Kinh Lăng Già Quyển 2 - Phần 2

Khi ấy Đại Huệ Bồ-tát lại bạch Phật rằng :

- Thế Tôn nói pháp Niết-bàn, thuyết pháp nào gọi là Niết-bàn ?

Phật bảo Đại Huệ :

- Tập khí tự tánh của tất cả thức đều là pháp sanh tử, như tập khí Tạng-thức (Thức thứ tám), tập khí ý (Thức thứ bảy), tập khí ý thức (Thức thứ sáu), tập khí kiến (Tiền Ngũ Thức). Nếu chuyển được các tập khí ấy, tức là chuyển sanh tử, gọi là Niết-bàn. Cái Niết-bàn của Ta và chư Phật sở thuyết, tức là cảnh giới tánh Không của các pháp.

- Lại nữa, Đại Huệ ! Niết-bàn là cảnh giới của Thánh Trí Tự Giác, lìa đoạn thường (phi đoạn phi thường), lìa vọng tưởng tánh phi tánh. Thế nào là phi thường ? Là vọng tưởng của tự tướng cộng tướng đoạn dứt nên phi thường. Thế nào là phi đoạn ? Nói tất cả bậc Thánh quá khứ, vị lai, hiện tại đều được tự giác nên phi đoạn. Đại Huệ ! Niết-bàn bất hoại bất tử. Nếu Niết-bàn TỬ thì phải thọ sanh tương tục; nếu HOẠI thì phải đọa tướng hữu vi. Cho nên Niết-bàn lìa hoại lìa tử là chỗ quy y của người tu hành.

- Lại nữa, Đại Huệ ! Niết-bàn phi xả phi đắc, phi đoạn phi thường, phi nhứt nghĩa, phi đa nghĩa, gọi là Niết-bàn.

- Lại nữa, Đại Huệ ! Niết-bàn của Thanh-văn, Duyên-giác dựa theo khổ, không, vô thường, vô ngã, quán sát các pháp tự tướng cộng tướng vốn chẳng thật thể, quán Thập nhị nhân duyên cũng thế, đều là cảnh giới náo động, chẳng ưa thân cận, ham chỗ tịch lặng, tri kiến chẳng điên đảo thì vọng tưởng chẳng sanh. Vì họ chẳng thể chuyển Thức thành Trí, trông thấy chỗ tịch lặng của Thức-ấm cho là Niết-bàn, thật thì chẳng phải cứu cánh.

- Lại nữa, Đại Huệ ! Có hai thứ tướng Tự-tánh. Thế nào là hai ?

1. Tướng chấp trước ngôn thuyết Tự-tánh : Là do tập khí chấp trước hư ngụy của ngôn thuyết từ vô thỉ mà sanh khởi.

2. Tướng chấp trước sự Tự-tánh : Là do bất giác hiện ra ngằn mé tự tâm mà sanh khởi.

- Lại nữa, Đại Huệ ! Như-lai dùng hai thứ thần lực kiến lập, khiến Đại Bồ-tát đảnh lễ chư Phật, hỏi nghĩa và nghe pháp thọ giáo. Thế nào là hai thứ thần lực kiến lập ?

. Một là hiện thân thuyết pháp.

. Hai là vô ngôn thuyết, chỉ dùng tay quán đảnh, truyền thọ địa vị Như-lai.

- Đại Huệ ! Đại Bồ-tát chứng Sơ Địa, trụ nơi thần lực của Phật, nhập Đại-thừa Chiếu Minh Tam-muội. Nhập Tam-muội này rồi thì mười phương thế giới, tất cả chư Phật dùng sức thần thông thị hiện tất cả thân diệu ngôn thuyết, như Đại Bồ-tát Kim Cang Tạng và như các Đại Bồ-tát khác đã thành tựu tướng công đức như thế. Đại Huệ, ấy gọi là Sơ Địa Bồ-tát.

- Bậc Đại Bồ-tát được thần lực Tam-muội chánh thọ là do tích chứa thiện căn từ trăm ngàn kiếp sở thành tựu. Đối trị tướng sở trị (tập khí xuất thế gian) thứ lớp tiến lên chư Địa, cho đến Pháp Vân Địa, thông đạt cứu cánh, trụ nơi cung điện Đại Liên Hoa vi diệu, ngồi tòa sư tử Đại Bửu Liên Hoa, được quyến thuộc của các Đại Bồ-tát cùng loại vây quanh, các thứ báu anh lạc trang nghiêm thân thể, như hoa Chiêm-bặc bằng vàng, như ánh sáng nhựt nguyệt. Các Bồ-tát từ mười phương đến, nơi tòa đại Liên Hoa trong cung điện mà quán đảnh, cũng như sự quán đảnh của Tự Tại Chuyển Luân Thánh Vương và Thái-tử Đế-thích, ấy gọi là thần lực Bồ-tát trụ nơi hai thứ thần lực, thì sẽ gặp mặt chư Phật Như-lai, nếu chẳng thế thì chẳng thể gặp.

- Lại nữa, Đại Huệ ! Những pháp hạnh thần túc, Tam-muội, phân biệt của Đại Bồ-tát, tất cả đều trụ nơi hai thứ thần lực của Như-lai. Đại Huệ ! Nếu Đại Bồ-tát lìa hai thứ thần lực Phật mà có biện tài thuyết Pháp, thì tất cả phàm phu cũng phải có biện tài thuyết Pháp. Tại sao ? Vì chẳng cần trụ nơi thần lực mà tự có vậy.

- Đại Huệ ! Khi Như-lai vào thành, hiện sức oai thần của Phật, khiến các thứ vô tình như núi đá, cây cối và nhạc cụ, thành ấp, cung điện đều tự nhiên phát ra tiếng âm nhạc, huống là người có tâm thức, dù mù, điếc, câm, ngọng có vô lượng khổ, đều được giải thoát. Như-lai có vô lượng thần lực như thế để lợi lạc chúng sanh.

Đại Huệ Bồ-tát lại bạch Phật rằng :

- Thế Tôn ! Do nhân duyên nào, Như-lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác gia hộ thần lực cho bậc Bồ-tát đang trụ Tam-muội chánh thọ và khi được Thắng Tiến Địa quán đảnh ?

Phật bảo Đại Huệ :

- Vì lìa ma nghiệp phiền não nên chẳng đọa thiền của Thanh-văn thừa; vì đắc Như-lai Tự Giác Địa và đắc pháp tinh tấn, nên Như-lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác, đều dùng thần lực kiến lập chư Đại Bồ-tát. Nếu chẳng dùng thần lực kiến lập, ắt phải đọa ác kiến vọng tưởng của Ngoại-đạo, hoặc đọa Thanh-văn thừa, hoặc đọa hy vọng của chúng ma, chẳng thể đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Do đó, chư Phật Như-lai đều dùng thần lực nhiếp thọ chư Đại Bồ-tát.

Khi ấy, Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa này mà thuyết Kệ rằng :

Thần lực của chư Phật,

Do đại nguyện trong sạch.

Quán đảnh bậc Bồ-tát,

Sơ Địa đến Thập Địa.

Khi ấy, Đại Huệ Bồ-tát lại bạch Phật rằng :

- Thế Tôn ! Phật thuyết duyên khởi tức là thuyến nhân duyên sanh, chẳng thuyết đạo do tự tâm vọng tưởng phân biệt mà sanh. Thế Tôn ! Ngoại-đạo cũng thuyết nhân duyên, nói vi trần sanh khởi lúc ban sơ là nhớ tánh thắng tự tại của thần ngã, các tánh khác sanh khởi cũng như thế. Nhưng Thế Tôn nói nhân duyên hay sanh ra các tánh là dùng Hữu Gián Tất Đàn hoặc Vô Gián Tất Đàn (lý thành tựu) để giáo hóa chúng sanh.

- Thế Tôn ! Ngoại-đạo  cũng thuyết Hữu Sanh và Vô Hữu Sanh, Thế Tôn cũng thuyết Vô Hữu Sanh, sanh rồi diệt. Như Thế Tôn sở thuyết Thập Nhị Nhân Duyên, từ 'vô minh' duyên 'hành' cho đến 'lão tử', ấy là Vô Nhân Thuyết của Thế Tôn, chẳng phải hữu nhân thuyết. Thế Tôn kiến lập cái thuyết như vậy, nói "Có cái này nên có cái kia", chẳng phải kiến lập cái nghĩa tiệm sanh. Cái thuyết "Quán tánh thắng" của Ngoại-đạo, chẳng phải cái thuyết của Như-lai vậy ? Tại sao ? Vì Ngoại-đạo thuyết cái nhân chẳng từ duyên sanh mà có sở sanh. Nhưng Thế Tôn thì thuyết quán nhân có quả, quán quả có nhân, nói nhân duyên tạp loạn như vậy, thế thì duyên nhau đến vô cùng tận vậy.

Phật bảo Đại Huệ :

- Ta chẳng thuyết Vô Nhân và thuyết Nhân Duyên tạp loạn, cái này có nên cái kia có và năng nhiếp sở nhiếp đều phi tánh là giác được tự tâm hiện lượng. Đại Huệ ! Nếu chấp trước năng nhiếp sở nhiếp thì chẳng giác được tự tâm hiện lượng và ngoài cảnh giới tánh phi tánh, họ có cái lỗi như thế, chẳng phải cái thuyết duyên khởi của ta. Ta thường thuyết do nhân duyên hòa hợp mà sanh các pháp, chẳng phải Vô Nhân Sanh.

Đại Huệ lại bạch Phật rằng :

- Thế Tôn ! Chẳng phải ngôn thuyết hữu tánh là có tất cả tánh ư ? Thế Tôn ! Nếu vô tánh thì ngôn thuyết chẳng sanh, cho nên ngôn thuyết hữu tánh, nghĩa là có tất cả tánh.

Phật bảo Đại Huệ :

- Vô tánh mà có ngôn thuyết, như lông rùa sừng thỏ là hiện ngôn thuyết của thế gian. Đại Huệ ! Chẳng phải tánh, chỉ là ngôn thuyết mà thôi. Như lời người nói "Ngôn thuyết hữu tánh, có tất cả tánh" đó, lập luận của ngươi ắt bị lật đổ.

- Đại Huệ ! Chẳng phải tất cả quốc độ đều có ngôn thuyết, ngôn thuyết chỉ là tạo tác thôi. Hoặc có cõi Phật dùng ngó nhìn để hiển bày Pháp, hoặc có cõi Phật làm ra hình tướng, hoặc nhướng mày, hoặc chớp mắt, hoặc cười, hoặc ngáp, hoặc tằng hắng, hoặc tưởng niệm, hoặc lay động, các cõi Phật ấy đều chẳng nhờ ngôn thuyết mà hiển bày các Pháp. Đại Huệ ! Như thế giới Hương Tích và quốc độ Phổ Hiền Như-lai, chỉ dùng ngó nhìn, khiến các Bồ-tát đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn và Tam-muội Thù Thắng. Cho nên chẳng phải ngôn thuyết hữu tánh là có tất cả tánh. Đại Huệ ! Như ngươi đã thấy, các loại ruồi, lằn, trùn, kiến trong thế giới này, những chúng sanh ấy chẳng có ngôn thuyết cũng làm xong công việc.

Khi ấy, Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa này mà thuyết Kệ rằng :

Như hư không sừng thỏ,

Và con của Thạch Nữ.

Không mà có ngôn thuyết,

Tánh vọng tưởng như thế.

Nhân duyên hòa hợp sanh,

Phàm phu khởi vọng tưởng.

Chẳng thể đúng như thật,

Nên luân hồi tam giới.

Khi ấy, Đại Huệ Bồ-tát bạch Phật rằng : Thế Tôn ! Âm thanh hiển bày nghĩa CHƠN THƯỜNG ấy nương theo việc gì mà thuyết ?

Phật bảo Đại Huệ :

- Vì sự mê hoặc mà thuyết. Do chúng sanh mê hoặc, nên chư Thánh thị hiện âm thanh thuyết Pháp giáo hóa, gọi là Thanh-giáo mà chẳng phải điên đảo. Đại Huệ ! Như dương-diệm, vòng lửa, hoa đốm, thành Càn-thác-bà, mộng huyễn, bóng trong gương v.v... là điên đảo của thế gian, chẳng phải minh Trí của bậc Thánh vậy, nhưng chẳng phải không có hiện ra những việc trên.

- Đại Huệ ! Bọn mê hoặc có đủ thứ vọng hiện kể trên, chẳng phải mê hoặc tạo ra vô thường. Tại sao ? Vì lìa tánh phi tánh vậy. Đại Huệ ! Thế nào là mê hoặc lìa tánh phi tánh ? Là nói mỗi mỗi cảnh giới của tất cả phàm phu, cũng như bọn ma quỷ thấy sông Hằng là lửa, chẳng thấy nước. Tánh mê hoặc này chỉ hiện nơi ngạ quỷ mà thôi, nơi chúng sanh khác thì hiện tánh chẳng mê hoặc, chứ chẳng phải vô tánh, vì họ đều thấy nước sông Hằng vậy. Tánh mê hoặc như thế, nên bậc Thánh lìa điên đảo và bất điên đảo, do đó nói mê hoặc là thường, vì mỗi mỗi tướng đều chẳng thể hoại vậy. Đại Huệ ! Chẳng phải mỗi mỗi tướng mê hoặc hoại, chỉ là tướng vọng tưởng hoại, nên nói mê hoặc là thường.

- Đại Huệ ! Tại sao cho mê hoặc là chơn thật ? Nếu nói theo nhân duyên, nghĩa là bậc Thánh ở nơi pháp mê hoặc, chẳng khởi cái giác tưởng điên đảo hoặc bất điên đảo. Nếu ở nơi pháp mê hoặc mà có ít phần tư tưởng thì chẳng phải Thánh-trí, vì có chút tư tưởng tức là hý luận của phàm phu, chẳng phải sự tướng của Thánh-trí vậy. Phàm nói hữu vô là phàm phu vọng thuyết, chẳng phải Thánh ngôn thuyết. Kẻ mê hoặc nói điên đảo, bất điên đảo, đều thuộc vọng tưởng, y theo mê hoặc mà sanh khởi hai thứ chủng tánh, ấy là Thánh chủng tánh và phàm phu chủng tánh.

- THÁNH CHỦNG TÁNH : Chia làm ba loại : Thanh-văn Thừa, Duyên-giác Thừa và Phật Thừa. Nếu Phàm phu vọng tưởng thì sanh Thanh-văn Thừa Chủng Tánh, vì chấp trước tự tướng cộng tướng, nên gọi là do vọng tưởng sanh khởi Thanh-văn Thừa Chủng Tánh. Đại Huệ ! Cũng theo vọng tưởng mê hoặc kia mà sanh khởi Duyên-giác Thừa Chủng Tánh, nghĩa là ngay nơi mê hoặc tự tướng cộng tướng kia chẳng tự chấp trước mà khởi Duyên-giác Thừa Chủng Tánh. Tại sao người trí cũng theo sự mê hoặc kia mà khởi Phật Thừa Chủng Tánh ? Vì giác được tự tâm hiện lượng ngoài tánh phi tánh, chẳng có tướng vọng tưởng, nên sanh khởi Phật Thừa Chủng Tánh, ấy gọi là ngay nơi mê hoặc kia mà khởi Phật Thừa Chủng Tánh.

- Lại đối với mỗi mỗi sự và tánh, phàm phu khởi vọng tưởng thì sanh phàm phu chủng tánh. Cái nghĩa gọi là chủng tánh chẳng phải hữu sự, cũng chẳng phải vô sự Đại Huệ ! Ngay sự mê hoặc chẳng vọng tưởng kia, những tâm, ý, ý thức, lỗi tập khí, pháp Tự-tánh, pháp chuyển biến v.v... của bậc Thánh đều gọi là NHƯ, cho nên nói NHƯ lìa tâm. Ta nói câu này là hiển thị lìa tưởng, tức là cái thuyết lìa tất cả tư tưởng.

LƯỢC GIẢI : Tư tưởng có hai thứ : Thế lưu bố tưởng và chấp trước tưởng. Phàm phu ở nơi tướng mê hoặc của Thế lưu bố tưởng sanh khởi chấp trước tưởng, thì thành điên đảo tưởng. Bậc Thánh ngay nơi tướng mê hoặc của Thế lưu bố tưởng mà chẳng khởi chấp trước tưởng, nên không có điên đảo tưởng. Cho nên nói tướng mê hoặc là "THƯỜNG", cũng là "NHƯ", đều thuộc nghĩa này vậy.

Đại Huệ Bồ-tát bạch Phật rằng :

- Thế Tôn ! Mê hoặc là hữu hay vô ?

Phật bảo Đại Huệ :

- Pháp như huyễn chẳng có tướng chấp trước. Nếu mê hoặc có tướng chấp trước thì tánh chấp trước chẳng thể diệt. Pháp duyên khởi của ta thuyết, ắt đồng như pháp Nhân Duyên Sanh của Ngoại-đạo.

Đại Huệ Bồ-tát bạch Phật rằng :

- Thế Tôn ! Nếu mê hoặc như huyễn thì phải làm nhân cho mê hoặc khác ?

Phật bảo Đại Huệ :

- Chẳng phải nhân duyên mê hoặc nên chẳng có lỗi. Đại Huệ ! Huyễn chẳng sanh lỗi, vì chẳng có vọng tưởng. Đại Huệ ! Huyễn từ chỗ minh liễu sanh khởi, chẳng từ chỗ lỗi tập khí vọng tưởng của chính mình sanh khởi, cho nên chẳng có lỗi. Đại Huệ ! Ấy là do tâm mê hoặc của phàm phu chấp trước, chẳng phải Thánh Hiền vậy.

Khi ấy, Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa này mà thuyết Kệ rằng :

Thánh chẳng thấy mê hoặc,

Trong đó cũng chẳng thật.

Trong đó nếu chơn thật,

Mê hoặc tức chơn thật.

Xa lìa tất cả mê,

Nếu còn có tướng sanh,

Ấy cũng là mê hoặc,

Bất tịnh như bệnh nhặm.

- Lại nữa, Đại Huệ ! Đã nói mê hoặc tức chơn thật, thì như huyễn tức phi huyễn, phi huyễn tức như huyễn. Chơn thể của phi huyễn chẳng có tương tự, nay nói phi huyễn, chẳng phải không thấy tất cả pháp như huyễn.

Đại Huệ Bồ-tát bạch Phật rằng :

- Thế Tôn ! Vì chấp trước đủ thứ tướng huyễn nên nói tất cả pháp như huyễn ư ? Hoặc vì chấp trước đủ thứ tướng phi huyễn mà nói tất cả pháp như huyễn ư ? Thế Tôn ! Nếu như huyễn và phi huyễn có tánh khác biệt, ắt phải có tánh chẳng như huyễn. Tại sao ? Vì mỗi mỗi sắc tướng chẳng có nhân. Thế Tôn ! Nếu mỗi mỗi sắc tướng chẳng có nhân mà hiện tướng như huyễn, thì chẳng có đủ thứ tướng huyễn để chấp trước, cho có tánh tương tự là như huyễn.

Phật bảo Đại Huệ :

- Chẳng phải đủ thứ tướng huyễn chấp trước tương tự, nói tất cả pháp như huyễn. Vì tất cả pháp chẳng thật, chóng diệt như điện, ấy là như huyễn. Ví như điện chớp hiện trong sát-na, mới hiện liền diệt. Tất cả tánh như thế, đều chẳng thuộc nơi hữu và vô, chỉ do tự tâm vọng tưởng chấp có tự tướng cộng tướng, nếu quán sát tất cả pháp vô tánh, thì chẳng phải sự hiện sắc tướng chấp trước của phàm phu.

Khi ấy, Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa này mà thuyết Kệ rằng :

Phi huyễn chẳng thể dụ,

Thuyết pháp tánh như huyễn,

Chẳng thật như điện chớp,

Cho nên nói như huyễn.

Đại Huệ Bồ-tát lại bạch Phật rằng :

- Như Thế Tôn sở thuyết, tất cả tánh Vô Sanh như huyễn, vậy chẳng phải pháp sở thuyết của Thế Tôn trước sau trái nhau ư ? Sao nói Vô Sanh tánh như huyễn ?

Phật bảo Đại Huệ :

- Chẳng phải ta nói "Vô Sanh tánh như huyễn" có lỗi trước sau trái nhau. Tại sao nói sanh mà vô sanh ? Là dùng để giác hiện lượng nơi tự tâm, nói hữu phi hữu, ngoài tánh phi tánh là phương tiện để hiện pháp Vô Sanh, chẳng phải cái thuyết của ta có lỗi trước sau trái nhau, vì bác bỏ cái thuyết nhân sanh của Ngoại-đạo, nên Ta thuyết tất cả tánh vô sanh. Đại Huệ ! Ngoại-đạo si mê, muốn cho hữu và vô hữu đều thật, vì chẳng biết do tự tâm vọng tưởng chấp trước đủ thứ nhân duyên mà sanh.

- Đại Huệ ! Ta dùng cái thuyết Vô Sanh để thuyết, vì phá cái chấp hữu và vô. Đại Huệ ! Ta thuyết tánh âm thanh (Thanh-giáo) là vì đệ tử Ta tạo đủ thứ nghiệp mà nhiếp thọ sanh tử, và phá những người chấp vô kiến, đoạn kiến. Đại Huệ ! Vì phàm phu đọa ác kiến hy vọng, chẳng biết tự tâm hiện lượng, vì khiến họ lìa các tướng tánh của Tự-tánh, nên thuyết tướng các pháp như huyễn; vì phá tướng chấp trước do nhân duyên sanh khởi của họ, nên nói tất cả pháp tướng Tự-tánh như mộng huyễn, là khiến lìa bỏ chấp trước ác kiến hy vọng tất cả pháp tự và tha, được thấy chỗ như thật, chẳng lập tà luận. Đại Huệ ! Chỗ thấy tất cả pháp như thật là siêu việt tự tâm hiện lượng.

Khi ấy, Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa này mà thuyết Kệ rằng :

Vô tác, tánh vô sanh,

Chấp tánh nhiếp sanh tử.

Quán sát pháp như huyễn,

Nơi tướng chẳng khởi vọng.

- Lại nữa, Đại Huệ ! Đại Bồ-tát khéo quán danh thân, cú thân, hình thân. Vì Đại Bồ-tát khéo quán danh, cú, hình, nên thuyết tướng danh, cú, hình, theo đó vào nghĩa cú thân, hình thân, chóng đắc Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác. Tự giác như thế rồi, lại giác cho tất cả chúng sanh. Đại Huệ ! Nói DANH THÂN là y sự lập danh, gọi là danh thân; nói CÚ THÂN là trong cú có nghĩa thân, để quyết định nghĩa cứu cánh của Tự-tánh, gọi là cú thân. Nói HÌNH THÂN là hiển thị nghĩa của danh cú, gọi là hình thân. Lại, nói HÌNH THÂN, còn có nghĩa là dài ngắn cao thấp; nói CÚ THÂN, còn có nghĩa đường đi dấu vết, như đường đi dấu vết của voi, ngựa, người và thú v.v... Đại Huệ ! Nói danh và hình là dùng danh để hiển bày bốn ấm (thọ, tưởng, hành, thức) Vô Sắc nên nói danh, vì hiện tự tướng nên nói hình, gọi chung là danh cú thân hình. Đối với ngằn mé của tướng danh cú thân hình, cần nên tu học.

Khi ấy, Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa này mà thuyết Kệ rằng :

Danh thân với cú thân,

Và hình thân sai biệt,

Phàm phu vọng chấp trước,

Như voi mắc đầm lầy.

- Lại nữa, Đại Huệ ! Người trí đời vị lai thông đạt nghĩa ta thuyết, dùng nghĩa lìa kiến chấp tướng nhất, dị, đồng, chẳng đồng v.v... hỏi người vô trí, thì họ đáp rằng : "Sự hỏi này chẳng đúng. Nói các sắc tướng thường hay vô thường, khác hay chẳng khác, ấy là chư hạnh của Niết-bàn, lập tướng sở tướng, y sở y, kiến sở kiến, tạo sở tạo, trần và vi trần, tu và kẻ tu v.v... là tướng lần lượt so sánh". Thật ra, những câu của người trí hỏi kể trên, là vô ký và chỉ hý luận của Phật thuyết, có nghĩa thâm sâu, người si mê như họ chẳng thể biết, vì họ không đủ trí huệ nghe Pháp vậy. Như-lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác, vì khiến họ lìa sự kinh sợ, nên nói pháp Vô Ký và Chỉ Ký, cũng vì phá nhị kiến luận của Ngoại-đạo, chứ chẳng phải không thuyết.

- Đại Huệ ! Cái thuyết của Ngoại-đạo, nói mạng tức là thân, những lời nói như thế mới là Vô Ký luận. Đại Huệ ! Các Ngoại-đạo ngu si, nơi nhân lập Vô Ký Luận, chứ chẳng phải sở thuyết của Ta. Đại Huệ ! Sở thuyết của Ta lìa năng nhiếp, sở nhiếp, chẳng sanh vọng tưởng, chỉ để phá những kiến chấp của họ. Đại Huệ ! Vì họ chấp trước năng nhiếp, sở nhiếp, chẳng biết tự tâm hiện lượng, nên phá sự chấp trước của họ. Đại Huệ ! Như-lai Ứng Cúng Đảng Chánh Giác, dùng bốn thứ ký luận vì chúng sanh thuyết pháp. Đại Huệ ! Ta thường thuyết Chỉ Ký Luận là vì người căn chưa thuần thục mà thuyết, chẳng phải vì người căn đã thuần thục thuyết.

- Lại nữa, Đại Huệ ! Tất cả pháp lìa nhân duyên sở tác, nghĩa là Vô Sanh, vì chẳng có kẻ tác, nên tất cả pháp Vô Sanh. Đại Huệ ! Tại sao tất cả pháp lìa Tự-tánh ? Vì lúc tự khởi giác quán, thấy tướng của Tự-tánh cộng tánh đều bất khả đắc, nên nói tất cả pháp Vô Sanh. Tại sao tất cả pháp chẳng thể đem lại, chẳng thể đem đi ? Vì tự tướng cộng tướng bất khả đắc, nên muốn đem lại không có gì để đem lại, muốn đem đi không có gì để đem đi, nên nói tất cả pháp lìa đem lại đem đi. Đại Huệ ! Tại sao tất cả pháp chẳng diệt ? Vì chẳng có tánh tướng của Tự-tánh, thì tất cả pháp bất khả đắc, nên tất cả pháp chẳng diệt. Đại Huệ ! Tại sao tất cả pháp vô thường ? Vì tướng sanh khởi chẳng có tánh thường, nên nói tất cả pháp vô thường. Tại sao nói tất cả pháp thường ? Vì tánh vô sanh chẳng có tướng sanh khởi, nên vô thường là thường, nên nói tất cả pháp thường.

Khi ấy, Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa này mà thuyết Kệ rằng :

Ký luận có bốn thứ(1) :

Nhất hướng, phản cật vấn.

Phân biệt và chỉ luận,

Để đối trị Ngoại-đạo.

Thầy Số Luận(2) Thắng Luận

Hiển thị như thế này :

Pháp hữu và phi hữu,

Tất cả đều vô ký.

Nếu Chánh-giác phân biệt,

Tự-tánh bất khả đắc.

Vì lìa nơi ngôn thuyết,

Nên nói lìa Tự-tánh.

(1) KÝ LUẬN CÓ BỐN THỨ : Phật Thích-ca vì phá chấp của Ngoại-đạo, có bốn cách đáp sự vấn nạn họ :

1. Nhất Hướng : Khẳng định đáp. 

2. Phản Cật Vấn : Hỏi ngược lại. 

3. Phân biệt : Bất định đáp (đáp cả hai mặt). 

4. Chỉ Luận : Tức là lương cửu, im lặng đáp.

(2) SỐ LUẬN : Do môn đồ của Ngoại-đạo Tóc Vàng kiến lập, nói Số là số lượng để đo lường trí huệ, từ số mà sanh khởi Luận, luận cũng hay sanh ra số, nên gọi là Số Luận. Người tạo ra Số Luận và người học Số Luận gọi là Số Luận Sư.

Khi ấy Đại Huệ Bồ-tát lại bạch Phật rằng :

- Thế Tôn ! Cúi xin vì Đại Chúng thuyết Tứ quả, Tứ hướng của thừa Thanh-văn về tướng thông nhau và sai biệt. Nếu Đại Bồ-tát khéo biết tướng thông và sai biệt của Tứ quả, Tứ hướng, thì có nhiều phương tiện vì chúng sanh thuyết pháp, khiến chúng sanh thông đạt cứu cánh, như hai thứ tướng vô ngã và trừ sạch hai thứ phiền não và sở tri chướng, trải qua tướng chư Địa, đến cảnh giới cứu cánh bất tư nghì của Như-lai. Giống như hạt châu Ma-ni tùy sắc, khéo dùng tất cả pháp cảnh giới vô tận thân tài để nhiếp thọ, lợi ích tất cả chúng sanh.

Phật bảo Đại Huệ :

- Hãy chú ý nghe và khéo ghi nhớ, nay Ta vì ngươi thuyết.

Đại Huệ Bồ-tát bạch Phật rằng :

- Lành thay Thế Tôn ! Con xin thọ giáo.

Phật bảo Đại Huệ :

- Có ba thứ Tu-đà-hoàn, Tu-đà-hoàn quả sai biệt. Thế nào là ba ? Nghĩa là hạ, trung, thượng. Hạ đó, bảy đời sanh mới vào Niết-bàn; Trung đó, ba hoặc năm đời mới vào Niết-bàn; Thượng đó, ngay đời ấy liền vào Niết-bàn. Ba hạng này còn tam kết hạ, trung, thượng, ấy là : Thân kiến, nghi kiến và giới thủ kiến, đó là tam kế sai biệt, dần dần tiến lên thì đắc quả A-la-hán.

THÂN KIẾN có hai thứ :  Câu Sanh (mới sanh đã sẵn có) và Vọng Tưởng, như duyên khởi vọng tưởng, tự tánh vọng tưởng là nương theo duyên khởi tự tánh thì các thứ vọng tưởng tự tánh chấp trước sanh khởi. Vì tướng vọng tưởng chẳng thật, phi hữu phi vô, cũng chẳng phải hữu và vô mà phàm phu vọng tưởng chấp trước mỗi mỗi tự tánh vọng tưởng, như con nai đang khát tưởng dương-diệm là nước, đó là thân kiến vọng tưởng của Tu-đà-hoàn. Bậc này tu theo nhơn (người) vô ngã, nhiếp thọ pháp vô tánh, dứt trừ vô tri chấp trước lâu đời.

- Đại Huệ ! Câu sanh là thân kiến của Tu-đà-hoàn, chấp có tự thân tha thân v.v... Vì có tướng bốn ấm Vô Sắc, có năng tạo và sở tạo lần lượt làm nhơn tướng mà sanh ra sắc. Vì đại chủng và sắc chẳng phải một, nên Tu-đà-hoàn quán pháp hữu và vô chẳng hiện thì thân kiến liền đoạn. Thân kiến đoạn thì tham dục chẳng sanh, ấy gọi là tướng thân kiến hết.

- Đại Huệ ! TƯỚNG NGHI là tướng thấy được các pháp thiện (tức là đắc nhơn vô ngã thì lý nghi dứt) và hai thứ vọng tưởng thân kiến ở trên đã dứt, thì pháp nghi chẳng sanh. Không ở nơi khác khởi kiến chấp nghi bậc Sư là tịnh hay là bất tịnh thì nghi Sư (Thầy) dứt. Đến đây, nghi lý, nghi pháp, nghi Sư đều hết, ấy gọi là tướng Nghi của Tu-đà-hoàn đoạn dứt.

- Đại Huệ ! Thế nào là GIỚI THỦ KIẾN ? Tu-đà-hoàn chẳng thủ giới, vì thấy rõ tướng khổ nơi vị lai thọ sanh nên chẳng thủ. Đại Huệ ! Nói THỦ là sự quyết định thực tập khổ hạnh tinh tấn của phàm phu, cầu sanh cảnh giới thú vui của cõi Trời. Bậc họ chẳng thủ là hồi hướng chỗ tối thắng tự giác, vốn lìa vọng tưởng, tu pháp Vô Lậu, hành tướng phương tiện, dù chẳng thủ, nhưng cũng thọ trì giới chi (Giới phần Vô Lậu), ấy gọi là đoạn dứt tướng giới thủ của Tu-đà-hoàn. Tu-đà-hoàn đoạn dứt tam kết, tham si chẳng sanh, nếu Tu-đà-hoàn nghĩ như thế, nói "Ta chẳng thành tựu các kết này", ắt có hai lỗi : Đọa thân kiến và các kết chẳng dứt.

Đại Huệ Bồ-tát bạch Phật rằng :

- Thế Tôn ! Phật nói nhiều tham dục, vậy họ đoạn dứt tham dục gì ?

Phật bảo Đại Huệ :

- Họ đoạn dứt những trói buộc như yêu thích người nữ, tham trước đủ thứ phương tiện, tạo thân khẩu ác nghiệp, thọ sự vui trước mắt mà gieo khổ đời vị lai v.v... chẳng sanh tham dục kể trên. Tại sao ? Vì họ đắc sự vui của Tam-muội chánh thọ, nên họ đoạn dứt tham dục thế gian mà chẳng phải đoạn dứt sự ham Niết-bàn.

- Đại Huệ ! Thế nào là tướng Tư-đà-hàm ? Ấy là đốn chiếu soi sắc tướng vọng tưởng, chẳng sanh tướng thấy tướng sanh. Vì khéo thấy được tướng Thiền-hạnh, nền vãng lai thế gian này một lần, mong dứt sạch khổ để đắc Niết-bàn, nên gọi là Tư-đà-hàm.

- Đại Huệ ! Thế nào là A-na-hàm ? Nghĩa là đoạn dứt sự sanh kiến chấp lỗi lầm của kết tập (tập khí phiền não), chẳng sanh vọng tưởng sắc tướng nơi quá khứ, vị lai, hiện tại, tánh phi tánh, gọi là A-na-hàm.

- Đại Huệ ! Nói là A-la-hán là do sức sáng suốt giải thoát Tam-muội của chư Thiền, dứt sạch tất cả khổ, phiền não của vọng tưởng tánh phi tánh, nên gọi là A-la-hán.

Đại Huệ bạch Phật rằng :

- Thế Tôn ! Phật thuyết ba hạng A-la-hán, nói A-la-hán này là thuộc hạng nào ? Thế Tôn ! Vì đắc tịch tịnh của đạo Nhất-thừa, nên Đại Bồ-tát phương tiện thị hiện A-la-hán để giúp Phật giáo hóa.

Phật bảo Đại Huệ :

- Đắc tịch tịnh là đạo Nhất-thừa của Thanh-văn, chẳng phải thừa khác. Thừa khác là hành hạnh Bồ-tát, do phương tiện khéo léo của bốn nguyện, nên ở nơi chúng sanh thị hiện thọ sanh và giúp Phật giáo hóa, cũng vì trang nghiêm quyến thuộc của Phật vậy. Đại Huệ ! Ở nơi vọng tưởng thuyết đủ thứ pháp, nói đắc quả đắc thiền, thiền giả nhập thiền, thảy đều xa lìa, thị hiện chứng đắc tự tâm hiện lượng, đắc tướng quả, gọi là đắc quả. Lại nữa, Đại Huệ ! Muốn siêu việt thiền của vô lượng Vô Sắc Giới, nên lìa tướng tự tâm hiện lượng. Đại Huệ ! Nói chánh thọ, thọ tưởng, siêu việt tự tâm hiện lượng là chẳng đúng. Tại sao ? Vì còn có tâm lượng vậy.

Khi ấy, Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa này mà thuyết Kệ rằng :

Chư thiền Tứ Vô Lượng,

Vô sắc Tam-ma-đề.

Tất cả thọ, tưởng diệt,

Tâm lượng vốn không có(1).

Sơ quả và nhị quả,

Tam quả A-na-hàm.

Tứ quả A-la-hán,

Đều dứt tâm mê hoặc.

Thiền-giả duyên thiền định,

Đoạn chấp thấy Chơn-đế.

Dù vọng tưởng vô lượng,

Giác-ngộ liền giải thoát.

(1) Bốn câu trước của bài kệ là chỉ các thứ thiền Phàm phu, Ngoại-đạo và Tiểu-thừa đã được giải ở trên.

>>
Quyển 2 phần 3

Tác giả bài viết: Liễu Phàm

Nguồn tin: Tông Phong Tàng Thư