Công án của chư Thiền đức

Công-Án

Bách Trượng hỏi Tăng : Thấy chăng ?

Tăng đáp : Thấy.

Trượng hỏi : Thấy rồi thế nào ?

Đáp : Thấy chẳng hai.

Trượng hỏi : Đã nói thấy chẳng hai, tức là chẳng dùng "Kiến" để thấy cái "Kiến", nếu dùng "Kiến" để "Kiến" nữa, vậy là cái kiến trước đúng hay là cái kiến sau đúng ? Như kinh nói : "Khi kiến kiến (là hiện cái bản kiến tức là kiến tánh), kiến chẳng phải là kiến, kiến còn phải lìa kiến, vì kiến tinh chẳng thể đến được". Cho nên chẳng hành "Kiến-pháp", chẳng hành "Văn-pháp" (pháp nghe), chẳng hành "Giác-pháp", chư Phật liền thọ-ký cho.

Kinh Bảo Tích nói : "Pháp-thân chẳng thể dùng kiến văn giác tri để cầu; Chẳng phải sở thấy của nhục nhãn vì vô Sắc; chẳng phải sở thấy của Thiên-nhãn vì vô Vọng; chẳng phải sở thấy của Huệ-nhãn vì lìa Tướng; chẳng phải sở thấy của Pháp-nhãn vì lìa chư Hành (vô thường); chẳng phải sở thấy của Phật nhãn vì lìa chư Thức; nếu chẳng lập những tri kiến kể trên gọi là Tri-kiến-phật (tức là Diệu-giác)".

***

Xưa kia Đại Lãng tham kiến Mã Tổ.

Tổ hỏi : Ngươi đến cầu gì ?

Đáp : Cầu Tri-kiến-phật.

Tổ nói : Phật chẳng tri kiến, tri kiến là ma. Ngươi từ đâu đến ?

Đáp : Từ núi Nam Nhạc đến.

Tổ nói : Ngươi từ Nam Nhạc đến, chưa rõ tâm yếu của Tào Khê, ngươi mau về đó, chẳng nên đi nơi khác.

Đại Lãng về đến Nam Nhạc Thạch Đầu, liền hỏi : Thế nào là Phật ?

Thạch Đầu đáp : Ngươi chẳng có Phật-tánh.

Đại Lãng hỏi : Sâu bọ hàm linh, lại như thế nào ?

Thạch Đầu đáp : Sâu bọ hàm linh, thì có Phật-tánh, sao Huệ Lãng lại không có ?

Đầu đáp : Vì ngươi không chịu thừa nhận.

Lãng nghe ngay đó khai ngộ. Sau khi kiến tánh ở chùa, hễ có người học đạo đến, Đại Lãng đều bảo : "Đi đi ! Ngươi chẳng có Phật-tánh".

Ngài tiếp Chúng đều đại khái như thế.

Kinh nói : Vì A-nan lầm nhận kẻ đuổi theo vật là tâm, nên Phật quở : Ấy chẳng phải tâm ngươi. A-nan nói : Tôi làm tất cả việc đều nhờ tâm này, nếu Phật nói ấy chẳng phải tâm, thì tôi là người không có tâm (chẳng phải tâm là chẳng phải bản Tâm).

Vậy theo Công-án Đại Lãng kể trên thì được biết đâu phải lìa giác tri mà không còn cái gì ư ? (có năng lượng khắp không gian-thời gian)

Chân-tâm xa lìa tất cả phân biệt tức Đại-viên-cảnh, xa lìa chư trần, như : Hữu, vô, động, tịnh, v.v... Tâm này vốn tự vô nhiễm, nên gọi là thanh tịnh; nhiễm mà chẳng nhiễm nên gọi là diệu tịnh. Tất cả nhân quả thế giới vi trần v.v... đều từ Chân-tâm mà kiến lập, đó cũng là bản tánh vọng tâm của 9 Pháp-giới vậy. (9 Pháp-giới là : Bồ-tát, Duyên-giác, Thanh-văn, Trời, người, A-tu-la, xúc sanh, quỉ, địa ngục)

Tông-thông rằng : Thân ngươi tức là tướng-phần, tâm ngươi tức là kiến-phần.

Tướng-phần gồm có pháp sở duyên của căn trần như sơn hà đại địa, sáng tối sắc không v.v... Kiến-phần gồm tám thứ thức, tức lục thức Mạc-na và A-lại-da. Cả hai phần đều là sự dụng của Chân-tâm. Tâm này bản (vốn) diệu, chẳng nhờ tu tập. Tại sao nói bản Diệu vậy ? Vì nói về thể thì là viên diệu minh tâm. Từ Diệu khởi Minh, nên gọi là Viên; nói về cái dụng, thì là bửu minh diệu tánh, tức minh mà diệu, nên gọi là Bửu. Tức diệu mà minh, chẳng trụ nơi minh, tức minh mà diệu, chẳng trụ nơi diệu, nên chẳng có chút nhiễm ô.

Nếu chuyển thức thành Trí, ấy tức là Đại viên cảnh Trí của bản Diệu vậy.

Cho nên tất cả kiến-phần, tướng-phần đều là bóng (sở hiện) trong gương tròn mà thôi (tức Đại viên cảnh Trí).

Tông-thông rằng : Kiến-tinh với duyên trần (đuổi theo cảnh trần) là có năng sở khác biệt, Diệu-tâm với kiến-tinh thì có thể với dụng khác biệt. Nên Diệu-tâm như Chân-nguyệt (đệ nhất nguyệt), kiến-tinh như đệ nhị nguyệt, duyên trần phân biệt như bóng trăng trong nước vậy.

Nếu cho niệm là tri thì tâm chẳng cùng khắp. Bồ-tát Mã-minh nói : "Nếu tâm có động (khởi tâm động niệm), thì cái Tri chẳng cùng khắp". Tướng động gọi là niệm ngại (là bị niệm chướng ngại), lìa những niệm ngại cái Tri ấy mới cùng khắp.

 ***

Báo Từ Văn Thùy đã từng nghiên cứu kinh Thủ Lăng Nghiêm, tham kiến Pháp Nhãn Thiền-sư, trình sở học của mình cho là phù hợp ý chỉ trong kinh.

Pháp Nhãn hỏi : Lăng Nghiêm há chẳng phải có nghĩa bát hoàn ư ?

Văn Thùy đáp : Phải.

Nhãn hỏi : Minh hoàn cái gì ?

Đáp : Minh hoàn nhật luân (mặt trời).

Nhãn hỏi : Nhật hoàn cái gì ?

Văn Thùy ngơ ngác chẳng thể trả lời. Từ đó khâm phục mà thỉnh Pháp.

Vậy có thể biết "Chủ trong chủ" chẳng phải dùng thí dụ giải thích mà có thể đến được.

Tông-thông rằng : Ban đầu A-nan hỏi : "Diệu-tâm tại sao chẳng thể hoàn ?" Phật vì Chân-tâm chẳng thể diễn tả, nên mượn kiến-tinh để phương tiện khai-thị.

Kiến-tinh gần với Chân-tâm như đệ nhị nguyệt. Nhưng kiến-tinh này cũng vọng, cũng cần phải hoàn. Chỉ có chân nguyệt dụ cho Chân-tánh, mới thật là bất hoàn vậy.

***

Vân Cư Trí Thiền-sư nói : Tánh thanh tịnh vốn là trạm nhiên chẳng có lay động, chẳng thuộc hữu vô, chẳng thể lấy bỏ, thể tự như như. Thấy rõ như thế mới gọi là kiến tánh. Tánh tức Phật, Phật tức tánh, nên gọi là kiến tánh thành Phật.

Hỏi : Tánh đã thanh tịnh chẳng thuộc hữu vô, tại sao có kiến ?

Đáp : Kiến vô sở kiến.

Hỏi : Đã vô sở kiến sao lại còn có kiến ?

Đáp : Kiến ấy cũng vô.

Hỏi : Khi kiến như vậy ấy là ai kiến ?

Đáp : Chẳng có kẻ năng kiến.

Hỏi : Cứu cánh đạo lý ấy như thế nào ?

Đáp : Vọng cho là có thì có năng sở, nên gọi là mê. Tùy kiến sanh tri giải thì đọa sanh tử. Người minh kiến thì chẳng phải vậy, suốt ngày kiến mà chưa từng kiến. Cầu chỗ danh hiệu thể tướng đều chẳng thể được, năng sở cùng tuyệt, gọi là kiến tánh.

Hỏi : Tánh này cùng khắp tất cả nơi chăng ?

Đáp : Không nơi nào chẳng cùng khắp.

Hỏi : Phàm phu có chăng ?

Đáp : Đã nói không nơi nào chẳng cùng khắp, đâu thể phàm phu mà chẳng có ư ?

Hỏi : Tại sao chư Phật Bồ-tát chẳng bị nhốt trong sanh tử, chỉ có phàm phu bị chịu khổ này, vậy đâu được cùng khắp ?

Đáp : Phàm phu ở nơi tánh thanh tịnh cho là có năng sở thì đọa vào sanh tử, chư Phật Bồ-tát khéo biết trong tánh thanh tịnh chẳng thuộc hữu vô, tức chẳng lập năng sở.

Hỏi : Nếu nói như vậy, tức là có người năng liễu và người bất liễu (tri).

Đáp : Liễu còn chẳng thể đắc, huống là có người bất liễu ư ?

Hỏi : Chí lý như thế nào ?

Đáp : Ta nói lời chủ yếu, ngươi nên biết trong Tánh thanh tịnh chẳng có Thánh phàm, cũng chẳng có người liễu hay bất liễu. Thánh với phàm cả hai đều là danh, nếu tùy danh sanh tri giải tức đọa nơi sanh tử. Nếu biết giả danh chẳng thật, tức chẳng có kẻ để gắn cái danh.

Lại nói : Đây là chỗ cùng tột, nếu nói ta liễu ngươi bất liễu tức là bịnh nặng. Thấy có Thánh phàm dơ sạch, cũng là bịnh nặng. Cho là chẳng có Thánh phàm, lại thuộc xóa bỏ nhân quả. Thấy có tánh thanh tịnh để trụ cũng là bịnh nặng. Cho là không có Tánh thanh tịnh để trụ cũng là bịnh nặng. Nhưng trong Tánh thanh tịnh vốn chẳng mất cái phương tiện ứng dụng và hưng từ vận bi (khởi lên và vận dụng lòng từ bi). Như thế tức là ở nơi hưng khởi vận dụng mà cái Tánh hoàn toàn thanh tịnh, ấy gọi là kiến Tánh thành Phật vậy.

Lời nói kể trên của Vân Cư Trí, đối với giải thích "Kiến do ly kiến" rất là rõ ràng, nên cùng ghi ở đây.



Trích Lục Từ Lăng Nghiêm Tông Thông, Quyển 1 Và 2

Tông-thông rằng : Bát Thức Quy Củ Tụng nói : "Kẻ ngu khó phân biệt giữa thức với căn, bởi vì căn với thức khó phân biệt đã lâu. Nếu nói căn chẳng phải thức thì căn là căn, thức là thức, vậy thì thức phải thấy căn, nhưng thật thì chẳng thấy. Nếu nói căn tức là thức thì kẻ chết vẫn còn nhãn căn tại sao không thấy ? Nên biết ngũ căn chỉ là vật chất có tác dụng chiếu soi cảnh trần mà thôi. Thức thì phải phân biệt rõ ràng. Hiện tượng của hai thứ huân tập chẳng đồng. Ngũ căn thuộc về sắc pháp, tức là thân tướng phần của thức thứ tám, có hai tác dụng chấp và thọ, là tánh vô ký (phi thiện phi ác). Ngũ thức là tâm pháp tức là kiến phần của thức thứ tám, đầy đủ ba tánh (thiện, ác, vô ký), có khả năng giúp cho ý thức phân biệt rõ ràng gọi là tánh cảnh thuộc hiện lượng. Nên Tụng nói : "Tánh cảnh hiện lượng thông tam tánh". Đến thức thứ sáu mới có phân biệt, thuộc tỷ lượng, phi lượng (xem lược giải).

Đây là sự phân biệt giữa căn với thức vậy.

Lược giải :

Bát Thức Qui Củ Tụng nói : "Tánh cảnh hiện lượng thông tam tánh". Tánh cảnh hiện lượng : Y theo tục đế nói : Sự nhận biết đối với cảnh vật của tiền ngũ thức thuộc tánh cảnh hiện lượng. Độ lượng của mỗi thức đều có tánh bất khả biến chân thật và cố định. Như nhĩ thức nghe âm thanh chỉ biết là âm thanh; như dùng thước đo vải, chỉ biết độ dài là bao nhiêu thước tấc. Độ dài này cố định là tánh bất khả biến, chẳng thể tăng giảm. Năng lực của mỗi thức chỉ có thể giữ đúng bổn vị của mình mà thôi.

Tam tánh : Thiện, Ác, Vô Ký.

- Tánh thiện : Là làm những việc có lợi ích cho bản thân hoặc người khác nơi hiện tại và vị lai, tin tưởng tâm thiện là do chủng tử thiện căn sở tạo, tất cả việc thiện cũng gọi là thiện nghiệp.

- Tánh ác : Do các tâm tham dục sanh khởi, tạo tất cả ác nghiệp, vi phạm tổn hại đến mình hoặc người khác nơi đời hiện tại và vị lai, thuộc về tánh ác, cũng gọi là ác nghiệp.

- Tánh vô ký : Là pháp phi thiện phi ác, chẳng có chút niệm nào dính mắc sự lợi ích hay tổn hại, chẳng thể dùng ý thức để phân biệt. Trong Duy-thức có hai thứ vô ký :

A) Vô ký có che lấp : Tự thể nó có tánh chấp trước rất yếu để che lấp Thánh đạo, như thức thứ bảy luôn luôn chấp thức thứ tám là ta. Dù chẳng có sức để trực tiếp lợi ích hoặc tổn hại mình và người, nhưng có cái tự thể chấp trước. Sự vật nào đồng như tánh này đều thuộc về vô ký có che lấp.

B) Vô ký chẳng che lấp : Tự thể nó chẳng có tánh chấp trước, nhưng Tự-tánh rất yếu chẳng có chút sức nào để lợi ích hoặc tổn hại mình và người, như thức thứ tám. Phàm có tánh đồng với loại này đều thuộc về vô ký chẳng che lấp.

Hai tánh kể trên gọi chung là tánh vô ký.

Về Tam tánh gồm thiện, ác, vô ký (phi thiện phi ác). Tiền ngũ thức dù thông tam tánh mà chẳng thể phân biệt tam tánh. Thức thứ sáu thì có tánh khả biến thuộc tỉ lượng và phi lượng. Hiện lượng như trước mắt thấy mưa; tỉ lượng như sáng thức dậy thấy sân trước sân sau đều thấm ướt thì suy biết đêm qua có mưa; phi lượng như thấy mặt đất bị tưới nước ướt, tưởng là đêm qua có mưa, sự thật thì chẳng có mưa.

Tiền ngũ thức chẳng thể hợp tác với nhau. Mỗi thức chỉ có thể kết hợp với cảnh trần riêng biệt của mỗi thức. Còn thức thứ sáu thì có thể hợp tác với bất cứ thức nào trong tiền ngũ thức. Mà sự nhận thức của nó thuộc tánh khả biến.

Ngũ căn chỉ có thể nhận thức về cảm giác. Còn thức thứ sáu thì có tác dụng về tư duy và liễu ngộ. Cũng như nhãn căn là có năng lực về thị giác, nhưng chỉ có thể chiếu soi cảnh trần mà chẳng thể phân biệt. Còn nhãn thức qua thị giác thì có tác dụng nhận thức phân biệt (thuộc tánh cố định). Ý căn chỉ có năng lực tư duy, còn ý thức thì qua sự tư duy, rồi sanh tác dụng nhận thức phân biệt (thuộc tánh khả biến). Nói tóm lại, lục căn có thể giúp cho lục thức sanh khởi sự phân biệt cao độ vậy.

Kinh Pháp Bảo Đàn phân biệt lục căn với lục thức có nói : "Sắc thân (thân thể) của người thế gian là thành. Lục căn là cửa. Ngoài có năm cửa (tức ngũ căn nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân). Trong có cửa ý (tức ý căn). Khi 6 thức ra 6 cửa (tức lục căn), nếu ở nơi lục trần chẳng tạp, chẳng nhiễm thì tới lui tự do, ứng dụng chẳng ngại, tức là Bát-nhã tam muội, tự tại giải thoát, gọi là vô niệm hạnh.

Bát Thức qui-củ Tụng có câu : "Khứ hậu lai tiên tác chủ công".

Thức thứ tám chứa các chủng tử của thiện ác nghiệp. Khi đầu thai thì đến trước nhất (lai tiên), khi chết là cái rời khỏi nhục thân sau cùng (khứ hậu). Do tánh chấp ngã của thức thứ bảy kết hợp với sinh lý của cơ thể mà làm chủ nhân nơi thân này. Bắt đầu từ tinh cha trứng mẹ kết hợp thành thai nhi. Nhờ bát thức làm cơ nhân (DNA) mà dần dần hình thành hệ thống thần kinh của bộ não, đồng thời cùng khắp các tế bào và lục phủ ngũ tạng của toàn thân. Do bộ não làm thủ tướng. Do sự lôi kéo của ngã chấp, khiến lục thức với lục căn hợp tác mà nghe theo lệnh của bộ não. Nhưng mà, lục căn thuộc về sắc-pháp (thể vật chất), lục thức thuộc về tâm-pháp (thể tinh thần), căn có thể hoại diệt, thức thì chẳng thể hoại diệt. Nếu tu hành đếnkiến tánh thì được chuyển bát thức thành tứ trí mà ra khỏi luân hồi. Chấm dứt sự sanh tử, dứt hẳn sự đầu thai chuyển thế, tự do tự tại vĩnh viễn, chẳng còn tạo nghiệp và bị nghiệp lực trói buộc.

Về chuyển thức thành Trí trong kinh Pháp Bảo Đàn có 8 câu kệ :

Đại viên cảnh Trí tánh thanh tịnh,

Bình đẳng tánh Trí tâm chẳng bệnh,

Diệu quan sát Trí chẳng tác ý,

Thành sở tác Trí đồng viên cảnh.

Ngũ, bát, lục, thất quả nhân chuyển,

Chỉ dùng tên gọi chẳng thật tánh.

Nếu ngay nơi chuyển chẳng dính mắc,

Ở chỗ náo động cũng đại định.

Lược giải :

"Đại viên cảnh Trí tánh thanh tịnh". Thức thứ tám chuyển thành Trí như gương tròn chiếu soi, phổ chiếu vạn pháp là Trí vốn thanh tịnh của bản tánh.

"Bình đẳng tánh Trí tâm chẳng bệnh". Thức thứ bảy chấp thức thứ tám là ta (thức thứ tám là bản thể của tất cả pháp) thành bệnh ô nhiễm, nay chuyển thành "Bình đẳng tánh Trí" ảnh hưởng thức thứ sáu chẳng khởi phân biệt tưởng thì tâm chẳng bệnh.

"Diệu quan sát Trí chẳng tác ý". Khi thức thứ sáu chuyển thành "Diệu quan sát Trí" rồi dù thấy mà chẳng có tác ý.

"Thành sở tác Trí đồng viên cảnh". Tiền ngũ thức duyên theo sự lãnh đạo của thức thứ sáu mà khởi vọng tưởng phân biệt khi chuyển thành "Thành sở tác Trí" rồi, tức đồng "Đại viên cảnh Trí", dù dùng mà chẳng tác ý phân biệt.

"Ngũ, bát, lục, thất quả nhân chuyển". Lục và thất là trong nhân chuyển (thức thứ sáu là nhân tiệm tu, thuộc Giáo-môn, thức thứ bảy là nhân Đốn ngộ, thuộc Thiền-môn), ngũ và bát là trên quả chuyển vì hễ vọng chấp của thức thứ bảy chuyển thì ngũ và bát cũng chuyển theo.

"Chỉ dùng tên gọi chẳng thật tánh". Tám thứ thức kể trên chuyển thành tứ Trí chỉ là tên gọi chẳng có tánh thực, nghĩa là chỉ chuyển cái tên mà chẳng phải chuyển cái thể vậy.

"Nếu ngay nơi chuyển chẳng dính mắc". Nếu ở nơi chuyển mà chẳng chấp trước (chẳng chấp thật).

"Ở chỗ náo động cũng đại định". Bất cứ ở chỗ hoàn cảnh náo động cách mấy cũng đều là đại định (chẳng có nhập định xuất định, vĩnh viễn ở trong định).

Chư Tổ đã triệt ngộ mỗi mỗi đều tự có cái cơ-xảo phương tiện để khế hợp với đương-cơ. Hoặc đánh hoặc hét hoặc nói hoặc nín.... Các cơ-xảo ấy giống như sự bày đặt vô lý, nhưng lại có tác dụng đột nhiên cắt đứt nguồn suối ý thức của hiện nghiệp người đó. Mục đích là để khiến học giả ngay đó khai-ngộ, chẳng phải muốn học giả hiểu rõ đạo lý. Nếu học giả tự làm tài khôn, dùng ý thức cầu tri giải đạo lý tức tự bế tắc cửa ngộ của mình. Như thế thì vĩnh viễn chẳng ngộ được. Xin các bạn đồng tham cẩn thận !

Lời Kinh : Cho nên A-nan, nay ngươi phải biết lúc thấy sáng, kiến-tinh (tánh thấy) chẳng phải là sáng; lúc thấy tối, kiến-tinh chẳng phải là tối; lúc thấy thông, kiến-tinh chẳng phải là thông; lúc thấy nghẽn, kiến-tinh chẳng phải là nghẽn. Bốn nghĩa trên chứng tỏ kiến-tinh chẳng theo cảnh trần sanh diệt. Ngươi còn nên biết "Kiến kiến chi thời" (lúc cái bản Kiến tự hiện), "Kiến phi thị kiến" (kiến chẳng phải là kiến), "Kiến do ly kiến" (kiến còn phải lìa kiến), "Kiến bất năng cập" (vì kiến chẳng thể thấy được kiến), tại sao còn nói tướng nhân duyên, tự nhiên, và hòa hợp ?

Tông Thông : Đây là Thế-tôn hiển bày đệ nhất nghĩa đế, gọi là Diệu Bồ-đề Đạo vậy. Kiến và kiến-duyên gồm đủ năm nghĩa : sáng, tối, thông, nghẽn là bốn thứ kiến-duyên (sở kiến), còn kiến-tinh là một thứ "Kiến" vọng (năng kiến). Thế-tôn ở đây phân biệt Kiến (kiến-tinh) và kiến-duyên (là tướng sáng tối thông nghẽn). Đem bốn nghĩa sở kiến suy luận thì chứng tỏ kiến-tinh lìa trần mà có (trần có sanh diệt, kiến-tinh không có sanh diệt). Cũng nhờ suy luận này mà phân biệt Chơn-kiến. Chơn-kiến thường chiếu rõ kiến-tinh, mà kiến-tinh chẳng thể chiếu rõ Chơn-kiến. Chơn-kiến là đệ nhất nguyệt (Chơn nguyệt) nên cho kiến-tinh là vọng (như đệ nhị nguyệt).

Than ôi, Kiến do ly kiến, dù nói là kiến nhưng còn phải lìa kiến, bởi vì kiến-tinh chẳng thể thấy được (kiến bất năng cập). Do đó nơi nào có bóng dáng để mô tả mà cho là nhân duyên, là tự nhiên, là hòa hợp,... ấy chẳng phải vọng sao ?

Tác giả bài viết: Liễu Phàm

Nguồn tin: Tông Phong Tàng Thư