Tín Tâm Minh Tịch Nghĩa Giải - phần I

từ câu 1 tới câu 12
Đường ngôn ngữ chấm dứt, chẳng phải quá khứ hiện tại vị lai.

l. CHÍ ĐẠO VÔ NAN, DUY HIỀM GIẢN TRẠCH.

DỊCH : Đạo cùng tột chẳng có gì khó, chỉ vì phân biệt mới thành khó.

LỜI KHAI THỊ

Thể dụng của Tự-tánh cùng khắp hư-không, trí tuệ của con người chẳng thể suy lường. Mở cửa nhà lớn nhiệm mầu vô biên, vượt trên vạn trượng chiều sâu mà không đáy. Cơ-xảo của chư Tổ như : Tiếng hét Kim-cang-vương của Lâm Tế sấm sét oanh liệt, muốn nhìn bóng cũng còn khó, huống là thấy hình; Uy thế cây gậy của Đức Sơn như gió bão điện chớp, đuổi theo không kịp. Đào tạo ra chư Tổ chẳng cho mình có công lao, gánh biển vác núi chẳng cần ra sức. Ông già Thích-ca thuyết Pháp 49 năm, bàn tay chỉ có thể nắm bắt hư-không, 1700 Bạch-niêm-tặc (ám chỉ Tổ-sư đã kiến Tánh triệt để) có miệng chỉ có thể treo trên vách tường. Rất sẵn sàng mà khó hiểu biết, muốn ngay trước mặt chỉ bảo họ, thì gai gốc đã nổi đầy trước cửa.

LỜI NGHĨA GIẢI

Tổ-sư nói "CHÍ ĐẠO VÔ NAN, DUY HIỀM GIẢN TRẠCH". Người-giải-nghĩa rằng : 2 câu nầy là cương yếu, cũng là bản chỉ của bài MINH. Nhưng một chữ Tin bao gồm ngộ chứng, chẳng phải chữ tin của tín hạnh. Cũng như các vị trong hội Pháp Hoa, lãnh hội quyền-trí nhập vào thật-trí, lập ra Phẩm Tín Giải để tỏ bày nguyện vọng. Chư Tổ thấy đó gọi là Chí-đạo, chư Phật chứng đó gọi là Bồ-đề, chúng sanh mê đó gọi là Vô-minh, Giáo-môn hiển bày đó gọi là Biển-giác, đều là tên gọi khác biệt của một Tâm, cho đến bao gồm danh tướng, thấu nhập sắc không, muôn ngàn đề mục, đường lối dù khác nhau, đâu có sai trái tốt xấu, cũng không có ngăn cách mê ngộ, tất cả đều do đây mà hiển bày. Như cây bách của Triệu Châu, vòng kim cang của Dương Kỳ, cái chậu đất bể của Mật Am, bánh sắt có nhân của Động Sơn, giống như dị đoan cùng tà pháp sôi nổi, vậy thì biết lời nói "CHÍ ĐẠO" đã hiện hành rồi. Do đó, thông suốt lý sự, dung thấu cổ kim, cho là "VÔ NAN" đã thành lời thừa. Nhưng Thánh phàm nhiễm tịnh, trước mắt toàn Chân, nếu sanh ra tình thức phân biệt thì trái hẳn với Chí-thể (Tự-tánh), nên mới nói "DUY HIỀM GIẢN TRẠCH" vậy. Lời văn sau này dù khác, thảy đều không ngoài ý này.

TỊCH NGHĨA GIẢI (tịch là phủ nhận)

Hình như giống nhau, giống mà chẳng đồng. Lại, hai chữ CHÍ ĐẠO, dẫu cho ông dùng hết ý thức để giải thích, đối với tông-chỉ của VÔ NAN, cần phải tương ưng mới được. Nếu chẳng phải tự Tâm khai-ngộ, âm thầm khế hợp bất khả tư nghì, dứt hẳn tri kiến, siêu việt ngữ ngôn danh tướng, muốn trông thấy tông-chỉ của VÔ NAN, chẳng những xa cách như Trời với đất, ở nơi căn và cảnh tương đối, đủ thứ sai biệt, nếu không thể ngay đó giải thoát, mà muốn đem cái Đạo-lý vô nan không giản trạch đó tồn chứa trong lòng, thì đâu chỉ nhận giặc làm con mà thôi ? Nên ở đây chẳng thể quên lời.

KỆ KẾT THÚC

Chí Đạo không nên chê lựa chọn,

Chớ nói lựa chọn đọa phàm tình.

Cần phải đâm mù mắt mẹ đẻ.

Ban ngày đốt đèn đọc "Minh" này.

2. ĐẢN MẠC TẮNG ÁI, ĐỒNG NHIÊN MINH BẠCH.

DỊCH : Chỉ đừng yêu ghét thì rõ ràng minh bạch.

LỜI KHAI THỊ

Thẳng chẳng phải tùng, co chẳng phải gai, thông chẳng phải hư-không, nghẽn chẳng phải vách tường, là đầu búa không lỗ ném ngay mặt. Trái lại, thẳng vẫn là tùng, co vẫn là gai, thông vẫn là hư-không, nghẽn vẫn là vách tường, vậy trời xanh nước rộng dính liền như cũ. Đêm qua người Ba-tư bắt được tên chánh tặc Tây Thiên trong Nam Hải, đợi Trời sáng đốt đèn xem, thì ra bác Hai Vương ở làng Đông.

LỜI NGHĨA GIẢI

Tổ-sư nói "ĐẢN MẠC TẮNG ÁI, ĐỒNG NHIÊN MINH BẠCH", Người-giải-nghĩa cho rằng : Chán sanh tử, ham Niết-bàn là yêu ghét; bỏ phiền não, lấy Bồ-đề là yêu ghét, hễ ở nơi pháp Thánh phàm chẳng còn mảy may cảm tình yêu ghét, thì Tâm này tự nhiên minh bạch rồi.

TỊCH NGHĨA GIẢI

Thôi thôi ! Dẫu cho ông tất cả đều chẳng yêu ghét, không màng luôn đến cái TA, nhưng đâu biết cái chẳng yêu ghét đó đã thành yêu ghét rồi ? Nếu chẳng phải đích thân thấy chỗ đứng của Tổ-sư (kiến tánh), cứ chú giải như thế, có đúng ý Tổ-sư từ Tây Trúc đến chăng ?

KỆ KẾT THÚC

Trời che, đất chở khắp mọi nơi,

Mặt-trời chiếu soi chẳng thiếu sót.

Lại muốn ngồi trong nghĩa minh bạch,

Chẳng biết hai chân dính nước bùn.

3. HÀO LY HỮU SAI, THIÊN ĐỊA HUYỀN CÁCH.

DỊCH : Xê xích mảy may, cách xa trời đất.

LỜI KHAI THỊ

Có căn cứ nhất định, lại không tiêu chuẩn phép tắc, đem hư-không lấp hư-không, dùng mục đích phá mục đích, mua đá được ngọc, dẫu cho Lục-tổ nói "Chẳng hội"; Đạt-ma nói "Chẳng biết", đều là dời hoa rủ bướm, chỉ hai đường dây dưa này, đã dẫn khởi gai gốc đầy Trời. Bỏ gai gốc, Hải thần chẳng quí Dạ-Minh-Châu, nguyên nắm ném thẳng vào mặt họ.

LỜI NGHĨA GIẢI

Tổ-sư nói "HÀO LY HỮU SAI, THIÊN ĐỊA HUYỀN CÁCH", Người-giải-nghĩa cho rằng : Pháp-môn rộng lớn nầy, dù nói ngộ mê chẳng khác, nếu ngươi còn mảy may tình cảm yêu ghét phân biệt chưa dứt sạch, thì như Trời với đất cách nhau quá xa rồi.

TỊCH NGHĨA GIẢI

Giải nghĩa như thế giống thì giống, phải thì chưa phải. Tại sao ? Vì còn thiếu một tiếng "Ổ" (ngộ), dẫu cho ông mỗi mỗi không sai, lý hợp với Đạo, vẫn còn không khỏi cách xa như Trời với đất.

KỆ KẾT THÚC

Nói chi có sai và không sai,

Đều thành dụi mắt thấy hoa đốm.

Muốn lìa mảy may việc càng nhiều,

Trời đất xưa nay vẫn cách xa.

4. DỤC ĐẮC HIỆN TIỀN, MẠC TỔN THUẬN NGHỊCH.

DỊCH : Muốn được Tự-tánh hiện tiền, chớ còn tập khí thuận nghịch.

LỜI KHAI THỊ

Hai không là đôi, một không là chiếc, buông chẳng lìa, nắm chẳng hợp. Dương Kỳ 10 năm đúc thành vòng kim cương, Đạt-ma 9 năm nhìn vỡ vách tường sắt. Lúc cổ Phật chưa sanh, bóng trăng hiện khắp ngàn sông; khi vũ trụ đã thành, gió mát sung mãn mười phương.

Nói thuận chẳng thuận, nói nghịch đâu nghịch,

Quải-giác-linh-dương ăn gậy sắt, trái cân bóp ra nước vàng ròng (Con linh dương lúc ngủ treo sừng trên cây, dưới đất không có dấu tích, thở không ra tiếng, thợ săn khó tìm, dụ cho Tự-tánh không hình tướng số lượng. Trái cân bóp ra nước là việc vô lý, Tự-tánh ăn gậy sắt cũng là việc vô lý; hai không là đôi, một không là chiếc..., đều là việc vô lý, pháp nào có thể lý giải thì chẳng phải Tự-tánh).

LỜI NGHĨA GIẢI

Tổ-sư nói "DỤC ĐẮC HIỆN TIỀN, MẠC TỔN THUẬN NGHỊCH". Người-giải-nghĩa cho rằng : Tổ-sư nói đến đây thành có mâu thuẫn, tại sao ? Việc này vốn đã hiện tiền, còn muốn đắc cái gì nữa ? Kinh nói "Chánh tánh vô bất thông, thuận nghịch giai phương tiện " (Tự-tánh khắp hư không chẳng có tương đối, nói thuận nói nghịch đều là phương tiện). Ở đây nếu bảo "MẠC TỔN" thì lại thành đoạn diệt rồi, thật ra ý Tổ-sư chẳng phải vậy, chỉ dùng phương tiện khai-thị cho hàng sơ học, cũng như người no (đã ngộ) thì không thèm đồ ăn ngon vậy.

TỊCH NGHĨA GIẢI

Im đi, im đi ! Tổ-sư ở dưới gót chân ngươi, dẫu cho đạp một cái tan nát, vẫn còn phải tham 30 năm nữa.

KỆ KẾT THÚC

Muốn được hiện tiền đuổi theo vọng,

Chẳng còn thuận nghịch trái với chơn.

Sung sướng, đau khổ quên phân biệt,

Cũng là con mắt dính bụi trần.

5. VI THUẬN TƯƠNG TRANH, THỊ VI TÂM BỆNH.

DỊCH : Thuận nghịch tranh nhau, ấy là tâm bệnh.

LỜI KHAI THỊ

Bệnh chẳng phải tâm, tâm chẳng phải bệnh, chớ đem cái cây hàng rào hữu lậu, cho là cán gáo múc nước sông. Tâm chẳng lìa thân, cũng chẳng phải tức là thân, cho là khác nhau thì bệnh càng nặng. Giải thích Công-án " Nhựt diện Phật" của Mã Tổ thì bệnh nặng càng nặng thêm. Chỗ tình chấp chưa dứt sạch thì dùng cam-lồ cũng có thể giết người; khi cơ phong khế hợp thì dùng thuốc độc Tỳ-sương cũng cứu được mạng.

Từ khi phương thuốc đua nhau truyền,

Đầu búa không lỗ sanh nhiều bệnh.

LỜI NGHĨA GIẢI

Tổ-sư nói : "VI THUẬN TƯƠNG TRANH, THỊ VI TÂM BỆNH", Người-giải-nghĩa cho rằng : sanh tử vô thường là tâm bệnh, kiến văn giác tri là tâm bệnh, tham-thiền học Đạo là tâm bệnh, thành Phật làm Tổ là tâm bệnh; cần phải quên cả thuận nghịch, bặt cả Thánh-phàm, muôn niệm đều bỏ, một lối không tịch, chẳng nhờ thuốc thần diệu quí báu, thì cái gọi là "Tâm-bệnh" đó, tự nhiên không có chỗ đặt để rồi.

TỊCH NGHĨA GIẢI

Than ôi ! Phật-pháp suy đồi, Tổ đình hoang vu, người bị mắc tâm bệnh cùng khắp thế gian, đều là kẻ tri giải nhập tâm, chấp thuốc thành bệnh, đó không phải là việc lạ, dẫu cho Kỳ Bà (Thần-y đời xưa) tái thế cũng không cứu được bọn này.

KỆ KẾT THÚC

Thuận nghịch tranh nhau tâm sanh bệnh,

Thuận nghịch đều quên bệnh sanh tâm.

Xưa nay tâm bệnh chết liên tiếp,

Lại khoe phương thuốc hay như Thần.

6. BẤT THỨC HUYỀN CHỈ, ĐỔ LAO NIỆM TỊNH.

DỊCH : Chẳng biết huyền-chỉ, uổng công niệm tịnh.

LỜI KHAI THỊ

Cả Đại-địa là bánh xe sắt lửa hồng, là Đại-viên-cảnh-trí, con chồn con trâu nay vốn chẳng mê. Di-lặc, Thích-ca xưa cũng đâu chứng. Mây trắng lững lờ chẳng nắm chẳng buông, Mặt-trăng qua lại đâu động đâu tịnh; gom trần sa trong vòng Pháp-giới, nhốt Pháp-giới trong hang Thái-hư. Lúc một người phát chơn quy nguyên (Kiến-tánh) thì mười phương hư-không thảy đều tiêu mất là thế nào ?

Con tò vò nuốt mất núi Tu-di,

Con khỉ giật mình xuất Đại-định.

LỜI NGHĨA GIẢI

Tổ-sư nói "BẤT THỨC HUYỀN CHỈ, ĐỔ LAO NIỆM TỊNH". Người-giải-nghĩa cho rằng : Huyền-chỉ tức chí Đạo, thể đồng tên khác, nếu chẳng biết được, dẫu cho niệm tịnh trải qua Hằng-sa kiếp tu chứng đủ loại, cũng là ngoài tâm cầu Pháp, chỉ tự thêm lao nhọc, Tổ-sư cũng không chấp nhận.

TỊCH NGHĨA GIẢI

Huyền-chỉ như kiếm bén Kim-cang, kẻ chẳng biết cố nhiên là tán thân mất mạng, biết được cũng không khỏi chạm nhằm bị thương. Vậy có phương tiện nào tránh khỏi được hai lỗi này ?

KỆ KẾT THÚC

Huyền-chỉ có ai tự biết được ?

Thích-ca, Di-lặc còn đang mơ.

Đáng thương cho kẻ chìm không-tịch,

Cô đơn ở núi lạnh nhiều năm.

7. VIÊN ĐỔNG THÁI HƯ, VÔ KHIẾM VÔ DƯ.

DỊCH : Tròn đồng Thái-hư, không thiếu không dư.

LỜI KHAI THỊ

Vốn chẳng dư thiếu, lại có tính toán. Trang Chu gọi "Vạn vật là con ngựa", Long Môn cho "Mười phương là con lừa". Giống như chung một đường, lại là chẳng cùng lối. Có nước mới được bóng trăng hiện, vô tâm khó đắc Dạ Minh Châu.

LỜI NGHĨA GIẢI

Tổ-sư nói "VIÊN ĐỔNG THÁI HƯ, VÔ KHIẾM VÔ DƯ". Tòng-lâm bàn nhau rằng : Tâm này nơi Thánh chẳng thêm, nơi phàm chẳng bớt, tròn như hư-không, mỗi mỗi đầy đủ.

TỊCH NGHĨA GIẢI

Nói như thế, khác chi người đi tham học các nơi, ngồi chưa ấm chiếu, đem những lời nầy chứa đầy bụng, chỉ có thể dùng để đàm luận mà thôi, hễ gặp một việc nào có dính chút lợi ích của mình, thì cái niệm so sánh đắc thất nổi dậy ùn ùn, muốn khiến cho "VIÊN ĐỔNG THÁI HƯ" đâu có thể được ? Đối với việc này cần phải Diệu-ngộ, ngộ rồi đâu còn cảnh thứ hai để làm đối đãi ư ?

KỆ KẾT THÚC

Tò-vò làm ổ trên mi muỗi,

Muốn cùng Đại-bàng nối cánh bay.

Nếu cho hư-không chẳng thiếu kém,

Mở mắt bị nhốt trong chiêm bao.

8. LƯƠNG DO THỦ XẢ, SỞ DĨ BẤT NHƯ.

DỊCH : Bởi do thủ xả, cho nên bất như (như là đúng như Tự-tánh).

LỜI KHAI THỊ

Tiến Phước nói "Mạc" (đừng), Triệu Châu nói "Vô" (không), Tuyết Phong phóng ra con ba ba Nam Sơn, Vân Môn đánh chết cá Lý-ngư Đông Hải. Hưng Hóa đi dự Trai-tăng thôn làng vào trong cổ miếu tránh gió bão; Đơn Hà thiêu Phật gỗ, làm cho Viện-chủ rụng lông mày... Những việc kể trên, đã nghi chết biết bao Đại-trượng-phu.

LỜI NGHĨA GIẢI

Tổ-sư nói : "LƯƠNG DO THỦ XẢ, SỞ DĨ BẤT NHƯ". Người-giải-nghĩa cho rằng : Tâm này đã tròn như Thái-hư, không thiếu tướng nào, tất cả đều "Như". Nếu ngươi ở trong pháp nhiễm tịnh vừa sanh tâm thủ xả, thì "BẤT NHƯ" rồi.

TỊCH NGHĨA GIẢI

Nếu là bậc Tu-sĩ tham học chơn chánh, thấy người nói những lời này, liền phun nước miếng vào mặt họ mà chẳng phải tánh nóng, vì tượng rồng chẳng thể làm mưa được.

KỆ KẾT THÚC

Hai việc thủ xả đã bất như,

Con trâu ai dám gọi con lừa.

Bản-thể kim cang khắp Pháp-giới,

Cũng là dưới hàm trồng lại râu.

9. MẠC TRỤC HỮU DUYÊN, VẬT TRỤ KHÔNG NHẪN.

DỊCH : Đừng theo nơi có, chớ trụ nơi không.

LỜI KHAI THỊ

Vạn vật lăng xăng, con người ngu độn, lìa tướng lìa danh, có ai không hiểu. Vì sao Đạt-ma phân da phân tủy, Lâm Tế lập chủ lập khách, làm cho con cháu lăn lộn tìm. (Sơ-tổ Đạt-ma khám xét môn đồ, có kẻ được da, có kẻ được thịt, có kẻ được xương, cuối cùng Huệ Khả được tủy, kế làm Nhị-tổ).

LỜI NGHĨA GIẢI

Tổ-sư nói "MẠC TRỤC HỮU DUYÊN, VẬT TRỤ KHÔNG NHẪN", Người-giải-nghĩa cho rằng : Cả 2 đều hư huyễn, khởi tâm chấp trước thì thủ xả tranh nhau, một niệm chẳng sanh, thường ở Trung-đạo, tức là Đạo-nhân giải thoát.

TỊCH NGHĨA GIẢI

Sai lầm ! Đợi ngươi biết là giải thoát, đã lọt vào ngoan-không rồi. Nếu là bậc ngộ Tâm chân thật thì hữu duyên và không nhẫn há ở bên ngoài giải thoát ư ?

KỆ KẾT THÚC

Đừng theo nơi có, còn là dễ,

Chớ trụ nơi không, mới thực khó.

Hai đầu khó dễ đều chấm dứt,

Tổ-đình y xưa chẳng dính dáng.

10. NHẤT CHỦNG BÌNH HOÀI, DÂN NHIÊN TỰ TẬN.

DỊCH : Trọn một bình đẳng, tuyệt nhiên tự sạch.

LỜI KHAI THỊ

Đạo-tràng chẳng động, Pháp vốn vô-sanh. Trăng sáng thấu song cửa, gió mát đầy bình phong, chỗ có Phật chẳng được trụ, dùng sắt gói tim đèn. Chỗ không Phật chạy mau qua, bông đẹp trải gấm lụa. Ngoài ba ngàn dặm tìm bông hái, mười phương hư-không đều tiêu mất. Dễ thương lượng, khó định chuẩn, trâu đất đáy biển ăn roi sắt, bên đầu trăm cỏ gió lạnh lùng.

LỜI NGHĨA GIẢI

Tổ-sư nói "NHẤT CHỦNG BÌNH HOÀI, DÂN NHIÊN TỰ TẬN", Người-giải-nghĩa cho rằng : Tình chấp thủ xả đã sạch, tri kiến Thánh-phàm không nơi nương tựa, tự nhiên tất cả chỗ đều bình thường, tất cả chỗ tịch diệt.

TỊCH NGHĨA GIẢI

Ban ngày không ngủ, đừng có nói mớ. Như nay mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, gọi cái gì bình thường hay không bình thường ?

KỆ KẾT THÚC

Tuyệt nhiên sạch hết chẳng ngằn mé,

Bên đầu trăm cỏ mở Chánh-nhãn.

Sanh-tử, Niết-bàn đều bóp nát

Chẳng biết bình thường đặt nơi nào.

11. CHỈ ĐỘNG QUY CHỈ, CHỈ CÁNH DI ĐỘNG.

DỊCH : Ngăn động trở về tịnh, tịnh ấy càng thêm động.

LỜI KHAI THỊ

Nói quanh lao nhọc danh tướng, nói thẳng chẳng có dài dòng. Nói quanh tạm gác một bên, thế nào là nói thẳng ? Trương Tam, ăn gậy sắt, Lý Tứ chịu đớn đau; người sống vào quan-tài, người chết đi đưa đám. Quan-âm mất hết thần thông, lại bị con nít chọc ghẹo. Nói thẳng tạm gác một bên, nói quanh lại là thế nào ?

Hoa giác ngộ phải trồng nơi Tự-tánh,

Hạt giống Phật nên gieo trên Tâm-địa.

LỜI NGHĨA GIẢI

Tổ-sư nói "CHỈ ĐỘNG QUY CHỈ, CHỈ CÁNH DI ĐỘNG". Người-giải-nghĩa cho rằng : Chân-tâm trạm nhiên luôn luôn bất động, xưa nay lưu chuyển đều do vọng-kiến, vậy động đã là vọng, tịnh cũng là vọng, dùng vọng để ngăn vọng, giống như ôm củi chữa lửa, chỉ thêm cháy mạnh. Lấy lời Pháp-sư Tăng Triệu dẫn chứng rằng : "Muốn tìm chỗ bất động, đâu phải buông động để cầu tịnh, ắt phải cầu tịnh ở nơi động. Vì cầu tịnh ở nơi động, dù động mà thường tịnh; chẳng buông động để cầu tịnh, dù tịnh mà chẳng lìa động". Thế thì, động chẳng tướng động, tịnh chẳng tướng tịnh, như trong Kinh nói "Hai tướng động tịnh rõ ràng không sanh", bởi vì rõ biết động tịnh đều là cảnh vọng, các vọng đã tiêu thì hai tướng đâu còn ?

TỊCH NGHĨA GIẢI

Thôi thôi ! Động là núi bạc, tịnh là vách sắt. Nếu chưa từng đập nát, mà muốn hai tướng kia không sanh thì còn cách xa quá.

KỆ KẾT THÚC

Ngọn lửa đâu cho ruồi muỗi đậu,

Lưỡi kiếm chẳng cho thân trần đụng.

Nhà kín Đạt-ma không cửa nẻo,

Nắm tay lôi kéo chẳng ai vào.

12. DUY TRỆ LƯỠNG BIÊN, NINH TRI NHẤT CHỦNG.

DỊCH : Hễ kẹt hai bên, đâu biết vốn một.

LỜI KHAI THỊ

Nhìn phải nhìn trái, Đông nổi Tây lặn, ló ra đầu búa không lỗ, đập thũng đáy thùng sơn đen. Chân-nhân vô địa vị, bạt tai núi Tu-di một cái, khiến cho Bồ-tát Hư-không-tạng đứng giữa ngã tư đường chấp tay nói rằng : "Cúi xin trân trọng". Tại sao có những việc trên như thế ?

LỜI NGHĨA GIẢI

Tổ-sư nói "DUY TRỆ LƯỠNG BIÊN, NINH TRI NHẤT CHỦNG", Người-giải-nghĩa cho rằng : LƯỠNG BIÊN là 2 tướng động tịnh, NHẤT CHỦNG là toàn thể không khác. Đây là lời giải thích 2 câu trên, phải biết động tịnh nhị biên, vọng thì cùng vọng, chân thì cùng chân, đâu có hai thứ ?

TỊCH NGHĨA GIẢI

Im đi, im đi ! Đừng đem kiến-giải vô dụng đã học được, để chôn vùi Chân-tâm của Tổ-sư.

KỆ KẾT THÚC

Thị nhất chủng hay phi nhất chủng,

Thị phi hết chấp có ai biết.

Chớ đem đá rêu xanh trong tuyết,

Cho là cò trắng đứng dưới sông.

Phần 1phần 2phần 3phần 4phần 5phần 6.

Tác giả bài viết: Liễu Phàm

Nguồn tin: Tông Phong Tàng Thư