Công án của Phật

Công án của Phật
Giới Thiệu
Ròng rã bốn mươi chín năm đức Phật thuyết Pháp, đều là tùy theo căn cơ, hay nói cho rõ hơn, tùy theo bệnh “chấp thật” sâu hoặc cạn của chúng sinh mà cho thuốc khác nhau. Vì thế, Kinh Phật đã phân chia ra “Liễu nghĩa” và “Bất liễu nghĩa”. Đồng thời chư Tổ cũng luôn luôn nhắc Phật-tử phải tuân theo qui luật “Tứ y”, trong đó có “Y kinh liễu nghĩa, bất y kinh bất liễu nghĩa”. Kinh bất liễu nghĩa chỉ là để tạm thời đối trị với những người bệnh chấp thật còn quá nặng mà thôi. Còn đối với đương-cơ nào mà Ngài thấy có thể trực nhận được bản-tâm thì Ngài dùng Công-án, thí dụ như niêm hoa thị Chúng mà nhiều Phật-tử đã biết. Trên đường hoằng pháp, đức Phật đã sử dụng rất nhiều Công-án, và đã có nhiều thính Chúng ngộ được bản-tâm. Nhưng vì các Công-án ấy được ghi lại rải rác trong các Kinh nên ít ai để ý. Sau này có người gom góp lại cho hệ thống và in trong sách Chỉ Nguyệt Lục (Lịch-sử Thiền-tông Trung Hoa) và một Công-án Phật trả lời cho vị Tu-sĩ thế luận Bà-la-môn (1) trong Kinh Lăng Già.

Lần đầu tiên phiên dịch Công-án của Phật Thích-ca, chúng tôi muốn trình bày có chứng liệu với quí độc giả rằng : Cơ-xảo của chư Tổ Thiền-tông vốn cội nguồn truyền thừa từ chính đức Phật và Ngài cũng đã rất nhiều lần sử dụng đến các Công-án. Do đó, Công-án của đức Phật còn truyền lại rất nhiều.

Cuốn sách này, chúng tôi chỉ dịch từ trang 17 đến trang 24 trong Chỉ Nguyệt Lục

Mục đích của Phật và chư Tổ khi sử dụng Công-án là cốt để đương-cơ ngay đó hoát nhiên trực ngộ. Nếu ngay đó chưa ngộ được, thì tất nhiên phát ra nghi-tình (2), rồi do nghi-tình đó, sau này sẽ được ngộ. Chứ không phải muốn người nghe hiểu theo lời nói văn tự. Nếu hiểu theo lời nói văn tự là trái ngược với ý chỉ của Thiền-tông, lại đóng bít cửa ngộ của người hành giả, vĩnh viễn không thể chứng ngộ.

Nay xin hành giả tham-thiền khi đọc đến chỗ không hiểu chớ nên dùng ý thức để nghiên cứu tìm hiểu. Cần phải ngay chỗ không hiểu phát khởi nghi-tình và luôn luôn giữ mãi cái nghi-tình đó thì sẽ được từ Nghi đến Ngộ, đúng như lời Phật dạy vậy.

Thích Duy Lực.

(1) Thế luận Bà-la-môn : Thế luận là pháp thế gian, xuất phát từ nhất niệm vô minh, đều ở trong phạm vi tương đối. Vì có vô minh là hư huyễn chẳng thật, nên Phật nói là thế luận.

(2) Nghi-tình : Tình trạng không hiểu, không biết của bộ não mà không cho bộ não suy nghĩ hay tìm hiểu.
 

Công án

Một hôm Thế-tôn thăng tòa, Đại-chúng tụ tập xong, Văn-thù đánh dùi bạch Chúng rằng : "Xem rõ Pháp của Pháp-vương. Pháp của Pháp-vương là như thế !".

Thế-tôn liền xuống tòa.

٭

Một hôm Thế-tôn thăng tòa, ngồi im lặng.

A-nan bạch dùi (dùng dùi đánh chuông) rằng : Xin Thế-tôn thuyết Pháp.

Thế-tôn nói : Trong hội có hai Tỳ-kheo phạm Luật nên Ta chẳng thuyết Pháp.

A-nan tìm biết hai Tỳ-kheo đó rồi đuổi ra. Thế-tôn vẫn còn im lặng, A-nan bạch nữa : Hai Tỳ-kheo phạm Giới đã bị đuổi ra rồi, sao Thế-tôn vẫn không thuyết Pháp ?

Thế-tôn nói : Ta chẳng vì Thanh-văn Nhị-thừa thuyết Pháp.

Rồi xuống tòa.

٭

Một hôm Thế-tôn thăng tòa.

Ca-diếp bạch dùi rằng : Thế-tôn đã thuyết Pháp xong.

Thế-tôn liền xuống tòa.

٭

Thế-tôn lên cõi Trời Đao-lợi vì mẹ thuyết Pháp, Ưu-thiên-vương nhớ Phật, sai thợ điêu khắc, khắc tượng Phật bằng gỗ Chiên-đàn. Khi Thế-tôn từ Trời Đao-lợi xuống, tượng cũng ra nghênh tiếp. Thế-tôn gọi ba lần, tượng cũng đáp lại ba lần.

Thế-tôn nói : Vô-vi Chân-phật thật ở thân Ta.

Vậy ở Thân nào ?

٭

Thế-tôn ở cõi trời Đao-lợi chín mươi ngày, rồi từ giã cõi Trời đi xuống. Tứ Chúng bát bộ đều đi nghênh tiếp.

Có Tỳ-kheo-ni Liên-hoa-sắc nghĩ rằng : Tôi là người Ni ắt phải xếp hàng sau lưng các Đại Tăng khi gặp Phật. Chi bằng dùng thần lực biến thành Chuyển-luân-thánh-vương có ngàn con hộ vệ để được gặp Phật trước mọi người.

Thế-tôn vừa thấy Bà liền dạy rằng : Liên-hoa-sắc ! Ngươi đâu thể qua mặt các Đại Tăng mà gặp Ta. Ngươi dù thấy Sắc-thân Ta nhưng chẳng thấy Pháp-thân ta. Tu-bồ-đề tuy tĩnh tọa trong hang lại được thấy Pháp-thân của Ta.

٭

Thế-tôn đem hạt châu Ma-ni (tùy sắc) hỏi Ngũ Phương Thiên-vương : Hạt châu này màu gì ?

Khi ấy Ngũ Phương Thiên-vương mỗi người đều lần lượt nói ra màu sắc do mình thấy. 

Thế-tôn giấu hạt châu rồi giơ tay hỏi : Hạt châu này màu gì ?

Ngũ Phương Thiên-vương nói : Trong tay Phật không có hạt châu, vậy đâu có màu gì ?

Thế-tôn nói : Các ngươi sao mê muội điên đảo quá, Ta đem hạt châu thế gian cho xem thì nói có xanh, vàng, đỏ, trắng. Ta thị hiện hạt châu chân thật lại chẳng biết gì cả.

Ngay khi ấy Ngũ Phương Thiên-vương đều tự ngộ đạo.

٭

Thế-tôn thăng tòa, có một Phạn-chí (3) cúng dường hoa ngô đồng.

Phật bảo : Buông xuống đi !

Phạn-chí buông hoa bên tay trái xuống.

Phật bảo tiếp : Buông xuống đi !

Phạn-chí buông hoa còn lại bên tay mặt xuống.

Phật lại bảo : Buông xuống đi !

Phạn-chí nói : Nay hai tay con đã không còn gì, sao Phật còn bảo buông cái gì xuống nữa ?

Phật nói : Chẳng phải Ta bảo ngươi bỏ hoa. Ngươi phải buông xả ngoài lục Trần, trong lục Căn, giữa lục Thức, nhất thời xả hết đến chỗ không còn gì để xả. Ấy chính là buông thân xả mạng của ngươi.

Phạn-chí ngay đó ngộ vô-sanh-nhẫn.

(3) Phạn-chí dịch nghĩa là con cháu của dòng thanh tịnh, tự xưng tổ tiên của họ được sanh từ miệng của vua cõi Trời nên lấy họ Phạn, cùng thuộc phái Bà-la-môn. Chỉ ở Ấn-độ mới có nên người đời gọi là Ấn-độ-giáo. Họ có Kinh-điển riêng, đời đời kế thừa nhau làm nghề nghiệp. Kẻ tại gia hoặc xuất gia đều ỷ vào Kinh-điển của họ cho là hay nhất, nên thành ra ngạo mạn, phần nhiều hay tranh biện. Họ cho Phạn-thiên là tác giả của vũ trụ, ấy là Thần-ngã.  

٭

Phổ-nhãn Bồ-tát muốn gặp Phổ-hiền mà không được, cho đến nhập định ba lần, quán khắp Tam-thiên-đại-thiên-thế-giới tìm Phổ-hiền cũng chẳng thể thấy, liền đến bạch Phật, Phật nói : Ngươi hãy ở nơi Tịnh-tam-muội khởi niệm liền thấy Phổ-hiền.

Phổ-nhãn vâng lời vừa khởi một niệm thì thấy Phổ-hiền cỡi voi trắng sáu ngà từ trên Trời đến.

٭

Ngũ Thông Tiên Nhân hỏi Phật : Thế-tôn có lục Thông, con có ngũ Thông. Thế nào là một Thông kia ?

Phật gọi : Ngũ Thông Tiên Nhân !

Tiên Nhân : Dạ !

Phật nói : Thế nào là một Thông kia ngươi đã hỏi Ta ?

٭

Một hôm Thế-tôn bảo A-nan : Sắp tới giờ ăn, ngươi phải cầm bát vào thành xin cơm.

A-nan : Dạ.

Thế-tôn nói : Ngươi đi bình-bát phải đi theo nghi-thức quá khứ của bảy Phật.

A-nan hỏi : Thế nào là nghi-thức của bảy Phật ?

Thế-tôn gọi : A-nan !

A-nan : Dạ.

Thế-tôn nói : Cầm bình-bát đi đi !

٭

Có Tỳ-kheo hỏi Phật : Con đối với Phật-pháp chỗ thấy thì có, chỗ chứng thì chưa phải. Thế-tôn làm sao khai-thị ?

Thế-tôn nói : Tỳ-kheo ! Ông ta làm sao khai-thị. Câu hỏi này là ngươi.

٭

Thế-tôn cùng Kỳ-bà thấy một cái mộ trong đó có năm bộ xương. Vì Kỳ-bà rất khéo phân biệt âm thanh nên Thế-tôn gõ vào một bộ hỏi Kỳ-bà : Cái này đã sanh chỗ nào ?

Đáp : Sanh cõi người.

Phật gõ bộ khác hỏi : Sanh chỗ nào ?

Đáp : Sanh cõi Trời.

Rồi Phật gõ bộ khác nữa, hỏi : Sanh chỗ nào ?

Kỳ-bà chẳng biết chỗ sanh.

٭

Bảy Hiền-nữ đi dạo vườn Thi-đà, một người chỉ thi hài nói : Thi hài ở đây, người đi chỗ nào ?

Một Hiền-nữ khác nói : Làm sao ! Làm sao !

Các Hiền-nữ cùng quán kỹ, mỗi mỗi khế ngộ.

Việc này cảm thông được Đế-thích. Đế-thích đến rải hoa rằng : Các Thánh-tỷ có cần gì, tôi sẽ cung cấp suốt đời.

Một Hiền-nữ nói : Nhà tôi tứ sự (ăn, mặc, ngọa cụ, y dược) thất bảo thảy đều đầy đủ. Chỉ cần ba món đồ : “Một là cần cái cây chẳng có gốc, hai là cần miếng đất chẳng âm dương, ba là cần một thung lũng có tiếng kêu mà chẳng âm vang”.

Đế-thích nói : Tất cả đồ cần dùng tôi đều có, đối với ba món này tôi thực không có.

Hiền-nữ nói : Nếu ông không có làm sao mà biết giúp người ?

Đế-thích ngơ ngác chẳng hiểu. Rồi tất cả cùng đi bạch Phật.

Phật bảo : Kiều-thi-ca (tên của Đế-thích) ! Các đệ tử Đại A-la-hán của ta, chẳng hiểu nghĩa này, chỉ có các Đại Bồ-tát mới hiểu nghĩa này.

٭

Xưa kia Thế-tôn tu hành nơi nhân địa rũ tóc ra che lên đất bùn, dâng hoa cúng dường Phật Nhiên Đăng. Phật Nhiên Đăng chỉ chỗ đất trải đất đó nói : Miếng đất này nên lập một ngôi chùa.

Khi ấy trong Chúng có một Trưởng-giả đem cây Nêu cắm ngay chỗ đó rằng : Kiến lập ngôi chùa xong !

Bấy giờ Chư Thiên cùng nhau rải hoa tán thán.

٭

Thế-tôn cùng A-nan đang đi trên đường thấy một cái Tháp của Phật xưa. Thế-tôn liền đảnh lễ.

A-nan nói : Đây là Tháp của người nào ?

Thế-tôn nói : Tháp của chư Phật quá khứ.

A-nan hỏi : Chư Phật quá khứ là học trò của ai ?

Thế-tôn nói 'của Ta'.

A-nan nói : Phải nên như thế.

٭

Ngày giải Hạ tự kiểm thảo, vì ngài Văn-thù nhập hạ ở ba chỗ nên ngài Ca-diếp muốn đánh chuông đuổi ra. Vừa cầm dùi thì thấy năm trăm ngàn muôn ức Văn-thù, Ca-diếp dùng hết thần lực của mình mà vẫn không giơ dùi lên được.

Thế-tôn hỏi Ca-diếp : Ngươi muốn đuổi Văn-thù sao ?

Ca-diếp chẳng thể trả lời.

٭

Ở cửa Đông thành La-phiệt, có một bà già cùng sanh một ngày với Phật mà không muốn gặp Phật. Mỗi khi thấy Phật đến liền trốn tránh. Mặc dù như thế nhưng nhìn qua nhìn lại bên Đông bên Tây đều thấy Phật, rồi dùng tay che mặt thì cả mười ngón tay, cho đến bàn tay, thảy đều thấy Phật.

٭

Văn-thù đến chỗ Hội-trường của Chư Phật nằm lúc tất cả Chư Phật đều trở về chỗ cũ. Chỉ có một người nữ ngồi gần tòa Phật đang nhập Định.

Văn-thù bạch Phật rằng : Tại sao người này được gần bên cạnh Phật, mà con thì không được ?

Phật bảo Văn-thù : Ngươi muốn biết phải khiến cho người nữ này xuất Định rồi tự hỏi cô ta.

Văn-thù nhiễu quanh người nữ ba vòng, búng ngón tay một cái không thấy xuất Định, cho đến đưa tới Phạn-thiên dùng hết cả thần lực cũng không thấy xuất được.

Thế-tôn nói : Giả sử bá thiên ức Văn-thù cũng chẳng thể khiến người nữ này xuất Định được. Ở phương dưới đi qua bốn mươi hai Hằng-hà-sa số Quốc-độ có Bồ-tát Võng-minh mới khiến người nữ này xuất định được.

Một lúc sau Đại-sĩ Võng-minh từ dưới đất vọt lên đảnh lễ Thế-tôn.

Thế-tôn bảo Võng Minh : Hãy khiến người nữ này xuất Định.

Võng-minh đi đến trước mặt người nữ búng ngón tay một cái thì người nữ xuất Định liền.

٭

Ương-khoát-ma-la đi khất thực đến cửa nhà một Trưởng-giả, trong nhà có một phụ nữ đang gặp sản nạn (sanh khó).

Trưởng-giả nói : Ông là bậc Thánh đệ tử của Phật, vậy có pháp nào giúp thoát khỏi sản nạn này chăng ?

Ương-khoát nói với Trưởng-giả rằng : Tôi vừa mới nhập đạo, chưa biết pháp này. Hãy đợi tôi về hỏi Thế-tôn rồi sẽ trở lại báo cho biết.

Liền trở về đem chuyện này bạch Phật, Phật bảo Ương-khoát : Ngươi đi mau nói cho họ rằng “Ta từ pháp Hiền Thánh đến nay chưa từng sát sanh”.

Ương-khoát vâng lời Phật, chạy nhanh đến báo cho nhà Trưởng-giả, phụ nữ nhà đó nghe xong tức khắc sanh đứa con ra.

٭

Một hôm Thế-tôn thấy Văn-thù đứng ngoài cửa nên kêu : Văn-thù ! Văn-thù ! Tại sao không vào cửa đi ?

Văn-thù nói : Con chẳng có một pháp ở ngoài cửa, sao lại bảo con đi vào cửa !

٭

Bồ-tát Vô-biên-thân đem cây trúc trượng đo lường đảnh của Thế-tôn. Một trượng sáu, Ngài cứ đo mãi như thế đến cõi trời Phạn-thiên cũng không thấy đảnh của Thế-tôn, rồi bỏ trúc trượng chắp tay thuyết Kệ rằng :

Hư không chẳng biên giới,

Công đức Phật cũng vậy.

Nếu có kẻ đo lường,

Suốt kiếp chẳng thể hết.

٭

Vua Càn-thát-bà vì Thế-tôn cúng dường âm nhạc. Lúc ấy sơn hà đại địa đều phát ra tiếng đàn, Ca-diếp đứng dậy múa vũ.

Vua hỏi Phật : Ca-diếp là bậc A-la-hán, tập lậu đã sạch, tại sao còn có tập khí sót lại vậy ?

Phật nói : Thật chẳng có sót lại, chớ nên phỉ báng Pháp.

Vua lại đàn thêm ba lần, Ca-diếp cũng múa vũ ba lần.

Vua nói : Ca-diếp múa vũ như thế, há chẳng phải tập khí sao ?

Phật nói : Ca-diếp thật chẳng múa vũ.

Vua nói : Sao Thế-tôn lại vọng ngữ ?

Phật nói : Không vọng ngữ. Lúc ngươi đàn thì sơn hà đại địa, gỗ đá đều phát ra tiếng đàn phải chăng ?

Vua nói : Phải.

Phật nói : Ca-diếp cũng như thế. Cho nên nói thật chẳng múa vũ.

Vua mới tín thọ.

٭

Thế-tôn ở cõi Trời thứ sáu thuyết Đại Tập Kinh. Vua cõi Trời ấy kêu khắp cõi người, cõi Trời, tất cả các Quỷ, Thần đều nên tập hội thọ sự Phó-chúc của Phật để ủng hộ Chánh-pháp.

Nếu có ai không đến thì Tứ Môn Thiên-vương sẽ đem bánh xe sắt nóng bắt họ tập trung. Sau khi tập hội xong, ai cũng vâng lời Phật dạy, mỗi mỗi tự phát hoằng thệ ủng hộ Chánh-pháp. Chỉ có một Ma-vương nói với Phật rằng :

“Cồ-đàm ! Con đợi tất cả chúng sanh thành Phật hết, cõi chúng sanh đã không, chẳng có tên gọi chúng sanh nữa, con mới phát Bồ-đề-tâm”.

٭

Đề-bà-đạt-đa phỉ báng Phật, nên ngay cái thân đang sống mà đã bị đọa Địa-ngục.

Phật bảo A-nan đi hỏi : Ngươi ở trong Địa-ngục có yên không ?

Đáp : Tôi dù ở Địa-ngục nhưng vui như cõi trời Tam Thiền.

Phật lại sai A-nan hỏi nữa : Ngươi muốn cầu ra không ?

Đáp : Tôi đợi Thế-tôn đến mới ra.

A-nan nói : Phật là Đạo-sư Tam-giới, há có phần vào Địa-ngục ư ?

Đề-bà nói : Phật đã không có phần vào Địa-ngục thì tôi há có phần ra Địa-ngục ư ?

٭

Văn-thù bỗng khởi Pháp-kiến, Phật-kiến, bị sức oai thần của Thế-tôn đày đi núi Nhị-thiết-vi.

٭

Trên hội Linh Sơn có năm trăm Tỳ-kheo đắc định Tứ Thiền, đủ năm thần thông mà chưa đắc Pháp-nhãn. Mỗi vị dùng thần thông Túc-mạng-tri thì đều tự thấy giết cha hại mẹ và phạm những tội nặng. Do đó mỗi người trong tâm tự hoài nghi, thành ra đối với Pháp thâm sâu chẳng thể chứng nhập. Lúc ấy, Văn-thù thừa oai thần lực của Phật, tay cầm kiếm bén bức bách Như-lai.

Thế-tôn nói với Văn-thù rằng : Ngưng ! Ngưng ! Chớ nên hại Ta mà tạo tội ngũ nghịch. Nhưng nhất quyết hại Ta thì phải khéo hại cái ngã chấp của Ta. Văn-thù-sư-lợi ! Ngươi từ xưa nay chẳng có ngã nhân (ta và người), chỉ vì nội tâm thấy có ngã nhân. Khi nội tâm chẳng khởi, thì ngã nhân ắt phải diệt, tức gọi là hại cái ngã chấp của Ta.

Do đó, năm trăm Tỳ-kheo tự ngộ bản Tâm như mộng như huyễn. Ở trong mộng huyễn chẳng có ngã nhân, cho đến năng sanh sở sanh, cha mẹ đều như mộng huyễn, chẳng có ngã nhân.

Rồi năm trăm Tỳ-kheo cùng nói Kệ tán thán rằng :

Văn-thù bậc đại Trí,

Thấu đạt nguồn đáy Pháp.

Tự tay cầm kiếm bén,

Bức bách thân Như-lai.

Kiếm vậy, Phật cũng vậy,

Một tướng chẳng có hai.

Vô tướng, vô sở sanh,

Đâu thể nói giết hại.

Ngã, nhân đã không có,

Thì còn ai tạo tội ?.

٭

Ngoại-đạo hỏi Phật : Không hỏi có lời, không hỏi chẳng lời ?

Thế-tôn im lặng giây lâu.

Ngoại-đạo tán thán rằng : “Thế-tôn đại từ đại bi khai phá đám mây mê muội cho con khiến con được ngộ nhập”. Rồi đảnh lễ ra đi.

A-nan bạch Phật : Ngoại-đạo đắc đạo lý gì mà tán thán như vậy ?

Thế-tôn nói : Như con tuấn mã ở thế gian, thấy bóng roi liền chạy nhanh.

*

Vua Ba-tư-nặc hỏi Phật : Trong Thắng-nghĩa-đế có Thế-tục-đế chăng ? Nếu nói không thì Trí chẳng nên hai, nếu nói có thì Trí chẳng nên một. Cái nghĩa của một hai ấy là thế nào ?

Phật nói : Đại Vương ! Ông ở kiếp Long Quang Phật trong quá khứ từng hỏi nghĩa này. Nay Ta vô thuyết, nay ông vô thính, vô thuyết vô thính ấy là nghĩa một hay nghĩa hai ?

٭

Ngoại-đạo hỏi Phật : Hôm qua thuyết Pháp gì ?

Phật nói : Thuyết Pháp-nhất-định.

Ngoại-đạo lại hỏi : Hôm nay thuyết Pháp gì ?

Phật nói : Pháp-chẳng-định.

Ngoại-đạo nói : Tại sao hôm qua thuyết Pháp-nhất-định, nay lại thuyết Pháp-chẳng-định ?

Phật nói : Hôm qua định, hôm nay chẳng định.

٭

Ngoại-đạo hỏi Phật : Các pháp là thường ư ?

Phật không đáp.

Lại hỏi : Các pháp vô thường ư ?

Phật cũng không đáp.

Ngoại-đạo nói : Thế-tôn là bậc đầy đủ tất cả Trí-huệ, tại sao không đáp ?

Phật nói : Vì các câu hỏi của ngươi đều là hý luận.

٭

Lúc Phật đang ngồi dưới gốc cây Nê-cô-luật thì có hai thương gia hỏi Phật : Có thấy xe qua không ?

Đáp : Chẳng thấy.

Hỏi : Có nghe tiếng xe không ?

Đáp : Chẳng nghe.

Hỏi : Phải đang thiền định không ?

Đáp : Chẳng thiền định.

Hỏi : Phải đang ngủ không ?

Đáp : Không ngủ.

Người thương gia tán thán rằng : Lành thay ! Lành thay ! Thế-tôn đại giác nên chẳng thấy nghe.

٭

Có một Phạn-chí Móng Tay Dài xin biện luận nghĩa lý với Phật, giao ước trước rằng : Nếu tôi thua thì sẽ tự chém đầu để tạ lỗi.

Thế-tôn hỏi : Nghĩa lý của ngươi lấy gì làm tông-chỉ ?

Phạn-chí nói : Tôi lấy “Tất cả đều chẳng thọ nhận” làm tông-chỉ.

Phật nói : Tôn-chỉ này ngươi thọ nhận chăng ?

Phạn-chí quay đầu bỏ đi, giữa đường chợt tĩnh ngộ, than rằng : “Nghĩa lý của ta có hai chỗ thua. Tại sao ? Nếu nói thọ nhận thì chỗ thua là thô (lớn), nếu nói chẳng thọ nhận thì chỗ thua là tế (nhỏ). Tất cả Trời, người và Nhị-thừa đều chẳng biết cái nghĩa lý chỗ thua của ta, chỉ có Thế-tôn với các Đại Bồ-tát mới biết”.

Nghĩ thế, ông liền trở về trước Phật nói : “Nghĩa lý tôi có hai chỗ thua nên xin tự chém đầu để tạ lỗi”.

Phật nói : Trong Pháp của Ta chẳng có việc này. Ngươi biết quấy thì nên hồi tâm hướng Đạo.

Do đó Phạn-chí cùng năm trăm học trò đồng thời theo Phật xuất gia, sau này đều chứng quả A-la-hán.

٭

Một hôm Thế-tôn đang ngồi thấy hai người khiêng con heo đi ngang, Phật hỏi : Cái đó là gì ? 

Họ nói : Phật có đầy đủ Trí-huệ lại không biết con heo sao ?

Phật đáp : Cũng nên hỏi qua vậy.

٭

 

Một hôm Thế Luận Bà-la-môn hỏi Phật rằng : Cồ Đàm ! Tất cả là sở tác ư ?

Phật nói : Bà-la-môn ! Nói có sở tác là thế luận một.

Hỏi : Tất cả chẳng phải sở tác ư ?

Đáp : Tất cả chẳng phải sở tác là thế luận hai.

Hỏi : Tất cả thường ư ? Tất cả vô thường ư ? Tất cả sanh ư ? Tất cả bất sanh ư ?

Đáp : Ấy là thế luận ba, bốn, năm, sáu.

Hỏi : Tất cả một ư ? Tất cả khác ư ? Tất cả đủ ư ? Tất cả chẳng đủ ư ? Tất cả đều do mỗi mỗi nhân duyên mà thọ sanh ư ?

Đáp : Ấy là thế luận bảy đến mười một.

Hỏi : Tất cả vô ký (chẳng thiện chẳng ác) ư ? Tất cả ký (hoặc thiện hoặc ác) ư ? Hữu ngã ư ? Vô ngã ư ? Có kiếp này ư ? Chẳng kiếp này ư ? Có các kiếp khác ư ? Chẳng kiếp khác ư ? Có giải thoát ư ? Chẳng giải thoát ư ? Tất cả là sát-na ư ? Tất cả không sát-na ư ? Là hư không ư ? Là chẳng phải hư không ư ? Cồ Đàm ! Có năng tác ư ? Chẳng có năng tác ư ? Có Trung-ấm ư ? Chẳng có Trung-ấm ư ? 

Đáp : Bà-la-môn ! Những câu hỏi như thế đều là thế luận, chẳng phải sở thuyết của Ta. (4)

(4) Năng-sở : Năng là chủ động, sở là bị động. Thí dụ : Năng lễ, sở lễ thì năng là thân, sở lễ là Phật. Mắt là năng thấy, vật là sở thấy; tai là năng nghe, âm thanh là sở nghe.

*

Phật ở hội Linh-sơn niêm hoa thị Chúng. Lúc ấy Chúng đều im lặng, chỉ một mình Tôn-giả Ca-diếp mỉm cười.

Thế-tôn nói : “Ta có Chánh-pháp Nhãn-tạng (từ nghi đến ngộ), Niết-bàn diệu tâm, thực tướng vô tướng, Pháp-môn vi diệu, Bất lập văn tự, Giáo ngoại biệt truyền, nay phó chúc cho Ma-ha-ca-diếp”.

Rồi Thế-tôn đến trước tháp Đa-tử bảo Ma-ha-ca-diếp ngồi kế cạnh, dùng Tăng-già-lê (áo Cà-sa) quàng lên thân Ca-diếp và bảo rằng : “Ta đem Chánh-pháp Nhãn-tạng mật phó cho ngươi, ngươi nên hộ trì”. Rồi bảo A-nan làm phó, giúp Ca-diếp hoằng hóa, chớ cho đoạn tuyệt. Xong Phật thuyết Kệ rằng :

Bản pháp vốn vô pháp,

Vô pháp cũng là pháp.

Nay phó chúc vô pháp,

Pháp pháp đâu từng pháp ?

Thế-tôn thuyết kệ xong lại bảo Ca-diếp : “Ta đem áo Kim-lan Tăng-già-lê truyền phó cho ngươi để chuyển trao cho Phật vị lai”.

Ca-diếp nghe kệ xong đảnh lễ chân Phật, tán thán rằng : Lành thay ! Lành thay ! Con sẽ vâng lời Phật.

Thế-tôn sắp nhập Niết-bàn, Văn-thù thỉnh Phật tái Chuyển Pháp-luân. Thế-tôn quở rằng : Văn-thù ! Ta bốn mươi chín năm trụ thế chưa từng thuyết một lời. Nay ngươi thỉnh Ta tái Chuyển Pháp-luân, vậy cho Ta đã từng Chuyển Pháp-luân sao ?

٭

Thế-tôn ở trong hội Niết-bàn tay đặt trên ngực bảo Chúng rằng :

“Đại-chúng hãy khéo quán xét cái thân vàng này, chiêm ngưỡng cho đủ, chớ nên hối tiếc. Nếu nói Ta diệt độ thì chẳng phải đệ tử của Ta. Nếu nói Ta chẳng diệt độ thì cũng chẳng phải đệ tử của Ta”.

Khi ấy cả triệu ức Chúng thảy đều khế ngộ.



Ba Lần Cảnh Cáo Khi Phật Sắp Nhập Niết-bàn

 

Kinh Đại Bát Niết-bàn rằng :

Lúc bấy giờ Đức Phật từ Sơ-thiền rồi Nhị-Thiền, Tam-thiền lần lượt thuận nghịch như vậy ra vào chín bậc thiền định xong, nói với đại Chúng rằng :

"Ta dùng Bát-nhã thâm sâu quán khắp tất cả lục đạo trong Tam-giới, căn bản tánh lìa, cứu cánh tịch diệt, đồng với tướng hư không, vô danh vô thức, tình chấp đoạn diệt, vốn là bình đẳng, chẳng cao chẳng thấp, chẳng thấy chẳng nghe, chẳng tri chẳng giác, chẳng thể trói buộc, chẳng thể giải thoát, vô chúng sanh, vô thọ mạng, chẳng sanh chẳng khởi, chẳng tận chẳng diệt, phi thế gian, phi phi thế gian, Niết-bàn sanh tử đều bất khả đắc, nhị tế (trước, sau) bình đẳng, các pháp bằng nhau, việc làm đồng như chẳng làm, cứu cánh yên tịnh. Từ pháp vô trụ, hành theo pháp tánh, dứt tất cả tướng, chẳng có một vật, pháp tướng như thế, đều bất khả đắc. Những kẻ biết được gọi là người xuất thế gian; việc này chẳng biết gọi là sanh tử bắt đầu. Các người cần phải đoạn dứt vô minh, diệt sự bắt đầu của sanh tử."

Lại nói với đại Chúng rằng :

"Ta dùng Ma-ha Bát-nhã quán khắp hữu tình vô tình trong Tam-giới, tất cả người và pháp đều là cứu cánh, chẳng có kẻ trói buộc, chẳng có người giải thoát, vô trụ vô y (chẳng nơi nương tựa) chẳng thể nhiếp trì, chẳng vào Tam-giới, chẳng ra tam giới, vốn là thanh tịnh, chẳng cáu bẩn, chẳng phiền não, bằng như hư không, bất bình đẳng, phi bất bình đẳng, tất cả tư tưởng động niệm trong tâm đều ngưng nghỉ, pháp tướng như thế gọi là Đại Niết-bàn, chơn thật thấy được pháp này gọi là giải thoát, phàm phu chẳng thấy gọi là vô minh".

Nói xong nhập Siêu thiền lần thứ ba, từ Sơ-thiền cho đến Diệt-tận-định, rồi từ Diệt-tận-định trở ngược lại cho đến Sơ-thiền, thuận nghịch như vậy vào Siêu thiền xong, lại nói với đại Chúng rằng :

"Ta dùng Phật nhãn quán khắp tất cả pháp trong Tam-giới, thực tế của vô minh, tánh vốn giải thoát, tìm khắp mười phương đều bất khả đắc. Vì căn bản của vô minh chẳng có, nên nhánh lá của vô minh đều sẵn giải thoát; vì vô minh giải thoát nên lão tử đều được giải thoát. Do nhân duyên này, nay ta an trụ nơi Thường Tịch Diệt Quang (ánh sáng thường tịch diệt), gọi là Đại Niết-bàn".

Lời cảnh cáo kể trên là lời khai-thị do lòng đại bi bất khả tư nghị của Đức Phật nói ra. Kẻ gặp được sự dạy bảo này, nên lấy xương mình làm bút, lột da mình làm giấy, chích máu mình làm mực, viết ra để bên cạnh mình, chẳng nên giây phút tạm quên, chẳng nên sát-na mất sự chiếu soi.

Ví như trong lần khai-thị thứ nhất rằng : "Quán khắp tất cả chúng sanh lục đạo, núi sông đất đai trong Tam-giới, căn bản tánh lìa, cứu cánh tịch diệt".

Lời khai-thị thứ nhì : "Quán khắp hữu tình vô tình trong Tam-giới, tất cả người và pháp đều là cứu cánh".

Lời khai-thị thứ ba : "Quán khắp tất cả các pháp trong Tam-giới, thực tế của vô minh, tánh vốn giải thoát".

Cho nên, khắp Pháp-giới, tận mười phương, tất cả hữu tình, vô tình, hữu tánh, vô tánh, núi sông đất đai, cỏ, cây, người hay súc vật, chẳng ở trong Tam-giới, chẳng ngoài Tam-giới; chẳng theo sanh tử, chẳng trụ Niết-bàn, đều đồng một Chơn-như, nhất tâm diệu tánh. Tín giải như thế, Đốn vào Nhất-thừa, ngoài ý chỉ kể trên chẳng có bí quyết nào vậy.

Tác giả bài viết: thichdaophat

Nguồn tin: Tông Phong Tàng Thư