Kinh Pháp Bảo Đàn - phẩm Cơ duyên

PHẨM CƠ DUYÊN

Sư đắc Pháp ở Huỳnh Mai rồi về làng Tào Hầu tỉnh Thiều Châu, dân chúng chẳng ai biết đến. Lúc ấy có một nhà nho tên Lưu Chí Lược, đối đãi với Sư rất cung kính, Chí Lược có người cô xuất gia làm Ni, pháp danh Vô Tận Tạng, thường tụng Kinh Ðại Niết-bàn. Sư nghe qua một lần liền biết Diệu-nghĩa của kinh, nên vì Ni giải thuyết. Ni cầm Kinh hỏi chữ.

Sư nói : Hỏi nghĩa thì được, hỏi chữ thì chẳng biết.

Ni nói : Chữ còn chưa biết, làm sao hiểu nghĩa ?

Sư nói : Diệu-lý của chư Phật chẳng dính dáng với văn tự.

Ni ngạc nhiên kính phục, nói khắp các bậc kỳ lão trong làng : Ðây là người có Đạo, rất nên cúng dường.

Lúc ấy có cháu chắt của Võ Hầu đời Ngụy tên Tào Thúc Lương, cùng với dân chúng trong làng tấp nập đến chiêm ngưỡng kính lễ.

Thời ấy, Bảo Lâm Cổ Tự đã bị hư phế do binh loạn từ cuối đời nhà Tùy, nay xây dựng lại ngôi chùa rồi rước Sư về ở. Chẳng bao lâu dân chúng đến đông, thành nơi trang nghiêm. Sư ở đấy được hơn chín tháng, lại bị bọn ác tìm đến, Sư trốn lên núi, bị bọn họ đốt cháy rừng núi, Sư chen thân ẩn trong kẽ đá được khỏi. Nay trên đá có dấu ngồi kiết già và dấu vằn Y của Sư; người đời sau gọi đá ấy là đá tỵ nạn. Sư nhớ lời dặn của Ngũ-tổ là phải ẩn nơi hai ấp Hoài, Hội, bèn về đấy ở ẩn.

*

Tăng Pháp Hải, người ở Khúc Giang tỉnh Thiều Châu, tham vấn Tổ-sư,

Hỏi : Thế nào là tức Tâm tức Phật ? xin Hòa-thượng chỉ dạy.

Sư nói : Niệm trước chẳng sanh tức Tâm, niệm sau chẳng diệt tức Phật; lập tất cả tướng tức Tâm, lìa tất cả tướng tức Phật. Nếu Ta nói cho đủ thì trọn kiếp cũng chẳng hết, hãy nghe kệ đây :

Tức Tâm là huệ,

Tức Phật là định.

Ðịnh-huệ song song (đẳng trì),

Nơi ý thanh tịnh.

Ngộ Pháp-môn này,

Do tập khí ngươi,

Dụng vốn vô sanh,

Song tu(định huệ) là Chánh.

Pháp Hải ngay nơi đó liền đại ngộ, tán thán bằng kệ rằng :

Tức Tâm vốn là Phật,

Chẳng ngộ là tự khuất (oan cho mình),

Ta biết nhân Định-huệ,

Song tu lìa vạn pháp.

*

Tăng Pháp Ðạt, người Hồng Châu, 7 tuổi xuất gia, thường tụng Kinh Pháp Hoa, đến lễ Tổ-sư mà đầu chẳng chấm đất. Sư quở rằng : Ðảnh lễ mà chẳng chấm đất bằng như chẳng lễ, trong tâm ngươi tất có chất chứa một điều gì, ngày thường tu hạnh gì ? Ðáp : Niệm Kinh Pháp Hoa đã hết ba ngàn bộ.

Sư nói : Dẫu cho ngươi tụng đến mười ngàn bộ, nếu ngộ được ý Kinh mà chẳng tự cho là thù thắng, mới đồng một hạnh với Ta. Nay ngươi tự phụ cho đấy là sự nghiệp mà chẳng biết lỗi, hãy nghe kệ đây :

Lễ vốn trừ Ngã-mạn,

Ðầu sao chẳng chấm đất ?

Có Ngã tội liền sanh,

Quên công, phước vô tận.

Sư lại hỏi : Ngươi tên gì ? Ðáp : Tên là Pháp Ðạt.

Sư nói : Ngươi tên Pháp Ðạt, đâu từng đạt Pháp.

Lại nói kệ rằng :

Ngươi tên gọi Pháp Ðạt,

Siêng tụng chưa từng dứt,

Tụng suông chỉ theo tiếng,

Minh-tâm gọi Bồ-tát.

Ngươi nay có nhân duyên,

Ta vì ngươi mà thuyết.

Hễ tin Phật vô ngôn.

Lời Phật từ miệng phát (Chớ nên chấp vào im lặng).

Ðạt nghe kệ xong bèn tạ lỗi rằng : Từ nay trở đi sẽ khiêm tốn cung kính tất cả. Ðệ-tử tụng Kinh Pháp Hoa mà chưa hiểu nghĩa Kinh, tâm thường có nghi, Hòa-thượng trí huệ mênh mông, xin nói sơ lược nghĩa lý của Kinh.

Sư nói : Pháp Ðạt, pháp vốn thông đạt, chỉ tại tâm ngươi chẳng đạt. Kinh vốn chẳng nghi, tâm ngươi tự nghi. Ngươi niệm Kinh này lấy gì làm tông-chỉ ?

Ðạt nói : Ðệ-tử căn tánh ngu độn, xưa nay chỉ biết y văn niệm tụng, chẳng biết tông-chỉ.

Sư nói : Ta chẳng biết chữ, ngươi lấy Kinh tụng thử một bộ, Ta sẽ giải thuyết cho. Pháp Ðạt liền lên tiếng tụng Kinh, đến Phẩm Thí Dụ,

Sư nói : Hãy ngừng, Kinh này vốn lấy 'nhân duyên xuất thế' làm tông-chỉ, dù nói nhiều thí dụ cũng chẳng ngoài việc này. Thế nào là nhân-duyên ?

Kinh nói : Chư Phật Thế-tôn vì một 'đại sự nhân duyên' mà xuất hiện trên đời. Một đại sự tức là Tri-kiến-phật vậy. Người đời ngoài mê chấp tướng, trong mê chấp không, nếu được ở nơi tướng mà lìa tướng, nơi không mà lìa không, tức là trong ngoài chẳng mê. Nếu ngộ Pháp này, ngay trong một niệm Tâm liền sáng tỏ, ấy là khai ngộ Tri-kiến-phật vậy. Phật tức là Giác, chia làm bốn cửa : Khai, Thị, Ngộ và Nhập Giác-tri-kiến.

Nếu nghe khai-thị liền được ngộ-nhập tức là Giác-tri-kiến, do đó 'bổn lai chơn tánh' liền được hiển hiện. Ngươi nên cẩn thận, chớ hiểu lầm ý Kinh, nghe nói : khai, thị, ngộ, nhập bèn cho là Tri-kiến của Phật (tha Phật) chẳng có phần mình; nếu hiểu như thế là phỉ báng Kinh Phật vậy. Ðã nói là Phật thì Tri-kiến-phật đã sẵn đầy đủ, đâu cần phải khai-thị nữa ? Ngươi phải tin rằng, nói Tri-kiến-phật là ở nơi Tự-tâm của ngươi, chẳng phải Phật bên ngoài. Bởi vì tất cả chúng sanh tự che khuất ánh sáng của Tự-tánh, tham ái cảnh trần, phan duyên bên ngoài, nhiễu loạn bên trong, cam chịu trần lao hành hạ, làm nhọc đức Thế-tôn từ Chánh-định ra, khổ tâm khuyên dạy bằng đủ mọi cách, khiến ngừng nghỉ các duyên, chớ nên hướng ngoại tìm cầu, tức chẳng khác với Phật, nên nói là 'khai Tri-kiến-phật'. Ta cũng khuyên tất cả mọi người nên thường khai Tri-kiến-phật nơi Tự-tâm.

Người đời tâm tà, ngu mê tạo tội, miệng lành tâm ác, tham sân ganh tỵ, gièm siểm, nịnh bợ, ngã mạn, hiếp người, hại vật, tự khai tri kiến chúng sanh. Nếu được trong tâm ngay thẳng, thường sanh trí huệ chiếu soi Tự-tâm, dứt ác làm lành, tức là tự khai Tri-kiến-phật vậy. Ngươi nên niệm niệm khai Tri-kiến-phật, chớ khai tri kiến chúng sanh. Khai Tri-kiến-phật tức là xuất thế, khai tri kiến chúng sanh tức là thế gian. Nếu ngươi chỉ luôn luôn lấy công phu tụng niệm làm thời khoá, chẳng khác nào con mao ngưu tiếc đuôi ! (con mao ngưu có đuôi rất đẹp, gặp thợ săn chỉ giấu đuôi mà không giấu đầu).

Ðạt nói : Nếu như vậy tức là chỉ cần hiểu nghĩa, chẳng cần Tụng-kinh sao ?

Sư nói : Kinh có lỗi gì, đâu làm chướng niệm của ngươi ? Chỉ vì mê ngộ tại người, tổn ích do mình mà thôi. Miệng niệm tâm hành tức là chuyển được Kinh, miệng niệm tâm chẳng hành tức bị Kinh chuyển.

Hãy nghe kệ đây :

Tâm mê Pháp Hoa chuyển,

Tâm ngộ chuyển Pháp Hoa.

Tụng lâu chẳng hiểu thấu,

Nghịch ý nghĩa trong Kinh.

Vô niệm (không chấp thật) niệm tức Chánh,

Hữu niệm (có chấp thật) niệm thành Tà.

Hữu vô đều chẳng chấp,

Tự-tánh luôn luôn hiện.

Ðạt nghe xong thoạt chảy nước mắt, ngay nơi đó khai-ngộ, nói với Sư : Pháp Ðạt xưa nay thật chưa từng chuyển Pháp Hoa, lại bị Pháp Hoa chuyển.

Lại hỏi : Kinh nói : Chư Ðại Thanh-văn cho đến Bồ-tát, tất cả tận tâm suy lường đều chẳng thể đo lường được Trí-phật. Nay khiến phàm phu chỉ ngộ được Tự-tâm thì gọi là Tri-kiến-phật, tự mình đã chẳng phải là bậc Thượng-căn, nên chẳng khỏi nghi ngờ. Kinh lại nói ba loại xe : Xe nai, xe dê và xe trâu, có gì khác biệt ? Xin Hòa-thượng chỉ dạy thêm.

Sư nói : Ý Kinh rõ ràng minh bạch, ngươi tự mê trái. Người Tam-thừa chẳng thể suy lường được Trí-phật, lỗi tại suy lường vậy. Dẫu cho ngươi tận sức suy lường, chỉ là càng thêm xa xôi mà thôi. Phật thuyết Pháp vốn vì phàm phu mà thuyết, chẳng vì Phật thuyết; lý này nếu chẳng chịu tin thì cũng như năm ngàn người từ trên hội Pháp Hoa lui ra, mà chẳng biết đã ngồi sẵn trên xe trâu (Phật-tánh vốn sẵn có), mà lại tìm kiếm ba xe (tam Thừa) bên ngoài. Huống trong Kinh rõ ràng chỉ ra cho người : 'chỉ duy nhất một Phật-thừa, chẳng còn thừa nào khác, nói có hai thừa ba thừa, cho đến vô số phương tiện, mọi thứ nhân duyên, lời nói thí dụ, pháp ấy đều vì một Phật-thừa mà tạm lập'. Ngươi sao chẳng tỉnh ngộ, nói ba xe là giả thiết, vì đời xưa mà nói, Nhất-thừa là thật, vì đời nay mà nói; chỉ bảo ngươi bỏ giả trở về thật, trở về thật rồi thật cũng chẳng chấp. Phải biết tất cả châu báu tài vật đều thuộc về ngươi, do ngươi thọ dụng, chẳng phải là của cha, cũng chẳng phải là của con, cũng chẳng khởi dụng tưởng, ấy gọi là trì Kinh Pháp Hoa, trì Kinh như thế từ kiếp này sang kiếp khác tay chẳng rời Kinh, từ sáng đến tối, chẳng dứt tụng niệm vậy. 

Pháp Ðạt được Sư khai-thị, mừng rỡ vô cùng, làm kệ tán thán rằng :

Tụng Kinh ba ngàn bộ,

Bị Tổ một lời tiêu.

Chưa thấu đạo xuất thế,

Sao dứt lụy kiếp mê.

Dê, nai, trâu giả thiết,

Ba đoạn thiện quét sạch (1).

Ai ngờ trong nhà lửa,

Vốn là Tự-tánh-phật.

Sư nói : Ngươi sau này mới được gọi là ông Tăng tụng Kinh vậy. Pháp Ðạt từ đó lãnh hội huyền-chỉ, cũng chẳng dứt tụng Kinh.

GHI CHÚ : (Dê, nai, trâu: Tiểu, Trung, Đại-thừa).

(1) Ba đoạn thiện quét sạch : Mới phát thiện tâm là sơ thiện, chẳng chấp thiện tâm là trung thiện, không trụ nơi chẳng chấp là hậu thiện, luôn cả cái tri giải biết về sự không trụ nơi chẳng chấp cũng tiêu là quét sạch.

*

Tăng Trí Thông, người ở An Phong tỉnh Thọ Châu, xem Kinh Lăng Già hơn ngàn lần mà chẳng hiểu thế nào là ba Thân bốn Trí, đến lễ Sư xin giải thuyết cho,

Sư nói :

Ba Thân ấy là : Thanh Tịnh Pháp Thân tức là Tánh của ngươi; Viên Mãn Báo Thân là Trí của ngươi; Thiên Bá Ức Hoá Thân là Hạnh của ngươi vậy. Nếu lìa Bản-tánh mà nói tam Thân, ấy gọi là có Thân mà vô Trí, nếu ngộ được ba Thân vốn chẳng tự tánh, tức gọi là bốn Trí-bồ-đề.

Hãy nghe kệ đây :

Tự-tánh đủ ba Thân

Khai ngộ thành bốn Trí.

Chẳng lìa sự thấy nghe,

Ðốn siêu địa vị Phật.

Ta nay vì ngươi thuyết,

Tin chắc trọn chẳng mê.

Chớ học kẻ tìm cầu,

Suốt ngày nói Bồ-đề.

Thông lại hỏi : Cái nghĩa của bốn Trí có thể nghe được chăng ?

Sư nói : Ðã hiểu ba Thân, tức rõ bốn Trí, sao còn hỏi nữa ? Nếu lìa ba Thân mà nói bốn Trí, ấy gọi là có Trí mà chẳng có Thân, dẫu cho có Trí cũng trở thành vô trí.

Lại nói kệ rằng :

Ðại-viên-cảnh-trí tánh thanh tịnh,

Bình-đẳng-tánh-trí tâm chẳng bệnh.

Diệu-quan-sát-trí chẳng tác ý.(Sự thấy của diệu quan sát trí chẳng cần tác ý)

Thành-sở-tác-trí đồng viên cảnh.

Ngũ, bát, lục, thất quả nhân chuyển,

Chỉ dùng tên gọi chẳng thật tánh.

Nếu ngay nơi chuyển chẳng dính mắc,

Ở chỗ náo động cũng Đại-định.

Như thế là chuyển Thức thành Trí : Trong Giáo-môn chuyển 'tiền ngũ thức' làm Thành-sở-tác-trí; chuyển thức thứ sáu thành Diệu-quan-sát-trí, chuyển thức thứ bảy thành Bình-đẳng-tánh-trí, chuyển thức thứ tám thành Ðại-viên-cảnh-trí. Dù thức thứ sáu, bảy là trong nhân chuyển, thức thứ năm, tám là trên quả chuyển, nhưng chỉ chuyển cái tên gọi mà chẳng chuyển cái thể vậy.

Trí Thông đốn ngộ tánh Trí, bèn trình kệ rằng :

Thể ta sẵn ba Thân,

Bản-tâm đủ bốn Trí.

Thân, Trí dung lẫn nhau,

Tiếp vật tùy cơ ứng.

Mống tâm tu là vọng,

Giữ yên cũng chẳng chơn.

Nhờ Sư thấu Diệu-chỉ,

Chẳng còn kẹt danh tướng.

*

Tăng Trí Thường, người ở Quí Khê tỉnh Tín Châu, xuất gia lúc còn nhỏ tuổi, quyết chí cầu kiến Tánh. Một hôm đến tham lễ, Sư hỏi : Ngươi từ đâu đến, muốn cầu việc gì ?

Ðáp : Ðệ tử gần đây đến núi Bạch Phong ở Hồng Châu lễ Hòa-thượng Ðại Thông, nhờ chỉ dạy cái diệu nghĩa 'kiến tánh thành Phật' nhưng chưa hết nghi ngờ, nên từ xa đến đảnh lễ, mong Hòa-thượng khai-thị.

Sư hỏi : Hòa-thượng Ðại Thông nói thế nào ? Ngươi thử nói xem.

Ðáp : Trí Thường đến đó trải qua ba tháng chưa được chỉ dạy, trong lòng tha thiết vì Pháp, nên một hôm vào Trượng-thất hỏi : Thế nào là bản Tâm bản Tánh của Trí Thường ?

Hòa-thượng hỏi : Ngươi thấy hư không chăng ?

Ðáp : Thấy.

Hỏi : Ngươi thấy hư không có tướng mạo chăng ?

Ðáp : Hư không vô hình đâu có tướng mạo !

Hòa-thượng nói : Bản-tánh của ngươi cũng như hư không, chẳng có một vật để thấy gọi là Chánh-kiến, chẳng có một vật để biết gọi là Chơn-tri, chẳng có xanh vàng dài ngắn, chỉ thấy bổn nguyên thanh tịnh, giác thể sáng tròn, gọi là 'kiến tánh thành Phật', cũng gọi là 'tri kiến của Như-lai'.

Ðệ-tử dù nghe nói như vậy mà tâm còn chưa lãnh hội, xin Hòa-thượng khai-thị. Sư nói : Cái thuyết của Ðại Thông vẫn còn tri kiến nên khiến ngươi chẳng lãnh hội.

Nay Ta cho ngươi một bài kệ :

Chẳng thấy một pháp thành vô kiến,

Như mây đen che khuất mặt trời.

Chẳng biết một pháp thành vô tri,

Lại như hư không sanh điện chớp.

Như thế vẫn còn chấp tri kiến,

Nhận lầm chưa hiểu thấu phương tiện,

Ngươi phải trong niệm tự biết quấy,

Ánh sáng Tự-tánh thường hiển hiện.

Trí Thường nghe xong hoát nhiên tâm ngộ, bèn nói kệ rằng :

Khi không khởi tri kiến,

Chấp tướng cầu Bồ-đề.

Tình chấp một niệm ngộ,

Khó siêu nhiều kiếp mê.

Bản thể Tự-tánh giác,

Tùy chiếu vọng lưu chuyển.

Chẳng vào thất Tổ-sư,

Si mê chạy hai đầu (Hai đầu tức là biên kiến).

Một hôm Trí Thường hỏi Sư : Phật thuyết pháp Tam-thừa, lại thuyết Tối-thượng-thừa là thế nào ? Ðệ-tử chưa rõ, xin Thầy dạy bảo.

Sư nói : Ngươi chỉ nên tự xét Bản-tâm, chớ chấp trước Pháp-tướng bên ngoài, Pháp chẳng bốn Thừa, tâm ngươi tự có sai biệt : Thấy nghe tụng niệm là Tiểu-thừa; ngộ Pháp hiểu nghĩa là Trung-thừa; y Pháp tu hành là Đại-thừa; vạn Pháp thông đạt, vạn Pháp đầy đủ, tất cả chẳng nhiễm, lìa các Pháp-tướng trọn vô sở đắc gọi là Tối-thượng-thừa. Thừa nghĩa là hành, chẳng ở nơi tranh biện, ngươi nên tự tu, chớ hỏi Ta vậy, trong bất cứ lúc nào, Tự-tánh tự như-như.

Trí Thường lễ tạ, làm thị-giả trọn đời bên Sư.

*

Tăng Chí Ðạo, người Nam Hải tỉnh Quảng Châu, đến xin chỉ dạy : Ðệ-tử từ lúc xuất gia đến nay, xem Kinh Niết-bàn đã hơn mười năm nhưng chưa rõ đại ý, xin Hòa-thượng chỉ dạy.

Sư hỏi : Ngươi chưa rõ chỗ nào ?

Chí Ðạo nói : Các hạnh vô thường là pháp sanh diệt, sanh diệt diệt xong, tịch diệt làm vui (lạc đức). Ðệ-tử nghi ngờ chỗ nầy.

Sư hỏi : Ngươi nghi ngờ cái gì ?

Ðáp : Tất cả chúng sanh có hai Thân, gọi là Sắc-thân và Pháp-thân. Sắc-thân vô thường, có sanh có diệt, Pháp-thân có thường, chẳng tri chẳng giác. Kinh nói sanh diệt diệt xong, tịch diệt làm vui, chẳng biết Thân nào tịch diệt, Thân nào được vui ? Nếu nói Sắc-thân được vui, Sắc-thân lúc diệt thì tứ Đại tan rã, toàn thể là khổ, khổ chẳng thể nói là vui. Nếu Pháp-thân tịch diệt thì đồng như cây cỏ ngói đá, ai mà được vui ? Lại Pháp-tánh là cái thể của sanh diệt, ngũ Uẩn là dụng của sanh diệt, một thể năm dụng, sanh diệt là thường, sanh thì từ thể khởi dụng, diệt thì nhiếp dụng trở về thể. Nếu cho sanh nữa tức là loài hữu tình chẳng đoạn chẳng diệt; nếu chẳng cho sanh nữa thì vĩnh viễn tịch diệt, đồng với loài vô tình, như thế thì tất cả các pháp đều bị Niết-bàn ngăn cấm, sanh còn chẳng được, có gì là vui ?

Sư nói : Ngươi là Phật-tử, sao lại học tà kiến Ngoại-đạo, chấp đoạn chấp thường mà luận bàn Pháp-tối-thượng-thừa ! Theo lời ngươi nói thì ngoài Sắc-thân lại có Pháp-thân, lìa sanh diệt cầu nơi tịch diệt, lại cho thường đức, lạc đức của Niết-bàn là có thân để thọ dụng, ấy đều là mê chấp và ham tiếc sanh tử, đam mê sự vui của thế gian. Ngươi nay nên biết, Phật vì tất cả người mê, nhận lầm ngũ Uẩn hoà hợp là tướng tự thể, lầm cho tất cả pháp là tướng ngoại trần, tham sống sợ chết, niệm niệm trôi lăn trong lục Đạo, chẳng biết đều như mộng huyễn hư giả, uổng chịu luân hồi, đem Thường-đức, Lạc-đức của Niết-bàn trở thành tướng khổ, suốt ngày tìm cầu. Phật vì thương xót cho những người này, nên khai-thị chơn Lạc của Niết-bàn, Sát-na chẳng có tướng sanh, Sát-na chẳng có tướng diệt, cũng chẳng có sanh diệt để diệt, ấy tức là 'tịch diệt hiện tiền'. Ðang lúc hiện tiền, cũng chẳng có số lượng hiện tiền, nghĩa là chẳng có một tí khái niệm nào về không gian, thời gian và số lượng của tịch diệt hiện tiền, mới gọi là Thường đức, Lạc đức, nghĩa là Chơn vui. Vui này chẳng có kẻ thọ dụng, cũng chẳng có kẻ không thọ dụng, há có cái tên gọi một thể năm dụng sao ? Huống là còn nói Niết-bàn ngăn cấm các pháp khiến cho chẳng sanh, ấy là phỉ báng Phật-pháp.

Hãy nghe kệ đây :

Vô thượng đại Niết-bàn,

Sáng tròn thường tịch chiếu,

Phàm phu gọi là chết,

Ngoại-đạo chấp đoạn diệt.

Những người tu Nhị-thừa,

Cho đó là vô tác.

Thảy đều do tình thức,

Sáu mươi hai kiến chấp. (1)

Vọng lập tên hư giả,

Ðâu phải nghĩa chơn thật.

Chỉ có người Kiến-tánh,

Thông đạt chẳng lấy bỏ,

Vì biết pháp ngũ Uẩn.

Với cái ngã trong Uẩn,

Cả hiện tượng thế giới,

Mỗi sắc tướng âm thanh,

Bình đẳng như mộng huyễn,

Chẳng phân biệt Thánh phàm,

Chẳng cho là Niết-bàn.

Nhị biên tam tế dứt (Nhị biên : đối đãi biên kiến; tam tế : quá khứ hiện tại, vị lai).

Thường ứng các căn dụng, (2)

Mà chẳng khởi dụng tưởng,

Phân biệt tất cả pháp, (3)

Chẳng khởi phân biệt tưởng.

Niết-bàn vốn phi vật,

Lửa gió đụng chẳng được.

Chơn vui thường tịch diệt,

Tướng Niết-bàn như thế,

Nay Ta gượng nói ra,

Khiến ngươi bỏ tà kiến.

Chớ hiểu theo lời nói,

Mới cho biết ít phần.

Chí Ðạo nghe xong đại ngộ, vui mừng đảnh lễ lui ra. 

GHI CHÚ  :

(1) 62 kiến chấp : Tứ cú (4) nhân Ngũ uẩn (5) là 20, 20 nhân Tam tế (3) bằng 60, 60  thêm Hữu và Vô (nguồn gốc của tất cả nhị biên đối đãi) là 62. Tất cả kiến chấp đều không ở ngoài 62 kiến chấp này.

(2) Thường ứng các căn dụng, mà chẳng khởi dụng tưởng : Thường ứng là tả sự dụng của Tự-tánh chẳng tác ý, như bóng hiện trong gương, luôn luôn như thế. Ví như dùng cơm chỉ là dùng cơm, chẳng có năng sở, nên nói 'Thường ứng các căn dụng, mà chẳng khởi dụng tưởng'. Còn dụng tưởng thì có tác ý, nên có năng sở, cho ta là năng dùng, cơm là sở dùng.

(3) Phân biệt tất cả pháp, chẳng khởi phân biệt tưởng : Phân biệt tất cả pháp mà chẳng tác ý ví như cơm chỉ là cơm, nước chỉ là nước, còn phân biệt tưởng là có tác ý, nên có cơm ngon cơm dở, nước trong nước đục.

>> Phẩm Cơ duyên (tiếp theo). 

 

 

Tác giả bài viết: Liễu Phàm

Nguồn tin: Tông Phong Tàng Thư