô sự

Đâu kể người xưa phi người xưa.

*

Tưởng-Sơn Thiện-Trực Thiền-sư ban sơ tham vấn Sư nơi Hồi Ngạn Phong.

Một hôm Sư hỏi : Thượng-tọa là người xứ nào ?

Trực đáp : Người An Châu.

Sư hỏi : Ta nghe người An Châu hay vật lộn phải không ?

Trực bèn làm thế như vật lộn.

Sư nói : Người Hồ Nam ăn cá, sao lại người Hồ Bắc mắc xương.

Trực nhào lộn một cái rồi đi ra.

Sư nói : Ai dè trong tro lạnh có một hạt đậu chín nổ. 

*

 Bình-Giang Tư Thọ Ni Vô-Trước Diệu-Tổng Thiền-sư là cháu gái của Thừa-tướng Tô Công Tụng. Khi hơn ba mươi tuổi, từ bỏ việc thế gian đi tham khắp các Tôn-túc, Chánh-tín đã đầy đủ.

Lúc Sư trụ trì Kính Sơn, Tổng đến y chỉ kiết hạ, nghe Sư thăng tòa kể Công-án Dược Sơn tham Thạch Đầu Mã Tổ thì hoát nhiên đốn-ngộ.

Khi Sư xuống tòa, Phùng Tế Xuyên theo Sư vào phòng nói :

- Tôi hiểu được Công-án của Hòa-thượng vừa kể rồi.

Sư hỏi : Cư-sĩ hiểu như thế nào ?

Xuyên đáp : Thế ấy cũng không được, Su-lu Sa-bà-ha, chẳng thế ấy cũng không được, tức Ly-sa-bà-ha, thế ấy chẳng thế ấy đều không được, Su-lu tức Ly-sa-bà-ha.

Sư kể lại cho Tổng nghe.

Tổng nói : Đã thấy Quách Tượng chú thích Trang-tử. Kẻ biết được lại nói là Trang-tử chú thích Quách Tượng.

Sư thấy lời của Tổng kỳ lạ nên đề ra Công-án "Nham Đầu với bà già" để hỏi.

Tổng đáp bài Kệ rằng :

Một lá thuyền nhỏ trôi mênh mông.

Chèo ghe phân biệt tiếng âm thanh.

Núi mây trăng nước đều buông bỏ.

Chỉ được Trang-tử "bướm mộng" dài.

Sư liền thôi.

Tế Xuyên nghi sự ngộ của Tổng chưa triệt. Sau đi Vô Tích gặp Tổng hỏi về Công-án "Một bà sanh bảy đứa con, sáu đứa chẳng gặp tri âm. Chỉ một đứa này cũng không được, bèn bỏ trong nước", xong rồi nói :

- Thầy Đại Huệ nói Ni-sư hiểu được, không biết hiểu như thế nào ?

Tổng nói : Những lời kể trên đều là chân thật.

Tế Xuyên ngạc nhiên.

Một hôm Tổng vào phòng Trụ-trì, Sư hỏi :

- Người xưa không ra khỏi phòng sao lại đi ăn bánh ở xã khác được ?

Tổng nói :

- Hòa-thượng tha lỗi cho Diệu Tổng, Diệu Tổng mới dám trả lời.

Sư nói :

- Ta tha lỗi cho ngươi, ngươi thử nói xem.

Tổng nói :

- Diệu Tổng cũng tha lỗi cho Hòa-thượng.

Sư nói : Còn việc ăn bánh mà !

Tổng hét một cái rồi đi ra.

*

Cư-sĩ Trương Cửu Thành khi chưa đậu làm Quan, trong tâm ngưỡng mộ các Cư-sĩ đã kiến Tánh, nên đi tham học với Bảo Ấn Minh, hỏi về cương yếu nhập Đạo.

Minh nói :

- Việc này chỉ cần đề câu thoại đầu niệm niệm liên tục, lâu ngày thuần thục, khi thời tiết đến, tự nhiên sẽ chứng nhập. Rồi cho Công-án "Cây bách trước sân" bảo Thành tham mãi. Thành tham đã lâu không thấy gì, từ giã đến tham vấn Thiện Quyền Thanh Công.

Thành hỏi :

- Việc này mọi người đều có phần, mỗi mỗi đều sẵn sàng phải chăng ?

Thanh Công đáp :

- Phải !

Thành hỏi :

- Tại sao tôi không có chỗ nhập ?

Thanh Công lấy xâu chuỗi trong túi ra rồi chỉ xâu chuỗi hỏi :

- Cái này của ai ?

Thành suy nghĩ không thể đáp. Thanh Công bỏ chuỗi lại vào túi rồi nói :

- Của ông thì cứ lấy đi. Vừa qua suy nghĩ thì chẳng thể của ông rồi.

Thành ngơ ngác.

Một đêm đi cầu, đang đề câu thoại đầu, nghe tiếng con ếch kêu, bỗng nhiên khế ngộ, nói Kệ rằng :

Mùa xuân đêm trăng một tiếng ếch.

Đụng bể càn khôn chung một nhà.

Chính ngay lúc đó ai hiểu được.

Trên đỉnh chân đau có Huỳnh-Sa.

(Huỳnh-Sa qua đỉnh núi, đụng đá đau chân được ngộ).

Đến sáng đi tham vấn Pháp-ấn Nhất, hỏi đáp rất khế hợp. Nhân đám giỗ có Trai-tăng tại chùa Minh Tịnh, Chủ Tăng Duy Thượng vừa gặp liền giơ hai tay, Thành liền hét, Thượng bạt tai Thành, Thành bước tới, Thượng liền nói :

- Trương Cửu Thành sao lại phỉ báng Đại Bát-nhã.

Thành nói : Chỗ thấy của tôi chỉ như thế. Hòa-thượng (Duy-Thượng) lại là thế nào ?

Duy Thượng đem Công-án "Mã Tổ thăng tòa, Bá Trượng cuốn chiếu" để hỏi Thành. Lời chưa dứt, Thành liền xô ngã bàn, Thượng hô to :

- Trương Cửu Thành giết người !

Cửu Thành đứng lên hỏi một Tăng kế bên :

- Ngươi lại là thế nào ?

Tăng ấy ngơ ngác. Thành liền đánh rồi nhìn Thượng rằng :

- Tổ di không xong, liên lụy con cháu.

Thượng cười to. Thành trình bài kệ rằng :

Nhân duyên cuốn chiếu rất lạ kỳ.

Các nơi nghe nói đều nhướng mày.

Bàn ghé xô ngã, người tan rã.

Xưa nay ngây thơ chẳng bị lừa.

Thành thi đậu Trạng Nguyên rồi đi tham vấn Thượng nữa.

Thượng nói :

- Phù-Sơn Viên Giám nói : "Dẫu cho ngươi vào được cửa Phần Dương rồi mới đến cửa Phù-Sơn cũng chưa thể thấy được lão-tăng nữa". Vậy ông cho là thế nào ?

Thành hét Tăng thị-giả rằng :

- Sao không trả lời ?

Tăng ấy ngơ ngác. Thành đánh Tăng ấy một bạt tai nói :

- Trong hang con cóc quả thật không có con rồng.

 

Một hôm Thành đi thăm Thủ-tọa Quy.

Mới gặp, Quy liền hỏi :

- Nghe nói học-sĩ nghe tiếng con ếch kêu mà có chỗ ngộ nhập phải chăng ?

Thành hỏi :

- Ở đâu được tin tức này ?

Quy đáp :

- Công-án sẵn sàng, giấu làm chi !

Thành hô to :

- Lửa cháy rồi.

Quy nhìn Tăng kế bên. Thành nói :

- Cháy đên gót chân ông rồi.

Quy nói :

- Tưởng ngươi có chỗ hay, rốt cuộc chỉ có thế mà thôi.

Một ngày kia, Thành cùng Quy ngồi hơ lửa. Quy bỗng cầm đũa bếp nói :

- Không được gọi là đũa bếp, rốt cuộc gọi là gì ?

Thành giựt đũa bếp rồi đá ngã lò lửa, xong đi ra.

Lúc ấy Sư trụ trì Kính Sơn. Có người truyền Ngữ-yếu của Sư cho Thành, Thành xem rồi than rằng : "Thiền-tông còn có người xuất sắc. Tiếc chưa được gặp". Năm sau Thành đến Kính Sơn tham vấn. Một hôm cùng Phùng Tế Xuyên bàn về "Cách-vật", khi ấy có mặt Sư, Sư nói :

- Thành chỉ biết có cách-vật mà không biết có vật-cách.

Thành mờ mịt không hiểu gì.

Sư cười to. Thành hỏi :

- Sư có thể khai-thị chăng ?

Sư đáp :

- Trong tiểu thuyết có ghi một người nhà Đường với An Lộc Sơn mưu phản. Người ấy trước kia làm Thái-thú Tây Thục có để lại một bức tượng. Khi Đường Minh Hoàng đến Tây Thục, thấy bức tượng liền nổi giận, sai quan hầu dùng kếm chém đầu bức tượng. Lúc ấy Thái-thú ở tỉnh Thiểm Tây, đầu bỗng rơi xuống đất.

Thành nghe xong đốn ngộ ý chỉ, đề chữ trên vách rằng :

Tử Thiệu cách-vật, Đàm Hối vật-cách.

Muốn biết nhất quán (bất nhị) hai cái ngũ bách.

Sư liền ấn-chứng cho.

Một hôm khác, Thành hỏi Sư :

- Tiền bối đã đắc xong, tại sao còn muốn bàn luận về Tứ Liệu Giản của Lâm Tế ?

Sư nói :

- Cái sở đắc của ông chỉ có thể nhập Phật, không thể nhập Ma. Đâu thể bỏ qua Tứ Liệu Giản ư ?

Thành kể chuyện Khắc Phù hỏi Lâm Tế đến chỗ nhân và cảnh đều đoạt cảm thấy vui mừng thì Sư nói :

- Ta thì không như thế.

Thành hỏi :

- Ý của Sư thế nào ?

Sư nói :

- Đánh sập thành Thái Châu, giết cả Ngô Nguyên Tế.

Thành ngay đó được đại-ngộ.

Thành thường nói với người ta rằng :

"Tôi mỗi lần nghe nhân-duyên của ông già Kính Sơn như ngàn nhà muôn cửa, chẳng cần đá một chân thì mở ra hết. Cái đại-sự cuối cùng của tôi đã nhờ ông già Kính Sơn mới được liễu triệt". Thành với Tâm Xuân đạo nhân bàn về hai câu "Không lo niệm khởi, chỉ e giác chậm", rồi Thành có bài kệ rằng :

Niệm là tặc tử, Giác là tặc thủ.

Giết chết tặc thủ, tặc tử về đâu.

Đại lộ bằng phẳng, một mình ta đi.

Bắc Yến, Nam Việt, Liêu Đông, Lũng Tây.

Buông tay liền đến, lo gì nghi gì.

Thần kiếm cầm tay, ánh sáng chói rọi.

Yêu mị ma quỷ không dám nhìn tới.

Ấy gọi Chân-giác xưa nay sẵn sàng.

Sư nói tiếp :

Nói giác nói niệm, trở trái làm mặt.

Vô niệm vô giác, chỗ nào đoán mò.

Khởi là ai khởi, giác là ai giác.

Cửa nẻo mở toang, Thái-hư trống rỗng.

Thẳng tay tiến hành, chẳng màng ai.

Xưa nay sẵn sàng, lúc nào làm.

Thành chuyên tâm tu hành, chẳng lo cho con cháu. Lấy Kinh Hoa Nghiêm làm Thiện-tri-thức.

 *

Cư-sĩ Lý Hán Lão ham mê Tổ-sư-thiền nhiều năm. Nghe Sư bài xích Mặc-chiếu là thiền bệnh, trong tâm nghi ngờ lại nổi giận, đến thăm Sư để quan sát kỹ. Gặp lúc Sư đang khai-thị cho Chúng, kể Công-án "Cây bách trước sân" của Triệu Châu, Sư nói rằng :

Trước sân có cây bách.

Hôm nay nói lần nữa.

Đập tan cửa Triệu Châu.

Đặc biệt tìm ngôn ngữ

Xin hỏi Đại-chúng : Đã lã đập tan cửa Triệu Châu tại sao lại nói "đặc biệt tìm ngôn ngữ" ?

Giây lâu lại nói :

Ban sơ tưởng là sậy ngắn dài.

Đốt rồi mới biết đất không bằng.

Cư-sĩ bỗng lãnh ngộ, nói với Sư :

- Nếu không có câu cuối của Lão-sư thì chắc phải uổng qua một đời này.

Tác giả: Vuong

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây