Hễ lìa câu-thoại-đầu sở tham ra, riêng thấy có Tự-kỷ là tâm-trộm-cắp; ngoài cái Tự-kỷ thấy có nhân, có ngã là tâm-trộm-cắp; lúc tham được thuần thục biết thuần thục, ấy là tâm-trộm-cắp; lúc tham chẳng thuần thục biết là chẳng thuần thục, ấy là tâm-trộm-cắp; lúc thấy có hôn trầm tán loạn, ấy là tâm-trộm-cắp; lúc chẳng thấy có hôn trầm tán loạn, chỉ có câu-thoại-đầu sở tham cùng nghi-tình giao kết chẳng gián đoạn, ấy là tâm-trộm-cắp; hễ ở chỗ khán thoại-đầu chợt sanh một niệm biết, bất luận là phàm, là Thánh, là Chân, là ngụy,... nói chung đều là tâm-trộm-cắp; bỗng có người linh lợi hướng vào chỗ tôi nói để đàm luận dẫn chứng giúp cho một con đường là Đạo, là lý, là kiến, là văn, đều cho là chẳng dính dáng đây là trong tâm-trộm-cắp thêm tâm-trộm-cắp, Phật cũng chẳng thể cứu chữa.
Tâm-trộm-cắp còn một mảy lông chết chẳng hết thì muôn kiếp không có lý tự thành. Nói thẳng ra, chết được một phần tâm-trộm-cắp thì học được một phần Đạo, chết được tâm-trộm-cắp năm phần thì học được năm phần Đạo, tâm-trộm-cắp hoàn toàn không thì toàn thể là Đạo; bởi vì sự chướng đạo của tâm-trộm-cắp giống như bụi bặm che mất ánh sáng của gương.
Người xưa học Đạo có linh nghiệm là vì tâm-trộm-cắp chết hết. Người thời nay chỉ biết có Đạo để thành mà chẳng biết có tâm-trộm-cắp nên hết. Hoặc tâm-trộm-cắp chưa hết mà muốn Đạo được thành, khác gì ngồi ở trong nước mà muốn đừng ướt, xưa nay trong Thiên-hạ không có lẽ đó.
Thuở xưa, Hòa-thượng Vĩnh Minh thống thiết nói : "Tình cảm nổi dậy thì Trí-huệ bị che lấp, tư tưởng biến đổi thì thân thể cũng theo đó mà biến dạng, khiến của báu gia truyền chẳng được thọ dụng".
Tình sanh, tưởng biến tức là biệt danh của tâm-trộm-cắp mà tôi vừa nói. Muốn cho bất cứ lúc nào tình chẳng sanh, bất cứ chỗ nào tưởng chẳng biến thì cần phải thật đem việc lớn sanh tử để ở trong lòng lấp bít ý căn, tình vừa muốn sanh thì bị nó ngăn, tưởng toan muốn biến liền bị nó đoạt.
Ông nếu chẳng (thiết tha vì việc lớn sanh tử) ở trong lòng khán câu-thoại-đầu quyết cầu ngộ chứng mà chỉ một bề đè nén cho tình-tưởng kia chẳng sanh chẳng biến thì khác chi người đã chết mà còn muốn thở ra hít vô để làm gì ?
Người xưa có nói : "Tham-thiền không bí quyết, chỉ cần sanh tử thiết".
Lời nầy thật thông suốt cả ba đời, là cội gốc lớn của sự học Đạo. Ví như chẳng lấy sanh tử vô thường làm trách nhiệm nặng nề của mình, nằng nặc muốn hiểu Thiền, hiểu Đạo mà tham-cứu việc nầy thì giống như bảo người nhịn ăn đi cấy trồng mà chẳng biết đó chẳng phải là việc của họ.
Bậc tiền bối ba mươi năm, năm mươi năm chí càng bền, niệm càng thiết, hạnh càng siêng và chẳng chịu có chút gián đoạn, chẳng phải do thầy bạn cảnh-sách, Tòng-lâm khuyến khích, ngôn thuyết chỉ bày, phương-tiện khuyến tấn mà được như vậy. Mà bởi cội gốc của các Ngài chỉ là một cái chí nguyện thống niệm sanh tử chưa giải quyết xong. Giả sử đời nầy chẳng xong thì đời nào mới xong ? Niệm-tấn-đạo nếu tự chẳng chân thật thiết tha, dẫu Phật &Tổ có thần dị đổi phàm thành Thánh, khiến A-la-hán khởi tham-sân-si, tuy cố mà làm đó, quyết chẳng thể lâu được.
Có người vì muốn hiểu Đạo mà học Đạo, mà không phá được cảnh duyên phù huyễn nổi trước mắt, lại bị cảnh duyên đó làm cho vọng niệm khởi lên chẳng dừng. Vọng niệm đã khởi thì dầu sức học Đạo như núi gò, sẽ thấy có ngày bị vọng niệm làm hại.
Kinh Lăng Nghiêm nói : "Cuồng-tâm nên ngưng nghỉ, ngưng nghỉ tức Bồ-đề".
Cái gì là cuồng-tâm ? Hễ ngoài việc thống niệm sanh tử, đề câu-thoại-đầu sở tham ra, dù có làm trăm ngàn điều siêu việt thế gian, đều chẳng khỏi bị chê là cuồng-tâm.
Tổ Thiếu Lâm nói : "Ngoài dứt các duyên, trong không nghĩ tưởng, tâm như tường vách, có thể vào Đạo".
Nhưng "vào Đạo" gác lại. Tâm nầy có từng như tường vách hay chưa ? Nếu chưa mà mong muốn nhập Đạo, đó là điều chẳng tự xét.
Tham-thiền cả một đời chẳng ngộ, học Đạo cả một đời chẳng rõ, chỉ cần chẳng dễ dàng buông bỏ cái Chánh-niệm nầy để tham để học thì chắc chắn có ngày đến được chỗ cùng tột.
Nếu bỏ Chánh-niệm nầy vọng đem thức tình xuyên tạc, lấy lời người khác làm kiến-giải của mình, dẫu hiểu hết cổ kim, tọa đoạn (quét sạch) Phật & Tổ cũng đều làdối trình cuồng kiến, tự mang tội lỗi, chẳng phải là điều của người chân thật học Đạo làm.
Chỉ cần hết được những tâm-trộm-cắp, chỉ thế ấy y bổn phận nắm chắc câu-thoại-đầu sở tham như tượng gỗ tượng đất, như người chết có hơi thở, ngoài chẳng thấy có Đại-chúng, trong chẳng thấy có tự ta, lạnh băng băng, tuyệt kiến văn, như vậy giữ đi, lâu ngày sẽ được Tâm-không thi đậu về.
Tác giả: Vuong