Thiền thất khai thị luc - phần III

Thất thứ III
15. KHAI THỊ : Ngày 30 tháng 10 (Thất thứ ba ngày đầu)

Pháp-luân chưa chuyển thực luân phải chuyển trước. Trong sự khó khăn vô vàn của nhà Chùa, dù cho khó khăn đến đâu cũng phải ra sức duy trì cho nên phát khởi Thiền-thất cho các Sư được chuyên tâm tu hành. Cũng vì Đạo-tâm của các Sư thành khẩn cảm động đến Hộ-pháp Long-thiên và được nhiều vị Trưởng-lão ở các nơi phát đại từ bi, thấy nhà Chùa đời sống thanh bần mà quan tâm đến Đạo-niệm của các ông vì thế đặc biệt cung cấp dầu, muốn, gạo, củi để nhà Chùa khỏi phải lo lắng, các Sư được an tâm tu Đạo.

Các vị Trưởng-lão nầy trước kia hoặc là Thủ-tọa Hòa-thượng. Tây-đường sư phụ, hoặc Đường-chủ sư phụ, lâu nay vẫn thường quan tâm đến sự thanh bần của Đạo-tràng. Nhưng các Sư đó không thể so sánh với người đại phú được, đều tiện tặn, ăn xài bỏn xẻn, tích tụ tiền bạc do y bát khất thực không dễ gì có được. Không thể nói là cứ ngồi ngồi, đi đi mà trai thực tiêu đi được đâu. Nếu các ông cứ cho như thế mà không có công việc gì khác thì làm sao có thể trang trải được nợ cơm ?

Người xưa đã nói : Một tấc hương có thể tiêu được đấu vàng. Tại sao suốt ngày tọa hương mà không đủ trả được nợ cơm ? Thật đúng lắm ! Ta muốn hỏi các ông :

- Từ sáng đến tối, tấc hương nào tiêu được đấu vàng ? Tấc hương nào không tiêu được đấu vàng ? Các ông hãy nghiên cứu thử xem ? Không phải là việc nhỏ đâu !

Ta thấy các ông đối với "Tấc hương tiêu đấu vàng" đại khái còn chưa làm được. Đối với việc trang trải nợ cơm, ta không những có thể hứa với các ông mà còn có thể bảo đảm nữa. Ta bảo đảm ở chỗ nào ? Là ở chỗ muốn cho các ông đối với câu thoại-đầu không biết là ai, cứu cánh là ai, điều đó không hiểu được, rốt ráo là ai cũng còn không hiểu được; suốt ngày tiền niệm là câu thoại-đầu, mà hậu niệm cũng là câu thoại-đầu. Các ông tự mình đi như vậy thì ta bảo đảm các ông tiêu được cái nợ cơm.

Ta muốn hỏi các ông có tham-thiền hay không ?

Các ông đương nhiên trả lời : "Suốt ngày tôi tham câu thoại-đầu không mảy may gián đoạn", ta hỏi thêm các ông : Câu thoại-đầu không gián đoạn thì trên thân các ông có áo mặc không, quả-đường còn ăn cơm không ?

Các ông trả lời ta cách nào ? Nếu biết sự mặc là áo quần, sự ăn là cơm gạo thì không đúng rồi, tôi không dám bảo đảm đâu ! Ngoài ra các ông còn trả lời ra sao nữa, hãy nghiên cứu thử xem ?

Mặc áo không phải mặc áo, ăn cơm không phải ăn cơm; cũng như người xưa nói mặc áo suốt ngày không dính một sợi chỉ, suốt ngày ăn cơm không cắn một hạt gạo. Nếu các ông tham-thiền được như thế thì đây là bằng chứng ta có thể bảo đảm. Trái lại, ta không những không dám bảo đảm mà ngay cả Phật Thích-ca cũng chẳng dám.

Các ông phát tâm, hãy tham đi !  

16. KHAI THỊ: Ngày 1 tháng 11 (Thất thứ ba ngày thứ hai)

Tham-thiền không phải là việc hưởng nhàn. Hôm nay là trong thời kỳ đả-thất không cần phải nói lại con đường công phu làm chi nữa, nếu cần phải nói thì không còn đả-thất nữa. Vì sao vậy ? Vì lúc bình thường cần phải dụng công cho tốt, kịp đến lúc đả-thất cần thêm tinh tiến thời ngộ ngay thôi. Nếu muốn nói đường đi trong thời kỳ Thất vậy thì đường đã nhiều lại thêm lắm : Vọng tưởng, hôn trầm, chẳng biết đến tham-thiền. Không biết đến việc phát khởi nghi-tình, phiền não, vô minh v.v... lại càng thêm lắm. Cứ theo như thế mà vẫn còn được gọi là đả-thất hay sao ? Đả-thất cần ở sự khai-ngộ cũng như theo đuổi việc thi cử vậy.

Kỳ thi không phải là lúc đi học, lúc bình thường cần phải học hành cho tốt. Một khi đã đến nơi Trường-thi rồi thì chỉ còn lo việc công danh. Giả sử vô Trường-thi chữ không biết lại còn đi tìm lấy người để hỏi, điều nầy có được không ? Đả-thất cũng như thế.

Trong thời kỳ đả-thất còn không hiểu được sự dụng công, lại cũng chẳng hiểu vọng tưởng và tham-thiền có như nhau hay không, đầu mối sự phát nghi-tình là như thế nào, như thế mà đả-thất hay sao ? Thật tiếc cho các ông không thể không nói được.

Nếu mà không nói thì không những chỗ sâu xa không thấy đến mà chỗ nông cạn cũng chẳng nhìn ra, cho nên ta nay vì các ông mà nói, tham-thiền khởi nghi-tình là như thế nào ? Phải biết câu thoại-đầu là như thế nào ? Không rõ cứu cánh là ai ? Chẳng hiểu được là ai, rốt rào là ai ? cũng chẳng biết là ai, không rõ không biết, mơ mơ hồ hồ tức là nghi-tình vậy.

Vọng tưởng với tham-thiền đều là một vọng tưởng, cùng một con đường. Ta nói như thế các ông nghe lại cho là : "Tham-thiền cũng là vọng tưởng, vậy còn phải tham-thiền làm gì ? Vọng tưởng hóa ra là Lục-đạo luân hồi, Tham-thiền cũng là vọng tưởng vậy tham-thiền không phải là luân hồi sao ?"

Cần phải hiểu được là chỗ khác nhau giữa vọng tưởng của sự tham-thiền với vọng tưởng của vọng tưởng là thế nào ? Vọng-tưởng thì tùy nghiệp chuyển, tham-thiền thì tùy tâm chuyển, tùy nghiệp chuyển thì tâm đi trước, các ông đi theo sau tâm. Nghiệp thì chuyển hướng về nẻo luân hồi mà đi, cho nên vọng tưởng là theo nghiệp chuyển, tùy nghiệp thì tất cả là sanh tử.

Tham-thiền thì tùy tâm chuyển. Tâm là cái gì vậy ? Có phải quả tim bằng thịt của các ông không ? Thế lấy gì làm tâm của các ông ? Tâm, vậy thì ở đâu ? Ở trong chăng ? Ở ngoài chăng ? Hay là ở khoảng giữa hay nơi nào nữa ? Thật đáng tiếc ! Các ông thật chẳng biết gì ? Ta nói đưa chân lên, để chân xuống, đi đứng nằm ngồi, ra vào tới lui, tất cả chỗ nào cũng chẳng mảy may rời tâm cả, vậy có chỗ nào không phải tâm đâu ? Ấy chỉ là mình thừa nhận không được thôi. Hôm nay ta hai tay mang đến trước mặt các ông sợ rằng các ông cũng chẳng biết ra được. Thế còn người nào có thể thừa nhận được chăng ? Ta dám nói với các ông một người cũng chẳng có.

Vậy thì câu thoại-đầu đợi các ông tham-cứu cho đến chỗ đắc lực, muốn các ông tự mình nhận thức một tí. Ta nói cái gì các ông cũng có thể tin lấy được, nếu công phu không đến được nơi nầy thì dù ta có nói tốt nữa cũng không dễ gì tin được đâu. Nhưng câu thoại-đầu này nói là Chân-như cũng được, nói là Phật-tánh cũng được, nói là Pháp-thân cũng được, nói là Tâm cũng xong, phạm vi của nó rất rộng lớn vậy. Thật đáng tiếc cho các ông ! Đối với Tâm thì tuyệt không biết gì.

Hôm nay ta dạy cho các ông hãy lấy câu thoại-đầu làm Tâm đấy. Câu thoại-đầu đến nơi đâu các ông đến nơi đó, câu thoại-đầu đi trước các ông đi theo sau. Nói tóm lại, lấy câu thoại-đầu để xét tâm ta, hỏi tâm ta, truy cứu tâm ta, lâu ngày đi rồi cũng có thể làm sáng được Tâm ta.

Đây tất cả sẽ là : Vọng tưởng tùy nghiệp chuyển tức là sanh tử, vọng tưởng tùy tâm chuyển tức là minh Tâm. Các ông phải thấu đáo thấy được là lời ta có đúng không, việc ta nói là việc của ta, không liên can gì đến các ông, muốn cho các ông dụng công phu đến nơi ấy thì các ông tự mình sẽ thấy thôi và các ông mới có được sự thọ dụng.

Giả sử như lời của ta nói mà các ông đối với bổn phận mình lại không nghe không hỏi, thế thực là đáng tiếc ! Đáng buồn ! Phải hiểu được là : Cái xác thân nầy, thời giờ thì hữu hạn, một khi đã ngã xuống rồi thì không còn gì để truy xét nữa. Tiền đồ thật không kham nghĩ đến. Cần phải nhanh chóng lên. Hãy tham đi !

17. KHAI THỊ: Ngày 2 tháng 11 (Thất thứ ba ngày thứ ba)

Về người dụng công có câu rằng : Một người địch với muôn người, câu nói nầy đối với người xưa thì thật là đúng, nhưng đối với người nay thì không hợp. Tại sao vậy ? Vì Đạo-tâm người xưa sung mãn, trăm lần gãy đổ chẳng trở lui, một lần bạo gan nhảy tới có thể vượt qua được ngay, người nay Đạo-tâm không vững, cứ một lần gãy đổ thì phải lùi lại ngay, nhiều lần bạo gan nhảy tới cũng chẳng vượt qua được. Mà không bạo gan đối địch thì còn tốt chứ bạo gan đối địch thì trái lại phải đầu hàng.

Như vậy là lẽ làm sao ? Đó là vì một người chúng ta sức lực thì hữu hạn, muôn người khác mỗi mỗi đều có sức lực rất lớn. Muôn người là ai ? Là tham, sân, si, mạn, nghi và các thứ phiền não vô minh. Muôn niệm nầy thì đã quen thuộc từ lâu không cần các ông đến gần nó, nó cũng tự nhiên tùy thuận các ông.

Cái niệm tùy thuận tự nhiên nầy có sức lực vô lượng, muôn niệm thì sức lực lại càng lớn không kể được. Hôm nay một niệm dụng công tham thoại-đầu từ lâu chẳng thấy qua cũng như chưa từng làm qua, như vậy làm sao nó tùy thuận các ông mà lại còn muốn các ông đi tìm nó, thuận nó nữa.

Rõ ràng cái niệm tìm nó cực nhỏ mà cực lạ, sức lực rất nhỏ. Thí dụ như một gia đình trai gái cháu con cùng với quyến thuộc đều tự nhiên đoàn kết nhất trí, bỗng nhiên có người lạ mặt ở đâu bên ngoài đến nói rằng : "Các người hãy đi ra, nhà nầy là của ta". Các ông xem đấy, thế gia đình đó có chịu nhường người ấy không ? Hay là muốn địch lại người ấy ? Một mình ông có muốn đuổi họ như thế thì cả gia đình họ sẽ địch lại ông, thế liệu ông có địch lại họ không ? Chúng ta một niệm địch muôn niệm cũng như vậy.

Muôn niệm vọng tưởng đã quen thuộc là trong nhà sẵn sàng. Một niệm dụng công phu nầy là còn lạ còn mới, với muôn niệm thì nó không đồng lõa. Các ông nghĩ xem, như một người cùng với cả gia đình đấu tranh thì làm sao một người địch được cả gia đình người ta ? Đó cũng là một lý cả.

Vậy nếu địch không nổi thì phải có cách nào lo liệu ? Không tùy thuận nó được thì bỏ sao ? Biện pháp thì có, trước hết cần các ông thấy rõ được nguyên nhân không địch lại họ được là nguyên nhân ở đâu ? Rõ được nơi đó thì đương nhiên mới có biện pháp.

Nhân vì một người các ông muốn địch lại muôn người. Các ông có niệm địch lại thì ở ngoài mặt tự nhiên sẽ có trạng thái muốn địch lại. Các ông đã có trạng thái muốn địch lại biểu thị ra đương nhiên đó là vì có địch nhân mới có. Kẻ địch thấy ông muốn địch lại họ thì đương nhiên họ muốn địch lại các ông. Tỷ như một người dự bị cùng người khác đánh nhau, nhất định trên tay phải mang dao, đầu đội nón sắt, mình mặc giáp, đứng chỗ đất rộng. Các ông đã có dự định nầy thì đối phương cả vạn người cũng muốn đến để đánh nhau. Bọn họ cũng cần phải cầm dao, cầm súng xúm lại, các ông một khi đã thấy vậy thì còn có dám đánh nữa không ? Có phải khi thấy đã muốn đầu hàng rồi không ?

Thứ nữa, các ông có dự bị cầm dao cầm súng đánh người, không những muôn người muốn đến đánh các ông mà một người hai người thấy được cũng muốn đánh ông nữa. Tại sao vậy ? Ông đương đầu với họ thì đương nhiên họ cũng xem ông là đối phương, há có lý nào lại không đánh nhau ? Đúng không ? Tất cả lời nói trên đều là ví dụ, chúng ta hãy học các ví dụ.

Các ông nghĩ rằng : Vọng tưởng đến rồi thì mau chóng lấy câu thoại-đầu đánh lui nó. Như vậy đánh với nó ba lần, hai lần, bất tri bất giác tùy vọng tưởng mà đi mất đến nửa ngày, biết ra rồi lại cho là : "Lạ lùng thay, ta tham thoại đầu muốn hàng phục vọng tưởng ai dè vọng tưởng nổi lên cả nửa ngày mà cũng còn chưa biết", lại tham thoại-đầu nữa, một khắc sau nghiệp chướng nổi dậy, ông vẫn theo như trước mà địch lại, ba lần địch, hai lần địch, bất tri, bất giác lại tùy nghiệp chướng mà đi mất, nổi nghiệp chướng lên cả nửa ngày mới biết. Các ông suốt ngày như thế mà địch với nó, bất tri, bất giác tùy thuận nó, tức là các ông dụng công "Một người địch muôn người", thực ra người đời nay không thể dụng công được.

Cần phải làm sao cho muôn người bỏ ác làm lành, tất cả đều đầu hàng, chúng ta chỉ cần chuyên chú giữ lấy câu thoại-đầu không rõ ràng cứu cánh là ai ? Cũng chẳng biết rốt ráo là thế nào ? vọng tưởng đến ta không hỏi, nghiệp chướng đến ta không hỏi. Nói tóm lại, không rời câu thoại-đầu. Phật là người nào niệm ? Dầu cho nổi tình yêu, nổi vọng tưởng, nổi nghiệp chướng đủ thứ nhiều đến đâu ta cũng không hỏi. Ta vẫn còn giữ lấy câu thoại-đầu để khởi nghi-tình. Nghi-tình phải rõ ràng, mạch lạc, cứ ung dung, ngay thẳng mà tham đi.

Vậy thì vọng tưởng nổi lên mặc kệ nó, ta cứ tham câu thoại-đầu của ta, mỗi người làm lấy việc của mình, các ông nổi vọng tưởng cũng được, không nổi vọng tưởng cũng được, ta cứ tham thoại-đầu mà thôi, cứ giữ cái nghi-tình không hiểu mà thôi. Để vọng tưởng nổi cho đã đi, nổi đến hết rồi thì không nổi nữa. Ta vẫn còn tham như thế lâu ngày rồi nó phải đầu hàng ta. Làm cho nó chí tâm quay về, thế không phải là phản vọng quy chân sao ?

Tỷ như ta mặc chiếc áo vá, đắp chiếc y, đầu đội mũ ngồi xếp bằng một bên đường, cho dù thiên quân vạn mã cầm đao súng đi ngang qua chỗ ta, ta có quan hệ gì đâu ? Phải chăng nó đi đường nó, ta không phải là kẻ địch của nó thì làm sao nó lại đánh ta ? Lâu ngày nó đi tới, đi lui, đi quen mãi rồi nó còn đến thỉnh giáo, thỉnh ta nói về tâm rất là thân thiện, có phải là quy thuận ta chăng ? Các ông tất cả hãy nghĩ xem có đúng không ? Ta với nó làm địch, tất nó sẽ liều mạng với ta, ta không cùng nó làm địch nó sẽ thân cận ta, tùy thuận ta thôi.

Các ông thử nghĩ ta chỉ với câu thoại-đầu mà không minh bạch gặp vọng tưởng nào cũng chẳng hỏi, không lấy nó làm bạn xấu, cũng chẳng lấy nó làm bạn tốt, không đến gần nó cũng chẳng xa nó, dụng công tham-thiền như thế thì còn gì tốt hơn. Rõ ràng câu thoại-đầu nầy mà nhận chân tham-cứu không cùng với tất cả vọng tưởng, nghiệp chướng làm bạn, không cùng với Thiên, nhơn, A-tu-la làm bạn, cũng không cùng với Chư Phật, Bồ-tát, lịch đại Tổ-sư làm bạn.

Các ông e sợ mà còn mối hoài nghi mới hỏi : "Nói câu thoại-đầu không cùng vọng tưởng, nghiệp chướng làm bạn còn có thể được không cùng Chư Phật, Bồ-tát làm bạn tôi có chỗ không tin".

Đúng đấy ! Không tin thì không lạ gì ông, ta muốn hỏi ông : Có tham câu thoại-đầu hay không ? Giả sử không có tham thì hãy tin lời ta. Hãy tham câu thoại-đầu đến rốt ráo xem là ai, cứu cánh là ai ? Các ông từ sáng đến tối cứ như thế không gián đoạn, liền không có kẽ hở, chính vào lúc nghi-tình đắc lực, các ông hãy mở mắt ra mà xem, Phật có còn không ? Tổ có còn không ? Đấy, ấy phải là tự các ông đi đến nơi đó thì mới thấy được.

Tham đi !

18. KHAI THỊ : Ngày 3 tháng 11 (Thất ba ngày thứ tư)

Trình tự của việc tham-thiền, đại khái từ đa (nhiều) tâm đến thiểu (ít) tâm, do thiểu tâm mà đến nhất tâm, về sau từ từ đạt đến vô tâm, liễu (ngộ) tâm.

Đa tâm của các ông bây giờ nhất định chẳng có đâu. Đa tâm là sao ? là tất cả cảnh giới bên ngoài, hoặc Thượng Hải, Bắc Bình, hoặc Tô Châu, Nam Kinh cho đến tất cả mọi nơi đều là đa tâm cả. Đa tâm chẳng có thì còn có thiểu tâm, thiểu tâm lại là cái hình sắc thấy được, âm thanh nghe được ở chốn Thiền-đường, cho đến chỗ thiểu tâm nầy, đại khái là có vậy.

Hôm nay nói câu thoại-đầu nầy, ngày mai cũng nói câu thoại-đầu nầy, lâu ngày rồi sẽ tự biết do thiểu tâm đến nhất tâm, nhất tâm lại là cái tâm tham thoại-đầu, còn cái gì khác nữa cũng chẳng có : Đi, đứng, nằm, ngồi cũng là cái tâm nầy; mặc áo ăn cơm cũng là cái tâm nầy. Với cái tâm nầy đã quen thuộc rồi thì đối với vô tâm, liễu tâm đều có thể tiếp tục đạt đến được.

Đây cũng là trình tự dụng công tham thiền trong Thiền-tông cũng không phải là Giáo-môn nói theo lục thức, nhất thức, bát thức, trần sa vô minh. Thiền-tông chỉ là : Từ nhiều đến ít, từ ít đến không. Nhiều nhất chỉ là nói thô hay tế, đó là phương tiện cùng cực.

Lại nữa, câu thoại-đầu nầy, các ông thực không ưa nghe : "Ngày nào cũng nói, nhiều quá đi rồi, chán nản quá ! Mà có cái gì nói đâu, câu thoại-đầu ấy một chút mùi vị cũng chẳng có".

Các ông đã không thích nghe mà tại sao ta còn cứ muốn nói câu nhạt nhẽo nầy ? Vậy thì ta muốn hỏi các ông : Muốn hay không muốn tham thiền ? Các ông là người làm việc gì ? Nếu là người tham thiền muốn liễu sanh thoát tử, vậy thì sanh tử muốn liễu thoát đó, thiền thì nhất định phải tham.

Đa tâm thì người nào cũng có, các ông dùng phương pháp nào mà có thể làm cho đa tâm thành thiểu tâm, làm cho thiểu tâm thành nhất tâm cho đến vô tâm, liễu tâm ? Trình tự tham-thiền không trải qua con đường nầy tất không thể nào được liễu tâm. Cái pháp Tham thoại-đầu nầy thì rất xứng đáng, thâu đa tâm thành thiểu tâm, từ thiểu tâm mà đến nhất tâm, vô tâm, liễu tâm. Các ông không tin vào cái Pháp nầy, thế các ông có thể tin vào cái pháp nào nữa ? Nếu các ông thực không tin, chẳng thèm nghe, ta cũng chẳng cần nói.

Câu thoại-đầu cũng không có gì là phạm vi lớn cả, chỗ của nó rất nhỏ, một tấc, một phân cũng chẳng có. Nói cho gọn thì có thể nói thật là nhỏ, bỏ nó vào tay cũng được, bỏ xuống chân mà đạp lên cũng được, đặt lên đầu lông mày cũng được. Các ông xem đó mà cho là một việc không đáng kể. Tiếc thay !

Tất cả chúng ta đều ở trong căn phòng nhỏ bé nầy, các ông ở trong đó ta cũng ở trong đó, thập phương Chư Phật, lịch đại Tổ-sư cũng đều ở trong đó. Các ông còn có một người nào không ở trong đó không ? Còn có thể ra khỏi phạm vi bé tí ti nầy không ? Ta hỏi các ông : Có ra được hay không ra được ? Không ra được, đầu thai thành trâu cũng từ nơi nầy ra, ngựa cũng từ nơi nầy ra.

Các ông còn có người đứng ra nói : "Tôi không ở trong, tôi đã ra ngoài rồi". Các ông còn có người nào đứng ra nói như thế không ? Đại khái các ông không có người nào như vậy.

Giả sử các ông có một người nói : "Ta đã ở bên ngoài rồi" cũng còn chưa đúng, ông ở bên ngoài, ta ở bên trong, đem bên trong bên ngoài quăng bỏ đi hết thì mới đúng. Nếu trong ngoài đều không vứt bỏ thì chưa được kể là liễu-sự.

Câu thoại-đầu mà các ông không chịu nghe nó không có mùi vị thì kết quả vẫn còn ở trong bụng nó, không ra khỏi phạm vi của nó được một bước. Có bản lĩnh lớn nhất cũng không làm gì nỗi nó. Các ông còn phải tin nó không ? Nếu không tin nó thì các ông có bản lĩnh gì ra khỏi phạm vi của nó không ? Tại sao muốn nói câu thoại-đầu làm cho ta tất cả đều ở trong phạm vi của nó ?

Bởi vì một câu thoại-đầu nầy là ai, rốt ráo không rõ được vì bị nó nhốt lại đến chặt cứng. Cái cửa nầy phá không được tất nhiên Thiên-đường, Địa-ngục, thai trâu bụng ngựa cũng không phá được. Chung qui bị nó nhốt lại, nếu muốn phá cửa nầy thì cần phải tham câu thoại-đầu.

Hãy tham đi !

19. KHAI THỊ : Ngày 4 tháng 11 (Thất ba ngày thứ năm)

"Chỗ lạ chuyển thành quen, chỗ quen chuyển thành lạ" nói chung là pháp thế gian và xuất thế gian đều như thế cả. Tỷ như có người ở chùa Kim Sơn các ông thì sự việc trong Chùa đều biết, không những là nhà cửa, cột kèo, ngói gạch các ông cũng đều đếm qua từng cái, cũng có thể nói là thông thuộc lắm vậy. Ngày nay đến chùa Cao Mân một chỗ cũng chẳng thông, cái gì cũng không hiểu được, đây hoàn toàn là lạ vậy; đây cũng là cái lý thông thường thôi và mọi người đều thấy được cả.

Tuy nhiên Chùa Cao Mân là lạ, Chùa Kim Sơn là quen, các ông được ở Chùa Cao Mân một ngày thì đương nhiên sẽ quen được một ngày. Người mới bắt đầu tuy ở Chùa Cao Mân, nhưng tâm vẫn ở Chùa Kim Sơn, đợi đến khi ở được một năm thì mới quen được một năm, ở cho đến hai mươi năm, ba mươi năm thì đương nhiên Chùa Cao Mân cũng quen thuộc cùng cực.

Cao Mân quen được một ngày thì Kim Sơn lạ đi một ngày, Cao Mân quen được một năm thì Kim Sơn lạ đi một năm, ba mươi năm cực quen thuộc Cao Mân rồi thì Kim Sơn cũng cực lạ rồi, đây cũng là lẽ thường. Đối với chúng ta thì dụng công cũng như vậy.

Câu thoại-đầu từ vô lượng kiếp đến nay chưa thấy qua, lại cũng chưa làm qua, nổi vọng tưởng, nổi nghiệp chướng quen thuộc lắm rồi từ vô lượng kiếp đến hôm nay, chẳng mảy may có giây phút nào lìa khỏi nó. Sống trong vọng tưởng đã rồi nổi nghiệp chướng, nghiệp chướng nổi đã rồi lại khởi tình ái, tình ái khởi đã rồi đi đến chỗ nổi giận, như thế suốt ngày, suốt năm, đời nầy đến đời kia, kiếp nầy đến kiếp kia, không phút nào ngừng nghỉ, tất cả những điều nầy đều quen thuộc cả rồi.

Hôm nay muốn các ông tham câu thoại-đầu, một chút hình ảnh đều không thấy, một câu thoại-đầu mới đề lên vọng tưởng đã nhanh chóng lôi nó đi, gắng sức đề lên một lần nữa, hai lần nữa nhưng tâm vẫn còn ở trong vọng tưởng. Các ông muốn suốt ngày không rời câu thoại-đầu, rốt cuộc lại bị vọng tưởng nghiệp chướng dắt đi. Tại sao vậy ? Đó tất là vọng tưởng nghiệp chướng thì hoàn toàn quen thuộc còn câu thoại-đầu thì xa lạ hoàn toàn, cũng giống như Chùa Kim Sơn thì quen mà Chùa Cao Mân thì lạ vậy.

Giả sử như nếu có vọng tưởng thì cũng còn là câu thoại-đầu, không có vọng tưởng cũng là câu thoại-đầu, nổi nghiệp chướng cũng là câu thoại-đầu, chẳng nổi nghiệp chướng cũng là câu thoại-đầu, lạ cũng là câu thoại-đầu, quen cũng là câu thoại-đầu, đề lên được cũng là câu thoại-đầu, không đề lên được cũng là câu thoại-đầu. Chung qui có thể không ăn cơm, không ngủ nghỉ, nhưng không có câu thoại-đầu thì không được. Hôm nay thì lạ, ngày mai cũng lạ, lâu ngày đương nhiên sẽ thành quen, cho đến mỗi năm lại càng thêm quen, hai mươi năm, ba mươi năm chắc chắn sẽ quen thuộc hoàn toàn thôi.

Câu thoại-đầu từ lạ mà dần dần chuyển thành quen, vọng tưởng nghiệp chướng từ quen mà dần dần chuyển ra lạ. Câu thoại-đầu đã quen thuộc rồi thì vọng tưởng nghiệp chướng, thế sự đều sẽ thành xa lạ thôi. Như quen thuộc Chùa Cao Mân xa lạ Chùa Kim Sơn vậy, các ông có một chút tri thức ta nói như thế thì các ông sẽ hiểu được sự quan hệ giữa lạ và quen, thì có phải là cần khổ công tham cứu không ? Cần tham cứu lâu dài không ?

Tham không được, không có bệnh nào khác, bởi vì quá lạ nên vọng tưởng nghiệp chướng không đánh lui được, không dằn xuống được, muốn được lạ chuyển thành quen, quen chuyển thành lạ đương nhiên cần phải khổ công tham cứu câu thoại-đầu, lâu rồi cũng đến một ngày phải thành công thôi.

Công phu không dụng được đó là vì ông không triệt để tin vào Pháp tham thoại-đầu nầy. Tại sao vậy ? Bởi vì câu thoại-đầu đề lên cũng như núi bạc, vách sắt, kêu ông đi thì ông phải bước chân vào chỗ nào ? Chẳng những không có được đường đi mà ngay cả nơi nghỉ chân cũng chẳng có, mở mắt xem thì không thấy đồ vật, lắng tai nghe cũng không nghe được âm thanh, mắt thấy không được, tai nghe không được, chỗ để chân cũng không có, bảo ông đi thì làm sao ông đi được ? Ông không đi được ông còn tin được sao.

Nhất định là không tin rồi, vì từ vô lượng kiếp đến nay nơi đi đều có hình sắc thấy được, có âm thinh nghe được, có đường đi được. Ngày nay dạy các ông tham câu thoại-đầu, cái chỗ nầy không giống như nó đâu : Xem không được, nghe không xong, chân không có chỗ đặt xuống thì hình như khổ muốn chết đi.

Các ông cho là : "Từ trước nơi nào cũng đến qua rồi, cái chỗ tham câu thoại-đầu không đầu không đuôi, chẳng có đông tây, nam bắc, chẳng tư duy trên dưới nầy, không những chẳng có người nào mà ngay cả ta cũng không có được. Chỗ nầy chưa có đến qua làm sao có thể dạy ta tin được, tin cái gì ? Có cái gì hãy đưa ta xem, có âm thanh gì hãy cho ta nghe mới được chứ, bấy giờ tôi mới có thể tin được, thí dụ có một cô gái mặc áo đỏ xanh, mặt mày thật đẹp đẽ, mở miệng nói tiếng nghe rất hay, ông bảo tôi tin thì tôi nhất định tin, bởi vì nhìn thấy sắc đỏ xanh, nghe được tiếng êm dịu, tự mình mắt thấy tai nghe thì phải tin thôi. Hôm nay tham câu thoại-đầu rỗng không, cái gì đâu cũng chẳng thấy, lại còn bảo người tin làm sao được, thực là làm cho người ta thấy khó chết đi thôi !"

Cũng giống như dạy các ông đi trên hư-không vậy, chẳng đi thì không qua được, muốn đi lại đi không đến, không đi cũng buộc phải đi, hôm nay cũng buộc, ngày mai cũng buộc, buộc cho tới không có cách nào thì phải đề câu thoại-đầu mà tham. Không có chỗ để chân cũng phải bỏ một chân, không thấy được vật gì, nghe chẳng được âm thanh nào thì chẳng quản gì nó lại cũng từ nơi nầy hướng tới trước mà đi xem, đợi đến khi ông bước một bước hình như có một chỗ để chân xuống, chẳng quản gì nó lại đi thêm một bước nữa, à ! có thể đi được rồi, lâu dần đi, từng chút từng chút một bước về phía trước, cứ như thế thì có thể bước ra đến một con đường sáng sủa, cũng như bảo ông đi trên hư-không không nơi đặt chân. Cần phải buộc ông đi, hôm nay cũng buộc, ngày mai cũng buộc, cứ buộc tới không có cách nào cũng phải hướng tới trước mà đi từng tí từng tí một.

Lâu dần đi thì đi trên hư-không cũng có thể đi được, đi quen rồi cũng không thấy quái lạ gì, muốn lăn người, muốn nhào lộn cũng có thể cho ông tự do. Đó là lẽ làm sao ? Chẳng có gì khác cả, chỉ là quan hệ giữa lạ và quen. Lạ là không động, nếu quen rồi thì cái gì cũng làm được hết. Tham câu thoại-đầu cho quen thuộc rồi lại còn lý gì mà không dụng công phu được nữa đâu. Hãy tham đi !

20. KHAI THỊ: Ngày 5 tháng 11 (Thất ba ngày thứ sáu)

Người muốn liễu thoát sanh tử thì phải siêng dụng công phu, người không biết sự sanh tử thì tối ngày sống trong sự khổ cực. Đối với người ở chốn Tòng-lâm thường tình đều như thế cả, người có chút Đạo-tâm biết hai chữ sanh-tử là lợi hại đương nhiên không liễu thoát nó không được. Việc thế gian có thể ngưng lại một bước nhưng việc sanh tử thì gấp lắm, không cho chậm trễ  được.

Người muốn hành Đạo thấy được đả Thiền-thất họ sẽ mừng lắm, phấn khởi tinh thần tham gia, bởi vì lúc thường thì có nhiều sự phá rối việc công phu, mặc dù phục vụ nhà Chùa là vun trồng cội phúc đối với bổn phận của mọi người thì nói vun trồng cội phúc cũng được, nói là việc quấy rối công phu cũng có thể được.

Trong thời kỳ đả Thiền-thất nầy việc gì cũng khỏi làm thì công phu mới xứng đáng. Một nén hương rồi một nén hương tự mình xem xét mình, nén hương nầy công phu còn đắc lực, nén hương kia nửa nén đắc lực, nửa nén thì không, tự mình xét mình tất cả, tự mình buộc lấy mình, nén hương trước không đến nơi đến chốn nén hương sau có được hơn nửa đắc lực, thì một nén hương nữa có thể đắc lực hoàn toàn.

Từng bước từng bước tiến lên. Người muốn liễu thoát sanh tử cứ mãi lo sự tham-cứu nầy, người không có chút Đạo-tâm sẽ nghĩ rằng : "Ngày thường còn có chút việc để tiêu khiển, còn có thể mượn sự làm việc để giải buồn mà hôm nay Đả-thiền-thất thì hỏng rồi, một chút việc cũng chẳng có, thật làm ta buồn muốn chết đi. Từ sáng đến tối chỉ đi đi, ngồi ngồi trong Thiền-đường, không thì đi cầu tiêu đại và tiểu tiện trong lúc khai-tịnh, ngoài việc Quả-đường ra thì cũng chẳng thấy được cảnh giới bên ngoài, thực làm cho người ta thấy khổ muốn chết đi, một khắc thời gian cũng không có".

Thế là lý lẽ làm sao ? Bởi vì tâm của các ông không có giờ phút nào ngừng được. Ngày thường ngoài việc nổi vọng tưởng, làm công việc, làm rồi lại nổi nghiệp chướng nghiệp chướng nổi đã rồi thì đi ngủ. Mở mắt tỉnh dậy lại nổi vọng tưởng nữa.

Hôm nay Đả-thiền-thất không có việc gì để làm, muốn ngủ thì không cho nhưng ông nổi vọng tưởng thì không ai làm gì nổi cho ông được, không những ta mà ngay cả Phật Thích-ca cũng không làm gì được cho ông. Cho ông nổi vọng tưởng nhưng chỉ nổi vọng tưởng thôi thì còn thấy không vui. Ngoài nổi vọng tưởng tâm không còn vật gì để dựa vào. Lo cái tâm cực khổ, lo nén hương dài quá, lo lúc đánh bảng thì không hiểu sẽ được ăn món gì hoặc là vị Giám-hương đánh bảng quá mạnh. Tối ngày cứ lo việc nầy không còn việc gì khác.

Các ông những người như vậy thì không ít. Nếu không sửa đổi thì ta nói thật, ta không khách sáo với các ông, các ông làm người như vậy tức là tội nhân. Các ông tưởng rằng không có phạm pháp chi thì làm sao gọi là tội nhân ?

Đúng đấy ! Các ông cần phải hiểu tất cả Hộ-pháp trong ngoài nhà Chùa đều vì các ông dụng công hành Đạo để liễu sanh thoát tử. Ai bảo ông là làm cho qua ngày ? Ông làm như vậy, không dụng công, không hành Đạo thì không phải là tội nhân hay sao ?

Ta nói đại đa số các ông không dụng công là tội nhân là ta còn ưu đãi các ông đó, các ông có tin không ? Các ông cả ngày ba tuần trà, bốn bữa cơm, hai lần nước người ta làm sẵn sàng để thọ dụng, không dụng công đương nhiên là tội nhân.

"Vậy đã nói là tội nhân sao còn ưu đãi chúng tôi ?" Ta nói ưu đãi các ông là sao ? Các ông cần phải biết : Hễ mảy may niệm nổi lên thì tạo nhân ba ác đạo. Các ông thử nghĩ xem, các ông suốt ngày muôn ngàn niệm cũng có đâu phải mảy may thôi đâu ? Một mảy may niệm thì tạo các nghiệp nhân đọa vào ba ác đạo, tương lai sẽ thọ quả ba ác đạo. Một niệm mà có nhiều quả báo như vậy mà các ông niệm nầy qua niệm kia muôn muôn ngàn ngàn không ngưng nghỉ thì chịu quả báo biết bao nhiêu. Vậy ta chỉ nói tội nhân là ưu đãi các ông rồi đó nhưng ta cũng hy vọng mọi người cần tham câu thoại-đầu, tham cho đến thông suốt hết mới được.

Muốn thông suốt, đầu tiên phải dụng công phu cho được. Chỗ nào là chỗ dụng công phu cho được ? ta muốn hỏi :

- Các ông có tham câu thoại-đầu không ?

Các ông trả lời : Có.

Ta lại hỏi : Nghi-tình có đắc lực không ? Các ông nói đắc lực.

Ta lại hỏi thêm : Trong khi đắc lực còn có thiện niệm, ác niệm không ? Còn có cái niệm thành Phật không, còn có cái niệm độ chúng sanh hay không ?

Nếu nói đều không có thì luôn cả hai chữ không có cũng không biết. Nói như thế thì được sự thực hành rồi. Muốn các ông tự mình hành đến chỗ nầy thì mới có sự thọ dụng. Các ông nếu thật có công phu như thế, quày đầu lại (ngộ) với câu "Niệm Phật là ai ?" lẽ nào không mở miệng được ?

Hôm nay ta hỏi ông : Niệm Phật là ai ? các ông không mở miệng được. Ta hỏi nữa thì mặt các ông đỏ hết, không được hỏi nữa, hỏi nữa thì không đúng rồi. Như vậy tức là công phu à ? Một người bị người ta hỏi một câu không mở miệng được, hỏi nữa cũng không trả lời được.

Các ông làm người như vậy, nếu người có một tí ti học thức đương nhiên cần phải buông bỏ tất cả học vấn cùng tột của mình, chỉ chuyên giữ lấy câu thoại-đầu thà chết chứ không buông. Muốn cái đầu của ta thì được, chứ muốn bỏ câu thoại-đầu thì không được.

Người Chức-sự bảo trải nệm ngồi, ta cũng không biết trải hay không ? Cần nhất là chiếu-cố đến câu thoại-đầu, quá lắm chỉ là bị đánh hương-bản thôi, chung qui bảo ta bỏ câu thoại-đầu để đi trải nệm ngồi thì ta không làm, thà chịu hương-bản, chúng tôi trước kia dụng công là vậy đó. Thà rằng phạm Quy-củ bị đánh hương-bản chứ bảo ta bỏ câu thoại-đầu thì không được.

Trong các ông chưa có ai nói công phu là cần thiết hơn cả. Phạm Quy-củ bị đánh hương-bản là việc không đáng kể, chỉ cần có công phu để dụng là được rồi, có được một người như thế chăng ? Ta dám nói không có, vậy các ông là người như thế nào ? Các ông muốn giữ cái mặt bề ngoài cho tốt, rất sợ mất mặt. Bị đánh hương-bản là sự mất mặt rất khó chịu. Cái thứ mặt thối như cứt chó nầy mà giữ nó làm gì. Nhưng các ông muốn giữ cái mặt thối đó không dám ruồng bỏ nó. Với các bổn lai diện mục rất quý lại không nghe không hỏi, cho là không cần vì người ta không thấy mà chỉ muốn giữ lấy cái mặt thối cho tốt là đủ rồi.

Như vậy há chẳng đáng tiếc, đáng buồn sao ? Các ông cam tâm làm thứ người vô dụng như vậy sao ? Các ông còn biết các ông khổ não không ? Hôm nay có duyên ta giảng cho các ông nghe, các ông còn không dễ gì nghe nhiều được.

Các ông hãy gắng sức, Tham đi !

21. KHAI THỊ: Ngày 6 tháng 11 (Thất ba ngày thứ bảy)

Người dụng công phu thường ngày dụng còn khá. Dù có nổi vọng tưởng, đề lên câu thoại-đầu thì vọng tưởng mất tiêu, công phu cũng còn dụng được, lúc tịnh dụng được, lúc động cũng dụng được, hình như niệm niệm cũng không bỏ trống.

Hôm nay Đả-thiền-thất thì trái ngược lại, thoại-đầu đề không lên, vọng tưởng cũng nổi không được, thanh thanh tịnh tịnh, muốn đề lên không câu thoại-đầu để dụng công phu. Đề lên một lần không được, hai lần không được, ba lần không được, đề đến tức ngực cũng đề không lên. Hình như đả-thất đã hỏng rồi. Ngày thường tham rất tốt, tại sao đả-thất lại dụng công không được ? Thôi buông nó cho xong !

Còn một thứ người thì đến chỗ nầy lại tưởng rằng : "Tốt lắm, thanh thanh tịnh tịnh, công phu mặc dù đề lên không được, vọng tưởng thì không có, vậy không có vọng tưởng thì đại khái như thế là đúng rồi, không cần dụng công phu nữa, nếu dụng công phu nữa há có phải là nhiều chuyện không ?. Cho nên ở chỗ thanh thanh tịnh tịnh nầy hãy nghỉ ngơi đi thôi".

Một số người có chút ít Đạo-tâm lần mò trên sự công phu nhất định phải có một thiên sự thực nầy. Tại sao vậy ? Chỗ nầy thì dụng công tất phải trải qua, ông muốn dụng công thì phải y theo đường lối nầy mà đi; con đường nầy là người dụng công tất phải đi qua, cũng không có việc lạ gì đáng kể.

Mặc dù tất phải có, nhưng tri thức của hai loại người nầy đều không đúng :

- Một loại là đề thoại-đầu không lên, đề một lần nữa cũng không lên, đề năm lần, ba lần rồi bỏ luôn.

- Một loại thì không muốn đề lên tưởng rằng đã đến nhà, nhưng sự thực nầy đối với bổn phận các ông thì còn xa lắm, cách xa như Trời với đất.

Hai loại nầy đều là sai lầm ! Tại sao vậy ? Lý do đề không lên và không muốn đề đều là do các ông đối với công phu nầy chưa thấy được thấu đáo. Nếu mà thấy được thấu đáo, tự nhiên không có sự đề không lên và không muốn đề rồi bỏ luôn nó. Người dụng công tại sao có con đường nầy ? Cần phải hiểu rằng : Lúc bình thường đều ở trên thanh sắc mà dụng công, không phải mắt thấy sắc thì tai nghe tiếng; và lúc ấy mặc dù đề câu thoại-đầu lên được nhưng vẫn còn trên thô tâm để thấy sắc, nghe tiếng. Cái thô tâm nầy, vọng tưởng cũng có, hôn trầm cũng có, nghiệp chướng cũng có; những cái nầy thường hiện ra, bởi vì thô tâm tất phải như thế.

Hôm nay Đả-thiền-thất, thanh sắc bên ngoài đều không được đến trước mắt ông, nghĩa là không cần các ông trừ bỏ thanh sắc, thanh sắc tự nhiên không có. Vì không có thanh sắc bên ngoài nên bên trong cũng không có tư tưởng phân biệt. Có thể gọi là ngoại vô thanh sắc, nội vô phan duyên, vì thanh sắc khởi lên phan duyên, vì phan duyên phân biệt mà nói thanh sắc, vì thanh sắc phan duyên thấy nhau mà nói một thô tâm.

Hôm nay thanh sắc đã không thì phan duyên làm sao có được; phan duyên, thanh sắc đều không, thô tâm đương nhiên cũng không có; thô tâm đã không thì tất cả đương nhiên sẽ ngưng lại.

Đề cũng đề không lên, dụng công dụng không được, vọng tưởng cũng nổi lên không được. Thanh thanh tịnh tịnh, đường đường chánh chánh tức là cái chỗ nầy và cũng là cái thô tâm đã ngưng nghỉ.

Thiền-tông nói như vậy, không phải như Giáo-môn nói cái gì là kiến-tư-hoặc, cái gì là tiền-ngũ-thức. Thiền-tông chỉ nói thanh-sắc, thô-tâm; thô tâm ngưng nghỉ rồi không phải là hết chuyện mà còn phải tiến tới trước mới đúng. Đã là thoại-đầu đề không lên thì làm sao đi ? Có cách nào không ? Có ! Cách nầy đối với hai thứ tri kiến của loại người trên đều có thể hợp dụng. Người mà đề không lên rồi bỏ luôn cũng cần cách nầy. Người không muốn đề tưởng rằng đến nhà, cũng cần cách nầy.

Cách nầy là thế nào ? Tức là chỗ các ông đề không được, nghĩ ra một phương pháp đó là : "Hãy tham câu thoại-đầu". Ông chưa nói tôi đã nói rồi : "Đề không lên thì làm sao tham ?". Vậy thì đề, buông xuống, lại niệm câu thoại-đầu. Mọi người đều có thể niệm được một câu thì cứ ở chỗ niệm mà tham !

Chiếu theo như vậy, ở nơi đề không lên nữa, hoặc không muốn đề là niệm một câu thoại-đầu nữa. Từ chỗ năng niệm hạ thủ tham, chỗ hạ thủ nầy nổi lên nghi-tình. Ta cho các ông biết; ông không muốn tham nó cũng không nghe ông, nghi-tình dâng lên thì tốt lắm !

Nhưng mà ta nói tốt xấu là của ta, muốn cho các ông đi được tới chỗ nầy thì các ông mới hiểu được sự chân thật bất hư. Lúc ta ở Chùa Kim Sơn công phu dụng đến chỗ nầy cũng như các ông bây giờ vậy. Đề thì đề không lên, vọng tưởng chẳng cần nói, đương nhiên cũng không nổi được, bởi vì công phu của ta và các ông không giống nhau ở chỗ đó.

Ta lúc mới dụng công ta tự mình từng nén hương một mà khảo cứu, mỗi khi gặp nén hương nào khai-tịnh trước hết phải tự hỏi mình : Công phu nén hương nầy ra sao ? Còn hôn trầm không ? Còn vọng tưởng không ? Nếu còn một tí hôn trầm hoặc một tấc hương vọng tưởng thì ngay lúc đó tự mình đánh mình một bạt tai; nén hương sau tự mình trách lấy mình, phải làm sao đốn đến hôn trầm vọng tưởng không còn một tí nào nữa mới được, câu thoại-đầu thật ngay thẳng, thật rõ ràng thì ta mới chịu bỏ qua không tự trách mình nữa.

Dụng công cho đến chỗ nầy, cho dù đề không lên ta cũng không giống với người, đối với chỗ nầy thì ta không trụ, biết là không phải cảnh giới tốt, cho là cảnh giới tốt ta cũng không trụ. Chỉ muốn tham-cứu mới đúng, không có phương pháp thì kiếm một vọng tưởng quen thuộc để suy nghĩ, vừa mới kiếm được chưa nổi lên thì đã mất rồi...

Nói Thượng Hải đại vũ đài tốt lắm, lấy nó làm vọng tưởng suy nghĩ thì không được. Vọng tưởng nầy nổi không lên sau đó lại thong thả niệm ra một câu thoại-đầu, thử nghĩ xem cái câu thoại-đầu nầy từ chỗ nào đến đây ? Đã là năng niệm thì tại sao tham không được ? Từ chỗ nầy mà hạ thủ, ngưng cho đến hai ngày sau đó lại từ chỗ nầy tham nữa; giống như ba ngày không ăn cơm, thấy được cơm thì có bỏ mạng cũng muốn ăn, thì mới cảm thấy công phu dụng được tốt, lại cứ thế tiến tới.

Tình hình đó thì nhiều lắm, đợi các ông dụng công đến chỗ nầy, ta sẽ thương lượng với các ông nữa.

Hãy tham đi !

=> Thất thứ tư

Tác giả bài viết: Liễu Phàm

Nguồn tin: Tông Phong Tàng Thư