Sư làm thị-giả cho Mã Tổ, mỗi khi Thí-chủ cúng dường Trai phạn Mã Tổ, Sư vừa mở nắp đậy đồ ăn thì Mã Tổ liền lấy một miếng bánh khai-thị Chúng rằng : "Là cái gì ?". Mỗi mỗi như thế trải qua ba năm.
Một hôm Sư theo hầu Mã Tổ, có một bầy vịt trời bay qua, Tổ hỏi : Cái gì vậy ?
- Sư nói : Vịt trời.
Tổ nói : Đi đâu rồi ?
- Sư nói : Bay qua rồi.
Tổ bèn quay lại nhéo mũi Sư một cái, Sư đau la thất thanh.
Tổ hỏi : Sao nói bay qua rồi ?
Sư ngay đó tỉnh ngộ, rồi liền trở về phòng thị-giả khóc to thảm thiết.
Bạn đồng tham hỏi rằng : Ông nhớ cha mẹ à ?
- Sư nói : Không.
Lại hỏi : Bị người ta mắng chửi à ?
- Sư nói : Không.
Lại hỏi : Thế tại sao khóc ?
- Sư nói : Tôi bị Đại-sư nhéo mũi đau thấu xương.
Người đồng tham nói : Có nhân duyên gì không khế hợp chăng ?
- Sư nói : Ông cứ đi hỏi Hòa-thượng xem.
Người đồng tham bèn đến hỏi Mã Tổ rằng : "Thị-giả Hoài Hải có nhân duyên gì không khế hợp mà khóc ở trong liêu phòng, xin Hòa-thượng nói cho con biết".
Tổ nói : Ông ta ngộ rồi, người cứ hỏi thẳng ông ta.
Người đồng tham trở lại liêu phòng nói với Sư : "Hòa-thượng nói ông ngộ rồi và bảo tôi hỏi thẳng ông".
Sư bèn cười ha hả.
Người đồng tham nói : Vừa mới khóc tại sao bây giờ lại cười ?
- Sư nói : Vừa mới khóc bây giờ cười.
Người đồng tham ngơ ngác.
Hôm sau, khi Mã Tổ thăng tòa, Chúng vừa vân tập thì Sư bước ra cuốn chiếu lại. Tổ bèn xuống tòa. Sư liền theo đến phương trượng.
Tổ nói : Hồi nãy ta chưa từng nói năng gì tại sao ông cuốn chiếu lại vậy ?
- Sư nói : Hôm qua bị Hòa-thượng nhéo mũi đau.
- Tổ nói : Hôm qua ông để tâm vào đâu ?
- Sư nói : Lỗ mũi con hôm nay lại chẳng đau nữa.
Tổ nói : Ông thấu rõ việc hôm qua rồi.
Sư làm lễ mà lui ra.
Sư ngộ rồi tái tham; lúc đang hầu bên cạnh Mã Tổ, Tổ chăm chú nhìn cái phất trần ở góc thiền sàng (chỗ Tổ ngồi).
Sư nói : Tức dụng nầy, lìa dụng nầy.
Tổ nói : Về sau ông làm sao mở miệng dạy bảo người ?
Sư lấy cái phất trần đưa lên.
Tổ nói : Tức dụng nầy, lìa dụng nầy ?
Sư treo phất trần về chỗ cũ. Tổ bèn oai hùng hét mạnh lên một tiếng làm Sư bị điếc tai luôn ba ngày.
*
Một hôm, Hoàng Bá vào phòng Sư thưa rằng : Con muốn đi lễ bái Mã Tổ.
Sư nói : Mã Tổ đã tịch rồi.
Bá nói : Chưa rõ Mã Tổ có để lại lời nào chăng ?
Sư bèn kể lại nhân duyên tái tham với Mã Tổ mà nói rằng : Phật-pháp không phải là việc nhỏ đâu, Lão tăng lúc ấy vì cái hét của Mã Tổ mà bị điếc tai luôn ba ngày.
Bá nghe kể đến đây bất giác lè lưỡi.
Sư nói : Ông về sau có nối pháp Mã Tổ không ?
Bá nói : Không, hôm nay nhờ Hòa-thượng kể lại mới được thấy đại cơ đại dụng của Mã Tổ, nhưng không biết mặt Mã Tổ, mà nếu nối Pháp của Mã Tổ thì sau nầy sẽ làm mất con cháu ta.
Sư nói : Đúng thế, đúng thế. Cái thấy bằng với thầy thì kém phân nửa đức của thầy. Cái thấy hơn thầy thì mới đủ tư cách truyền thụ. Ông thực có cái thấy siêu việt hơn thầy.
Bá liền lễ bái.
*
Về sau Qui Sơn hỏi Ngưỡng Sơn : Cái nhân duyên đưa phất trần lên của Bá Trượng tái tham Mã Tổ, ý chỉ của hai vị Tôn-túc nầy như thế nào ?
Ngưỡng Sơn nói : Đó là hiển bày đại cơ đại dụng.
Qui Sơn nói : Dưới Mã Tổ có 84 người đắc Pháp là đại Thiện-tri-thức xuất sắc mấy người đắc đại cơ mấy người đắc đại dụng ?
Ngưỡng Sơn nói : Bá Trượng đắc đại cơ, Hoàng Bá đắc đại dụng, còn lại đều là thầy giảng đạo.
Qui Sơn nói : Đúng thế, đúng thế.
*
Mã Tổ sai người đem thư và ba hũ tương cho Sư, Sư bảo đem xếp trước Pháp-đường rồi thăng tòa. Chúng vừa vân tập thì Sư lấy gậy chỉ vào ba hũ tương rằng : "Nói được thì không đập bể, nói không được thì đập bể".
Chúng lặng thinh.
Sư bèn đập bể rồi trở về phương trượng.
*
Một hôm Mã Tổ hỏi Sư : Từ đâu đến ?
Sư nói : Từ sau núi đến.
Tổ nói : Có gặp một người nào không ?
Sư nói : Nếu gặp thì kể với Hòa-thượng.
Tổ nói : Được tin tức nầy ở chỗ vào vậy ?
Sư nói : Tội lỗi của con.
Tổ nói : Ấy là tội lỗi của lão tăng.
*
Có một Tăng vừa khóc vừa đi vào Pháp-đường.
Sư nói : Làm sao vậy ?.
Tăng ấy nói : Cha mẹ đều mất, xin thầy chọn ngày cho.
Sư nói : Ngày mai đến đây chôn cùng một lượt.
*
Một hôm Qui Sơn, Ngũ Phong, Vân Nham đang đứng hầu.
Sư hỏi Qui Sơn : Nếu bỏ cả cổ, họng, môi, mép thì nói như thế nào ?
Qui Sơn nói : Xin Hòa-thượng nói cho.
Sư nói : Ta không từ chối nói với ông, chỉ e về sau làm mất con cháu của ông.
Lại hỏi Ngũ Phong. Ngũ Phong nói : Hòa-thượng cũng cần bỏ cả đi.
Sư nói : Nơi vắng vẻ sẽ dõi mắt nhìn ông.
Lại hỏi Vân Nham.
Vân Nham nói : Hòa-thượng có hay chưa ?
Sư nói : Làm mất con cháu ta.
*
Mỗi ngày Sư thăng tòa thường có một cụ già theo Chúng nghe Pháp.
Một hôm Chúng tan rồi mà cụ không đi.
Sư mới hỏi : Người đứng đó là ai vậy ?
Cụ già đáp : "Tôi chẳng phải thân người, vào đời Phật Ca-diếp trong quá khứ tôi đã từng ở núi nầy. Có người tham học hỏi tôi : "Người đại tu hành có còn lọt vào nhân quả không ?". Tôi đáp : "Bất lạc nhân quả" (chẳng lọt vào nhân quả), nên bị đọa làm thân chồn năm trăm kiếp. Nay xin Hòa-thượng cho tôi một chuyển-ngữ để tôi được giải thoát thân chồn.
Sư nói : Ông hỏi đi.
Cụ già bèn hỏi : Người đại tu hành có còn lọt vào nhân quả không ?
Sư nói : Bất muội nhân quả (nhân quả rõ ràng).
Cụ già ngay đó đại ngộ, đảnh lễ rằng : Tôi đã thoát thân chồn, nay xác ở sau núi, xin Sư y theo lệ Tăng mất mà thiêu cho.
Sư bảo Duy-na đánh chuông báo cho Đại-chúng biết thọ trai xong xin mời tất cả đi đưa đám Tăng chết.
Đại-chúng không rõ ra sao. Sư dẫn Chúng đến hang đá phía sau núi lấy gậy khều ra một con chồn chết rồi y theo thường lệ mà hỏa táng như một ông Tăng viên tịch.
Đến tối, Sư kể lại nhân duyên trên, Hoàng Bá bèn hỏi :
"Người xưa chỉ đáp sai một câu chuyển-ngữ mà bị đọa thân chồn 500 kiếp, nay chuyển-ngữ nào cũng không đáp sai thì như thế nào ?".
Sư nói : Lại gần đây ta nói cho nghe.
Hoàng Bá đến gần bạt tai Sư một cái.
*
Tăng hỏi : Thế nào là việc kỳ đặc ?
Sư đáp : Độc tọa ở Đại Hùng Sơn.
Vị Tăng lễ bái.
Sư bèn đánh.
*
Nhân lúc phổ thỉnh Tăng, Chúng đi cuốc đất, có một vị Tăng nghe tiếng trống liền vác cuốc lên vai rồi cười lớn đi về.
Sư nói : Hay quá ! Đây là cửa của Quan-âm nhập lý.
Khi về chùa Sư gọi vị Tăng ấy đến hỏi : Hồi nãy ông thấy đạo lý gì mà làm vậy ?
Tăng ấy đáp : Hồi nãy tôi cảm thấy đói bụng, nên nghe tiếng trống liền trở về ăn cơm.
Sư liền cười.
*
Một Tăng kể chuyện rằng : Tăng hỏi Thiền-sư Tây Đường :
- Có hỏi, có đáp, tạm gạt qua một bên, lúc không hỏi không đáp thì như thế nào ?
Tây Đường nói : Sợ sình thối sao ?
Sư nghe kể xong bèn nói : Lâu nay ta cứ nghi lão.
Ông Tăng ấy nói : Xin Hòa-thượng nói cho.
Sư nói : Nhất hợp tướng là bất khả đắc.
*
Sư dạy Chúng rằng : Có một người lâu ngày không ăn cơm chẳng nói đói, có một người suốt ngày ăn cơm chẳng nói no.
Tăng Chúng không có ai trả lời.
Công-án này giống như Ngài Lâm Tế nói :
"Có một người suốt kiếp ở giữa đường mà chẳng lìa nhà, có một người lìa nhà mà chẳng ở giữa đường. Vậy ai là người đáng được trời người cúng dường ?".
Thiền-sư Đại Huệ nhắc lại lời của Lâm Tế rồi nói : Thân trộm cắp đã hiện ra.
*
Vân Nham hỏi Sư rằng : Hòa-thượng mỗi ngày bận rộn vì ai ?
Sư nói : Có một người muốn.
Vân Nham nói : Tại sao không bảo y tự làm ?
Sư nói : Y không có việc nhà.
*
Sư sai Tăng đến chỗ Thiền-sư Chương Kính và dặn :
"Hễ thấy Ngài thăng tòa thuyết pháp thì ông trải tọa-cụ ra, lễ bái xong đứng dậy cầm một chiếc dép lấy tay áo phủi bụi bám rồi lật úp dép xuống".
Tăng ấy đi đến chỗ Thiền-sư Chương Kính và làm đúng theo lời chỉ dạy của Sư.
Chương Kính nói : Tội lỗi của Lão Tăng.
*
Tăng hỏi Sư : Ôm phác (ngọc quí ở trong đá) đi tìm thầy, xin Thầy khám xét.
Sư nói : Hôm qua trên núi Nam Sơn có con hổ cắn con cọp.
Tăng nói : Lời chú giải chân thật rất đúng, tại sao chẳng rủ lòng phương tiện ?
Sư nói : Thằng ăn trộm chuông rung (loại chuông hễ rung là phát tiếng) mà tự bịt tai.
Tăng nói : Gỗ Cẩm-lai chẳng gặp thợ giỏi cũng đồng như củi rừng.
Sư bèn đánh.
Tăng kêu : Trời ơi ! Trời ơi !
Sư nói : Sao dài dòng quá vậy ?
Tăng nói : Hiếm gặp tri kỷ.
Rồi quay đầu bỏ đi.
Sư nói : Bá Trượng hôm nay thua hết phân nửa.
Đến chiều, thị-giả hỏi : Hòa-thượng bị Tăng này chê bỏ rồi thì thôi sao ?
Sư bèn đánh.
Thị-giả la : Trời ơi ! Trời ơi !
Sư nói : Hiếm gặp tri kỷ.
Thị giả đảnh lễ.
Sư nói : Tất cả một lượt nhận lãnh xong.
*
Triệu Châu đến tham vấn Sư.
Sư hỏi : Mới lìa nơi nào đến đây ?
Đáp : Nam Tuyền.
Sư nói : Nam Tuyền gần đây có lời dạy chi ?
Đáp : Người chưa chứng đắc cần phải nín lặng.
Sư nói : Một câu nín lặng tạm gạt một bên, một câu mịt mù thì nói như thế nào ?
Triệu Châu bước đến ba bước. Sư liền hét.
Triệu Châu làm thế lùi lại.
Sư nói : Nín lặng tốt lắm chứ !
Triệu Châu bèn đi ra.
*
Một lần Sư thuyết Pháp xong.
Đại-chúng đi ra thì Sư gọi lại, Đại-chúng quay đầu lại.
Sư liền hỏi : Là cái gì ?
Người đời xưng tụng câu đó là Bá Trượng hạ đường cú (Câu thoại xuống tòa).
*
Sư thăng tòa nói : "Linh quang độc chiếu (sáng tỏ), thoát hẳn căn trần, thể lộ chân thường, chẳng kẹt văn tự, tâm tính vô nhiễm, vốn tự viên thành, hễ lìa vọng duyên tức như chư Phật".
*
Tăng hỏi : Thế nào là pháp yếu của Đại-thừa đốn ngộ ?
Sư nói : Các người trước ngưng các duyên, thôi nghĩ muôn việc, thiện và bất thiện thế gian và xuất thế gian, tất cả các pháp chớ ghi nhớ, chớ duyên niệm buông bỏ thân tâm khiến cho tự tại, tâm như gỗ đá chẳng còn phân biệt, tâm vô sở hành. Tâm địa nếu không thì huệ nhựt tự hiển, như đám mây tan thì mặt trời hiện ra. Hễ ngưng nghỉ tất cả phan duyên những hình thức tham sân, ái thủ, cầu tịnh đều sạch đối với ngũ Dục, bát Phong chẳng bị lay động, chẳng bị kiến văn giác tri trói buộc, chẳng bị các cảnh xấu đẹp mê hoặc, tự nhiên đầy đủ thần thông diệu dụng, ấy là người giải thoát. Đối với tất cả cảnh giới, tâm chẳng tịnh chẳng loạn, chẳng nhiếp chẳng tán, thấu qua tất cả thanh sắc, chẳng có trệ ngại gọi là Đạo-nhân.
Thiện ác thị phi đều chẳng tác ý, cũng chẳng mến một pháp, cũng chẳng bỏ một pháp, gọi là người Đại-thừa. Chẳng bị tất cả thiện-ác, không-có, cấu-tịnh, hữu-vi vô-vi, thế gian xuất thế gian, phước đức trí huệ ràng buộc gọi là Phật-huệ. Thị phi tốt xấu, đúng lý sai lý, các tri kiến tình thức đều sạch hết, chẳng có trói buộc, chẳng có giải thoát, nơi nơi tự tại gọi là Bồ-tát mới phát tâm liền lên địa vị Phật.
*
Hỏi : Đối với tất cả cảnh giới làm sao được "Tâm như gỗ đá đi" ?
Sư nói : Tất cả các pháp vốn chẳng tự nói không, chẳng tự nói sắc, cũng chẳng tự nói thị phi, cấu tịnh, cũng không có tâm trói buộc người, chỉ vì người tự hư vọng, tính toán, chấp trước, bày đặt đủ thứ lý lẽ, sanh khởi đủ thứ tri kiến, khởi lên đủ thứ yêu ghét. Hễ rõ các pháp vốn chẳng tự sanh, đều do một niệm vọng tưởng của mình điên đảo chấp tướng mà có, nếu biết tâm với cảnh vốn chẳng đến với nhau thì ngay đó giải thoát, mỗi mỗi các pháp ngay đó tịch diệt, ngay đó là Đạo-tràng.
Lại, cái Bản-tánh sẵn có ấy vốn chẳng tên gọi, bổn lai chẳng phải phàm, chẳng phải Thánh, chẳng phải cấu tịnh, chẳng phải không hữu, chẳng phải thiện ác..., hễ có tâm phân biệt thì với các nhiễm-pháp tương ưng, gọi là hàng Nhị-thừa và Trời, người; nếu không phân biệt cấu tịnh, chẳng trụ trói buộc, chẳng trụ giải thoát, không có tất cả 'tâm lượng' hữu vi vô vi, thì ở nơi sanh tử, tâm được tự tại. Tự-tánh bất nhị vốn chẳng hòa hợp với các vọng như hư huyễn trần lao, ngũ Uẩn, thập bát Giới, sanh tử..., vốn độc lập không có chỗ dựa, tất cả chẳng dính mắc, đi ở vô ngại, vãng lai sanh tử giống như cửa mở.
Người học Đạo nếu gặp mỗi mỗi khổ vui, các việc vừa ý hay chẳng vừa ý, tâm vô sở trụ, chẳng nghĩ danh vọng, lợi dưỡng, ăn mặc, chẳng ham công đức lợi ích, chẳng bị các pháp thế gian trệ ngại, không yêu không ghét, khổ vui bằng nhau, áo vá che thân, cơm hẩm qua ngày, ngơ ngơ như ngu như điếc, đối với Tự-tánh mới có ít phần tương ưng. Nếu nơi ở tâm rộng học tri giải cầu phước cầu trí, đều là sanh tử, đều là vô ích. Lại bị ngoại cảnh tri giải lôi kéo, trôi nổi đi vào trong biển sanh tử. Phật là người vô cầu, cầu tức là trái. Lý là lý vô cầu, cầu tức là mất. Nếu chấp trước vô cầu, lại đồng nơi có cầu, nếu chấp trước vô vi, lại đồng nơi hữu vi. Nên Kinh nói : "Chẳng chấp pháp, chẳng chấp phi pháp, chẳng chấp phi phi pháp". Cũng nói : "Như-lai sở đắc Pháp, Pháp này vô thực vô hư". Hễ được nhất tâm bất sanh, giống như gỗ đá, chẳng bị ngũ Dục, bát Phong cuốn trôi, thì cái nhân sanh tử được dứt, được đi ở tự do, chẳng bị tất cả nhân quả hữu vi trói buộc. Sau khi ngộ rồi thì dùng cái nhân vô trói buộc đó để làm lợi ích chúng sanh, dùng cái tâm vô chấp trước đó để ứng cơ tiếp vật, dùng cái trí huệ vô ngại đó để mở trói cho tất cả, cũng gọi là tùy bệnh cho thuốc.
Hỏi : Như nay thọ Giới, thân miệng thanh tịnh, đã đủ các thiện có được giải thoát không ?
Sư đáp : Được chút phần giải thoát mà chưa được tâm giải thoát, cũng chưa được tất cả chỗ đều giải thoát.
Hỏi : Thế nào là tâm giải thoát và tất cả chỗ đều giải thoát ?
Sư đáp : Chẳng cầu Phật, chẳng cầu Pháp, chẳng cầu Tăng, cho đến chẳng cầu phước trí, tri giải, tình chấp nhơ sạch đều dứt hết, cũng chẳng chấp không cầu là phải, cũng chẳng trụ nơi chỗ dứt hết, cũng chẳng mến Thiên-đường, cũng chẳng sợ Địa-ngục, trói buộc và giải thoát đều vô ngại, tức là thân tâm và tất cả chỗ đều được giải thoát.
Ông chớ cho rằng có được chút phần Giới thân miệng ý thanh tịnh là xong, đâu biết rằng Pháp-môn Giới-định-huệ dù như số cát sông Hằng mà đối với vô lậu giải thoát đều chưa dính dáng một mảy lông.
Hãy nỗ lực tiến lên! Hãy dũng mãnh tham cứu! Đừng đợi đến khi tai điếc, mắt mờ, mặt nhăn, đầu bạc, già khổ đến thân, buồn thương vương vấn, lệ rơi dầm dề, trong lòng sợ hãi không còn gì để nương tựa và không biết phải đi về đâu. Đến lúc ấy, muốn tay chân không run rẩy cũng không được. Dẫu cho có phước trí, tiếng tăm, lợi dưỡng cũng không cứu được, vì tâm huệ chưa mở, chỉ nghĩ đến các cảnh, chẳng biết phản chiếu, chẳng thấy Phật-đạo. Khi lâm chung, tất cả nghiệp duyên thiện ác một đời đều hiện trước mắt, ngũ Uẩn, lục Đạo, hoặc vui mừng hoặc khủng bố, thảy đều hiện tiền. Tất cả ác cảnh đều tùy theo sự tham ái của tự Tâm mà biến thành cảnh thù thắng như nhà cửa đẹp đẽ, xe cộ chói lọi hiển hách, chỗ nào tham ái nặng thì nghiệp-thức dẫn dắt theo đó thọ sanh, thai trâu bụng ngựa tùy nghiệp đầu thai, không có phần tự do.
Hỏi : Thế nào là được phần tự do ?
Sư đáp : Như nay được thì được, hoặc đối với ngũ Dục, bát Phong, tâm không lấy bỏ, bỏn xẻn, ganh tị, tham ái, tình chấp ngã sở đều sạch, nhơ sạch đều quên, cũng như mặt trời trên hư không, chẳng duyên mà chiếu, tâm-tâm như gỗ đá, niệm-niệm (tham thiền) như cứu lửa cháy đầu, cũng như voi lớn qua sông cứ băng ngang dòng nước không chút nghi ngờ. Người nầy Thiên-đường địa-ngục không câu thúc được.
Người xem Kinh-giáo, đọc ngữ ngôn đều nên uyển chuyển qui về tự kỷ. Nên biết tất cả ngôn Giáo của Phật chỉ để hiển bày cái Giác-chiếu-soi của Tự-tánh. Tâm mình hễ không bị tất cả các cảnh hữu vô xoay chuyển tức là Đạo-sư của chính mình. Chiếu phá được tất cả các cảnh hữu-vô, ấy là Kim Cang Huệ, tức là có phần độc lập tự do. Nếu mà không được như thế, dẫu cho tụng thuộc hết 12 bộ Kinh chỉ thành kẻ Tăng-thượng-mạn, ấy là báng Phật, chẳng phải người tu hành. Hễ lìa được tất cả thanh sắc, cũng chẳng trụ nơi lìa, cũng không có tri giải chấp chẳng trụ, ấy là chân tu hành. Đọc Kinh xem Giáo, theo tiêu chuẩn thế gian là việc tốt, nếu theo người thấu lý mà xem, đó là người ngu dại. Người Thập-địa nếu thoát chẳng được, còn phải trôi vào sông sanh tử. Kinh-giáo của Tam-thừa đều là trị các bệnh tham sân, như hiện nay nếu niệm niệm có các bệnh tham sân nên cần phải trị trước, chẳng cần tìm cầu tri giải, nghĩa cú trong Kinh. Cầu tri giải thuộc về tham, tham tri giải trong Kinh lại biến thành bệnh. Như nay chỉ cần lìa tất cả các pháp hữu-vô, cũng lìa nơi lìa, thấu qua ngoài "ba câu", tự nhiên với Phật chẳng khác. Tự đã là Phật còn lo gì Phật chẳng biết thuyết Pháp, chỉ e chẳng phải Phật mà bị các pháp hữu-vô trói buộc chẳng được tự do. Người chưa ngộ lý, phước trí có trước, bị xe phước trí chở đi như hèn sai sang, chẳng bằng ngộ lý trước rồi sau mới có phước trí. Nếu muốn phước trí tức khắc có liền, nắm đất thành vàng, nắm vàng thành đất, biến nước biển thành tô-lạc, phá núi Tu-di thành vi trần, bốn biển lớn nhiếp vào một lỗ chân lông, nơi một nghĩa làm vô lượng nghĩa, nơi vô lượng nghĩa làm một nghĩa.
Xin Đại-chúng trân trọng !
Tác giả: Vuong