Tham thiền phổ thuyết - phần II

từ bài 13 -> 24: 13. Thích ở núi sâu, 14. Nhẫn nại phiền toái, 15. Chẳng trọng tu Huệ, 16. Chẳng muốn thường trụ, 17. Dễ phạm Quy-củ, 18. Hỷ xả tất cả, 19. Phát tâm dũng mãnh, 20. Thân tâm quen thuộc, 21. Chẳng tin tham thiền, 22. Nghi Pháp, 23. Nghi người, 24. Toan tính thối lui,
13. THÍCH Ở NÚI SÂU.

Người thích ở núi đều do Đạo-niệm không vững chắc. Tâm ưa thích núi chẳng thôi thì cái niệm chán trụ Tòng-lâm càng mạnh. Cũng có người hàng ngày bị những Quy-củ lăng xăng, những điều thấy nghe, hay dở làm nhiễu loạn tâm. Hoặc đối với tọa hương đi hương sức lực yếu kém không đủ dụng công phu, hoặc vì sự khai-thị và điều Chúng của Ban-thủ, Duy-na không hợp ý mình, hoặc vì hiềm khích với người nằm bên cạnh, hoặc vì công việc ruộng nương quá nhiều, hoặc vì việc Điện-đường quá khổ..., chỗ chán quá nhiều, đủ thứ trở ngại thật khó hành Đạo, nên muốn trốn đi vì có cái niệm ở núi.

Một khi đến trong núi, có nhà không có giường, có chén không có gạo, có củi không có lửa, đến lúc ấy mới biết phiền toái còn hơn ở Tòng-lâm gấp bội.

Còn có một hạng người rán trụ Tòng-lâm đều là hình thức bề ngoài, hàng ngày mọi việc như treo bảng, gõ chuông, châm trà, xách nước, hương bản, trúc bề, đều ầm ầm kinh người. Khai-thị của Ban-thủ nghe qua nổi giận, Quy-củ của Duy-na nghe rồi tâm phiền. Suy nghĩ trăm kế không cách nào ổn. Muốn trở về Chùa-tư, sợ Am bên cạnh chê cười, trụ Tòng-lâm khác thì e cũng khó được như ý. Tự nghĩ cái phiền của Chùa-tư, cái khổ của Tòng-lâm, chẳng bằng lánh vào núi sâu, thế gian ít người nghe thấy. Người ở núi như thế chẳng phải thật vì Đạo, ham thích an nhàn, lấy ở núi làm khoái chí. Phải biết, có khả năng ở núi hay không, cần phải có sự căn cứ.

Mấy điều tệ của sự ở núi, người ta chẳng biết :

l. Dẫu cho thấu qua Trùng-quan cũng khó khỏi cái nạn cướp giật, không có người giải cứu. Tôi trước kia sợ nhận Chức-sự của Tòng-lâm quá phiền phức nên trốn lên núi tịnh dưỡng. Khi đến hang núi ở được mấy ngày bỗng nghe tiếng kêu khóc của Am phía trên liền chạy lên xem, thấy một người bị cướp dùng dây trói thân, hình dáng rất thê thảm. Tôi vội mở dây trói cho người ấy, cạy hết đất bùn ra khỏi miệng, kéo hết bông vải ra khỏi lỗ tai rồi vội nấu nước cho uống, người ấy mới thở được. Lại đỡ lấy tay chân, làm cho hoạt động, khiêng để lên giường, gần nửa ngày mới tỉnh. Hỏi lý do, người ấy kể : "Trước bị cướp dùng y phục trùm đầu đánh mạnh vào thân, rồi dùng dây trói, phải nằm dưới đất hai ngày đêm". Tôi đi vào Am xem mới biết đồ đạc đều bị cướp sạch, tuy bị đau khổ, song may mắn là chưa chết.

2. Thường có phụ nữ nghèo khổ dưới chân núi lên xin lương thực, khiến cho Thánh-giới khó giữ.

3. Lương thực không đủ ăn, cần phải xuống núi hóa duyên một cách khổ sở. Người có phước thì đầy bao lớn, người vô phước thì túi nhỏ cũng trống không, có thể bị đói một phen đến tám, mười ngày, khổ sở biết bao.

4. Có khi cùng với người ở núi lân cận bất hòa, đánh lộn với nhau đến chết cũng không có người cứu.

5. Có bệnh không có thuốc, có thuốc không có người săn sóc bệnh, có khi chết đến sình thúi cũng không ai biết. 

Xin người thích ở núi hãy suy nghĩ kỹ !    

14. NHẪN NẠI PHIỀN TOÁI.

Người tham-thiền cần nên củng cố "hằng tâm" (tâm luôn luôn không lay động biến đổi), chớ nên gặp khó liền thối lui. Phải biết việc tham-thiền lớn không gì bằng, cái trọng yếu nhất của các việc thế gian chẳng bằng sự trọng yếu của tham-thiền. Tại sao ? Vì người thế gian hướng ngoại tìm cầu, người tham-thiền thì hướng nội đi thẳng, nhưng đó chẳng phải chân đi, chẳng phải thân đi cũng chẳng phải tâm đi, chỉ đề khởi một câu thoại-đầu, tâm tâm tham, khắc khắc tham, miên mật tham. Việc đi đường mỗi bước cách một khoảng còn việc tham-thiền miên mật đến nỗi tìm chỗ trống để cắm một cây kim cũng không có, vì có thì sanh ra thế gian. Chỗ hành của người tham-thiền một mảy may gì cũng không cho có, cái hành như thế ắt phải có cái hạnh nhẫn nại phiền toái. Giống như người đi trong rừng nhiều gai gốc hoặc nhiều cọp beo, chưa từng có ai đi qua, nay ta muốn dũng mãnh tiến tới, giữ tâm bình tĩnh còn khó đi qua huống là trong tâm cảm thấy khó đi. Ý muốn vội gấp, càng đi càng thấy khó, thật chẳng dám đi cho đến chùn chân thối bước, nhưng người hành Đạo phải mạnh dạn đến độ không đi thì không được.    

15. CHẲNG TRỌNG TU HUỆ.

Việc tu Huệ rất là trọng đại. Người khắp thế gian chỉ có thể nói là thông minh, chứ không được nói là Trí-huệ. Sao vậy ? Phải biết Trí-huệ do tâm tu, thông minh từ cảnh được. Từ Tâm liễu ngộ Tâm thì Trí-huệ sáng. Từ cảnh nghiên cứu cảnh thì thông minh phát. Chẳng những người đời chưa từng tham cứu Tâm mà ngay cả chúng ta trụ ở Thiền-đường là người mang trách nhiệm tham cứu Tâm còn chưa tham cứu Tâm, chẳng phải là khó ư ?!

Phải biết Thần-thông chẳng bằng Trí-huệ. Một hôm Phật lên cung trời Đao-lợi vì mẹ thuyết Pháp. Các vị Đệ-tử có thần thông như Mục-kiền-liên, Xá-lợi-phất cùng đi theo Phật. Lúc Thiên-vương khai tiệc cúng dường Phật, các vị Tôn-giả ra ngoài du lãm trở về tìm Phật. Phật cùng Thiên-vương nhập tiệc, các A-la-hán chẳng nhìn ra Thế-tôn vì Phật dùng thần lực, tự biến hình giống như Thiên-vương. Mục-liên đến gần nhìn cũng không biết, cho đến Phạm-thiên nhìn cũng không ra. Lại đi đến thế giới phương khác tìm Phật cũng chẳng thấy. Các đại A-la-hán bàng hoàng bên tòa không biết phải làm sao. Ngài Xá-lợi-phất là người đã được tôn xưng là Trí-huệ bậc nhất, bàn với các A-la-hán rằng : "Mục-liên thần thông bậc nhất còn chẳng thể nhìn ra Phật. Tôi có một cách chắc có thể nhận ra. Phật cùng Thiên-vương thân tướng chẳng khác, chỉ có ánh mắt chẳng đồng. Các ông hãy nhìn thẳng lên xem, mắt Phật không lay động, ung dung hòa nhã, còn mắt của Thiên-vương loạn động, tay chân bối rối. Các A-la-hán xem qua như thế mới dám gần Phật, bị Phật quở trách : "Dẫu cho các ông Thần-thông quảng đại chẳng bằng Trí-huệ sáng suốt". Người chẳng trọng tu Huệ nên tự biết hổ thẹn.

Than ôi ! Trái Giác hợp trần, mê Chân theo vọng, nhận quấy làm phải, theo ác bỏ thiện, các thứ khổ não đều do ngu si mà ra. Phải biết Trí-huệ là lợi khí phá ngu. Ngu thì từ sáng vào tối. Huệ thì từ tối vào sáng. Từ sáng vào tối thì luân hồi trong Lục-đạo, trả nợ trong Tam-đồ. Từ tối vào sáng là từ phàm đến Thánh, chứng Đại Niết-bàn.

Gần đây người trụ Thiền-đường lại không có chí liễu thoát sanh tử, cũng không có tâm tu Trí-huệ, chẳng đau xót ư ? Nếu quả là người có chí đối với Đạo, quyết định trọn đời này chẳng làm việc khác, chẳng tu pháp khác, chuyên tu tham-thiền, lấy ngộ làm kỳ hạn. Đời này chẳng ngộ, tiếp tục ở các đời sau. Cho đến trong cuộc sống hàng ngày không có hai tâm, không có việc gì khác nữa.

Còn có hai điều khẩn yếu là :

l. Đời này năm ba mươi năm hành Đạo, chẳng ngộ cũng chẳng hành pháp khác. Bằng không thì tự bỏ dở nửa đường.

2. Tham-thiền đến già, già rồi bệnh, bệnh mà chết cũng chẳng quên một niệm tham-thiền, dù kiếp này chưa ngộ, kiếp sau chắc chắn là một nghe ngàn ngộ. Như người đi đường đến nhà mới thôi, nấu cơm đến chín mới thôi, ăn cơm đến no mới thôi, vọng tưởng nổi đã mới thôi, ngủ say cho đến tỉnh dậy mới thôi, con người sống đến chết mới thôi, chúng sanh đến thành Phật mới thôi, dụng công đến khai ngộ mới thôi, liễu sanh tử đến chứng Niết-bàn mới thôi.

Thử hỏi : "Từ xưa đến nay, mục đích là muốn làm người ở trong tối hay ở trong sáng ?". Than ôi ! Đau đớn thay ! Lại hỏi : "Từ lúc sanh ra đến bây giờ xét kỹ xem, lấy thân làm người hay lấy tâm làm người ?". Thực đáng thương xót ! Quá khứ làm người chẳng biết chỗ nương tựa, hiện tại làm người cũng chẳng biết chỗ nương tựa, cho nên đối với việc làm người ở vị lai cần phải xét kỹ. Chỉ cần siêng năng tham-cứu không có kỳ hạn trước sau, một mai triệt ngộ, bổn lai diện mục là người ấy, bổn địa phong quang là chỗ ấy. Từ đây khóc to ba ngày, kêu oan mấy bữa : "Khổ thay ! Tại sao trước kia mê muội quá vậy ?".

Người hành Đạo đời đời kiếp kiếp trừ cái tu huệ-nghiệp này ra, tất cả đều là hành si-nghiệp. Cho nên nói : "Tu phước chẳng tu Huệ như bạch tượng đeo chuỗi ngọc" là vậy.    

16. CHẲNG MUỐN THƯỜNG TRỤ.

Thường trụ (ở mãi) thật là khó làm. Như chỗ rạp hát rất là vui vẻ hấp dẫn, ở mười ngày hai mươi ngày còn lưu luyến, chứ ở lâu thì cũng chẳng chịu nổi. Sao vậy ? Chỗ không vừa ý, khó trụ là lẽ đương nhiên, tại sao chỗ vừa lòng mà cũng chẳng thể thường trụ ? Trong đó có cái việc kỳ đặc mà phàm chẳng thể hiểu, Thánh chẳng thể hội. Kỳ đặc ra sao ? Một niệm ban đầu của chúng ta y vào gốc vô trụ mà sanh huyễn trụ, như chẳng thể thường trụ là chẳng phải hiện tại chẳng thường trụ. Thế giới có tướng thành, trụ, hoại, không, con người có tướng sanh, già, bệnh, chết, tâm có tướng sanh, trụ, dị, diệt, đều chẳng phải tướng thường trụ. Mọi người đều theo tướng này sanh, theo tướng này diệt, chẳng thể nào chạy ra khỏi tướng này một bước. Cho nên nói : "Pháp đó trụ ngôi pháp, tướng thế gian thường trụ". Ngộ được tướng này, tất cả các tướng thảy đều thường trụ.

Người tham-thiền trước tiên lập ba hạnh đến chết cũng chẳng đổi dời, tự có thể phát minh sự chân thật thường trụ. Ba hạnh là :

l. Trụ chỗ này thì chỗ này phải là thường trụ.

2. Trì pháp này thì pháp này phải là thường trụ.

3. Chuyên tâm này thì tâm này phải là thường trụ.

Có ba thứ thường trụ này chẳng đổi dời, thật là chuyển sanh diệt thành tịch diệt, chuyển khó trụ thành thường trụ vậy.

Hiện nay, dù trụ lâu thiền-đường mà vẫn bất an muốn đi nơi khác, bệnh ở tại chỗ chưa thấu được cái đạo an ổn lâu dài, chẳng muốn thường trụ là lý đương nhiên. Đầu tiên do chỗ khó quá nhiều cho nên chẳng như ý mình, lại thêm Quy-củ phép tắc phiền toái, thân tâm khổ nhọc, ngủ nghỉ thất thường, ngữ ngôn khó hiểu, bệnh kín phát tác, ban ngày không có thì giờ nghỉ ngơi, ban đêm ngủ không thẳng giấc. Lại nói : "Người này đối với tôi không có duyên, người kia đối với tôi có chướng ngại". Đủ thứ bức bách khiến cho chẳng muốn trụ.

Nếu có thể quày đầu, chịu khó trụ năm ba mươi năm, thân tâm thanh tịnh an vui, càng ngày càng được sự lợi ích của Chánh-pháp, nhân duyên thuần thục mọi việc tốt lành, niệm hướng ngoại dứt sạch, trong tâm chẳng động. Lúc ấy mới hận trước kia tại sao có niệm muốn bỏ đi, may sao chưa theo vọng tưởng xoay chuyển. Như vậy càng thêm tinh tấn gấp bội, lập nguyện quyết tử tu hành, thà chết chứ không còn vọng động.

Tóm lại, nếu niệm hướng ngoại cho là tốt, lâu ngày tâm ắt cũng hướng ngoại thì cái niệm thường trụ Tòng-lâm cũng tự quên. Nếu có thể đem cái việc hướng ngoại cho là xấu, là rất độc, là hầm cầu, là Địa-ngục, là tạo tội, là phá Giới, là hại mình để đối trị thì cái tâm hướng ngoại tự dứt, cái niệm thường trụ tự móng khởi.

Xin những người vọng động hãy nghĩ tất cả Phật-sự của Thiền-đường có rất nhiều điều tốt. Nói : "Đánh tôi là trừ nghiệp chướng cho tôi. Nạt tôi là dẹp tập-khí cho tôi. Dẫu cho chịu khốn khổ nhiều hơn nữa cũng đều là trợ giúp Đạo-niệm cho tôi". Dù điều tốt hay không tốt cũng đều cho là tốt thì tâm tự an nhiên chẳng còn vọng động. Cách đối trị này rất là trọng yếu.

17. DỄ PHẠM QUY CỦ.

Như người xưa vẽ vòng tròn dưới đất làm ngục tù, nghĩa là người phạm pháp bị quan bắt được, bắt phải đứng một chỗ, vẽ một vòng tròn xung quanh người ấy, chẳng cho người ấy ra ngoài một bước. Tòng-lâm lấy Quy-củ làm vòng tròn, năm ba mươi năm chẳng ra ngoài vòng tròn một bước, cũng là học cách của người xưa. Nếu phạm Quy-củ sẽ có cái lỗi phạm pháp. Vì sao ? Vua Thuận Trị nói : "Ra vào nơi cửa sang, qua lại trong Bảo-điện, chuông đánh thượng Điện, bảng gõ Quả-đường, chẳng cày cấy mà có cơm ăn, chẳng dệt vải mà có áo mặc, mọi thứ sẵn sàng, các điều như ý". Lại nói : "Trăm năm ba vạn sáu ngàn ngày, chẳng bằng ông Tăng nửa ngày nhàn". Đúng thay lời này !

Như vậy thân ở chỗ lìa trần, tâm phan duyên Đại-pháp. Người đời bận rộn chỉ vì một đời này, chúng ta thanh nhàn đều vì mãi về sau. Người đời cả đời bận rộn là vì người khác, còn chúng ta cả đời bận rộn là vì mình, há chẳng sướng thay ! Thọ dụng như thế lại phạm Quy-củ, nên nói "có lỗi". Mới trụ Thiền-đường thân tâm chưa quen, Quy-củ chẳng hiểu, phạm thì có thể răn dạy. Nếu trụ lâu năm, hoặc là hàng lão tham, hoặc đã từng trụ Tòng-lâm ở nơi khác mà còn phạm Quy-củ, thật là người xấu của Pháp-môn.

Người trụ Tòng-lâm giữ Quy-củ theo Chúng hành Đạo, nếu phạm Quy-củ thì chẳng cho nhập vào Tăng-chúng. Người giữ Quy-củ thì tâm địa khoan nhàn, tất cả tự tại, kẻ phạm Quy-củ thì thân tâm bất an, gặp việc sanh phiền. Người giữ Quy-củ, ai thấy cũng hoan hỷ tán thán, làm phép tắc cho Tòng-lâm, làm gương mẫu cho Trời người. Kẻ phạm Quy-củ ai thấy cũng chán ghét, xa lìa, chắc chắn khó trụ lâu, đi đâu cũng bất an. Người giữ Quy-củ Phật, Tổ vui mừng. Kẻ phạm Quy-củ quỷ thần tức giận. Người giữ Quy-củ là Pháp-khí làm hưng thạnh Tòng-lâm. Kẻ phạm Quy-củ là người xấu phá hoại Tòng-lâm.

Phải nghĩ : Người phạm Quốc-pháp nặng thì bị tử hình, phạm gia-pháp nặng thì bị phạt thân, phạm pháp Tòng-lâm nặng thì bị trục xuất, đó là lý đương nhiên, không chút sai chạy.

Phải biết chính mình nghiệp nặng, thế nào cũng có cái lỗi trái pháp, cho nên thường lập thệ rằng : "Thà bị người chặt đầu móc mắt tôi đi, chứ tôi chẳng chịu phạm pháp Tòng-lâm". Nếu quả thật y theo thệ này, chẳng những thân mạng được cứu mà Huệ-mạng cũng được cứu, cha mẹ sanh vào ác đạo cũng được cứu. Vậy thì dễ phạm đổi lại thành dễ giữ.    

18. HỶ XẢ TẤT CẢ.

Hai chữ Hỷ Xả là việc của Bồ-tát. Người trụ Tòng-lâm đối với chữ Xả e rằng thái quá. Sao vậy ? từ khi sanh ra cho đến ngày nay có ruộng vườn đầy đủ, có công danh phú quý, có quan tước phẩm vị, có vợ, có con, tất cả đều đã xa lìa không còn nghĩ đến, mặc đồ Tu-sĩ thọ Giới-cụ-túc, xả bỏ tục gia, ở trong Tăng-chúng an trụ Chùa-chiền hoặc ở hang núi, những sở trường đặc biệt, học thuật hay ho trước kia đều chẳng màng đến, chẳng những đại xả tục gia cho đến Tăng - Tục đều xả. Tăng & tục đều xả mới được gọi là xả hết tất cả. Nay nói Hỷ Xả thật là khó hiểu.

Người xưa nói : "Chẳng cùng muôn pháp làm bạn là người gì ?". Chẳng hiểu người nầy (phát nghi) liền gánh lên đi (giữ nghi-tình). Người tham-thiền như thế nếu được lãnh hội (ngộ) mới thật phù hợp với sự đại xả của Thiền-tông. Người chẳng được cái xả này thì trong hàng ngày, thượng Điện thì xả chân, Quả-đường thì xả tay, mặc áo thì xả thân, ăm cơm thì xả miệng, bị một gậy đánh thì xả tâm giận, bị một tiếng hét thì xả niệm sợ, nghe tiếng khen thì xả vui mừng, nghe người chê thì xả bực tức, đều gọi là đại xả.

Lại, tham thoại-đầu thì xả công phu, bỏ trống qua thì xả thời gian, ở Chúng đông thì xả nhiều người, trụ Tòng-lâm thì xả xứ sở, giữ Quy-củ thì xả người khác, phạm Quy-củ thì xả chính mình, cũng gọi là đại xả.

Lại nữa, nói hỷ xả là khi chưa vào Thiền-đường, đối với các thứ mão, nón tốt, các thứ y áo, ngọa cụ, khăn lau tốt, các thứ giày dép tốt, vớ bằng tơ lụa, các thứ đồ trang sức như cà rá vàng, đồng hồ đeo tay, bình trà, bàn chải răng bằng xương, kem đánh răng loại tốt, kem thoa da, ống điếu hút thuốc, kịch bản, tiểu thuyết, bạn đánh bài, bạn ăn nhậu đều xả sạch trơn, chỉ lưu lại một nhân cách thanh tịnh, một bộ mặt không lỗ mũi, đến trụ Thiền-đường mới đúng là Hỷ Xả.    

19. PHÁT TÂM DŨNG MÃNH.

Việc phát tâm này là người dẫn đường cho thế gian và xuất thế gian. Bằng không, chẳng những Phật-đạo khó thành mà Địa-ngục cũng dễ đọa. Sao vậy ? Người đời trồng bông vải, trước tiên phải gieo giống, nhổ cỏ, tưới nước sau mới thu hoạch được bông vải, rồi kéo thành chỉ sợi, siêng năng dệt mãi mới thành ra vải. Từ một hạt giống cho đến khi thành một chiếc áo biết bao là khó khăn, qua đó có ba điều quý báu mà người đời không dễ gì biết :

l. Hạt giống lấy ruộng làm quý báu.

2. Vải lấy chỉ sợi làm quý báu.

3. Con người lấy quần áo làm quý báu.

Do ba điều quý báu này làm cho người đời phải dũng mãnh phát tâm. Bằng không thì bỏ dở nửa chừng, một điều quý báu còn khó được huống là muốn được cả ba. Vậy không phát tâm thì để thân thể lõa lồ sao ?

Cũng vậy, người xuất gia thọ Giới-cụ-túc, cầu thầy hỏi Đạo, ở Tòng-lâm, giữ Quy-củ, tuân lời dạy, bị đánh hương-bản, chịu cay đắng, chịu nhẫn nhục, lập Đạo-niệm, thỉnh Pháp-yếu, dụng công phu, được chân nghi, khai đại ngộ. Từ một phàm phu thành một Thánh-nhân, trong đó trải qua muôn phần rèn luyện khó khăn, may mắn được ba điều quý báu cũng không dễ gì biết :

l. Con người lấy Tăng làm quý báu.

2. Tòng-lâm lấy Quy-củ làm quý báu.

3. Triệt-ngộ lấy dụng công tham-thiền làm quý báu.

Cũng do có ba điều quý báu này mà không thể chẳng dũng mãnh phát tâm. Bằng không thì thành kẻ phàm ngu. Một điều quý báu chẳng được thì chư Tăng làm sao tồn tại chốn Tòng-lâm ?

Lại, người hành Đạo tất cả đều phải tinh tấn. Người bảo-hương có vọng tưởng, ta bảo-hương có công phu. Người tọa-hương có hôn trầm, ta tọa-hương không tạp niệm. Người qua lại có nói thì thầm, ta qua lại không có mình người. Người nằm ngủ có mộng tưởng, ta nằm ngủ không có giường nệm. Người bỏ thời giờ qua suông mà không hay biết, ta bỏ thời giờ qua suông thì thấy hổ thẹn. Người dụng công phu có gián đoạn, ta dụng công không có thân tâm. Người dụng công có biết đông hạ, ta dụng công quên cả tháng ngày. Người dụng công chấp tinh tấn, ta dụng công không biếng nhác. Làm được như thế là đại tinh tấn, là thật phát tâm dũng mãnh, thì làm sao người này chẳng đạt Đạo ?

20. THÂN TÂM QUEN THUỘC.

Thân tâm vốn không có lạ quen, lạ quen là do việc của thân làm, cảnh của tâm duyên.

Thân lạ là việc làm của thân chưa được làm nhiều, lâu lâu mới làm thì khó được quen, cho nên gọi là lạ. Từ lạ tập lâu ngày, mài giũa mãi hoài, nhiều cách lựa lọc, nói làm liền làm, tay tự nhiên làm, trước sau nhất như chẳng còn do dự, đây gọi là thân quen.

Tâm lạ là cảnh sở duyên của thức chưa thấm vào tâm, bỗng muốn nhớ lại mà mờ mịt không biết, cũng gọi là lạ. Từ lạ huân tập lâu ngày, nghĩ nhớ sâu xa, lại thêm xét nét, hễ tưởng đến liền hiện, nói đến liền biết, đây gọi là tâm quen.

Thân tâm tuy quen, nhưng cũng còn có khi quên, tập cho thêm quen thuộc, trở thành thói quen, trải qua vạn kiếp cũng chẳng quên, ở chỗ muôn ngàn sai biệt cũng chẳng động, nắm được liền dùng, nước đến thì thành dòng. Thân làm đi làm lại không còn sai lầm. Tâm tư lự muôn ngàn không còn sơ sót. Đây gọi là thân tâm quen thuộc.

Như người đến Tòng-lâm tham học, mới vào Thiền-đường mờ mịt không hiểu Quy-củ, việc phải làm của thân từ trước đến nay chưa từng thấy qua, bỗng bị ép buộc phải làm thì khó làm được quen. Nếu có thể khổ tâm khổ chí, cẩn thận để tâm tìm hiểu kỹ càng mọi việc, học tập ghi nhớ càng ngày càng tinh thông, thì dần dần từ lạ trở thành quen. Chính ngay lúc học Quy-củ, phải đem toàn thân để ở trên việc làm, chẳng nên sáng siêng năng chiều lười biếng, lập chí quyết định thà chết chứ chẳng lìa Pháp này. Người có chí này, chẳng những việc quen mà thân cũng quen.

Lại, như người mới học tu thiền, từ trước đến nay chưa từng dụng công phu, một khi đề khởi thoại-đầu, không biết làm sao hạ thủ. Nếu có thể đối với Pháp này lập chí thà chết chứ chẳng lìa, đem hết thân tâm tận lực xông vào, chỉ biết có Pháp, chẳng biết có tâm. Như vậy lâu ngày chẳng những Pháp quen mà tâm cũng quen.    

21. CHẲNG TIN THAM THIỀN.

Chẳng tin có hai :

l. Thường nghe người ta nói Thiền-tông quá cao, người trung hạ căn không thể nào tu được. Dẫu cho tu được, cũng khó khỏi đền trả nghiệp đời trước đã vay, vẫn phải biến trâu biến ngựa. Ôi ! Thật ngu làm sao ! Người căn cơ cạn bị cơn gió phỉ báng này thổi rơi xuống biển, hai chữ Thiền-tông còn không dám nói thì việc tham-thiền đâu còn ai dám tin.

2. Tự đã quyết chí liễu thoát sanh tử mà đến cửa Thiền-tông. Lúc đến thì lặn suối trèo non, dầm sương dãi gió, cay đắng vô vàn cũng cam nhận chịu. Nay trụ Thiền-đường, tâm nguyện thỏa mãn, dù trong hàng ngày Quy-củ chưa quen, thân tâm bứt rứt, lại còn phải chịu la hét, ăn gậy của các Chức-sự rất là đau đớn. Từ khi trụ Tòng-lâm đến nay không để ngày giờ trôi qua vô ích, tự nghĩ chuyên vì hành Đạo mà ráng bỏ các duyên ngoài. Đã vì sanh tử, nhẫn chịu khổ đau, dù đến chỗ chết cũng không từ nan. Đối với việc hạ thủ công phu, thường nghe Thiện-tri-thức nhiều cách chỉ dẫn tham-cứu thoại-đầu, khẩn thiết khuyến khích để đi đến đại ngộ. Dụng tâm như vậy cũng khó dấy khởi nghi-tình, dù là một câu cũng khó đứng vững, nghiệp chướng quá sâu, phải làm thế nào ?

Như trong túi áo mặc trên thân có của báu mà chẳng chịu tin, người chẳng tin tham-thiền cũng giống như vậy. Nếu tin nơi thân mình có của báu thì dẫu cho chết cũng quyết phải tìm cho ra, mới là xong việc. Người xưa nói : "Minh châu trong áo tự chẳng tin, đâu cần hướng ngoại khổ công tìm" là vậy.    

22. NGHI PHÁP.

Người tu hành chân thật, vì Đạo chịu khổ chịu đau đều chẳng màng đến. Đối với Pháp-môn tham-thiền là pháp phải làm suốt ngày, không ngờ một câu thoại-đầu một thời gian dài chẳng đề khởi thì dường như cảm thấy khinh an. Vừa đề khởi lên một chút thì phiền não liền nổi dậy, thân tâm khoảnh khắc cũng chẳng yên, khi tịnh thì như ngồi trên đống lửa, muốn đi ra ngoài giải buồn. Thêm vào đó các vị Chức-sự thấy cử chỉ oai nghi của ta khiếm khuyết bèn chỉnh lại khiến cho tâm ta như lửa đổ thêm dầu, lập tức phẫn nộ tràn hông. Xét kỹ trước sau đều do đề khởi câu thoại-đầu mà ra, nên chẳng ngại gì dùng pháp khác để thử. Ngày trước đã tin niệm Phật hoặc tin trì Chú bèn đem ra dùng lại thử. Một khi niệm danh hiệu Phật, hoặc trì Chú thì như nước tưới vào lửa thật là mát mẻ. Do đây đối với Pháp tham-thiền này lại càng cảm thấy nghi ngờ khó tin : "Đã hết sức tham mà chẳng thể được nhập, đây đúng là lỗi của Pháp vậy !".

Thử hỏi : Ông thầy giáo hàng ngày thanh nhàn, thân tâm khỏe khoắn, bỗng phải gánh đồ nặng khổ sở muôn phần.

Có người hỏi ông ta : Sức gánh đồ của ông như thế nào ?

Ông đáp : Dạy học không đủ ăn nên phải gánh đồ nặng để sống mà gánh chẳng muốn nổi.

Chính đang lúc trù trừ, bỏ gánh nặng xuống, rồi lại cầm quyển sách như cũ, so với lúc trước cảm thấy khoan khoái gấp bội.

Người có Tri-thức mới hỏi : Muốn có ăn, không gánh không được, sao chẳng từ từ đun đẩy lâu ngày cái khó tự hết.

Người nghi Pháp hãy suy nghĩ điều này. Nay đặc biệt giải thích một chữ Nghi, bằng không ắt sanh lầm lẫn. Cũng như tham câu "Khi chưa có trời đất ta là cái gì ?", chẳng biết mình là cái gì, muốn rõ bổn lai diện mục của mình mà không hiểu được thì phải sanh khởi thắc mắc tại sao muốn hiểu mà hiểu không được. Lúc ấy trong tâm tự nhiên móng khởi nghi-tình. Có nghi-tình tức là tham-thiền vậy. Những đoạn văn sau nói hai chữ công phu tức là nghi-tình, chẳng cần lập lại nữa.

Thế nên biết, nghi người, nghi Pháp là hồ-nghi, còn cái nghi-tình này tức là công phu tham-thiền cũng gọi là Chánh-nghi vậy.    

23. NGHI NGƯỜI.

Người dụng tâm ở Thiền-đường, ban đầu y theo lời dạy của người, nhận sự chỉ dẫn, nghe người khai-thị hiểu được phương pháp, y theo đó mà làm, chẳng dám thiếu sót một chữ, chẳng dám khinh thường một lời, xem đó như Pháp-bảo, kính đó như Phật sống. Sáng lễ bái chiều nghe dạy, suốt ngày không chút lười mỏi. Sự ân cần kính người, trọng Pháp thật khiến cho người tin. Đến khi thực hành lâu ngày Pháp đã được trao, tự cảm thấy sự chỉ dạy của người này rất đích xác còn lời giảng của người kia dường như chẳng đúng. Vì thấy có đúng có sai nên trong tâm sanh ra nghi ngờ chẳng biết người nào đúng người nào sai.

Lại nữa, hoặc lời giảng trước kia, lúc mới dụng công thì đúng, dụng công lâu thành sai. Hoặc Pháp của mình dụng công thì phù hợp với kinh Phật, lời Tổ, nghe lời người giảng chẳng những không đúng với chỗ dụng công của mình mà còn rất khác xa với lời Phật Tổ. Do đó, cái niệm nghi người càng sâu, cái tâm tin mình càng lớn.

Lại nghi, nghe người ngoài nói người kia khai đại ngộ rồi, hoặc đã phá Bổn-tham, hoặc khai Tiểu-ngộ, đích thân nghe thì trái lại chẳng bằng mình. Hoặc thấy mấy người ấy trong cuộc sống hàng ngày đều không có hành vi khai ngộ mà dường như còn tập-khí nhiều. Do đó, đến lúc người ấy khai-thị, chẳng phải ho hen ngăn trở thì đổ thừa bận việc chẳng đến nghe. Hoặc nghi người ấy không xứng đáng làm thầy mình, đến giờ người ấy giảng thì trốn tránh ra ngoài chẳng về. Hoặc sợ người ấy khiển trách mà giả bệnh tạ từ. Cái lỗi nghi người thật chẳng phải ít. Thử hỏi : Ông muốn đến nhà ắt phải tìm đường về. Sự sai biệt ở giữa đường phải hỏi người đã đi qua. Đã chỉ đường rồi, đi phải do mình. Thiện-tri-thức chỉ có thể chỉ đường chứ chẳng đi giùm mình được. Nay đường chánh chẳng đi mà lại nghi người chỉ đường tầm bậy. Đâu nên như vậy ?    

24. TOAN TÍNH THỐI LUI.

Người tu hành bị có cái nghi người, nghi Pháp, thường thầm giận tức rằng tuy nhiều năm phát nguyện, nhiều năm lưu tâm mà vẫn chưa dám quyết định đến ở Tòng-lâm, lại còn nghi mình không đủ sức tọa-hương nên ở nhà tập thử trước. Tọa-hương dài thì đau chân cảm thấy sợ, toạ-hương ngắn mới cảm thấy vui. Khi tập thử xong, dẹp y phục ngày thường, thay áo tay rộng, sửa soạn hành lý, y bát và những vật cần dùng, chọn ngày khởi hành. Bỗng nghe Quy-củ của Kim Sơn khó, sợ đến đỏ mặt. Lại nghe Cao Mân tọa-hương lâu, trong tim đập mạnh. Tiến thoái hoang mang, thật khó quyết định phải đi nơi nào. Nay may mắn đã đến Đạo-tràng, tu Pháp liễu thoát sanh tử, đã học được Pháp rồi mà không trọng Pháp, lại xem người trên, người khó vừa ý. Nghe Pháp thì tâm phiền, nghe tiếng thì niệm động, chẳng những duyên Pháp chưa kết mà duyên người cũng không. Muốn trốn đi chỗ khác để thân cận bậc Cao-nhân, nghĩ đi nghĩ lại cũng khó quyết định.

Tôi nói : Dẫu cho ông chạy đến chân Trời, chỉ nhọc công vô ích. Thật ra, nói đến việc cầu Cao-nhân, người xưa thấy bầy vịt trời liền ngộ Đạo, bầy vịt trời tức là Cao-nhân. Muốn cầu Đại-pháp, người xưa nghe tiếng chuông liền ngộ Đạo, tiếng chuộng tức là Đại-pháp. Cái đại của Đại-pháp, cái cao của Cao-nhân chạm mặt đều là nó, đâu nên toan tính thối lui ư ?  

=> Phần 3  

Tác giả bài viết: Liễu Phàm

Nguồn tin: Tông Phong Tàng Thư