Tín Tâm Minh Tịch Nghĩa Giải - phần III

từ câu 25 đến câu 36
25. VÔ CỬU VÔ PHÁP, BẤT SANH BẤT TÂM.

DỊCH : Chẳng đúng sai thì chẳng phải pháp, cũng chẳng sanh cái tâm chấp "chẳng phải tâm".

LỜI KHAI THỊ

Núi Thái Hoa không hiểm, Biển mênh mông không sâu, bài thơ "Nguyệt thực" của Lư Đồng đâu có khó đọc, Khúc "Thái cổ" của Bá Nha thật có tri âm, chỉ có "Ám hiệu tử" của Động Sơn nắm thì không kẽ hở, buông thì rất khó tìm, làm phiền bao nhiêu người lanh lợi, chen lấn tranh giành đến ngày nay.

LỜI NGHĨA GIẢI

Tổ-sư nói : "VÔ CỬU VÔ PHÁP, BẤT SANH BẤT TÂM", Người-giải-nghĩa cho rằng : hai câu này là ngược lại hai câu trên. Nói "KHÔNG ĐÚNG SAI" thì muôn pháp tự tiêu, "KHÔNG SANH" thì một Tâm tự tịch, Pháp tiêu Tâm tịch, bản thể của chí Đạo rõ ràng, chẳng đợi đắc mà đắc rồi.

TỊCH NGHĨA GIẢI

Xưa kia Tăng hỏi Triệu Châu : "Tôi mới vào Tòng-lâm, xin thầy chỉ dạy". Châu hỏi "Ăn cháo rồi chưa ?" Tăng nói : "Ăn rồi". Châu nói : "Rửa chén bát đi !" Tăng ấy ngộ liền. Vậy Tăng ấy lúc bấy giờ ngộ chẳng đúng sai ư ? Ngộ chẳng phải pháp ư  ? Ngộ không sanh ư ? Ngộ chẳng phải tâm ư ? Xin xác định xem !

KỆ KẾT THÚC

Chỉ vì lỗi chấp chẳng đúng sai,

Sanh tâm đều bởi chấp "Không sanh".

Đêm lạnh Vượn khóc Trăng đỉnh núi,

Khác đường xưa nay không thể hành.

26. NĂNG TÙY CẢNH DIỆT, CẢNH TRỤC NĂNG TRẦM.

DỊCH : Năng theo cảnh diệt, cảnh theo năng mất.

LỜI KHAI THỊ

Đem một lớp khử bỏ một lớp, đường xa mới biết sức ngựa; chẳng đem một lớp khử bỏ một lớp, lâu ngày mới thấy lòng người. Công-án 2 lớp; chân đã duỗi thì không rút, ngoài 3000 dặm ai là tri âm ?

Từ khi mùa đông người đã về,

Mấy đám mây xuân bọc núi xanh.

LỜI NGHĨA GIẢI

Tổ-sư nói : "NĂNG TÙY CẢNH DIỆT, CẢNH TRỤC NĂNG TRẦM", Người-giải-nghĩa dẫn chứng lời Vĩnh Gia rằng : "Cảnh không trí thì chẳng rõ, trí không cảnh thì chẳng sanh; trí sanh do rõ cảnh mà sanh, cảnh rõ do trí sanh mà rõ". Nên biết NĂNG là một tâm, CẢNH là các pháp, năng tức tên khác của trí, cảnh tức biệt hiệu của pháp, cảnh diệt thì tâm năng rõ cũng diệt, tâm không thì cảnh sở hiện cũng mất. Năng và cảnh giúp nhau tồn tại, nhiếp nhau dung thông, vốn không ngăn cách, người không rõ nghĩa này nên gọi là mê.

TỊCH NGHĨA GIẢI

Theo lời nói như vậy, gọi là liễu ngộ được chăng ? Chẳng những không liễu ngộ, lại như người đói khát ăn muối, càng thêm đói khát mà thôi.

KỆ KẾT THÚC

Đồng biết ánh sáng do đèn hiện,

Cùng nói làn sóng nhờ nước sanh.

Nước cạn, đèn tắt, sóng, ảnh hết,

Mới đáng ngoài cửa ăn roi Tổ.

27. CẢNH DO NĂNG CẢNH, NĂNG DO CẢNH NĂNG.

DỊCH : Cảnh do năng thành cảnh, năng do cảnh thành năng.

LỜI KHAI THỊ

Đại-tạng Kinh-điển là giấy vụn năm xưa, ngàn bảy Công-án là dây dưa mục nát, cũng như lá vàng gạt con nít nín khóc, khác chi đốt ngọn đèn dưới ánh sáng Mặt-trời ? Dẹp qua lớp này rồi lại có một lớp nữa, có mấy ông Tăng được thoát khỏi những sự lừa gạt nầy  ?
      LỜI NGHĨA GIẢI

Tổ-sư nói : "CẢNH DO NĂNG CẢNH, NĂNG DO CẢNH NĂNG". Có người y văn giải nghĩa rằng : Cảnh chẳng tự cảnh, vì năng nên cảnh; năng chẳng tự năng, vì cảnh nên năng, năng nhờ cảnh mà sanh, cảnh nhờ năng mà khởi. Phải biết ngoài Tâm chẳng pháp, sanh mà bất sanh; ngoài pháp chẳng Tâm, khởi mà phi khởi. Tổ-sư đến đây, đem nhất tâm vạn pháp vò thành viên kẹo, chỉ muốn y vui vẻ nuốt vào.

TỊCH NGHĨA GIẢI

Hỏi ngược lại họ : "Ông đã từng nuốt được hay chưa ? Nếu như chưa, vậy cả thế giới có ai nuốt được chăng ? E rằng sau này kẹo sắt lửa hồng chắc có phần cho ông !

KỆ KẾT THÚC

Vì năng sanh sở, sở sanh năng,

Năng sở đều quên, sanh "Bất Sanh".

Ốc Trai hút cạn nước biển cả,

Trên nhánh San-hô nửa đêm trăng.

28. DỤC TRI LƯỠNG ĐOẠN, NGUYÊN THỊ NHẤT KHÔNG.

DỊCH : Muốn biết "Hai đoạn", vốn là "Một không".

LỜI KHAI THỊ

Không mà chẳng không, cây gậy sừng thỏ chống bể núi bạc vách sắt ; chẳng không mà không. Phất-trần lông rùa mở ra gió mát trăng thanh. Động Sơn "Ba cân mè", dính da dính xương; Vân Môn "Cục cứt khô", kẹt vỏ kẹt ruột. Trước mặt Nạp-tăng thả qua không được, dưới cửa Tổ-sư tái phạm khó tha. Thường khiến trong bụng như kim chích, quăng xuống trong biển rộng sóng to.

LỜI NGHĨA GIẢI

Tổ-sư nói : "DỤC TRI LƯỠNG ĐOẠN, NGUYÊN THỊ NHẤT KHÔNG". Người-giải-nghĩa cho rằng : Nói "HAI ĐOẠN" là chỉ Tâm-pháp của đoạn trên. Nói "MỘT KHÔNG" chẳng phải là cái ngoan-không của Thái-hư, cũng chẳng phải là cái "Không" đoạn diệt của Tiểu-thừa, là cái Chơn-không vô tướng của Linh-giác. KHÔNG này là nguồn gốc của chư Phật, là mẹ của vạn linh. Chẳng tiếng chẳng mùi, rõ ràng ở trước các vật. Chẳng hữu chẳng vô, hiển bày bên ngoài lục Trần.

TỊCH NGHĨA GIẢI

Đã là Không thì chẳng nên có biết, đã có biết thì chẳng nên gọi là Không. Nếu chưa từng nắm tay với Tổ-sư, đích thân đến Biển-giác của Chơn-không, thì nói chi ngôn ngữ này nọ ?

KỆ KẾT THÚC

Đào được kho tàng trong chiêm bao,

Lại cưỡi loan phụng lên Bảo Đài.

Suốt đêm vui mừng không kể xiết,

Sáng ngày tỉnh dậy dạ ngẩn ngơ.

29. NHẤT KHÔNG ĐỔNG LƯỠNG, TỀ HÀM VẠN TƯỢNG.

DỊCH : Nói một cái Không đã đồng với hai, một và hai cùng bao hàm vạn tượng.

LỜI KHAI THỊ

Một câu không ích kỷ, muôn người đồng ngưỡng mộ. So bằng vai Tổ. Cơ-xảo qua bàn tay, Đại Điên đánh Thủ-tọa; gom tuyết để chôn vàng, Hưng Hóa phạt Duy-na, ra tiếng để ngưng âm thanh. Duy có Thạch Cảm Đương quanh năm suốt tháng ló đầu ra trước trăm ngàn Chúng, xưa nay chẳng ai biết tán thưởng.

LỜI NGHĨA GIẢI

Tổ-sư nói : "NHẤT KHÔNG ĐỔNG LƯỠNG, TỀ HÀM VẠN TƯỢNG". Người-giải-nghĩa cho rằng : Tâm chẳng khác với pháp. Là một Không đồng Hai; pháp chẳng khác với Tâm là cùng hàm vạn tượng. Sở dĩ người xưa nói "Thấy sắc liền thấy Tâm, chẳng sắc Tâm chẳng hiện", lại trong Kinh nói "Sum la và vạn tượng, do một Pháp ấn định", nên Tổ-sư sáng tỏ nơi đây.

TỊCH NGHĨA GIẢI

Giảng Kinh thì cho ngươi giảng, nhưng muốn thấy ý chỉ Tổ-sư, khác gì đi Trịnh Châu ra cửa Tào Châu.

KỆ KẾT THÚC

Một chẳng phải chiếc, hai chẳng đôi,

Trăng lạnh đêm khuya, bóng in sông.

Ánh sáng nuốt hết cả Vũ-trụ,

Còn dời bóng mai lên cửa song.

30. BẤT KIẾN TINH THÔ, NINH HỮU THIÊN ĐẢNG.

DỊCH : Chẳng thấy tinh tế thô sơ, đâu có thiên lệch một bên.

LỜI KHAI THỊ

Thiền gọi quan ải, Giáo gọi cương yếu, cứu vớt chúng sanh trong Tam-giới, thi đậu "TÂM KHÔNG" là tiêu biểu, đụng nhằm thằng không ý chí (Tự-tánh), móc xiềng xích, mở thắt kết, muôn mắt nhìn thẳng, muốn mở mà chẳng mở; trăm người giơ tay, muốn tát mà chẳng tát, Đạo-giả vô tâm vốn nên như thế, đâu phải khoe tài trước mặt mọi người. Cho nên nói : "BẤT KIẾN TINH THÔ, NINH HỮU THIÊN ĐẢNG".

LỜI NGHĨA GIẢI

Người-giải-nghĩa cho rằng : Tâm và pháp đã không, năng và sở đều bặt thì chúng sanh, chư Phật đồng bản thể, mê ngộ chẳng khác, nên dẫn chứng lời "tức Tâm minh" nói : "Đâu quí đâu tiện, đâu nhục đâu vinh, đâu đắc đâu thất, đâu trọng đâu khinh, một Đạo hư tịch, vạn vật bình đẳng".

TỊCH NGHĨA GIẢI

Nói chứng cũng giống như được chứng, nhưng vì sự chứng quá giống nhau đi, lại trở thành không giống nhau rồi. Vậy thế nào là chỗ không giống nhau ? Thử xác định xem !

KỆ KẾT THÚC

Hét ra tiếng sét khó bịt tai,

Tò vò vác biển vào mi muỗi.

Heo bùn, chó ghẻ cùng mở mắt,

Tam thế Như-lai trọn chẳng hay.

31. ĐẠI ĐẠO THỂ KHOAN, VÔ DỊ VÔ NAN.

DỊCH : Bản thể Đại-đạo rộng khắp hư-không, chẳng có khó dễ đối đãi.

LỜI KHAI THỊ

Trộm được Y&Bát vào tay, biết nói "chẳng phải gió động, chẳng phải Phướn động", ngoài Y-kim-lan ra còn có vật gì khác ? Xô ngã cây Nêu trước cửa, hai ông này vô sự sanh sự, dối người dối mình. Bổn lai không kẽ hở, xuyên tạc chẳng dính dáng. Có hiểu được chăng ?

Một lần gặp nhau một lần già,

Một lần gió thổi một lần lạnh.

LỜI NGHĨA GIẢI

Tổ-sư nói : "ĐẠI ĐẠO THỂ KHOAN, VÔ DỊ VÔ NAN", Người-giải-nghĩa cho rằng : Việc này vốn bao trùm Nhựt-nguyệt hư-không, Phật Tổ chẳng biết tên, Đại-địa chở không nổi, như Trời che khắp, như đất nâng khắp, mỗi mỗi viên mãn, người người đầy đủ, đâu còn khó dễ gì để nói ? Đây nói khó dễ là tại người chẳng tại Pháp, hễ tin Tự-tâm là Phật thì dễ, chẳng tin Tự-tâm là Phật thì khó.

TỊCH NGHĨA GIẢI

Theo sự thấy nghe của tôi lại khác; Hễ tin Tự-tâm là Phật thì khó, chẳng tin Tự-tâm là Phật thì dễ, vậy cái lý cao tột ở chỗ nào ? Lời này hãy gác lại, cũng như Bàng Cư-sĩ nói : "Khó, khó, mười giạ hạt mè bày ra trên cây", Bà Bàng nói : "Dễ, dễ, ý Tổ-sư trên đầu trăm cỏ". Linh Chiếu nói : "Chẳng khó cũng chẳng dễ, đói thì ăn cơm, mệt thì ngủ". Chỗ này nếu phân biệt được 3 cái lưỡi hay dỡ của họ, thì sự khó dễ có thể ngay đó lãnh hội. Nếu không, dẫu cho ngươi hiểu theo lời nói, nói "chẳng dễ chẳng khó", đâu khác gì con Lừa mù muốn đuổi kịp theo bầy, vừa bước chân đã không có đường để đi rồi.

KỆ KẾT THÚC

"Bày mè trên cây", "mệt thì ngủ",

Nói "đầu trăm cỏ" của ý Tổ.

Ba người đều là không có mắt,

Mò rào mò vách lúc nào thôi.

32. TIỂU KIẾN HỔ NGHI, CHUYỂN CẤP CHUYỂN TRÌ.

DỊCH : Sự thấy nhỏ hẹp có chút hồ nghi, muốn gấp lại càng trễ.

LỜI KHAI THỊ

Chuyển Tự-kỷ vào sơn hà, Trâu sắt chìm đầm to; chuyển sơn hà vào Tự-kỷ, Voi già lún bùn sâu. Tự-kỷ và sơn hà ném bỏ một lượt, lò rèn các nơi không thể thiết lập. Có thiết lập, chẳng khác nắm tay dọa trẻ con.

LỜI NGHĨA GIẢI

Tổ-sư nói : "TIỂU KIẾN HỔ NGHI, CHUYỂN CẤP CHUYỂN TRÌ", Người-giải-nghĩa cho rằng : Tất cả chúng sanh, từ trước khi kiếp-không (chưa có Trời-đất) đã cùng tam thế chư Phật đồng thành Chánh-giác, vốn chẳng thiếu kém, vì tâm này không rõ, tự rơi vào ngu mê mà chẳng biết. Thế nên, chư Phật chư Tổ dùng trăm ngàn phương tiện dẫn dắt khích lệ, khiến họ ngộ nhập. Sở dĩ nói : "Vì một Đại-sự nhân duyên xuất hiện trên đời" là việc này vậy. Bởi do người chẳng tin Tự-tâm là Phật mà muốn tìm cầu ở ngoài Tâm, cho nên bị quở là TIỂU KIẾN. Phải biết Tâm này vốn sẳn đầy đủ, nói là "mau được thành Bồ-đề" đã thành lời thừa, thật ra đâu có sự mau hay trễ ư ?

TỊCH NGHĨA GIẢI

Thế thì, hiện nay gọi cái gì là Phật ? Nếu chỉ bày không ra, bệnh ở chỗ nào ?

KỆ KẾT THÚC

Trời há cho ngồi đáy giếng dòm,

Tận cùng sức thấy cũng thành nghi.

Trở mình nhảy ra ngoài hư-không,

Nhướng mày mở mắt đã trễ rồi.

33. CHẤP CHI THẤT ĐỘ, TẤT NHẬP TÀ LỘ.

DỊCH : Chấp thật thì lạc mất tông-chỉ, ắt phải rơi vào đường tà.

LỜI KHAI THỊ

Núi vô trùng số (bất nhị), nước vô trùng số, Thiện Tài ở trong tiếng khảy móng tay thấy lầu các của Ngài Di-lặc cũng vô trùng số, Chơn nhân vô địa vị giữa đường gặp thấy việc bất bình, dùng cây gậy gạch một gạch trên không, mười vạn tám ngàn đường lối nắm gom một lượt, rồi quày đầu lại hét to rằng : "Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thọ, phương thảo thê thê Anh Võ châu".

(Cỏ non biêng biếc đảo Anh Võ,

Nắng dọi Trường Giang cây Hán Dương).

Vì sao như thế ? há chẳng thấy Tổ-sư nói : "CHẤP CHI THẤT ĐỘ, TẤT NHẬP TÀ LỘ".

LỜI NGHĨA GIẢI

Gần đây có một số người ở vào địa vị làm thầy, thấy người nói "Khán thoại đầu của Cổ-nhân, làm công phu miên mật, chẳng uổng phí thời gian để tham-cứu việc mình", liền dẫn chứng hai câu này để bài xích, đối với "CHẤP CHI THẤT ĐỘ", cho là Phật-pháp đâu có việc này, bởi tất cả sẵn sàng, sao chẳng tự nhận lấy ? Lại cố làm bộ điệu của người chết làm chi !

TỊCH NGHĨA GIẢI

Nói thế cũng đúng, nhưng không xét đến nguồn gốc, chẳng biết ý Tổ-sư là trách cái chấp sau khi ngộ. Há chẳng thấy Phật Nhãn nói : "Có một hạng người cỡi Lừa tìm Lừa, lại có hạng người biết được là Lừa rồi mà cứ cỡi mãi không chịu xuống", chính là nói hạng người này chấp lý đã ngộ mà chưa thể quên. Bên ngoài chấp pháp sở ngộ, bên trong chấp tâm năng ngộ, Cổ-nhân quở là pháp trần, cũng là gai gốc tri kiến. Cho nên Dược Sơn nói vừa có sở trọng, liền thành hang ổ, đều là chấp lý đã ngộ, khiến cho lý ngộ chẳng quên, cho là thật có việc này. Do thấy pháp chẳng viên thông, thành sở chấp của Ngoại-đạo. Đang mê mà cầu ngộ thì dễ, đã ngộ muốn quên lý thì khó, nếu không gặp bậc Đạo-sư chơn chánh thẳng tay gông cùm tay chân, đánh đập thống thiết, thì rốt cuộc không thể đến chỗ tự thôi nghỉ. Đối với thuyết này, ông có vừa lòng chăng ?

KỆ KẾT THÚC

Chấp tâm chưa hết hoa thường rụng,

Thắt kết đã trừ, quả không xa.

Cứ theo đường tà đi khi trước,

Quày đầu mới thấy mình trần truồng.

34. PHÓNG CHI TỰ NHIÊN, THỂ VÔ KHỨ TRỤ.

DỊCH : Buông thì bản thể tự nhiên, vốn chẳng có đi và ở. (Buông : vô trụ).

LỜI KHAI THỊ

Cơ-xảo hướng thượng, câu chuyển-ngữ cuối cùng, cửa đã mở sẳn. Lòng từ của chư Tổ luôn luôn nhắc nhở hành giả tham-thiền ngay đó liền ngộ. Trăng nửa đêm chiếu trên cành hoa mai; ngộ được cứ ngộ, rạng đông say rượu cỡi chim loan. Không cho là Phật-pháp cao siêu, cũng không cho là phổ biến việc đời, vậy rốt cuộc như thế nào ? Chẳng thấy Tổ-sư nói : "PHÓNG CHI TỰ NHIÊN, THỂ VÔ KHỨ TRỤ" hay sao ?

LỜI NGHĨA GIẢI

Người-giải-nghĩa cho rằng : Tâm chấp đã trừ, tự nhiên tự do tự tại, chẳng chướng chẳng ngại mà động như mây bay, tịnh như cốc thần, đã vô tâm đối với này nọ thì đâu có phân biệt đi ở ? Kinh Viên Giác nói : "Bất cứ lúc nào, chẳng khởi vọng niệm, đối với vọng tâm, cũng chẳng ngưng nghỉ, trụ nơi cảnh vọng, không cần hiểu biết, nơi không hiểu biết cũng chẳng cho là chơn thật không hiểu biết". Được như thế thì gần với Đạo rồi, nghĩa là tình chấp Thánh-phàm đều sạch, thì bản thể chơn thường hiển lộ, tuyệt hẳn cảnh duyên hư vọng, tức là như-như chơn Phật.

TỊCH NGHĨA GIẢI

Chửi nhau cho ngươi tạt nước cũng được, nếu đối với ý Tổ-sư, dẫu cho ngươi đem tất cả Đại-tạng Kinh-điển đều mửa ra, cũng chỉ thành nghiệp thức mênh mông mà thôi.

KỆ KẾT THÚC

Kiến văn giác tri đều bỏ hết,

Vốn chẳng tự nhiên lại tự nhiên.

Ông đi nước Tần, ta nước Lỗ,

Đỉnh đầu ai chẳng đội Trời xanh.

35. NHẬM TÁNH HỢP ĐẠO, TIÊU DAO TUYỆT NÃO.

DỊCH : Tự-tánh là Đạo, vốn chẳng phiền não.

LỜI KHAI THỊ

Bùi Tướng-quốc (Bùi Hưu) ôm Phật đến xin đặt tên, Đường Trang Tông đắc được một báu vật ở Trung-quốc, Vua chẳng bị địa vị cao cả dời đổi, Thần chẳng bị việc khắp nước nhiễu loạn. Nạp-tăng tham thiền giẫm bước khắp mười phương, hình thể chẳng bị vật gì trói buộc, lâu ngày chầy tháng ngồi tại chỗ vô-sự, vì sao lại chẳng thể đúng như Tự-tánh ? Do cái gì làm chướng ngại ?

Năm năm khô héo rừng Bát-nhã,

Năm năm tăng trưởng cỏ vô-minh.

LỜI NGHĨA GIẢI

Tổ-sư nói : "NHẬM TÁNH HỢP ĐẠO, TIÊU DAO TUYỆT NÃO", Người-giải-nghĩa cho rằng : Người Tâm-Không thi đậu, Tánh chẳng cần nhậm (mặc kệ) mà tự nhậm, Đạo chẳng cần hợp mà tự hợp, tự do như mây ra trên núi, tự tại như Trăng đi trên không, trong Đại-viên-cảnh (Tự-tánh) có ai chẳng phải vậy ?

TỊCH NGHĨA GIẢI

Phật Ấn Nguyên hòa-thượng nói : "Cái cảnh đã ngộ khó nói cho người chưa ngộ hiểu, như với người mù bẩm sinh, nói cho biết Mặt-trời sáng tỏ, họ dù nghe mà chẳng thể biết được". Hay người chưa từng buông tay nhào xuống vực thẳm (chưa từng ngộ), mà lại dùng lời "NHẬM TÁNH HỢP ĐẠO" để dẫn chứng, thì cũng như người đói nói ăn mà không ăn, lại tự nói "đã no", há chẳng phải là dối người ư ?

KỆ KẾT THÚC

Mặc cho Pháp-tánh tự hợp Đạo,

Bệnh của Tâm-vương càng khó lành.

Lại muốn cầu cho tuyệt phiền não,

Ba trăm roi sắt chưa phải nhiều.

36. HỆ NIỆM QUAI CHƠN, HÔN TRẦM BẤT HẢO.

DỊCH : Nổi niệm thì bị niệm buộc thành trái với Chơn, không niệm thì hôn trầm chẳng tốt.

LỜI KHAI THỊ

Đại-tạng Giáo-điển là sợi dây xích chân, thân vàng trượng sáu (thân Phật) là một cọng cỏ. Một tiếng hét điếc tai ba ngày của Bá Trượng, một giỏ trầu trút ra của Ngưỡng Sơn. Những lời nói này là miểng ngói hay là châu báu ? Nếu ông nói "câu Phải cũng quét, câu Chẳng Phải cũng quét; chính là ăn táo mà nuốt hột.

LỜI NGHĨA GIẢI

Tổ-sư nói "HỆ NIỆM QUAI CHƠN, HÔN TRẦM BẤT HẢO", Người-giải-nghĩa dẫn chứng trong Kinh nói "Tâm chẳng bị Đạo trói, cũng chẳng gây nghiệp, ấy là người đắc Đạo". Hoặc dẫn chứng lời Đức Sơn nói "Mảy may hệ niệm là nghiệp nhân Tam-đồ", còn nói : "Hành giả tham-cứu, vừa có mảy may tình chấp mê-ngộ, Thánh-phàm thì bị tri kiến mê, ngộ Thánh, phàm làm mù", cần phải một vật chẳng dính mắc muôn duyên đều tẩy sạch, mới có thể hợp với chỗ thấy của Cổ-nhân.

TỊCH NGHĨA GIẢI

Đừng phỉ báng Cổ-nhân nhé ! Cổ-nhân nói với ông : "HỆ NIỆM QUAI CHƠN", nhưng chính cái "một vật chẳng dính mắc" đã là Quai Chơn, tức là bị niệm trói rồi.

KỆ KẾT THÚC

Hệ niệm trái Chơn, Chơn chẳng trái,

Hôn trầm chẳng tốt, tốt nơi nào ?

Thùng sơn cứng chắc không lủng đáy (chưa ngộ),

Thai trâu bụng ngựa đợi ông vào.

Phần 1phần 2phần 3phần 4phần 5phần 6.

Tác giả bài viết: Liễu Phàm

Nguồn tin: Tông Phong Tàng Thư