08:48 ICT Thứ sáu, 29/03/2024

Giới Thiệu

Thiền sư Đại Huệ

Đại Huệ Thiền-sư (1088 - 1163) đời thứ 12 phái Lâm Tế là một Thiền-sư triệt ngộ, phương tiện cơ xảo rất xuất sắc nổi tiếng từ lúc đương thời cho đến ngày nay. Các bậc Sĩ-phu, Quan lại triều đình từ Thừa-tướng, Thượng-thư... đều quy y học thiền với Ngài và có nhiều người đã được Chứng-ngộ. Ngữ-lục...

Danh mục chính

Liên Kết Trang

HUE NANG
TS DUC SON
TS NGUYET KHE

Trang nhất » Tông Phong Tàng Thư » Luận, Giảng » Tín tâm minh

Tín Tâm Minh Tịch Nghĩa Giải - phần VI

Chủ nhật - 07/04/2013 15:26 Xem: 1520
từ câu 61 đến câu 73
61. YẾU CẤP TƯƠNG ƯNG, DUY NGÔN BẤT NHỊ.

DỊCH : Gấp muốn tương ưng, chỉ nói bất-nhị.

LỜI KHAI THỊ

Biển dụ cho tánh, đất dụ cho Tâm, chứa đầy mà chẳng tràn, hứng nặng mà chẳng sụp, dung nạp hư-không chẳng ngằn mé, xuyên thấu cổ kim chẳng biên cương. Trước nói "bất lạc", sau nói "bất muội", Hồ-ly-tinh đâu phải hai con. Hôm qua nói "định", hôm nay nói "chẳng định", cục cứt khô nuốt trọn vào bụng. Biện tài của Duy-ma-cật khiến hàng Bồ-tát bịt miệng; lưỡi bén như kiếm của Văn-thù đã làm Thầy cho bảy Phật. Tông ta vốn chẳng dây dưa này, chí lý đâu có ghi bia đá.

Tiếng sóng ngàn sông chìm biển rộng,

Muôn núi hùng vĩ kém đỉnh cao.

LỜI NGHĨA GIẢI

Tổ-sư nói : "YẾU CẤP TƯƠNG ƯNG, DUY NGÔN BẤT NHỊ", Người-giải-nghĩa cho rằng : Tổ-sư phí sức phân biệt, trước nói "chỉ chê lựa chọn", kế nói "một cũng đừng giữ", "muôn Pháp cùng quán", "muôn Pháp nhất như" v.v... đều là lý của 2 chữ "chỉ nói". Nhưng chư Phật và chúng sanh, bản thể bất nhị, nói "Thành Phật" đã là lời thừa, vậy nói : muốn gấp tương ưngdường như thành 2 đoạn rồi. Nếu quả thật có cái lý tương ưng và chẳng tương ưng thì rõ ràng là nhị, đối với việc này chưa thể không nghi.

TỊCH NGHĨA GIẢI

Chỉ e cái nghi này chẳng chơn thật, chẳng vững chắc. Nếu Chơn thật vững chắc thì cái nghi này sẽ có ngày tự bùng nổ. Nghi này nếu vỡ thì Nhị với Bất Nhị của tương ưng hay chẳng tương ưng đã thấu rõ trước cơ-xảo, lãnh hội ngoài ngôn ngữ, mới biết ơn lớn của Tổ-sư khó đền đáp.

Xưa Ngài Duy-ma-cật bảo Chúng Bồ-tát nói Pháp-môn Bất-nhị, mỗi mỗi nói xong, lại bị Chúng Bồ-tát hỏi ngược lại thì im lặng chẳng đáp. Lúc ấy Văn-thù liền tán thán rằng "Chơn nhập Pháp-môn Bất-nhị". Vậy lời tán thán của Văn-thù sanh khởi từ chỗ nào ? Nếu cho im lặng là Pháp-môn Bất Nhị thì người bệnh câm và người gỗ máy cũng đều được nhập Pháp-môn Bất-nhị rồi ! Nếu im lặng có thể gọi là Pháp-môn Bất-nhị, thì ngữ ngôn cũng có thể gọi là Pháp-môn Bất-nhị cho đến ca hát cười giỡn đều gọi là Bất-nhị ư ? Tại sao chỉ khen một mình Duy-ma-cật vậy ? Ở đây cần phải thấu rõ ý chỉ mũi kim đụng nhau đúng khớp của 2 vị Đại-sĩ Văn-thù và Duy-ma-cật thì lời nói TƯƠNG ƯNG hay CHẲNG TƯƠNG ƯNG trong một tiếng cười đã tẩy sạch rồi.

KỆ KẾT THÚC

Cửa-thiền Tổ-sư tuyệt chi ly,

Đá lửa điện chớp vẫn chậm trì.

Muốn gấp tương ưng nói Bất-nhị,

Bà lão nhai cơm, mớm tiểu nhi.

62. BẤT NHỊ GIAI ĐỔNG, VÔ BẤT BAO DUNG.

DỊCH : Bất-nhị chẳng phải đồng, Nhị mới có bao gồm.

LỜI KHAI THỊ

Tổ Tổ Tâm-không, Phật Phật Đạo-đồng. Tâm-không thì các ngôi sao cùng hướng về Bắc Đẩu, Đạo-đồng thì muôn dòng nước đều chảy vào biển Đông. Hưng Hóa hôm qua dự Trai-tăng trong làng, Đạo ta nhất quán; Đức Sơn đêm nay không trả lời, Công-án hai lớp. Bắt Hổ dữ, phân rắn Rồng, chẳng phí chút sức của Hải Thần; Nổ sấm sét, phủ mây mù, tiêu hao Long-vương bao nhiêu gió. Mũi kim gọt sắt đè chìm Đại-địa, vắt nước chỉ mành ngập khắp hư-không. Chẳng cán nắm, tuyệt cũi lồng, sông Thiền vốn chẳng có đò đưa, vách sắt đâu có cửa nẻo thông.

LỜI NGHĨA GIẢI

Tổ-sư nói : "BẤT NHỊ GIAI ĐỔNG, VÔ BẤT BAO DUNG", hạng người hiểu theo văn tự cho rằng : Kinh Pháp Hoa nói : "Chỉ một sự thật này, ngoài ra đều chẳng chơn". Còn nói : "Tất cả chư Phật chỉ một Phật-thừa, chẳng hai chẳng ba". Nói Một là Diệu-tâm sáng tròn, Thể lìa tu chứng, dọc gồm Tam-thế, ngang thấu mười phương, sắc, không, sáng, tối lấy đó làm nguồn, Thánh-phàm mê ngộ lấy đó làm gốc. Cho đến cùng khắp Pháp-giới, nếu thấy có mảy may chẳng do đó sanh khởi, đều là sở chấp của Ngoại-đạo, cho nên nói "Sum la và vạn tượng do một Pháp ấn định". Lờibất nhị giai đồng, vô bất bao dung chẳng thể ở ngoài nghĩa này.

TỊCH NGHĨA GIẢI

Nói như thế, tất cả ngôn giáo đã ghi đầy đủ, đâu cần Tổ-sư từ Tây-trúc sang ? Phải biết, ngôn giáo như bức tranh hoa của Triệu Xương, cao thấp xa gần, búp nở đậm nhạt, xem rất đẹp mắt, nhưng chẳng phải hoa thật vậy. Nếu chưa thể nơi gót chân một dao cắt đứt cuộn chỉ rối, thì đối với tông-chỉ bất nhị giai đồng, đâu thể chỉ miệng nói tai nghe mà đắc được ư ?

KỆ KẾT THÚC

Vàng ròng đúc thành trứng gà trống,

Đập nát y xưa vẫn còn nguyên.

Chẳng biết có gì bao trong đó,

Suốt đêm tia sáng rọi Càn-khôn.

63. THẬP PHƯƠNG TRÍ GIẢ, GIAI NHẬP THỬ TÔNG.

DỊCH : Người Trí mười phương, đều vào Tông này.

LỜI KHAI THỊ

Chí-thần vô công dụng, Chí-thể chẳng hỗn dung, như chuông nơi Chánh-điện, lỗ tai chẳng nghe động tịnh. Như mùa xuân đến vườn, nhánh hoa tự trắng tự hồng. Ngũ vị Quân-thần của Động Sơn, đàn tấu trước khi chưa phổ nốt nhạc; bốn thứ Chiếu-dụng của Lâm Tế là gia-phong đánh roi sắt, vạn linh khó lường. Châu ngọc xoay chuyển trước đường cơ-xảo, gió bay sấm sét, mở mắt trên đỉnh đầu. Suy nghĩ chẳng đến, nhanh cũng khó gặp.

Sắp xếp cổ Phật lìa hang ổ.

Đánh cho rắn chết hóa thành Rồng.

LỜI NGHĨA GIẢI

Tổ-sư nói : "THẬP PHƯƠNG TRÍ GIẢ, GIAI NHẬP THỬ TÔNG", Người-giải-nghĩa dẫn chứng Kinh Hoa Nghiêm nói : "Cảnh giới của Như-lai, vô lượng bằng hư-không, tất cả chúng sanh vào, kỳ thật chẳng chỗ vào". Kinh Viên Giác nói : "Những người năng nhập. Nếu có năng nhập thì chẳng phải Giác nhập". Phải biết, Tông này tất cả chúng sanh vốn đã thâm nhập, đâu có lý nào lại nhập nữa ? Chúng sanh đã như vậy, thì người Trí không nên lại có sở nhập. Vĩnh Minh nói : "Tâm chơn-như vốn chẳng thể lìa", nhưng kẻ mê dụ là xuất, kẻ ngộ dụ là nhập, làm cho mê ngộ tương đối, thật đâu có sự xuất nhập ư ?

TỊCH NGHĨA GIẢI

Hãy gác lời này lại ! Ông có từng ngộ chưa  ? Đợi ông chân thật có chỗ ngộ, mới thấy lời của Tổ-sư không dối.

KỆ KẾT THÚC

Đồng nói Tông này khó được Diệu,

Người Trí mười phương cứ bàn nhau.

Nếu chưa buông tay rơi vực thẳm,

Chỗ nhập đâu khác cửa Địa-ngục.

64. TÔNG PHI XÚC DIÊN, NHẤT NIỆM VẠN NIÊN.

DỊCH : Tông-chỉ chẳng có ngắn dài, muôn năm một niệm, niệm muôn năm.

LỜI KHAI THỊ

Càn là Trời, Khôn là đất, Thiền chẳng khác Giáo; Dương là kỳ, Âm là ngẫu, Giáo đâu lìa Thiền. Chỉ vì so đo với nhau, khiến con rắn uốn quanh cùng mình, người chuyên nhất tâm tam quán, người hay trực chỉ đơn truyền. Nín như núi vách, nói như Trời xa, bị kẻ không mặt mũi gặp thấy bất bình, chặn ngang hét một tiếng, khiến cho Đạt-ma cùng Thiên-thai, Hiền-thủ câm miệng nín thở, thỏng tay vào thành.

Mỗi người tự quét tuyết trước cửa,

Chớ đem vô minh thấm Thức-điền.

LỜI NGHĨA GIẢI

Tổ-sư nói : "TÔNG PHI XÚC DIÊN, NHẤT NIỆM VẠN NIÊN", Người-giải-nghĩa cho rằng : Tổ-sư lấy Nhất-tâm làm Tông, trong Pháp-giới nhất Tâm, cho kiếp là ngày mà chẳng rút ngắn, cho ngày là kiếp mà chẳng dài thêm. Nên xem một niệm là muôn năm, chuyển muôn năm thành một niệm, chẳng dài chẳng ngắn, chẳng ít chẳng nhiều, đâu phải do Thần-thông mà ra. Chỉ vì pháp vốn như thế.

TỊCH NGHĨA GIẢI

Xưa kia có người trí nhà Nho, cho bài "Thọ yểu bằng nhau" là vọng tác, cho "tử sanh như một" là hư dối. Nếu họ biết có cái thuyết "Một niệm muôn năm", lại càng thêm kinh ngạc. Ấy cũng chẳng lạ gì, bởi chơn tục chẳng cùng lối mà thôi. Người xưa nói : "Nói Chơn thì nghịch với tục, thuận tục thì trái với Chơn", há chẳng đúng ư ? Làm sao khiến họ xé rách lưới tục, cắt đứt Căn-trần, trở lại xem cái cơ-xảo viên thường tự tại, ngắn dài giúp nhau của Tổ-sư thì cái lỗi lỡ lời mới mong có thể tránh khỏi. Dù vậy, muốn chẳng kẹt nơi ngắn dài, thử nói 1 câu xem !

KỆ KẾT THÚC

Sát-na muôn kiếp chẳng ngắn dài,

Đo lường hư-không nói tròn vuông.

Cứ ngay khi ấy chấp là thật,

Đứng xa ngoài cửa giành đúng sai.

65. VÔ TẠI BẤT TẠI, THẬP PHƯƠNG MỤC TIỀN.

DỊCH : Chẳng phải có chỗ, chẳng phải không chỗ, mười phương hư-không chính là trước mắt.

LỜI KHAI THỊ

Cảnh Thanh sáu cửa, Lâm Tế tam huyền. Thiên Long giơ ngón tay, Am-chủ dựng nắm tay. Chỗ có Phật chẳng được trụ. Xoá hết Tây-thiên và Đông-độ; chỗ không Phật mau chạy qua, đánh bên Nam, động bên Bắc, chứng chỉ lãnh xong, sáu cửa vắng lặng.

Mở cửa thả ra Hạc Dương Châu,

Chẳng cần đem theo mười vạn tiền.

LỜI NGHĨA GIẢI

Tổ-sư nói : "VÔ TẠI BẤT TẠI, THẬP PHƯƠNG MỤC TIỀN". Hoặc có người dùng ý thức suy lường rằng : Tâm chẳng hình tướng, Đạo tuyệt bờ bến. Ngay nơi hình tướng mà chẳng ngại mỗi mỗi phân thân; dựa nơi bờ bến mà đâu ngại trần trần hiển lộ ! Trần trần hiển lộ, chẳng lìa chỗ ở thường trạm-nhiên; Mỗi mỗi phân thân, tìm mãi biết ông chẳng thể thấy. Ở đây, cái ý chỉ "VÔ TẠI BẤT TẠI, THẬP PHƯƠNG MỤC TIỀN" đã rõ ràng rồi.

TỊCH NGHĨA GIẢI

Người nói lời này, đối với việc bị mắng là "Dòm bóng để trộm ánh sáng", thiếu một phần cho y cũng không được. Nếu chẳng thể đích thân hạ thủ phá vỡ hàng rào thiết-vi, mà muốn thấy ý chỉ VÔ TẠI BẤT TẠI của Tổ-sư, khác gì đi Trịnh Châu ra cửa Tào Châu ?

KỆ KẾT THÚC

"Ngay chỗ chẳng lìa" là vật gì ?

Lấp bít bốn phương khắp Thái-hư.

Ném ngay trước mặt chẳng che giấu,

Khiến kẻ nhìn thấy bị mù mắt.

66. CỰC TIỂU ĐỔNG ĐẠI, VONG TUYỆT CẢNH GIỚI.

DỊCH : Cực nhỏ đồng lớn, quên hẳn cảnh giới.

LỜI KHAI THỊ

Đầu Tử nói "Hoại", Đại Tùy nói : "Chẳng hoại". Đọa hai quan ải này, đụng đâu đều chướng ngại. Không chướng ngại, chỉ cần đem hai câu ghép thành một chỗ xem, bèn thấy hạt bụi chẳng nhỏ, hư-không chẳng lớn.

Công-án sẵn sàng tuyệt che giấu.

Đáy thùng vì sao chẳng chóng thủng.

LỜI NGHĨA GIẢI

Tổ-sư nói : "CỰC TIỂU ĐỔNG ĐẠI, VONG TUYỆT CẢNH GIỚI", Người-giải-nghĩa cho rằng : Trước nói "VÔ TẠI BẤT TẠI" tức là đề mục của "CỰC TIỂU ĐỔNG ĐẠI, CỰC ĐẠI ĐỔNG TIỂU", nên Kinh Lăng Nghiêm nói : "Trên đầu sợi lông hiện cõi Phật, ngồi trong hạt bụi chuyển Pháp-luân". Nếu chẳng thấu đạt ý chỉ "VÔ TẠI BẤT TẠI" thì đụng đâu cũng bị kẹt nơi cảnh-giới. Đã bị kẹt nơi cảnh-giới thì đâu có lý nào quên hẳn được ? Đã chẳng thể quên hẳn cảnh-giới thì lớn có tướng lớn, nhỏ có tướng nhỏ, đâu thể dung nhiếp thành một ?

TỊCH NGHĨA GIẢI

Chỉ như người quên hẳn cảnh-giới, còn thấy lớn nhỏ hay không ? Nếu nói thấy thì chưa thể quên hẳn; nếu nói không thấy thì đâu khác chi người gỗ đất ? Thử nói xem !

KỆ KẾT THÚC

Tu-di chứa bụi người đều nhận.

Bụi chứa Tu-di Phật cũng nghi.

Dẫu cho kiến giải siêu tình-lượng,

Khắc thuyền mò kiếm đã chậm trì.

67. CỰC ĐẠI ĐỔNG TIỂU, BẤT KIẾN BIÊN BIỂU.

DỊCH : Cực lớn đồng nhỏ, chẳng thấy bờ mé.

LỜI KHAI THỊ

Đắc được chẳng phải đắc, thấu rõ đâu có rõ. Tâm-địa hoa nở nơi tuyết xuân, Tánh-thiên nắng rọi băng hồ (dụ cho Vũ-trụ) sáng, Kim Phụng bay liệng trên nhánh chưa mọc, Voi ngọc nhiễu quanh bên cây không bóng. Bá Trượng giúp ông lão giải thoát thân chồn, nghèo nuôi một thân đã là nhiều; Văn-thù chẳng thể xuất định cho cô gái, giàu chê ngàn người ăn vẫn còn ít. Chỉ biết cách núi thấy khói, ai hỏi ra cửa là cỏ. Tất cả sẵn sàng, không cần tìm kiếm, dẫu trong giày ống chơi kềm búa, cũng là trước cửa đi quanh quẩn.

LỜI NGHĨA GIẢI

Tổ-sư nói : "CỰC ĐẠI ĐỔNG TIỂU, BẤT KIẾN BIÊN BIỂU". Hạng Người-giải-nghĩa cho rằng : Xưa kia Duy-ma-cật dùng thần lực giải thoát bất tư nghì, đem 32 ngàn tòa Sư-tử để trong phòng Trượng-thất mà phòng nhỏ chẳng thấy chật, tòa lớn chẳng rút nhỏ. Rồi dùng tay phải hái lấy thế giới Diệu Hỷ để vào phòng, nói với Đại-chúng rằng : "Thế-giới kia chẳng lay động, thế-giới này chẳng biến đổi". Đem lớn vào nhỏ, đem nhỏ vào lớn, dung nạp lẫn nhau, phi bỉ phi thử.

Theo Kinh nói, Thần-lực giải thoát bất tư nghì này suốt kiếp chẳng hết, nhưng thần lực này đều từ Diệu-tâm sáng tỏ chảy ra. Hoặc có người nói : "Nay tôi cũng từng ngộ Diệu-tâm sáng tỏ này, tại sao chẳng có Thần-lực ? Hoặc đáp rằng : "Phải biết, Thần-lực này vốn tự đầy đủ, chẳng cần tu chứng, sở dĩ chưa thể hiện tiền vì kẻ sơ tâm nhập Đạo, nơi sức Định-huệ giải thoát chưa đầy đủ. Dù chưa đầy đủ, nhưng bổn giác trong Tâm cũng chưa từng mất, khi cơ duyên đến, sẽ tự hiện mà thôi". Dù nói cơ duyên đến, song cũng không được giữ một niệm tâm đợi chờ. Nếu còn có tâm đợi chờ, liền rơi vào dị kiến. Ví như trẻ sơ sinh, chưa rời tấm tã mà muốn gánh nặng đi xa, có thể được ư ? Dù chẳng thể gánh nặng đi xa, nhưng đối với việc gánh nặng đi xa chưa thể hiện tiền, đâu có nghi ngờ kinh sợ gì ? Kẻ Chơn-tham thật ngộ nghe nói Thần-lực này, tự nhiên chẳng nghi ngờ kinh sợ. Nếu còn một mảy may nghi ngờ kinh sợ tồn chứa trong Tâm thì Tâm này chưa từng khai-ngộ.

Gần đây, bậc Tăng-sĩ hành cước, chẳng cầu Chánh-ngộ, chỉ quý biện tài, lại bậc ở địa vị làm thầy, phần nhiều thuận theo trào lưu, đối với hành giả tham-thiền, không dùng cơ-xảo nghiêm khắc đánh đập, ai nấy cùng nhau đuổi theo vọng-tình, khiến cho Bát-nhã ở Tòng-lâm bị quét sạch chẳng còn gì. Thật đáng tiếc thay !

Người có chí nên khắc khổ tu hành, lấy đại ngộ làm kỳ hạn, mới báo đáp được ơn sâu của Phật. Đức Phật đã từng nói hết những tệ đoan ngày nay rằng : "Chúng sanh đời Mạt-pháp, hy vọng thành Đạo, chớ cho cầu ngộ. Vì người học rộng nghe nhiều, chỉ thêm đa văn, tăng trưởng ngã-kiến". Lời Phật dù đã cách đây hơn 2000 năm, vẫn như hiện trên bàn tay, đủ thấy lời của bậc Thánh chẳng dối chúng ta vậy !

TỊCH NGHĨA GIẢI

Im đi, Im đi ! Ông tưởng ngộ rồi là xong ư ? Dẫu cho ông chứng đắc thần lực giải thoát bất tư nghì, trong l sát-na đem mạng-căn của ông già Duy-ma-cật bóp nát. Nếu chưa thể quên được sở chứng của mình, còn ngồi ở chỗ thần-dị cho là thù thắng thì phải đến đây ăn gậy của Lão-tăng !

KỆ KẾT THÚC

Lớn, nhỏ, mê, ngộ bặt dấu tích,

Trăm ngàn Thần-lực thảy đều quên.

Hành-giả gặp ta giữa đường hẹp,

Cây gậy đánh gãy chưa thể tha.

68. HỮU TỨC THỊ VÔ, VÔ TỨC THỊ HỮU.

DỊCH : Có tức là không, không tức là có.

LỜI KHAI THỊ

Nửa đêm giờ Tý, gà gáy giờ Sửu, Thạch-nữ (làm bằng đá) may áo chẳng dấu nối, người gỗ ham uống rượu Bồ-đề. Lúc xế chiều giờ Thân, Mặt-trời lặn giờ Dậu, Voi-chúa đi sâu vào núi tuyết, Sư-tử rống nơi đống lửa hồng. Ngày đêm 12 thời chẳng cần đếm hết, 30 năm sau có người phân rõ. Vô, vô, vô chẳng vô; hữu, hữu, hữu đâu hữu gọi là trúc-bề thì phạm, chẳng gọi là trúc-bề thì trái. Phun hoa hương đầy áo, ông đã có cây gậy, ta cho ông cây gậy, nắm bóng Trăng trên bàn tay, Tông ta chẳng lập giai cấp, đâu cần cưỡng phân xấu đẹp ? Một Trần khởi tam-muội, nhiều Trần nhập Chánh-thọ, Gà vàng đá nhau dưới cây San-hô, Chó ngọc ngủ trong nụ hoa Chiêm-bặc.

LỜI NGHĨA GIẢI

Tổ-sư nói : "HỮU TỨC THỊ VÔ, VÔ TỨC THỊ HỮU", Người-giải-nghĩa cho rằng : Hữu chẳng tự hữu, Hữu là hữu của nhà Vô : Vô chẳng tự Vô, Vô là vô của nhà Hữu. Hữu chẳng đơn chiếc, Vô chẳng độc lập. Người nói Hữu vì trước đã thấy Vô, sau đó mới nói Hữu. Nếu trong lòng trước chẳng thấy Vô thì đâu thể ở ngoài đối đãi khi không nói Hữu ! Nên biết, Vô chẳng vô, Vô tức là hữu; Hữu chẳng hữu, Hữu tức là vô. Lý Hữu - Vô vốn cùng một nguồn, nơi một nguồn, nói Hữu thì dư cái hữu, nói Vô thì thừa cái vô. Hữu & Vô dung nhau đường nói cũng bặt, ấy là ý chỉ trở về nguồn vậy.

TỊCH NGHĨA GIẢI

Dù vậy, nếu chẳng phấn khởi đại chí, bặt sự tương đối của hữu - vô nơi Chánh-ngộ, cứ khởi tâm phân biệt thì đâu có ngày được ý quên lời ư ?

KỆ KẾT THÚC

Trong Vô nói Hữu, hữu vẫn vô,

Vật này khó vẽ vào họa đồ.

Tức cười Triệu Châu quên trói buộc,

Nói càn bên nhà treo hồ-lô.

69. NHƯỢC BẤT NHƯ THỬ, TẤT BẤT TU THỦ.

DỊCH : Nếu chẳng như thế, ắt chẳng cần giữ.

LỜI KHAI THỊ

Lâm Hòa Tịnh thích trồng mai, Đào Uyên Minh chỉ trồng liễu. Cùng là một hạng cao nhã đạm bạc, nhưng cả hai đều lọt vào hang ổ. Đâu bằng kẻ không ý-chí, cắm một cọng cỏ trên miếng đất chẳng âm dương, khiến hoa nở trước khi có ánh nắng Mặt-trời, trái chín mùi sau khi sương tuyết. Các ngươi suốt ngày đêm lẩn quẩn đoán mò trong đó, có thấy chăng ? Thấy thì rất kỵ dùng mắt nhậm, chưa thấy thì chẳng nên chạy lăng xăng.

LỜI NGHĨA GIẢI

Tổ-sư nói : "NHƯỢC BẤT NHƯ THỬ, TẤT BẤT TU THỦ", Người-giải-nghĩa cho rằng : Đây là lời dặn dò của Tổ-sư, nói phải có một niệm chơn thật tương ưng với Diệu-tâm sáng tỏ và khế hợp với Bản-giác nguồn linh. Nếu chẳng như thế, dù cho biện tài thao thao đều là sở chấp của Ngoại-đạo. Hoặc nói : "Nếu chẳng như thế" là quyết định muốn người khế ngộ Chơn-tâm. "Ắt chẳng cần giữ" là có ý muốn chỉ kẻ chẳng cầu Chánh-ngộ mà kẹt nơi ngôn thuyết cho là đắc chí. Nói ý này cũng thông.

TỊCH NGHĨA GIẢI

Vậy, như hai thuyết này nếu chẳng thể quên thân xả mạng, thề quyết đại ngộ, khi Báo-thân bỗng mất thì việc ta đâu còn ?! Chẳng biết người học ở trong bóng mộng huyễn, dựa vào đâu mà chẳng tự cảnh sách !

KỆ KẾT THÚC

Hết chấp hữu - vô, quên sắc - không,

Kẻ trộm tự thú hiến tang vật.

Rẻ bằng vàng ròng, quý như bùn,

Xót thương không chỗ để vùi chôn.

70. NHẤT TỨC NHẤT THIẾT, NHẤT THIẾT TỨC NHẤT.

DỊCH : Một là tất cả, tất cả là một.

LỜI KHAI THỊ

Hai 5 là mười, hai 5 cũng là bảy, pháp vốn chẳng định, lãnh hội do người. Gọi chúng sanh là chư Phật, bản thể đâu sai; gọi chư Phật là chúng sanh, lý cũng chẳng mất. Bỗng có người ra nói : "Chúng sanh tự chúng sanh, chư Phật tự chư Phật, đâu thể Thánh-phàm lẫn lộn" ! Khiến cho ông già Thích-ca khi không bị oan, chỉ cần nói với ông ta : "Vô-thỉ vọng lưu chuyển, đều do sự chấp này".

Định tánh phàm phu bị Phật quở,

Thiên thủ Quan-âm xô chẳng ra.

LỜI NGHĨA GIẢI

Tổ-sư nói : "NHẤT TỨC NHẤT THIẾT, NHẤT THIẾT TỨC NHẤT", hoặc có người dẫn chứng Kinh nói : "Một là một của tất cả, tất cả là tất cả của một, nơi một chẳng ít, nơi tất cả chẳng nhiều, đây là Tâm và pháp cùng khắp, một với nhiều dung nhau, chẳng do Thần-thông làm ra, ấy là pháp vốn như thế". Thuyết này ghi đủ trong Kinh-sách, chẳng cần dẫn chứng, nói nhiều thêm phiền, nơi Đạo vô ích.

Phải biết, Tổ-sư trước tác MINH này, đến chỗ "BẤT NHỊ GIAI ĐỔNG, VÔ BẤT BAO DUNG", e kẻ hậu học chẳng thông đạt lý viên dung, trước dùng "dài ngắn tương tức (hổ tương)", kế dùng "lớn nhỏ tương tức", kế nữa dùng "hữu vô tương tức", nay lại dùng "một nhiều tương tức, đem vô biên thế giới dung thành Pháp-môn bất nhị, khai thác vũ trụ của vạn vật, mở rộng quê hương của chúng sanh, giúp cho hậu học chẳng cất bước mà đến, chẳng cách mảy Trần mà nhập, chẳng ra sức mà thành, chẳng nổi niệm mà chứng nguyện Đại-từ đã thỏa mãn, công giáo hóa cũng cùng khắp rồi.

TỊCH NGHĨA GIẢI

Dù vậy, kẻ mang bức tranh ngựa đi tìm ngựa ngày càng thêm nhiều, phải làm sao xoay mặt họ lại, luôn cả Tổ-sư cùng đuổi ra một lượt, mới biết tri ơn báo ơn. Nếu không, ví như đuôi rùa dính sình mà quét dấu, càng quét càng thêm. Giải nghĩa lời Tổ-sư cũng giống như thế.

KỆ KẾT THÚC

Đại-địa vò lại bằng hạt gạo,

Công khai đánh trống mọi người xem.

Mạt vàng trong mắt nếu chưa trừ,

Muốn biết trắng đen cũng khó khăn.

71. ĐẢN NĂNG NHƯ THỊ, HÀ LỰ BẤT TẤT.

DỊCH : Nếu được như thế, lo gì chẳng xong.

LỜI KHAI THỊ

Đại-tâm chẳng y trụ, Đại-hóa chẳng dấu tích, Đại-cơ-xảo chẳng cần làm, đại nhiệm vụ chẳng ra sức, chỗ muôn pháp toàn hiển bày, ánh sáng và hình bóng đều diệt; lúc một mảy lông chẳng hiện ra, lại chất đầy như núi. Mối trắng ăn thủng tâm Phật sắt, ruồi xanh đạp gãy lưng Trâu vàng. Triệu Châu thấy ông buông chẳng xuống, Yển Khê lại từ chỗ này vào. Tùy tay đem đến, tùy miệng nhổ ra, Trí đâu thể biết, Thức đâu nhận được.

Bao người ngó nhằm bị mù mắt,

Bất tài thừa kế uổng hứa khả.

LỜI NGHĨA GIẢI

Tổ-sư nói : "ĐẢN NĂNG NHƯ THỊ, HÀ LỰ BẤT TẤT", Người-giải-nghĩa cho rằng : Kinh Pháp Hoa nói : "Nay ta vì ông bảo-nhậm việc này, trọn chẳng hư dối", tức là ý "ĐẢN NĂNG NHƯ THỊ, HÀ LỰ BẤT TẤT" của Tổ-sư, là lời vì người học mà bảo-nhậm. Sự chí thành sách tấn thấy rõ ở đây.

TỊCH NGHĨA GIẢI

Dù vậy, y quả được như thế hay chưa ? Dẫu cho vừa nghe liền gật đầu ba cái đã trễ tám khắc, suy nghĩ chốc lát thì bị bỏ mất quá lâu rồi !

KỆ KẾT THÚC

Như thế, như thế, cứ như thế,

Việc xong lúc nào tìm hỏi ai ?

Gỡ được nhiều lớp da mặt sắt,

Đường về quê hương vẫn xa xôi.

72. TÍN TÂM BẤT NHỊ, BẤT NHỊ TÍN TÂM.

DỊCH : Tin Tự-tâm là bất nhị, bất nhị phải tin Tự-tâm.

LỜI KHAI THỊ

"Tâm là Căn, pháp là Trần, hai thứ như dấu bụi trên gương", Vĩnh Gia Đại-sư nói quá lố, muốn đục mở con mắt Trời người, còn như cách biển. Sao chẳng nói : "Tâm phi Căn pháp phi Trần, cùng chuyển Như-lai chánh Pháp-luân" ? Bỗng có người nói : "Lời Vĩnh Gia như cách biển, lời ông nói như biển cách", đâu bằng Tam-tổ nói "TÍN TÂM BẤT NHỊ, BẤT NHỊ TÍN TÂM". Hai câu này như trái cân sắt, muốn đục chẳng thủng. Chỉ nói với y : "Im đi, im đi ! Kêu đến máu chảy cũng vô dụng, không bằng ngậm miệng qua xuân tàn".

LỜI NGHĨA GIẢI

Hoặc có Người-giải-nghĩa ý Tổ-sư rằng; chúng sanh mê Tâm này đã lâu, nơi một pháp vọng sanh phân biệt, mỗi mỗi phân biệt đều là nhị. Nay thấy mình là tự ắt thấy người là tha, ấy gọi là cái nhị của tự tha. Từ đây sanh khởi vô số phân biệt, nhị lại thêm nhị, dùng toán số thí dụ cũng chẳng thể biết được số lượng, cho nên lòng từ bi của Tổ-sư thái quá, đề ra hai câu "TÍN TÂM BẤT NHỊ, BẤT NHỊ TÍN TÂM" làm Chánh-ấn (con dấu Chánh-pháp), ngay đầu thiền-giả dùng ấn ấn định, như nắm bâu áo thì cả áo đều xuôi theo. Sấm sét đánh thức người mê mộng, nắng Trời rọi khắp đường tối tăm, khiến người mù thấy, người điếc nghe, người nghèo thành giàu, người ngu thành Trí. Chẳng lìa căn nhà chiêm bao, cao đăng Quốc-độ Chơn-giác, dùng thân huyễn thẳng chứng Bản-thể Kim-cang, đáng xưng là thuốc thần trị bệnh sanh tử, là bậc Đạo-sư hướng dẫn từ phàm vào Thánh.

Rất hay, rất hay.

TỊCH NGHĨA GIẢI

Khen ngợi tạm ngưng đi ! Chính ngay lúc ngộ Đạo, cái thuyết "Bất nhị" này, còn có chỗ dung nạp hay không ? Nếu không có chỗ dung nạp, thì Tổ-sư đến đây cũng đáng ăn gậy.

KỆ KẾT THÚC

Thánh-phàm mê ngộ đều bất nhị,

Thấu rõ vốn từ Tín-tâm ra.

Tâm chẳng sanh diệt ai mê ngộ ?

Khi không nhảy vào hầm lửa hồng.

73. NGÔN NGỮ ĐẠO ĐOẠN, PHI KHỨ LAI KIM.

DỊCH : Đường ngôn ngữ chấm dứt, chẳng phải quá khứ hiện tại vị lai.

LỜI KHAI THỊ

Nói tâm tâm, phi tâm phi tâm. Tâm là phi tâm, phi tâm là Tâm, giở đầu lên kéo chẳng dứt, buông tay xuống lại khó tìm. Những dây dưa này khởi từ Tây-trúc đã hơn 2000 năm, trong đó Tổ Tây-thiên 28 vị, truyền Đông-độ 6 đời, cho đến kẻ ngu độn 1700, bày đặt muôn thứ, trừ mãi chẳng hết, kéo nhánh dẫn dây, thẳng đến ngày nay, biến ra lò rèn trui phàm luyện Thánh, hóa thành Tòng-lâm, ngâm gió vịnh Trăng. Bỗng có nhị kiến đua nhau khởi, giúp cho dị-chứng (tu chứng khác biệt) bài xích nhau. Phát thuốc đã nhiều mà bệnh càng thêm nặng, huống là lộn vào độc của Tà-ma Ngoại-đạo, thành bệnh bó tay vô phương trị. Ngày nay trị ngựa chết xem như trị ngựa sống.

Im lặng giây lâu nói : "Thuốc cơ-xảo gật đầu 3 cái để tỏ ngộ, ngoài ngôn ngữ câu được cá Lý-ngư".

LỜI NGHĨA GIẢI

Người-giải-nghĩa cho rằng : Đã là đường ngôn ngữ chấm dứt, thì bài MINH này chẳng phải lời thừa hay sao ? Xem lời "Chẳng phải quá khứ hiện tại vị lai", mới biết mặt mũi của Tổ-sư còn đây !

TỊCH NGHĨA GIẢI

Đừng nên xuyên tạc bậy bạ, làm trò cười cho kẻ bàng quan; họ đâu biết Lý vốn viên dung, Đạo chẳng thể lìa, đường ngôn ngữ chấm dứt mà lại nói dài dòng đủ thứ, lời giải bừng bừng như lửa. Chẳng phải quá khứ, hiện tại, vị lai, thanh tịnh Pháp-thân thường tịch diệt, độc dược đề-hồ khuấy thành 1 chén, vàng ròng miểng ngói vò thành 1 viên. Chỗ dùng không khác lại có tiêu chuẩn, kẻ một chân đạp tới đáy, chẳng có dấu tích; kéo 3 lần chẳng quày đầu, vọng tự tính toán. Thật là Thánh-sư của một đời, là mô phạm cho trăm kiếp, rút tủy Phượng-hoàng ra làm món ăn lạ cho Cửa-thiền; lấy gân Sư-tử, dứt tuyệt tiếng vang nơi nhà chí linh. Dù vậy, nhưng Tổ-sư có chịu nhận cơm trà này hay không ? Hãy thu dẹp dây dưa, mặc cho luận bàn.

KỆ KẾT THÚC

Chim vẽ chén sành hót nhạc xưa,

Lừa mù đêm khuya đổi giọng ca.

Đường ngôn ngữ dứt, Đạo chẳng dứt,

Mặc kệ người đời loạn suy tư.  

74. ĐOẠN TỒNG KẾT  

Phi văn phi tự, vô Phật vô Tâm. Đem không lấp không, dùng độc trị độc. Công-án của Tổ Tăng Xán thường tồn, tiếng tăm của Tông Đạt-ma chẳng suy. Mặc cho người đọc TÍN TÂM MINH, rất kỵ ghi nhớ lời của Tổ. Thùng sơn đen vô ý đập thủng đáy, ngọc Kỳ-lân ngay đó kéo quay về, dùng hết gia tài cổ Phật, làm mù Chánh-nhãn đương-cơ. Xin hỏi linh nghiệm ở câu nào ?  

Tác giả bài viết: Liễu Phàm

Nguồn tin: Tông Phong Tàng Thư

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin cũ hơn