Phật pháp với Thiền tông

Giới thiệu mối liên hệ giữa Phật-pháp và Thiền-tông.

Chữ Phật, Phạn-ngữ gọi là Phật-đà dịch nghĩa là Giác Ngộ.

Chữ Pháp là bao gồm tất cả hiện tượng vũ trụ, không-gian thời-gian và số-lượng từ tất cả những điều con người đã hiểu biết được cho đến tất cả những điều con người chưa thể hiểu được: Hoặc có hoặc không, hoặc chẳng có chẳng không, hoặc cũng có cũng không đều gọi là Pháp. Nghĩa là bất cứ sự vật gì do loài người biết được hay không biết được đều bao gồm trong chữ Pháp nên cũng gọi là Pháp-giới.

Nói giác ngộ là giác ngộ cái gì ? Là giác ngộ Tự-tâm của chính mình. Tự-tâm cũng gọi là Tự-tánh cho nên người giác ngộ gọi là Kiến-tánh thành Phật cũng gọi là Minh Tâm Kiến Tánh.

Vậy Tự-tánh là gì ? Bản thể của Tự-tánh cùng khắp không gian, thời gian, siêu việt số lượng, chỗ bộ não suy lường chẳng thể đến, nên dùng văn tự lời nói chẳng thể diễn tả, chỉ có thể tự tu tự chứng, để nó tự hiện ra mà thôi (Phật Thích-ca có đích thân truyền pháp Thiền Trực Tiếp, theo đó thực hành sẽ đưa mình đến chỗ minh tâm kiến tánh).

Mặc dù nói bộ não chẳng thể suy lường, nhưng tập-khí lâu đời của con người thì hay dùng nó đi nghiên cứu, tìm hiểu tất cả hiện tượng thế giới và những điều loài người chưa biết được. Nếu cứ theo tập-khí của con người đi tìm hiểu mãi thì vĩnh viễn không thể giác ngộ Tự-tánh nên Phật Thích-ca phải dùng nhiều phương tiện khéo léo để chấm dứt cái tánh ham tìm hiểu và chấp thật của con người, khai thác một con đường bằng phẳng cho con người tự đi đến Kiến-tánh.

Con đường bằng phẳng do Phật Thích-ca khai phá ra là quét sạch tư tưởng chấp thật của loài người, cũng như chấp có là thật có, chấp không là thật không, chấp chơn là thật chơn, chấp giả là thật giả, cho đến chấp chúng sanh là thật giả hoặc thật không, chấp Phật là thật có hoặc thật không, đều thuộc về tư tưởng chấp thật cả. Nói tóm lại những kinh Đại-thừa liễu nghĩa đều dùng để phá sự chấp trước của con người, để khai thác con đường bằng phẳng mà thôi.

Tôi nói như vậy thì người ta sẽ hỏi : Nhà Khoa-học dùng bộ não để nghiên cứu suy lường và thực nghiệm, phát minh ra đủ thứ máy móc để giúp cho cuộc sống con người được phong phú hơn, cho đến sự tìm hiểu tiến sâu vào hư không vũ trụ bao la đều nhờ tư tưởng chấp thật, nếu quét sạch tư tưởng chấp thật thì chẳng phải là muốn làm cho đời sống văn minh của loài người lui sụt hay sao ?

Kỳ thật Phật Thích-ca khai mở con đường bằng phẳng nầy là muốn đưa con người từ Quốc-độ tương đối sang Quốc-độ tuyệt đối. Nếu vào Quốc-độ tuyệt đối rồi thì tất cả tư tưởng chấp thật trước kia cho đến mọi tương đối trong vũ trụ Pháp-giới đều biến thành tuyệt đối. Lúc ấy cuộc sống của con người chẳng những được phong phú đầy đủ, lại còn được chấm dứt tất cả khổ não do sự mâu tuẫn của tương đối sanh khởi.

Ví như phát minh xe hơi để giúp cho sự giao thông được tiện lợi, nhưng nếu xe nhiều quá sẽ làm giao thông bị chướng ngại và tai nạn xảy ra. Khoa-học phát minh nhiều thứ thuốc mới để chữa bệnh được mau lành nhưng những bệnh tật mới, vi trùng mới lại tăng thêm nhanh hơn sự tiến bộ của thuốc men. Tại sao vậy ? Vì thức ăn thiên nhiên đã không còn, hàng ngày con người đều ăn những thứ thức ăn có liên hệ với thuốc hóa học, từ rau cải trái cây cho tới gia súc đều dùng thuốc kích thích cho chúng sanh (tăng) trưởng mau lẹ. Con người ăn những thứ thức ăn đó lại thêm sự tranh giành hưởng thụ vật chất cho cuộc sống làm cho thần kinh quá căng thẳng, cho nên phải sanh ra đủ thứ bệnh tật mới và vi trùng mới.

Máy điện toán thay thế cho bộ não của con người và đủ thứ máy móc để thay thế tay chân của con người, sự làm việc của bộ não và tay chân sẽ giảm bớt dần dần, con người cho là hạnh phúc, rốt cuộc sẽ đưa con người đến chỗ lười biếng và không biết làm việc gì cả…

Những điều kể trên đều do sự lợi và hại tương đối mà đưa đến kết quả như thế. Nếu con người cứ tiếp tục sống trong Quốc-độ tương đối mãi thì đến một ngày kia, khoa học sẽ phát minh một vũ khí lợi hại hơn bom nguyên tử gấp muôn triệu lần làm cho Trái đất hủy diệt và không còn một sinh vật nào được tồn tại nữa.

Phật Thích-ca vì đã biết sự Khoa-học văn minh ngày càng phát triển không thể đem cho con người được hạnh phúc hơn, trái lại còn làm cho con người gia tăng nhiều khổ não chẳng thể tưởng tượng. Cũng như con người tranh nhau hưởng thụ vật chất cho đầy đủ thì ngã chấp phải tăng cường, rồi đi đến giết hại lẫn nhau, từ trong gia đình anh chị em, gia đình này với gia đình kia, đoàn thể này với đoàn thể kia, chủng tộc này với chủng tộc kia, nước nay với nước kia, từ chửi mắng đánh nhau đến xung đột đổ máu, cho đến chiến tranh thế giới làm cho con người sớm muộn gì cũng phải tiếp tục gánh chịu lấy cái vận mạng bi thảm như đã từng gánh chịu trong hai trận thế chiến.

Phật Thích-ca có bổn phận phải giải quyết tất cả đau khổ của chúng sanh, cho mọi người đều đạt đến tự do tự tại chân thật, nên mới có sự thuyết Pháp để chuyển hóa tư tưởng của con người và truyền dạy pháp Thiền Trực Tiếp nay gọi là Tổ Sư Thiền. Nếu người nào chịu theo đó tu tập sẽ tự đưa mình từ Quốc-độ tương đối đầy khổ não tiến vào Quốc-độ tuyệt đối để hưởng cuộc sống phong phú đầy đủ và tự do tự tại.

Chữ Thiền là gì ? Theo nghĩa thông thường phàm luyện tập cho tâm trí được thanh tịnh đều gọi là Thiền, nhưng Thiền-tông lại khác hẳn với tất cả thiền khác, chuyên chú trọng thực hành không cần lý luận, gọi là ‘Giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự, trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật’. Nói chung chỉ là ‘Từ Nghi đến Ngộ’. Chữ Nghi này Thiền-tông gọi là nghi-tình.

Cơ bản thực hành của Thiền-tông có hai yếu tố : ‘Tin tự tâm và phát nghi-tình’. 

1. THẾ NÀO LÀ TIN TỰ TÂM ?

Phải tin bản thể và tác dụng của tự tâm mình cùng khắp không gian và thời gian, sẵn đủ tất cả năng lực, không thiếu sót một cái gì. Phật vì muốn tăng cường lòng tin tự tâm của mọi người, nên dùng đủ thứ phương tiện khéo léo, lấy sự dụng trước mắt để chứng tỏ Thể - Dụng của Tự-tâm con người vốn cùng khắp không gian và thời gian như sau :

Theo trong Kinh Lăng Nghiêm, Phật dùng cách vấn đáp để dẫn chứng cái năng thấy của con người cùng khắp không gian và thời gian. Cái năng thấy ấy gọi là Kiến Tinh.

Phật hỏi A-nan : Ngươi có con mắt mới thấy được Ta; Ta có bàn tay mới làm nên nắm tay. Hai việc này có giống nhau chăng ?

A-nan đáp : Giống nhau.

Phật nói : Không giống.

A-nan hỏi : Tại sao vậy ?

Phật nói : Nếu Ta không có bàn tay thì không thể làm ra nắm tay. Còn người không có con mắt, vẫn còn có cái năng thấy. Nếu ngươi thử hỏi người mù : Trước mắt có thấy gì chăng ? thì người mù sẽ đáp rằng : Thấy đen tối.

A-nan nói : Thấy đen tối làm sao được gọi là thấy ?

Phật vì muốn chứng tỏ sự thấy đen tối cũng là do cái năng thấy nên thí dụ thêm cho A-nan được rõ.

Phật hỏi : Như người có con mắt ở trong phòng đen tối cũng thấy trước mắt đen tối so với cái thấy đen tối của người mù, hai thứ đen tối ấy có khác chăng ?

A-nan đáp : Không có khác.

Phật nói : Vậy người mù bỗng được mắt sáng liền thấy rõ sắc tướng trước mắt phải là mắt thấy chăng ?

A-nan đáp : Phải.

Phật nói : Vậy người có mắt ở trong phòng đen tối bỗng đốt lên cây đèn sáng cũng liền thấy sắc tướng trước mắt phải là cây đèn thấy chăng ?

A-nan không thể trả lời.

Phật bảo A-nan : Cây đèn có tác dụng hiển hiện sắc tướng, sự thấy là con mắt, chẳng phải cây đèn, Con mắt có tác dụng hiển hiện sắc tướng, sự thấy là Kiến Tinh chẳng phải con mắt. Vậy con mắt với cây đèn tác dụng giống nhau, đều chẳng phải là năng thấy. Cho nên người không có mắt vẫn có Kiến Tinh để thấy đen tối, sự thấy đen tối chỉ là thiếu ánh sáng thôi, cũng như người có mắt mà thiếu ánh sáng cũng phải thấy đen tối vậy.

Phật lại hỏi : Nay ngươi thấy Ta, Ta là sở thấy của ngươi, còn cái Kiến Tinh năng thấy của ngươi ở đâu ? Ngươi hãy dùng ngón tay chỉ ra từ mặt trời, mặt trăng, cho đến núi sông, đất đai, cây cối, nhà cửa, cái nào là Kiến Tinh của ngươi ?

A-nan nói : Từ Mặt trời, mặt trăng cho đến nhà cửa cây cối, tất cả đều là vật chứ chẳng phải Kiến Tinh.

Phật nói : Vậy tất cả vật không có Kiến Tinh để cho ngươi chỉ thì ngươi được phát minh tất cả vật đều không có Kiến Tinh chăng ?

A-nan đáp : Cũng không phải như vậy. Tại sao ? Nếu nói hư không là Kiến Tinh thì không nên gọi là hư không. Nếu hư không chẳng có Kiến Tinh thì làm sao thấy được hư không. Nếu nói cây cối là Kiến Tinh thì không nên gọi là cây cối. Nếu cây cối không có Kiến Tinh thì làm sao thấy được cây cối. Như thế ‘không có chỗ để chỉ ra Kiến Tinh và tất nhiên không có lúc để chỉ được thì chứng tỏ Kiến Tinh đã cùng khắp không gian và thời gian, nên không có chỗ nào và không có lúc nào có thể chỉ ra được’.

Đoạn nầy là Phật Thích-ca dùng những sự vật trước mắt để chứng tỏ cái năng thấy của con người vốn cùng khắp không gian và thời gian, nên phải tin chắc rằng bản thể và tác dụng của tự tâm mình vốn là như thế.

Tại sao phải quét sạch tư tưởng chấp thật của bộ não ? Vì cái biết của bộ não có giới hạn và không đúng với thực tế, cũng như biết chỗ này không biết chỗ kia, có lúc biết có lúc không biết. Còn cái biết của tự tâm Phật-tánh gọi là Chánh-biến-tri : Bản thể và tác dụng cùng khắp không gian và thời gian, không có chỗ nào lúc nào thiếu sót.

Vì không gian – thời gian mênh mông trống rỗng, Cái Biết cùng khắp đó rất khó diễn tả cho người lãnh hội được. Nay Tôi dùng cái biết cùng khắp cơ thể để diễn tả cho người ta dễ hiểu hơn.

Dùng ngón tay gõ vào cơ thể, nếu cái biết đã cùng khắp cơ thể thì không có chỗ gõ. Tại sao ? Nếu có chỗ thì gõ tay, tay biết; gõ đầu, đầu biết … Những chỗ không gõ thì ‘không biết’ làm sao nói cùng khắp cơ thể được ?

Ấy là nói về cùng khắp không gian, còn nói về cùng khắp thời gian thì không có lúc gõ. Tại sao ? Vì lúc gõ thì biết, lúc không gõ thì ‘không biết’ làm sao nói cùng khắp thời gian được ?

Kỳ thật cái thần kinh cảm giác của lớp da cùng khắp cơ thể và luôn luôn như thế, chẳng có chỗ nào – lúc nào không có cảm giác (biết), trừ ra kẻ đã chết. Nhưng cái thói quen nhận thức của bộ não cho là chỗ gõ mới biết, chỗ không gõ thì không biết; lúc gõ mới biết, lúc không gõ thì không biết, vì thế bộ não không tin nổi cái biết của Chánh-biến-tri vốn tự cùng khắp không gian và thời gian, không có chỗ nào lúc nào có thể thiếu sót.

Vì cái nhận thức của bộ não sai lầm như thế nên phải quét sạch để cho cái biết của Bản-tâm (Chánh-biến-tri) được tự hiện ra.

Ví như con người vốn có tướng mạnh, bị mắc bệnh rồi thì mặt mũi hiện ra tướng bệnh. Khi tướng bệnh hiện ra thì tướng mạnh phải ẩn trong tướng bệnh, bị tướng bệnh che khuất, nên phải quét sạch tướng bệnh thì tướng mạnh sẽ tự hiện ra. Nếu dùng tướng bệnh đi tìm tướng mạnh thì tướng bệnh sẽ kéo dài mãi, tướng mạnh không sao hiện ra được.

Tướng bệnh là dụ cho cái biết của bộ não, tướng mạnh là dụ cho cái biết của Bản-tâm – Phật-tánh. Cho nên muốn minh Tâm kiến Tánh phải quét sạch cái biết của bộ não là lý nầy vậy.

Có người hỏi : Nếu quét sạch cái biết của bộ não thì làm cho con người thành kẻ khờ ngốc hay sao ?

Đúng thế ! Khi gần Kiến-tánh thì giống như kẻ khờ ngốc, nhưng nếu được Kiến-tánh rồi thì chuyển cái khờ ngốc thành đại trí huệ, thành cái biết của Bản Thể Phật-tánh gọi là Chánh-biến-tri vậy.

Đoạn trên là để tăng cường lòng tin ‘Tin tự tâm’. Dưới đây là cách thực hành Tham Tổ-sư Thiền :

2. THẾ NÀO LÀ PHÁT NGHI-TÌNH ?

Nghi-tình là không hiểu không biết, nếu một việc gì đã hiểu biết rồi thì hết nghi, hết Nghi tức là không có tham thiền. Tham thiền rất chú trọng cái Nghi, Thiền-tông gọi là nghi-tình. Chữ Tham tức là Nghi vậy.

Làm sao phát khởi được nghi-tình ?

Muốn khởi nghi-tình phải nhờ câu thoại đầu. Ví như tham câu : ‘Khi chưa có Trời đất, ta là cái gì ?’, hỏi thầm trong bụng cảm thấy không hiểu không biết gọi là nghi-tình.

Tại sao gọi là tham thoại đầu ? Thoại là một lời nói, khi chưa nổi niệm muốn nói gọi là thoại đầu. Nói thoại đầu tức là khi một niệm chưa sanh khởi, nếu đã khởi niệm muốn nói thì dù chưa nói ra miệng cũng gọi là thoại vĩ chẳng phải thoại đầu. Thoại đầu chính là chỗ vô thủy vô minh.

Nay người tham thiền phải tham thoại đầu, cũng gọi là khán thoại đầu. Khán tức là Nhìn, nhìn ngay chỗ vô thủy vô minh, vô minh tức là mịt mù đen tối không biết đó là cái gì. Vừa nhìn vừa hỏi : ‘Khi chưa có Trời đất, ta là cái gì ?’, càng hỏi càng cảm thấy không biết, ấy gọi là phát nghi-tình.

Công phu cần phải ngày đêm liên tiếp không giây phút nào gián đoạn, nghi-tình mới có thể thành khối (phiến). Nghi-tình được thành khối mới có thể đạt đến Kiến-tánh, cho nên người tham thiền bất cứ đi – đứng – nằm – ngồi, lúc lao động bằng chân tay hay trí óc, cho đến ăn cơm ngủ nghỉ nói chuyện đều phải luôn luôn có nghi-tình. Có nghi-tình mới được gọi là Tham Thiền.

Nói một cách khác tức là dùng cái không biết của bộ não để chấm dứt tất cả biết của bộ não. Dù nói chấm dứt, thực ra chẳng cần tác ý để chấm dứt, có nghi-tình thì nó sẽ tự động chấm dứt tất cả biết.

Tại sao muốn chấm dứt tất cả biết của bộ não ? Bởi vì cái biết của bộ não là tướng bệnh, cũng thuộc về cái biết của người mù. Ví như người mù chẳng thấy Mặt trời mà đi hỏi người mắt sáng, người mắt sáng nói : ‘Mặt trời tròn và nóng’, lời của người măt sáng là đúng nhưng người mù chấp cái vật thể tròn và nóng là Mặt trời thì sai rồi.

Tham thiền cần phải giữ nghi-tình. Muốn giữ nghi-tình trước tiên cần phải chấm dứt cái ‘tìm hiểu biết’ và ‘ghi nhớ biết’ rồi chấm dứt luôn cái ‘tùy duyên biết’ (chẳng cần tìm hiểu cũng biết như ngồi, đi,…). Nên Lai Quả Thiền-sư nói : Lúc công phu đạt đến thoại đầu thì ‘đi chẳng biết đi, ngồi chẳng biết ngồi’, ấy là cái tin tức báo cho mình biết sắp Kiến-tánh.

Lúc công phu đạt đến thoại đầu thì câu thoại tự mất chỉ còn nghi-tình, khi ấy cái sở biết của bộ não sạch hết, ngay khi đó đang tham thiền mà chẳng biết mình đang tham thiền, đang ăn cơm cũng chẳng biết mình đang ăn cơm, luôn cái chẳng biết này cũng chẳng biết luôn. Công phu đến đây tức là đã tới thoại đầu, gần Kiến-tánh.

Người đời thấy thiền giả như ngơ như ngốc, kỳ thực sẽ phát đại trí huệ. Cuối cùng nghi-tình bùng nổ, thì cái không biết của bộ não tan rã, đến đây cái biết và không biết của bộ não đều sạch, tướng bệnh tiêu diệt rồi tướng mạnh (cái biết của Phật-tánh cũng gọi là Chánh-biến-tri) thình lình hiện ra, gọi là 'Kiến-tánh thành Phật' .

Tổ-sư nói : “Tri chẳng hai người, pháp chẳng hai thứ”.

+ Sao nói tri chẳng hai người ? Bởi vì cái tri của Phật-tánh chỉ có một, bản thể nó cùng khắp không gian và thời gian, nếu thêm cái ri của bộ não (chẳng thể cùng khắp không gian, thời gian) lại thành hai cái tri, một cái cùng khắp một cái chẳng cùng khắp tức là hai người.

+ Sao nói pháp chẳng hai thứ ? Bởi vì tất cả pháp do tâm tạo, nếu tâm không tạo thì chẳng có pháp, cho nên mỗi mỗi pháp đều chẳng có tự thể, chỉ do vọng tâm biến hiện. Cái bản thể của tâm đã cùng khắp không gian và thời gian thì pháp do tâm tạo ắt cũng như thế, nên nói pháp chẳng hai thứ. Giả sử có một pháp bị chấp nhận là pháp thật, tức là pháp có hai (một thật, một chẳng thật). Cho nên nói phàm có hai pháp tương đối tức là tướng bệnh, tướng bệnh hiện ra thì tướng mạnh phải ẩn mất.

Cái Nghi của Thiền-tông là Chánh-nghi, do Chánh-nghi này làm nhân thì được phát minh cái bản thể của chính tâm mình là quả. Mình biết được chính mình mới có thể làm chủ cho mình mới được gọi là tự do tự tại, chấm dứt tất cả khổ và những cái khổ trước kia không bao giờ còn trở lại nữa.

Cái Nghi của nhà Khoa-học gọi là Hồ-nghi, do cái nghi này nên có thể phát minh những sự vật trên thế giới và chỉ có cái giá trị của thế gian, vì nó không thể phát hiện cái bản thể của tâm mình nên không thể làm chủ cho mình, để đạt đến tự do tự tại được.

Nói Nghi là một, cái dụng lại khác, như muốn phát minh chính mình, hay sự vật thế gian đều phải nhờ cái Nghi.

Tác dụng của Nghi thật vô cùng lớn, cái lãnh vực của nó cũng cùng khắp không gian và thời gian, văn hóa của loài người nếu không có Nghi thì không thể tiến bộ, tất cả sự vật của nhà Khoa-học phát hiện đều phải nhờ Nghi cả, cho nên người tham thiền phải tin cái sức mạnh của Nghi này sẽ đưa mình đến Quốc-độ tuyệt đối hưởng cuộc sống phong phú đầy đủ và vĩnh viễn tự do tự tại.

Ngài Lai Quả nói : Vô tham mới là Chân-tham. Nói vô tham chẳng phải là không có tham mà là : Tự mình đang tham mà không biết mình tham, cho nên mới gọi vô tham là Chân-tham.

Trước đời nhà Tống ở Trung Quốc, chư Tổ dùng pháp Thiền Trực Tiếp của Phật Thích-ca truyền, sử dụng những thủ đoạn đặc biệt khiến người học khởi lên nghi-tình mãnh liệt mà tự mình không biết, tức là ngay bước đầu tiên đã đạt tới cảnh giới chân tham.

Từ đời nhà Tống về sau, sách Cảnh Đức Truyền Đăng Lục ra đời, những thủ đoạn của chư Tổ đều ghi hết trong đó, hành giả tham thiền xem qua rồi thì dẫu cho thủ đoạn của chư Tổ cao siêu cách mấy như đánh đập, chửi, hét … cũng không thể tự phát khởi nghi-tình.

Sau đó chư Tổ bất đắc dĩ mới phải dạy tham Công-án, Thoại-đầu. Như thế người tham thiền muốn đạt tới cảnh giới chân tham cần phải trải qua nhiều năm khổ công tu tập, cho nên người đời sau Kiến-tánh rất ít là vậy.

Trong Thiền-tông có 1700 Công-án để tả về sức mạnh của nghi-tình. Nay đề ra một Công-án điển hình như sau : 

Ngài Lâm Tế ở trong Thiền-hội của ngài Hoàng Bá, trong hội có Thủ-tọa Mục Châu, người đã kiến tánh triệt để, một ngày kia gặp Lâm Tế hỏi :

- Ông ở đây bao lâu ?

- Ba năm.

- Có hỏi Pháp với Hòa-thượng Hoàng Bá chưa ?

- Chưa.

- Sao không đi hỏi ?

- Vì không biết hỏi cái gì.

- Đi hỏi thử thế nào là đại ý của Phật-pháp ?

Lâm Tế đến phòng Hoàng Bá hỏi. Câu hỏi vừa dứt thì Hoàng Bá liền đánh đuổi ra. Ngay đó Lâm Tế đã phát nghi-tình rất mạnh nhưng không biết là mình đang tham thiền.

Hôm sau Mục Châu hỏi : Có đi hỏi Phật-pháp chưa ?

- Có đi rồi.

- Hỏi như thế nào ?

- Câu hỏi vừa dứt thì bị đánh đập đuổi ra. Không biết lỗi ở chỗ nào ?

- Cứ đi hỏi lần nữa thử xem.

Lâm Tế đi hỏi lần nữa vẫn bị đánh đập đuổi ra. Hôm sau Mục Châu gặp hỏi :

- Có đi hỏi lần nữa không ?

- Đi hỏi rồi.

- Kỳ này ra sao ?

- Cũng bị đánh đập đuổi ra như kỳ trước.

- Đi hỏi thêm một lần nữa thữ xem.

- Thôi thôi, đã hỏi hai lần bị đánh đạp như thế còn hỏi chi nữa.

- Theo thường lệ, việc gì cũng phải trải qua ba lần mới đúng. Cứ đi hỏi thêm một lần nữa đi.

Lâm Tế vâng lời gắng đi hỏi nữa. Kỳ nầy Hoàng Bá phát giận hơn hai kỳ trước và đánh mạnh hơn làm cho cái Nghi của Lâm Tế mạnh đến mức chịu không nổi liền đến phòng Mục Châu nói :

- Tôi muốn đi nói khác không ở đây nữa.

-  Muốn đi cũng được nhưng phải đến Hoàng Bá từ giã.

Lâm Tế đến, Hoàng Bá hỏi : Đi đâu ?

- Chưa nhất định đi nơi nào.

-  Khỏi cần đi nơi khác. Đi đến chổ Đại Ngu Thiền-sư thì có ích cho ngươi.

Lâm Tế đi gặp Đại Ngu, Đại Ngu hỏi : Từ đâu đến ?

- Từ Hoàng Bá đến.

- Hoàng Bá có dạy bảo gì chăng ?

- Ba lần hỏi Phật-pháp đều bị đánh đập đuổi ra, không biết lỗi ở chỗ nào ?

- Hoàng Bá vì ngươi mà từ bi như thế, vậy mà còn hỏi lỗi ở chỗ nào !

Lâm Tế ngay đó hoát nhiên đại ngộ ‘Ồ’ lên một tiếng rồi buột miệng nói :

- Phật-pháp Hoàng Bá vốn không có nhiều.

Lâm Tế đã khai-ngộ rồi liền trở về chỗ Hoàng Bá,

Hoàng Bá hỏi :Có đi gặp Đại Ngu chưa ?

- Có gặp rồi.

- Đại Ngu nói thế nào ?

Lâm Tế kể lại lời Đại Ngu xong,

Hoàng Bá nói : Đại Ngu sao nhiều chuyện quá ! Sau nầy gặp sẽ cho một bạt tai.

- Khỏi cần nói sau nầy, cho bạt tai liền bây giờ.

Nói xong liền cho Hoàng Bá một bạt tai.

Hoàng Bá cười to tỏ vẻ rất mừng. Mừng cái gì ? Mừng vì đã được một Pháp-tử để nối tiếp huệ mạng Phật.

Tác giả bài viết: thichdaophat

Nguồn tin: Tông Phong Tàng Thư