Kinh Lăng Nghiêm - Quyển 3

quyển 3 phần đầu

LỤC NHẬP

- Lại nữa, A-nan ! Sao nói Lục Nhập vốn là Như-lai-tạng, cũng là Diệu-tánh chơn như ?

15. NHÃN NHẬP VỐN VÔ SANH

- Ví như dùng mắt ngó hẳn một chỗ, lâu tự mỏi mệt, cả con mắt và cái mỏi mệt đó, đều là tướng ngó lâu mỏi mệt của tánh Bồ-đề. Do hai thứ vọng trần Sáng và Tối hiện ra cái thấy, thu nạp cảnh trần, gọi là Tánh-thấy; cái thấy này lìa Sáng và Tối vốn chẳng có tự thể.

- A-nan nên biết ! Kiến-tinh này chẳng từ sáng, tối ra, chẳng từ con mắt ra, cũng chẳng từ hư không ra. Tại sao ? Nếu từ chỗ sáng ra, thì khi tối, Kiến-tinh đã theo sáng diệt, lẽ ra chẳng thể thấy tối; nếu từ chỗ tối ra, thì khi sáng, Kiến-tinh phải theo tối diệt, lẽ ra chẳng thể thấy sáng. Nếu từ con mắt ra thì chẳng có sáng tối, vậy biết Kiến-tinh vốn chẳng có tựtánh. Nếu từ hư không ra, thì nhìn ra ngoài thấy cảnh trần, xoay về phải thấy con mắt; lại, hư không tự thấy có liên quan gì chỗ nhập của ngươi ? Vậy biết Nhãn Nhập hư vọng, vốn chẳng phải tánh nhân duyên cũng chẳng phải tánh tự nhiên.

16. NHĨ NHẬP VỐN VÔ SANH

- A-nan ! Ví như có người lấy hai ngón tay bịt chặt hai lỗ tai, do lỗ tai mỏi mệt, trong đầu hóa ra có tiếng; cả hai tai cùng cái mỏi mệt đó, đều là tướng ngó lâu mỏi mệt của tánh Bồ-đề. Do hai thứ vọng trần Động và Tịnh hiện ra cái nghe, thu nạp cảnh trần, gọi là Tánh-nghe; cái nghe này lìa Động và Tịnh, vốn chẳng có tự thể.

- A-nan nên biết ! Cái nghe này chẳng từ động tịnh ra, chẳng từ tai ra, cũng chẳng từ hư không ra. Tại sao ? Nếu cái nghe từ chỗ tịnh ra, thì khi động, cái nghe đã theo tịnh diệt, lẽ ra chẳng thể nghe động; nếu từ chỗ động ra, thì khi tịnh, cái nghe đã theo động diệt, lẽ ra chẳng biết được tịnh. Nếu từ lỗ tai ra thì chẳng có động tịnh, vậy biết cái nghe vốn chẳng có tựtánh. Nếu từ hư không ra, hư không đã thành tánh nghe thì chẳng phải hư không; lại hư không tự nghe, có liên quan gì chỗ nhập của ngươi ? Vậy biết Nhĩ Nhập hư vọng, vốn chẳng phải tánh nhân duyên, cũng chẳng phải tánh tự nhiên.

17. TỶ NHẬP VỐN VÔ SANH

- A-nan ! Ví như có người hít mạnh hai lỗ mũi, hít lâu mỏi mệt, thì trong lỗ mũi có xúc giác thấy mát. Do xúc giác phân biệt thông, nghẽn, hư, thật, cho đến các mùi thơm thối, cùng lỗ mũi và cái hít lâu mỏi mệt đó, đều là tướng ngó lâu mỏi mệt của tánh Bồ-đề. Do hai thứ vọng trần Thông và Nghẽn, hiện ra cái ngửi, thu nạp cảnh trần, gọi là Tánh-ngửi ! Cái ngửi này lìa thông và nghẽn vốn chẳng có tự thể.

- A-nan nên biết ! Cái ngửi này chẳng từ thông nghẽn ra, chẳng từ lỗ mũi ra, cũng chẳng từ hư không ra. Tại sao ? Nếu từ chỗ thông ra, thì khi nghẽn, cái ngửi đã mất, làm sao biết nghẽn ? Nếu từ nghẽn ra, thì khi thông, chẳng còn cái ngửi, làm sao biết các mùi thơm thối ? Nếu từ lỗ mũi ra, thì chẳng có thông nghẽn, vậy biết cái ngửi vốn chẳng có tựtánh. Nếu từ hư không ra, thì hư không phải ngửi lỗ mũi của ngươi; lại hư không tự ngửi, có liên quan gì chỗ nhập của ngươi ? Vậy biết Tỷ Nhập hư vọng vốn chẳng phải tánh nhân duyên, cũng chẳng phải tánh tự nhiên.

18. THIỆT NHẬP VỐN VÔ SANH

- A-nan ! Ví như có người dùng lưỡi liếm mép, liếm mãi mỏi mệt, người có bệnh thấy có vị đắng, người chẳng bệnh thấy có chút vị ngọt, do vị giác thấy ngọt và đắng, tỏ rõ cái lưỡi lúc chưa phát dụng vốn chẳng có vị giác. Cả cái lưỡi cùng cái mỏi mệt đó, đều là tướng ngó lâu mỏi mệt của tánh Bồ-đề. Do hai thứ vọng trần Ngọt và Đắng, hiện ra vị giác, thu nạp cảnh trần gọi là Tánh-nếm; tánh nếm này lìa ngọt và đắng vốn chẳng có tự thể.

- A-nan nên biết ! Cái biết đắng biết ngọt này chẳng từ ngọt đắng ra, chẳng từ lưỡi ra, cũng chẳng từ hư không ra. Tại sao ? Nếu từ đắng ra, thì khi ngọt, tánh nếm đã diệt, làm sao biết ngọt ? Nếu từ ngọt ra, thì khi đắng, tánh nếm đã diệt, làm sao biết đắng ? Nếu từ lưỡi ra thì chẳng có ngọt đắng, vậy biết vị giác vốn chẳng có tựtánh. Nếu từ hư không ra, thì hư không tự nếm chứ chẳng phải ngươi nếm; lại, hư không tự nếm, có liên quan gì đến chỗ nhập của ngươi ? Nên biết Thiệt Nhập hư vọng, vốn chẳng phải tánh nhân duyên, cũng chẳng phải tánh tự nhiên.

19. THÂN NHẬP VỐN VÔ SANH

- A-nan ! Ví như có người dùng bàn tay lạnh tiếp xúc với bàn tay nóng, nếu bên lạnh nhiều hơn thì bên nóng cũng thành lạnh theo; nếu bên nóng nhiều hơn thì bên lạnh cũng thành nóng theo, cái xúc giác của hai tay hợp lại là nhờ khi hai tay rời ra mới được biết rõ, sở dĩ thế nóng nhiều liền theo nóng, thế lạnh nhiều liền theo lạnh, là do nơi xúc giác mỏi mệt mà thành. Cả cái thân và cái mỏi mệt đó, đều là tướng ngó lâu mỏi mệt của tánh Bồ-đề. Do hai thứ vọng trần Ly và Hợp, hiện ra xúc giác, thu nạp cảnh trần, gọi là Tánh-xúc; tánh xúc giác này lìa sự ly, hợp, thuận, nghịch vốn chẳng có tự thể.

- A-nan nên biết ! Xúc giác này chẳng từ ly hợp ra, chẳng từ thuận nghịch ra, chẳng từ thân thể ra, cũng chẳng từ hư không ra. Tại sao ? Nếu từ hợp ra, thì khi ly, tánh xúc giác đã diệt, làm sao biết ly ? Đối với hai tướng thuận nghịch thì cũng như vậy. Nếu từ thân thể ra thì chẳng có ly, hợp, thuận, nghịch, vậy biết xúc giác của ngươi vốn chẳng có tựtánh. Nếu từ hư không thì hư không tự hay biết, có liên quan gì đến chỗ nhập của ngươi ? Nên biết Thân Nhập hư vọng, vốn chẳng phải tánh nhân duyên cũng chẳng phải tánh tự nhiên.

20. Ý NHẬP VỐN VÔ SANH

- A-nan ! Ví như có người mệt nhọc thì ngủ, ngủ đã bèn thức, gặp cảnh thì nhớ, không nhớ thì quên, như cảnh mộng giả dối cho là chơn thật, ấy là điên đảo. Các tướng sanh, trụ, dị, diệt, tùy duyên thay đổi từng sát-na, chẳng vượt khỏi nhau. Gom sự hiểu biết trong đó thành tướng mỏi mệt; cả ý căn cùng cái mỏi mệt đó, điều là tướng ngó lâu mỏi mệt của tánh Bồ-đề.

- Do hai thứ vọng trần Sanh và Diệt, vọng khởi pháp trần bên trong, thành cái biết của ý căn. Ý căn như dòng nước, sự trước mắt nhờ tai mắt thấy nghe tiền trần bên ngoài là thuận lưu (đồng thời ý thức); sự tưởng nhớ chẳng nhờ tai mắt được thấy nghe pháp trần bên trong là nghịch lưu (độc đầu ý thức), khi chảy ngược vào chỗ tai mắt chẳng thể đến (sự vật đã qua hoặc cách xa), chỉ có ý căn mới biết, gọi là tánh hay biết của ý căn; tánh hay biết này lìa thức, ngủ, sanh, diệt, vốn chẳng có tự thể.

- A-nan nên biết ! Cái hay biết của ý căn chẳng từ thức ngủ ra, chẳng từ sanh diệt ra, chẳng từ ý căn ra, cũng chẳng từ hư không ra. Tại sao ? Nếu từ thức ra, thì khi ngủ, ý căn đã theo thức diệt, lấy gì để biết ngủ ? Nếu từ sanh mà ra, thì khi diệt đồng như không, ai biết sự diệt ? Nếu từ diệt ra thì khi sanh đã không có, ai biết sự sanh ? Nếu từ ý căn ra thì chẳng có tướng thức, ngủ, vậy cái hay biết của ý căn đồng như hoa đốm trên không, vốn chẳng có tựtánh. Nếu từ hư không ra, thì hư không tự biết, có liên quan gì đến chỗ nhập của ngươi ? Nên biết, Ý Nhập hư vọng, vốn chẳng phải tánh nhân duyên, cũng chẳng phải tánh tự nhiên.

THẬP NHỊ XỨ

- Lại nữa A-nan ! Sao nói Thập Nhị Xứ vốn là Như-lai-tạng, cũng là Diệu-tánh Chơn-như ?

21. NHÃN CĂN VỚI SẮC TRẦN VỐN VÔ SANH

- A-nan ! Ngươi hãy xem rừng cây và các suối ao trong vườn Kỳ-đà này, ý ngươi thế nào ? Ấy là sắc trần sanh ra nhãn căn, hay nhãn căn sanh ra sắc tướng ?

- A-nan ! Nếu nhãn căn sanh ra sắc tướng, vậy khi nhìn hư không chẳng phải sắc tướng, thì tánh sắc phải mất; hễ mất thì tất cả chẳng có, sắc tướng chẳng có thì làm sao rõ được tánh không ? Sự không cũng như thế.

- Lại, nếu sắc trần sanh ra nhãn căn, thì khi nhìn hư không chẳng phải sắc, nhãn căn liền mất, nhãn căn đã mất thì lấy gì để phân biết Sắc và Không. Nên biết sự thấy và sắc không đều chẳng xứ sở, tức sắc trần và sự thấy, hai xứ đều hư vọng, vốn chẳng phải tánh nhân duyên, cũng chẳng phải tánh tự nhiên.

22. NHĨ CĂN VỚI THANH TRẦN VỐN VÔ SANH

- A-nan ! Ngươi lại nghe trong vườn Kỳ-đà này, khi đến bữa ăn thì đánh trống, khi hợp Chúng thì đánh chuông, tiếng chuông tiếng trống trước sau nối nhau. Ý ngươi thế nào ? Ấy là cái tiếng đến bên nhĩ căn, hay nhĩ căn đến chỗ cái tiếng ?

- A-nan ! Nếu cái tiếng đến bên nhĩ căn, cũng như ta khất thực trong thành Thất-la-phiệt, ở trong rừng Kỳ-đà chẳng có ta. Cái tiếng này ắt phải đến chỗ nhĩ căn của A-nan, thì Mục-liên, Ca-diếp đều chẳng thể cùng nghe, huống là trong này có 1250 vị Sa-môn, đồng nghe tiếng chuông cùng đến Trai-đường !

- Nếu nhĩ căn của ngươi đến bên cái tiếng, cũng như Ta đã về rừng Kỳ-đà, trong thành Thất-la-phiệt chẳng có Ta. Vậy khi ngươi nghe tiếng trống, nhĩ căn đã đến chỗ đánh trống rồi, khi ấy tiếng chuông đồng phát ra thì chẳng thể cùng nghe một lượt, huống là các tiếng voi, ngựa, trâu, dê v.v...Nếu nhĩ căn và cái tiếng chẳng khứ lai thì cũng chẳng thể nghe. Nên biết, sự nghe và âm thanh đều chẳng xứ sở, tức sự nghe và âm thanh hai xứ đều hư vọng, vốn chẳng phải tánh nhân duyên, cũng chẳng phải tánh tự nhiên.

23. TỶ CĂN VỚI HƯƠNG TRẦN VỐN VÔ SANH

- A-nan ! Ngươi hãy ngửi mùi hương chiên-đàn trong lư này, hương này nếu đốt đến một thù (độ một chỉ), thì thành Thất-la-phiệt trong 40 dặm, đồng thời ngửi được mùi hương. Ý ngươi thế nào ? Mùi hương này từ cây chiên-đàn ra, từ tỷ căn ra, hay từ hư không ra ?

- Nếu mùi hương này từ tỷ căn của ngươi ra thì tỷ căn chẳng phải chiên đàn, tại sao trong tỷ căn lại có mùi hương chiên đàn, mà gọi là ngươi ngửi được mùi hương ? Lại trong tỷ căn phát ra mùi hương, mà nói là ngửi được thì chẳng đúng nghĩa.

- Nếu từ hư không ra, thì tánh hư không thường còn, mùi hương cũng phải thường có, đâu cần đợi đốt cây chiên-đàn trong lư rồi mới có mùi hương ?

- Nếu mùi hương từ cây chiên-đàn ra, tức là chất hương này do đốt thành khói, tỷ căn ngửi được là nhờ hơi khói, thì tại sao khói ấy bay lên trên hư không chưa được bao xa, mà trong 40 dặm đã ngửi được mùi hương ? Nên biết mùi hương và cái ngửi đều chẳng xứ sở, tức cái ngửi và mùi hương hai xứ đều hư vọng, vốn chẳng phải tánh nhân duyên, cũng chẳng phải tánh tự nhiên.

24. THIỆT CĂN VỚI VỊ TRẦN VỐN VÔ SANH

- A-nan ! Ngươi thường hai thời ở trong Chúng ôm bình bát khất thực, đôi lúc gặp những món tô, lạc, đề hồ, gọi là vị ngon, ý ngươi thế nào ? Mùi vị từ hư không ra, từ thiệt căn ra, hay từ đồ ăn ra ?

- A-nan ! Nếu mùi vị này từ thiệt căn của ngươi ra, thì trong miệng ngươi chỉ có một thiệt căn, thiệt căn bấy giờ đã thành vị tô rồi, nếu gặp đường phèn, lẽ ra vị tô chẳng dời đổi; nếu chẳng dời đổi thì chẳng được nói là biết mùi vị, còn nếu dời đổi thì thiệt căn chẳng phải nhiều thể, làm sao một thiệt căn lại biết được nhiều mùi vị ?

- Nếu từ đồ ăn ra, thì đồ ăn chẳng tri giác, làm sao tự biết được mùi vị ? Lại đồ ăn tự biết thì cũng đồng như người khác ăn, có liên quan gì đến ngươi mà gọi là tánh biết vị của ngươi ?

- Nếu từ hư không ra, thì ngươi hãy nếm thử hư không xem là mùi vị gì ? Hư không nếu là vị mặn, thì đã làm mặn thiệt căn của ngươi, ắt phải làm mặn mặt ngươi và mọi người trong cõi này đều như cá biển, đã thường chịu cái mặn, chẳng còn biết thế nào là lạt nữa; và nếu chẳng biết lạt, thì cũng chẳng phân biệt được mặn. Nếu chẳng biết mặn lạt, thì làm sao gọi là biết mùi vị ? Nên biết, mùi vị và sự nếm đều chẳng có xứ sở, tức nếm và mùi vị hai xứ đều hư vọng, vốn chẳng phải tánh nhân duyên, cũng chẳng phải tánh tự nhiên.

25. THÂN CĂN VỚI XÚC TRẦN VỐN VÔ SANH

- A-nan ! Ngươi thường buổi sáng lấy tay xoa đầu, ý ngươi thế nào ? Cái xúc giác khi xoa đầu này từ đâu mà ra ? Từ nơi tay hay từ nơi đầu ?

- Nếu từ nơi tay thì cái đầu chẳng biết, làm sao thành có xúc giác ? Nếu từ nơi đầu mà chẳng dùng tay thì làm sao gọi là xúc giác được ? Nếu cả hai mỗi mỗi tự có xúc giác, thì một mình ngươi phải có hai thân.

- Nếu đầu và tay chỉ một xúc giác sanh ra, thì đầu và tay thành một thể; nếu một thể thì xúc giác ở bên nào ? Ở bên năng thì chẳng ở bên sở, ở bên sở thì chẳng ở bên năng, chẳng lẽ hư không và ngươi mà thành lập được cái xúc giác đó ư ? Nên biết, xúc giác và thân căn đều chẳng xứ sở, tức cái thân và xúc giác hai xứ đều hư vọng, vốn chẳng phải tánh nhân duyên, cũng chẳng phải tánh tự nhiên.

26. Ý CĂN VỚI PHÁP TRẦN VỐN VÔ SANH.

- A-nan ! Ngươi thường dùng ý thức duyên theo ba tánh thiện, ác và vô ký, sanh khởi pháp trần. Vậy pháp trần này từ nơi tâm ra, hay lìa tâm riêng có phương sở ?

- A-nan ! Nếu từ tâm ra thì pháp trần chẳng phải cảnh trần, chẳng phải là cái sở duyên của tâm, làm sao thành xứ được ?

- Nếu lìa tâm riêng có phương sở, thì tựtánh của pháp trần là biết hay chẳng biết ? Biết tức gọi là tâm, tâm này lìa tâm ngươi thì chẳng phải pháp trần của ngươi biết, đồng như tâm của người khác; nếu lìa tâm ngươi lại còn có tâm biết, thì tâm ngươi thành hai sao ? Nếu chẳng biết thì pháp trần này đã chẳng phải sắc, thanh, hương, vị, ly, hợp, lạnh, nóng và tướng hư không, thì phải ở chỗ nào ? Hiện nay nơi sắc, không đều chẳng thể nêu ra, chẳng lẽ trong thế gian lại có cái ở ngoài hư không ư ? Lại tâm chẳng phải sở duyên thì xứ từ đâu mà an lập ? Nên biết, pháp trần và tâm đều chẳng có xứ sở, tức ý căn và pháp trần hai xứ đều hư vọng, vốn chẳng phải tánh nhân duyên, cũng chẳng phải tánh tự nhiên.

THẬP BÁT GIỚI

- Lại nữa A-nan ! Sao nói Thập Bát Giới vốn là Như-lai-tạng, cũng là Diệu-tánh Chơn-như ?

27. NHÃN CĂN, SẮC TRẦN, NHÃN THỨC GIỚI VỐN VÔ SANH

- A-nan ! Như ngươi đã rõ, nhãn căn và sắc trần làm duyên với nhau, sanh ra nhãn thức. Vậy thức này là từ nhãn căn ra, lấy nhãn căn làm giới; hay từ sắc trần ra, lấy sắc trần làm giới ?

- A-nan, nếu từ nhãn căn ra mà chẳng có Sắc Không thì chẳng thể phân biệt, dẫu cho có cái thức của ngươi cũng chẳng dùng được. Sự thấy của ngươi chẳng phải xanh, vàng, đỏ, trắng, chẳng thể nêu ra, vậy từ đâu để lập giới ?

- Nếu từ sắc trần ra, hư không chẳng phải sắc trần thì thức ngươi phải diệt, sao được biết tánh hư không ? Nếu lúc sắc trần biến đổi, thức ngươi cũng biết sắc trần biến đổi, mà thức ngươi chẳng biến, vậy giới từ đâu mà an lập ? Theo sự biến đổi là biến đổi, giới tướng vốn chẳng có; chẳng biến đổi thì thường còn, thức đã từ sắc trần ra, lẽ ra chẳng biết được chỗ hư không ?

- Nếu do căn trần cộng sanh cái giới ở giữa, khi căn trần hợp lại thì chẳng thể lập giới, tức là lìa trung; khi lìa căn thì phải hợp trần, lìa trần thì phải hợp căn, vậy thể tánh lẫn lộn, làm sao thành giới ? Nên biết, nhãn căn và sắc trần làm duyên với nhau, sanh nhãn thức giới, ba chỗ đều không tức nhãn căn, sắc trần và nhãn thức giới, vốn chẳng phải tánh nhân duyên, cũng chẳng phải tánh tự nhiên.

LƯỢC GIẢI

Thập Bát Giới này chỉ phá lục thức, nên nói Thức này chẳng từ Nhãn ra để làm giới, vì thức chủ phân biệt, nếu chẳng có Sắc, Không thì chẳng thể phân biệt. Cũng chẳng từ Sắc ra để làm giới, vì sắc có biến diệt, thức chẳng biến đổi, nếu chỉ từ Sắc ra thì chẳng thể phân biệt hư không. Cũng chẳng từ Nhãn và Sắc cộng sanh làm giới, vì nhãn thì có biết, sắc thì vô tri, tri và vô tri hai cái đối nghịch, làm sao mà hợp ? Nếu hợp thì từ đâu mà lập giới ? Giới chính giữa đã chẳng có, nên nói Lìa Trung. Nếu nói lìa căn trần mà sanh thức, thì lìa căn phải hợp với trần, lìa trần phải hợp với căn, vậy thức thuộc bên nào ? Nên nói thể tánh lẫn lộn, ba chỗ đều sai, giới làm sao an lập ?

28. NHĨ CĂN, THANH TRẦN, NHĨ THỨC GIỚI VỐN VÔ SANH.

- A-nan ! Như ngươi đã rõ, nhĩ căn, thanh trần làm duyên với nhau, sanh ra nhĩ thức. Vậy thức này từ nhĩ căn ra, lấy nhĩ căn làm giới; hay từ thanh trần ra, lấy thanh trần làm giới ?

- A-nan ! Nếu từ nhĩ căn ra, mà chẳng có hai tướng động tịnh thì chẳng thành cái biết của nhĩ căn, tức chẳng có biết, biết còn chẳng có, vậy cái thức là hình tướng gì ?

- Nếu do lỗ tai nghe thì lúc chẳng có động tịnh, cái nghe chẳng thành, chỉ có hình tướng của lỗ tai, cũng như sắc trần tiếp xúc với thanh trần, cả hai đều chẳng có thức để phân biệt thì nhĩ thức giới từ đâu mà lập ?

- Nếu từ thanh trần ra, nhĩ thức do thanh trần mà có, thì chẳng liên quan gì đến cái nghe, chẳng nghe thì cũng chẳng biết tướng thanh trần ở đâu. Lại, nếu nhĩ thức từ thanh trần ra dầu cho thanh trần do cái nghe mà có tướng, thì cái nghe phải nghe được nhĩ thức, nếu chẳng nghe được thì chẳng phải là giới, nếu nghe được thì thức cũng đồng như thanh trần và thức đã là sở nghe thì ai biết nghe cái thức ? Còn nếu chẳng biết thì đồng như cỏ cây. Chẳng lẽ thanh trần và cái nghe lẫn lộn, thành giới ở giữa ? Giới chính giữa đã chẳng có, tướng trong và ngoài từ đâu mà lập ? Nên biết, nhĩ căn, thanh trần làm duyên với nhau, sanh nhĩ thức giới, ba chỗ đều không, tức nhĩ căn, thanh trần và nhĩ thức giới, vốn chẳng phải tánh nhân duyên, cũng chẳng phải tánh tự nhiên.

29. TỶ CĂN, HƯƠNG TRẦN, TỶ THỨC GIỚI VỐN VÔ SANH

- A-nan, như ngươi đã rõ, tỷ căn, hương trần làm duyên với nhau, sanh ra tỷ thức. Vậy thức này từ tỷ căn ra, lấy tỷ căn làm giới; hay từ hương trần ra, lấy hương trần làm giới ?

- A-nan ! Nếu từ tỷ căn ra, thì trong tâm ngươi lấy gì làm tỷ căn ? Lấy cái mũi bằng thịt hay lấy tánh ngửi biết ?

- Nếu lấy cái mũi bằng thịt này thì chất thịt thuộc thân căn, thân biết tức là xúc giác, gọi là thân thì chẳng phải tỷ căn; gọi là xúc giác tức là ngoại trần, vậy tỷ căn còn chẳng có tên gọi, làm sao lập giới ?

- Nếu lấy tánh ngửi biết làm tỷ căn, thì trong tâm ngươi lấy gì làm cái có ngửi biết ? Nếu lấy lỗ mũi bằng thịt này, thì cái biết của da thịt là xúc trần chứ chẳng phải tỷ căn; nếu lấy hư không làm tánh ngửi biết, thì hư không tự biết, còn da thịt lẽ ra chẳng biết, thế thì hư không là ngươi, thân ngươi chẳng có biết thì hiện nay ngươi cũng chẳng còn ở đây nữa.

- Nếu lấy hương trần làm tánh ngửi biết, thì cái biết thuộc về hương trần, có liên quan gì đến ngươi ?

- Nếu các mùi thơm thối ắt phải từ tỷ căn ra thì mùi thơm, thối chẳng từ cây y-lan và cây chiên-đàn ra, khi hai mùi đó chẳng đến, ngươi tự ngửi tỷ căn xem là thơm hay thối ? Thối thì chẳng thơm, thơm thì chẳng thối, nếu cả hai đều ngửi được thì một mình ngươi phải có hai tỷ căn, và nay hỏi đạo với Ta phải có hai A-nan, vậy ai là thể của ngươi ? Còn nếu tỷ căn là một, thơm thối không hai, thì thối đã thành thơm, thơm phải thành thối, hai tánh đã chẳng có, giới từ đâu lập ?

- Lại như con mắt có thấy mà chẳng tự thấy mắt. Cũng vậy, nếu thức do hương trần ra, thì đáng lẽ chẳng biết được hương trần. Nếu biết được thì chẳng phải do hương trần ra; nếu chẳng biết thì lại chẳng phải là tỷ thức.

- Hương trần chẳng phải nhờ ngửi biết mới có thì cái giới của hương trần chẳng thành; thức chẳng biết hương trần thì giới chẳng thể do hương trần mà lập, đã chẳng có giới chính giữa thì chẳng thành trong ngoài, và tất cả những gì ngửi được đều là hư vọng. Nên biết, tỷ căn, hương trần làm duyên với nhau, sanh tỷ thức giới, ba chỗ đều không, tức tỷ căn, hương trần, tỷ thức giới, vốn chẳng phải tánh nhân duyên, cũng chẳng phải tánh tự nhiên.

30. THIỆT CĂN, VỊ TRẦN, THIỆT THỨC GIỚI VỐN VÔ SANH

- A-nan ! Như ngươi đã rõ thiệt căn, vị trần làm duyên với nhau, sanh ra thiệt thức, vậy thức này từ thiệt căn ra, lấy thiệt căn làm giới; hay từ vị trần ra lấy vị trần làm giới ?

- A-nan ! Nếu từ thiệt căn ra, thì các thứ trên thế gian như mía ngọt, mơ chua, hoàng liên đắng, muối mặn, tế tân, gừng, quế thì cay, tất cả đều chẳng mùi vị, ngươi tự nếm lưỡi là ngọt hay đắng ? Nếu tánh của thiệt căn là đắng thì ai biết nếm thiệt căn ? Thiệt căn chẳng tự nếm thì lấy gì để biết ? Tánh của thiệt căn chẳng phải đắng, vị trần cũng chẳng tự ra, làm sao lập giới ?

- Nếu từ vị trần ra, thức đã là mùi vị thì cũng đồng như thiệt căn, chẳng thể tự nếm, làm sao biết được là mùi vị hay chẳng phải mùi vị ? Lại các mùi vị chẳng từ một vật mà ra, mùi vị đã do nhiều thứ sanh ra, thì thức cũng phải có nhiều thể. Thể của thức nếu một, ắt phải do một vị trần sanh ra, thì khi các vị mặn, ngọt, chua, cay hòa hợp cùng sanh, các tướng khác nhau biến đổi thành một mùi vị thì chẳng thể phân biệt; phân biệt đã không thì chẳng gọi là thức, làm sao còn gọi là thiệt thức giới ? Chẳng lẽ hư không lại sanh ra cái thức của ngươi ? Nếu thiệt căn và vị trần hòa hợp mà sanh, nơi giữa vốn chẳng có Tự-tánh thì giới từ đâu mà lập ? Nên biết thiệt cănvà vị trần làm duyên với nhau, sanh thiệt thức giới, ba chỗ đều không, tức thiệt căn, vị trần, thiệt thức giới, vốn chẳng phải tánh nhân duyên, cũng chẳng phải tánh tự nhiên.

31. THÂN CĂN, XÚC TRẦN, THÂN THỨC GIỚI VỐN VÔ SANH

- A-nan, như ngươi đã rõ thân cănvà xúc trần làm duyên với nhau, sanh ra thân thức. Vậy thức này từ thân căn ra, lấy thân căn làm giới; hay từ xúc trần ra, lấy xúc trần làm giới ?

- A-nan ! Nếu từ thân căn ra, ắt chẳng có hai duyên ly và hợp, chẳng có ly hợp thì thân căn làm sao biết được ? Nếu từ xúc trần ra, ắt chẳng phải thân căn của ngươi, vậy có ai chẳng có thân mà biết ly và hợp ư ?

- A-nan ! Nếu vật chẳng xúc giác, thân biết có xúc, biết thân tức là xúc, biết xúc tức là thân, tức xúc chẳng phải thân, tức thân chẳng phải xúc, hai tướng thân căn và xúc trần vốn chẳng xứ sở, hợp thân tức là tự thể của thân, lìa thân tức như tướng hư không, trong và ngoài chẳng thành thì chính giữa từ đâu lập ? Giữa chẳng thể lập thì trong ngoài tánh không, vậy thức ngươi từ đâu mà lập ? Nên biết thân căn, xúc trần làm duyên với nhau, sanh thân thức giới, ba chỗ đều không, tức thân căn, xúc trần và thân thức giới, vốn chẳng phải tánh nhân duyên, cũng chẳng phải tánh tự nhiên.

32. Ý CĂN, PHÁP TRẦN, Ý THỨC GIỚI VỐN VÔ SANH

- A-nan ! Như ngươi đã rõ, ý căn, pháp trần làm duyên với nhau, sanh ra ý thức. Vậy thức này từ ý căn ra, lấy ý căn làm giới; hay từ pháp trần ra, lấy pháp trần làm giới ?

- A-nan ! Nếu từ ý căn ra, thì trong ý ngươi ắt phải có suy tư mới phát minh được ý ngươi; nếu chẳng suy tư thì ý chẳng thể sanh, lìa duyên thì chẳng có hình tướng, vậy thức dùng để làm gì ? Thức của ngươi với sự suy tư và tánh hiểu biết là đồng hay khác ? Nếu đồng với ý tức là ý căn, sao nói từ ý căn ra ? Nếu khác với ý thì chẳng phải ý căn, chẳng phải ý căn thì không có năng biết, năng không ắt sở cũng không, nếu không có sở biết thì sao nói từ ý căn ra ? Nếu có sở biết thì làm sao biết ý căn ? Vậy hai tánh đồng và dị đã chẳng có thì giới từ đâu lập ?

- Nếu từ pháp trần ra, thì các pháp trong thế gian chẳng ngoài ngũ trần, ngươi hãy xét xem, các pháp sắc, thanh, hương, vị, xúc đều có tướng rõ ràng để đối với ngũ căn, chẳng thuộc phạm vi của ý căn, nếu thức ngươi nhất định từ pháp trần ra, thì ngươi hãy xét kỹ hình tướng của mỗi pháp như thế nào ? Nếu lìa sắc, không, thông, nghẽn, ly, hợp và sanh, diệt, ngoài các tướng này chẳng có sở đắc, sanh thì các pháp sắc, không cùng sanh, diệt thì các pháp sắc, không cùng diệt, vậy cái nhân sanh ra đã không, làm sao có thức ? Thức đã chẳng có, giới từ đâu lập ? Nên biết ý căn, pháp trần làm duyên với nhau sanh ra ý thức giới, ba chỗ đều không, tức ý căn, pháp trần, ý thức giới vốn chẳng phải tánh nhân duyên, cũng chẳng phải tánh tự nhiên.

A-nan bạch Phật :

- Như-lai thường giảng về nhân duyên hòa hợp rằng : "Tất cả các thứ biến hóa trên thế gian đều do tứ Đại hòa hợp mà sanh", sao Như-lai lại bác bỏ cả hai nghĩa nhân duyên và tự nhiên ? Nay con chẳng biết nghĩa này thế nào, xin Phật thương xót, khai-thị pháp liễu nghĩa chẳng hý luận của Trung-đạo cho con và chúng sanh được rõ.

Lúc bấy giờ, Thế Tôn bảo A-nan :

- Trước đây, ngươi nhàm chán các pháp Tiểu-thừa Thanh-văn, Duyên-giác, phát tâm cầu đạo Vô-thượng Bồ-đề nên Ta vì ngươi khai-thị Đệ-nhất-nghĩa-đế, sao ngươi lại còn đem những hý luận của thế gian, vọng tưởng cho là nhân duyên mà tự ràng buộc ? Ngươi dù học rộng nghe nhiều, như người chỉ dùng miệng nói thuốc, khi thuốc thật hiện tiền thì lại chẳng biết, Như-lai gọi là thật đáng thương xót. Nay ngươi hãy nghe kỹ, Ta sẽ vì ngươi khai-thị từng lớp một, cũng khiến những người tu Đại-thừa sau này thông đạt được thật tướng.

A-nan yên lặng kính vâng Thánh-chỉ của Phật.

- A-nan ! Như ngươi đã nói, tứ Đại hòa hợp sanh ra các thứ biến hóa trên thế gian. A-nan, nếu thể tánh của tứ Đại chẳng phải hòa hợp thì chẳng thể lẫn lộn nhau, cũng như hư không, chẳng thể hòa hợp với các sắc tướng; nếu là hòa hợp thì đồng như biến hóa, đầu đuôi duyên nhau, sanh diệt tương tục, sanh rồi diệt, diệt rồi sanh, sanh sanh diệt diệt như vòng lửa quay tròn. A-nan, cũng như nước thành băng, băng lại thành nước, chẳng hề ngừng nghỉ.


Tác giả bài viết: thichdaophat

Nguồn tin: Tông Phong Tàng Thư