Tín Tâm Minh Tịch Nghĩa Giải - phần IV

từ câu 37 đến câu 48
37. BẤT HẢO LAO THẦN, HÀ DỤNG SƠ THÂN.

DỊCH : Tốt xấu không nên nhọc tinh thần, đâu cần phân biệt sơ hay thân.

LỜI KHAI THỊ

Triệu Châu khám phá rồi, thủy ngân không giả, Vân Môn lỡ lời rồi, phẩn người chẳng Chơn. Tham-thiền không linh nghiệm, đụng đâu mê đó, sự thấy là cái gai góc trong mắt, việc nghe là cái bệnh của lỗ tai. Ủa ! có việc như thế ư ? Chỉ cần nói với họ : Ngẩng mặt ngó ngoài Trời, xem ai ló đầu ra ?

LỜI NGHĨA GIẢI

Tổ-sư nói : "BẤT HẢO LAO THẦN, HÀ DỤNG SƠ THÂN, Người-giải-nghĩa cho rằng : Do Hệ Niệm thì trái với Chơn, đã trái với Chơn thì lao nhọc tinh thần, vì nhọc tinh thần ắt phân biệt sơ thân. Phải biết, Hệ Niệm là cái nhân của sơ thân, Sơ Thân là cái quả của hệ niệm. Tổ-sư nói hai chữ "không cần" cũng như việc tự cắn rốn vậy.

TỊCH NGHĨA GIẢI

Lời nói này như theo hình mèo mà vẽ con mèo, đại khái vẽ ra cũng giống, nhưng chuột chết còn chẳng thể bắt được, huống là chuột sống ư ? Nếu chẳng đích thân một dao cắt dứt mạng-căn (chơn tham thật ngộ) thì những lời trên chỉ giúp cho việc luận đàm mà thôi.

KỆ KẾT THÚC

Tốt xấu chẳng nên nhọc tinh thần,

Dùng hết tinh thần càng chẳng thân.

Đâu bằng kẻ ngốc nơi thôn dã,

Ăn no nằm dài hợp Thiên-chơn.

38. DỤC THỦ NHẤT THỪA, VẬT Ố LỤC TRẦN.

DỊCH : Muốn chứng lấy Nhất-phật-thừa, chớ nên chán ghét lục Trần.

LỜI KHAI THỊ

Mắt là quang minh Pháp-thân, tai là âm thanh Pháp-thân, mũi là trang nghiêm hương Pháp-thân, lưỡi là thanh tịnh vị Pháp-thân, thân là phổ giác Pháp-thân, ý là liễu tri Pháp-thân, đầy đủ sáu nghìn công đức, thành tựu Nhất-thiết-chủng-trí. Nhưng lúc tứ Đại phân tán, xương thịt tan rã, lục Căn đều biến diệt, vậy Pháp-thân đặt ở chỗ nào ?

Việc buồn chớ kể với người buồn,

Kể với người buồn, buồn chết đi !

LỜI NGHĨA GIẢI

Tổ-sư nói "DỤC THỦ NHẤT THỪA, VẬT Ố LỤC TRẦN", Người-giải-nghĩa cho rằng : Nhất-thừa là biệt danh của Tự-tâm, lục Trần, lục Thức, lục Căn là biệt hiệu của Tự-tâm, đâu có thể chứng Nhất-thừa mà ghét lục Trần ? Thế thì giống như yêu tay chân mà bỏ vai lưng vậy. Phải biết, ngộ Tâm này thì lục Trần tức là Nhất-thừa, mê Tâm này thì Nhất-thừa tức là lục Trần. Bùi Tướng-quốc nói : "Nghịch nó tức phàm, thuận nó tức Thánh". Kinh Lăng Nghiêm nói : "A-nan, ngươi muốn biết cái câu sinh vô minh là gốc thắt kết khiến ngươi luân hồi trong sanh tử ấy, chính là lục Căn của ngươi chứ chẳng phải vật khác. Ngươi lại muốn biết đạo Vô-thượng Bồ-đề khiến ngươi mau chứng quả tự tại giải thoát, tịch lặng thường trụ ấy cũng chính là lục Căn của ngươi chứ chẳng phải vật khác".

TỊCH NGHĨA GIẢI

Lý giải cũng giống như rất đúng, nhưng cần phải biết : Nhất-thừa là hư vọng, lục Trần là phỉ báng, ngoài hai lỗi này, còn tránh khỏi được vọng và báng hay không ?

KỆ KẾT THÚC

Sắc, thanh, hương, vị và xúc pháp,

Lục Trần xưa nay hợp Nhất-thừa.

Tình chấp lấy bỏ còn chưa dứt,

Lại nơi đất bằng nỗi sóng to.

39. LỤC TRẦN BẤT Ố, HOÀN ĐỔNG CHÁNH GIÁC.

DỊCH : Chẳng cho lục trần là tốt hay xấu thì đồng như Chánh-giác.

LỜI KHAI THỊ

"Ông Chủ !", Dạ, dạ, dạ !. Có đường chẳng đi, không dây tự trói. Nói "Lục Trần là phải thì trái với chơn, nói lục Trần là chẳng phải lại thành lỗi lầm lớn". Lầm thì lầm, một cọng cỏ hiện thân vàng ròng, đảo ngược cỡi Hạc bay lên Trời.

LỜI NGHĨA GIẢI

Tổ-sư nói : "LỤC TRẦN BẤT Ố, HOÀN ĐỔNG CHÁNH GIÁC", Người-giải-nghĩa cho rằng : Chẳng có lục Trần, cũng chẳng có Chánh-giác, đều chỉ là Diệu-tâm sáng tỏ. Gọi là lục Trần cũng được, gọi là Chánh-giác cũng được. Ông nếu ở nơi Diệu-tâm sáng tỏ này có chỗ không rõ thì gọi là Chánh-giác cũng không rõ, đâu có việc gì khác ? Chỉ cái rõ và không rõ này, khiến Phật & Tổ nhọc lưỡi mỏi miệng phân ra những điều hơn kém, đều do chẳng tin Tự-tâm mà ra.

TỊCH NGHĨA GIẢI

Xưa có một Tú-tài, thi cử nhiều lần không đậu, bèn đốt bỏ bút mực, làm 1 bài thơ "Trở về quê", chê bai công danh như đàm dãi. Nhưng đến kỳ thi năm tới, vẫn đi vào Trường thi như cũ. Người nói lời này cũng chẳng khác như vậy.

KỆ KẾT THÚC

Chẳng ghét lục Trần đồng Chánh-giác,

Đường vào Cửa-thiền vẫn xa xôi.

Cần phải ra tay bắt hư-không,

Phật cùng chúng sanh chôn một hầm.

40. TRÍ GIẢ VÔ VI, NGU NHÂN TỰ PHƯỢC.

DỊCH : Người Trí tự tại vô tác, kẻ ngu dụng tâm tự trói.

LỜI KHAI THỊ

"Dời chỗ gồ để lấp chỗ trũng, cắt cái dài để nối cái ngắn", Trang Tử nói lời này tự cho là rất đúng, nhưng kiểm điểm lại, chỉ là tự sanh tính toán, so đo phân biệt. Chỉ có Mộc-thượng-tọa (Tích-trượng) chẳng tốt xấu, cũng chẳng đúng sai, toàn thân chỉ là đen thùi lùi, suốt năm dựa bên gốc thiền-sàn.

LỜI NGHĨA GIẢI

Tổ-sư nói : "TRÍ GIẢ VÔ VI, NGU NHÂN TỰ PHƯỢC", Người-giải-nghĩa cho rằng : Trí chẳng tự trí, do ngộ mà trí, ngu chẳng tự ngu, do mê mà ngu. Người trí ngộ Tự-tâm, tâm ngộ vốn vô tác, kẻ ngu mê Tự-tâm, Tâm mê còn tự trói. Phải biết, cái vô tác của người ngộ, dù Quỷ-thần Trời đất cũng chẳng thể khiến cho họ tác; cái tự trói của kẻ mê, dù muôn hiền ngàn Thánh cũng chẳng thể mở trói cho họ. Vậy trí và ngu đều do Tâm tạo, đâu phải vật bên ngoài mà làm được ?

TỊCH NGHĨA GIẢI

Chỉ thấy đầu dùi nhọn, chẳng thấy đầu đục vuông. Tại sao ? Phải biết vô tác tức tự trói, tự trói tức vô tác. Nếu cho quả thật có hai lối, thì cách Tổ-sư quá xa rồi.

KỆ KẾT THÚC

Kẻ ngu tự trói cần phải mở,

Người trí vô tác trói chặt thêm.

Chẳng dùng dao kiếm đã cắt dứt,

Vì thương đồng tử mất Thiên-chơn.

41. PHÁP VÔ DỊ PHÁP, VỌNG TỰ ÁI TRƯỚC.

DỊCH : Pháp chẳng là pháp, vọng tự chấp trước cho là pháp.

LỜI KHAI THỊ

Toàn thân là bệnh, toàn thân là thuốc, suy nghĩ chẳng đến, thoáng qua trước mặt. Thuốc tức là bệnh, bệnh tức là thuốc, trong hư-không dễ nhào lộn, áo vải Thanh Châu khó mặc. Cũng chẳng bệnh, cũng chẳng thuốc, vạn tượng sum la một cục sắt, con lừa Dương Kỳ ba cái chân.

LỜI NGHĨA GIẢI

Tổ-sư nói : "PHÁP VÔ DỊ PHÁP, VỌNG TỰ ÁI TRƯỚC", Người-giải-nghĩa cho rằng : Trúc xanh biên biếc đều là Chơn-như, Hoa vàng ngào ngạt đều là Bát-nhã, tất cả thanh, sắc trong hư-không Pháp-giới, tìm một tướng đồng bất khả đắc, tìm một tướng dị cũng bất khả đắc, lìa 2 lối đồng dị này cũng bất khả đắc. Than ôi ! Người chẳng rõ lý này, chấp Phật thì bị Phật ngại, chấp pháp thì bị pháp ngại, vậy chấp Phật-pháp còn bị chướng ngại, huống là chấp những thứ khác ư ?

TỊCH NGHĨA GIẢI

Pháp nếu có khác thì chấp trước mới có khác, Pháp đã chẳng khác thì chấp trước cũng chẳng khác, vì sao lại nói VỌNG TỰ CHẤP TRƯỚC  ? Chỗ này nhìn Tổ-sư không ra, thì những lời trước đều là hý luận.

KỆ KẾT THÚC

Pháp chẳng có khác, thể vốn đồng,

Thể đồng đâu có Pháp hoằng dương ?

Đạt-ma chín năm chỉ hướng vách,

Chẳng biết lấy gì truyền gia-phong.

42. TƯƠNG TÂM DỤNG TÂM, KHỞI PHI ĐẠI THỐ.

DỊCH : Đem tâm dụng tâm, há chẳng phải lầm lớn.

LỜI KHAI THỊ

Tâm, tâm, tâm, khó mò nắm. Ông già Thích-ca, 49 năm nói vuông nói tròn, hoặc tiểu hoặc đại, chú-giải chẳng được, sau cùng niêm hoa thị Chúng, chính là đem tâm dụng tâm, cũng khó tránh khỏi cái "Há chẳng lầm lớn" này. Đến đây việc đã là bất đắc dĩ, tạm đem cái Chánh-pháp nhãn-tạng, Niết-bàn diệu-tâm để che lấp lỗi lầm.

LỜI NGHĨA GIẢI

Người-giải-nghĩa cho rằng : Ông muốn thành Phật là đem tâm dụng tâm, muốn làm Tổ là đem tâm dụng tâm, cho đến muốn thoát sanh tử, trụ Niết-bàn, chứng Bồ-đề, dứt phiền não v.v... đều chẳng ra ngoài đem tâm dụng tâm.

TỊCH NGHĨA GIẢI

Tuy vậy, cũng chỉ nói được một nửa. Phải biết, Tâm-thể rộng lớn, chẳng thể hạn lượng, ngay đó như đống lửa lớn, đụng vào liền đốt, chạm nhằm liền cháy. Dẫu cho ông chẳng muốn thành Phật làm Tổ v.v... cũng ra khỏi cái đem tâm dụng tâm chẳng được.

KỆ KẾT THÚC

Tức Phật là Tâm, Tâm là Phật,

Ngay chỗ thừa nhận đã trái xa.

Ca-diếp mĩm cười trước "niêm hoa",

Vô sự khi không bày đặt ra.

43. MÊ SANH TỊCH LOẠN, NGỘ VÔ HẢO Ố.

DỊCH : Mê sanh tịch lặng và tán loạn, ngộ chẳng tốt xấu yêu ghét.

LỜI KHAI THỊ

Lúc mê là mê cái ngộ, lúc ngộ là ngộ cái mê, mê ngộ cả hai đều quên, đập vỡ cái vỏ vô minh. Vô minh đã tan, mê ngộ cũng hết, vậy hai lối này còn đặt ở chỗ nào ? Gõ cửa dùng ngói gạch, mặc cho y suy lường.

LỜI NGHĨA GIẢI

Tổ-sư nói : "MÊ SANH TỊCH LOẠN, NGỘ VÔ HẢO Ố", Người-giải-nghĩa cho rằng : Bản-thể chơn tịch, tất cả chẳng còn. Kinh Lăng Nghiêm nói : "Vô lậu chơn tịnh, tại sao trong đó lại có thể dung nạp vật khác ? Người chưa ngộ lý này, trước mắt chẳng thấy tịch thì thấy loạn, chẳng thấy động thì thấy tịnh, chẳng biết động cũng là mê, loạn cũng là mê, tịch cũng là mê, cho đến thấy mình ngay đó thành Phật cũng là mê. Hễ thấu rõ được cái tâm mê này thì ngay đó giải thoát, mỗi mỗi thiên-chơn, mỗi mỗi minh-diệu. Đã chẳng thấy loạn, cũng chẳng biết tịch loạn nhị biên đều lìa, Trung-đạo chẳng lập, thì đâu còn tình chấp tốt xấu để làm chướng ngại ư ?

TỊCH NGHĨA GIẢI

Nói lời nầy rất gần rồi, nhưng mê từ đâu đến, ngộ do đâu khởi ? Nếu biết được chỗ đến chỗ khởi, chẳng cần trừ mê, cả cái ngộ kia cũng không chỗ đặt để, nếu không, cứ đem cái mê cái ngộ theo tánh phân biệt, rốt cuộc chỉ tăng thêm bệnh kiến chấp mà thôi.

KỆ KẾT THÚC

Xưa nay Thiên-hạ ai từng ngộ ?

Không ngộ làm sao nói có mê ?

Bỗng nhớ Ôn Châu ngài Vĩnh Gia,

Cớ gì một đêm ngủ Tào Khê.

44. NHẤT THIẾT NHỊ BIÊN, LƯƠNG DO CHÂM CHƯỚC.

DỊCH : Tất cả nhị biên đối đãi đều do đo lường suy đoán.

LỜI KHAI THỊ

Mở miệng nói nhằm, cất bước đạp phải, tất cả đều sẵn sàng, chẳng tin hãy hành cước. Đợi y đi tới đường cùng, chẳng chỗ ở đậu, áo rách giày thủng, khi ấy xỏ mũi kéo quày đầu (ngộ), mới tin xưa nay uổng công tìm.

LỜI NGHĨA GIẢI

Tổ-sư nói "NHẤT THIẾT NHỊ BIÊN, LƯƠNG DO CHÂM CHƯỚC". Có người bày đặt chú-giải rằng : Vừa thấy có loạn liền thấy có tịch. Phải biết loạn chẳng tự loạn, vì tịch nên loạn; tịch chẳng tự tịch, vì loạn nên tịch, do đó các pháp lăng xăng, mới có sự đối đãi nhau sanh khởi. Nói 2 chữ "châm chước" nghĩa cũng giống như 2 chữ "giản trạch" ở đầu bài Minh, vì tình thức "giản trạch" chưa tiêu, thì đối với nhị biên tịch loạn v.v..., kết thành cái niệm "châm chước". Nếu chưa trừ được niệm này thì tất cả chẳng được bất nhị vậy.

TỊCH NGHĨA GIẢI

Thế thì cái niệm "châm chước" có phương-tiện nào để trừ ? Nếu chẳng biết phương-tiện gì, thì lời ông nói ở trên cũng là do Châm-chước sanh khởi.

KỆ KẾT THÚC

Nhị biên vốn chẳng cần châm chước,

Một Đạo bình đẳng cũng vọng truyền.

Gặp việc chưa thoát ngoài ngôn ngữ,

Kiến đồng Phật Tổ cũng xót thương.

45. MỘNG HUYỄN KHÔNG HOA, HÀ LAO BẢ TRÓC.

DỊCH : Việc mộng huyễn như hoa đốm trên không, đâu cần nắm bắt cho mệt nhọc !

LỜI KHAI THỊ

Mai rùa đen (vô-minh) bụng trống rỗng, trái cân sắt (Tự-tánh) thật cứng chắc. Chỉ có Mộc-thượng-tọa, chẳng bị người xuyên tạc, sáng cưỡi trâu Thiểm Phủ, chiều cưỡi hạc Dương Châu.

Có khi ban ngày chạy về nhà,

Khi gõ hư-không tự vấn đáp.

Khúc hát "Về Quê" tiếng chưa dứt,

Mây bay chân Trời lặn ngôi sao.

LỜI NGHĨA GIẢI

Tổ-sư nói : "MỘNG HUYỄN KHÔNG HOA, HÀ LAO BẢ TRÓC", Người-giải-nghĩa dẫn chứng trong Kinh nói : "Tất cả Pháp hữu vi, như mộng huyễn, bọt, bóng, như sương lộ, điện chớp, nên tác quán như thế". Còn dẫn chứng ngài Vĩnh Gia nói : "Buông tứ Đại, chớ nắm bắt, trong tánh tịch diệt cứ ăn uống, các hạnh vô thường tất cả không, tức là Như-lai Đại Viên Giác", bèn mặc tình phan duyên, tùy ý tạo tác cho đến hủy phạm Giới-cấm, phá hoại Luật-nghi, đều lấy 2 lời này để dẫn chứng.

TỊCH NGHĨA GIẢI

Nhưng chẳng biết ngay lúc buông lung tình ý, quả thật thấy những cảnh sở duyên như mộng huyễn không hoa hay không ? Nếu thấy là không hoa thì chẳng nên đeo đuổi. Nếu trong lòng còn giữ một mảy may phan duyên đeo đuổi thì chẳng thể cho là mộng huyễn không hoa rồi. Phải biết, thành Phật làm Tổ cũng là mộng huyễn không hoa. Ngoài ra đâu còn cái gì chẳng phải mộng huyễn ? Lại càng nên biết, ngay cái thuyết "Hà Lao Bả Tróc" đã là rơi vào mộng huyễn rồi. Việc này nếu chẳng đích thân chứng ngộ, chỉ muốn tùy theo ngữ ngôn lý giải thì chẳng phải ngu là gì ?

KỆ KẾT THÚC

Thích-ca nửa đêm thấy ngôi sao,

Cùng hiện bóng nghiệp trước gương đài.

Làm thành một thứ mộng điên đảo,

Chẳng biết ai là đắc tiện nghi.

46. ĐẮC THẤT THỊ PHI, NHẤT THỜI PHÓNG KHƯỚC.

DỊCH : Được mất đúng sai, đồng thời buông bỏ.

LỜI KHAI THỊ

Tuyết Phong ném banh gỗ, Phổ Hóa rung chuông sắt, dù nói là đại cơ đại dụng, rốt cuộc trở thành tạo tác, đâu bằng Vương Thái-phó ở trong Quốc-độ vô sanh, cũng chẳng thiện, cũng chẳng ác, mặc tình ăn no nằm dài ngủ, tùy ý tự tại an lạc, có người đến hỏi Tổ-sư-thiền, bảo y cứ xem cây Phướn vàng.

LỜI NGHĨA GIẢI

Tổ-sư nói : "ĐẮC THẤT THỊ PHI, NHẤT THỜI PHÓNG KHƯỚC", Người-giải-nghĩa cho rằng : Trong Nhất-pháp-giới chẳng đắc cũng chẳng thất, chẳng thị cũng chẳng phi, chỉ vì vọng tình chợt khởi, dị kiến liền sanh, ở nơi chẳng đắc thất bừng khởi đắc thất, ở nơi chẳng thị phi nổi đủ thứ thị phi. Do đó, Tổ-sư bảo y "đồng thời buông bỏ", đã là tự chạm dao bén làm cho đứt tay, đất bằng dậy sóng rồi. Đã biết xưa nay vốn không thì buông bỏ cái gì ? Nếu nói có cái lý "có thể buông bỏ" thì đắc, thất, thị phi đặt để ở chỗ nào ?

TỊCH NGHĨA GIẢI

Ủa ! nói "có thể buông bỏ" cũng đáng ăn gậy, nói "không thể buông bỏ" cũng đáng ăn gậy. Tại sao ? Vì ông chưa thoát khỏi được đắc thất thị phi vậy.

KỆ KẾT THÚC

Hai tay xòe ra chẳng một việc,

Thị phi đắc thất thảy đều quăng.

Muốn đem cái này thoát sanh tử,

Con rắn siết chặt đôi chân ông.

47. NHÃN NHƯỢC BẤT THÙY, CHƯ MỘNG TỰ TRỪ.  

DỊCH : Mắt nếu chẳng ngủ, chiêm bao tự dứt.

LỜI KHAI THỊ

Quanh năm ngồi kiết-già, suốt ngày miệng như câm, hai mắt ngó trên vách, chẳng biết mong muốn gì. Tham-cứu tự kỷ, nửa nghi nửa tin, xem lời Cổ-nhân, tợ có tợ không. Đến lúc năm cùng tháng tận, trở thành leo cây bắt cá.

Đâu bằng quét sạch cả hư-không,

Trong lòng ló ra Dạ minh châu.

LỜI NGHĨA GIẢI

Tổ-sư nói : "NHÃN NHƯỢC BẤT THÙY, CHƯ MỘNG TỰ TRỪ", Người-giải-nghĩa cho rằng : Hai câu này là dụ trước hợp sau. Như người mở to đôi mắt, rõ ràng tỉnh táo, thì hôn trầm tự trừ; đã chẳng hôn trầm thì đâu có chiêm bao ?

TỊCH NGHĨA GIẢI

Nếu làm thí dụ thì được. Nếu chẳng làm thí dụ thì Tổ-sư cũng đáng ăn gậy. Tại sao ? Nay mở mắt đâu từng chẳng phải là chiêm bao ?

KỆ KẾT THÚC

Kim-cang Chánh-nhãn chưa từng ngủ,

Chẳng biết mộng lớn bao giờ thức.

Gởi lời Thiền-khách cửa Tổ-sư,

Chớ cho Hạc hót là Oanh ca.

48. TÂM NHƯỢC BẤT DỊ, VẠN PHÁP NHẤT NHƯ.  

DỊCH : Nếu tâm chẳng cho là có khác thì muôn pháp chỉ là một "Như".

LỜI KHAI THỊ

Chỗ hành của Đạo-nhân như lửa tan băng, trước mặt của Nạp-tăng như băng dập lửa. Ném bỏ hai thứ băng lửa, mặc cho Thánh-phàm cùng lối. Đạo-sĩ không tay vẽ bùa quỷ, Xà-lê mù mắt đọc Kinh Phật. Lại còn một chỗ đáng tin cậy : Tò vò nuốt cả hồ Động Đình.

LỜI NGHĨA GIẢI

Tổ-sư nói : "TÂM NHƯỢC BẤT DỊ, VẠN PHÁP NHẤT NHƯ", Người-giải-nghĩa cho rằng : Vạn pháp vốn như, do tâm mới thành khác. Ví như núi chẳng tự cao, tâm cho là cao, nước chẳng tự sâu, tâm cho là sâu. Tâm này cho là khác thì muôn ngàn sự vật đều thành khác. Cổ và lưng vốn cùng một thân mà xem nó như 2 nước Sở và Việt, anh em cùng giống nòi mà coi nhau như Trời với đất. Vì sự khác nên tình chí thân còn phải khác, huống là phàm với Thánh, người với vật. Muốn dung hợp thành một, chẳng sanh yêu ghét này nọ, đâu có thể được ?

Kinh nói : "Chưa đạt cảnh duy tâm, khởi đủ thứ phân biệt", như bọn mù mò voi, như thấy bóng cung trong nước nghi là rắn... Ở nơi chẳng đồng dị bừng khởi đồng dị. Cần phải trị hết bệnh nhặm, chẳng thấy hoa đốm trên không, dung Pháp-giới về Tâm này, như gương soi gương; Chuyển núi sông vào tự kỷ, tợ không hợp không. Đến đây các duyên tịch lặng, tâm niệm im lìm, nhị kiến chẳng sanh, nhất pháp ấn định, mới có thể gọi là phù hợp ý Tổ, khế hội tâm Phật vậy.

TỊCH NGHĨA GIẢI

Lời này tạm gác qua một bên. Nay trước mắt sáng, tối, thông, nghẽn, thành, trụ, hoại, không, cảnh tượng lăng xăng gọi cái gì là tâm bất dị ? Ngay đó chỉ bày không ra. Hoặc có người nói : "Mặc cho các pháp hiển bày trước mắt, ta chỉ dùng cái lý "Bất dị" để chiếu soi, tức là chẳng khác". Ôi, nếu nói như thế, lại càng thêm nhiều khác biệt nữa !

KỆ KẾT THÚC

Tâm chẳng khác biệt đồng vạn pháp,

Nắm tay chỉ thể dọa trẻ con.

Cứ theo hình vẽ đồ cho giống,

Lừa gạt người đời khi nào thôi.

Tác giả bài viết: thichdaophat

Nguồn tin: Tông Phong Tàng Thư