Kinh Viên Giác - quyển 2

 Quyển 1Quyển 2, Quyển 3Quyển 4Quyển 5Quyển 6
Q​uyển 2

Khi ấy Phổ-hiền Bồ-tát ở trong Đại-chúng từ chỗ ngồi đứng dậy, đi nhiễu quanh Phật ba vòng, đảnh lễ chân Phật, chắp tay quỳ gối bạch Phật rằng :

- Xin đại bi Thế-Tôn vì các Bồ-tát trong Hội này và tất cả chúng sanh đời Mạt-pháp cùng người tu Đại-thừa khai-thị cảnh giới trong sạch của Viên-giác này nên tu hành như thế nào ? Bạch Thế-tôn ! Nếu chúng sanh ấy đã biết thế giới như huyễn, thân tâm cũng huyễn, tại sao lại dùng huyễn để tu huyễn ? Nếu các tánh huyễn đều diệt hết thì chẳng có tâm, vậy còn ai tu hành ? Tại sao lại nói tu hành như huyễn ? Nếu những chúng sanh vốn chẳng tu hành thường chịu sanh tử nơi huyễn hoá thì chẳng biết ấy là cảnh giới như huyễn, làm sao khiến tâm vọng tưởng được giải thoát ? Xin Thế-tôn vì tất cả chúng sanh đời Mạt-pháp chỉ dạy nên dùng phương tiện nào để tu tập theo thứ lớp, lìa hẳn các huyễn.

Ngài Phổ-hiền Bồ-tát nói xong, năm vóc gieo sát đất, đảnh lễ thưa thỉnh ba lần như vậy.

Bấy giờ Phật bảo Phổ-hiền Bồ-tát rằng :

- Lành thay ! Lành thay ! Thiện-nam-tử ! Ngươi khéo vì các Bồ-tát và chúng sanh đời Mạt-pháp hỏi Như-lai về phương tiện và thứ lớp tu tập Chánh-định như huyễn của Bồ-tát, khiến cho chúng sanh được lìa các huyễn. Nay ngươi hãy lắng nghe, Ta sẽ vì ngươi mà thuyết.

Lúc ấy Phổ-hiền Bồ-tát và Đại-chúng hoan hỷ vâng lời Phật dạy, im lặng mà nghe.

- Thiện-nam-tử ! Tất cả chúng sanh đủ thứ huyễn hoá đều sanh nơi Diệu-tâm Viên-giác của Như-lai, ví như hoa đốm từ hư không mà có, hoa đốm dù diệt, tánh hư không chẳng hoại, huyễn tâm của chúng sanh dù theo huyễn diệt, các huyễn diệt hết, Bản-giác chẳng động. Do Huyễn nói Giác, giác cũng là huyễn, nếu nói có Giác vẫn chưa lìa huyễn, nói không có Giác thì cũng như thế, nên nói các huyễn diệt hết gọi là Bản-giác chẳng động.

Thiện-nam-tử ! Tất cả Bồ-tát và chúng sanh đời Mạt-pháp nên xa lìa tất cả huyễn hoá, những cảnh giới hư vọng do vọng tâm cố chấp mà sanh. Nay xa lìa vọng tâm, cái tâm năng lìa cũng là huyễn, cũng phải xa lìa. Có sự xa lìa cũng là huyễn cũng phải xa lìa. Có sự xa lìa để lìa vẫn là huyễn, cũng phải lìa luôn, lìa rồi lại lìa nữa, đến chỗ chẳng có sở lìa mới dứt hẳn các huyễn. Ví như dùi cây lấy lửa, hai cây chà xát vào nhau, lửa ra thì cây cháy thành tro, khói diệt tro bay, đất chỗ nơi đốt vốn chẳng động; vậy dùng huyễn tu huyễn cũng như thế, các huyễn diệt hết nhưng chẳng phải đoạn diệt.

Thiện-nam-tử ! Biết huyễn tức là lìa, chẳng lập phương tiện; lìa huyễn tức là Giác, cũng chẳng thứ lớp. Tất cả Bồ-tát và chúng sanh đời Mạt-pháp theo đó tu hành, như thế mới được lìa hẳn các huyễn.

Lúc ấy Thế-tôn muốn giảng lại nghĩa này mà thuyết Kệ rằng :

Phổ-nhãn ngươi nên biết,

Tất cả các chúng sanh.

Vô-thủy huyễn vô-minh,

Đều nương Tâm-viên-giác,

Của Như-lai kiến lập.

Ví như những hoa đốm,

Nương hư không có tướng.

Hoa đốm nếu diệt rồi,

Hư không vốn chẳng động,

Huyễn từ Bản-giác sanh,

Huyễn diệt Giác viên mãn.

Bản-giác vốn chẳng động,

Như tất cả Bồ-tát,

Và Mạt-pháp chúng sanh.

Thường nên xa lìa huyễn,

Các huyễn thảy đều lìa,

Như dùi cây lấy lửa,

Cây hết lửa cũng diệt.

Giác vốn chẳng thứ lớp,

Phương-tiện cũng như thế.

Khi ấy Phổ-nhãn Bồ-tát ở trong Đại-chúng từ chỗ ngồi đứng dậy, đi nhiễu quanh Phật ba vòng, đảnh lễ chân phật, chấp tay quỳ gối bạch Phật rằng :

- Xin đại bi Thế-tôn vì các Bồ-tát trong Hội này và tất cả chúng sanh đời Mạt-pháp giảng về sự tu hành theo thứ lớp của Bồ-tát, nên quán như thế nào ? An trụ tâm như thế nào ? Những chúng sanh chưa ngộ, dùng phương tiện gì khiến đều được khai ngộ ? Bạch Thế-tôn ! Nếu những chúng sanh ấy chẳng biết phương-tiện và thiền-quán của Chánh-pháp, nghe Phật thuyết Chánh-định này tâm sanh mê muội, thì ở nơi Viên-giác chẳng thể ngộ nhập. Xin Phật từ bi vì chúng con và chúng sanh đời Mạt-pháp giả thiết phương tiện để được vào cửa tu hành.

Ngài Phổ-nhãn Bồ-tát nói xong, năm vóc gieo sát đất, đảnh lễ thưa thỉnh ba lần như vậy.

Bấy giờ Phật bảo Phổ-nhãn Bồ-tát rằng :

- Lành thay ! Lành thay ! Thiện-nam-tử ! Ngươi khéo vì các Bồ-tát và chúng sanh đời Mạt-pháp hỏi Như-lai về thiền quán và an trụ tâm như thế nào, phải nên theo thứ lớp tu hành như thế nào, cho đến giả thuyết đủ thứ phương tiện. Nay ngươi hãy lắng nghe, Ta sẽ vì ngươi mà thuyết.

Lúc ấy, Phổ-nhãn Bồ-tát và Đại-chúng hoan hỷ vâng lời Phật dạy, im lặng mà nghe.

Thiện-nam-tử ! Những Bồ-tát sơ học và chúng sanh đời Mạt-pháp muốn cầu Tâm-viên-giác trong sạch của Như-lai, nên dùng Chánh-niệm để xa lìa các huyễn.

Lược giải : Chánh-niệm tức là vô-niệm, vô niệm tức là lìa niệm, lìa niệm tức là lìa huyễn, lìa huyễn tức là tùy thuận Bản-giác trong sạch, phàm có khởi tâm động niệm, nơi Bản-thể Viên-giác đều thuộc về huyễn hoá. Ý Phật ở đây là : Ngoài Bản-niệm ra chẳng sanh một niệm nào thì các huyễn tự diệt, nên nói : "Xa lìa các huyễn".

Muốn giữ Chánh-niệm, trước tiên phải nương theo hạnh Sa-ma-tha (bằng như Chỉ-quán) của Như-lai, kiên trì Giới cấm, cho đồ Chúng an cư, tĩnh tọa trong Tịnh-thất. Hành-giả trước tiên hãy quán thân này do tứ Đại hoà hợp, những thứ tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, não, chất bẩn đều thuộc về Địa-đại. Nước mắt, nước mũi, mồ hôi, mỡ, máu, mủ, đờm, dãi, tiểu tiện, v.v... đều thuộc về Thủy-đại. Hơi ấm là Hoả-đại, hơi thở là Phong-đại. Nếu tứ Đại lìa nhau thì thân này ở đâu ? Nếu quán xét như thế thì biết thân này vốn chẳng có tự thể, do hoà hợp thành có tướng, thật ra đồng như huyễn hoá. Vì bốn duyên giả hợp mới vọng có lục căn, từ tứ đại sanh khởi lục căn, căn trần hoà hợp sanh khởi lục thức, do sáu Thức phân biệt sáu Trần, ghi nhớ tích tụ bên trong, tựa như có tướng nhân duyên hiện ra nên giả gọi là tâm.

Thiện-nam-tử ! Cái vọng tâm này nếu chẳng có sáu Trần thì chẳng thể có, tứ Đại tan rã thì cảnh Trần cũng không còn. Nhân duyên căn-trần đều tự tiêu tán, rốt cuộc cũng chẳng thấy có gì là tâm-phan-duyên.

Thiện-nam-tử ! Những chúng sanh ấy nếu huyễn-thân diệt huyễn-tâm cũng diệt, huyễn tâm diệt rồi huyễn-trần cũng diệt, huyễn-trần diệt rồi huyễn-diệt cũng diệt, cái biết huyễn-diệt diệt rồi thì phi-huyễn (Bản-giác) chẳng diệt, ví như chùi gương, bụi sạch gương sáng.

Thiện-nam-tử ! Phải biết thân tâm đều là cấu bẩn của huyễn, tướng cấu bẩn diệt hẳn thì mười phương trong sạch (Bản-giác trong sạch khắp mười phương không-gian và thời-gian).

Thiện-nam-tử ! Ví như hạt Châu-ma-ni, bản thể trong sạch vốn chẳng màu sắc, tùy theo màu sắc bên ngoài mà hiện ra màu sắc ấy, kẻ mê chẳng biết, thấy hạt Châu-ma-ni thật có màu sắc.

Thiện-nam-tử ! Tánh trong sạch của Viên-giác (Bản-giác) cũng như thế, tùy loại cảm ứng hiện ra thân tâm, kẻ mê chẳng biết, lại cho bản thể Viên-giác thật có thân tâm sắc tướng, chấp thành tự tướng cũng như vậy. Chúng sanh do đó chẳng thể xa lìa huyễn hoá, nên Ta nói thân tâm là cấu bẩn của huyễn hoá. Đối với người đã lìa được cấu bẩn của huyễn hoá gọi là Bồ-tát. Cấu bẩn là sở lìa, Bồ-tát là năng lìa, cấu bẩn sạch (sở lìa hết), đối đãi trừ (năng lìa hết), vậy tức chẳng còn năng sở tương đối để lìa cấu bẩn và tên gọi Người-năng-lìa (Bồ-tát).

Thiện-nam-tử ! Bồ-tát nầy với chúng sanh đời Mạt-pháp, do quán xét diệt được những bóng hình của vọng tâm tạo ra thì chứng được các pháp đều huyễn. Lúc ấy liền thấy mười phương trong sạch, vô biên hư không là Bản-giác sở hiện, Bản-giác tròn đầy sáng tỏ, hiển hiện Chơn-tâm trong sạch. Vì tâm trong sạch nên kiến trần trong sạch (có năng-thấy tức là Trần, chẳng phải Sắc-trần). Kiến trong sạch (chẳng còn năng kiến sở kiến) nên nhãn-căn trong sạch, nhãn-căn trong sạch nên nhãn-thức trong sạch, do nhãn-thức trong sạch nên văn-trần trong sạch (có năng-văn tức là Trần), văn trong sạch nên nhĩ-căn trong sạch, nhĩ-căn trong sạch nên nhĩ-thức trong sạch, do nhĩ-thức trong sạch nên giác-trần trong sạch (có năng-giác tức là Trần), như thế cho đến tỷ, thiệt, thân, ý đều cũng trong sạch như vậy.

Thiện-nam-tử ! Do sáu Căn trong sạch nên Sắc-trần trong sạch, sắc-trần trong sạch nên thanh-trần trong sạch, cho đến hương, vị, xúc pháp đều trong sạch như thế.

Thiện-nam-tử ! Do sáu Trần trong sạch nên Địa-đại trong sạch, địa-đại trong sạch nên thủy-đại trong sạch, hỏa-đại, phong-đại cũng đều trong sạch như thế.

Thiện-nam-tử ! Do Tứ-đại trong sạch nên Thập-nhị-xứ, Thập-bát-giới, cho đến Tam-giới đều trong sạch.

Vì các pháp thế gian của lục phàm trong sạch nên các pháp xuất thế gian của tứ Thánh như : Thập lực, tứ vô sở úy, tứ vô ngại trí, mười tám pháp bất cộng của Phật, ba mươi bảy phẩm trợ đạo, v.v... đều trong sạch. Như thế cho đến tám mươi bốn ngàn Pháp-môn-tổng-trì, tất cả đều trong sạch.

Thiện-nam-tử ! Nói tóm lại tất cả pháp đều là tướng, tánh vốn trong sạch. Vậy thì một thân trong sạch nên nhiều thân trong sạch; vì nhiều thân trong sạch như thế cho đến mười phương chúng sanh Viên-giác trong sạch.

Thiện-nam-tử ! Theo sự trong sạch kể trên, do một thế giới trong sạch nên nhiều thế giới trong sạch, vì nhiều thế giới trong sạch như thế cho đến khắp không-gian và thời-gian, tất cả bình đẳng trong sạch chẳng động.

Thiện-nam-tử ! Vì hư không bình đẳng chẳng động nên biết Giác-tánh bình đẳng chẳng động; vì tứ Đại bình đẳng chẳng động nên biết Giác-tánh bình đẳng chẳng động, như thế cho đến tám mươi bốn ngàn Pháp-môn-tổng-trì bình đẳng chẳng động, nên biết Giác-tánh bình đẳng chẳng động.

Thiện-nam-tử ! Giác-tánh cùng khắp, trong sạch chẳng động, tròn đầy chẳng có ngằn mé. Nên biết lục Căn cùng khắp Pháp-giới, Căn cùng khắp nên biết lục Trần cùng khắp Pháp-giới, Trần cùng khắp nên biết tứ Đại cùng khắp Pháp-giới, như thế cho đến Pháp-môn-tổng-trì đều cùng khắp Pháp-giới.

Thiện-nam-tử ! Do Diệu-giác ấy tánh vốn cùng khắp, nên tánh căn tánh trần chẳng hoại chẳng nhiễm. Vì căn trần chẳng hoại chẳng nhiễm như thế cho đến Pháp-môn-tổng-trì chẳng hoại chẳng nhiễm, như ánh sáng của trăm ngàn ngọn đèn chiếu trong một phòng, ánh sáng ấy cùng khắp chẳng hoại chẳng nhiễm.

Thiện-nam-tử ! Vì Bản-giác vốn thành tựu, nên biết Bồ-tát chẳng bị pháp trói buộc, chẳng cần pháp giải thoát, chẳng chán sanh tử, chẳng ưa Niết-bàn, chẳng kính trì Giới, chẳng ghét phá Giới, chẳng trọng tu lâu, chẳng khinh sơ học. Tạo sao ? Vì tất cả đều ở trong Bản-giác, ví như con mắt sáng tỏ, thấy rõ cảnh tượng trước mắt, ánh sáng ấy viên mãn chẳng sanh yêu ghét. Tại sao ? Vì Bản-thể ánh sáng bất nhị nên chẳng sanh yêu ghét vậy.

Thiện-nam-tử ! Bồ-tát này và chúng sanh đời Mạt-pháp tu tập tâm này đều được thành tựu. Vì Bản-giác vốn đầy đủ, dù nói tu tập thành tựu, thật vốn vô tu, cũng vô thành tựu. Vì Viên-giác phổ biến chiếu soi, tịch diệt bất nhị, trong đó bao gồm trăm ngàn muôn ức A-tăng-kỳ bất khả thuyết vô số Hằng-sa thế giới của chư Phật, ví như hoa đốm hiện trên hư không, khởi diệt lăng xăng, chẳng hợp chẳng lìa, chẳng trói buộc, chẳng giải thoát, vì thế mới biết chúng sanh bổn lai thành Phật, sanh tử và Niết-bàn đều như việc trong mộng.

Thiện-nam-tử ! Do các pháp như việc trong mộng, nên biết sanh tử và Niết-bàn chẳng sanh chẳng diệt, chẳng khứ chẳng lai, những sở chứng ấy chẳng đắc chẳng thất, chẳng thủ chẳng xả, những năng chứng kia vô tác, vô chỉ, vô nhậm, vô diệt; nơi pháp chứng này rốt cuộc vô năng chứng, vô sở chứng; tất cả Pháp tánh đều bình đẳng chẳng hoại.

Thiện-nam-tử ! Những Bồ-tát ấy nên tu hành như thế, theo thứ lớp như thế, quán tưởng như thế, an trụ tâm như thế, phương tiện như thế, khai ngộ như thế, cầu pháp như thế, tất cả thực hành đúng theo Chánh-pháp và Chánh-hạnh như thế thì tâm chẳng mê muội.

Lúc ấy Thế-tôn muốn giảng lại nghĩa này mà thuyết Kệ rằng :

Phổ-nhãn ngươi nên biết,

Tất cả những chúng sanh,

Thân tâm đều như huyễn,

Thân tướng thuộc tứ Đại,

Tâm tánh về lục trần.

Thể tứ Đại lìa nhau,

Ai là kẻ hoà hợp ?

Dần dần quán như thế,

Tất cả đều trong sạch.

Khắp Pháp-giới chẳng động,

Vô tác, chỉ, nhậm, diệt,

Cũng chẳng kẻ năng chứng.

Tất cả thế giới Phật,

Như hoa đốm trên không.

Tam thế đều bình đẳng,

Rốt cuộc chẳng khứ lai.

Những Bồ-tát sơ học,

Và chúng sanh Mạt-pháp.

Muốn cầu vào Phật-đạo,

Nên tu tập như thế.


Xem tiếp =>  Quyển 1Quyển 2Quyển 3Quyển 4Quyển 5Quyển 6

Tác giả bài viết: thichdaophat

Nguồn tin: Tông Phong Tàng Thư