Thiền thất khai thị luc - phần I

Hôm nay nhà Chùa vì các ông khởi Thất cho nên một số người phải bận rộn :

Thiền-đường, Ngoại-liêu, Thủ-lĩnh, Hành-đơn cho đến những người ở ngoài Chùa đều rất bận rộn. Vì các ông đả-thất, chẳng những người trong ngoài Chùa bận rộn mà có lẽ thập phương Chư Phật, Chư Đại Bồ-tát, Hộ-pháp Long-thiên cũng bận rộn không xiết. Nói chung ấy là vì các ông đả-thất.

Ta hỏi các ông : "Đả-thất là làm việc gì sao lại làm bao nhiêu người bận rộn như vậy ? Cái đó còn chẳng kể làm gì, ngay cả thập phương Chư Phật, Chư Đại Bồ-tát, Hộ-pháp Long-thiên so với chúng ta lại còn bận rộn hơn nữa, bận rộn việc gì vậy, các ông có người nào biết được không ? Đả-thất là làm cái việc gì ? Có lẽ có người còn chẳng hiểu được.

Trong lòng các ông nói rằng : "Những cực khổ lúc bình thường đã quá lắm rồi, nay lại còn phải đả-thất. Thầy nói nghe thì hay đấy, vì chúng tôi đả-thất, lại nói thập phương Chư Phật, Chư Đại Bồ-tát, Lịch Đại Tổ-sư, Hộ-pháp Long-thiên đều vì chúng tôi mà bận rộn. Bận rộn là bận rộn việc gì, chẳng qua chỉ đem đến thêm chút khổ nữa cho chúng tôi phải chịu đựng chứ có việc gì khác nữa đâu ?".

Đúng thật đáng thương xót ! thương xót không thể nói được. Các ông tuy ngu mê như thế nhưng ta vẫn chiếu theo Quy-củ của nhà Chùa để làm việc. Các ông phải hiểu được là : Quy-củ đả-thất rất nghiêm khắc, khác với lúc bình thường. Vậy khác ở chỗ nào ? Ấy là ngày nay các ông xin phép sanh tử ở các vị Tổ quá khứ và cũng xin phép sanh tử với ta, ta hứa cho phép sanh tử, vậy sanh tử các ông nằm trong hai tay ta, muốn cho các ông sống thì sống, muốn cho chết thì các ông ngay chỗ nầy chết.

Lúc bình thường Sắc-thân các ông giao nhà Chùa còn tính mệnh phó cho Long-thiên, trong thời kỳ đả-thất thì không như vậy, Sắc-thân, tính mệnh đều giao trọn trong tay ta. Quy-củ nghiêm khắc là như thế nào ? Ta đại khái đem ra nói cho các ông nghe :

- Từ nay về sau trong thời kỳ đả-thất, Tăng-chúng và các vị hành-đơn đều không chắp tay chào các vị Duy-na, không hỏi thăm Ban-thủ, cũng không chắp tay hỏi thăm ta. Trong thời kỳ đả-thất Phật cũng chẳng lạy, hương cũng chẳng đốt, thì các ông chắp tay hỏi thăm để làm gì ?

Ta vì các ông nói trước thế nầy : Việc lớn hơn hết là bệnh nặng, việc lớn nhất đã không có rồi, nói gọn lại là bệnh. Một khi có bệnh thì chẳng phải là chắp tay xin Duy-na cho nghỉ sao ? Vị Duy-na không dám cho nghỉ có phải chắp tay xin Ban-thủ chăng ? Không được, vị Ban-thủ lại dám cho các ông nghỉ bệnh ư ? Chẳng những là phép nghỉ bệnh, nghỉ chạy hương, nghỉ kinh-hành cho đến hết thảy các việc nghỉ phép, Ban-thủ, Duy-na đại khái đều không dám to gan như thế đâu. Vì sao vậy ? Các ông xin phép sanh tử, không phải xin Ban-thủ, Duy-na mà phải xin ta, các vị kia dám thay ta cho phép ư ? Vậy khi nào có bệnh thì làm cách nào ? Chẳng có cách nào hết, sống cũng đả-thất, chết cũng đả-thất, mạnh cũng đả-thất, đau cũng đả-thất, chung quy là đả-thất.

Ngay khi bệnh nặng, đứng cũng chẳng nổi thì làm sao chạy được ? Nếu các ông thực đã đến lúc chẳng còn có thể chạy được đi nữa thì phải đem thân thể các ông quăng xuống đáy quãng-đơn (giường ngủ chung của Đại-chúng). Các ông bệnh cũng được, sống cũng được, chết cũng được, đợi sau khi giải Thất thì mới đưa đi chôn, dù năm người hay ba người cũng quăng xuống đáy quãng-đơn. Đây là cách giải quyết kẻ có bệnh.

Lại nữa, các ông trong thời kỳ đả-thất, đi hương, ngồi hương, quả-đường cho đến đại tiểu tiện mà quày đầu một cái, hoặc cười đùa, như thế thì ta bảo các ông biết : Các ông phải mất mạng đó. Thế là sao ? Một khi các ông đã đến Thiền-đường thì hương-bản của các vị Ban-thủ, Duy-na đều quay về các ông mà đập xuống. Một, hai chục hương-bản chẳng kể đầu, mắt, tai cứ đánh hết, đánh rồi mà không chết vẫn phải đả-thất. Nếu như đánh các ông bị thương thì làm cách nào ? Thì cũng phải ném các ông xuống đáy quãng-đơn. Sau khi giải Thất rồi thì đem đi chôn một lượt. Chẳng phải như lúc bình thường đánh chết rồi đem đi chôn, đánh bị thương rồi thì đưa vào nhà y tế.

Thời kỳ đả-thất thì không như thế. Vậy thì Chùa Cao Mân đánh chết người chẳng coi việc đó ra gì sao ? Những năm qua trong thời kỳ đả-thất cũng có mấy người bị đánh chết, đây là việc bình thường chẳng có gì là lạ.

Ta đã cảnh cáo các ông nhiều rồi, những Quy-củ nào ta đã giao rõ cho thì các ông phải làm đúng như thế, chẳng vì tình riêng tư, không được sai chạy một chút. Ta nói gọn lại một câu : Có bệnh gần chết không được xin nghỉ bệnh, chết rồi liền đem quăng xuống đáy quãng-đơn. Phạm Quy-củ đánh chết rồi cũng quăng xuống đáy quãng-đơn. Ta đã dặn dò các ông rõ ràng, mảy may không được sai chạy.

Lại nữa, lúc bình thường, các ông trong khi tịnh muốn đi ngoài thì xin phép với Duy-na, Duy-na đánh sáu hương-bản thì có thể mở cửa đi ra được. Trong thời kỳ Thiền-thất chẳng cho như vậy, vì rằng một ngày 12 nén hương thì có thể 24 lần đi ra ngoài. Dù cho các ông có đau bụng muốn đi ngoài thì có ít nhiều thì giờ để đi chăng ? Bất cứ cây hương nào cũng không cho phép mở cửa. Các ông dù có đại tiện ngay ra quần hay trên nệm ngồi thì cũng không quái lạ gì các ông cả, đi ra trên nệm thì có thể được chứ mở cửa thì không thể được.

Các ông phải lưu tâm. Đả-thất là làm việc gì ? Các ông phải hiểu cho rõ ràng, không có gì hơn ngoài việc tham-thiền, ngộ Đạo, liễu sanh thoát tử. Muốn tham-thiền mà chẳng tham câu thoại-đầu thì không được. Muốn liễu thoát sanh tử thì cũng tham câu thoại-đầu thì mới liễu được.

Các ông phải phát tâm tham đi.

1. KHAI THỊ : Ngày 16 tháng 10 (Thất đầu ngày đầu)

Thầy thuốc giỏi nhiều bệnh nhân đến. Người đời khi có bệnh đều phải đến thầy thuốc, ông bệnh nào thì lương y cho ông uống thuốc nấy, ông ta theo chứng bệnh mà cấp thuốc đến khi bệnh dứt được, đó là lý lẽ nhất định của pháp thế gian, pháp xuất thế gian cũng như vậy.

Chúng ta từ vô lượng kiếp cứ mắc bệnh mãi cho đến ngày nay, hết thảy người đời chỉ biết sự đau đớn trên xác thân mình, còn một thứ đại bệnh mà chẳng biết tí nào cả. Người thế tục chẳng biết có cái đại bệnh nầy thì còn nói được đi vì họ từ mê nầy vào mê khác, thiện căn ít nên không thể lạ gì họ, các ông là người dụng công tu Đạo, liễu thoát sanh tử mà tại sao lại cũng giống họ vậy ? Các ông cứ cho là mình tốt hơn người thế tục. Ta hỏi các ông : "Có bệnh không ?" Các ông nghe hỏi vậy trong lòng không vui, nghĩ : "Người khỏe mạnh tại sao hỏi có bệnh hay không ? Từ sáng đến tối ăn mấy bát cơm, trà cũng uống, nước cũng uống thì có bệnh gì; có bệnh thì có chỗ nào tốt đâu ?" Đúng đấy, thực là khổ sở lắm ! Cái bệnh lớn như thế thì cũng loàng xoàng mà qua đi thôi.

Ta thấy các ông như thế trong lòng thật bất nhẫn tỷ như : Một nhà thương lớn có Giám-đốc, có Y-sĩ, người đến, người đi đều là để khám bệnh.

Bác-sĩ hỏi ông : Có bệnh không ?

Ông nói : Có bệnh.

Ông ta hỏi : Bệnh gì ?

Ông nhất định nói : Nhức đầu, ăn cơm không được... cho đến những thứ bệnh khác. Bác-sĩ liền theo lời ông và sự bắt mạch của ông ta mà cấp thuốc cho ông. Ông cầm lấy thuốc uống luôn không kể là cái gì chỉ mong khỏi bệnh, thầy thuốc nhất định muốn ông phải uống, uống rồi thì chung quy muốn khỏe mạnh.

Thiền-đường của chúng ta đây cũng như Bệnh-viện, các ông đến là để chữa bệnh cho nên hỏi các ông bệnh gì, các ông còn nói là không có bệnh chăng ? Các ông đương nhiên nói : "Có bệnh". Ta lại hỏi các ông : "Mắc bệnh gì ?". E rằng các ông không có người trả lời cho xuôi được, có bệnh gì các ông chẳng nói ra nguyên do căn bệnh thì ta làm sao ra toa được ? Ông không nói thì ta có biện pháp gì ? Một số các ông biết được chút ít thì cứ nói chút ít thì ta cũng có thể cấp thuốc cho các ông uống. Nhưng mà một chút các ông cũng chẳng biết thì ta có biện pháp nào ? Này các Sư, mắc cái đại bệnh nầy mà chẳng biết, lại quay lưng với Đạo, càng chạy càng xa.

Trong lúc các ông lại còn có vài người cứ cho là : "Nói bệnh lớn với bệnh nhỏ gì, chúng tôi lại đây là để xem nề nếp nhà Chùa, đến là để tham học, xem qua cách thức gia-hương đả-thất, biết được chút ít là được rồi".

Có khá nhiều vị nghĩ như thế đó. Bởi vì các ông không triệt để biết được mình vốn có cái đại bệnh ghê gớm, cái đại bệnh không trị không được. Chỉ sau khi các ông biết được triệt để cái đại bệnh nầy thì các ông mới có thể biết được cái lợi hại của bệnh không trị không được, phải uống thuốc.

Giả sử các ông không biết cái bệnh nầy thì còn nói gì chuyện uống thuốc. Bệnh-viện nầy cũng chẳng cần ở. Bởi vì các ông không biết mình có bệnh nên chẳng quan tâm gì đến việc đau đớn, không uống thuốc hình như cũng chẳng có việc gì, thế còn phải ở lại bệnh-viện để làm chi ?

Nay ta cho các ông biết : Đại bệnh nầy là "Sanh tử đại bệnh". Đại bệnh nầy nhất định phải trị, nhất định phải uống thuốc. Các ông phải hiểu được : Hôm nay đến được chỗ nầy quả không phải là dễ đâu, ấy là do sự bồi đắp từ kiếp trước. Cái thân người nầy không dễ gì có được, phải trải qua bao đại kiếp ở trong các loài khác đến nay mới có được cái thân người nầy ! Ta lại để thân nầy trôi qua, há chẳng phải là để phí phạm đi mất sự vun trồng của đời trước sao ? Phải biết rằng thân nầy không phải là trường cữu, cho là 100 năm mà nay chúng ta đã trải qua mấy chục năm rồi, thời gian còn lại có được bao nhiêu ngày ? Huống nữa đời người chỉ trong hơi thở, cứ khi miệng không hít không thở ra nữa là khổ rồi ! Nay chúng ta lại gặp cơ duyên tốt nầy, nên lo sao cho thiết thực làm một phen thì mới không phí phạm kiếp làm người, mới biết được sanh tử là đại bệnh của chúng ta. Cái sanh tử đại bệnh nầy không giống với đại bệnh ở thế gian, không uống thuốc câu thoại-đầu thì không được.

Các ông hãy đề lên câu thoại-đầu mà tham đi !  

2. KHAI THỊ : Ngày 17 tháng 10 (Thất đầu ngày thứ nhì)

Đả-thất làm cái gì ?

Chẳng có gì khác hơn là tinh tiến. Ta nói ngay ra là "chân" tinh tiến. Tại sao đả-thất lại là "chân" tinh tiến ? Bình thường cũng cho là các ông cũng có thể tinh tiến được nhưng chung quy lại không lâu dài mãi được; ấy là do lúc bình thường có nhiều công việc phiền nhiễu nên không thể trách các ông được. Bởi vì vừa đang dụng công tinh tiến thì bảng gõ hối phải đi lên Chánh-điện, mới cảm thấy công phu hơi đắc lực lại phải đi quả-đường, cho đến việc tuần-hương, đổi phiên trực Thiền-đường đều là những việc quấy rối sự dụng công. Nhưng hiện tại đả-thất thì không như vậy, không thượng Điện, không quả-đường cho đến đi tiêu giấy xúc cũng không cần các ông động tay, có thể cho là chu đáo lắm rồi, bình thường tất cả việc quấy rối làm cho trong lòng bận hết sức ! nhưng hôm nay thì mọi việc quấy rối đều đã có người quét sạch cả rồi, chẳng còn tí nào nữa, như vậy có thể hoàn toàn tinh tiến được. Nhưng ta muốn hỏi các ông : Tuy mọi việc quấy rối đã quét sạch rồi, chỉ lo rằng trong lòng các ông lại quét không sạch thôi !

Các ông quét sạch chưa ? Mọi người đều đứng ở đây, ta hỏi các ông : Sạch hay chưa ? Các ông hãy xét kỹ thử xem : Nếu muốn nhà Chùa giúp các ông thành tựu như vậy thì phải buông bỏ tất cả, chỉ lo dụng công thôi; các ông còn có được cơ hội tốt nầy, tất cả chẳng cần chúng ta phải làm gì hết, trống rỗng cả rồi. Để thời gian trôi qua như thế lại là đả-thất sao ?

Để thời gian đi qua trống rỗng như thế thì thực là phụ ơn nhà Chùa mà cũng phụ ơn bản thân các ông. Nhưng hôm nay ta còn để các ông tự phụ ơn mình sao ? Các ông phải biết cái loại nhân cho thời gian bỏ trống qua (hư tiêu Tín-thí) nầy như đã gieo xuống, đến khi cảm quả (quả Địa-ngục) thì không biết ra làm sao nữa ! Ta nói như vậy nhưng có lẽ trong lòng các ông lại không như vậy. Vậy thì như thế nào ? "Quả thật tôi từ lúc vào Thiền-đường đến nay, việc thượng Điện, quả-đường, Quy-củ lớn nhỏ bận rộn hết sức chẳng có tí rỗi rảnh. Trước kia đã chịu nhiều khổ sở để học được kinh Lăng Nghiêm, Pháp Hoa cho đến những điều thấy được, lãnh hội được còn chưa sờ mó (suy nghĩ) tới được. Ngày nay đả-thất tốt rồi; chẳng có việc gì làm, tôi ngồi xuống ôn lại những việc tôi đã trao đổi từ lâu không muốn để quên mất".

Đúng đấy ! Các ông ngồi xuống trong lòng có như thế không ? Ta thấy trong bụng các ông đầy ắp những Lăng Nghiêm, Pháp Hoa tuôn ra như nước chảy. Nhưng hôm nay lo việc căn bản Đại-sự thì những Kinh-giáo các ông chứa đầy trong bụng một chữ cũng chẳng dùng được; không những một chữ cũng chẳng dùng xong mà ngay cả một mảy lông cũng chẳng dùng được; các ông có tin không ? Ta thiết nghĩ : Sợ rằng không dễ gì tin được. Tại sao vậy ? Các ông cho là : Trong Thiền-tông vì lẽ gì một chữ cũng dùng không xong ? Vậy thì lấy bảy chỗ trưng tâm, mười phen hiển kiến trong kinh Lăng Nghiêm chẳng là công phu sao ? Nhất-chân Pháp-giới trong kinh Hoa Nghiêm vì sao Thiền-tông một chữ càng dùng không được ? Thế chẳng phải là làm các ông khó tin sao ?

Đúng đấy ! Vậy thì ta muốn hỏi các ông : Có tham câu thoại-đầu là pháp lớn hay pháp nhỏ, cứ cho nó là cây củi mục vô dụng đi. Các ông hãy nhai nó xem có mùi vị gì không ? Bảo các ông nhai thì cứ nhai thử xem ! Chúng ta mắt thì thấy giống nhau, thí dụ câu thoại-đầu viết lên tờ giấy đỏ dán trên cột, các ông thấy, ta cũng thấy, có thể cho cùng một nhãn kiến đi. Ta nói các ông thấy đỏ, ta thấy xanh, các ông có tin không ? Ta không những thấy được không phải là đỏ mà lại là xanh, mà ngay cả xanh cũng bất khả đắc, các ông lại càng khó tin. Ta muốn hỏi các ông cái câu thoại-đầu như củi mục nầy các ông nhai có được tí mùi vị nào không ? Giả sử đã nhai ra được tí mùi vị thì tự nhiên sẽ thấy không phải là đỏ mà là xanh. Lại thêm cái tinh tiến nầy trong thời kỳ đả-thất thì chẳng phải là ngay cả đến cái xanh nầy cũng bất khả đắc sao ?

Đến lúc đó ta sẽ hỏi ông : Lăng Nghiêm có còn không ? Pháp Hoa có dùng được không ? Cho đến tất cả kiến, văn, giác, tri có còn không ? Các ông thử nghiên cứu xem ? Có phải như thế hay không ?

Cho nên ta bảo các ông đem tất cả cái học, cái thấy, cái nghe, cái hiểu chứa đầy trong bụng quăng hết đi, quăng bỏ cho thật sạch hết, một chút cũng không cho còn, có lẽ các ông còn chưa chịu quăng bỏ, dù cho có bỏ cũng chưa chịu quăng bỏ cho sạch trơn. Mặc dầu đã quăng bỏ cho sạch trơn rồi thì trong Thiền-tông cũng chưa cho là xong việc đâu. Vậy các ông lại phải đem cả cái da bụng mà quăng tuốt đi luôn thì có thể cho là xong việc chưa ? Chưa xong đâu ! Việc trong Thiền-tông còn phải đem quăng luôn cả cái bụng đi thì mới kể là xong việc. Nếu chẳng quăng bỏ luôn cái bụng thì lâu về sau nó vẫn còn chứa đựng cái khác.

Các người hãy phát tâm tham đi !  

3. KHAI THỊ : Ngày 18 tháng 10 (Thất đầu ngày thứ ba)

Dụng công ngàn ngày chỉ ngộ trong nhất thời. Giả sử công phu các ông được không tí nào gián đoạn, dụng công được ngàn ngày thì đối với sự khai ngộ ta dám bảo đảm. Giả sử công phu chưa đến được chỗ đó thì ta không dám bảo đảm. Trong các ông có người đã ở đây được năm ba năm, cũng có người ở chùa Kim Sơn được năm ba năm, tính chung là ở chùa Kim Sơn đươc năm ba năm, tính chung là ở chùa Kim Sơn, Cao Mân mười năm, hai mươi năm khổ hạnh tại làm sao không có được công phu ngàn ngày ? Đã có công phu ngàn ngày thì không phải nhất định ở trong thời kỳ đả-thất nầy sẽ khai ngộ sao ?

Trong thời kỳ đả-thất là chuyên môn để nắm chắc công phu khai ngộ. Vì sao mà không khai ngộ được ? Bởi vì đáng tiếc cho các ông quá, tuy nói không có 5 năm, 10 năm, 20 năm công phu mà ngàn ngày công phu cũng đã có rồi, nếu các ông không có được công phu ngàn ngày thì đối với sự khai ngộ hãy còn chưa làm đến được.

Ta nói như vậy trong lòng các ông cho rằng : "Mùa hè khí Trời nóng bức quá lại còn lên Chánh-điện, Quả-đường, làm công phu thì chưa được xứng đáng, đợi đến thời kỳ thay đổi Chức-sự cần phải phép tắc lớn nhỏ làm cho hết sức bận rộn, cho đến "Gia hương"... đều không phải là lúc dụng công phu. Đả-thất mới là chân thật dụng công phu, không được lại bỏ qua nữa". Đại khái các ông đều như thế cả.

Ta thấy cái tư tưởng nầy của các ông cứ cho là một năm chỉ có đả-thất mới mới dụng công phu, mùa hạ thì kiết hạ, lúc thay đổi Chức-sự thì cũng là thay đổi Chức-sự, gia hương còn phải lên Chánh-điện, Quả-đường, đả-thất thì mới cần dụng công, loại người như vậy là tệ hại nhất. Tại sao vậy ? Đả-thất là phải định kỳ thủ chứng, là cái lúc nhất văn thiên ngộ chứ đâu phải là thời kỳ để dụng công phu. Dụng công phu phải ở ngay trong lúc bình thường, ngày thường không chịu dụng công phu đợi đến đả-thất mới dụng công, thì đến lúc nào mới có thể khai ngộ được ?

Ta nói đến chữ ngộ thì còn có phần của các ông không ? Ta cho các ông một thí dụ : Trước đời Mãn Thanh, người đi học được mười năm rồi hễ gặp kỳ thi thì đi thi phải không ? Nếu đến trường thi mà còn chưa biết viết chữ, nhìn mặt chữ không ra, trong khi thi mới tập viết, như vậy phỏng có được không ? Ra làm Quan có phần các ông không ? Trong thời kỳ mười năm học hành các ông không đi học, chỉ mang cái tên là người đi học, đến trường thi thì chỉ muốn được đậu làm Quan, sợ là không xong rồi. Chúng ta hôm nay đả-thất cũng giống như ở trường thi, khổ công ba năm đã đủ tư cách rồi, khi nhà Chùa mở Thiền-thất thì phải khai ngộ liền mới đúng. Các ông bình thường mang tiếng dụng công mà thực ra chẳng có dụng công gì cả, đến lúc đả-thất thì làm sao khai ngộ được ? Cũng như không đi học mà đi thi, các ông sai lầm như vậy đã lâu lắm rồi không phải mới hôm nay. Xem như thế thì còn phải đả-thất không ? Có phải là không đả-thất cũng được chăng ?

Bởi vì các ông không có một người có tư cách đả-thất, các ông như vậy là rất phụ ơn nhà Chùa, nhà Chùa chỗ nào cũng vì các ông mà lo lắng, có một tí trái ngược với Đạo thì mau mau sửa đổi cho tốt, như thế ta dám nói nhà Chùa đã hết bổn phận đối với Thiên-hạ, chỉ có thể nói các ông phụ ơn nhà Chùa chứ nhà Chùa quyết không hề cô phụ các ông.

Nếu có người dụng công phu được năm ba năm, mặc quần áo, ăn cơm, lên Chánh-điện quả-đường, đi cầu ngủ nghỉ đã dụng công đến cực điểm, hôm nay đến chùa Cao Mân dự tính tham gia đả-thất lại muốn được thủ chứng ngay, không ngờ nhà Chùa không cho các ông đả-thất, vậy thì nhà Chùa cô phụ các ông rồi. Ta hỏi các ông còn có một người như vậy không ?

Ta lại hỏi các ông nữa : Đừng nói quá khứ 3 năm, 5 năm không dụng công phu cũng đã bỏ luống qua rồi, cả mùa hè cũng chưa đề lên một câu thoại-đầu, cho đến vào Thiền-đường gia hương cũng không biết đề lên câu thoại-đầu, bây giờ đang thời kỳ đả-thất từng cây hương một, từng Thất một, ngồi hương đi hương đề được mấy câu thoại-đầu. Các ông xét lòng tự hỏi xem có làm đủ bổn phận đối với người đời không ? Đối với bất cứ việc học nào cũng vậy đều cần phải nói đến tiến bộ. Cái tiến bộ ở trong Thiền-tông các ông có biết ở chỗ nào không ? Lên Chánh-điện có tiến bộ, Quả-đường có tiến bộ, đi cầu có tiến bộ cho đến nơi nơi đều có tiến bộ cả. Các ông có biết lên Chánh-điện tiến bộ ở chỗ nào không ? Đứng trên Chánh-điện đầu không có chút nghiêng, thân cũng không tí nhúc nhích, như thế là tiến bộ. Tại sao vậy ? Công phu dụng đến chỗ đắc lực, đầu làm sao nghiêng được, thân làm sao nhúc nhích được ? Đầu hễ nghiêng, không thấy sắc thì nghe tiếng, thân cử động không nhức thì ngứa, đâu còn công phu nữa. Trong lúc Quả-đường, lên Chánh-điện, cho đến mọi nơi, ngay cả đi vào nhà tiêu đậy nắp cầu không ra tiếng, thậm chí nhướng mày nháy mắt, đi đứng nằm ngồi đều dụng công phu. Các ông cần nhận thức chỗ quý trọng lúc bình thường của Thiền-tông, cái chỗ tốt của Thiền-thất. Các ông hãy phát tâm. Tham đi !  

4. KHAI THỊ : Ngày 19 tháng 10 (Thất đầu ngày thứ tư)

Pháp của Thiền-tông vốn là bất lập văn tự, không mượn ngôn ngữ. Bất lập văn tự thì không có lời để nói, không mượn ngôn ngữ thì không có gì để mở miệng. Cứ theo như thế mà nói thì không cần phải nói chuyện sao ? Tại sao mà mỗi ngày có vài lần khai-thị ? Phải hiểu là trong Thiền-tông nói chuyện vốn là bất đắc dĩ vì tâm các ông mỗi mỗi đều khác nhau, cái bất lập văn tự, không mượn ngôn ngữ của Thiền-tông là cần phải đạt đến chỗ hành đồng nhất; mười phương Chư Phật, lịch đại Tổ-sư hành như vậy, hiện nay các ông cũng có thể hành như vậy mới có thể nói không mượn ngôn ngữ. Nay vì các ông tâm hạnh khác nhau, trăm người trăm hạnh. Muốn cả trăm người các ông đều quy về một tâm hạnh thôi, cho nên phải nói là vậy.

Nhưng lời nói là lời nói của Thiền-tông, trong Thiền-tông bất cứ là người nào cũng không cho giảng Kinh-điển, Ngữ-lục, Công-án. Các ông nghe vậy đương nhiên có mối hoài nghi : "Kinh-điển chư Phật thuyết không được giảng, tại sao Ngữ-lục, Công-án của Tổ-sư lại cũng không được giảng ?" Bởi vì giảng rồi đối với các ông cũng vô ích, lại thêm cho các ông tâm của trăm người lại phân thành mấy ngàn cái tâm.

Đây là lẽ gì vậy ? Cái hạnh của các ông đều phải đi con đường hướng thượng, lấy câu thoại-đầu làm miếng ngói gõ cửa, bia chỉ đường. Người xưa tuy có những Công-án "Lúc cha mẹ chưa sanh ra", "Con chó không có Phật-tánh" cho đến một ngàn tám trăm Công-án, nhưng bất cứ chư Tổ nào cũng đều phải ở một Công-án mà thâm nhập, cho nên Thiền-đường Hòa-thượng, vị Ban-thủ cứ mở miệng là thoại-đầu, ngậm miệng lại cũng thoại-đầu, nói chuyện cũng thoại-đầu, chẳng nói chuyện cũng thoại-đầu. Cái nầy là rất cần yếu trong Thiền-tông.

Trong bụng các ông cứ cho là tham-thiền cũng như đi chơi ở Thượng Hải, hôm nay Tân Thế-giới, ngày mai Đại Vũ-đài, ngày kia Tiên Thi Công-ty mới tương ứng tâm của các ông. "Nhưng hôm nay đến Thiền-đường tại sao từ sáng đến tối, từ đầu năm đến cuối năm đều chỉ có một câu thoại-đầu ? Một tí mùi vị cũng chẳng có, làm cho người ta buồn muốn chết đi". Đúng đấy ! lại nữa, lời khai-thị không có trình tự gì hết, không có hình ảnh văn chương gì hết, thực là làm cho người ta chẳng muốn nghe, chẳng lạ gì khi người ta nói : "Thông Thiền mà không thông Giáo cứ mở miệng thì nói bậy". Đúng ! Thật đáng thương cho các ông.

Ta nói ấy là các ông không hiểu Đạo, giả sử như các ông thật biết nói bậy, thế thì tốt đấy. Tại sao vậy ? Ông không hợp cơ thì ông không chịu nghe, người khác nghe thì thấy hứng thú lắm, ông nghe thấy tốt người khác lại nghe không tốt, bởi vì tâm hạnh mọi người đều khác nhau, thì nói chuyện làm sao nhất trí được ? Cho đến việc làm văn chương cũng không có luôn, các ông lại hiểu sai rồi; ở đây không cho các ông làm văn chương cũng không phải Giáo-môn giảng Kinh, y văn thích nghĩa, phân Khoa phán Giáo.

Trong Thiền-tông cũng như hôm nay ta nói chuyện nầy chuyện kia, cũng có người nghe rồi nói tốt, lại lúc sư Ban-thủ giảng huyền giảng diệu cũng có người nghe rồi thấy tốt; cái nầy tức là lời nói thô và tế đều quy vào đệ-nhất-nghĩa, cốt là ở nơi các ông biết nghe. Các ông phải hiểu được cái khổ tâm của người nói chuyện, vì các ông có tâm hạnh khác nhau, cái bất đồng ấy đều là 'vọng tưởng chấp trước' của các ông cho nên các ông có trăm cái tâm, người nói chuyện nói ra trăm cái pháp, muốn dạy cho các ông trăm cái tâm nầy quy thành một tâm, quả là chẳng dễ gì.

Hôm nay ta giảng cái đường lối công phu, người các ông biết nghe giảng, nghe rồi trong bụng cảm thấy tốt lắm tựa hồ còn cái nghi-tình thì chưa giảng đến, vậy ngày mai ta sẽ giảng làm sao để khởi nghi-tình lên. Các ông nghe rõ nghi-tình biết khởi lên rồi nhưng lại không kéo dài được, hôm sau sẽ giảng đến nguyên do gì làm cho nghi-tình không phát khởi được. Từng bước từng bước một giảng tới, cho đến từng Thất từng Thất một nói chuyện khác nhau. Thất thứ nhất giảng về việc không hiểu dụng công phu, Thất thứ hai giảng về con đường dụng công phu, Thất thứ ba giảng về tiến bộ của công phu, Thất thứ tư giảng về tin tức của công phu, Thất thứ năm thì giảng về chỗ thấy của công phu, cho đến Thất thứ mười từ cạn vào sâu, từ xa đến gần.

Hôm nay nói chuyện trình tự cho các ông biết rồi, các ông trong lòng có cái nắm được rồi. Hãy tham đi !  

5. KHAI THỊ : Ngày 20 tháng 10 (Thất đầu ngày thứ năm)

Các ông đều là mộ Đạo mà đến đây vì chùa Cao Mân có Đạo để tu, các ông người nào cũng đều như vậy cả. Nhưng nói câu mộ Đạo nghe ra thì thấy dễ nghe lắm, mà nói đến sự thực hành : Đạo tại sao cần phải mộ ? Các ông từ ngàn muôn dặm muốn ngộ cái Đạo của chùa Cao Mân, vậy không phải là hướng ngoại mộ Đạo sao ? Mộ Đạo như vậy không phải là hướng ngoại tìm cầu sao ? Đâu cứ đều nhất định phải đến chùa Cao Mân mới có Đạo ?

Đạo vốn không có đông, tây, nam, bắc, cũng không có ông có tôi, cứ ngộ ngay lúc đó thì được rồi. Hai chữ "Ngộ ngay" cũng là lời thừa, vốn không thiếu không thừa sẵn sàng đầy đủ. Tiếc thay chúng ta vô lượng kiếp trước với Chư Phật cũng đã đồng diện mục, không những đồng diện mục mà sợ còn có chỗ siêu việt hơn cả thập phương Chư Phật, bỗng đâu được cái thân huyễn hóa nầy, rồi không chịu cái nầy bèn đổi lấy cái khác, không chịu nữa thì đổi lấy cái khác nữa. Từ cái nầy thay đổi qua cái kia mà thay đổi mãi cho tới ngày nay. Cứ mỗi lần thay đổi thì lại thêm một dấu vết làm cho bản lai diện mục của chúng ta bị che lấp kín mít, một tí hơi cũng không thấu được.

Mặc dầu bị che lấp kín mít nhưng nói chung không thiếu sót tí nào. Mười phương Chư Phật cũng như vậy, Bồ-tát, Tổ-sư cho đến côn trùng nhỏ xíu cũng như vậy, sơn hà đại địa cũng như vậy, thảo mộc Tòng-lâm, cho đến trong hư không, ngoài hư không cũng như vậy, trong một hư không cho đến vô lượng vô số hư không đều như vậy cả. Ông không thiếu sót, ta cũng không thiếu sót, chỉ tiếc một cái là không dám thừa-đương. Giả sử chúng ta thừa-đương được thì e rằng không phải là người giống như thế nầy đâu.

May mắn cho chúng ta ngày nay được cái thân xác làm người nầy, trong thời kỳ "làm người" nầy phải nghĩ ra cách thế nào có thể thừa-đương được ! Đối với cách thừa-đương được của mình, cần các ông phải có "lòng tin". Nhưng lòng tin trước hết phải tin rằng cái xác thân nầy chẳng bao lâu sẽ tan hoại, hoại rồi thì đường đi nhiều lắm, không hiểu kiếp nào mới được thành người nữa, đường trước mắt thì mênh mông không biết ra thế nào. Phải triệt để tin cái mặt mũi bổn lai của mình, phải hết sức tin tưởng mình như thế, không thừa-đương thì không được, không hiểu cái ta của chúng ta thì không được. Tự tin được mình thì tiếp tục phải tin phương pháp của câu thoại-đầu, câu thoại-đầu là thừa-đương mình, câu thoại-đầu là phương tiện để hiểu mình, không phải chỉ nói câu thoại-đầu có bao nhiêu cái tốt mà còn muốn các ông tự mình thấy đến được là câu thoại-đầu xác thực không sai.

Nhưng dạy các ông dụng công phu các ông lại cho rằng : "Câu thoại-đầu nầy dùng được gì đâu ? Niệm Phật là ai ? Niệm Phật là tôi, còn có người khác niệm Phật cho tôi sao ?". Không những các ông sơ-tham mới có tình hình như vậy thôi đâu. Lúc ta còn tham học, đến các Chùa thấy dán câu Niệm Phật là ai ? Thấy qua rồi thì cảm thấy hình như không giống với tất cả học vấn thế gian. Học vấn thế gian hễ học thì thông liền, còn câu thoại-đầu thì không dễ gì thông, nghiên cứu như vậy niệm Phật là ai ? Là tôi chăng ? Suy nghĩ một hồi thì cảm thấy không phải là tôi. Vậy lấy gì làm tôi ? Hơn nữa, tôi nói niệm Phật là tôi, tôi hôm nay sửa tấm giấy đỏ lại, niệm Phật là tôi, thế có thể được không ? Nếu không sửa được tức là không phải tôi. Vậy không phải tôi thì là Phật sao ? Không phải, tất cả đều là không phải, như vậy suy nghĩ phân biệt một lúc, quày đầu lại mới biết mình đã sai lầm rồi, ai dạy ông ở trong phân biệt suy nghĩ mà dụng công phu ? Ông phải biết đề lên câu thoại-đầu cảm thấy không hiểu thì ở chỗ không hiểu không rõ mà đi tìm cứu cánh, ấy tức là nghi-tình. Ở trong nghi-tình nầy dụng công phu lâu đi rồi, dụng đến quày đầu trở lại lúc ấy ông mới triệt để nhận thức được chính mình.

Hãy tham đi !  

6. KHAI THỊ : Ngày 21 tháng 10 (Thất đầu ngày thứ sáu)

Lúc Phật còn tại thế, có một người Ngoại-đạo đem hoa cúng Phật, lạy xong, Phật nói : "Bỏ hoa xuống". Người Ngoại-đạo bèn bỏ hoa xuống, Phật lại nói : "Buông tay xuống". Người Ngoại-đạo buông tay xuống. Phật lại nói nữa : "Buông thân người xuống", người Ngoại-đạo đứng ngơ ngác cả nửa ngày, thân làm sao buông xuống được ? Bèn hỏi : "Thưa Thế-tôn, thân làm sao buông xuống được ? Phật nói : "Không buông xuống được thì gánh lên đi", Người Ngoại-đạo liền ngộ.

Các ông thử nghĩ xem : Hai chữ "buông xuống" còn có cái gì quý hơn đâu ? Cho nên ta thường dạy các ông buông xuống, thân cũng buông xuống, thế giới cũng buông xuống, hai chữ "buông xuống" cũng buông xuống luôn. Các ông không những không chịu buông xuống mà hình như còn muốn nhiều thêm chút nữa mới vừa lòng. Bởi vì trước kia đã có cái thói quen lấy được sự nhiều cho là tiến bộ được ít là không tiến bộ, cho nên hôm nay học Kinh Lăng Nghiêm, ngày mai học Kinh Pháp Hoa, ngày mốt học Kinh Hoa Nghiêm càng nhiều càng tốt, các ông nghe nói hôm nay giảng câu thoại-đầu nầy, ngày mai giảng : "Trước khi cha mẹ chưa sanh ra", ngày mốt giảng "Con chó không có Phật-tánh", mỗi ngày đổi một câu thoại-đầu như thế thì mới vừa lòng các ông, nghe cho nhiều cho lắm thì mới thấy phải.

Hôm nay ta bảo các ông buông xuống thì phải buông xuống cho đến không còn chỗ nào để buông nữa. Cái chỗ không có cái gì để buông ấy cũng còn phải buông luôn nữa. Nếu không lãnh hội được đích chỉ Thiền-tông ở chỗ nầy, không chịu tin cái Từ-tâm tha thiết của Thiền-tông thì các ông sanh ra sự hiểu lầm, đã có sự hiểu lầm nầy rồi thì gieo cái nhân phỉ báng, tương lai sẽ chiêu cảm cái quả phỉ báng, lúc ấy thì khổ chết thôi.

Cái hiểu lầm của các ông là ở chỗ nào ? Thứ nhứt là bảo các ông buông xuống thì buông xuống, buông xuống rồi thì trong tư tưởng mình suy nghĩ nầy nọ như ở trong cái hang động đen tối. Thứ hai bảo ngươi lấy cái nghe được, học được, lãnh hội được tất cả đều buông xuống, các ngươi không chịu buông xuống mà trái lại còn nổi tâm sân lên nói rằng : "Thiền-tông mở miệng không nói cái không đúng của Giáo-môn thì nói cái không đúng của Tịnh-độ, đó không phải là chuyên môn phỉ báng Giáo-môn, phỉ báng Tịnh-độ sao ?"

Các ông hiểu lầm như vậy ấy là : "Sai một mảy may mất đi một ngàn dặm" rồi. Bởi vì các ông không hiểu cửa Thiền-tông là cái cửa gì, ấy là cái cửa tuyệt tướng, siêu tông, ly danh, ly tướng, cũng không phải bảo ông hủy bỏ Kinh-điển, vứt bỏ Tịnh-độ, không có sự như vậy đâu ! chỉ bảo các ông trong thời kỳ tham-thiền nầy phải buông bỏ tất cả, tức là bảo các ông nghỉ ngơi các tâm, cho nên nói  "nghỉ ngơi tức là Bồ-đề", muốn bảo các ông nghỉ ngơi cho đến một mảy lông cũng không có mới được, nếu còn một mảy lông nào thì sẽ che khuất cả hư-không.

Ta lại cho một ví dụ : Như người đi học nghề thợ mộc, học được năm ba năm cho là học thành nghề rồi, cưa cũng biết cưa, bào cũng biết bào; vì kiếm tiền không được nhiều liền đổi nghề may vá, học may thì phải học cầm kéo phải không ? Ông đến tiệm may mà còn đem búa đem cưa sao ? Búa với cưa còn có chỗ dùng chăng ? Không những búa, cưa đều không dùng được mà cũng không cho cả cái tâm làm thợ mộc tồn tại, bởi vì tay ông cầm kim mà trong tâm lại là thợ mộc thì cái việc may vá của ông làm sao học thành được ?

Hôm nay các ông tham-thiền đương nhiên phải lo việc tham-thiền, tham-thiền thì cần phải buông xuống, cần phải nghỉ ngơi, các ông đem sự học được, nghe được, lãnh hội được đựng trong bụng, thế còn có chỗ dùng gì được đâu ? Thiền còn tham được chăng ? Cũng như học thợ may đem búa đem đục đựng trong túi đeo trong người vậy. Các ông suy nghĩ cẩn thận xem có phải không ? Không phải cứ nghe ta nói là xong việc đâu, cần phải trong tâm các ông lãnh hội triệt để mà nói : "Đúng thế" mới được. Tham-thiền cần phải buông bỏ muôn niệm, nếu có một tí không buông bỏ thì cái một tí nầy sẽ che khuất cả hư-không. Các ông lãnh hội được chưa ?

Chúng sanh từ vô lượng kiếp đến nay chỉ vì cái không buông bỏ, lớn là thế giới, nhỏ là thân tâm, một đời, một kiếp đến nay tương lai lại chẳng sẽ là nối tiếp một đời một đời sao ? Chúng ta muốn làm người phản bổn quy nguyên mà không đem thân, tâm, thế giới vứt bỏ hết thì phản bổn quy nguyên chỉ là nói suông thôi, thực sự thì làm không đến được.

Nếu muốn danh và thực phù hợp nhau thì trước hết cần phải biết : Thế giới từ đâu mà đến, thân từ đâu mà có ? Tâm lấy gì mà có ? Nếu biết được thân tâm, thế giới từ đâu mà có thì mới có thể từ căn bản mà cắt đứt được, một hết thì tất cả đều hết, mới là rút củi dưới đáy nồi ra (để nước ngưng sôi). Nếu không giải quyết từ căn bản thì chỉ là múc canh để nước ngưng sôi thôi.

Thế giới lấy gì mà có ? Phải hiểu : Thế giới lấy thân mà có, thân lấy tâm mà có, tâm lấy mê hoặc mà có. Muốn quét sạch thân tâm, thế giới thì trước tiên trên căn bản phải quét sạch cái mê hoặc, mê hoặc quét sạch được rồi thì tâm sẽ sạch, tâm sạch rồi thì thân phải sạch, thân sạch rồi thì thế giới đương nhiên sẽ sạch luôn. Như vậy phương pháp quét mê là đề lên câu thoại-đầu, phương pháp nầy quét mê rất triệt để, mê nếu không có câu thoại-đầu thì không thể quét sạch từ căn bản được.

Các ông sau khi có thể lấy câu thoại-đầu mà khổ công tham cho thông rồi thì hành cái hạnh đại bi cứu thế, cái hạnh nào lại không được đâu ? Sợ cái học cả đời các ông không đủ dùng. Muốn các ông đều đầy đủ Chánh-tri, Chánh-kiến để tránh cái hảo tâm vì Đạo mà lại chịu lấy cái quả ác. Phải nhanh chóng lên, hãy phát tâm. Tham đi !  

7. KHAI THỊ : Ngày 22 tháng 10 (Thất đầu ngày thứ bảy)

Thật tội nghiệp cho người đời nay, người nào mở miệng cũng biết nói liễu sinh, ngậm miệng nói thoát tử, nhưng còn sợ chưa biết cái gì gọi là sinh, làm sao gọi là tử. Không những người thế gian như vậy mà ngay cả người tu hành chúng ta cũng như vậy luôn.

Lấy chuyện người xuất gia ngày nay của chúng ta mà nói, tối ngày dụng công phu sợ còn chưa biết dụng công phu là làm gì, hiện tại tu nhân gì, tương lai cảm quả gì, chắc các ông chưa có một người hiểu được. Tối ngày chỉ là trống rỗng trôi qua thôi, cũng chẳng hiểu Trời bao cao, Đất bao dày, thế nào là tứ Thánh, thế nào là lục Phàm, chúng ta hôm nay ở Thiền-đường tu là tu nhân gì, tương lai cảm được quả gì, chắc không có người hiểu được. Các ông nếu có người hiểu được thì e rằng ta không bảo các ông dụng công phu, các ông còn chịu không dụng chăng ?

Các ông phải biết : Hôm nay ở Thiền-đường gieo cái nhân thành Phật tương lai nhất định cảm được cái quả thành Phật. Người xưa nói : "Nhân nào quả ấy", trồng dưa được dưa trồng đậu được đậu. Chúng ta người dụng công phu chỉ cần quyết tâm triệt để mà dụng đi bất kể 3, 5, 8, 10 năm cũng được, 30 năm, 50 năm cũng được; nói tóm lại : lấy đại ngộ làm cứu cánh triệt để. Cổ-nhân đã nói : "Treo cao túi bát, lấy ngộ làm kỳ hạn". Cứ ngay thẳng mà dụng công đi, quyết định lấy câu thoại-đầu làm Chánh-hạnh của ta, dù kiếp nầy không ngộ thì phát nguyện kiếp sau, không hỏi 3 kiếp, 5 kiếp hay 30 kiếp, quyết định không tu Pháp-môn nào khác. Các ông muốn được cái chí nguyện kiên cố như vậy mà hành thì ta dám bảo đảm nhất định sẽ được khai-ngộ. Hành như vậy mà không khai-ngộ thì chư Phật & Tổ-sư há lại chẳng rơi vào vọng ngữ sao ? Triệu Châu nói : "Các ông hành như vậy mà không khai-ngộ thì chặt cái đầu của lão tăng đi."

Cái phương pháp tham thoại-đầu nầy là phương pháp chân thật bất hư, là cái pháp căn bản của tất cả loài hữu tình, vô tình, chỉ cần dụng công phu không hỏi khai-ngộ hay không khai ngộ : Công phu dụng đến nơi tự nhiên sẽ ngộ, không cần ông lo nghĩ đến ngộ, nếu chỉ muốn khai-ngộ mà không chịu dụng công phu thì làm sao ngộ được ? Cổ-nhân nói : "Không cần cầu ngộ, chỉ cần đề lên câu thoại-đầu thẳng tay mà tham, tham đến sơn cùng thủy tận. "Ổ" lên một tiếng, được đến chỗ nầy rồi đó như người uống nước nóng lạnh tự biết".

Trong quá khứ có một vị tham thiền ở Thiền-đường 3 năm chê trong Thiền-đường người đông làm lộn xộn, tự thấy công phu không được thâm nhập bèn bỏ đi vào núi ở. Ở trên núi cất một cái nhà tranh, trồng một ít cải, ban ngày trông chừng không cho chim rừng ăn cải, ban đêm hổ sói tranh giành ngày đêm chẳng yên, đối với công phu mình cũng bị lộn xộn, ở núi ba năm rồi công phu mình cũng không thâm nhập được bèn không muốn ở nữa, muốn tìm một căn nhà để nhập Thất, như thế mới tương ứng với công phu. Đi khất thực được hai, ba năm gặp một cụ già tại gia đã kiến Tánh. Bà ấy thấy người tham-thiền nầy rất có đạo đức hạnh trì bèn thỉnh đến nhà mời dùng cơm chay và nói chuyện về tâm rất là tương đắc.

Bà ấy nói : Thưa Đại-sư, tôi muốn thành tựu cho sự nhập Thất của người.

Người tham-thiền nghe rồi nói : "Rất tốt ! Tôi đang muốn nhập Thất đây". Bà ấy bèn đưa Sư nhập Thất. Bà cụ trong nhà không có ai ngoài cô con gái mới 16 tuổi cũng đã khai-ngộ, bà sai cô gái mỗi ngày đem cơm xuống cho Sư ăn, được ba năm sau bà bảo cô gái :

- Con đã đưa cơm được ba năm rồi, hôm nay lúc đưa cơm đợi thầy ấy ăn xong thì con đến ôm cứng lại bảo ông nói.

Người con gái nghe rồi nhớ kỹ và cũng làm theo lời dặn, lên ôm thầy rồi bảo rằng : "Nói đi".

Người tham-thiền nói : Cây khô dựa trên núi tuyết, cuối mùa đông không chút hơi ấm.

Người con gái buông tay về nhà kể cho mẹ nghe, bà ấy nghe xong rồi mắng người tham-thiền đuổi đi, đốt luôn cái am tranh và nói rằng : "Tôi cúng dường ba năm mà chỉ cúng dường một thằng chết". Người tham-thiền nghe cảm thấy mắc cỡ bèn cầm bồ-đoàn lên mà đi khất thực nữa, tự trách mình được người ta cúng dường ba năm mà chưa khai-ngộ được, bị họ chưởi mắng rất là tủi hổ, bèn ra sức dụng công phu.

Khất thực ba năm lại đến chỗ bà nọ, cùng nói chuyện công phu yêu cầu bà cho nhập Thất một lần nữa. Lại nhập Thất thêm ba năm và bà ấy cũng bảo con gái đưa cơm như trước. Tròn ba năm, cô gái cũng y theo lời mẹ dặn trước lại lên ôm chặt lấy người tham-thiền bảo :

- Nói đi, nói đi !

Kỳ nầy người tham-thiền mở miệng đáp lại : "Trời biết, đất biết, ngươi biết, ta biết, đừng cho bà già ngươi biết".

Cô gái về nhà kể lại cho mẹ nghe, bà mẹ nghe rồi trong lòng hoan hỷ nói "Tốt lắm ! Tốt lắm ! Mừng người đã khai-ngộ rồi".

Các ông đến nghe chuyện nầy rồi thì hãy tưởng tượng xem ngươi biết, ta biết, đừng cho bà già ngươi biết, nếu là người thế gian nói vậy thì có còn là chuyện tốt không ? Đại khái các ông cùng có một cách lãnh hội như vậy, nếu lãnh hội như vậy là sai lầm rồi. Bảo các ông ở trên bổn phận mà lãnh hội, các ông tưởng tượng xem có lãnh hội được hay không ?

Nếu không lãnh hội được thì cứ tham đi !  

=> Phần 2

Tác giả bài viết: Liễu Phàm

Nguồn tin: Tông Phong Tàng Thư