Tham thiền cảnh ngữ

Cảnh nghĩa là tỉnh giác, hoặc gọi là kinh sợ. Ví như có kẻ trộm dòm ngó nhà cửa, chủ nhân ban đêm đốt đèn ngồi đàng hoàng giữa nhà, đằng hắng ra tiếng, kẻ trộm sợ hãi chẳng dám lẻn vào. Nếu vừa ngủ quên thì kẻ trộm thừa cơ lẻn vào cướp đoạt của cải, cho nên giữ thành trì nghiêm ngặt ban đêm vọng gác đánh mõ cầm canh, bổng có biến động thì cũng không sao, vì đã có phòng bị trước.
Chương 1 (đang xem)
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
TỰA

Con người có cái họa lớn sanh tử là giấc mộng dài muôn kiếp chẳng tỉnh, huống là sáu căn làm môi giới cho giặc hằng ngày cướp của báu trong nhà. Nếu chẳng phải đấng Đại-giác dùng lời thống thiết cảnh tỉnh thì suốt đời say sưa trong giấc mộng biết đến ngày nào mới tỉnh ngộ. Chẳng những lúc ngủ làm chủ chẳng được, mà ngay cả ban ngày mở mắt nói mơ rất nhiều. Cho nên Đại-sư Bác Sơn nương sức bi nguyện đến làm Đại-y-vương dùng một vị Già-đà trị bệnh-nghiệp điên cuồng cho mọi người. Do đó, có khai-thị năm chương Cảnh-ngữ về thiền bệnh rất đơn giản thẳng tắt; các bệnh trong xương tủy của người tham-thiền đều được nói qua. Lời khai thị hạ thủ công phu trong sách này rất là khẩn yếu, thật là một quyển sách mới thiết yếu cho cửa thiền, cũng là thuốc tiên cứu thế.

Thiền cũng là giả danh không có thật thể, làm sao có bệnh ? Bởi vì người tham-thiền phần nhiều khởi lên chấp tình lầm hiểu, bị tâm ý thức đánh lừa sát hại, chẳng hướng lên trên cơ cảnh tìm, lại nhằm vào trong học giải kiếm, hoặc bị ngôn cú Cổ-nhân làm chướng ngại tâm, hoặc bị chết chìm trong tử thủy, hoặc ngồi ở trong cái vỏ vô sự, chẳng phải tâm linh lợi chết chẳng được, bèn là tâm si chấp chuyển chẳng được cho nên mạng căn khó cắt đứt, sanh diệt rõ ràng, toàn thân đều là bệnh của ta, chứ chẳng phải thiền có bệnh. Thậm chí thành cuồng trước ma, Phật cũng chẳng thể cứu, đây là bệnh nghiệp chứ chẳng phải thiền bệnh. Giả sử cho đến chết được các thứ tâm, mà chẳng chịu hạ thủ công phu cùng với lý Pháp-thân tương ưng, chẳng từng đạp lên trên cái ngạch cửa hướng thượng, ngồi ở trong thùng cơm khinh an tự tại, cái khinh an này chính là thiền bệnh. Cho nên có vị Tăng hỏi Cổ-đức :

- Thế nào là thanh tịnh Pháp-thân ?

Cổ-đức đáp :

- Nguồn gốc của vô lượng bệnh lớn.

Lời này như gai gốc nuốt vào nôn ra thật khó. Cổ-nhân từ trong chân tham thật ngộ, bệnh qua một phen rồi cho các Ngài duổi tay tiếp độ chẳng loại hạ kim dùi (châm chùy), cần phải gặp người tuyệt khí tức, biết ngứa ngáy mới chịu chẩn bệnh. Thế nên, biết bệnh mới trừ được bệnh, chữa mình rồi sau mới chữa người, đúng là người bệnh lâu năm trở thành thầy thuốc.

Đại-sư Bác Sơn từ trước đến nay tham-cứu đạo này rất là dung thông, ngôn cú nào của Ngài cũng đều từ trong kinh nghiệm chứ chẳng phải cố làm ra lời huyền diệu cao siêu, khiến cho người chẳng biết, mà là cảnh giới thân chứng, thật tu thường ngày, thấy đến, nói đến, làm đến, dùng đến. Nghĩa lý tinh minh biện tài vô ngại, vì thế Ngài nói sâu sắc về thiền bệnh như cầm cái gương ngọc của cung Tần soi thấy gan mật của quần thần một mảy lông trốn cũng chẳng được. Xưa nay người ngồi gường thiền tự xưng Thiện-tri-thức nói thiền hay như Sư thật là hiếm có. Nhưng thiền bệnh rất khó nói, nói cũng chẳng làm sao hết được. Bệnh tức là bệnh của Pháp-thân, Pháp-thân vô số bệnh đâu có cùng tột. Người cứu bệnh Pháp-thân, lấy bệnh làm phương thuốc hay, lấy bệnh làm cơm nước thường dùng trong nhà, lấy bệnh làm áo lót, là do mình dùng hay hoặc không dùng hay mà thôi; Cổ-nhân du hý trong bệnh để làm Phật-sự. Bởi vì thấy rõ Pháp-thân vô chủ bệnh tự lành ngay, cho nên Động Sơn nói : Lão-tăng lúc xem chẳng thấy có bệnh; chỉ do vọng tưởng chấp trước nên thiền bệnh đua nhau sanh.

Xưa, Phật nói Ma-sự của Ngũ-ấm trong kinh Lăng Nghiêm và biến kế sở chấp của Ngoại-đạo tức là việc trong thiền bệnh của người thời nay. Vậy Chấp tức thành Ma, Kế tức là Ngoại-đạo, chẳng chấp chẳng kế cũng chưa là bệnh. Vì thế nói : Chẳng khởi tâm cho là thù thắng là cảnh giới lành, nếu cho là chứng Thánh thì liền rơi vào bầy tà.

Kinh Pháp Hoa nói : Có một vị Đạo-sư biết rành đường thông bít hiểm nạn cho nên có thể dẫn dắt những người kia đến Bảo-sở.

Vậy quyển sách nầy của Đại-sư chính là chiếc thuyền cho đời Mạt-pháp, là con đường tắt cho kẻ sơ tâm, chẳng những hữu ích cho ngày nay mà cũng bổ ích cho tương lai.

Người quyết chí muốn tham-thiền hạ thủ công phu cầu Đại-ngộ chịu xem kỷ sách nầy thì biết làm cách nào để cho nghi-tình chẳng phát khởi liền phát khởi, gốc bệnh chưa phá liền phá, như vạch cát bày ngọc cho người tự lấy, như vẹt màn sương mù thấy bầu trời khiến cho người chẳng mê, như ở trong bước đường cùng có đường xuất thân, trong câu chết có câu cứu sống người, như hạt Châu tròn lăn trên mâm, chẳng trệ một lời.

Diệu dụng của sách nầy như thế, mọi người biết y theo đây dụng tâm thì có thể ngồi hoặc ngủ kiến Đạo chẳng tốn nhiều tiền giày cỏ mà thẳng đến ruộng đất đại an lạc, cùng với Phật & Tổ đồng thở chung một lỗ mũi.

Người lấy đây tự cảnh tỉnh rồi cảnh tỉnh người, lại lấy đây tự chữa lành bệnh rồi chữa lành bệnh cho người, cũng gọi là hiện tại Y-vương, khiến cho mạng-mạch Tổ-sư lưu thông, quốc-mạch cùng huệ-mạch đều kiên cố, ngõ hầu chẳng phụ phương tiện nguyện lực của Đại-sư từ bi chỉ dạy.

Niên hiệu Vạn Lịch năm Tân Hợi (1611), Tháng Mạnh thu.

Tín Châu, đệ tử LƯU SÙNG KHÁNH, kính đề.

 

CHƯƠNG I 
CẢNH NGỮ KHAI THỊ NGƯỜI MỚI PHÁT TÂM THAM THIỀN

 

Tham-thiền đầu tiên cần phải phát tâm phá vỡ sanh tử cho vững chắc, thấy rõ thế giới, thân tâm thảy đều là giả duyên không có Chúa-tể. Nếu chẳng phát minh cái lý vĩ đại sẵn có thì tâm sanh tử chẳng vỡ. Tâm sanh tử đã chẳng vỡ thì làm sao trừ được con quỷ vô thường giết người trong mỗi niệm chẳng dừng. Hãy đem một niệm này làm viên ngói gõ cửa, tương tợ như ngồi trong đống lửa lớn muốn cầu thoát ra, đi bậy một bước chẳng được, dừng lại một bước chẳng được, sanh một niệm khác chẳng được, mong người khác cứu chẳng được. Ngay lúc ấy chỉ cần chẳng màng đến lửa lớn, chẳng màng đến thân mạng, chẳng mong người cứu, chẳng sanh niệm khác, chẳng chịu tạm dừng, chạy thẳng đến trước, chạy được thoát mới là tay tài giỏi.

Tham-thiền quý ở chỗ khởi nghi-tình. Cái gì là nghi-tình ? Như sanh chẳng biết từ đâu đến, chẳng được chẳng nghi chỗ đến. Tử chẳng biết đi về đâu, chẳng thể chẳng nghi chỗ đi. Cửa ải sanh-tử chẳng phá vỡ ắt nghi-tình liền phát, treo ở trên lông mày, buông cũng chẳng xuống đuổi cũng chẳng đi. Bỗng một mai đập vỡ khối nghi, hai chữ sanh tử thành cái đồ tầm thường trong nhà. Cổ-đức nói : “Nghi lớn ngộ lớn, nghi nhỏ ngộ nhỏ, chẳng nghi chẳng ngộ”.

Tham-thiền đem chữ Tử dán trên trán, coi cái thân tâm máu thịt này như đã chết, chỉ có một niệm muốn tham cứu hiện tiền. Một niệm này như thanh -thiên trường kiếm, nếu chạm nhằm lưỡi bén thì chẳng thể được, nếu bỏ bê để lụt ắt là kiếm ấy từ lâu không dùng.

Tham-thiền sợ nhất là say đắm cảnh tịnh; cảnh tịnh khiến người ta kẹt trong không tịch mà chẳng hay chẳng biết. Cảnh động người ta chán, cảnh tịnh phần nhiều chẳng sanh chán, Do vì người tu hành luôn ở trong chỗ ồn ào, nên một khi được với cảnh tịnh tương ưng như ăn kẹo ăn mật, như người mệt mỏi lâu thích ngủ, đâu thể tự biết ư ?

Ngoại-đạo khiến thân tâm đoạn-diệt hóa làm đá cứng cũng từ cảnh tịnh mà vào. Bởi vì lâu ngày chầy tháng không đó lại không, tịch đó lại tịch, rơi vào vô tri cùng với gỗ đá đâu khác. Chúng ta hoặc ở nơi cảnh tịnh chỉ muốn phát minh một đoạn Đại-sự dưới sự y áo (kiến Tánh), chẳng biết ở tại tịnh cảnh mới được, ở trong Đại-sự cầu tướng tịnh ấy trọn chẳng thể được, đây gọi là được vậy (kiến tánh rồi thì động tịnh đều chẳng sanh).

Tham-thiền phải ở trong đó mạnh dạn tiến tới, chẳng gần gũi nhân tình. Nếu theo tình ứng đối thì công phu hạ thủ chẳng tiến, chẳng những hạ thủ chẳng tiến mà lâu ngày chầy tháng ắt chắc chắn trở thành ông thầy chạy theo dòng thế tục.

Người tham-thiền ngước lên chẳng thấy trời, cúi xuống chẳng thấy đất, thấy núi chẳng phải là núi, thấy nước chẳng phải là nước, đi chẳng biết đi, ngồi chẳng biết ngồi, ở giữa ngàn người muôn người chẳng thấy có một người, khắp thân trong ngoài chỉ là một khối nghi, có thể nói là khuấy đục thế giới, khối nghi chẳng vỡ chẳng thể thôi nghỉ. Đây là công phu khẩn yếu.

Thế nào là khuấy đục thế giới ? Cái lý vĩ đại vốn sẵn có từ vô lượng kiếp đến nay chìm chìm lặng lặng chưa từng động đến, cần phải chính đương-nhân phấn chấn tinh thần, xoay trời chuyển đất, tự có một đoạn thọ dụng ba đào dậy sóng.

Tham-thiền chẳng sợ chết chẳng được sống, mà chỉ sống chẳng được chết. Nếu quả cùng với nghi-tình kết lại một chỗ, thì cảnh động chẳng đợi khiển trừ mà tự trừ, vọng tâm chẳng đợi tịnh mà tự tịnh, cửa sáu Căn tự nhiên rỗng rang khoát đạt, điểm nhằm liền đến, gọi tới liền ứng, lo gì chẳng sống ư ?

Công phu tham-thiền được tiến, như mang gánh nặng ngàn cân buông cũng chẳng xuống, tương tự như tìm vật quan trọng bị đánh mất, nếu tìm không ra lòng quyết chẳng chịu thôi. Trong ấy chỉ cần chẳng nên sanh chấp, sanh trước, sanh kế. Chấp thành bệnh, trước thành Ma, kế thành Ngoại-đạo. Nếu được nhứt tâm nhứt ý như tìm vật bị đánh mất thì ba thứ lỗi trên không có dính dáng, chỗ gọi là : “Sanh tâm động niệm liền trái Pháp-thể”.

Tham-thiền, lúc cử khởi thoại-đầu cần phải rõ ràng sáng suốt như mèo bắt chuột. Cổ-nhân nói : “Chẳng chém được đứa mọi, thể chẳng thôi”. Bằng không ngồi trong hang quỷ hôn hôn trầm trầm luống qua một đời có ích gì ?

Lúc mèo bắt chuột, nó mở to đôi mắt, bốn chân sẵn sàng chỉ muốn chụp chuột đưa vào miệng, dẫu cho có gà chó bên cạnh nó cũng chẳng thèm ngó tới. Người tham-thiền cũng vậy, chỉ tức tối muốn rõ cái lý này, dầu có tám cảnh thay nhau hiện ra trước mắt cũng chẳng màng đến, vừa có niệm khác, chẳng những chuột và mèo cũng chạy mất.

Tham-thiền một ngày phải thấy công phu ngày đó, nếu lơ láo qua ngày thì trải qua trăm kiếp ngàn đời cũng chưa có ngày xong, Bác Sơn tôi thuở trước cắm một cây hương, thấy cây hương tàn, bèn nói : “Công phu y như trước, không có thêm bớt, một ngày mấy cây hương ? Một năm bao nhiêu cây hương ?” Và nói : “Tấc bóng dễ qua, thời giờ chẳng đợi người, việc lớn chưa sáng, ngày nào mới xong ?”. Do sự thống thiết này, càng thêm cố gắng.

Tham-thiền chẳng nên ở trên Công-án của Cổ-nhân suy nghĩ giải thích, dẫu cho mỗi mỗi đều lãnh hội được đi nữa, cùng với chính mình cũng không dính dáng gì cả. Trái lại chẳng biết, một lời một câu của Cổ-nhân như đống lửa lớn, đến gần chẳng được, chạm đến chẳng được, huống là ngồi nằm trong ấy ư ? Lại ở trong ấy phân đại phân tiểu, luận thượng luận hạ, chẳng tán thân mất mạng hầu như ít có.

Việc này chẳng cùng Giáo-thừa hợp, cho nên người tu tập Đại-thừa lâu năm còn chẳng hiểu chẳng biết, huống các Tiểu-thừa, Thanh-văn, Duyên-giác; Tam-hiền, Thập-thánh há chẳng thông Giáo, nghe đến một việc này hàng Tam-hiền vỡ mật, Thập-địa hồn kinh, Bồ-tát Đẳng-giác thuyết Pháp như mây như mưa độ bất khả tư nghì chúng sanh nhập vô sanh pháp nhẫn còn bị gọi là sở tri ngu cùng với Đạo toàn trái, hà huống là những người khác ư ? Bởi vì việc này từ địa vị phàm phu chóng đồng Phật-thể. Người rất khó tin, người tin là Pháp-khí, người chẳng tin thì chẳng phải Pháp-khí. Người tu hành muốn vào Tông-thừa này đều phải từ cửa Tin mà vào. Một chữ Tin có cạn, có sâu, có tà, có chánh, chẳng thể biện.

Cạn nghĩa là phàm nhập Pháp-môn, ai nói chẳng tin, song chỉ tin Pháp-môn mà chẳng tin Tâm mình.

Sâu thì các Bồ-tát còn chẳng đủ niềm tin, như Hoa Nghiêm Sớ nói : “Thấy có người hay thuyết Pháp, có Chúng nghe Pháp là chưa vào cửa tin”. Như nói : “Tức tâm tức Phật”, ai nói chẳng tin, đến khi hỏi : Ông là Phật chăng ? Thì lắc đầu từ chối, thừa-đương chẳng nổi. Kinh Pháp Hoa nói : “Tất cả cùng nhau suy nghĩ chẳng thể lường Phật-trí”. Vì sao ? Vì có tâm suy nghĩ, bởi niềm tin chẳng đủ mà thôi.

Tà, chánh : Tự tâm tức Phật gọi là Chánh-tín, ngoài chấp có pháp gọi là tà-tín. “Tức Phật” cần phải tham-cứu cho sáng tỏ Tự-tâm và phải đích thân dẫm đến, tới chỗ chẳng nghi mới gọi là Chánh-tín. Còn như mập mờ lầm lạc đoán mò chỉ nói : “Tức tâm tức Phật” thật chẳng biết tu tâm, gọi là tà-tín.

Cổ-nhân hái đào cũng định, cuốc đất cũng định, lúc làm công việc gì cũng định, đâu phải ngồi lâu đè nén khiến tâm chẳng khởi sau đó mới định ư ? Nếu như thế tức là tà định, chẳng phải ý chánh của Thiền.

Lục-tổ nói : “Na-già thường tại Định, không có lúc nào chẳng Định”, cần phải thấy suốt Bản-thể mới cùng Định này tương ứng. Ông già Thích-ca từ Đâu-suất xuống Hoàng-cung, vào Tuyết Sơn thấy sao mai mọc, khai-thị Đại-chúng như huyễn, chưa từng xuất Định này. Bằng không, ắt bị cảnh động nhận chìm, đâu thể gọi là Định.

Trong cảnh động tìm chỗ khởi chẳng thể được, trong cảnh tịnh cũng tìm chỗ khởi chẳng thể được. Động tịnh đã không có chỗ khởi thì lấy cái gì làm cảnh ? Hiểu được ý này thì tất cả đều là một Thể-định tràn đầy không thiếu.

Tham-thiền chẳng được đắm nhiễm Thế-pháp. Trong Phật-pháp còn đắm nhiễm một điểm cũng chẳng thể được, hà huống là Thế-pháp ư ? Nếu thoại-đầu thật sự hiền tiền, đạp trên băng chẳng thấy lạnh, đạp trên lửa chẳng thấy nóng, trong rừng gai góc ngang nhiên đi qua chẳng thấy có chướng ngại, mới có thể ở trong Thế-pháp hoành hành tự tại. Bằng không thì đều bị cảnh duyên chuyển; muốn được công phu thành một phiến đến năm Lừa cũng chưa được mộng thấy.

Tham-thiền chẳng nên chạy tìm trên văn cú ghi nhớ ngữ ngôn, chẳng những vô ích mà còn làm chướng ngại công phu, khiến công phu chân thật trở thành duyên lự, muốn được chỗ tâm hành bặt há có thể được ư ?

Tham-thiền sợ nhứt là tỷ lượng, đem tâm suy lý lời Phật lời Tổ với Đạo càng xa, hạ thủ đến Phật Di-lặc ra đời cũng không dính dáng. Nếu là người nghi-tình chóng phát lấp bít hư-không chẳng biết có danh tự hư-không, như ngồi ở trong núi bạc, vách sắt chỉ muốn được một con đường sống. Nếu chẳng được con đường thì làm sao được an ổn. Chỉ cần như thế hạ thủ đi, thời tiết đến thì tự có sự đảo lộn.

Gần đây có một tà-sư dạy người học chẳng cần hạ thủ công phu. Lại nói : “Cổ-nhân chưa từng hạ thủ công phu”. Lời này rất độc làm mê lầm kẻ hậu sanh, vào Địa-ngục mau như tên bắn.

Bài minh Tọa-thiền của Thiền-sư Đại Nghĩa nói :

Chớ nói tin Đạo, chẳng cần tham,

Cổ Thánh nhắc hoài là chỉ nam.

Tuy nhiên gác cũ nhàn điền địa,

Một phen tiến đến được hay chưa.

Nếu chẳng cần tham-cứu mà nói Đắc-lý, đó là Di-lặc Trời sanh, Thích-ca tự nhiên, bọn người này bị gọi là người đáng thương xót. Bởi vì tự mình chẳng từng tham-cứu, hoặc lấy Cổ-nhân một hỏi một đáp liền lãnh ngộ bèn đem Thức để hiểu rồi dối gạt người, hoặc gặp một phen bệnh nặng kêu khổ suốt ngày, những điều hiểu biết bình thường đều chẳng dùng được, hoặc đến lúc mạng chung như con cua bị bỏ vào nồi nước sôi tay chân rối loạn, ăn năn đâu kịp.

Thiền-sư Hoàng Bá nói :

Xuất trần việc ấy vốn phi thường,

Nắm chặt đầu dây giữ lập trường.

Chẳng phải một phen sương thấm lạnh,

Hoa mai chi dễ thưởng mùi hương.

Lời này rất thân thiết, nếu đem bài Kệ này luôn luôn cảnh-sách thì công phu tự nhiên tấn tới, như đường dài trăm dặm, bước đi một bước thì ngắn đi một bước, còn nếu đứng một chỗ chẳng chịu đi thì dẫu nói được sự nghiệp của quê nhà rõ ràng minh bạch cũng chẳng bao giờ đến nhà, thử hỏi sẽ được cái gì ?

Tham-thiền khẩn yếu nhất là chữ ThiếtChữ thiết rất có sức mạnh. Chẳng thiết ắt lười biếng sanh. Lười biếng sanh thì phóng túng buông lung tâm ý. Nếu dụng tâm chân thiết thì buông lung lười biếng làm sao sanh được. Phải biết, một chữ thiết này chẳng lo chẳng đến chỗ ruộng đất cổ-nhân, chẳng lo tâm sanh tử chẳng vỡ. Bỏ một chữ 'thiết'nàyđicầu Phật-pháp nào khác đều là si cuồng chạy ở ngoài lề, há có thể nói là đồng với hạ thủ công phu ư ?

Một chữ thiết chẳng những lìa lỗi mà ngay đây lập tức vượt cả ba tánh thiện, ác, vô-ký. Một câu thoại-đầu, dụng công rất thiết thì cũng chẳng nghĩ thiện, dụng tâm rất thiết thì chẳng nghĩ ác, dụng tâm rất thiết thì chẳng rơi vào vô-ký. Thoại-đầu thiết thì không tán loạn, thoại-đầu thiết thì không hôn trầm, thoại-đầu hiện tiền thì chẳng rơi vào vô-ký.

Một chữ thiết là câu rất thân thiết, dụng tâm thân thiết ắt không kẻ hở, cho nên Ma chẳng thể nhập vào, dụng công thân thiết chẳng sanh tính toán có, không… ắt chẳng rơi vào Ngoại-đạo. Người tham-thiền đi chẳng biết mình đi, ngồi chẳng biết mình ngồi, nghĩa là thoại-đầu hiện tiền, nghi-tình chẳng vỡ, chẳng biết có thân tâm, hà huống biết có đi, có ngồi ?

Tham-thiền sợ nhất là suy nghĩ làm thơ, làm kệ,làm văn, làm phú… Thơ-kệ thành ắt gọi là Thi-tăng, văn-phú hay ắt gọi là Văn-tự-tăng, cùng với tham-thiền không dính dáng gì cả. Hễ gặp cảnh duyên nghịch thuận làm động niệm tâm người, liền phải phát giác và đề khởi thoại-đầu chẳng theo cảnh duyên chuyển mới được. Hoặc nói : Chẳng cần kíp. Ba chữ này gây lầm lạc cho người, người học cần phải xét kỹ.

Tham-thiền, người ta sợ rơi vào không. Thoại-đầu hiện tiền đâu phải là không?. Chỉ cái người sợ không này bèn không chẳng được, hà huống là thoại-đầu hiện tiền.

Tham-thiền, nghi-tình chẳng vỡ như đi trên vực sâu, tợ bước trên băng mỏng, mảy may đánh mất Chánh-niệm thì tán thân mất mạng, vì nghi-tình chẳng vỡ, cái lý vĩ đại chưa sáng, một hơi thở ra chẳng hít vào là qua đời khác, bị Trung-ấm kéo dắt không khỏi đi theo nghiệp-thức thay đầu đổi mặt mà chẳng hay chẳng biết. Do đó, trên nghi lại càng thêm nghi, đề khởi thoại-đầu, chẳng rõ quyết định phải rõ, chẳng vỡ quyết định phải vỡ, ví như bắt kẻ trộm, cần phải có tang vật mới được.

Tham-thiền, chẳng được đem tâm chờ ngộ, như người trên đường đứng ở trên đường chờ đợt đến nhà ắt không bao giờ đến nhà mà chỉ cần đi thì đến nhà. Nếu đem tâm chờ ngộ thì chẳng bao giờ ngộ, mà chỉ cần bức bách khiến cho ngộ. Nếu như đại ngộ như hoa sen chợt nở, như đại mộng chợt tỉnh. Bởi vì mộng chẳng chờ tỉnh, ngủ mùi rồi tự tỉnh; hoa chẳng đợi nở, thời tiết đến tự nở; tâm chẳng đợi ngộ, lúc nhân duyên hội hợp thì tự ngộ. Tôi nói : “Lúc nhân duyên tự hội hợp, quý ở chỗ thoại-đầu chân-thiết bức bách khiến cho ngộ, chớ chẳng phải chờ ngộ đâu ?” Lại lúc ngộ như vẹt mây mù thấy trời xanh rộng rãi không nương gá (vô y), Trời xoay Đất chuyển lại là một cảnh giới đặc biệt.

Tham-thiền cần phải khẩn, chánh, miên-mật và dung-hoát.

Thế nào là khẩn ? Mạng người ở trong hơi thở, Đại-sự chưa rõ, một hơi thở ra chẳng hít vào, đường trước mịt mờ chưa biết về đâu, chẳng được chẳng khẩn. Cổ-đức nói : “Như dây gai thấm nước, một bước khẩn cấp một bước”.

Thế nào là chánh ? Người học cần phải đủ con  mắt Trạch-Pháp, ba ngàn bảy trăm Tổ-sư đều là gương mẫu cho người tham-thiền. Nếu sai mảy may ắt vào lối tà. Kinh nói : “Chỉ một việc này thật, cái thứ hai nào khác chẳng phải chân”.

Thế nào là miên-mật ? Lông mày cùng hư không kết chặt, kim châm không lọt, nước rưới chẳng thấm, chẳng để hở một mảy may. Nếu có một kẻ hở bằng mảy lông ắt Ma-cảnh thừa chỗ sơ hở chen vào. Cổ-đức nói : “Một giây phút nào thoại-đầu chẳng hiện tiền thì y như người chết”.

Thế nào là dung-hoát ? Thế giới rộng trượng thì gương xưa rộng một trượng. Gương xưa rộng một trượng thì lò lửa rộng một trượng. Quyết chẳng cầu chấp trụ ở một chỗ như nắm chặt đầu con rắn chết, cũng chẳng rơi vào hai đầu, tự tại thênh thang. Cổ-đức nói : “Tròn đồng Thái-hư, không thiếu không dư”. Người thật sự đến chỗ dung-hoát thì trong chẳng thấy có thân tâm, ngoài chẳng thấy có thế giới, mới được chỗ nhập đầu.

Khẩn mà chẳng chánh ắt uổng dụng công. Chánh mà chẳng khẩn ắt chẳng thể nhập. Đã nhập cần phải miên mật mới được tương ưng. Đã tương ưng, cần phải dung hoát mới thành hóa cảnh.

Tham-thiền chẳng được có một mảy lông niệm khác, đi, đứng, nằm, ngồi chỉ đề khởi câu thoại-đầu bổn tham phát khởi nghi-tình, tức tối muốn tìm đến chỗ tận cùng. Nếu có mảy lông niệm khác, người xưa nói là tạp độc nhập tâm, chẳng những tổn thương thân mạng, mà còn tổn thương huệ-mạng, người học chẳng thể chẳng thận trọng.

Tôi nói niệm khác nghĩa là chẳng những pháp thế gian mà cho đến trừ cái nghi-tình này ra, tất cả việc tốt trong Phật-pháp cũng đều là niệm khác. Lại, chẳng những việc ở trong Phật-pháp mà cho đến ở trong tâm thể, giữ nó, buông nó, chấp nó, hóa nó, cũng đều là niệm khác (mất Chánh-niệm).

Tham-thiền, phần đông đều nói : “Tham chẳng được”, thì cứ ngay chỗ tham không được hãy tham đi, như người chưa biết đường hãy tìm đường, chứ chẳng nên nói “tìm chẳng được đường”, bèn thôi sao ? Như tìm được đường rồi thì quý ở chỗ đi đến nhà mới thôi, chẳng được đứng ở trên đường chẳng chịu đi thì đâu có ngày đến nhà ?.

Tham-thiền, tham đến chỗ chẳng thể dụng tâm, chỗ vực sâu muôn trượng, chỗ sơn cùng thủy tận, chỗ tận cùng khu ốc, như con chuột chun vào sừng trâu tự có sự dội ngược (ngộ Đạo).

Tham-thiền sợ nhất là cái tâm linh lợi, tâm linh lợi là thuốc kỵ của tham-thiền, phạm nhầm một chút dù cho thuốc hay hiện tiền cũng chẳng cứu được. Nếu thật là người tham-thiền, mắt như mù, tai như điếc, lúc tâm niệm vừa mống khởi như đụng nhầm núi bạc vách sắt; như thế, công phu mới được tương ưng.

Tham-thiền được chân thiết, đem thân tâm cùng thế giới luyện được như thanh sắt, chỉ đợi nó bỗng nổ tung ra, rồi cần phải gom lại thành đống mới được.

Tham-thiền chẳng sợ sai lầm mà chẳng sợ biết mình quấy. Dẫu cho đang đi ở chỗ sai lầm, nếu chịu có một niệm biết quấy, ấy là nền tảng thành Phật làm Tổ, là con đường trọng yếu ra khỏi sanh tử, là vũ khí lợi hại để phá lưới Ma. Đại-sư Thích-ca ở trong mỗi pháp của Ngoại-đạo đều có chứng qua, mà chẳng ngồi ở trong hang ổ ấy, đem bốn chữ biết quấy liền bỏ đi từ phàm phu đến địa vị Đại Thánh. Ý này chẳng những ở trong Pháp xuất thế mà ở trong pháp thế gian hễ có đánh mất Chánh-niệm, chỉ cần phí bốn chữ “biết quấy liền bỏ”  thì làm được một con người tốt đẹp trong trắng.

Nếu ôm chặt lấy chỗ sai lầm cho là đúng, chẳng chịu biết quấy, dẫu cho Phật hiện tiền cứu người ấy cũng chẳng được.

Tham-thiền chẳng nên tránh huyên náo cầu tịch lặng, nhắm mắt ngồi trong hang quỷ làm kế sống. Người xưa gọi là ngồi dưới núi đen tối, ngâm trong nước chết giúp được cái gì. Chỉ cần ở trên cảnh duyên mà tham cho được, mới là  chỗ đắc lực. Một câu thoại-đầu ở trên lông mày, trong sự đi ngồi, mặc áo, ăn cơm, tiếp tân đãi khách, chỉ cần rõ cái chỗ rơi của một câu thoại-đầu này, một mai lúc rửa mặt rờ nhằm cái lỗ mũi nguyên lai rất gần, bèn được ít phí sức (tỉnh lực).

Tham-thiền sợ nhất là nhận thức-thần làm Phật-sự, hoặc nhướng mày chớp mắt, xoay đầu ngó lại, cho là có ít nhiều kỳ đặc. Nếu nhận thức-thần làm việc chánh thì làm tôi tớ cho Ngoại-đạo cũng chẳng được.

Tham-thiền cần phải chỗ tâm hành diệt, điều thiết yếu chẳng nên đem tâm nghiên-cứu, suy-lý cơ duyên vấn đáp… Nên ngài Động Sơn nói : “Tham-cứu diệu-lý thì đánh mất Tông-chỉ của Thiền, làm cho cơ-dụng linh động trở thành ám muội; hạng người này không đủ tư cách nói chuyện với nhau. Nếu được triệt ngộ thì mọi tam-muội từ trong Tự-tâm lưu xuất, suy nghĩ tạo tác ắt cách xa, khác nào như Trời với đất”.

Tham-thiền chẳng sợ tham chẳng được, tham chẳng được cần phải tham cho kỳ được mới là công phu. Cổ-đức nói : “Không cửa là cửa giải thoát, không ý là ý Đạo-nhân, quý ở chỗ thể hội được chỗ vào. Nếu tham chẳng được bèn đánh trống rút lui thì dẫu trăm kiếp ngàn đời cũng không làm sao tham được”.

Nghi-tình phát khởi buông chẳng xuống, ấy là lên đường; đem hai chữ Sanh Tử dán trên trán, như cọp dữ đuổi đến, nếu chẳng chạy thẳng về nhà ắt tán thân mất mạng, còn có thể dừng chân ư ?

Tham-thiền chỉ ở trên một tắc Công-án dụng tâm, chẳng nên giải hội ở trên tất cả Công-án. Dẫu có thể giải được thì cũng chỉ là giải chứ chẳng phải là ngộ. Kinh Pháp Hoa nói : “Đem tâm suy nghĩ đo lường cảnh giới Viên-giác của Như-lai như đem lửa đom đóm đốt núi Tu-di, trọn không thể được”. Ngài Động sơn nói : “Toan đem ý học Huyền-tông, như muốn đi về hướng Tây mà quay mặt về hướng Đông”. Người nghiên cứu giải thích Công-án cần phải dưới da có máu, biết hổ thẹn mới được.

Tham-thiền đề khởi thoại-đầu, chỉ biết nghi-tình đập chẳng vỡ ắt không có niệm thứ hai. Quyết chẳng nên nhằm trên Kinh-sách dẫn chứng kích động thức-tình; tình-thức bị kích động ắt vọng niệm nổi lên, muốn được đường ngôn ngữ dứt, chỗ tâm hành diệt, làm sao được ?

Đạo, chẳng nên rời dù trong khoảnh khắc, nếu rời thì chẳng phải Đạo. Công phu chẳng nên gián đoạn dù trong khoảnh khắc, nếu gián đoạn thì chẳng phải công phu. Người chân chánh tham-cứu như lửa cháy lông mày, tợ lửa cháy đầu đâu có rỗi rảnh để việc khác làm động niệm. Cổ-đức nói : “Như một người địch với muôn người, đối diện đâu cho nháy mắt”. Lời này rất thiết yếu đối với người tham-thiền, cần phải biết vậy.

Tham-thiền, tự mình tham chưa triệt ngộ, chỉ nên lo giải quyết chưa xong việc tham-cứu của mình, chẳng nên dạy người, như người chưa đến Kinh-thành mà nói cho người khác nghe về việc trong Kinh-thành, chẳng những dối người mà cũng là dối mình vậy.

Tham-thiền ngày đêm chẳng dám biếng trễ, như Đại-sư Từ Minh ban đêm buồn ngủ Ngài dùng mũi dùi đâm vào mình và nói : “Người xưa vì Đạo quên ăn bỏ ngủ, còn ta nay là người gì ?”

Cổ-nhân vẽ một vòng tròn bằng phấn, Đạo-lý chẳng rõ, chẳng bước chân ra ngoài. Người thời nay buông lung tình ý, đi chơi lêu lổng cho đó là hoạt-bát, thật đáng tức cười.

Tham-thiền hoặc được khinh-an, hoặc có tỉnh phát, chẳng cho đó là ngộ. Bác Sơn tôi đương thời khán câu “Không tung tích” của Hòa-thượng Thuyền Tử, một hôm nhân xem Truyền Đăng Lục thấy ngài Triệu Châu dặn ông Tăng rằng : “Phải đi ra ngoài ba ngàn dặm tìm gặp Thiện-tri-thức mới được”, bất giác tôi đánh mất cái túi vải như buông gánh nặng ngàn cân, tự cho là đại ngộ. Đến khi gặp ngài Bảo Phương, tôi mới biết mình như thanh gỗ vuông tra vào lỗ tròn, nên rất hổ thẹn. Nếu sau khi ngộ chẳng gặp đại Thiện-tri-thức, dẫu được an lạc tự tại cũng chưa phải xong.

Ngài Bảo Phương khuyến khích tôi bằng bài Kệ :

Lấy không để quét không thì công rất lớn,

Lấy có để tìm có thì đức càng nhỏ.

Không nên dùng sự hiểu biết của mình để phỉ báng Tổ-sư.

Chỗ được tiệnnghi tức là mất tiện nghi.

Đây là câu đầu sào trăm thước tiến bước, người tham-thiền cần phải xét kỹ.

Tôi thường nói với người học :“Tôi được hai chữ chẳng phải của ngài Bảo Phương thọ dụng bất tận”.

Tham-thiền chẳng được cho là Đạo-, cứ miệt mài tham đi mới phát khởi được nghi-tình. Nếu cho là Đạo-lý thì không tiến tới được, chẳng những việc mình chẳng thấu triệt mà nghi-tình cũng chẳng phát khởi. Như có người hỏi : “Vật đựng trong rương là vật gì ?” Thật chẳng thấy vật người kia chỉ ! Người kia lấy chẳng phải là phải, nên chẳng thể phát nghi. Lại chẳng những chẳng khởi nghi mà còn cho vật kia là vật này, cho vật này là vật kia. Hiểu lầm như thế, nếu chẳng mở rương ra đích thân thấy qua một phen thì suốt đời cũng chẳng thể nói chắc được.

Tham-thiền chẳng nên cho là vô-sự, phải tức tối muốn sáng tỏ lý này. Nếu cho là vô-sự thì suốt một đời chỉ là người vô-sự, một việc lớn dưới y áo chẳng bao giờ xong; như người tìm vật bị đánh mất, tìm ra mới thôi. Nếu tìm chẳng ra bèn bỏ vào cái vỏ vô-sự, không có ý tìm nữa thì dẫu cho vật bị đánh mất có hiện tiền cũng lầm qua trước mặt, bởi vì không có ý tìm vật vậy.

Tham-thiền chẳng nên cho là đá nhoáng ánh chớp. Nếu ánh sáng đầu cửa chợt có chợt không thì giúp được việc gì ? Cần phải đích thân thật sự bước đến thấy một phen mới được. Nếu thật sự đắc ý, như giữa thanh thiên bạch nhật thấy cha mẹ mình, không có cái vui thế gian nào hơn được.

Tham-thiền chẳng được nhằm dưới ý căn tính toánsuy nghĩ. Tính toán khiến công phu chẳng được thành phiến, chẳng thể phát khởi được nghi-tình. Bốn chữ suy nghĩ tính toán làm chướng Chánh-tín, chướng Chánh-hạnh và chướng con mắt Đạo. Người học đối với nó phải như sanh oan gia mới khá.

Tham-thiền chẳng được ở chỗ nêu lên của Tông-sư mà dùng trí giải để lãnh hội. Nếu dùng trí giải để lãnh hội thì lầm lạc, chẳng tương ưng với việc tham-cứu. Chỉ cần phát khởi nghi-tình, tham cho triệt, không có chỗ lãnh hội tri giải, như lầu gác trong hư không tự tại vô ngại. Bằng không, nhận giặc làm con, nhận tớ làm chủ. Cổ-đức nói : “Chớ đem cái yên lừa cho là cái quai hàm của cha” là nghĩa này vậy.

Tham-thiền chẳng được cầu người nói trắng ra. Nếu nói trắng ra thì hoàn toàn của người khác chứ không dính dáng gì với mình. Như người hỏi đường đến Trường-an, chỉ có thể hỏi đường, chứ chẳng nên hỏi việc ở Trường-an. Người kia có nói rõ ràng mọi việc ở Trường-an, trọn là cái việc của người kia thấy chứ chẳng phải người hỏi đường đích thân thấy. Nếu chẳng cố gắng tham-cứu mà cầu người nói trắng ra, cũng giống như vậy.

Tham-thiền chẳng phải niệm Công-án, niệm tới niệm lui có gì dính dáng, niệm đến lúc ngài Di-lặc hạ sanh cũng không dính dáng, sao chẳng niệm A-di-đà Phật còn có lợi ích hơn. Chẳng những bảo chẳng cần niệm mà phải luôn luôn đề khởi thoại-đầu, như khán chữ Vô thì ở trên chữ  khởi nghi-tình, như khán Cây bách thì ở trên cây bách khởi nghi-tình, như khán Một qui về chỗ nào thì ở trên qui về chỗ nào khởi nghi-tình. nghi-tình phát khởi thì tận mười phương thế giới là một khối nghi, chẳng biết có thân tâm cha mẹ sanh. Toàn thân là một khối nghi, chẳng biết có mười phương thế giới, chẳng phải trong chẳng phải ngoài, đập lại thành một khối; chỉ đợi khối nghi kia tự vỡ như thùng đứt dây đay, gặp Thiện-tri-thức, chẳng đợi mở miệng; Đại-sự xong xuôi mới vỗ tay cười lớn; nhìn lại sự niệm Công-án thật giống như chim Anh-vũ học nói, nào có dính dáng gì đến Đại-sự ?.

Tham-thiền chẳng nên đánh mất Chánh-niệm dù trong khoảnh khắc. Nếu đánh mất Chánh-niệm tham-cứu ắt bị cuốn theo dị đoan, quên quay trở lại. Như người tĩnh tọa chỉ thích tịch lặng, lấy cái thuần thanh tuyệt điểm cho là Phật-sự, đây gọi là mất Chánh-niệm, vì rơi vào trong tịch lặng. Hoặc nhận lấy cái hay giảng, hay nói, hay động, hay tịnh là Phật-sự, đây cũng gọi là mất Chánh-niệm, vì niệm thức-thần. Hoặc lấy sự đè ép vọng tâm không cho mống khởi là Phật-sự, đây cũng gọi là mất Chánh-niệm, vì vọng tâm đè vọng tâm như đá đè cỏ, lại như lột bẹ chuối, hết lớp này đến lớp khác, không biết đến ngày nào mới xong. Hoặc quán tưởng thân tâm như hư không, chẳng khởi niệm như tường vách, đây gọi là mất Chánh-niệm, vì ngài Huyền Sa nói : “Nghĩ muốn 'ngưng tâm thức niệm, nhiếp sự về khôngtức là rơi vào phái Ngoại-đạo chủ trương không-vong như người chết hồn chẳng tan”.

Tham-thiền nghi-tình phát khởi, lại cần phải đập cho vỡ, phải xác thật Chánh-niệm phát đại dũng mãnh, ở trong khẩn thiết lại càng khẩn thiết mới được. Ngài Kính Sơn nói : “Bậc Đại-trượng-phu muốn cứu cánh một đoạn Đại-sự nhân duyên này phải là hạng người đập vỡ da mặt, tánh tình nóng nảy, dựng đứng xương sống, chẳng thuận nhân tình, đem cái chỗ nghi xưa nay của mình dán trên trán như thiếu nợ người muôn trăm quan tiền bị người đòi ngặt không có tiền để trả, chỉ sợ người sỉ nhục, sự kiện này không gấp cũng phải gấp, không vội cũng phải vội, không lớn cũng phải lớn thì mới có phần xu hướng (ngộ).  

Tác giả bài viết: thichdaophat

Nguồn tin: Tông Phong Tàng Thư