Thiền thất khai thị lục - phần IV

Thất thứ IV
22. KHAI THỊ: Ngày 7 tháng 11 (thất thứ tư ngày đầu)

Ngày trước Phù Thượng-tọa đả-thất được 6 ngày thì khai-ngộ. Ngài Triệu Châu đả được một Thất thì khai-ngộ. Quốc-sư Trung Phong đả được hai Thất thì khai-ngộ. Triệt-tổ Thiên Tuệ chùa ta đả được bốn Thất thì khai-ngộ. Các ông hôm nay đả được mấy Thất rồi có biết không ?

Ta tuy hỏi thế thì các ông cũng có người nói : "Tôi từ lúc bắt đầu khởi Thất đến giờ, sớm tối đều không rõ, ngày nay, ngày mai, mùng một, ngày Rằm càng không biết; chỉ mong hiểu được câu thoại-đầu thì còn biết đâu là bao nhiêu Thất ?" Có được loại người nầy thì ta tán thưởng lắm đó !

Ta cho các ông biết : Hôm nay Thất thứ ba đã qua rồi. Người xưa một hai Thất đã khai-ngộ. Các ông đả được ba Thất nhưng đối với việc khai-ngộ thì vẫn chưa có tí tin tức gì. Các ông hãy tự hỏi mình, dầu cho không có tin tức nào, chỉ cần không biết đến có ngày giải Thất; Đại-chúng ngủ ông cũng nằm xuống, chẳng biết được là ngủ hay không ngủ, câu thoại-đầu rõ ràng minh bạch. Người ta ngồi tôi cũng ngồi, người ta đi tôi cũng đi, nhưng ngồi hay đi đều không biết đến. Mọi người đi về phía Trai-đường, tôi cũng đi, đi là đi vậy, chứ làm việc gì ta cũng không biết. Mọi người ăn cơm, bát đũa ông cũng không biết cầm. Các ông có sức dụng công phu như thế ba Thất không ngộ thì năm sáu Thất ta có thể bảo đảm ông quyết sẽ ngộ thôi.

Ta muốn các ông có công phu như thế, bằng không thì cái câu khai-ngộ ấy không xong rồi. Nhưng mà cái tâm khai-ngộ liễu thoát sanh tử thì đương nhiên người nào cũng có, người nào cũng mong.

Đối với việc công phu cho đến tùy duyên đứng lên nằm xuống mà không biết có đứng lên nằm xuống, cũng người ta đi đến Trai-đường mà không biết cầm bát đũa. E rằng các ông chưa tin mà cho rằng : "Nhất định là gạt người ta rồi chứ làm gì có lẽ đó !". Đúng đấy ! Chỗ đi của người khác các ông không tin vì chưa thấy đến; hôm nay ta đem chỗ hành của ta bảo cho các ông nghe thì không thể lại không tin nữa, ấy là tự ta đã đi qua, các ông nhất định phải tin. Không phải khi không ta bảo các ông tin, trong đó có một sự thực như thế nầy, ở Trai-đường không cho bạt tai, việc ấy có liên hệ đến sự dụng công chịu khổ của ta đã qua.

Khi ta ở Chùa Kim Sơn dụng công đến chỗ thực khẩn trương, nghi-tình đang cuồn cuộn, ông muốn không tham nó cũng không cho, cứ liên tiếp mãi như thế. Khi đả-thất khai bảng Quả-đường ngồi xuống rồi nghi-tình thật đắc lực, người ta ăn cơm ta không biết cầm lấy bát đũa; người ta ăn gần xong, ta hé mắt nhìn thấy cơm rau trước mặt ta bèn cầm bát đũa lên, sau lại nghĩ : Không thể quăng bỏ công phu được, ăn cơm vẫn phải đề công phu cho tốt, lại đẩy mạnh câu thoại-đầu; rau cơm không biết lối đi vào miệng cứ ngơ ngơ ngác ngác ngồi ngay ra đấy. Bỗng nhiên buông tay đập bể chén cơm. Sư Tăng trực bước đến bạt mạnh một bạt tai làm cho ta đánh rơi luôn bát cơm xuống đất vỡ toang. Sư Tăng trực bạt luôn năm ba bạt tai nữa, bạt đến đầu óc ta quay cuồng.

Ta bèn nghĩ : Đánh, tuy là đáng rồi, công phu cũng phải chiếu-cố cho tốt, không thể vì bị đánh đập mà quăng bỏ công phu. Vì thế, phàm nơi nào ta đã ở qua thì ở Trai-đường không cho bạt tai. Hơn nữa, người ở trong Chùa đều là người lãnh đạo cho nên chỉ cho quát tiếng lớn chứ không cho đánh bạt tai. E rằng các ông không phải như ta vậy, hễ bị đánh đập thì lập tức rút lui ngay.

Việc nầy vốn không phải dễ mà lo liệu đâu : Lo đầu nầy thì mất đầu kia, lo đến Qui-củ thì nhất định lo không tròn công phu rồi, và do vậy mà thoái bộ. Cho nên dù cho bên ngoài ra thế nào, việc sanh tử của ta chưa liễu thoát được thì chung quy không chịu bỏ công phu.

Các ông muốn khai-ngộ tất phải cần ra sức dụng công phu, dụng cho đến lúc đi không biết là đi, ngủ không biết là ngủ, tiểu tiện không biết kéo quần : Công phu như vậy không phải là dọa các ông mà đó là cái ta đã đi qua rồi.

Ta có một lần lúc đánh hiệu báo đi cầu mà không biết đi hướng nào, đây là công phu đã đến lúc khẩn trương, mọi người ra Thiền-đường ta cũng đi ra, người ta đi cầu mà ta đi đến điện Vi-đà rồi nhưng cũng không biết là làm việc gì. Vị Ban-thủ nhìn thấy liền quát lên một tiếng, ta cũng không biết tại sao. Sau lại có vị Tây-đường nọ thấy ta liền chỉ tay vào ta mà nói rằng : "Đại khái là công phu của ông đứng đắn, tức là quên hẳn tất cả rồi đó ! Bây giờ là lúc đi cầu à, ông hãy hướng về phía tây đi !"

Nhờ câu nói của người, ta mới biết được. Ta lúc công phu đắc lực có rất nhiều lần nhờ vị sư Tây-đường nầy chiếu-cố đến, cho đến hôm nay ta còn cảm tạ người : Đây là những điều ta đã từng kinh nghiệm qua cả cho nên ta mong các ông cũng hành cho đến được công phu như vậy, quả không phải là gạt các ông đâu.

Lại nói câu cảnh-sách : Các ông đều ở cùng một Thiền-đường, cùng tham một Pháp nhưng cảm quả thì vô vàn sai khác. Trên Trời, nhân gian, thai trâu, bụng ngựa, mỗi mỗi đều khác nhau. Hãy tham đi !

23. KHAI THỊ :Ngày 8 tháng 11 (Thất tư ngày thứ hai)

Có người hỏi Triệu Châu : "Thế nào là Đại-đạo ?"

Châu đáp : "Tâm bình thường là Đại-đạo".

Lại nói : "Tôi không phải hỏi cái Đạo nầy, cái tôi hỏi là Đại-đạo".

Châu nói : "Đại-đạo thông Trường-an".

Vị hỏi câu nầy ngộ ngay lúc đó. Người xưa ngộ đạo trực tiếp như thế, ngày nay các ông cũng hỏi như vậy, ta cũng đáp như thế các ông có nhanh chóng ngộ đạo được chăng ? E rằng các ông làm không được ! Nếu nói người xưa là Bồ-tát chuyển thế, La-hán tái lai ấy là gạt người vậy.

Cần hiểu được là : Sự thực hành của người xưa và các ông không giống nhau, cách xa nhau như Trời với đất; người xưa dụng công không kể nóng lạnh, không có đêm ngày, bất luận là nơi nào thì còn nói gì đến đả-thất với không đả-thất ? Người xưa suốt ngày đêm không để một sát-na xa rời công phu cho nên hễ có cơ duyên, một lời, nửa câu lúc đó thì ngộ đạo ngay.

Các ông không ngộ được là tại sao vậy ? Là vì sự sai lầm lớn : "Lúc khát mới đào giếng". Ngày thường không mảy may dụng công, cứ cho là lúc thường không cần dụng công, lúc gia hương Đả-thất mới là lúc dụng công. Lại cho là vào mùa hạ khí trời nóng bức, ngày thường lại phải thượng điện cúng Phật; ngày thường tuân theo Quy-củ thì cần thiết hơn, những lúc như thế nầy cũng tùy theo Đại Chúng mà thôi, lúc gia hương Đả-thất mới là lúc dụng công.

Đại khái các ông bị cái tri kiến sai lầm nầy mà bỏ mất thời gian không ít mà người sai lầm cũng không ít. Các ông nghĩ xem lúc khát nước mới đào giếng, người khát chết rồi giếng chưa đào xong phỏng có ích gì ? Bách công kỹ nghệ trên thế giới đều phải cần đến 3 năm 5 năm mới có thể học xong để đổi lấy một bát cơm; huống chi cái Diệu-pháp xuất thế gian nầy của chúng ta thì đâu dễ dàng như thế ?

Các ông là người có tri thức thì đường nhiên cần phải đừng phân biệt mùa đông trời lạnh cũng như mùa hè trời nóng chỉ cần đề lên câu thoại-đầu, ở chỗ không minh bạch mà khổ công tham-cứu thường xuyên không dứt, dầu cho nó có nóng nực lắm ta có câu thoại-đầu thì đương nhiên sẽ mát mẻ tự tại; dù có lạnh đến đâu ta cũng có câu thoại-đầu thì cũng chẳng biết đến lạnh rét là gì. Cứ khổ công tham-cứu như thế 3 năm 5 năm muốn khai-ngộ đương nhiên sẽ được dễ dàng.

Nếu muốn lấy việc gia-hương đả-thất để dụng công, mà ngày thường lại không thì trong một năm kể ra cũng lãng phí hết chín tháng, chỉ còn dụng công có ba tháng. Các ông thử nghĩ xem có đúng không, còn kể là người dụng công sao ?

Ta ngày nay đối với các việc trước đả-thất và sau khi giải-thất mà đem giải bày ra hết, nếu người có tâm liễu thoát sanh tử sẽ tự nhiên biết theo đấy mà làm, cũng không phải ta đơn độc muốn các ông làm như vậy. Ta vốn đã làm như thế rồi; việc ta đã làm qua, nói để các ông nghe. Ở trong các ông có người tri thức hơn ta thì phải vượt trên ta, hoặc có người không bằng ta thì phải theo học.

Trước kia ta ở Chùa Kim Sơn lúc dụng công thì ta chẳng bận tâm vấn đề giao thiệp với người chung quanh, ta chỉ chiếu cố đến câu thoại-đầu rõ ràng minh bạch chẳng mảy may gián đoạn. Hễ lầm lỗi với người nào cho dù là Chức-sự, ta cũng chẳng để ý đến. Khi đi đường chỉ chiếu cố đến công phu, gặp vị Tri-khách ta cũng không biết chấp tay nhường lối. Đi đường có đụng nhau giữa đường làm vị Tri-khách phải lùi lại quá xa, ông ta bèn quát lên một tiếng. Bấy giờ ta mới nghĩ : Không đúng rồi ! Va chạm như thế là xúc phạm đến cảm tình, vậy nên tạm bỏ công phu để xin lỗi đi !

Lại nghĩ : Không, không thể được ! Vì sao ta xuất gia ? Ta đã vì sanh tử mà xuất gia, hôm nay việc sanh tử còn chưa liễu thoát ta không thể bỏ công phu để tính chuyện xin lỗi phải với người được. Nếu muốn làm như vậy thì tốt hơn đừng xuất gia, giữ công phu mới cần nhất, dù cho bị dọa nạt, bị đánh đập ta cũng vui lòng chấp nhận.

Xong ! Vị ấy không đánh ta mà ta còn phải yêu cầu đánh mấy cái để thử xem công phu của ta như thế nào ? Giả sử đập cho vài cái bạt tai, công phu của ta vẫn còn chiếu-cố như thường vậy ! Như thế là rất tốt, nếu là đánh một bạt tai, câu thoại-đầu theo bạt tai mà đi mất, thế thì con người của ta đây còn được xem là người dụng công nữa không ?

Cho nên phải giữ lấy lập trường nhất định, dù cho bất cứ người nào nạt ta, mắng ta, đánh ta thì chung qui câu thoại-đầu vẫn không được bỏ. Đây là chỗ làm người tham-thiền của ta. Cứ đi như thế đụng nhau một lần, hai lần thì đương nhiên người ta sẽ không vui. Đến kỳ thay đổi Chức-sự trong Chùa mọi người đều ra Thiền-đường cả, vị Tri-khách hỏi vị Ban-thủ :

"Ở trong Thiền-đường có lão người Hồ Bắc, đi hay chưa ?"

Vị Ban-thủ nói : "Chưa đi".

Vị Tri-khách lắc đầu nói : "Cái lão Hồ Bắc nầy xấu lắm, không biết Quan-chức gì xuất gia mà lúc đi đường cứ kênh kênh kiệu kiệu không xô người nầy cũng đẩy người nọ. Thực là con chim chín đầu trên Trời, lão Hồ Bắc dưới đất ! Thằng nầy còn không đi thực là đáng ghét".

Những câu nói nầy chính ta đã nghe được, nói chung thì việc sanh tử của ta chưa liễu thoát, mấy việc nhỏ nhặt nầy thì chấp nhứt ông ta làm gì ? Lại có một hôm sau khi điểm tâm đi ngoài xong trở lại Thiền-đường, đang đi giữa đường có vị Sư nọ chặn ta lại hỏi : "Bồ-tát ở trên Chính-điện là nam hay nữ ?"

Bị hỏi như thế ta hoang mang không trả lời được, ta nói : "Không biết".

Ông ta lại hỏi : "Vị Bồ-tát chính giữa có râu không ?"

Ta lại không mở miệng được, chỉ trả lời là : "Không biết".

Trên thực tế, ta ở Chùa Kim Sơn đã hai ba năm, khi thượng Điện không hề ngẩng đầu lên nhìn thì đâu biết được là Bồ-tát nam hay nữ, có râu hay không râu. Các ông ngày nay còn có người nào như thế không ? Ta có được chỗ hành như thế mà ngày nay vẫn còn là người nghiệp chướng. Còn chỗ hành của các ông đâu nếu không được khai-ngộ thì còn được liễu thoát sanh tử chăng ?

Các người thử phát tâm tự hỏi mình xem ! Hãy tham đi !

24. KHAI THỊ: Ngày 9 tháng 11 (Thất tư ngày thứ ba)

Mỗi khi có người nói : Dụng công kéo không dài, đối với câu thoại-đầu thì cũng biết đề lên, nghi-tình cũng biết khởi lên, đắc lực với không đắc lực cũng rõ ràng, tất cả chỉ là kéo không được dài !

Câu nầy có rất nhiều người nói; muốn biết nguyên nhân của nó thì e không dễ dàng gì biết được. Lại nữa, thứ người kéo không dài nếu có chút tri thức thì sẽ kéo được dài, nghĩ đến một cách : Lấy cái kéo không dài được quyết định làm cho kéo được dài.

Các ông còn có tri thức nầy hay chăng ? Phải hiểu được dụng công kéo không dài, không phải ngày hôm nay kéo không dài mà các ông đã từ kiếp vô thủy đến nay đều lặn hụp trong sự kéo không dài !

Các ông còn biết đấy : Các ông từ kiếp trước đến nay cái vốn đã tu là nhân của sự kéo không dài thì hôm nay làm sao có thể kéo dài được ? Nhưng về quá khứ đã gieo nhân kéo không dài thì đương nhiên sẽ cảm lấy quả kéo không dài, đó là lý tất nhiên.

Cứ để mặc kệ nó chăng ? Mặc kệ thì đầu thai thành trâu, thành ngựa cũng mặc kệ nó, hết thảy đều mặc kệ nó, mặc kệ nó thì đâu còn việc gì nữa ? Không gì ngoài việc luân chuyển trong Lục-đạo ! Các ông là người có chút Đạo-tâm muốn còn chạy luân chuyển trong chốn nầy chăng ? Nếu không muốn thì đương nhiên nghĩ đến một biện pháp, phải làm sao cho kéo dài thì mới được ! Các ông còn có người nào như thế không ? Mỗi người hãy tự hỏi lòng mình xem !

Muốn nói đến phương pháp làm sao cho công phu kéo dài được, người xưa chỉ ra con đường nầy bảo chúng ta đi. Sự thực là vì người trung hạ căn trong chúng ta bất đắc dĩ mới nói : Ở trên bổn phận thì đâu cần phải đi đường (ý nói đối với người thượng căn, trong bổn phận của Tự-tánh thì đâu cần phải đi, vì suốt ngày đêm đã ở trong đó rồi). Quay đầu là xong, chân quay bước là về đến nhà ngồi an ổn.

Nói có một con đường để đi là nói sai lạc ra ngoài rồi ! Bởi vì các ông không nhận ra được ngay lúc đó, trước mắt đường đi lại nhiều cho nên bày ra một phương tiện, chỉ ra con đường nầy bảo các ông đi để có thể bỏ hết mọi con đường khác. Tỷ như một nắm tóc trên đầu thì không ít, đường các ông đi so với nắm tóc còn nhiều hơn, ta đương nhiên vì các ông mà đem những con đường nhiều hơn nắm tóc nầy mà bỏ ra ngoài chín từng mây, các ông ngay lúc đó thấy được cái bản lai diện mục thì ta mới mãn nguyện.

Tuy nhiên, nếu làm không xong được thì thập phương Chư Phật cũng không thể làm giùm được, hết thảy Bồ-tát, lịch đại Tổ-sư lại càng không thể làm giùm được. Nếu thập phương Chư Phật có thể làm thay cho ông được thì các ông khỏi cần dụng công, Phật nếu thay chúng ta làm thì đâu còn chúng sanh ? Được hay không được ?

Thập phương Chư Phật chỉ có thể chỉ dẫn một con đường, các ông có thể y theo con đường nầy mà đi, có thể bỏ tất cả con đường khác, con đường nầy đi đến đầu mút thì cũng được về nhà. Cho nên thập phương Chư Phật chỉ có thể chỉ ra một con đường bảo các ông đi, các ông đi được thì đương nhiên những con đường khác sẽ bỏ được hết. Thập phương Chư Phật không thể đi thay ông được. Nếu các ông không đi thì thập phương Chư Phật cũng không thể gánh vác cho các ông được ! Con đường nầy chính là câu thoại-đầu.

Con đường ta hôm nay chỉ cho các ông, Phật cùng Bồ-tát, Tổ-sư cũng chỉ con đường nầy. Những con đường các ông đã đi là những con đường nào ? Đấy là con đường kéo không dài, từ vô thủy kiếp đến nay đều đi trên con đường kéo không dài nầy. Hôm nay đứng ở chỗ nầy mà muốn kéo được dài thì đương nhiên sẽ không làm được.

Đường kéo không dài tuy nhiều nhưng cũng không ra khỏi thân, tâm và thế giới; vì có thân tâm thế giới gom lại một chỗ nên mới biến hóa ra vô số con đường. Các ông đi được con đường câu thoại-đầu nầy thì có thể bỏ hết thân, tâm, thế giới, những con đường kéo không dài. Thế sao lại phải nói thân, tâm và thế giới là kéo không dài ? Các ông muốn rõ cái kéo không dài nầy, vì những người trong Giáo-môn đối với danh từ thì đại khái dễ hiểu, trong Thiền-tông chỉ nói là kéo không dài mà không nói gì khác cả.

Trong Giáo-môn giảng kéo không dài là gì ? Đấy là : Sinh, trụ, dị, diệt; sinh cũng là kéo không dài, trụ cũng là kéo không dài, dị cũng là kéo không dài, diệt cũng là kéo không dài. Ta muốn hỏi các ông : "Có tâm không ?" Các ông đương nhiên sẽ nói : "Có tâm", ta lại hỏi các ông : "Lấy gì làm tâm ?" Các ông đương nhiên nói : "Lấy cái năng tri năng giác làm tâm". Vậy thì năng tri năng giác làm tâm các ông, vậy cái tri giác nầy dài bao nhiêu ? Cái tri giác nầy có phải là sinh, trụ, dị, diệt không ?

Các người suy nghĩ xem : Sinh thì tức khắc sinh ra; một khi đã sinh ra thì phải trụ, trụ thì đâu được bao lâu lại lập tức đổi thành dị, đã dị thì một khi niệm khởi thì phải diệt. Sự sau khi diệt ra thế nào ? Các ông thử nghiên cứu đi và trả lời ta một câu. Thật đáng tiếc ! Chúng ta sau khi diệt thì lại sinh, trụ, dị, diệt. Vì có tri giác nên mới nói đến tâm, tri giác đương nhiên là sinh, trụ, dị, diệt; sinh, trụ, dị, diệt tức là kéo không dài.

Các ông nghĩ xem ! Cái tâm kéo không dài nầy có phải hôm nay mới có hay quá khứ đã có ? Cội nguồn còn tìm ra được chăng ? Trong tương lai lấy cái tâm để suy tính được không ? Hiện nay thân chúng ta cao được hơn bốn thước, tương lai sẽ giảm đến còn một hoặc hai thước; cao nhất được bốn mươi trượng. Hiện nay sống được sáu bảy mươi tuổi, trong tương lai sẽ giảm xuống mười tuổi; dài nhất là 8 vạn 4 ngàn tuổi.

Các ông nghĩ xem : Thân cao có mấy mươi trượng, thọ được 8 vạn 4 ngàn tuổi mà trong đó lại không được rời sanh, già, bệnh, chết. Thân thể từ sinh mà có, bất luận mười tuổi trong tương lai, sáu, bảy chục tuổi ở hiện tại, cho đến 8 vạn 4 ngàn tuổi đều có một ngày phải già. Già rồi thì phải bệnh, bệnh rồi đương nhiên sẽ chết; sau khi chết thì thế nào ? Đương nhiên lại sinh, già, bệnh, chết nữa. Cái kéo không dài của sanh già bệnh chết nầy chuyển mãi không dứt, vậy có kỳ hạn chăng ? Thân, tâm, thế giới đều như vậy.

Thân, tâm, thế giới kéo không dài là còn nói gọn đấy, bằng nói rộng ra thì nhiều lắm, các ông là người có tâm dụng công đương nhiên sẽ nghĩ đến một biện pháp làm sao cho tất cả cái kéo không dài có thể kéo dài được. Chỉ có thể dùng câu thoại-đầu, đây là phương pháp trực đạt Tâm-nguyên.

Tâm tuy kéo không dài nhưng Tâm-nguyên thì còn mãi mãi. Tỷ như dòng nước, nước thì lưu chuyển, nguồn (thủy nguyên) thì không; nếu nguồn mà di chuyển thì đương nhiên cái "Chảy đi" không có; vì nguồn không chảy cho nên chảy mãi không thôi. Chúng ta tất cần đạt đến Tâm-nguyên thì mới có thể kéo dài được.

Nhưng cái Tâm-nguyên nầy đã cách chúng ta bao xa rồi ? Ta nói sơ lược các ông nghe, tỷ như ngày nọ đánh bảng trong tịnh các ông nghe được, hôm nay đánh bảng lại nghe được cho đến ngày mai ngày kia đánh bảng cũng nghe được. Ta hỏi các ông : Cái nghe của ngày hôm qua, cái nghe của ngày hôm nay cho đến cái nghe của ngày mai ngày kia là một hay là hai cái. Nếu là một thì dài hay không dài ? Mọi người hãy nghiên cứu kỹ một chút xem. Phải lĩnh hội một chút ít thì mới được !

Giáo-môn gọi cái này là Chân-tâm thường trụ, suốt ngày chẳng rời một bước. Chúng ta muốn triệt lưu quy nguyên (dứt giòng về nguồn) thì phải lấy câu thoại-đầu mà khổ công tham-cứu, không sợ nó kéo không dài thì mới có thể từ cái kéo không dài nầy mà đạt tới cái Chân-thường được ! Hãy tham đi !

25. KHAI THỊ: Ngày 10 tháng 11 (Thất tư ngày thứ tư)

"Tam học kiêm tu, một Tham đủ cả", tam học là Giới, Định, Huệ : Giáo-môn đối với tam học thì tu trì hết sức khẩn mật. Tại sao phải nói là kiêm tu ? Ấy là trước hết phải trì Giới, do Giới mà Định, Định rồi có thể phát Huệ.

Giới có đại tiểu, định có chính-thiên (lệch); Tuệ phải từ Trí mà có Tuệ, chỉ nói đến Tuệ thôi thì cái tuệ đó chưa rộng rãi, Trí-tuệ đầy đủ thì mới được gọi là Viên-tuệ. Trong Giáo-môn cần phải trải qua bao nhiêu thời kỳ thì mới có thể đạt đến được.

Còn Thiền-tông thì không vậy : Một câu thoại-đầu thì tam học đủ cả. Tại sao cứ có người nói : "Trong Thiền-tông chữ Giới chẳng nghe nói đến". Ấy là vì họ không thấy được sự Trì-giới của Thiền-tông.

Giới của Thiền-tông thì không phải là Đại-thừa, Tiểu-thừa, của người phổ thông mà là trì cái "Vô trước Thánh-giới". Ấy là lẽ gì ? Các ông hãy đem câu thoại-đầu mà đề lên xem, không rõ thì cứ ở chỗ không rõ mà truy cứu, tham vấn. Ta hỏi các ông : Còn có thân đi giết người đốt nhà không ?

Một câu thoại-đầu còn chẳng minh bạch ông còn có tâm nói hai chiều, vọng ngữ được chăng ? Cũng như tham câu "Niệm Phật là ai ?" thân bất khả đắc, cứu kính là ai ? tâm cũng bất khả đắc; đáo để là ai ? bất khả đắc cũng không. Thân bất khả đắc rồi thì đâu còn phạm việc giết người, đốt nhà ? Tâm bất khả đắc rồi làm sao còn có tâm trì Giới ? Cái bất khả đắc cũng không tức là Thánh-giới của thập phương Chư Phật đều trì hết. Thứ "Vô trước Thánh-giới" nầy trì-phạm đều bất khả đắc thì còn nói gì Đại-thừa, Tiểu-thừa. Cái câu nói không trì của Thiền-tông còn để ở chỗ nào được ?

Còn chữ Định của Giáo-môn thì thân ngồi ở một nơi, trong tâm muôn duyên chẳng động, ngưng nghỉ cả thân tâm đều không động; tâm không động dễ gì làm được thì cần phải quán, quán không xong thì phải dùng chiếu, chiếu không xong thì phải nghĩ đến một phương pháp để kiềm chế nó, lần lần kiềm chế cho lâu mới được định, định đến một bước công phu nào thì phát huệ được bước ấy, đại khái là như vậy.

Thiền-tông thì triệt để trái ngược, không phải cái định đó, mà định trong động; tại sao vậy ? Đi hương là động, trải bồ-đoàn ngồi xếp bằng cũng là động, dọn nệm cũng là động, từ sáng tới tối đều động. Tuy là động như vậy mà ở trong cái động đó câu thoại-đầu thật rõ ràng minh bạch không mảy may gián đoạn.

Cái định trong động nầy dù cho hết thảy động cũng không làm động được cái định nầy; vì nó do động làm thành, toàn định là động, toàn động cũng là định. Tại sao tất cả động không làm động được cái định nầy ? Các ông hễ cứ đề câu thoại-đầu lên, ngay chỗ không minh bạch được đắc lực, cái đẹp nhất Thượng Hải cũng không có, đáo để là ai, cho dù người con gái đẹp nhất đến trước mắt ông, ông cũng không có tâm nào nghĩ đến cô ta. Thượng Hải đã không có thì cái động của Thượng Hải không làm động được nó ? Không có tâm để nghĩ đến người nữ, cái động của người nữ cũng không động được nó. Hai thứ động dễ động nhất nầy đều đã không làm động được nó thì còn cái gì làm động nó được nữa ?

Đạt đến cái định nầy thì được Trí-huệ như trở bàn tay, ngay lúc đó sẽ đều đầy đủ. Đến được chỗ nầy thì thực sự là : Một tham đủ cả.

Hãy tham đi !

26. KHAI THỊ: Ngày 11 tháng 11 (Thất tư ngày thứ năm)

Cái sự tham-cứu nầy cần niệm phân minh, tâm tâm trong sạch. Niệm niệm phân minh thì không có vọng tưởng, tâm tâm trong sạch thì không có hôn trầm. Chỉ cần phân minh, vọng tưởng chẳng trừ mà tự trừ; chỉ cần trong sạch, hôn trầm không bỏ mà tự bỏ.

Như thế nào là phân minh ? Hãy đề lên câu thoại-đầu làm cho rõ rệt từng chữ một, niệm Phật là người nào ? Cái nghi-tình nầy hãy cứ đi thẳng, đi rõ ràng mạch lạc chẳng có một tí mơ hồ thì vọng tưởng làm sao mà có được.

Thế nào là trong sạch ? Hãy đề lên bốn chữ "Niệm Phật là ai ?" thành khẩn mà tham đi, hai chữ "Niệm Phật" một khi ra khỏi miệng thì cái niệm danh hiệu Phật đã ở trong đó rồi; hai chữ "Là ai" tức là người nào ? câu hỏi nầy cũng giống như muốn các ông trả lời ta vậy : Dù không có người đáp cũng bằng như ta lớn tiếng hỏi người khác. Niệm Phật là người nào ? Mỗi chữ đều rõ ràng, tưởng niệm đều trong sạch, lại cũng chẳng phải là bốn chữ "Niệm Phật là ai ?" mơ hồ không rõ, tựa có mà tựa không có, đi qua miệng mà thôi.

Ban đầu thì nghĩ muốn dụng công, hễ thoại-đầu đề lên thì vọng tưởng đã nổi lên rồi, hoặc là không có tinh thần cảm thấy mệt mỏi, câu thoại-đầu đề lên mà không nghi-tình gì, chẳng có nghi-tình thì một câu là hết. Câu nầy đã mất, nhắm mắt lại như ngủ mà không ngủ, lại đề lên một câu thoại-đầu nữa thì ngủ quên đi rồi, đó chính là chẳng phân minh, chẳng trong sạch.

Các ông phấn khởi tinh thần cũng như gánh một gánh nặng 120 cân, lại cũng như thực phẩm rất ngon, niệm Phật là người nào vậy ? Rất rõ ràng, nghi-tình thì thật rõ ràng, không biết là ai, hết sức thành khẩn mà hỏi lại một câu : Cứu cánh là ai ? Cũng còn chưa rõ được, đáo để là người nào ?

Các ông có được niệm niệm phân minh như thế, tâm tâm trong sạch như thế, không cho nó được sơ hở chút nào. Ta hỏi ông : Vọng tưởng từ nơi nào đến ? Hôn trầm từ đâu mà ra ? Bởi vì không phân minh, hễ mơ hồ thì vọng tưởng xâm nhập, có chút mơ hồ thì hôn trầm đã lên trên mình.

Công phu với vọng tưởng vốn chẳng phải là hai; công phu niệm niệm phân minh thì không có vọng tưởng, nổi vọng tưởng lên thì đương nhiên công phu không có. Lại chẳng phải ông muốn dụng công nó liều mình muốn nổi vọng tưởng, ông không dụng công nó còn nghỉ ngơi một tí. Ông đã dụng công mà nó còn nổi vọng tưởng, đó không phải là hai sao ? Đâu có lý lẽ như vậy được ?.

Như con khỉ ở trên cây chuyền sang phía đông, nhảy sang phía tây, lúc cây đào khi cây lý, làm như có đến tám, mười con, chỉ cần định tỉnh để xem lại thì thực tại chỉ là một con, có trên cây đào thì không có trên cây lý. Vọng tưởng cũng vậy, suốt ngày như nổi ngàn muôn cái nhưng kỳ thực chỉ có một cái thôi. "Một cái" nầy vì người trung hạ căn như chúng ta bất đắc dĩ mà nói; nếu không phương tiện mà nói một cái nầy thì các ông lại không có chỗ hạ thủ.

Muôn ngàn vọng tưởng đã nói trên thực ra chỉ có một; nổi một vọng tưởng nầy thì đánh mất công phu. Nếu dụng tâm ở trên công phu thì vọng tưởng nổi không lên, cũng như con khỉ ở trên cây nầy thì không ở trên cây kia vậy. Nếu chỗ nầy dụng công, chỗ kia nổi vọng tưởng thế không phải là hai sao ? Không có lẽ như vậy !

Các ông phải tự mình thấy đến nơi, không phải cứ ta nói rồi thì xong được đâu. Nếu chỉ muốn ta nói, với các ông lại không quan hệ gì hết, như thế thì khổ chết đi !

Các ông cũng có người nghe ta nói niệm niệm phân minh, tâm tâm trong sạch bèn đem câu thoại-đầu mà niệm liên tiếp, ấy cũng lại là không đúng đâu ! Niệm như thế thì không bao lâu Tâm-khí sẽ đau; cần từng câu từng câu một, không chậm không gấp, rõ ràng trong sáng. Nếu gấp thì bị thương thân, chậm thì dễ nổi vọng tưởng, niệm không rõ ràng trong sáng thì dễ buồn ngủ.

Mỗi người các ông có thể cứ liên tục rõ ràng mà tham ngay đi. Hãy tự mình đề lên câu thoại-đầu xem còn một tí kẽ hở nào không ? Nếu qua loa một tí câu thoại-đầu dường có dường không thì cái kẽ hở lớn lắm ! Văn-thù, Phổ-hiền cũng theo cái chỗ nầy mà đi ra đi vô; heo, dê, trâu, ngựa cũng từ chỗ nầy mà đi vô đi ra. Mỗi người các ông hãy nghĩ xem có còn là việc nhỏ không ?

Nếu được câu thoại-đầu phân minh thì cái kẽ hở nầy phải được bít cho chặt lại rồi Văn-thù, Phổ-hiền cũng chẳng được vô ra; trâu, ngựa, heo, dê cũng dứt hẳn luôn. Vậy không phải là rất tốt sao ?

Cái kẽ hở nầy tuy bít được song chung quy phải tham câu thoại-đầu cho thông, nhất định phải lấy câu "Niệm Phật là ai ?" để tìm cho được mới đúng. Rõ ràng có người niệm Phật đừng có mơ hồ bỏ qua cho đó là xong.

Các ông cần phải hiểu : Từ vô thủy đến nay bị cái thân, tâm, thế giới nầy trói buộc chặt chẽ, các ông muốn được rời bỏ chốc lát, tơ hào cũng chẳng được đâu ! Vì thế mà cứ quanh quẩn trong chốn Lục-đạo luân hồi, chẳng rời xa được một tấc.

Hôm nay muốn tham niệm Phật là người nào, đáo để là người gì, cứu cánh là ai ?, các ông tham-cứu như thế, ta hỏi ông : Thân có còn không ? Thân nhất định là không có, thân đã không có thì tâm nhất định là không có nơi để. Thân tâm đều đã không có thì thế giới còn để được ở chỗ nào ? Các ông ở nơi thân tâm và thế giới đều không có nầy, ta hỏi ông thế nào là câu thoại-đầu ? Các ông hãy tại chỗ nầy mà trả lời ta một câu.

Nếu trả lời không được thì phải ở chỗ trả lời không được nầy đề lên câu thoại-đầu mà gấp rút truy cứu, gấp rút tỉnh ngộ. Tương lai thế nào cũng có được một tin tức. Ta nói như thế không ngoài hai chữ "Thô & Tế", như thế các ông cũng lấy thô tâm mà nghe, muốn nghĩ đến chỗ vi tế thì cần phải từ câu nói về thô nầy mà làm đến chỗ vi tế mới được. Hãy tham đi !

27. KHAI THỊ: Ngày 12 tháng 11 (Thất tư ngày thứ sáu)

Người đả-thất đại khái đều biết nói : "Dụng công hành Đạo". Nói thì cho các ông biết nói; nếu hỏi kỹ lại các ông : Vì sao cần phải dụng công hành Đạo, sợ rằng đại đa số các ông không hiểu rõ triệt để được. Bởi vì đều là nghe người ta nói : "Ở chốn Tòng-lâm cần phải dụng công hành Đạo !" Bản thân mình thì chưa từng có một kế hoạch đầy đủ nào.

Các ông cần biết : Việc sanh tử chưa dứt, chỉ cần một hơi thở không trở lại là chết thì con đường đi trước mặt thật vô cùng hiểm trở ! Cần có kế hoạch đầy đủ như thế thì tất phải biết : Từ vô lượng kiếp về trước lúc ban đầu một niệm chưa động, với thập phương Chư Phật, hết thảy Bồ-tát, Tổ-sư đều đồng nhau không hai không khác. Chúng ta ở trong biển Giác nầy, hễ động thì sanh ra niệm, do một niệm nầy sinh ra thì biển Giác biến thành biển khổ, tuy nói là biển khổ, nhưng chỉ vì một niệm bất giác vô minh mà có thôi, kỳ thực xưa nay chưa hề rời biển Giác mãi cho đến ngày nay tuy kim cổ đã trải qua bao đời, trăm ngàn vạn đời mà một niệm hiện tiền nầy cũng chẳng mảy may phân cách.

Vì sao làm chúng sanh ? Cần phải hiểu : Tuy làm chúng sanh nhưng vốn có Phật-tính, với Phật-tính của Chư Phật thì không có gì sai khác; cái sai khác đó là do một niệm không giác tạo thành biết bao sanh tử, mãi cho đến giờ vẫn còn tâm tâm tạo sanh tử, niệm niệm tạo sanh tử. Sanh tử là cái gì ? Mọi người các ông hãy nghe cho rõ : Hư-không đại-địa là sanh tử, thân của ta đây là sanh tử, tâm cũng là sanh tử; nói chung lại thì có ba thứ : Ấy là sanh tử của thân, tâm và thế giới. Đã có thân ta, tâm ta, đã có hư-không đại-địa chúng ta ở : Ấy là căn bản của sự sanh tử luân chuyển không dứt của chúng ta.

Nhưng thế giới nầy với thân, tâm cũng là bởi một niệm không giác tạo thành; giả sử như các ông phản vọng quy chân, thoát biển khổ mà chứng biển Giác thì hư-không, thế giới, thân, tâm đều ở trong một niệm nầy của ta; niệm nầy nếu Giác thì thân, tâm, thế giới đều bất khả đắc.

Chúng ta hiện nay không những không được giác ngộ mà còn tiếp tục tạo vô lượng sanh tử, sự tạo thành ấy như thế nào ? Vì có cái thế giới, hư-không đại-địa nầy cho nên mới có thân thể chúng ta ở trên thế giới; đã có thân rồi thì hẳn phải có tâm, cái tâm nầy lại là cái công cụ tạo nên sanh tử. Trong khoảng một niệm tạo nên sanh tử của mười Pháp-giới, hiện tiền mỗi một sát-na niệm niệm không dừng ấy tức là cái nhân niệm niệm tạo sanh tử của mười Pháp-giới.

Nhân đã tạo thành thì tương lai sẽ cảm quả tơ hào không sai khác, trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu. Nếu các ông gieo nhân Phật thì đương nhiên cảm lấy quả thành Phật. Nếu gieo nhân A-tu-la, Địa-ngục thì nhất định sẽ nhận lấy quả báo A-tu-la, Địa-ngục. Như vậy niệm cái gì gieo nhân ấy. Hiện tiền người có niệm, niệm chúng sanh khổ, phát tâm Bồ-đề tức là hướng thượng tu nhân Phật; cái niệm sát, đạo, dâm tức là hướng hạ gieo nhân Địa-ngục, Ngạ-quỷ và Súc-sanh.

Như thế là có mười thứ nhân cảm quả là mười loại Pháp-giới, ấy là bốn Giới thượng : Phật giới, Bồ-tát giới, Duyên-giác giới, Thanh-văn giới gọi là bốn Thánh-giới. Sáu Giới hạ là : Thiên giới, nhân giới, A-tu-la giới, Địa-ngục giới, Ngạ-quỷ giới, Súc-sanh giới gọi là sáu Giới phàm. Bốn Thánh, sáu phàm nói chung là mười Pháp-giới. Nhân của mười Pháp-giới nầy đều do một niệm hiện tiền của chúng ta tạo thành.

Hãy lấy lời ta nói làm thí dụ : Ta nói ở đây, các ông đứng ở đây nghe; ta một người nói các ông trăm người nghe, chỗ hiểu của mỗi người đều không giống nhau. Có người nghe ta nói thì trong lòng vô cùng thanh tịnh tin theo mà thực hành chẳng mảy may nghi hoặc, lúc ấy lại muốn lập định chí hướng không làm đến không được; đấy là nhân thành Phật ? Có người trong lòng hoan hỷ phấn chấn : "Tương lai ta sẽ liễu thoát sanh tử, còn muốn độ tất cả chúng sanh nữa"; đây là nhân Bồ-tát. Còn có người nghe trong lòng muốn dụng công phu, ở chốn núi non, hang động chịu khổ nhất trên đời; đây là nhân Duyên-giác, Thanh-văn.

Lại có người nghe trong lòng cho rằng : "Thầy nói nghe đến hay đấy, nhưng làm có nên đâu ? Chúng tôi còn phải trì Giới, cầu phúc kia !", đấy là nhân Trời, người. Lại có người nghe rồi trong lòng hậm hực nói : "Chán nản quá ! Ngày nào cũng một câu nói nầy, nghe đến chán luôn; hãy nói cho chúng tôi nghe ít chuyện đời mới còn hay hơn !", đã là chán ghét thì là nhân sân, nhân sân là nhân A-tu-la. Ngoài ra những việc phá Giới bỏn xẻn, tham lam, tà dâm, những điều ác đều là nhân tam đồ.

Cùng trong một câu nói của ta, trăm người các ông nghe rồi đều có sự suy nghĩ bất đồng, ấy là do cái nhân mọi người đã gieo không giống nhau. Nhân của mười Pháp-giới là sự sanh tử của mười Pháp-giới.

Các ông thử nghĩ : Suốt ngày nổi một vọng tưởng bên nầy, nổi một vọng tưởng bên kia, vui vẻ, giận hờn, tất cả phiền não vô minh, gieo một thứ nhân như vậy thì sanh tử còn có lúc dứt không ? Còn có ngày nhô đầu ra không ? Luôn cả hơi thở cũng không ra được.

Các ông nghiên cứu thử xem có phải như thế không ? Nhưng sanh tử có nhiều như vậy thì phải cần thế nào mới có thể dứt được ? Niệm Phật có thể dứt được không ? Ta nói có thể được nhưng niệm Phật chỉ có thể thu tất cả niệm, câu thoại-đầu có thể rời tất cả niệm. Tỷ như : Các ông nổi vọng tưởng ngay nơi ấy tạo sanh tử, bận lắm, một câu thoại-đầu sẽ nhanh chóng thay ông mà xa rời niệm tạo sanh tử.

Mọi người các ông hãy nghĩ : Lực lượng câu thoại-đầu có mạnh không ? Ta nói lực lượng của câu thoại-đầu lớn; nói lớn hơn nữa, muốn các ông tin hình như là không phải dễ. Các ông hãy thí nghiệm qua xem là biết thôi. Các ông hãy nổi một vọng tưởng thử xem; ngay trong lúc nổi vọng tưởng ấy hãy đề câu thoại-đầu lên cho rõ ràng minh bạch. Đáo để là ai ? Cứu cánh là ai ? Tham như thế thì bóng dáng vọng tưởng có còn không ?

Các ông xem đấy, lực lượng câu thoại-đầu lớn đến dường nào ? Các ông có thể tâm tâm tham như thế, niệm niệm tham như thế được, chuyện về sau ta sẽ cùng các ông thương lượng. Tham đi !

28. KHAI THỊ: Ngày 13 tháng 11 (Thất tư ngày thứ bảy)

Đả được bốn Thất rồi, công phu của các ông đương nhiên đã có chỗ thâm nhập. Thất đầu không biết dụng công, Thất hai biết dụng công, Thất ba thì dụng công phu được, Thất tư đương nhiên có thâm nhập.

Lúc khởi Thất nầy có vài vị phải bận : Sư Ban-thủ của Thiền-đường mỗi giờ mỗi khắc chiếu-cố các ông, nói nhiều rồi sợ các ông động niệm; giảm rồi lại giảm nữa, rất sợ nói thêm một câu lại làm động niệm các ông.

Giảng khai-thị, Công-án, Điển-chương, không mang một câu Kinh-điển, Ngữ-lục, cho đến bất cứ cảnh huống nào bên ngoài đều chẳng nói lấy một câu với các ông. Tại sao vậy ? Bởi vì cái các ông tham là câu thoại-đầu, thành thử tất cả các câu nói khác đều không hợp với Pháp nầy, đó chính là điều khổ tâm của họ.

Cho đến thấy các ông chỗ nầy cũng không đúng, chỗ kia cũng không đúng, cưỡng trong lòng không được, muốn nói, muốn tỏ bày, nói ra lại e các ông động niệm nên chỉ cho tự mình buông bỏ đi thôi. Điều nầy cũng là thành tựu Đạo-niệm của các ông.

Vị Duy-na chiếu-cố trong và ngoài Thiền-đường cho đến đi nhiễu hương dài càng sợ các ông ảnh hưởng đến sức khỏe, nhiễu hương ngắn lại sợ tinh thần các ông bất túc, lúc tọa hương thì dễ buồn ngủ, thôi thúc chạy hương thì sợ đánh nhằm lỗ tai các ông, hoặc đánh bị thương làm cho Đạo-tâm của các ông lui sụt. Suốt ngày cứ để hết tinh thần mà lo cho các ông.

Tất cả Sư Giám-hương, Hương-đăng, Tự-thủy, Duyệt-chúng, Hộ-thất trong ngoài, nhà kho, Khách-đường (Tư-pháp của nhà chùa) đều là lo cho các ông dụng công hành Đạo thành tựu cho các ông đả-thất.

Hôm nay Đả đã được bốn Thất rồi mà còn nói chuyện công phu chưa thâm nhập ! Quy-củ của việc khảo công phu cũng giống như trên, một khi hỏi thì cần phải trả lời, nhưng khi đáp ra thì sẽ làm Trời lay, đất động mới được; đã giao hẹn lúc trước rồi : Nếu không thì không hỏa táng tức phải thủy táng ! (Lược bỏ phần khảo công phu và giải Thất)

= > Thất thứ năm

Tác giả bài viết: Liễu Phàm

Nguồn tin: Tông Phong Tàng Thư