Kinh Lăng Nghiêm - Quyển 2 (tt)

quyển 2 phần cuối
9. Khai Thị Vọng Kiến

- Bạch Thế Tôn ! Phật vì chúng con hiển bày các tướng nhân duyên, tự nhiên, hòa hợp và chẳng hòa hợp, tâm còn chưa rõ, nay lại nghe nói Kiến Kiến Phi Kiến, khiến con càng thêm mê muội, cúi xin Phật mở lòng từ bi, khai-thị cho chúng con được diệu tâm sáng tỏ trong sạch.

Nói xong, rơi lệ đảnh lễ, kính nghe lời dạy của Phật.

Bấy giờ, Thế Tôn thương xót A-nan và Đại Chúng, sắp khai giảng pháp Tổng-trì (tổng nhất thiết pháp, trì nhất thiết nghĩa), những đường tu vi diệu của các thiền quán Tam-ma-đề, bảo A-nan rằng :

- Ngươi dù nhớ hay, nhưng chỉ thêm phần học rộng nghe nhiều, đối với sự quán chiếu vi diệu của pháp Sa-ma-tha, tâm còn chưa rõ, nay ngươi hãy chú ý nghe, Ta sẽ vì ngươi khai-thị từng lớp một, cũng khiến hàng hữu lậu tương lai sẽ được chứng quả Bồ-đề.

- A-nan, tất cả chúng sanh cam chịu luân hồi là do hai thứ vọng kiến điên đảo phân biệt, ngay đó phát sanh, ngay đó theo nghiệp luân chuyển. Thế nào là hai thứ vọng kiến ?

+ Một là vọng kiến Biệt Nghiệp của chúng sanh.

+ Hai là vọng kiến Đồng Phận của chúng sanh.

- Sao gọi là vọng kiến Biệt Nghiệp ?

- A-nan ! Như người thế gian con mắt bị nhặm, ban đêm thấy ánh sáng, riêng có bóng tròn ngũ sắc bao phủ. Ý ngươi thế nào ? Cái bóng tròn hiện nơi ánh đèn này là màu sắc của ngọn đèn hay là màu sắc của Kiến-tinh ?

- Nếu là màu sắc của ngọn đèn, thì người không nhặm sao chẳng cùng thấy, mà chỉ có người nhặm mới thấy bóng tròn này ? Nếu là màu sắc của Kiến-tinh, Kiến-tinh đã thành màu sắc, thì người nhặm thấy bóng tròn kia gọi là cái gì ?

- Lại nữa A-nan ! Nếu lìa ngọn đèn riêng có bóng tròn này, thì khi nhìn qua bình phong, bàn ghế, phải có bóng tròn hiện ra, nếu lìa Kiến-tinh riêng có bóng tròn thì chẳng phải mắt thấy, vậy sao người nhặm lại thấy bóng tròn ?

- Nên biết, màu sắc ở nơi đèn, do mắt bị bệnh mới thấy bóng tròn, bóng tròn và cái thấy đều là bệnh nhặm, kẻ thấy được nhặm thì chẳng phải bệnh; chớ nên nói bóng tròn là đèn, là thấy, hoặc nói chẳng phải ngọn đèn chẳng phải cái thấy.

- Ví như đệ nhị nguyệt chẳng phải Bản-thể, cũng chẳng phải bóng của 'đệ nhất nguyệt'. Tại sao ? Vì do dụi mắt mới thành có đệ nhị nguyệt. Người Trí chẳng nên truy cứu cái đệ nhị nguyệt này là hình bóng hay chẳng phải hình bóng, là Kiến-tinh hay chẳng phải Kiến-tinh, vì đó là do dụi mắt sanh ra, thế thì cái bóng tròn này cũng vậy, do mắt nhặm mà thành, nay muốn gọi cái nào là màu sắc của ngọn đèn, cái nào là màu sắc của Kiến-tinh ? Huống còn vọng sanh phân biệt, cho là chẳng phải màu sắc của ngọn đèn, chẳng phải màu sắc của Kiến-tinh ư ?

- Sao gọi là vọng kiến Đồng Phận ?

- A-nan ! Ở cõi Ta-bà này, trừ biển cả ra, phần đất bằng gồm có ba ngàn châu, ở giữa là đại châu, Đông Tây bao gồm hai ngàn ba trăm nước, ngoài ra các tiểu châu ở giữa biển hoặc có từ hai trăm đến ba trăm nước, hoặc có từ một, hai cho đến bốn mươi, năm mươi nước. A-nan, ví như trong đó có một tiểu châu, chỉ có hai nước, dân một nước thì đồng cảm ác duyên, khiến cả nước cùng thấy tất cả cảnh giới chẳng lành, như những ác tướng do nhựt nguyệt, tinh tú và khí trời hiện ra v.v... chỉ cả nước này thấy đủ thứ ác tướng như vậy, còn dân nước kia lại chẳng hề thấy nghe những ác tướng đó.

- A-nan, nay Ta vì ngươi đem hai việc kể trên so sánh cho rõ : Như chúng sanh kia vọng kiến biệt nghiệp, thấy bóng tròn hiện nơi ánh đèn, dù hình như có cảnh tượng trước mặt, nhưng cái thấy ấy vốn do mắt nhặm mà thành, nhặm tức là kiến bệnh, chẳng phải màu sắc sở tạo, nhưng người thấy được nhặm thì chẳng có kiến bệnh (biết Phật-tánh vẫn là bệnh, phải được thấy Phật-tánh mới hết bệnh).

- Như ngươi hôm nay, dùng con mắt thấy núi sông đất đai và chúng sanh, đều là cái kiến bệnh đã thành từ vô thỉ. Tại sao ? Vì có năng thấy và sở thấy, nên tựa như cảnh tượng hiện ra trước mắt, giống cái giác minh của ngươi duyên cái sở thấy thành nhặm.

- Bản-giác có năng thấy tức là nhặm, "Bổn-giác minh tâm" là Tự-tánh, cái giác ấy vốn chẳng phải bệnh, có năng giác sở giác mới thành bệnh. Nếu Bổn-giác không ở trong bệnh, đó mới thật là Kiến Kiến (tức là kiến tánh). Đã được Kiến-tánh thì đâu còn tên gọi là Kiến, Văn, Giác, Tri nữa !

- Cho nên, ngươi hôm nay thấy ta, thấy ngươi và thấy tất cả chúng sanh đều do kiến bệnh, nếu chẳng phải kẻ có kiến bệnh, thì cái kiến ấy chơn thật, thể tánh chẳng bệnh nên chẳng gọi là Kiến.

- A-nan ! Vọng kiến Đồng Phận của cả nước, cũng như vọng kiến Biệt Nghiệp của một người. Người mắt nhặm thấy bóng tròn kia là do biệt nghiệp sở sanh; cả nước đồng phận sở dĩ thấy tướng chẳng lành này là do cộng nghiệp tạo nên. Cả hai đều là kiến bệnh đã thành từ vô thỉ.

- Tất cả chúng sanh cõi Ta-bà, cho đến mười phương các nước hữu lậu, đều vì đem cái sáng tỏ vô lậu của Diệu-tâm, cùng với bệnh duyên hư vọng của kiến, văn, giác, tri, hòa hợp vọng sanh, hòa hợp vọng tử. Nếu được xa lìa các duyên hòa hợp và chẳng hòa hợp thì diệt trừ được những cái nhân sanh tử, tự hiện tánh đầy đủ chẳng sanh diệt của Bồ-đề, nên được Bản-tâm trong sạch bản giác thường trụ.

9. Khai Thị Kiến Tinh.

- A-nan ! Ngươi dù đã ngộ Bản-giác diệu minh, thể tánh phi nhân duyên phi tự nhiên, nhưng còn chưa rõ bản giác này chẳng phải do hòa hợp sanh, cũng chẳng phải không hòa hợp. A-nan, Ta dùng sự tiền trần hỏi ngươi, nay ngươi còn bị những tánh nhân duyên vọng tưởng hòa hợp của thế gian mà tự nghi hoặc, lại cho sự chứng tâm Bồ-đề là do hòa hợp sanh khởi. Vậy thì cái Kiến-tinh vi diệu trong sạch này là hòa với sáng hay hòa với tối ? Hòa với thông hay hòa với nghẽn ?

- Nếu hòa với sáng, thì khi ngươi thấy sáng hiện tiền, Kiến-tinh xen lộn ở đâu ? Tướng thấy còn có thể phân biệt, cái hình tướng xen lộn là như thế nào ?

- Nếu chẳng phải Kiến-tinh thì làm sao thấy sáng ? Nếu là Kiến-tinh thì làm sao Kiến-tinh lại thấy Kiến-tinh ?

- Nếu Kiến-tinh đầy khắp thì còn chỗ nào hòa với sáng ? Nếu sáng đầy khắp thì còn chỗ nào để hòa với Kiến-tinh. Kiến-tinh phải khác với sáng, khi xen lộn thì làm mất tánh sáng, nếu mất tánh sáng, nói hòa với sáng là chẳng đúng. Hòa tối, hòa thông, hòa nghẽn nghĩa cũng như vậy.

- Lại nữa, A-nan ! Kiến-tinh của ngươi là hợp với sáng hay hợp với tối ? Hợp với thông hay hợp với nghẽn ?

- Nếu hợp với sáng, thì khi tối, tướng sáng đã diệt, thì Kiến-tinh này chẳng thể hợp với tối, làm sao thấy tối ? Nếu lúc thấy tối chẳng hợp với tối, thì khi hợp với sáng cũng chẳng phải thấy sáng. Đã chẳng thấy sáng, sao nói hợp với sáng, và biết cái sáng chẳng phải tối ? Hợp tối, hợp thông, hợp nghẽn nghĩa cũng như vậy.

- Bạch Thế Tôn ! Theo con suy nghĩ, cái Bản-giác này với các cảnh trần và cái tâm niệm tưởng là chẳng hòa hợp.

Phật bảo :

- Nay ngươi lại cho là chẳng hòa hợp, Ta lại hỏi ngươi, cái Kiến-tinh này nếu chẳng hòa hợp là chẳng hòa với sáng hay chẳng hòa với tối ? Chẳng hòa với thông hay chẳng hòa với nghẽn ? Nếu chẳng hòa với sáng, thì Kiến-tinh với cái sáng phải có ranh giới, vậy ngươi hãy xét xem chỗ nào là sáng ? Chỗ nào là Kiến-tinh ? Giữa Kiến-tinh với sáng ranh giới ở đâu ?

- A-nan ! Nếu ở nơi sáng chẳng có Kiến-tinh thì sáng và Kiến-tinh chẳng tiếp xúc nhau, làm sao thấy được tướng sáng để thành lập ranh giới ? Hòa tối, hòa thông, hòa nghẽn nghĩa cũng như vậy.

- Lại nữa, Kiến-tinh của ngươi nếu chẳng hòa hợp là chẳng hòa hợp với sáng hay chẳng hòa hợp với tối ? Chẳng hợp với thông hay chẳng hợp với nghẽn ?

- Nếu chẳng hợp với sáng, thì Kiến-tinh với sáng hai tánh trái ngược nhau, cũng như lỗ tai với sáng chẳng thể tiếp xúc, thế thì cái thấy còn chẳng biết chỗ của tướng sáng, làm sao xét rõ cái lý hợp hay chẳng hợp ? Hợp tối, hợp thông, hợp nghẽn nghĩa cũng như vậy.

- A-nan ! Ngươi còn chưa rõ tất cả tướng huyễn hóa nơi tiền trần, tùy nơi nhân duyên sanh ra, theo nơi nhân duyên diệt mất, thể tánh của tướng huyễn hóa hư vọng này vốn là Diệu-giác sáng tỏ, như vậy cho đến ngũ Ấm, lục nhập, thập nhị xứ, thập bát giới, vì nhân duyên hòa hợp, hư vọng cho là có sanh, nhân duyên tan rã, hư vọng cho là có diệt, mà chẳng biết sanh diệt khứ lai vốn là Như-lai-tạng, cũng gọi là diệu minh thường trụ, bất động chu viên (cùng khắp không gian), Diệu-tánh chơn như nơi tánh chơn thường tìm sự khứ lai, mê ngộ, sanh diệt đều bất khả đắc

NGŨ ẤM VỐN VÔ SANH

- Sao nói Ngũ Ấm vốn là Như-lai-tạng, cũng là Diệu-tánh chơn như ?

10. SẮC ẤM VỐN VÔ SANH

- A-nan ! Ví như có người dùng con mắt trong sạch, nhìn hư không sáng sủa chỉ có trống rỗng, hẳn không thấy gì, người ấy khi không ngó hẳn một chỗ chẳng nháy mắt, ngó lâu mắt mỏi thì thấy hoa đốm hiện nơi hư không (hoa đốm dụ cho Sắc-ấm), hoặc thấy những tướng lăng xăng giả dối. Nên biết Sắc-ấm cũng vậy.

- A-nan ! Những hoa đốm này chẳng từ hư không ra, cũng chẳng từ mắt ra. Nếu từ hư không ra, ắt phải trở vào hư không, nếu có ra vào thì chẳng phải hư không. Nếu hư không chẳng phải hư không thì tự nhiên chẳng thể dung nạp tướng hoa đốm sanh diệt trong đó, cũng như thân thể A-nan chẳng dung nạp được một A-nan nữa.

- Nếu hoa đốm từ con mắt ra thì phải trở vào con mắt; nếu từ mắt ra, ắt phải có tánh thấy, nếu có tánh thấy thì khi xoay về, lẽ ra phải thấy mắt. Nếu chẳng có tánh thấy, khi ra đã che mờ hư không, thì khi về phải che mờ con mắt. Lại, khi thấy hoa đốm, lẽ ra mắt phải không mờ, vậy sao nói thấy hư không sáng sủa mới gọi là con mắt trong sạch ? Nên biết Sắc-ấm hư vọng, vốn chẳng phải tánh nhân duyên, cũng chẳng phải tánh tự nhiên.

11. THỌ ẤM VỐN VÔ SANH

- A-nan ! Ví như có người tay chân khỏe mạnh, thân thể điều hòa, cuộc sống yên ổn, quên hẳn sự thuận nghịch, người ấy vô cớ hai bàn tay xoa nhau, vọng sanh các tướng trơn, rít, lạnh, nóng nơi hai bàn tay. Nên biết Thọ-ấm cũng vậy.

- A-nan ! Những xúc giác huyễn hóa này (xúc giác dụ cho Thọ-ấm), chẳng từ hư không ra, cũng chẳng từ bàn tay ra. A-nan, nếu từ hư không ra, đã tiếp xúc với bàn tay, sao chẳng tiếp xúc với thân thể ? Chẳng lẽ hư không lại biết lựa chỗ để tiếp xúc ư ?

- Nếu từ bàn tay ra thì chẳng cần đợi hai bàn tay hợp lại mới có xúc giác; lại, đã từ bàn tay ra, lúc hai tay hợp lại biết có xúc giác, lúc hai tay rời ra thì xúc giác phải chạy vào, vậy xương tủy, cánh tay cũng phải biết được cái dấu tích của xúc giác khi vào. Nếu có tâm biết ra biết vào thì phải có một vật đi lại trong thân, đâu cần đợi hai tay hợp rồi mới gọi là tiếp xúc !

- Nên biết Thọ-ấm hư vọng, vốn chẳng phải tánh nhân duyên, cũng chẳng phải tánh tự nhiên.

12. TƯỞNG ẤM VỐN VÔ SANH

- A-nan ! Ví như nghe người nói đến trái mơ chua thì tiết ra nước miếng, nghĩ đến leo dốc cao thì lòng bàn chân ghê rợn, (nước miếng và ghê rợn dụ cho Tưởng-ấm), nên biết Tưởng-ấm cũng vậy.

- A-nan ! Cái tiếng chua này chẳng từ trái mơ ra, cũng chẳng từ miệng ra. Nếu từ trái mơ ra thì trái mơ tự biết nói, đâu cần đợi người nói ? Nếu từ miệng ra thì miệng phải tự nghe tiếng, đâu cần đợi tai nghe ? Nếu chỉ riêng tai có nghe thì nước miếng sao chẳng từ tai chảy ra ? Tưởng tượng mình leo dốc thì cũng như vậy. Nên biết Tưởng-ấm hư vọng, vốn chẳng phải tánh nhân duyên, cũng chẳng phải tánh tự nhiên.

13. HÀNH ẤM VỐN VÔ SANH

- A-nan ! Ví như dòng nước chảy mạnh (dòng nước dụ cho Hành-ấm), làn sóng nối tiếp, lớp trước lớp sau chẳng vượt khỏi nhau, nên biết Hành-ấm cũng vậy.

- A-nan ! Tánh dòng nước như thế chẳng do hư không sanh ra, chẳng do nước mà có, chẳng phải tánh của nước, cũng chẳng lìa hư không và nước.

- Nếu do hư không sanh ra thì mười phương vô tận hư không đều thành dòng nước vô tận và tự nhiên thế giới đều bị chìm đắm cả. Nếu do nước mà có thì nước là năng có, dòng nước là sở có, hai tướng khác nhau thì tánh của dòng nước lẽ ra chẳng phải là nước; nếu dòng nước tức là tánh của nước thì khi nước trong lặng lại chẳng phải tự thể của nước. Nếu lìa hư không và nước thì hư không vốn chẳng có trong và ngoài, và ngoài nước ra chẳng có dòng nước. Nên biết Hành-ấm hư vọng, vốn chẳng phải tánh nhân duyên, cũng chẳng phải tánh tự nhiên.

14. THỨC ẤM VỐN VÔ SANH

- A-nan ! Ví như có người lấy một cái bình (cái bình dụ cho nghiệp thân), trong đựng đầy hư không (hư không dụ cho Thức-ấm), bít kín miệng bình đem xa ngàn dặm tặng cho nước khác, nên biết Thức-ấm cũng vậy.

- A-nan ! Hư không này chẳng phải từ phương kia ra, cũng chẳng phải từ phương này vào. Nếu từ phương kia ra, trong bình đã đựng hư không đem đi, thì phương kia phải thiếu hư không. Nếu từ phương này vào, khi mở miệng bình trút ra thì phải thấy hư không ra. Nên biết Thức-ấm hư vọng, vốn chẳng phải tánh nhân duyên, cũng chẳng phải tánh tự nhiên.

LƯỢC GIẢI

Trung Quán Luận có bài kệ rằng :

Các pháp chẳng tự sanh,
Cũng chẳng phải tha sanh,
Chẳng cộng chẳng vô nhân,
Cho nên nói Vô Sanh.

Sao nói các pháp chẳng tự sanh ? Vì phải đợi nhân duyên hòa hợp mới được sanh. Sao nói chẳng tha sanh ? Vì các duyên đều chẳng có Tự-tánh. Sao nói chẳng cộng sanh ? Vì tự và tha còn chẳng có, lấy gì để cộng ? Sao nói chẳng vô nhân sanh ? Vì bản thể sáng tỏ của Diệu-tâm, phải do tu hành đến giác ngộ mới được hiển bày, chẳng tự nhiên mà thành. Vậy biết tất cả sự vật trên thế gian vốn là Vô Sanh, vì chẳng có lý do nào để sanh vậy.

Nếu ngộ tất cả pháp vô sanh thì Sắc như dụi mắt thấy hoa đốm trên không; Thọ như xoa bàn tay sanh những xúc giác trơn, rít, lạnh, nóng; Tưởng như nghe nói trái mơ tiết ra nước miếng; Hành như dòng nước chảy, chẳng có năng sanh sở sanh (nước chẳng phải năng sanh, dòng nước chẳng phải sở sanh); Thức như cái bình đựng đầy hư không, bình dụ cho nghiệp thân, hư không dụ cho vọng thức. Bản-giác tánh không, cùng khắp Pháp-giới, hễ mê thành vọng thức thì thành hư không ở trong bình, nhét bít miệng bình dụ cho vọng phân đồng dị, có trong có ngoài, kỳ thật trong bình ngoài bình chỉ cùng một hư không (dụ cho tánh và thức vốn là một thể), hư không chẳng khứ lai dụ cho tánh chẳng sanh diệt. Bình dụ vọng nghiệp, hư không dụ vọng thức, nghiệp kéo thức chạy theo, như đem bình đựng hư không đi các nước khác, dụ cho đi khắp lục đạo, cam chịu luân hồi.

Lục Nhập, thập nhị Xứ, thập bát Giới, cho đến thất Đại ở quyển sau, đều sáng tỏ nghĩa này (Vạn Pháp Vốn Vô Sanh). 

Tác giả bài viết: thichdaophat

Nguồn tin: Tông Phong Tàng Thư