Trung Phong Pháp Ngữ - phần cuối

trich từ bộ quảng lục
29. PHÁP NGỮ TRÍCH TỪ BỘ QUẢNG LỤC

Học Đạo cần phải đầy đủ năm thứ Chánh-tín :

1. Phải tin cái ông chủ mừng giận, buồn vui trong tâm của mình toàn thể cùng với chư phật chẳng thiếu mảy may.

2. Phải tin từ vô lượng kiếp đến nay cùng sắc thanh, yêu ghét nhiễm thành tập-khí lưu chuyển kết thành một thứ sanh-tử vô thường, ở trong thân tứ Đại niệm niệm trôi chảy, đổi mới không ngừng.

3. Phải tin người xưa chỉ dạy một lời nửa câu như thanh Ỷ-thiên trường kiếm, luôn luôn bức bách đến chỗ tận cùng để cắt đứt mạng-căn của người học.

4. Phải tin công phu hằng ngày chỉ sợ không làm, chứ làm mãi không ngừng niệm niệm tinh chuyên thì chắc chắn có ngày thấu thoát.

5. Phải tin sanh-tử vô thường chẳng phải là việc nhỏ. Nếu chẳng phấn chí quyết định để mong độc thoát thì không có cách nào để tự khỏi cái khổ tam Đồ.

Lại có ba pháp làm con đường tắt để tấn Đạo : Mắt huệ sáng, Lý tánh thông và Chí kiên cố.

Mắt huệ sáng thì chiếu phá cảnh giới hiện-lượng thân tâm thế gian, tất cả thị phi, yêu ghét, lấy bỏ, được mất, giàu nghèo, thọ yểu, khổ vui v.v... đều là duyên mộng huyễn, trọn không thật nghĩa mà chẳng khởi phân biệt.

Lý tánh thông thì đối với ngữ ngôn danh tướng của Phật & Tổ thuở xưa nói ra, cho đến Pháp-yếu sai biệt của Thánh-hiền trong Tam-giáo và Bách gia chư tử đều hội quy về một nguồn chẳng sanh dị kiến.

Chí kiên cố thì từ ngày hôm nay cho đến tận đời vị lai chẳng hỏi gần xa, nếu chẳng triệt chứng, quyết định chẳng thôi.

Ba pháp nầy, nếu đủ pháp thứ nhất mà thiếu pháp thứ hai và thứ ba, chỉ thành một người vô sự.

Đủ pháp thứ hai mà thiếu pháp thứ nhất và thứ ba, chỉ thành người linh lợi.

Đủ pháp thứ ba mà thiếu pháp thứ nhất và thứ hai, chỉ thành người vác bảng (*).

Phải biết Đạo nầy như đi đường xa ngàn dặm, nếu đủ pháp thứ nhất và pháp thứ hai, mà thiếu pháp thứ ba là như người đi chín trăm dặm rồi dừng.

Đủ pháp thứ nhất và pháp thứ ba mà thiếu pháp thứ hai thì chẳng khỏi khóc vì lối tẽ.

Đủ pháp thứ hai và thứ ba mà thiếu pháp thứ nhất, tôi biết người nầy chạm vật bị kẹt.

Ba pháp hoàn toàn đầy đủ, tuy chưa cất bước, tôi dám bảo đảm người nầy chẳng khác gì người đã đến nhà, còn phải hỏi về đường lối nữa ư ?  

GHI CHÚ : (*) Người vác bảng : Người chỉ lo hạ thủ công phu một cách tích cực, nhọc mà không thông đường lối.

Người học Đạo không ai chẳng nói Sanh-tử là việc lớn. Đến khi bị hỏi cái gì là Sanh-tử, thì mờ mịt không biết đường trả lời. Hoặc có người cho rằng tại người ấy chẳng biết mới hỏi, nên thong thả nói : Ông đã chẳng biết sanh-tử là cái gì. Nay phát tâm vì sanh-tử không phải là hư vọng sao ?

Luận về việc lớn Sanh-tử nếu chẳng biết lý của sanh-tử thì gia công học Đạo vô ích. Ví như người tịch cốc, bảo họ cấy cày, dù cho có miễn cưỡng nghe lời, không bao lâu cũng lười biếng bỏ bê. Sao vậy ? Vì người tịch cốc đã quên đói thì lúa thóc cũng đâu có chỗ dùng, giống như người học đã không biết manh mối của sanh-tử thì tham học để làm gì ? Hoặc giả miễn cưỡng cho rằng : "Sanh chẳng biết từ đâu đến, chết chẳng biết đi về đâu, ấy là sanh-tử". Đây thật là lời nói ngông cuồng. Dẫu cho biết được chỗ đến, chỗ đi thì ngay cái chỗ "biết" đó rõ ràng là Sanh-tử. Lấy sanh-tử để thoát Sanh-tử, không có lý ấy.

Phải biết sanh-tử nguyên không có Thể-tánh. Nhân mê Tự-tâm lầm chạy theo luân hồi thành ra có sanh-tử. Ví như khí lạnh kết nước thành băng, khí lạnh chợt tiêu thì băng trở lại thành nước. Chất chứa mê nơi Tâm, lầm kết sanh-tử cũng vậy. Chỗ mê đã ngộ thì Tâm-thể trạm-nhiên (như nước yên lặng trong suốt), muốn tìm sanh-tử như người ngủ thức dậy tìm lại việc trong mộng, đâu có lẽ nào được ?

Phải biết sanh-tử vốn không, nhờ ngộ mới biết Niết-bàn vốn có, vì mê nên không hay. Hoặc chẳng thể triệt ngộ Tự-tâm mà muốn giải quyết xong việc lớn Sanh-tử thì có khác nào chẳng rút bỏ củi lửa mà muốn nồi nước đừng sôi, lý đó làm sao có được ?

Liễu thoát sanh-tử không gì thân thiết hơn ngộ tâm. Ngộ tâm không gì hơn sự lập chí. Quên lạnh nóng, bỏ ăn ngủ, không tình vọng, một niệm nầy ở chỗ động tịnh như binh hùng tướng mạnh phòng thủ thành trì nghiêm ngặt, giặc chẳng thể nào xâm phạm được. Cổ-nhân gọi đó là Chánh-chí. Như vậy Tâm như tường vách, thình lình khai-ngộ. Ngộ rồi chẳng những sanh-tử không tịch mà Niết-bàn cũng không có chỗ đặt để. Bằng không thì sanh-tử cùng mê vọng giao kết từ nhiều kiếp xa xưa đến tận đời vị lai, lưu chuyển không chút gián đoạn, gọi đó là việc lớn Sanh-tử, há là lời hư dối ư ?  

Tâm chẳng mê chẳng đọa sanh-tử. Nghiệp chẳng buộc chẳng thọ hình hài. Ái chẳng nặng chẳng vào Ta-bà. Niệm chẳng khởi chẳng sanh nghiệp lụy. Bởi nhân mê khởi vọng, do vọng sanh chấp. Thuận theo chỗ chấp ấy thì cái niệm yêu thích lăng xăng mống khởi. Nghịch với chỗ chấp ấy thì cái thói quen giận ghét bừng bừng nổi dậy. Tình yêu ghét phát khởi thì dấu vết sanh-tử động chuyển trôi chảy đổi mới chẳng dừng, niệm niệm nối nhau, cho đến một khoảnh sát-na đủ tám trăm sanh diệt, há đợi trăm năm tắt thở, sau đó mới là sanh-tử ư ?

Nguyên chỗ mê kia vốn không có tự tánh, cũng không có chỗ khởi, mà chính vì mình từ vô lượng kiếp lâu xa đến nay, chẳng thể hội gốc Đạo, mất đi Tự-tâm mà ra. Ngày hôm nay, muốn được Tâm nầy chẳng bị mê vọng lôi cuốn, không có phương-tiện nào khác hơn là chỉ đề khởi câu-thoại-đầu : "Chết rồi, thiêu xong, cái gì là Tánh của ta ?". Trong 24 tiếng đồng hồ như cầm thanh kiếm bén kim cương trên tay, trước hết hướng vào trong ruộng Thức thứ tám, tận lực chém một nhát như chém một cuộn chỉ rối, một nhát đứt hết. Chỗ thấy của mắt đã đứt, chỗ nghe của tai cũng đứt, cho đến mũi lưỡi thân ý, hương vị xúc pháp đồng thời đều đứt. Việc quá khứ đã dứt, việc hiện tại đang dứt, việc vị lai sẽ dứt. Lục soát hết trong lòng không có cái để dứt, và cái dứt cũng dứt. Cái dứt đã dứt thì cái dứt cũng chẳng lập. Cái dứt đã chẳng lập thì cả Pháp-giới đều là tự Tâm. Trong ấy không có cái năng dứt và sở dứt. Năng sở đã không thì thấy nghe hay biết không có chỗ đặt để. Đến chỗ nầy tức là chỗ buông bỏ thân mạng của chư Phật, Bồ-tát và Thiện-tri-thức thuở xưa, cũng là chỗ hoàn toàn thôi nghỉ, chỗ đại giải thoát, chỗ đại an lạc, cũng là tam-muội chẳng lìa thế gian mà thành tựu xuất thế gian. Tam-muội nầy vào tay, tìm cái yêu cũng chẳng thể được, tìm cái ghét cũng chẳng thể được. Ở chỗ chẳng thể được (bất khả đắc) xem lại các pháp hữu vi thế gian thấy như giấc mộng đêm qua. Như trong Kinh nói :

Cực-tịnh sáng cùng khắp

Tịch-chiếu trùm hư-không,

Trở lại xem thế gian

Giống như việc trong mộng.

Như hiện nay, người rõ biết việc nầy như mộng, chính đang lúc nói, con người nói nầy cũng là ở trong mộng, hà huống nói xong rồi, âm thanh tan mất, tình theo cảnh đổi thay ?

Nhà mộng ba cõi lăn lóc chẳng dừng, nếu chẳng phấn chí ra sức đại tinh tấn gan dạ nhảy một cái ra khỏi cái nhà đại mộng nầy, ở giữa thanh thiên bạch nhật, mặc áo cả cười một tiếng khoái chí bình sanh, nếu quyết lấy mộng đi vào mộng, phan duyên lẫn nhau, chạy theo vọng trần, đọa vào Địa-ngục Vô-gián, há chẳng cô phụ từ nhiều kiếp đến nay chư Phật, Bồ-tát đã vì ông mà gieo hạt giống Bát-nhã Bồ-đề ư ?

Ông nếu chẳng phải đủ hạt giống sâu dày nầy, đâu được đời nầy ở chỗ giàu sang, trong nhà thập thiện, cho đến phát tâm vào Đạo, Cà-sa che thân, làm người nối dòng giống Phật. Ngày nay đến chỗ nầy, đã xuất gia rồi, đã làm Tăng rồi, đã gặp Thiện-tri-thức rồi, đã nghe Đạo rồi, cái điều ông còn thiếu đó, chỉ cần ra sức làm một phen để đích thân đến chỗ cứu cánh mà thôi. Huống là tuổi chưa già, sức còn sung, nếu chẳng lợi dụng lúc thân nầy còn mạnh khoẻ đi một hơi thẳng đến nhà thì chớp mắt bèn là vô-thường, già bệnh đuổi gấp, đến lúc ấy tay chân rối loạn, lỗi sẽ về ai ? Đem hết tất cả những cái tham, cái yêu, cái giận, cái si của cả một đời kiểm điểm qua một lượt đều dùng chẳng được. Trái lại, còn bị nó làm chướng ngại, trói buộc, che lấp, xoay chuyển, cuốn trôi, cô phụ cái nhân duyên tốt đẹp, làm người không biết hổ thẹn, bị Phật quở trách.

Phải biết, luân hồi nơi Tam-giới, ra vào trong bốn loài (Noãn, thai, thấp, hoá), lăn lóc lênh đênh chịu khổ liên tục. Như thế có gì đáng lưu luyến đâu, sao mà chẳng chịu siêu nhiên độc thoát ! Người có chí lẽ nào lại làm như thế ?!    

30. BÀI CA LIỀN THÔI  (TỨC HƯU CA).

Đạo-nhân nói thôi, lập tức thôi

Chẳng đợi sáng chiều hay xuân thu

Thôi nầy chẳng cách đệ nhị niệm

Chỉ ngay đương niệm tâm liền thôi.

Có người hỏi :

Đạo-nhân vì sao thôi được chóng ?

Luân hồi sanh tử, bánh xe quay

Tự hận từ lâu thôi chẳng được

Uổng bị câu thúc khổ trần lao.

Ngày nay còn chẳng chịu thôi đi

Ý mã, tình viên ngăn chẳng được

Theo thanh theo sắc nhảy như rận

Vừa chuyển cơ luân tìm chẳng được.

Hôm nay chẳng thôi, ngày nào thôi

Tuổi trẻ chẳng dừng như nước trôi

Xưa nay bao người chưa thôi nghỉ

Đầu lâu chất lại như núi đồi.

Thôi lại thôi, lại thôi thôi

Mặc kệ Bắc Uất Đơn Việt (1)

Đâu lo Nam Thiệm Bộ Châu

Chỉ đem một chữ Thôi nầy

Thiên cổ vạn cổ làm bạn lứa.

Ông thấy chăng ?

Hai ngàn năm trước dòng Cam Giá (2)

Chạy vào núi tuyết, lôi chẳng lay

Nhìn xem phú quí như hoa tuyết

Chẳng còn ở trong ba cõi ồn.

Từ đó thôi rồi thẳng đến nay

Mặt vàng ánh sáng trang nghiêm thân

Sen hồng ngàn cánh đỡ chân Phật

Chẳng nhiễm thế gian phiền não trần.

Bây giờ liền thôi còn chẳng sớm

Nếu chẳng liền thôi, luống áo não

Thế, xuất thế gian một lượt thôi

Lúc ấy mới đạt Bồ-đề-đạo.

Thôi hết, Bồ-đề-đạo cũng không

Mây trắng đè nát núi Tu-di

Rốt cuộc Phật cũng chẳng cần làm

Mặc tình bốn biển nổi Chân-phong (3).  

GHI CHÚ : (1) Là Bắc Cu Lô Châu.

(2) Dòng họ Thích Ca là con cháu của vua Cam Giá.

(3) Mặc tình hoằng dương Thiền-tông ở khắp nơi.

Tác giả bài viết: thichdaophat

Nguồn tin: Tông Phong Tàng Thư