Thiền thất khai thị luc - phần V

Thất thứ năm từ ngày thứ 2 ->5

29. KHAI THỊ: Ngày 15 tháng 11 (Thất năm ngày thứ hai)

Những điều ta nói trong bốn Thất trước đều là dạy các ông dụng công. Ban đầu không biết dụng công để làm gì, lại cũng chẳng biết cái gì gọi là dụng công, dần dần biết cần dụng công, lại chẳng biết được pháp dụng công như thế nào, hạ thủ nơi nào ? Lại nữa, lúc mới biết câu thoại-đầu cũng chẳng tin lắm, đây đều là trình tự đã qua của các ông.

Cho nên từ trước tới nay cứ nói vì sao mà phải dụng công. Nhưng con đường hạ thủ công phu, đường lối nhiều lắm cho nên cần phải dẫn dắt các ông đi con đường chính nầy, vì các ông mà quét dọn sạch sẽ các chông gai trên đường đi, bảo các ông đi con đường nầy, không cho có tí chướng ngại nào, nói ra từng lớp lang một cho các ông nghe.

Hôm nay thì đã Đả được bốn Thất, các ông không biết cũng biết rồi, không dụng công cũng muốn dụng công, người không chịu đi trên con đường nầy thì cũng theo con đường nầy mà đi đến; mọi người đều đã lên đường không thể có chuyện nói là chưa lên đường được.

Muốn vì các ông mà nói chuyện công phu. Nhưng trong lúc các ông còn có một số đông người ngay cả câu thoại-đầu cũng không tin tưởng thì làm sao tham, làm sao nổi nghi-tình được, một lần cũng chẳng làm lấy một tí gì, người ta bước ông cũng theo đó mà bước, người ta ngồi ông cũng theo đó mà ngồi, căn bản chẳng động đến gót chân thì đâu nói được là đã lên đường và đi con đường chính được ?

Nếu các ông như vậy thì cái chuyện của công phu có còn muốn nói không ? Nếu nói thì cũng chẳng được tác dụng gì. Đáng lẽ thì không mở miệng, nhưng không nói không được; đại khái có một vị lại cần ta nói trình tự công phu, dẫu cho một người cũng không có, ta cũng chẳng vì không có mà không nói.

Các ông cho rằng ta chẳng mở miệng được ấy là các ông đã dụng công phu đến chỗ không mở miệng được rồi; các ông thực đã dụng công phu đến chỗ không mở miệng được. Ta đi ba vòng, ta nói cái chẳng nói, các ông nghe cái không nghe : Nói cái chẳng nói ấy là Chân-ngôn, nghe cái không nghe ấy là Chân-thính, thế thì tốt lắm ! Chỉ sợ chẳng phải cái không mở miệng được đó thôi ! Bởi vì trình độ công phu của các ông không có tí nào cả.

Có thể lời của ta nói ở phía trước, các ông lại theo lời ta nói mà đi ở phía sau, tỷ như đi đường, ta ở trước một dặm, ông ở sau một dặm; Các ông thấy được ta, ta cũng thấy được các ông, như thế mới đúng.

Hôm nay chỉ có mình ta nói ở phía trước, các ông ở phía sau theo không kịp, ta giảng được mười dặm, tám dặm rồi các ông một dặm cũng chưa đi được; các ông không thấy được ta, ta cũng không thấy được các ông. Ta giảng về hướng nam, các ông lại đi về phía bắc, như thế còn đúng được chăng ? Lời ta nói ra có còn được gọi là ngôn hành tương ứng chăng ? Đã không tương ứng được thì không cần mở miệng sao ? Vì công phu các ông không theo kịp ta nên ta không cần mở miệng.

Hoặc giả có người nói : "Thầy nói công phu như thế e là nói oan cho người ta", cũng cho là nói oan người đi, nhưng dù ta nói oan ông thì cũng là chuyện rất tốt, chỉ sợ là không nói oan đó thôi.

Các ông có cho là : "Thầy đâu biết được trong lòng người ta". Tuy tâm ông nằm ở trong bụng ông, người các ông đứng ở nơi nầy, ta nhìn qua một cái thì thấy rõ ràng hết, như cái bình pha lê vậy; thấy rõ tim gan ngũ tạng bên trong chẳng sai tí nào, việc ở trong tâm ngươi, thế ta còn không thấy được chăng ? Ta còn nói oan các ông chăng ?

Việc chốn Thiền-tông không phải nói qua là xong, cũng chẳng phải phó thác cho ngày sau được. Giáo-môn khi khai tòa giảng Kinh, khi xuống tòa giảng có thể ngủ nghỉ, bước ra ngoài đi tản bộ, bởi vì ngày hôm nay giảng qua rồi thì sự hành để đến ngày sau cũng được. Thiền-tông không như vậy, hôm nay phải nói cái hành của ngày hôm nay, ngày mai nói cái hành của ngày mai, điều ta nói lại là điều các ông hành; điều các ông hành lại là điều ta nói, ngôn hành cần tương ứng với nhau; nếu ngôn hành không tương ứng thì đây không phải là việc trong Thiền-tông.

Trong các ông còn nhiều người từ trước khi chưa vào Thiền-đường tưởng rằng Thiền-đường rất là cao quý, là nơi xuất thân của Pháp, của thập phương Chư Phật, Bồ-tát, Chư Tổ-sư, phương pháp của Thiền-tông rất huyền diệu rất đáng tin tưởng. Hôm nay ở Thiền-đường thì trái ngược lại, cảm thấy : "Không tốt, bên ngoài nói Thiền-đường hay tốt thế nào mà từ lúc vào Thiền-đường đến nay, Thất cũng Đả được ba, bốn kỳ mà cũng chẳng có gì là đáng kể, thì ra chẳng qua chỉ có thế mà thôi ! Ở bên ngoài nghe chuyện người ta nói e là người ta gạt mình ! Nay phải tính đến cái việc gì khác để cho mình làm mới được."

Loại người các ông như thế thì thật đáng tiếc, đáng buồn ! Đúng là không thể nói được. Ta cũng muốn chỉ cho các ông cái nguyên nhân của loại bệnh này, làm cho các ông biết là bệnh để có thể tiến tới trước được; loại người nầy thì hình bóng câu thoại-đầu cũng không có.

Ta hỏi ông : Thế câu thoại-đầu các ông còn hình bóng nào của nó không ? Không những không còn mà còn cho là : "Không tốt đâu ! những việc tôi học được, điều tôi lãnh hội được v.v... trước kia hễ đề lên một vấn đề gì thì dường như các câu nói đều có thể cuồn cuộn tuôn ra. Hôm nay, ở nơi Thiền-đường đả-thất thì trái lại văn chương nghĩ không ra như trống trong bụng tựa hồ chẳng tương ứng. Vậy không thể đả-thất được nữa ! Đả nữa thì sợ biết bao nhiêu điều tôi đã phí công học được ở các Kinh Lăng Nghiêm, Pháp Hoa đều quên đi mất hết ! E rằng phải uổng phí biết bao kinh tế, bao nhiêu khốn khổ, như vậy thì Thất chẳng mong Đả rồi ! Chỉ Đả làm cho bụng trống không thôi !". Ông còn có loại tâm lý nầy; ta nói các ông không được làm sai ! Đây là việc tốt không phải việc hỏng, các ông có tin không ?

Ta nói sự học được các ông hãy quên hết, sự lãnh hội các ông hãy quên hết, còn là việc không đáng kể, còn muốn các ông quên luôn cả người học là người gì, ngay cả người lãnh hội được là người gì cũng quên hết luôn.

Mọi người các ông hãy lãnh hội ý của ta một chút, cần phải thâm nhập ý của ta thêm một lớp, quên luôn cả câu hỏi của ta về cái các ông học được, có quên người học được chưa ? Tiếc thay ! Điều học được hãy còn đầy bụng thì nào chịu quên đi được ! Ngày ngày ngồi xuống còn muốn dò đi dò lại cứ sợ quên mất, quên cả người học thì làm sao nói cho xong ?

Trong Thiền-tông việc đầu tiên là cần các ông quét cho trống rỗng, cần các ông quên hết. Hãy quét cho trống đi, hãy quên hết đi ! lúc bấy giờ ta sẽ cùng các ông thương lượng. Vì sao các ông chẳng quét cho trống rỗng ? Không chịu quên ? Trên thế giới việc gì cũng muốn nói cầu tiến bộ, cho là các ông học theo Giáo-môn thì cũng muốn tiến bộ.

Hôm nay các ông ở Thiền-đường vì sanh tử đại sự, cầu thành Phật, làm Tổ thì làm sao không nói tiến bộ được ? Điều đã học đã lãnh hội quên đi chút ít còn không muốn; các ông tự mình hãy nghĩ xem có đáng tiếc không ? Vì thế cho nên muốn tất cả các ông nhận thức được, có thể quên đi cái năng học sở học của mình đó là việc tốt, chẳng quên thì còn phải mạnh dạn quên đi mới đúng.

Vậy là người các ông không dụng công, chỉ biết đả-thất thấy rất tốt, ngồi ngồi, đi đi, ngủ ngủ một chút cũng không sợ, rất là thọ dụng.

Người dụng công trái lại nội tâm phiền toái thân tâm chẳng yên. Vì sao vậy ? Bởi vì người dụng công ấy biết rằng việc sanh tử chưa liễu thoát thì không được; sanh tử của ta là khổ, sanh tử của chúng sanh ở chốn Đại-địa lại càng khổ hơn. Nếu muốn làm cho họ lìa khổ ta tất cần lìa khổ trước đã, rồi sau mới độ cái khổ của họ.

Ta muốn lìa khổ mà không dụng công thì không được, ta muốn độ chúng sanh thoát khổ mà không dụng công cũng không được. Cho nên từ sáng tới tối khắc khắc công phu, thời thời thực hiện công phu, rất sợ đánh mất công phu. Nói chung, muốn công phu thành phiến, vì không được thành phiến thì phải cứ tự mình trách mình, vì việc Đại-sự chưa rõ thì như thế chẳng yên.

Nhưng mà, mọi người các ông ở đây có còn được nửa số người như thế không ? hay là một phần ba ! E rằng cũng chẳng có : Giả sử có được một hai thì cũng tốt ! Còn kể được là Đạo-tràng. Nếu một người cũng không có thì câu nầy làm sao nói ra được ? Bảo ta mở miệng nói thì có ý vị gì chăng ?

Các ông hãy nghĩ xem, ta thấy các ông đều có ý nói : "Nhà Chùa thật làm khó chúng tôi lắm ! Đả được tám Thất thì thôi, vì sao phải thêm hai Thất nữa ?! Đây không phải là làm khó chúng tôi sao ? Còn nói cho dễ nghe là thành tựu cho chúng tôi ! Thành thực chẳng cần nhà Chùa thành tựu, giải Thất sớm được chút ít để cho chúng tôi được nghỉ ngơi còn sướng hơn". Đâu còn đòi chuyện tinh tấn, dũng mãnh nữa ! Muốn cho sung sướng, thích ý mới đúng. Đúng không ?

Các ông nghĩ xem như thế còn là người hành Đạo chăng ? Các ông còn phải thành thực chịu thêm một phen khổ sở, sự ham sung sướng, thích ý, tuyệt đối là không được. Hãy đề lên câu thoại-đầu mà tham đi thì mới được sự thọ dụng.

Hãy tham đi !

30. KHAI THỊ: Ngày 16 tháng 11 (Thất năm ngày thứ ba)

"Một niệm bất giác sanh tam tế, cảnh duyên mới động thành lục thô". Chuyện trong Thiền-tông chẳng cần hỏi đến, căn trần, ngũ thức, lục thức, thất thức, bát thức, mà chỉ cần nói đến thô và tế. Đối với câu thoại-đầu thì đương nhiên phải nói rồi : Vì đây là phương pháp phát minh cái bản hữu của chúng ta.

Mặc dù nó có thể phát minh được cái bản hữu không; không nói cũng không làm cho chúng ta hành theo cách nầy được. Hoặc giả có người nói : "Đã có nói, có giảng không phải là Giáo-môn sao ?" Các ông nghĩ thế là sai rồi ! Điều mà trong Thiền-tông có nói, có giảng không giống như của Giáo-môn, cũng không giống với Thiền-tông; trái lại thì cũng giống với Giáo-môn, cũng giống với Thiền-tông, giống như Phật, như Tổ, giống thì hết thảy đều giống, đồng thì hết thảy đều đồng.

Hôm nay giảng về sự "Thô" với các ông : Trong Thiền-tông vốn cái "Tế" cũng còn bất khả đắc thì còn nói gì đến "Thô" ? Kỳ thực là phương tiện của phương tiện, vì các ông là người trung hạ căn cho nên không giảng không được; người thượng căn lợi trí thì mau chóng nhập thẳng vào chẳng nhờ nói "Thô" với "Tế".

Thế nào là người trung hạ căn ? bởi vì so với người thượng căn thì kém một tí cho nên gọi là người trung hạ căn. E rằng gọi là người trung hạ căn là còn khách sáo với các ông. Tại sao vậy ? Cái thô nầy các ông có biết chăng ? Nó là cái gì ? Lớn hay nhỏ ? Tròn hay vuông ! Các ông có hiểu được chăng ? Các ông hiểu được thì nói cho ta biết !

Các ông có được người như thế ta cho ông là người trung hạ căn; sợ các ông không có một người nào biết, luôn cả cái hình bóng "Thô" nầy cũng không hiểu được thì đâu còn nói được là người trung hạ căn ? Nói là người hạ hạ căn còn là miễn cưỡng, nói là trung hạ căn là khách sáo đấy ! Nhưng mà cứu cánh cái "Thô" nầy là cái thế nào ? Được bao to ? Sợ còn không dễ gì biết được. Ta cho các ông biết, sợ không dễ gì biết được rõ.

Nói sơ lược để các ông nghe : Hôm nay các ông dụng công mà dụng không xong ấy là thô, không tin dụng công ấy là thô, không tin câu thoại-đầu là thô, nghi-tình không nổi lên được cũng là thô, sợ chịu khổ là thô, muốn sung sướng cũng là thô, ông nói có được bao lớn ? Loài hữu tình lớn nhất là Kim Xí Điểu cũng chẳng to được như nó.

Nó đã có cái to như vậy thì làm sao không thấy ? Bởi vì tất cả chúng ta đều ở trong cái thô. Tỷ như Mặt-trời trên không tuy có mây trắng che lấp, nhưng cũng có ít nhiều ánh sáng; giả sử có một đám mây đen che khuất cả, đưa bàn tay ra cũng nhìn không thấy gì; giả sử có một người suốt đời ở trong chốn tối tăm nầy sống qua ngày, một chân bùn, một chân cứt chó, hỏi đến anh ta : "Dưới chân là bùn lầy chăng ?". Anh ta đáp "Phải". Lại hỏi : "Còn có cứt chó hay không ?". Anh ta đáp : "Không có, đấy là bùn". Chân đạp cứt chó mà cho là đất bùn cũng không biết rốt cuộc hỏi anh ta đất bùn là cái gì thì anh ta lại không mở miệng được.

Tại sao vậy ? Vì từ trước đến giờ chưa thấy được qua thì làm sao biết được là cái gì ? Cũng bằng sự tham-thiền trong chúng ta, như Mặt-trời trên hư-không, vì bị nghiệp chướng che khuất mới tựa như một đám mây mù. Ngày nay đã tạo nghiệp, ngày mai cũng tạo nghiệp, lâu dần đi rồi thì cũng như mây đen thôi, giống như mây đen làm cho ánh sáng bổn-lai của chúng ta bị che khuất hết. Hôm nay hỏi đến ông : "Thô là cái gì ?", không mở miệng được vì không thấy qua thì đâu có biết được ? Cũng như thấy bùn ở chỗ đen tối vậy.

Các ông nghĩ xem : Bị cái thô chướng nầy làm cho ánh sáng bổn lai của các ông bị chướng ngại hết. Hôm nay ở tại nơi này còn cứ cho là : "Tốt lắm". Từ trước đến nay ông đều ở trong cái chướng nầy, ngay cả cái chướng nầy cũng không hiểu được, còn đâu mà nói thô với chẳng thô ?

Câu nói trong thô ngoài thô nầy còn ổn được chăng ? Hôm nay bảo các ông việc Thiên-hạ không cần tin, cần tin cái tự nơi mình, các ông tại sao không tin chính mình ? Ấy là bị thô chướng nó làm chướng ngại rồi !

Bất cứ Pháp-môn nào cũng không cần ông tin, chỉ cần các ông tin cái phương pháp của câu thoại-đầu nầy. Các ông còn không chịu tin, tại sao vậy ? Cũng là bị thô chướng làm cho chướng ngại rồi !

Nếu các ông là người có chút ít tri thức hướng thượng, có lòng kiên quyết thoát sanh tử, nói rằng : "Thiên-hạ bị nó làm chướng ngại thì có thể được chứ ta thì không thể nào bị nó làm cho chướng ngại; nếu ta bị nó làm cho chướng ngại thì ta còn được kể là người tham-thiền sao ?" Cứ tự mình thương lượng kế hoạch với mình, cũng không phải là việc kỳ lạ, cũng chẳng phải là việc khó, ấy là không tin vào mình, không tin vào câu thoại-đầu.

Hôm nay ta không tin không được, cho ông có bị rất nhiều chướng ngại đi nữa, ta vẫn muốn đả phá ông; không có việc khác, chỉ cần tin câu thoại-đầu thì có thể đả phá được sự chướng ngại. Bị nó làm cho chướng ngại rồi thì chẳng tin, không bị chướng ngại thì tin liền, điều nầy thật rõ ràng.

Ta nói như vậy các ông người có Đạo-tâm đương nhiên có chỗ lãnh hội. Ta nói các ông không tin câu thoại-đầu, xin các ông hãy tin lấy câu thoại-đầu chốc lát, đề lên mà tham, đợi đến khi các ông biết được ít mùi vị thì biết là khác rồi !

Tại sao vậy ? Nếu ông tham câu thoại-đầu chốc lát, chẳng minh bạch thì cứ truy cứu chỗ nầy : Là người nào ? Đáo để là ai ? À ! Dường như có món đồ vậy, đại khái tức là chính ta vậy ! Lại tham cứu nữa, không sai ! Chính là ta ! Tuy không hoàn toàn tin song chung quy bị ta thấy một tí cũng như Mặt-trời bị mây đen che trên không, bỗng đâu mây đen tan đi chỉ còn mây trắng vậy.

Như thế thì Mặt trời bị mây trắng che còn có thể thấy được thì cái bản lai diện mục của ta đã bị cái chướng che khuất cả; ngày hôm nay có dẹp được chút ít chướng ngại đương nhiên sẽ thấy được chút ít, không được hoàn toàn rõ ràng cũng như có một chút mây trắng vậy.

Từ sau khi tự mình thấy được, ấy mới là thực tế, từ vô lượng kiếp đến nay chưa từng thấy qua lần nào, các ông hôm nay đã thấy được "Mình" rồi. Ta hỏi ông lần nữa : "Có tin câu thoại-đầu chăng ?" Các ông nhất định nói : "Không tin ! Ta thấy được mình ta thì thôi ! Còn tin câu thoại-đầu làm gì ?"

Các ông lại sai rồi ! Các ông thấy được mình, tại sao mà thấy được ? Các ông phải hiểu : Tham câu thoại-đầu một phen chịu khổ sở, hôm nay cũng mài, ngày mai cũng giũa; bản thân các ông là do cái khổ của tham câu thoại-đầu mới thấy được. Nếu các ông không tin nó thì chẳng phải là vong bản sao ? Các ông hãy nghĩ : Đúng hay không đúng ? Chứng tỏ câu thoại-đầu là phương pháp trừ bỏ cái thô chướng của chúng ta. Ấy là phương pháp làm rõ bản lai diện mục của chúng ta.

Nếu muốn phát minh cái bản hữu liễu thoát sanh tử mà không nhờ tham thoại-đầu thì không được. Các ông hãy phát tâm. Tham đi !

31. KHAI THỊ: Ngày 17 tháng 11 (Thất năm ngày thứ tư)

Việc lúc sống mọi người đều biết, đều tin; việc sau khi chết, ai cũng chẳng biết, chẳng tin. Vì việc lúc sống đều tự mình mắt thấy thì không thể không tin. Việc sau khi chết vì chưa thấy đến cho nên không tin.

Các ông cho là : "Cái xác thân nầy của ta là rất tốt, không thể không yêu quý nó. Tương lai có được sự thọ dụng bảy, tám chục năm". Đây là điều các ông tin tưởng nhứt : "Việc sau khi chết tôi chưa thấy thì thầy bảo tôi tin cái gì ?" Đại khái người người đều có cái tri kiến ấy.

Các ông cho bảy, tám chục năm là dài lắm; các ông phải hiểu được là : Quả báo sau khi chết so với bảy, tám chục năm trường của các ông thì chỉ bằng thời gian một tích tắc sau khi chết dù cho ông sống được bảy, tám chục năm. Khảo cứu đến điểm nầy ta thử so sánh một chút : Có thể kể cái thời gian bảy, tám chục năm nầy như chớp mắt còn thời gian sau khi chết mới là trường kỳ. Nhưng sự sinh hoạt trường kỳ là do ta ở trong thời gian chớp mắt nầy tạo thành, tạo ra cái sinh hoạt gì thì phải hỏi một niệm hiện tiền của chúng ta là niệm gì. Niệm cố nhiên rất nhiều chúng ta không cần nói nhiều nữa, chỉ nói đến một niệm thôi !

Cái niệm nầy cảm được quả gì ? Người xưa nói : "Tơ hào hệ niệm, tam đồ nghiệp nhân" tam đồ là Địa-ngục, Ngạ-quỷ, Súc-sanh. Các ông nghĩ xem : Nổi lên một chút xíu hệ niệm thì phải chịu  lấy cái quả to lớn như vậy, còn nói suốt ngày nổi vọng tưởng, nổi nghiệp-thức thì sao ? Cái cảm quả như vậy ta thực không muốn nói.

Hơn nữa, các ông hãy nghĩ qua bảy, tám chục năm suốt ngày cứ nổi nghiệp chướng Diêm-vương đâu còn tha ông nữa. Diêm-vương gọi các ông đi, các ông phải đi liền, trễ một phút cũng không được; cũng như một đầu sợi dây buộc vào mũi các ông, đầu kia thì ở tay Diêm-vương. Diêm-vương nắm lấy dây lôi thì các ông phải bước, lúc ấy thì không còn khách sáo nữa, sợ khi so với chúng ta lôi trâu còn lợi hại hơn gấp mấy chục lần !

Diêm-vương lôi các ông đi, bảo các ông biến thành trâu thì phải thành trâu, bảo biến thành ngựa các ông phải nhanh chóng biến ngựa; các ông có bản lĩnh bao nhiêu đi nữa cũng không được tự do. Kêu ông đi ông phải đi, tạm dừng một chút không được, muốn không đi càng không được nữa.

Tiếc thay ! Lúc bấy giờ chúng ta chịu khổ chẳng phải do mình nữa. Nhưng biến thành trâu một lần thì cũng chịu được, sợ rằng biến rồi lại biến nữa cho đến xương chất thành núi, sau khi thoát khỏi hình trâu thì mới biến ra cái khác được; Kỳ hạn dài vô cùng, không phải ta nói ra để dọa các ông !

Ngày xưa có một vị Tỳ-kheo già tụng Kinh Kim Cang, tiếng tụng nghe không hay, vị nầy đã chứng được bốn quả, tiếng người lớn tuổi đương nhiên là nghe không hay. Một vị Tỳ-kheo trẻ đứng bên nói : "Tiếng thầy tụng Kinh nghe như tiếng chó sủa vậy !"

Vị Tỳ-kheo già ngay lúc ấy nói : "Thầy nói câu nầy, tương lai sẽ đọa Địa-ngục rồi, còn phải biến thành chó nữa". Vị Tỳ-kheo trẻ nghe nói kinh sợ quá bèn nhanh chóng cầu sám hối, khóc than khôn xiết.

Vị Tỳ-kheo già nói : "Thầy sám hối như vậy thì có thể thoát được Địa-ngục, nhưng không thoát thân làm chó được". Qua bảy ngày sau vị Tỳ-kheo trẻ chết. Diêm-vương bắt ông ta làm chó, ông ta còn hỏi Diêm-vương : "Tại sao tôi phải biến thành chó ?" Câu nói chưa dứt thì ông đã biến thành chó rồi; về sau xương của các kiếp làm chó chất thành đống cao lớn bằng núi Tu-di.

Các ông hãy nghĩ xem : "Quả báo của câu nói như thế đấy ! Đây không phải là chuyện ta đặt, đó là sách vở người xưa chứng minh các ông không thể không tin được. Mọi người các ông hãy nghĩ : Cái sợi dây của Diêm-vương buộc vào mũi chúng ta có lợi hại không ? Cho các ông có bản lĩnh to bằng Trời phỏng có thể đào thoát được không ? Các ông quả có muốn tránh khỏi, quyết không muốn đến chỗ của Diêm-vương cũng không phải là việc khó, muốn không đi thì không đi, việc thật dễ dàng; sợ các ông còn có điểm không tin : "Diêm-vương lợi hại như thế, bản lĩnh ngất Trời cũng không thoát được tay ông ta, thầy còn bảo dễ thì tôi còn tin vào đâu được ?"

Ta muốn nói một bằng chứng xác thật cho các ông nghe thì biết : Về trước có Kim Bích Phong bản lĩnh thật lớn, mùa hè đến nghỉ ở núi Thanh Lương mùa đông đến nghỉ ở phương nam, sung sướng lắm. Ngày nọ Diêm-vương gọi Tiểu-quỷ đến bắt, phải mất nhiều thời gian mới bắt được, ông ta là người có bản lĩnh, bèn hỏi tiểu quỷ : "Ngươi bắt ta để làm gì ?"

Tiểu-quỷ nói : "Diêm-vương bảo ta đến bắt ngươi"

Kim Bích Phong nói : "Ngươi có thể từ bi cho ta được bảy ngày không ? Khi ngươi trở lại thì ta sẽ đi cùng".

Tiểu-quỷ nói : "Không được !"

Khẩn cầu ba lần, Tiểu-quỷ cũng có lòng từ bi, nói : "Được, có thể tha cho ngươi được bảy ngày, hãy đi đi, bảy ngày sau ta sẽ trở lại".

Thấy Tiểu-quỷ đi rồi, sau ông ta liền đề câu thoại-đầu lên, ra sức tham cứu "Cứu cánh là ai ? Đáo để là ai ?", cho có bỏ mạng cũng không buông.

Đến ngày thứ bảy, Tiểu-quỷ trở lại, chỗ nào cũng tìm, trên Trời, dưới đất, trong ngoài hư-không đều tìm khắp mà tìm không ra.

Ông ta ở trên hư không nói : "Diêm-vương bắt ta Kim Bích Phong như lấy xích sắt xích hư-không, xích sắt xích được hư-không rồi thì mới bắt được ta Kim Bích Phong".

Hay thực, các ông thử nghĩ : Bản lĩnh các ông có lớn hơn nữa thì trên Trời tránh không được, dưới đất thì khỏi nói; không tránh được trong hư không, ngoài hư không cũng tránh không được, duy có câu thoại-đầu mới có thể tránh được. Tránh trong câu thoại-đầu mặc cho bản lĩnh của Diêm-vương có to lớn hơn nữa cũng chẳng làm gì được. Phật Thích-ca cũng chẳng làm gì được ! Như thế câu thoại-đầu có phải là cần thiết chăng ? Hãy tham đi !

32. KHAI THỊ: Ngày 18 tháng 11 (Thất năm ngày thứ năm)

Mới phát tâm dụng công thì sợ vọng tưởng dụng công lâu rồi thì sợ hôn trầm, đó là lý lẽ gì vậy ? Bởi vì các ông hoàn toàn sống trong hôn trầm và vọng tưởng, nói sợ hôn trầm vọng tưởng thì cái "Sợ" ấy cũng do hôn trầm vọng tưởng tạo ra.

Sợ vọng tưởng mà không nổi vọng tưởng thì vọng tưởng hãy còn ! Sợ hôn trầm mà không rơi vào hôn trầm thì hôn trầm vẫn còn là hôn trầm ! Các ông có hiểu không ? Đại khái không phải là chuyện dễ !

Dẫu có thể nói các ông hiện tại dụng công đả-thất, đả một cái Thất hơn lúc bình thường ba năm, nhưng cái câu nói dụng công thì đủ thứ sai khác. Có bốn thứ sai khác : Thân tinh tấn tâm chẳng tinh tấn, tâm tinh tấn thân chẳng tinh tấn, thân tâm đều tinh tấn, thân tâm đều chẳng tinh tấn.

Thế nào là thân tinh tấn ? Ấy là đi nhiễu hương và tọa hương không giống nhau : Nhiễu hương thì chạy như bay, tọa hương thì bên ngoài tốt lắm nhưng trong tâm lại hôn trầm, vọng tưởng. Tâm tinh tấn thì trên tâm suốt ngày câu thoại-đầu sáng sủa rõ ràng, bề ngoài thì cứ nhiễu hương, tọa hương rất bình thường. Cái loại người thân tâm đều chẳng tinh tấn nầy không cần nói nhiều, Lục-đạo luân hồi là hang ổ của họ.

Thế nào là thân tâm đều tinh tấn ? Loại người này đi hương tọa thì có tinh thần, trong tâm thì trong sáng, chẳng giờ khắc nào rời câu thoại đầu. Nếu dụng công phu suốt ngày như vậy thì Đả một Thất hơn cả ba năm lúc bình thường.

Nói như vậy có phải là không vượt qua loại người tâm tinh tấn thân không tinh tấn chăng ? Giả sử chỉ nói với người thân tinh tấn ấy thì còn phải vượt qua nhiều hơn ba mươi năm nữa ! Còn thân tâm đều không tinh tấn thì khỏi nói !

Ta tuy nói thế là muốn nói các ông theo cái hành của tâm mình mà thảo luận qua, trong kỳ Thất là loại tinh tấn nào, chẳng phải là việc nhỏ đâu ! Phàm là người có tâm dụng công thì phải kiểm thảo. Đối với người một năm 360 ngày, ngày ngày thân tâm đều tinh tấn, thì các ông chẳng phải nói đến một Thất, mười Thất, dù cho nhiều Thất hơn nữa cũng không thể vượt qua họ được. Mọi người cần phải nghiên cứu kỷ lưỡng, không phải qua loa cho xong chuyện đâu, đừng nói chuyện bình thường mà ngay cả đả-thất cũng như vậy.

Nhưng các ông đã Đả được năm Thất rồi, cái tinh tấn trên thân mình đã buông bỏ lâu rồi, đến lúc nhiễu hương hai gót chân không lê được, lúc ngồi hương cứ vặn lưng thì phải bỏ mất công phu, suốt ngày cứ buộc mình lê chân vặn lưng như thế.

Hỏi đến các ông câu thoại đầu thì lại nói : "Tham đủ rồi ! Chẳng làm ra được cái gì cả. Nổi nghi-tình đã rồi, nổi một lần không được, nổi nữa lại cũng không xong. Đã rồi với thân tâm, với câu thoại đầu, với nghi-tình nói chung là đã rồi, công phu hoàn toàn quăng bỏ hết !"

Đây cũng là việc tốt nhưng phải sạch hết mới tốt, e rằng các ông quăng bỏ được hết ở đầu này thì đầu kia lại chất đầy lên, thế thì chỗ nào hết sạch được ? Chung qui có một đầu : Không ở đầu này thì ở đầu kia. Rốt cục đầu kia lại chất đầy cả ra thì là đầu gì ? Không ngoài nổi vọng tưởng, nổi nghiệp chướng. Đã Đả được năm Thất rồi, các ông lại đem thoại đầu quăng bỏ đi không lo việc dụng công, vọng tưởng này nghiệp chướng kia nhiều lắm ! Mười năm, hai mươi năm về trước cho đến việc kia còn nhỏ đều nhớ hết mà nổi lên, nổi mãi như thế cũng thấy có mùi vị. Cần phải nổi cho gấp !

Các ông đứng nơi này nghe thấy lời ta nói có đúng không ? Các ông là người như thế, hai chữ tinh tấn còn xứng đáng không ? Dụng công phu không xong thì còn có việc gì, đương nhiên chỉ là nổi vọng tưởng, nổi nghiệp chướng mà thôi. Các ông nổi loại vọng tưởng cùng nghiệp chướng này lên, ngay cả hình hài của các ông cũng quên đi luôn. Thượng Hải, Nam Kinh, đỏ xanh, nam nữ tận sức mình mà cứ nổi ra mãi.

Trước khi chưa đả-thất, lúc dụng công tựa hồ như có chỗ nắm lấy, trong tâm vọng tưởng nổi lên còn có giới hạn. Nay đả-thất đừng hỏi đến chuyện khai- ngộ, đối với sự công phu một tí cũng chẳng có thì cái vọng tưởng nầy còn có dứt được chăng ? Nếu các ông cứ mãi như thế thì ta thật tiếc cho các ông, tiếc đến tràn nước mắt ! Trước khi chưa dụng công, nghiệp chướng cao như núi Tu-di, dầy như Đại-địa, hiện tại lấy câu thoại-đầu hôm nay cũng dùi, ngày mai cũng mài tựa như bớt đi một tí; hôm nay bỗng nổi mạnh lên một cái được như thế sợ so với trước còn cao, còn dầy hơn.

Thí dụ như một người mắc nợ lâu, hôm nay nghĩ cách trả, ngày mai cũng nghĩ cách trả, trả nhiều lần rồi chỉ còn chút ít, thình lình đi cờ bạc thua hết một số lớn thì nợ nầy so với nợ trước còn lớn hơn, có đúng không ? Vọng tưởng nghiệp chướng còn được cho nó nổi lên không ? Dụng công phu không xong còn được mặc kệ nó không ?

Nhưng hiện tại các ông nổi nghiệp chướng lên mà quên cả bổn phận tham-thiền, một ngày kia cũng có thể quày đầu trở lại; đã lâu đi rồi, nổi lâu đi rồi thì một ngày kia nổi đã thôi; quày đầu lại mới biết ra ta là một người xuất gia, là ở Thiền-đường chùa Cao Mân ! Người đến lúc ấy mới hiểu được thì đã trễ  quá rồi, cho nên muốn các ông giác ngộ sớm một chút thì mới tốt, nợ kéo dài thì phải trả nhiều, nghiệp chướng nổi nhiều thì phải thêm nhiều sanh tử. Còn có chuyện gì khác để nói nữa ?

Lại nữa, vọng tưởng, nghiệp chướng lúc nầy không cho nổi thì đến trong tương lai sẽ có một thời kỳ còn muốn cho các ông nổi, không nổi không được, bây giờ nổi thì có tội, lúc bấy giờ nổi thì không có tội, lại còn có công. Tại sao vậy ? Đây là trình tự công phu của các ông, hành đến chỗ ấy là việc của chỗ ấy.

Lúc nào thì có thể nổi vọng tưởng được ? Là lúc các ông cần công phu đến chỗ "Lạc đường tự tại" (công phu thành khối), lúc ấy các ông không nổi ta còn muốn các ông nổi, không nổi không được.

Giả như không nổi cũng không đúng, không phải là việc của Thiền-tông rồi. Tại sao vậy ? Công phu của các ông dụng đến lúc ấy nếu chẳng nổi thì bị công phu làm chướng ngại đi. Các ông có hiểu được chăng ? Cái công phu gọi là "Lạc đường tự tại" ấy là cảnh-giới gì ? Ấy là đem câu thoại-đầu đề lên giống như nổi vọng tưởng trong hiện tại vậy.

Hiện nay suốt ngày cứ ở trong vọng tưởng, không nổi vọng tưởng cũng ở trong vọng tưởng. Lúc ông công phu đến chỗ lạc đường tự tại, nhô đầu ra cũng là câu thoại-đầu, cứ nhấc chân cũng là câu thoại-đầu, cử tâm là câu thoại-đầu, động niệm cũng là thoại-đầu v.v... Nói chung, muốn khởi lên một niệm, khác cũng làm không được : Công phu đến chỗ nầy, vọng tưởng muốn nổi, nổi không được, nghiệp chướng muốn nổi, nổi không được, cho dù Trời xoay đất sụp muốn rời câu thoại-đầu cũng rời không được.

Nếu trụ ở chỗ nầy cũng không đúng mà cần phải hướng về phía trước mà tiến lên. "Tại sao hướng về phía trước, Trời xoay đất sụp muốn động cái niệm thoại-đầu cũng không được thì sao tiến về phía trước được ?" Nếu không có chỗ đi không cần các ông đi, lúc bấy giờ mới cho các ông nổi vọng tưởng, nổi nghiệp chướng; nổi cho gấp cho nhanh lên, càng nhiều càng tốt. Tại sao vậy ? Lúc nầy nổi một vọng tưởng thì bớt một vọng tưởng, nổi một nghiệp chướng thì bớt một nghiệp chướng. Vọng tưởng nghiệp chướng nếu không nổi thì bị công phu che lấp, như thế là không được, cần phải nổi cho hết rồi mới được vô-sự.

Tỷ như một ổ trộm lớn có năm, sáu tên suốt năm ăn trộm đồ của người ta; hôm nay ăn cắp một bình trà bỏ trong nhà, ngày mai ăn cắp một hũ rượu bỏ trong nhà, kẻ ăn cắp dù, kẻ ăn cắp nón; tất cả đều chất đầy trong ổ. Ăn cắp lâu rồi có một ngày bị người ta hàng phục; đầu hàng xong thì rất tốt, rất thái bình. Dầu cho tốt nhưng tang vật vẫn còn, hang ổ cũng còn. Nếu không lôi ra tất cả tang vật, đập bể hang ổ thì không lâu bọn kẻ cắp sẽ muốn trở về nữa.

Các ông đem tang vật quăng đi hết rồi đốt rụi cả hang ổ, bọn kẻ cắp có trở lại cũng không có chỗ nào để ở cả, đó chẳng phải là được vĩnh viễn thái bình sao ?

Công phu cũng như việc tiểu trừ bọn kẻ cắp. Bọn kẻ cắp là gì ? Là nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý của các ông, đồ ăn cắp là vọng tưởng, nghiệp chướng, người tiểu trừ kẻ cắp là câu thoại-đầu. Hôm nay cũng tham, ngày mai cũng tham; đầu tiên, lực lượng của cảnh giới bên ngoài và vọng tưởng bên trong rất lớn, mắt hễ động thì đánh mất câu thoại-đầu, lỗ tai hễ động cũng đánh mất câu thoại-đầu cho đến tỷ, thiệt, thân, ý hễ động thì cũng như vậy. Dụng công lâu rồi con mắt dầu cho động thế nào câu thoại-đầu cũng còn, lỗ tai động thoại-đầu cũng còn, cho đến thân ý động, thoại-đầu cũng còn, cũng như bọn cướp hàng rồi thì công phu "Lạc đường tự tại".

Mặc dù công phu "Lạc đường tự tại" kẻ trộm đã hàng nhưng tang vật còn đó, hang ổ cũng còn đó, cho nên muốn các ông nổi vọng tưởng, nổi nghiệp chướng nữa, nổi một cái bớt một cái cũng như đem tang vật từng món từng món một bỏ ra ngoài. Đem bỏ hết rồi thì có thể đập phá ổ hang, lúc phá xong rồi thì mới là thật sự thái bình.

Nhưng ta muốn hỏi các ông : Sau khi thái bình còn có việc làm chăng ? Sợ các ông lại không hiểu được nữa ! Thế thì cái công phu "Lạc đường tự tại" các ông còn chưa dùng đến thì việc phá hang ổ hết tang vật lại càng chưa dùng đến được thì dù cho có nói thêm việc gì về sau cũng vô dụng. Đợi khi công phu các ông dụng đến chỗ đó rồi thì ta mới nói cho các ông biết.

Bây giờ trở lại nói về công phu hiện tại của các ông, ấy là công phu dụng không được, vọng tưởng không nổi không được, nghiệp chướng nổi rồi còn nổi nữa, lấy câu thoại-đầu hàng phục nó mà hàng phục không xong; một lần, hai lần không xong, kết cuộc không có biện pháp.

Các ông muốn hàng nó; một khi cái tâm muốn hàng phục nó nổi lên thì lại là vọng càng thêm vọng, nghiệp càng thêm nghiệp thì làm sao hàng phục nó được ? Nay chỉ cần các ông không ngó tới nó, không hỏi nó, không hàng phục nó, không đè ép nó, chung qui cứ lấy câu thoại-đầu của ta mà tham, cứ tham mãi tự nhiên sẽ được lên đường.

Đây là việc rất cần ! Rất cần ! Các ông hãy phát tâm tham đi !

=> xem tiếp Thất thứ năm (hai ngày cuối).


Tác giả bài viết: Liễu Phàm

Nguồn tin: Tông Phong Tàng Thư