Trung Phong Pháp Ngữ - phần đầu

Quyển TRUNG PHONG PHÁP NGỮ này được hình thành từ sự tuyển dịch một số bài Pháp-ngữ của Thiền-sư Trung Phong khai-thị đồ Chúng trong bộ Thiền-sư Tạp Lục, 3 quyển, in trong Tục Tạng Kinh, tập số 122. Nội dung sách tấn người học lập chí lâu bền, gan dạ liều chết hạ thủ công phu tham cứu thoại đầu cho đến khi khối nghi bùng vỡ, hoàn toàn liễu thoát sanh tử. Vì thế, Ngài cực lực bài xích cái thói quen tai hại của người học muốn dùng tri giải để hiểu Phật-pháp, thiền đạo, làm chướng cửa ngộ, nhất định không thể nào giải quyết được việc lớn sanh tử, mà trái lại còn thêm lớn ngã kiến, kết chặt gốc rễ luân hồi. Lời khai thị thống thiết đầy nhiệt tình của Ngài cảnh tỉnh rất là mãnh liệt khiến người học vừa phấn chí mình, vừa cảm tấm lòng từ bi chỉ dạy của Ngài mà dốc lòng tinh tấn hành Đạo...
1. KHAI THI ĐỔ CHÚNG I

Thiền-sư Phật Ấn Liễu Nguyên thống thiết dạy sơ lược như sau :

"Một niệm tịnh tâm cuối cùng thành Chánh-giác. Từng bước chẳng nghỉ, ba ba què đi xa ngàn dặm. Căn-khí tuy có lợi độn cạn sâu, song sự thành công chỉ ở tại chỗ phát phẫn lập chí. Tôi nay thống thiết dạy mọi người nên biết bốn điều dễ, và bốn điều khó.

Cái gì là bốn điều dễ ?

1. Chính mình là Phật, chẳng cần cầu thầy khác. Nếu muốn cúng dường Phật, chỉ cúng dường chính mình, là điều dễ thứ nhất.

2. Vô vi (vô tác) là Phật, chẳng cần xem Kinh, lễ Phật, hành Đạo, tọa thiền. Đói ăn mệt ngủ, tùy duyên nhậm vận, là điều dễ thứ hai.

3. Vô trước là Phật, chẳng cần hủy bỏ hình thể, xa lìa quyến thuộc, núi rừng, chợ búa, nơi nào cũng tự tại, là điều dễ thứ ba.

4. Vô cầu là Phật, chẳng cần lập công bồi đức, siêng tu khổ hạnh, hai thứ phước huệ trang nghiêm đều không dính dáng, là điều dễ thứ tư.  

Cái gì là bốn điều khó ?

1. Tin được là điều khó thứ nhất.

2. Niệm được là điều khó thứ hai.

3. Ngộ được là điều khó thứ ba.

4. Tu được là điều khó thứ tư.

Tin nhân quả có thể nói là niềm tin nhỏ, chẳng thể cho là niềm tin lớn. Vậy mà người nghi vẫn nhiều, người tin lại ít. Người tin mà chẳng nghi, trong trăm ngàn người chỉ có một hai người. Huống chi chóng thấy Tự-tánh, nhất siêu trực nhập vào việc Như-lai. Ngàn Kinh muôn Luận, các thứ Tông-tích dị kỳ để lại ở thế gian chỉ vì người không có lòng tin. Chư Thánh từ bi rộng lập phương-tiện mở sáng bọn mê khiến họ từ cửa Tín mà vào. Bởi vì người có niềm tin mới lập hạnh, do đó niềm tin là một điều khó.

Trong suốt ngày đêm chỉ muốn niệm niệm chẳng quên, lúc đi thì đi niệm, lúc ngồi thì ngồi niệm, lúc cử động, nói nín, nằm xuống, đứng dậy đều niệm, lúc làm việc, tiếp vật cho đến khốn khổ hoạn nạn hiểm nguy cũng đều niệm. Thân như cây khô, như tảng đá, như thây chết, như tượng đất, chỉ Tâm-tâm ở tại Đạo; ứng đáp với người như si, như say; nghe tiếng thấy sắc như điếc như đui. Vì thế dụ như mèo rình bắt chuột, tâm và mắt chăm chú nhìn vào một chỗ, lơ đễnh một chút ắt chuột chạy mất; như gà ấp trứng, hơi ấm cần phải liên tục, gián đoạn một chút là không thể thành gà con được. Vì thế niệm nầy là một điều khó.

Niệm-đạo vốn phải gìn giữ lâu ngày, còn ngộ Đạo ở tại khoảnh khắc. Lúc nhân duyên chưa chín mùi thời tiết chưa đến cơ hội sẵn sàng nên không thấy được. Nhân duyên đã chín mùi, thời tiết đã đến, tuy hình dáng chẳng tiếp xúc mà bỗng nhiên hiện tiền. Khó nói cái thấy của người đã ngộ cho người chưa ngộ nghe, như người mù từ thuở sơ sanh nói cho họ nghe về ánh sáng Mặt-trời, họ tuy nghe nhưng chẳng thể biết. Người ngộ không còn đạp dấu của lúc chưa ngộ; như người ngủ thức dậy, bảo người ấy làm lại việc trong mộng, tuy người ấy nhớ mà chẳng tìm lại được. Người tham học phải lấy ngộ làm tiêu chuẩn, vì thế cái ngộ nầy lại là một điều khó.

Chưa ngộ phải thường lo niệm, đã ngộ càng phải giữ gìn như bưng dĩa nước, như cầm vật báu, như giữ tròng con mắt, như đi chỗ nguy hiểm, như đối trước Vua, trước Thầy. Đây là giữ gìn Đạo vậy. Giữ gìn tức là tu vậy. Thấy Đạo mới tu Đạo, chẳng thấy làm sao tu.

Có người hỏi  : Đã ngộ rồi đâu cần tu.

Đáp rằng : Tập-khí do nhiều kiếp huân tập không thể nhất thời sạch hết, nên cần phải tu. Tu đến vô tu sau đó mới đồng với Chư Phật. Vì thế cái tu nầy lại là một điều khó.

Cho nên người chẳng biết bốn điều dễ thì có thể làm lành, mà chẳng thể nhập Đạo. Người chẳng biết bốn điều khó thì có thể nói về Đạo, mà chẳng thể tiến trên đường Đạo".

Trong văn trên Thiền-sư Phật Ấn nói niệm-đạo, tức ngày nay nói tham, nóikhán.

Trong bốn điều khó, đầu tiên nói "niềm tin" là khó. Nói tin là muốn người học Đạo tin bốn điều dễ ở trước và bốn điều khó ở sau. Vậy niềm tin nầy chẳng phải dễ được. Thứ nhất là nhờ sức Bát-nhã sâu dày nhiều đời của chính mình, kế đến là nhờ Chánh-niệm hằng ngày luôn luôn thống thiết vì việc lớn sanh tử thâm nhập vào xương tủy không có khoảnh khắc gián đoạn. Lòng tin đã như vậy thì câu thoại đầu sở tham như người đói được thức ăn, người rét được áo mặc, dẫu ép buộc buông bỏ trọn chẳng thể được. Tâm tham-cứu Đạo miên mật thì không có lẽ nào không ngộ, ví như đi đường miệt mài đi mãi ngày đêm có lý nào chẳng đến. Ngộ đó là ngộ bốn điều dễ ở trước. Bốn điều dễ này nếu chẳng phải ngộ nhập thì đều gọi là vọng giải. Người đời nay có chút tư chất thông minh chẳng đợi ngộ nhập, cứ đem tình-thức lãnh hội bốn điều dễ nầy rồi tự cho là thật chứng, bèn bỏ hai thứ Phước-huệ trang nghiêm, vì cho rằng không dính dáng. Luận đàm lý tột chưa từng chẳng đúng, song chẳng dè chưa từng ngộ nhập nên rơi ở trong tình-thức phân biệt, suốt ngày nói ăn mà không no bụng. Vả lại, ngộ đã chẳng chân như người chưa đến nhà, muốn ở giữa đường cất nhà để ở, thì nên hay chẳng nên ?

Do đó nên biết, Đạo đã chẳng ngộ thì tu rất khó vậy.

Hôm nay, khai-thị hậu học chỉ dùng thuyết bốn điều dễ, bốn điều khó của Hòa-thượng Phật Ấn thống thiết trình bày. Các Bồ-tát học Bát-nhã ở Thiền-đường đều là người xa lìa các thứ thụ hưởng thế gian đến đây cam chịu khổ hạnh, ai mà chẳng nói vì việc lớn sanh tử vô thường, thì nỡ nào để năm tháng trôi qua vô ích ?

Trong văn nói như mèo rình bắt chuột, sơ hở một chút ắt chuột chạy mất, như gà ấp trứng nếu gián đoạn một chút ắt chẳng thành gà con. Lời nầy đáng tin.

Mong mọi người đồng phấn chí sớm ngộ. Minh Bổn tôi Hạ nầy nằm bệnh chẳng thể cùng các huynh đệ luận Đạo, cho nên dẫn lời nầy để nhắc nhở. Thời gian qua mau như nước chảy, chớ để về sau hối hận.  

2. THỊ CHÚNG II

Động Sơn qua cầu, Huyền Sa qua núi, Thái Nguyên nghe tiếng tù-wà cùng với Thích Ca nửa đêm thấy sao mai mọc đồng một thời tiết, hiện nay ở trên phần các ông không thiếu chút nào !

Xưa hai Tổ Lâm Tế và Đức Sơn, hễ thấy người tham-thiền đến, không nỡ lòng dạy bảo, chỉ dùng thủ-đoạn (cơ-xảo) hét to đánh mạnh, sau nầy thủ-đoạn ấy lưu hành chốn Tòng-lâm, trở thành thường lệ. Thiên-hạ Tòng-lâm nói thiền thao thao mà thật ra chỉ lấy thủ-đoạn của Tổ truyền thừa lừa gạt lẫn nhau, khiến cho thuốc hay đến nay thành ra không linh nghiệm.

Tiên-sư (Ngài Cao Phong) ba mươi năm thân đứng như vách chỉ lo chữa trị cái việc nầy cho người học, bóp chặt cổ họng không cho ông nói, không cho ông hiểu, cũng không cho ông sanh một niệm thứ hai nào khác. Chỉ hướng lên trên Câu-thoại-đầu, đứng vững gót chân chăm bẳm tham-cứu, như kẻ gặp oán địch, như cứu lửa cháy đầu, ngoài bặt cảnh-duyên, trong quên tình-thức, hầu đợi ông như hạt đậu nổ trong tro lạnh, chết đi sống lại. Ông nếu chưa đến thời tiết nầy thì quyết chẳng chịu đem ngữ ngôn tương tợ dẫn người đi lầm đường. Phải biết Sanh-tử vô thường là việc lớn, há người căn-khí cạn cợt có thể vượt nổi ư ? Người đời nay chẳng hiểu chỗ kiến lập của Phật-Tổ thuở xưa, luôn luôn đuổi theo tình cuồng, thức vọng, mở miệng bèn muốn vượt qua Phật-Tổ, khi xem đến chí hướng Đạo của họ thì không có nửa điểm chân thật chủ tể. Mới đề được câu-thoại-đầu trong chốc lát, được chút thuần thục liền tự vui mừng, vừa bị hôn trầm, tán loạn cướp đoạt bèn nói căn độn nghiệp sâu. Tình cờ gặp phải vài điều trái ý trước mắt thì tức giận nghiến răng, niệm niệm chẳng dứt. Hoặc nghĩ bậy, tưởng xằng, khởi diệt muôn thứ mà tự chẳng biết, cuồng loạn nằm trong tâm mà tự cho rằng người hành Đạo, lý phải như vậy. Trải qua ba năm, năm năm đã chẳng tương ưng, liền sanh tâm lui sụt, bỏ vào trong cái vỏ vô sự cam chịu luân hồi, hạng người như thế rất nhiều. Hoặc chẳng như thế, bèn đem ý-thức săn lấy những lời của các Thiền-sư giả mạo từ xưa đến nay lừa dối Hiền-thánh, muôn điều tạo tác đều là hư giả đọa lạc biên kiến, trọn chẳng tự giác.

Muốn cầu một chỗ ổn thỏa, thì hai mươi năm, ba mươi năm chẳng biến chẳng đổi, hướng vào trong bổn tham, chẳng dính với thức trần, lấy ngộ làm cực tắc (cùng tột) như đãi cát tìm vàng. Tòng-lâm Pháp-đạo ngày càng suy đồi, ông có biết chăng ? Hôm nay mở to đôi mắt hướng lên tuyệt đỉnh cô phong, thọ người tín thí cúng dường, huống là tự mình cô phụ cái danh tự người hành Đạo mà còn cuồng vọng biếng nhác chẳng tự kiểm điểm, đâu biết mai kia trôi giạt vào loài súc sanh chẳng ăn nuốt lẫn nhau kết nghiệp vô gián ư ? Người xưa nói : "Tam đồ Lục-đạo từ vô lượng kiếp đến nay chẳng phải không từng trải qua, đời nay không biết trồng hạnh lành gì mà được gặp nhau dưới chiếc Cà-sa, nếu chẳng sớm ly tình tuyệt lự bỏ ngủ quên ăn, thời giờ trôi qua, lấy gì nương cậy ?".

Núi này từ thuở khai mở Đạo-tràng đến nay, vào mùa đông lạnh lập kỳ hạn tham-thiền. Các ông vào thiền kỳ nầy ắt muốn tìm cái lộn ngược (ý nói là triệt ngộ), chẳng phải Môn-đình bày đặt ra, cũng chẳng phải cố tự chỉ bày mà là phương thức hiệu nghiệm của Tiên-đức dùng để giải quyết xong cái việc của các ông sẵn đủ. Trong Giáo nói : "Ta chẳng tiếc thân mạng, chỉ muốn Đạo-vô-thượng". Ông chỉ thấy tiền bối qua núi, nghe tù-wà ngộ một cách dễ dàng, trái lại chẳng biết cái khó của lúc chưa qua núi, chưa nghe tù-wà cùng với người bây giờ không khác chút nào vậy. Nếu biết được cái khó ấy thì Đạo nào ta cũng hành được.

Đường-chủ, Duy-na vì thấy tâm Chúng giải đãi, thỉnh tôi khuyến khích. Minh Bổn tôi nói hoàn toàn không có lỗ mũi để cho người nắm lấy, chỉ đem việc lớn Sanh-tử vô thường cho người chân thật vì Đạo cố gắng. Nếu không tin, cứ đi hỏi nơi khác. 

3. KIẾT HẠ : KHAI THỊ ĐỔ CHÚNG TẠI THUẬN TÂM AM.

Hôm nay ngày rằm tháng tư, là ngày Kiết-hạ, phải biết hai ngàn năm trước, trên hội Linh Sơn cũng có ngày rằm tháng tư Kiết-hạ. Từ đó cho đến ngày nay, Tòng-lâm các nơi chẳng trái lệ cũ. Chín mươi ngày không dây tự trói, nói là cấm túc, nói là an cư, lại chẳng biết người chân thật học Đạo từ một niệm đầu tiên cương quyết liễu thoát việc lớn Sanh-tử vô thường thì 'Túc' nầy ngay nơi đây liền 'Cấm', 'Hạ' nầy do đó mà 'Kiết', đem hết năm tháng của trọn cuộc đời làm chín mươi ngày chẳng nhiều, chẳng ít, chẳng bớt, chẳng thêm, để mong cùng việc nầy tương ưng. Về sau gọi đó là thời tiết Phật hoan hỷ, Tăng tự tứ. Bằng chẳng như thế, chỉ muốn bắt chước thường tình thế gian theo Quy-củ lễ nhạc chẳng dám vượt qua cho là nhập Hạ, chẳng những cô phụ Phật, Tổ mà cũng vùi chôn chính mình.

Hôm nay Chúng ở Am hơn mười người, ai cũng biết có việc nầy, chẳng chịu tự cô phụ, tự chôn vùi, huống là ngay lúc Pháp nầy vừa đến, thừa cơ hội nầy phấn khởi một tấm lòng chân thật mạnh mẽ không gián đoạn quyết định chẳng lui sụt, chỉ đề khởi một câu-thoại-đầu vô nghĩa vô vị. Từ một ngày đầu tiên bắt đầu đứng vững gót chân chẳng được nhúc nhích một chút, kín đáo hạ thủ hướng tới trước, một ngày phải thấy công trình một ngày, một giờ phải thấy ứng nghiệm một giờ. Từ người trên đến kẻ dưới cảnh sách lẫn nhau, mài giũa cho nhau, chẳng tạp duyên, chẳng vọng niệm, chẳng theo vật chuyển, chẳng đuổi theo cảnh, chẳng theo Quy-củ xưa, chẳng còn phép tắc mới, chẳng chán Phàm, chẳng mộ Thánh, cho đến tất cả đều chẳng làm. Chỉ muốn một cái ấy của mình minh bạch. Hốt nhiên bị ông lạnh lùng thấu thoát mới biết chín mươi ngày là cả cuộc đời, cả cuộc đời chính là chín mươi ngày, cho đến hai ngàn năm trước chẳng khác ngày hôm nay, ngày hôm nay chẳng khác hai ngàn năm trước, mắt xích liền nhau trọn không gián đoạn. Đây là Trường tuyển Phật, Tâm-không thi đậu về.

Ví như chẳng được như vậy thì cái am Thuận Tâm nầy đâu khác hai hòn núi Thiết-vi. Đừng cho rằng an cư vô sự bỏ trôi mùa Hạ, biết trước chí nguyện bình sanh chẳng toại, ở đây có thể thấy vậy.

Am-chủ gởi thư đến thỉnh lời cảnh-sách cho Chúng, lấy Đại-sự tham cứu thoại-đầu, chẳng những Chúng nhân mà Am-chủ cũng phải tự chiếu-cố.

*

Thiền là bổn lai diện mục của các ông, trừ ngoài cái nầy không có thiền nào có thể tham, cũng không thể thấy, cũng không thể nghe. Ngay cái thấy nghe nầy toàn thể là thiền, lìa ngoài thiền cũng không riêng có thấy nghe cho mình đắc được.

Các ông tụ họp nơi đây, mỗi người riêng có một Công-án chẳng liễu ngộ chứa ở trong gan phổi, chẳng phải là duyên nhỏ đâu ! Trong suốt ngày đêm chớ lầm dụng tâm thì tốt.

Người xưa nói : "Tham thiền học Đạo là lầm dụng tâm, thành Phật làm Tổ là lầm dụng tâm. Trừ ngoài cái nầy ra, lại làm cái gì mới chẳng gọi là lầm dụng tâm ?".

Việc nầy hãy gác lại. Chỉ như các ông mỗi người trong lòng đều vốn có một bổn cổ thanh quy (quyển ghi Qui-củ xưa), chẳng nên phạm vào lúa mạ người. Như canh năm, khi Thiền-đường đánh bảng khởi tham, chẳng kịp rửa mặt cũng phải theo Chúng xuống đất chạy một vòng rồi đợi Đại-chúng vào Thiền-đường thì lên tọa cụ ngồi thẳng, hễ nghe bảng khai-tịnh đánh thì xếp tọa cụ, đắp Cà-sa mang bát đi ăn cháo.

Phàm ăn cơm cháo phải xem trên dưới, Chúng mau thì mau, Chúng chậm thì chậm để chẳng làm động tâm niệm người khác. Huống là cử chỉ động tịnh mỗi mỗi đều có oai nghi phải tuân theo, chớ nói ta là người hành Đạo đại ngộ chẳng chấp tiểu tiết; ngặt vì ông chưa ngộ, đâu thể nói chẳng tuân theo Quy-củ. Bởi do cái Chánh-niệm vì Đạo chẳng thiết tha vì thế cử chỉ không đàng hoàng cho đến phá phạm Luật-nghi, tự mất Chánh-nhân, bị người khinh mạn.

Các ông đây mỗi người hãy tự xét kỹ, như Pháp-tuần Thiền-đường, thống thiết vì việc lớn sanh tử chưa được rõ ràng, sợ năm tháng trôi suông, bị người đánh một cái chẳng hỏi mình có đau hay không đau đều coi như uống nước Cam-lồ, phải phấn khởi dũng mãnh cực lực hướng tới trước, há có thể trở lại sanh giận hờn mà ôm lòng báo oán ư ? Sanh tử vô thường là một tập quán tai hại muôn kiếp dao cắt chẳng ra, cưa xẻ chẳng đứt.

Ngày nay đã chịu bắt đầu phát tâm chân thật, ở cao trên đảnh lạnh lùng, hận chẳng được kéo dài một ngày ra làm mười ngày, đứng vững gót chân để hạ thủ đi ! Hễ thấy Mặt-trời lặn sau núi thì sanh lòng than tiếc lại qua mất một ngày, Đạo-nghiệp chưa xong, nhãn quang lạc địa (ý nói là chết) rốt cuộc lấy gì báo đáp ân Phật-tổ và Thí-chủ ? Đợi chi đến lúc tay chân rối loạn; ngày hôm nay lúc bệnh chưa đến thân hãy sớm tìm lấy cái lộn ngược (ngộ) đi !

Minh Bổn tôi chỗ thấy như thế, lại chẳng từng đem việc dây dưa vô ích dạy bảo cho người, chỉ thực lòng cho biết như thế từ sự chân thật bảo nhau. Tôi muốn thuận theo lời thỉnh của các ông qua Am nói chuyện, vì sẵn có việc đi Tây Sơn, nên phiền Đường-chủ thay thế tôi bạch với Chúng. Mọi người hãy tự tham-cứu, chớ nên dễ giãi. Ước mong mọi người chấn chỉnh tinh thần sớm cầu giải thoát, cũng chẳng cho luôn luôn qua sông qua núi tìm nhau, đối với Đạo vô ích.    

4. KHAI THỊ CHÚNG PHÁT BỔ ĐỀ TÂM

Bồ-đề-tâm là chữ Phạn, ở đây gọi là Đạo-tâm. Các ông nếu không có tâm hướng về Đạo thì ngày nay quyết chẳng chịu đến đảnh núi cao nầy mài đũng quần ngày đêm siêng năng cực khổ tham-cứu Sanh-tử. Phải biết cái Đạo-tâm nầy xa từ nhiều kiếp trước kia đã từng phát khởi, chỉ vì tâm nhiều biếng nhác, ý chạy đuổi phan duyên nên chưa thủ chứng.

Đến hôm nay cần phải cắt đứt các duyên, thôi dứt muôn lự, chỉ đề khởi một câu-thoại-đầu sở tham liều mạng một đời giải quyết cho xong, chẳng phải là việc ngoài bổn phận. Chánh-niệm nầy chẳng thể kiên cố miên mật dằng dặc bảo-nhậm, lại muốn chợt sanh tình vọng, rồi muốn phát Bồ-đề-tâm. Đây là hư vọng điên đảo, mất Chánh-niệm, hướng ra ngoài tìm cầu, trái ngược với Chân-tâm, cùng Đạo cách tuyệt.

Đừng nói phát Bồ-đề-tâm một lần, mà một ngày phát ngàn lần muôn lần cũng chẳng bằng một niệm Chánh-niệm bảo-nhậm thoại đầu sở tham. Lại muốn tụng Kinh, lễ bái, phát lồ sám hối v.v.. đều theo vọng theo tà, há chẳng thấy trong Kinh nói : "Nếu người muốn sám hối nên ngồi thẳng niệm Thật-tướng".

Phải biết Thật-tướng cũng là vô-niệm. Chỉ cần ông tin được có việc lớn Sanh-tử, trong suốt ngày đêm đề khởi câu-thoại-đầu sở tham như cứu lửa cháy đầu là niệm Thật-tướng vậy.

Người huyễn (Ngài Minh Bổn tự xưng) như có một chữ dối gạt các ông, tự cam chịu hằng đọa Địa-ngục rút lưỡi. Xin Duyệt-chúng hãy nói cho những người muốn phát Bồ-đề-tâm biết, nên bỏ ý định đó đi, mà phải dốc lòng hành Đạo mới đúng !.  

5. THỊ CHÚNG III

Chiều tối hôm trước, Thủ-tọa cùng Duy-na đến Am nói gần đến ngày Kiết-hạ thỉnh tôi nói chuyện với Chúng. Tôi nhận lời mời thỉnh, hứa hai ba hôm có rảnh sẽ qua Am uống chén trà cùng nhau nói chuyện giây lát để cảnh-sách nhau. Chẳng ngờ mưa tầm tã mấy ngày liên tiếp, đường sá trơn trợt bất tiện. Qua đến ngày 12 thì nhân sự hai núi rộn ràng, giao tiếp như thế chẳng toại lòng tránh xa của người huyễn nầy.

Tôi nghĩ rằng, Đại-chúng của cả Thiền-đường đều là hàng lão tham, lúc bình thường đến gõ cửa chưa từng có ai chẳng đem việc trên bồ-đoàn tham vấn, thì đâu có lấy Kiết-hạ giải Hạ làm thời tiết hành Đạo.

Nếu nói về chí lý, lúc bắt đầu mới phát tâm hướng về Đạo, Hạ nầy đã từng Kiết rồi. Trong suốt ngày đêm khán câu-thoại-đầu vô nghĩa vô vị chưa được liễu ngộ tức là thời gian ở trong Hạ. Hai ba mươi năm thôi thúc đến chỗ tình-thức tiêu hết, hốt nhiên mãnh tỉnh (ngộ) được cái ấy, tức là lúc giải Hạ, ngày Tự-tứ. Há chỉ lấy có chín mươi ngày làm hạn ư ?

Tham-thiền chẳng linh nghiệm, thường thường chỉ là tâm-trộm-cắp chưa chết, vì thế năm tháng trôi suông, chứ không phải bệnh nào khác. Nếu tâm-trộm-cắp nầy chết ở ngày hôm nay thì ngày hôm nay liền tương ưng, chết ở ngày mai thì ngày mai bèn tương ưng.

Cái gì là tâm-trộm-cắp ?

Hễ lìa câu-thoại-đầu sở tham ra, riêng thấy có Tự-kỷ là tâm-trộm-cắp; ngoài cái Tự-kỷ thấy có nhân, có ngã là tâm-trộm-cắp; lúc tham được thuần thục biết thuần thục, ấy là tâm-trộm-cắp; lúc tham chẳng thuần thục biết là chẳng thuần thục, ấy là tâm-trộm-cắp; lúc thấy có hôn trầm tán loạn, ấy là tâm-trộm-cắp; lúc chẳng thấy có hôn trầm tán loạn, chỉ có câu-thoại-đầu sở tham cùng nghi-tình giao kết chẳng gián đoạn, ấy là tâm-trộm-cắp; hễ ở chỗ khán thoại-đầu chợt sanh một niệm biết, bất luận là phàm, là Thánh, là Chân, là ngụy, nói chung đều là tâm-trộm-cắp; bỗng có người linh lợi hướng vào chỗ tôi nói để đàm luận dẫn chứng giúp cho một con đường là Đạo, là lý, là kiến, là văn, đều cho là chẳng dính dáng đây là trong tâm-trộm-cắp thêm tâm-trộm-cắp, Phật cũng chẳng thể cứu chữa.

Chỉ cần hết được những tâm-trộm-cắp, chỉ thế ấy y bổn phận nắm chắc câu-thoại-đầu sở tham như tượng gỗ tượng đất, như người chết có hơi thở, ngoài chẳng thấy có Đại-chúng, trong chẳng thấy có Tự-kỷ, lạnh băng băng, tuyệt kiến văn, như vậy giữ đi, lâu ngày sẽ được Tâm-không thi đậu về.

Viết dối mấy lời nầy để đền lại lời hứa uống trà nói chuyện trong Am. Minh Bổn tôi qua núi tránh nhân sự mấy ngày, chẳng nên tìm hỏi dấu huyễn ở chỗ nào. Dẫu cho tìm thấy cũng không cùng nhau nói chuyện. Mong Thủ-tọa, Duy-na bạch cho Chúng biết.    

6. KHAI THỊ THIỀN NHÂN CHÁNH VĂN

I. Bổn phận của người xuất gia phải có chân thật tu hành mới đáng thọ nhận Trời người cúng dường.

Trong Kinh nói "tọa" nghĩa là các pháp không, nói "y" tức là nhu hòa nhẫn nhục. Thiền-tông nói tọa tức là một niệm chẳng lui sụt, nói y nghĩa là ngộ suốt Tự-tâm, chẳng mang nhánh lá. Ví như chẳng được như vậy thì sợi chỉ giọt nước chắc chắn phải bồi thường cho Thí-chủ.

Phật-Tổ thưở xưa mắt chẳng nỡ thấy, nên khai mở Pháp-môn cam-lồ nầy, chẳng phải cầu an dật, cũng chẳng phải cầu nhàn tản, cũng chẳng phải cầu cao thượng việc ấy để được nổi danh, chẳng phải cầu tích tụ của cải cho nhiều để mưu toan lợi lộc một cách xấu xa.

Người xưa ba y một bát, ngoài ra đều coi là vật thừa phải luôn giao cho người khác mà chẳng cất chứa. Chỉ thanh bần tự luyện lọc chẳng dám phạm vào lúa mạ, động tâm niệm của người khác, kín đáo dẹp bỏ vọng tình, sâu vào thiền-vị thì biện luận giỏi thấy dường như câm, rất khéo thấy dường như vụng, thề ở dưới muôn người chẳng cao hơn một người. Khiêm tốn hạ mình chẳng ỷ vào sở trường của mình mà xem thường người không có khả năng. Chỉ sợ một niệm chẳng đặt nơi Đạo, chẳng khắc kỷ, chẳng lợi vật, chẳng tham-cứu Tâm. Chánh-niệm tham học luôn luôn cố gắng, chẳng đến chỗ ruộng đất của người xưa thì dầu có gặp cảnh thuận chẳng biến, cảnh nghịch chẳng đổi, ắt hy vọng sau nầy vượt lên cao, đến chỗ xa. Được như vậy thì suốt đời chẳng động mà cũng được dạo đi khắp nơi, cũng được đều không gián đoạn.

Thiền nhân Chánh Văn viết thư đến cầu lời cảnh-sách. Tôi thuận tay viết vài lời khai-thị. Nếu thật có thể chẳng trái lời nầy ắt chẳng nhục cái danh người tham-thiền.

II. Người xưa học Đạo có linh nghiệm là vì tâm-trộm-cắp chết hết.

Tâm-trộm-cắp còn một mảy lông chết chẳng hết thì muôn kiếp không có lý tự thành. Nói thẳng ra, chết được một phần tâm-trộm-cắp thì học được một phần Đạo, chết được tâm-trộm-cắp năm phần thì học được năm phần Đạo, tâm-trộm-cắp hoàn toàn không thì toàn thể là Đạo; bởi vì sự chướng đạo của tâm-trộm-cắp giống như bụi bặm che mất ánh sáng của gương.

Người thời nay chỉ biết có Đạo để thành mà chẳng biết có tâm-trộm-cắp nên hết. Hoặc tâm-trộm-cắp chưa hết mà muốn Đạo được thành, khác gì ngồi ở trong nước mà muốn đừng ướt, xưa nay trong Thiên-hạ không có lẽ đó.

Thuở xưa, Hòa-thượng Vĩnh Minh thống thiết nói : "Tình cảm nổi dậy thì Trí-huệ bị che lấp, tư tưởng biến đổi thì thân thể cũng theo đó mà biến dạng, khiến của báu gia truyền chẳng được thọ dụng".

Tình sanh tưởng biến tức là biệt danh của tâm-trộm-cắp mà tôi vừa nói. Muốn cho bất cứ lúc nào tình chẳng sanh, bất cứ chỗ nào tưởng chẳng biến thì cần phải thật đem việc lớn sanh tử để ở trong lòng lấp bít ý căn, tình vừa muốn sanh thì bị nó ngăn, tưởng toan muốn biến liền bị nó đoạt.

Ông nếu chẳng thiết tha vì việc lớn sanh tử, ở trong lòng khán câu thoại đầu quyết cầu ngộ chứng mà chỉ một bề đè nén cho tình tưởng kia chẳng sanh chẳng biến, khác chi người đã chết mà còn muốn thở ra hít vô để làm gì ?

Người xưa có nói : "Tham-thiền không bí quyết, chỉ cần sanh tử thiết".

Lời nầy thật thông suốt cả ba đời, là cội gốc lớn của sự học Đạo. Ví như chẳng lấy sanh tử vô thường làm trách nhiệm nặng nề của mình, nằng nặc muốn hiểu Thiền, hiểu Đạo mà tham-cứu việc nầy thì giống như bảo người nhịn ăn đi cấy trồng mà chẳng biết đó chẳng phải là việc của họ.

Bậc tiền bối ba mươi năm, năm mươi năm chí càng bền, niệm càng thiết, hạnh càng siêng và chẳng chịu có chút gián đoạn, chẳng phải do thầy bạn cảnh-sách, Tòng-lâm khuyến khích, ngôn thuyết chỉ bày, phương-tiện khuyến tấn mà được như vậy. Mà bởi cội gốc của các Ngài chỉ là một cái chí nguyện thống niệm sanh tử chưa giải quyết xong. Giả sử đời nầy chẳng xong thì đời nào mới xong ? Niệm-tấn-đạo nếu tự chẳng chân thật thiết tha, dẫu Phật Tổ có thần dị đổi Phàm thành Thánh, khiến A-la-hán khởi tham-sân-si, tuy cố mà làm đó, quyết chẳng thể lâu được.

Có người vì muốn hiểu Đạo mà học Đạo, mà không phá được cảnh duyên phù huyễn nổi trước mắt, lại bị cảnh duyên đó làm cho vọng niệm khởi lên chẳng dừng. Vọng niệm đã khởi thì dầu sức học Đạo như núi gò, sẽ thấy có ngày bị vọng niệm làm hại.

Kinh Lăng Nghiêm nói : "Cuồng-tâm nên ngưng nghỉ, ngưng nghỉ tức Bồ-đề".

Cái gì là cuồng-tâm ? Hễ ngoài việc thống niệm sanh tử, đề câu thoại đầu sở tham ra, dù có làm trăm ngàn điều siêu việt thế gian, đều chẳng khỏi bị chê là cuồng-tâm.

Tổ Thiếu Lâm nói : "Ngoài dứt các duyên, trong không nghĩ tưởng, tâm như tường vách, có thể vào Đạo".

Nhưng "vào Đạo" gác lại. Tâm nầy có từng như tường vách hay chưa ? Nếu chưa mà mong muốn nhập Đạo, đó là điều chẳng tự xét.

Tham-thiền cả một đời chẳng ngộ, học Đạo cả một đời chẳng rõ, chỉ cần chẳng dễ dàng buông bỏ cái Chánh-niệm nầy để tham để học thì chắc chắn có ngày đến được chỗ cùng tột.

Nếu bỏ Chánh-niệm nầy vọng đem thức tình xuyên tạc, lấy lời người khác làm kiến-giải của mình, dẫu hiểu hết cổ kim, tọa đoạn (quét sạch) Phật & Tổ cũng đều là dối trình cuồng kiến, tự mang tội lỗi, chẳng phải là điều của người chân thật học Đạo làm.

Thiền nhân Văn gửi thư đến cầu pháp Tham-thiền, nhân lúc không có khách đến, thuận tay bất giác viết dây dưa như thế, ông như có chí thì lời nầy của tôi cũng chẳng hóa ra vô ích. Hãy cố gắng lên !    

7. KHAI THỊ THIỀN NHÂN KHẢ ÔNG NHIÊN Ở HẢI ĐÔNG

I. Núi sông đất đai chẳng ngại nhãn quang, sáng tối sắc không qui về Tự-kỷ. Cử tâm động niệm chẳng phải người khác, thấy sắc nghe tiếng xưa nay sẵn sàng.

Nay tự chẳng về, về liền được,

Cảnh đẹp quê hương có ai tranh.

Những lời nói nầy, người có chút thông minh nghe qua đều biết có. Dầu cho ông ghi nhớ được nhiều, nói được thông thuộc, đối với sanh tử tình vọng của chính mình muốn hoàn toàn quét sạch thì xiết bao xa cách như Trời với đất. Hiện nay ở bên bờ sanh tử, mở to đôi mắt giữa ban ngày, đối thanh đối sắc, gặp thuận gặp nghịch, hễ có một niệm khởi diệt càng thấy quét sạch chẳng nổi, mà dẫu cho đối với thị phi thuận nghịch mỗi mỗi đều quét sạch được, cái biết quét sạch ấy cũng là lấy trò đồng bóng làm Chủ-tể, mà sống theo nhà ma quỷ, có dùng được gì ?

Hiện nay nhiều nơi dạy người tham-thiền phần nhiều chỉ tham những loại thiền nầy, chỉ quý thuyết thông, chẳng cầu tâm ngộ. Nếu cái tâm chí linh này chẳng từng hướng lên trên ruộng đất chân thật triệt ngộ một phen, mặc cho ông lấy cái tư chất thông minh hướng vào trong bụng Thích-ca, Đạt-ma cho đến Lâm Tế, Đức Sơn nhất thời chạy qua trăm vòng, ngàn vòng thấy suốt tim phổi, cũng chính là si cuồng chạy ở bên ngoài vậy.

Người chân thật có chí vì sanh tử, hẳn chẳng chịu đạp bước vào lối mòn nầy. Chỉ nắm lấy một câu-thoại-đầu sở tham vô nghĩa vô vị đó liền tại trước mắt tương tự như người chết. Duy có một cái tâm chân tham thật cứu, không khởi một chút vọng tưởng muốn hiểu Thiền, hiểu Đạo. Giả sử chính ngay lúc tham, Thích-ca, Di-lặc đem hết tam-muội đổ trút vào bụng ông, ngay lúc ấy ông phải mửa ra hết, tình nguyện suốt đời chẳng hiểu Phật-pháp, quyết chẳng ở trước khi chưa ngộ vọng đem ý-thức hướng vào sự kỳ đặc của người khác lập bày, thấm lấy một điểm vào trong Tâm-thức, đó là đàm giãi con chồn (*) hay khiến cho người ta mắt thấy hoa đốm giữa hư-không, si cuồng chạy bên ngoài, không giúp được gì cả ! Ông nếu tham đến trăm năm sau rõ ràng ở dưới thân mình không có chỗ xu hướng, chính là người tốt thanh tịnh bậc nhất. Ông chỉ cần lòng tin chẳng lui sụt, đời sau quyết định ông có cái thời tiết chân chánh ngộ Đạo. Ông nếu muốn gấp hiểu thiền thì ngay cái gấp nầy chính là hướng vào trong lưới luân hồi rồi vậy. Ngài Qui Sơn nói : "Tông nầy khó được cái chỗ sâu mầu nhiệm của nó, rất cần phải kỹ lưỡng dụng tâm".

Lão huyễn (Ngài Minh Bổn tự xưng) nói như thế chỉ muốn người quyết liễu việc lớn sanh-tử, chẳng muốn người chỉ lo đem Tâm-thức hướng lên con đường nghĩa lý xuyên tạc cổ kim. Ông nếu vượt qua sanh tử chẳng nổi, phải bước chân nhằm vào thực tế như vậy mà đi ! Ông nếu chỉ muốn hiểu Thiền, Phật cũng chẳng giúp gì cho ông được.

Khả Ông cầu cảnh-sách, lão huyễn viết như thế.

II. Người xưa nói : "Thần quang chiếu khắp (Kiến-tánh) là Đạo quý nhất của muôn đời, vào cửa nầy rồi, chớ còn tri giải".

Kinh Lăng Nghiêm cũng nói : "Tri kiến lập tri tức gốc vô-minh, tri kiến vô kiến tức là Niết-bàn".

Từ xưa chư Phật, chư Tổ quét sạch tri giải của người học chẳng phải là vô cớ. Bởi vì đạo nầy là Pháp-môn nhất tướng bình đẳng, dày như đất đỡ nâng, rộng như Trời trùm khắp, không có chỗ nào cho ông đặt tâm, không có chỗ cho ông để ý, không có chỗ cho ông ra sức, nhẫn đến không có chỗ cho ông ngồi, chỉ quý trước lúc chưa đi ỉa (chưa ngộ), xa được liền hành, vừa muốn nghĩ suy thì chẳng dính dáng.

Người thời nay thấy nói như thế, liền đem ý-thức ra lãnh hội, rơi vào trong lưới tri giải, chẳng cầu cái ngộ chân chánh. Ông nếu chẳng từng chân chánh nhắm dưới gót chân rõ ràng khai-ngộ một phen thì mặc cho ông đem hết những ngữ ngôn tương tự trong Truyền Đăng Lục dùng tâm ý thức gánh vác, y theo người khác để hiểu, luôn luôn nói : "Việc nầy xưa nay đầy đủ, Phật cùng chúng sanh nguyên không thiếu kém, bình thường mặc áo ăn cơm đều là tam-muội sẵn sàng, ông muốn đem tâm riêng cầu Phật-pháp, trở thành thịt da lành lặn, khoét thành vết thương". Nói được cũng tương tợ, ngặt vì ông chưa hướng vào chỗ tình quên, thức hết mà ngộ. Vì ông chưa ngộ nên nói càng gần thì thức tình càng mạnh. Nếu là người muốn rõ việc lớn sanh-tử thì chẳng chịu khi chưa ngộ lầm giữ lấy tri giải, lầm hiểu Phật-pháp. Bất cứ lúc nào cũng chỉ nắm lấy câu-thoại-đầu vô nghĩa, vô vị để tham, tương tợ như gậm một thanh sắt sống. Sáng gặm chẳng đứt, chiều gặm nữa; năm nay gặm chẳng đứt, sang năm gặm nữa; càng gặm chẳng đứt thì không ngừng gặm, chẳng chịu bỏ ngang. Nói gì ba mươi năm, năm mươi năm, gặm đến chỗ cùng cực thì có thời tiết đứt gãy. Chỉ cần có lòng tin kiên cố chẳng đổi chẳng dời, muốn gặm đứt thì đâu có lẽ nào không xong việc lớn. Chỉ vì cái Chánh-niệm hướng đến Đạo của ông chẳng kiên cố chẳng miên mật, chưa từng đặt chân vững chắc lên câu-thoại-đầu sở tham nên ngẫu nhiên thấy người nói tương tợ Bát-nhã lại đem tâm học giải. Nếu như còn giữ những thứ kiến giải lầm lạc nầy mà muốn chân chánh ngộ minh, ấy là đi sụt lùi mà muốn tiến tới trước, không có lý nầy vậy.

Thủ-tọa Khả Ông mang tư chất thông minh, có chí lớn quyết liễu thoát sanh-tử, ban đầu vô cớ rước lấy một thứ tương tợ tri giải. Hơn ba năm ở núi, gần đây mới tin được nổi và chẳng bị tri giải làm mê hoặc. Nay khởi niệm nhớ cố hương, lập chí lớn nguyện hết những năm về chiều ra sức tham-cứu đến chỗ cùng tận sâu xa để mong chánh ngộ. Ông lại viết thư xin lời cảnh-sách, do đó tôi dẫn lời trước để dạy ông. Còn có một câu sau cùng hai tay xin trao gửi :

Phải nên chỗ ngộ cầu siêu việt,

Chớ nhằm bên nghe, giữ kiến tri.

Hãy nhớ lấy ! nhớ lấy !  

GHI CHÚ : (*) Đàm dãi con chồn là thuật ngữ của Thiền-tông, ám chỉ lời nói của các Thiền-sư chưa ngộ.

Tác giả bài viết: thichdaophat

Nguồn tin: Tông Phong Tàng Thư