Kinh Pháp Bảo Đàn - phẩm Cơ duyên (tt)

Phẩm Cơ duyên (tiếp theo)
Hành Tư Thiền-sư, họ Lưu, sanh ở An Thành, tỉnh Kiết Châu. Nghe nói ở Tào Khê có Giáo-pháp thịnh hành, bèn đến tham lễ, hỏi : Nên làm việc gì để khỏi lọt vào giai cấp ?

Sư hỏi : Ngươi đã từng làm việc gì ?

Ðáp : Thánh-đế cũng chẳng làm.

Sư hỏi : Lọt vào giai cấp nào ?

Ðáp : Thánh-đế còn chẳng làm, giai cấp nào mà có ?!

Sư rất trọng, cho là Pháp-khí, cho làm Quản-chúng.

Một hôm Sư nói : Ngươi nên hóa độ một nơi, chớ cho đoạn dứt Giáo-pháp đốn ngộ này.

Hành Tư Thiền-sư đã đắc Pháp, bèn về núi Thanh Nguyên ở Kiết Châu hoằng Pháp, sau được Vua sắc phong, hiệu là Hoằng Tế Thiền-sư.

*

Hoài Nhượng Thiền-sư, họ Ðỗ ở Kim Châu. Lúc ban đầu đến lễ An Quốc-sư ở Tung Sơn, An Quốc-sư sai đến Tào Khê tham vấn. Nhượng đến lễ bái. Sư hỏi : Từ đâu đến ?

Ðáp : Tung Sơn.

Sư hỏi : Cái vật gì mà đến như vậy ?

Nhượng trả lời chẳng được, nổi nghi-tình trải qua tám năm, sau nói với Sư : Nói tựa như một vật thì chẳng đúng.

Sư hỏi : Còn có thể tu chứng chăng ?

Ðáp : Tu chứng thì chẳng phải không, ô nhiễm thì chẳng thể được.

Sư ấn chứng rằng : Chỉ cái chẳng ô nhiễm này chư Phật đều hộ niệm, ngươi đã như vậy, Ta cũng như vậy. Nhượng hoát nhiên đại ngộ, bèn làm thị-giả bên Sư mười lăm năm, ngày càng thấu triệt huyền-chỉ thâm sâu. Sau đến núi Nam Nhạc, rộng truyền Thiền-tông, được Vua sắc phong, hiệu Ðại Huệ Thiền-sư.

*

Vĩnh Gia Huyền Giác Thiền-sư, họ Ðới quê ở Ôn Châu. Thuở nhỏ tu học Kinh-luận, chuyên về Pháp-môn chỉ quán của Thiên Thai Tông, nhân xem Kinh Duy-ma-cật phát minh Tâm-địa (kiến tánh). Bỗng gặp đệ-tử của Sư là Huyền Sách đến thăm, luận đàm với nhau; thấy lời nói của Huyền Giác khế hợp với Chư Tổ,

Huyền Sách hỏi : Thượng-tọa đắc Pháp nơi Thầy nào ?

Ðáp : Tôi nghe giảng Kinh-luận Ðại-thừa, mỗi mỗi đều có Thầy truyền thừa, sau xem Kinh Duy-ma-cật ngộ Tự-tâm-phật, nhưng chưa có Thầy ấn chứng.

Huyền Sách nói : Trước thời Phật Oai-âm-vương thì được, sau thời Phật Oai-âm-vương, không Thầy mà tự ngộ, ấy đều là Thiên-nhiên Ngoại-đạo.

Giác nói : Vậy xin nhờ Thượng-tọa vì tôi ấn chứng. Sách nói : Lời tôi chẳng đáng kể, ở Tào Khê nay có Lục-tổ Đại-sư, các nơi đều tụ tập đến đó để thọ Pháp, hễ đi thì cùng nhau đi. Huyền Giác bèn cùng với Huyền Sách đến tham vấn. Khi đến gặp Sư, Huyền Giác đi nhiễu ba vòng rồi đứng lại chống tích trượng.

Sư nói : Bậc Sa-môn phải đầy đủ ba ngàn oai nghi, tám vạn tế hạnh, Ðại-đức từ đâu đến mà sanh đại ngã mạn ?

Giác đáp : Sanh tử việc lớn, vô thường nhanh chóng.

Sư nói : Sao chẳng thể cứu (tham cứu) cái pháp vô sanh, liễu ngộ cái chẳng nhanh chóng ấy ư ?

Ðáp : Thể tức vô sanh, liễu vốn chẳng chóng. Sư bèn ấn chứng : Ðúng thế, đúng thế ! Lúc bấy giờ Huyền Giác mới trang nghiêm lễ bái, giây lát sau liền từ giã.

Sư nói : Sao về chóng thế ?

Ðáp : Tự vốn chẳng động, há có chóng sao ?

Sư hỏi : Ai biết chẳng động ?

Ðáp : Hòa-thượng tự sanh phân biệt.

Sư nói : Ngươi thật được ý vô sanh.

Ðáp : Vô sanh há có ý sao ?

Sư hỏi : Không ý ai biết phân biệt ?

Ðáp : Phân biệt cũng chẳng tác ý.

Sư nói : Lành thay ! Hãy ở lại một đêm. Người thời ấy tôn Huyền Giác là Nhất Túc Giác. Về sau Giác soạn bài Chứng Ðạo Ca thịnh hành khắp thế gian. Sau được sắc phong là Vô Tướng Đại-sư, người đời tôn là Chơn Giác.

*

Thiền-giả Trí Hoàng, tham học với Ngũ-tổ, tự cho mình đã được Chánh-thọ (chánh định), bèn chấp ngồi mãi trong am hơn hai mươi năm. Ðệ-tử của Sư là Huyền Sách hành cước đến Hà Bắc, nghe tên Trí Hoàng, liền đến am hỏi thăm : Ông ở đây làm gì ?

Hoàng nói : Nhập định.

Sách hỏi : Ông nói nhập định là có tâm nhập hay là không tâm nhập ? Nếu nói không tâm nhập thì tất cả loài vô tình, cây cối ngói đá đều phải được định; nếu nói có tâm nhập thì tất cả loài hữu tình cũng đều được định.

Hoàng nói : Ta đang lúc nhập định chẳng thấy có cái tâm Có và Không.

Sách nói : Chẳng thấy có cái tâm Có và Không tức là Thường-định, đâu có xuất nhập ? Hễ có xuất nhập thì chẳng phải Đại-định.

Hoàng không trả lời được, một lúc sau mới hỏi : Thượng-tọa nối Pháp ai ?

Sách nói : Thầy tôi là Tào Khê Lục-tổ Đại-sư.

Hoàng hỏi : Lục-tổ lấy gì làm thiền định ?

Sách nói : Thầy tôi nói : ''Tự-tánh huyền diệu trạm nhiên, viên tròn tịch diệt, thể dụng như như, ngũ uẩn vốn không, lục trần phi thật, chẳng xuất chẳng nhập, chẳng định chẳng loạn, tánh thiền vô trụ, chẳng trụ nơi thiền tịch, tánh thiền vô sanh, chẳng khởi thiền tưởng (chẳng tác ý cho là thiền), tâm như hư không, cũng chẳng có cái số lượng của hư không''. Hoàng nghe nói như vậy bèn đến lễ Sư.

Sư hỏi : Thượng-tọa từ đâu đến ? Hoàng thuật lại nhân duyên gặp Huyền Sách. Sư nói : Thật đúng như Huyền Sách nói. Ngươi hễ tâm như hư không, chẳng chấp vào không, ứng dụng vô ngại, động tịnh vô tâm (chẳng tác ý), Thánh phàm đều quên, năng sở đều diệt, tánh tướng như như, thì không lúc nào chẳng phải định vậy.

Trí Hoàng do đó đại ngộ, cái tâm-sở-đắc từ hai mươi năm đến nay đều tan rã chẳng còn hình bóng. Sau từ giã Sư về nơi Hà Bắc hoằng Pháp, khai hoá tứ Chúng.

*

Có một Đồng-tử tên là Thần Hội, họ Cao, ở Tương Dương. Lúc mười ba tuổi từ chùa Ngọc Tuyền đến tham lễ.

Sư nói : Tri-thức từ xa đến khổ nhọc, có đem theo cái 'bản lai' đến chăng ? Nếu có bản lai thì phải biết 'chủ nhơn', thử nói xem ?

Hội đáp : Lấy vô trụ làm Bản, cái thấy tức là Chủ.

Sư nói : Sa-di này hay nói càn !

Hội lại hỏi : Hòa-thượng toạ thiền Thấy hay Chẳng-thấy ?

Sư cầm cây gậy đánh cho ba cái.

Hỏi  : Ta đánh ngươi có đau hay chẳng đau ?

Ðáp : Cũng đau cũng không đau.

Sư nói : Ta cũng thấy cũng chẳng thấy !

Hỏi : Thế nào là cũng thấy cũng chẳng thấy ?

Sư nói : Cái thấy của Ta, thường thấy lỗi của Tự-tâm, chẳng thấy phải quấy tốt xấu của người, cho nên cũng thấy cũng chẳng thấy. Ngươi nói cũng đau cũng chẳng đau là thế nào ? Nếu chẳng đau thì đồng với cỏ đá, nếu đau thì đồng với phàm phu, liền khởi sân hận. Ngươi vừa hỏi thấy, không thấy là nhị biên (đối đãi), nói đau, không đau là sanh diệt, Tự-tánh ngươi còn chẳng tự thấy mà dám đùa người khác ? Thần Hội bèn lễ bái cầu xin sám hối.

Sư lại nói : Ngươi nếu tâm mê chẳng thấy, cần phải hỏi Thiện-tri-thức để chỉ đường, ngươi nếu tâm ngộ tức tự thấy Tánh, phải y Pháp tu hành. Nay ngươi mê chẳng thấy Tự-tâm, lại đến hỏi Ta thấy hay không thấy, Ta thấy tự Ta biết, chẳng dính dáng cái mê của ngươi, ngươi nếu tự thấy, cũng chẳng dính dáng cái mê của Ta, sao chẳng tự thấy tự biết, mà lại hỏi Ta thấy hay chẳng thấy ?

Thần Hội lại lễ thêm hơn trăm lạy, xin sám hối tội lỗi, ân cần hầu hạ bên Sư chẳng rời.

Một hôm Sư bảo Chúng : Ta có một vật, chẳng đầu chẳng đuôi, chẳng danh chẳng tự, chẳng lưng chẳng mặt, các ngươi có biết chăng ?

Thần Hội bèn ra nói : Ấy là bổn nguyên của chư Phật, Phật-tánh của Thần Hội.

Sư nói : Ðã nói với ngươi là chẳng danh chẳng tự, ngươi bèn gọi là bổn nguyên Phật-tánh, ngươi sau này dẫu cho có ra hoằng Pháp cũng chỉ thành một môn đồ tri giải mà thôi.

Sau khi Lục Tổ viên tịch, Thần Hội vào trong Kinh thành Lạc Dương, rộng truyền Đốn-giáo của Tào Khê, soạn bộ Hiển Tông Ký thịnh hành nơi đời, hiệu là Hà Trạch Thiền-sư.

*

Tăng hỏi Sư : Ý chỉ của Huỳnh Mai người nào được ?

Sư đáp : Người hiểu Phật-pháp được.

Hỏi : Hòa-thượng có được chăng ?

Ðáp : Ta chẳng hiểu Phật-pháp.

*

Một hôm, Sư muốn giặt cái Y của Ngũ-tổ truyền thọ mà xung quanh không có suối tốt, nên đi đến cách sau chùa năm dặm, thấy có núi rừng xanh biếc, thoại khí vòng quanh (thoại khí là triệu chứng tốt lành hiện trên không khí, nhưng phải là người có Pháp-nhãn mới thấy được). Sư chống tích trượng xuống đất, nước suối ngay đó trào ra, chảy thành cái ao. Sư quỳ trên đá mà giặt Y. Có vị Tăng ở Tây Thục tên là Phương Biện đến lễ Sư,

Sư hỏi : Thượng-tọa làm nghề gì ?

Ðáp : Thợ đắp tượng.

Sư nghiêm mặt lại nói : Ngươi thử đắp Ta xem ! Biện ngơ ngác, qua mấy ngày sau đắp xong chơn tượng, cao bảy tấc, nét mặt tánh tình đều được tỏ bày khéo léo. Sư cười nói : Ngươi khéo tánh đắp tượng mà chẳng hiểu tánh Phật. Sư sờ đầu thọ-ký, dặn phải trọn làm phước điền cho Trời người; rồi lấy Y mà trả công. Biện chia Y làm ba phần : Một phần đắp lên pho tượng, một phần tự giữ lấy, một phần lấy lá cây kè gói lại, xong chôn dưới đất, nguyện rằng : 'Cho tôi đời sau được Y này, làm Trụ-trì nơi đây, xây dựng lại chùa chiền'. Ðến năm thứ tám, niên hiệu Gia Hữu đời nhà Tống (1056-1063, cách đó 380 năm), có vị Tăng tên là Duy Tiên đến đó tu sửa lại chùa chiền, đào đất được Y còn như mới. Pho tượng của Sư còn giữ ở chùa Cao Tuyền.

Có vị Tăng đem bài kệ của Ngọa Luân Thiền-sư lập lại với Sư, Kệ rằng :

Ngọa Luân có bản lãnh,

Dứt được trăm tư tưởng.

Ðối cảnh tâm chẳng khởi,

Bồ-đề luôn luôn trưởng.

Sư nghe xong nói : Kệ này chưa rõ Tâm-địa, nếu theo đó mà hành thì lại thêm trói buộc. Do đó khai-thị một bài kệ :

Huệ Năng không bản lãnh,

Chẳng dứt trăm tư tưởng.

Đối cảnh tâm cứ khởi, 

Bồ-đề làm sao trưởng ? !

>> Phẩm Đốn tiệm. 

 

Tác giả bài viết: Liễu Phàm

Nguồn tin: Tông Phong Tàng Thư