Cội nguồn truyền thừa của Thiền tông - Phần đầu

Thế nào gọi là Thiền ?
LUẬN TỔNG QUÁT

 I. ĐỊNH NGHĨA CỦA THIỀN.

Thiền-na là tiếng Ấn-độ, xưa dịch là Tư Duy Tu, sau dịch là Tịnh-lự, gọi tắt là Thiền.

Trước đời Phật Thích-ca, có ông Phất-đang-la đã sáng lập Giáo-phái Thiền-na, dùng khổ hạnh để tu luyện. Sau này Phật Thích-ca lập ra sáu thứ Ba-la-mật, cái thứ năm cũng gọi là Thiền-na. Kỳ thực hai chữ Thiền-na chỉ là một tên gọi thông thường về phương pháp tu luyện.

Ngôn giáo của Phật Thích-ca bất cứ Đại-thừa, Tiểu-thừa đều lấy tu Thiền làm chủ yếu. Các phái Ngoại-đạo mỗi mỗi đều tự lập pháp Thiền của họ. Tên gọi dù đồng nhau, nhưng tính chất nội dung mỗi mỗi chẳng đồng, như mười hai Tịnh Pháp Thiền của Phất-đang-la, Phi Tưởng Phi Phi Tưởng của Bà-la-môn đều khác; nói về Thiền của Phật-giáo như Lục Độ Thiền của Đại-thừa, Tứ Đế và Thập Nhị Nhân Duyên của Tiểu-thừa đều khác nhau. Còn Bất Lập Văn Tự Thiền của Tối-thượng-thừa, gọi là “Giáo ngoại biệt truyền” là do Phật Thích-ca đích thân truyền cho Ma-ha-ca-diếp, sau đó Bồ-đề-đạt-ma truyền vào Trung Quốc. Phái Thiền này chỉ chú trọng phương pháp thực hành, chẳng lập văn tự lý luận, nên gọi là Thiền-tông, khác hẳn với các phái Thiền kia.

Thiền-tông ở Trung Quốc từ đời Đường đến đời Tống rất là thịnh vượng, truyền đến ngày nay vẫn còn phổ biến khắp nơi. Cho nên người ta nói đến hai chữ “Tham Thiền” đều chỉ pháp Thiền của Thiền-tông này. Kỳ thật ở trong Phật-giáo, từ Tiểu-thừa cho đến Đại-thừa, các Tông các Phái mỗi mỗi đều có pháp Thiền riêng biệt, lý lẽ và phương pháp, trực tiếp hay gián tiếp, tích cực hay tiêu cực mỗi phái mỗi khác. Xét theo lịch sử kể trên, chúng ta muốn lập ra một định nghĩa chính xác của chữ Thiền thật là rất khó, nhưng quyển sách này chỉ sáng tỏ về pháp Thiền của tổ Đạt-ma truyền vào Trung Quốc. Do đó chúng ta chỉ có thể dựa theo Tông-chỉ của Thiền-tông, giả thiết một định nghĩa cho chữ Thiền.

Theo pháp tu thông thường, đối với khái niệm của chữ Thiền là từ nhân đến quả, tức là từ nhân vị theo thứ lớp tu tập cho đến chứng quả thành Phật, đều là những phương pháp Tiệm tu. Nhưng theo khái niệm của Thiền-tông thì chẳng phải vậy, vì đường lối thực hành của Thiền-tông là pháp trực tiếp, ngay đó hiện thị quả Phật. Chư Tổ nói : “Thấy phải thấy ngay, suy nghĩ là sai”. Kỳ thật 'quả' đã được rồi thì 'nhân' cũng đồng thời giải quyết xong, cho nên nói là Thiền Đốn-ngộ. Định nghĩa của Thiền Đốn-ngộ là “Chẳng lập văn tự, chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật”.

Tại sao phải chỉ thẳng tâm người, chẳng lập văn tự ? Vì văn tự là một tên gọi giả danh, phải qua suy nghĩ rồi mới có thể biểu hiện ra, nên chỉ là một việc gián tiếp, còn bản thể của Chơn-tâm (cũng gọi là Tự-tánh) là một sự thực tế rốt ráo, cảnh giới ấy chẳng dùng kinh nghiệm suy nghĩ mà đến được, vậy cách gián tiếp ngôn ngữ văn tự, tự nhiên chẳng có cách để diễn tả. Nên Phật Thích-ca nói : “Ta thuyết pháp 49 năm, chưa từng nói một lời”, lại nói : “Kinh-giáo liễu-nghĩa như ngón tay chỉ mặt trăng, nếu thấy được mặt trăng thì biết ngón tay chẳng phải mặt trăng”. Thế thì ngôn ngữ văn tự là ngón tay để chỉ mặt trăng, nhưng ngón tay chẳng phải mặt trăng, chỉ là một việc gián tiếp, sự chỉ thị gián tiếp dù cũng là một phương pháp để đạt đến bản thể Chơn-tâm, nhưng chẳng bằng sự rốt ráo giản dị của chỉ thị trực tiếp, lại sự chỉ thị của ngón tay (ngôn ngữ văn tự) truyền đến đời sau, có người lại nhận lầm cho ngón tay tức là mặt trăng. Do đó pháp Thiền trực tiếp đốn ngộ của Thiền-tông bèn tùy nhu cầu thực tế mà ra đời, đồng thời phát triển rộng khắp mọi nơi. Dù nói chẳng lập văn tự, nhưng chẳng phải phế bỏ văn tự, giá trị của văn tự vẫn được chư Tổ của Thiền-tông chú trọng, cũng như tổ Đạt-ma dùng kinh Lăng Già để ấn chứng hậu học.

Thế-tôn ở nơi Pháp-hội Linh-sơn, đưa lên cành hoa, tất cả Đại-chúng đều ngơ ngác, chỉ có ngài Ca-diếp mỉm cười. Thế-tôn nói :

“Ta có Chánh-pháp nhãn-tạng, Niết-bàn diệu tâm, Thật-tướng vô tướng, Pháp-môn vi diệu, Chẳng lập văn tự, Giáo ngoại biệt truyền, nay phó chúc cho Ma-ha-ca-diếp”.

Từ đó pháp Thiền-trực-tiếp của Thiền-tông căn cứ theo việc này lấy Tâm truyền Tâm.

Phương pháp trực tiếp biểu thị trực tiếp này, Phật Thích-ca đã dùng qua nhiều lần, cũng như Thế-tôn đem hạt châu Ma-ni Tùy Sắc hỏi Ngũ Phương Thiên-vương rằng : Hạt châu này màu gì ?

Khi ấy Ngũ Phương Thiên-vương tùy sự thấy của mình đều trả lời màu sắc khác nhau.

Thế-tôn giấu hạt châu rồi lại đưa tay hỏi tiếp : Hạt châu này màu gì ?

Các Thiên-vương nói : Trong tay Phật chẳng có hạt châu thì đâu còn màu gì ! 

Thế-tôn nói : Các ngươi sao mê muội điên đảo quá ? Ta đem hạt châu thế gian cho xem thì nói có xanh, vàng, đỏ, trắng, Ta thị hiện hạt châu chơn thật thì chẳng biết gì cả ! 

Khi ấy Ngũ Phương Thiên-vương đều tự ngộ đạo.

Lại một hôm khác, Ngoại-đạo hỏi Thế-tôn : Không hỏi có lời, không hỏi không lời ? 

Thế-tôn im lặng giây lâu, Ngoại-đạo tán thán rằng : “Thế-tôn đại từ đại bi, khai phá đám mây mê muội cho con, khiến con được ngộ nhập”, đảnh lễ rồi ra đi. 

Ngài A-nan hỏi Phật : Ngoại-đạo được lý lẽ gì mà tán thán ?

Thế-tôn nói : Như con ngựa hay của thế gian, thấy bóng roi liền chạy nhanh.

Việc giấu hạt châu rồi đưa tay và im lặng giây lâu đều là phương pháp trực tiếp chỉ thị bản thể của Chơn-tâm, chẳng phải chỉ có một việc “Niêm hoa thị Chúng” mà thôi !

“Chẳng lập văn tự” chẳng phải tuyệt đối phế bỏ văn tự, nếu Phật Thích-ca phế bỏ văn tự thì ba Tạng Kinh-điển từ đâu mà ra ? Nếu Tổ Đạt-ma tuyệt đối phế bỏ văn tự thì chẳng nên dùng kinh Lăng Già để ấn chứng hậu học. Thiền-tông nói chẳng lập văn tự, bất quá dùng để sáng tỏ phương pháp trực tiếp và phương pháp gián tiếp vốn là khác nhau mà thôi.  

II. PHÁP THIỀN RA ĐỜI LÀ DO NHU CẦU TỰ NHIÊN CỦA LOÀI NGƯỜI.

Loài người đời thượng cổ ngu mê ngoan cố, Trí-tuệ bị vô minh che khuất, Linh-tánh bị ngũ Uẩn tam độc chi phối, sống trong cuộc sống dã man, nhưng Phật-tánh vốn viên mãn, giống như quặng thất bửu ẩn giấu dưới đất, chỉ đợi người khai phá ra. Sau này trí thức mở mang, trước tiên đối với hiện tượng thế giới cảm thấy đủ thứ kỳ lạ và nghi hoặc, rồi sanh tâm cầu bí mật của vũ trụ, hy vọng được giải thích cho rõ ràng, kế đó trở lại tìm hiểu tự tâm, muốn truy cứu nguồn gốc của sự biến hóa chẳng ngừng, sau cùng mới được nhờ sức trí tuệ Bát-nhã, mong chứng nhập cùng tột rốt ráo của bản thể Tự-tánh để vượt ra ngoài sanh tử luân hồi, ấy tức gọi là việc minh tâm kiến tánh thành Phật vậy.

Ý nghĩa của hai chữ Như-lai là bổn lai như thế, vì Phật-tánh và pháp Thiền vốn sẵn đầy đủ, khắp không-gian và thời-gian, diệu dụng vô biên, nên Phật Thích-ca thường dùng hai chữ Như-lai để đại diện cho bản thể Phật-tánh và diệu dụng, triệt để thấu rõ ý nghĩa của hai chữ Như-lai và giá trị chơn chánh của Pháp-thiền.  

III. SỰ KHÁC BIỆT CỦA THIỀN HỌC VỚI HÌNH NHI THƯỢNG HỌC.

Người ta thường hay nhận lầm Thiền-học tức là Hình-nhi-thượng học của Triết-học Tây-phương, thật ra thì chẳng đúng. Bởi Hình-nhi-thượng học là một môn học để giải thích bản thể của vạn hữu, mà Pháp-thiền là phương pháp dùng để chứng nhập bản thể của vạn hữu. Hình-nhi-thượng học dù muốn giải thích bản thể của vạn hữu, nhưng vì bản thân của người nghiên cứu chưa chứng nhập bản thể, cho nên chẳng có cách nào chơn chánh để nhận biết bản thể và giải đáp một cách đầy đủ triệt để. Thật bản thể này chẳng phải dùng kinh nghiệm suy tư có thể đạt đến, như kinh Viên Giác nói : “Dùng tâm suy tư để đo lường cảnh giới của Như-lai, như lấy lửa đom đóm để đốt núi Tu-di thì làm sao cháy được ?”

Học giả Tây-phương đối với vấn đề chơn thật siêu việt kinh nghiệm xưa nay chẳng có cách nào để giải quyết, như các nhà triết học Emmanuel Kant (1724 – 1804) bèn cho trí thức năng lực của con người chỉ có thể nhận biết thế giới tương đối trong phạm vi cảm giác suy tư, đối với cái bản thể thế giới tuyệt đối siêu việt kinh nghiệm suy tư thì chẳng có cách nào để nhận biết được, lại có người cho rằng việc này chẳng cần nghiên cứu nữa, rồi chuyển hướng hết lòng để nghiên cứu khoa học. Nhưng đại đa số học giả vẫn cho là trong thế hệ Triết-học chẳng thể thiếu sự nghiên cứu Hình-nhi-thượng học, bất quá chẳng lấy bản thể tuyệt thể tuyệt đối làm đối tượng nghiên cứu, chỉ lấy lý luận căn bản của sự vật để làm vấn đề nghiên cứu mà thôi. Cho nên trong Triết-học Tây-phương chỉ có bản thể luận tương đối, chẳng có bản thể luận tuyệt đối.

Từ xưa nay trải qua mấy ngàn năm, học giả Tây-phương đều hướng vào kinh nghiệm suy tư để làm công phu, chẳng những không được chứng nhập bản thể siêu việt kinh nghiệm suy tư, lại nghiên cứu sâu chừng nào thì xa lìa bản thể nhiều chừng ấy, cái nguyên do là thiếu một phương pháp để chứng nhập bản thể.

Sự Tham Thiền chẳng phải trực-giác, trực-giác là do tác dụng của bộ não thần kinh, bộ não thần kinh chẳng biết được Phật-tánh. Các học giả Tây-phương chỉ tùy theo kinh nghiệm trong vật chất, chọn cái nào là căn bản nhất để làm cái nguồn gốc của vạn vật mà thôi.

Trong lúc nhà Triết-học Hy Lạp đang dùng kinh nghiệm suy tư để truy cứu nguồn gốc của vạn vật, thì Phật Thích-ca phát minh được phương pháp để trực tiếp chứng nhập bản thể, siêu việt kinh nghiệm suy tư đã mấy ngàn năm. Cho nên Pháp-thiền của Phật Thích-ca thật là một phát minh lớn nhất của loài người, giá trị ấy thật chẳng thể đo lường.

Từ khi Phật Thích-ca phát minh pháp Thiền trực tiếp chứng nhập, người tu theo Pháp này được kiến Tánh thành Phật (chứng nhập bản thể) đã vô số kể, chỉ nói về Trung Quốc, người được kiến Tánh, được ghi trong sách Truyền Đăng Lục đã hơn bảy ngàn người, còn những người đã Kiến-tánh mà chưa được ghi vào thì chẳng biết là bao.

IV. MUỐN GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ BẢN THỂ CHỈ CÓ CÁCH THAM THIỀN.

Bản-thể tức là việc rất thực tế rốt ráo, nhà Phật gọi là Thật-tướng, cũng gọi là Chơn-như Phật-tánh, tên gọi rất nhiều, đều tùy dụng mà đặt danh, cái ý nghĩa của bản thể này với bản thể của nhà Triết-học Tây-phương khác nhau, muốn chứng nhập bản thể, ngoài Tham Thiền chẳng có cách khác.

Nhà Triết-học Tây-phương đối với vấn đề bản thể chỉ có một thái độ nghiên cứu để nhận biết, nhà Phật đối với Chơn-như Phật-tánh thì tỏ ra một thái độ thọ dụng thực tế. Vì người Tham Thiền một khi được chứng nhập bản thể tức là kiến Tánh thành Phật, ra khỏi sanh tử luân hồi, được sự thọ dụng lớn (tự do, tự tại vĩnh viễn), mục đích của người học Phật là vậy. Nên bất cứ Tông-phái nào trong Phật-giáo đều lấy pháp Thiền làm căn bản, đồng thời căn cứ theo Pháp-thiền đó có thể khiến người kiến Tánh hay không mà phân biệt cao thấp. Như Tiểu-thừa dứt lục Căn, phá ngã-chấp mà lọt vào pháp-chấp; Trung-thừa phá pháp-chấp mà lọt vào không-chấp, ấy đều chưa thể chứng nhập Bản-thể, chẳng được kiến Tánh thành Phật. Đại-thừa Bồ-tát phá không-chấp (vô thỉ vô minh) rồi đạt đến cảnh giới tuyệt đối của Thật-tướng, phương pháp của Thiền-tông là chẳng nhờ tất cả kinh nghiệm lý luận để đạt đến, mà chỉ là một phương pháp trực tiếp chứng nhập, gọi là Đốn-ngộ thành Phật. 



CHƯƠNG I  CỘI NGUỒN TRUYỀN THỪA

I. NGUỒN GỐC CỦA PHÁP THIỀN.

Loài người từ nguyên thỉ ngu dại ngoan cố, Phật-tánh Bát-nhã bị vô minh che khuất nên thân tâm hoạt động đều bị ngũ Uẩn, tam độc chi phối, sống trong cuộc sống dã man, nhưng Phật-tánh vốn sẵn viên mãn chẳng có thiếu sót, như ngọc quí ẩn trong phiến đá chỉ đợi người khai thác ra mà thôi. Sau này trí thức mở mang mới cảm thấy hiện tượng vũ trụ kỳ lạ, lại tôn sùng cho là Thần-linh, kế đó phát tâm truy cứu cái bí mật của vũ trụ. Ban đầu thì muốn nhờ bộ não lý giải để xác định quy tắc, sau này trở về tìm nội tâm muốn truy cứu chỗ nguồn gốc biến hóa. Những người trí huệ cao siêu thì muốn nhờ sức Bát-nhã để cầu chứng nhập chỗ cùng tột của Bản-thể, vượt ra ngoài sanh tử luân hồi, do đó pháp Thiền liền đáp ứng sự nhu cầu mà ra đời.

Cứu xét lịch sử tiến hóa của loài người, các dân tộc phương Đông và phương Tây, tổ tiên của họ đều có sự nhu cầu như thế, đồng thời mỗi mỗi đều có sự phát hiện quí báu, chỉ vì hoàn cảnh trí huệ khác biệt, đường lối thực hành chẳng đồng, nên được kết quả sai biệt cách xa như trời với đất. Các nhà Tôn-giáo Tây-phương thì chú trọng linh cảm, nhà Triết-học thì tôn sùng khái-niệm và trực-giác, các phái Đạo-gia của Trung-quốc thì tọa-vong, nhà Nho thì duy-tinh, duy-nhất, thảy đều có mùi vị Thiền.

Thiền-pháp của Bà-la-môn Ấn-độ sáng lập trước hơn các nước khác, nhưng tất cả chưa lìa được tác dụng "kiến, văn, giác, tri" nên chẳng có cách nào để chứng nhập chỗ cùng tột của Bản-thể, từ xưa nay vẫn phải chịu sự luân hồi trong tam-giới. Chỉ có Phật Thích-ca-mâu-ni phát minh được Thiền-pháp Bát-nhã và dùng nó để phá tan 'hầm sâu vô minh', triệt để chứng ngộ vào Vô-dư-niết-bàn, nên gọi là 'kiến Tánh thành Phật'. Phật Thích-ca đặt tên pháp Thiền này gọi là Pháp-bản-trụ, ý là tự nhiên bản-trụ, chẳng do tạo tác mà có và phủ nhận chẳng do tự mình phát minh.

Kinh Lăng Già nói : “Ví như người đang đi ngoài đồng, thấy có đường đi bằng phẳng liền theo đó vào thành, thọ dụng sự an lạc như ý. Xưa kia tất cả Phật đều đi đường này thì nay Ta cũng đi theo mà thôi”. Do đó mà xét thì biết pháp Thiền ra đời là do nhu cầu tự nhiên của loài người, trước khi chưa có loài người, Phật-tánh đã sẵn sàng và pháp Thiền cũng đã là bản-trụ. Bao nhiêu cổ Phật trước đời Phật Thích-ca đều nương theo đường này mà đạt đến chỗ Chơn-như rốt ráo, vô lượng chư Phật sau đời Phật Thích-ca cũng sẽ nương theo đường này để đạt đến Giác-ngộ cuối cùng. Ngoài Pháp này ra chẳng có pháp nào khác, nên đường lối này dù là sẵn có, nếu chẳng có Phật Thích-ca chỉ thị thì chúng sanh ắt phải quanh quẩn trong ngã rẽ mà quên việc trở về nhà.  

II. PHÁP THIỀN CỦA PHẬT THÍCH CA.

Trước đời Phật Thích-ca, các Tông-phái Bà-la-môn Ấn-độ đều có pháp Thiền tu hành của họ, pháp danh tiếng nhất như : Mười Hai Tịnh Pháp Thiền, Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Thiền đều là Ngoại-đạo dùng nó để tu được sanh cõi Trời. Khi Phật Thích-ca mới xuất gia, từng tham học các Thiện-tri-thức của Bà-la-môn, đối với các pháp Thiền của họ đều chưa hài lòng, cho nên vào Tuyết Sơn tự tu. Ban sơ vẫn dùng Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Thiền đoạn niệm dứt dục trải qua sáu năm chẳng kết quả gì, biết pháp Thiền của Bà-la-môn là sai, nên tắm gội ăn uống lại rồi đến ngồi dưới cây Bồ-đề, dùng pháp Thiền Bát-nhã Tam-muội phản quán chiếu soi, trải qua 49 ngày liền chứng quả Phật, than rằng : “Lạ thay ! Lạ thay ! Tất cả chúng sanh đều sẵn đủ đức tướng trí huệ của Như-lai, nhưng chỉ vì vọng tưởng chấp trước mà chẳng thể chứng đắc”. Thích-ca sau khi thành Phật, muốn dùng sở chứng của Ngài khai-thị cho chúng sanh khiến ngộ nhập Tri-kiến-phật, vì căn cơ chúng sanh muôn ngàn sai biệt, nên Pháp của Như-lai thuyết cũng muôn ngàn sai khác, nói đại khái có thể chia làm bốn thừa : Tiểu-thừa, Trung-thừa, Đại-thừa và Tối-thượng-thừa. Tiểu-thừa tu thiền Tứ Đế, gọi là Thanh-văn-thừa; Trung-thừa tu thiền Thập Nhị Nhân Duyên, gọi là Duyên-giác-thừa; Đại-thừa tu thiền Lục Độ, gọi là Bồ-tát-thừa; Tối-thượng-thừa là chỉ thị trực tiếp Chơn-như Phật-tánh, chỉ có người chứng nói với người chứng mới biết được, gọi là Nhất-phật-thừa, tức là pháp thiền “Niêm hoa thị Chúng”, cũng gọi là 'Giáo ngoại biệt truyền' vậy.

Kinh Hoa Nghiêm nói : “Nếu có chúng sanh căn cơ thấp kém thì thuyết hạnh Thanh-văn cho họ; nếu căn cơ lanh lợi, ham Độc-giác thì thuyết đạo Duyên-giác cho họ; nếu có người từ bi, ham lợi ích chúng sanh thì thuyết Hạnh Bồ-tát cho họ; nếu có người tâm trí huệ thù thắng thì chỉ thị Pháp-vô-thượng của Như-lai”.

Phật Thích-ca dù giả thiết đủ thứ phương tiện để dẫn dắt chúng sanh, nhưng Tông-chỉ duy nhất chẳng ngoài một việc 'Kiến-tánh thành Phật' mà thôi, nói vì một nhân duyên đại sự ra đời là vậy. Nên duy có pháp Thiền được khiến chúng sanh đạt đến kiến Tánh thành Phật, mới là sự phó chúc huệ mạng của chư Phật, chư Tổ.

Kinh Pháp Hoa nói : “Trong mười phương Quốc-độ, duy có pháp Nhất-thừa, chẳng hai cũng chẳng ba, ngoài Phật thuyết phương tiện, chỉ dùng giả danh tự, dẫn dắt cho chúng sanh, nên nói trí huệ Phật, chỉ một sự thật này, ngoài ra đều chẳng chơn”.

Khi Phật Thích-ca còn tại thế, các đệ tử đều lấy tu Thiền làm cơ bản, sau khi Phật Thích-ca nhập diệt, do pháp Thiền cao thấp thành có bốn Thừa, nhưng đồng thời được các Tông chú trọng. Thiền-tông độc lập thành một Tông-phái là bắt đầu từ Trung-quốc.  

III. THIỀN TÔNG TRUYỀN TỪ SƠ TỔ CA DIẾP.

Các Pháp-môn truyền dạy từ Phật Thích-ca đã có bốn Thừa sai biệt, thì pháp Thiền của họ tu bèn có trực tiếp và gián tiếp khác nhau, như : Thế gian Thiền, Xuất thế gian Thiền, Thượng thượng Thiền, cho đến Ngũ chủng Thiền, Lục chủng đại Thiền… danh hiệu rất nhiều, có cách tu được Kiến-tánh, cũng có cách tu chỉ được sanh cõi Trời mà chẳng thể kiến Tánh, nhưng đều chẳng xuất phát từ Thiền-tông Trung-quốc.

Dù nói Thiền-tông Trung-quốc, nhưng bắt đầu từ Sơ-tổ Ma-ha-ca-diếp, truyền đến Tổ thứ 28 là Bồ-đề-đạt-ma, truyền vào Trung Quốc làm Sơ-tổ, ấy là sự y cứ để kiến lập Thiền-tông. Sự tích của chư Tổ từ đời từ đời truyền xuống đều có ghi rõ trong Truyền Đăng Lục, độc giả muốn biết rõ thì hãy tự xem lấy, ở đây chẳng thể kể xiết.  

IV. PHÁP THIỀN TẠI TRUNG QUỐC TRƯỚC KHI TỔ ĐẠT MA CHƯA ĐẾN.

Trước khi tổ Đạt-ma chưa đến, các kinh Thiền đã truyền vào Trung-quốc rất nhiều. Đời Hậu Hán có Sa-môn An-thế-cao thông suốt Kinh-luận, lại giỏi về pháp Thiền, đến thành phố Lạc Dương, dịch Kinh hơn trăm bộ, trong đó có các Kinh nói về pháp Thiền gồm : Đại Ban An Thủ Ý Kinh hai quyển, Thiền Hạnh Pháp Tưởng Kinh một quyển, Đại Thập Nhị Môn Kinh một quyển, Tiểu Thập Nhị Môn Kinh một quyển, Thiền Hạnh Ba Mươi Bảy Phẩm Kinh một quyển, Thiền Định Phương Tiện Thứ Đệ Pháp Kinh một quyển, Thiền Pháp Kinh một quyển.

Cuối đời nhà Hán, có Cư-sĩ Chỉ Khiêm người nước Nhục-chi đến Lạc Dương, dịch Tu Hành Phương Tiện Kinh hai quyển, Thiền Bí Yếu Kinh bốn quyển. Đời Tam Quốc có Khương Tăng Hội đến Dương Đô dịch Tọa Thiền Kinh một quyển. Đời Tây Tấn có Sa-môn Trúc Pháp Hộ dịch Hữu Pháp Quán Kinh một quyển; lại có Phật-đà-bạt-đà đến Trường An chuyên hoằng pháp Thiền, sau ứng lời mời của Huệ Viễn Pháp-sư ở Lư Sơn dịch Đạt-ma-đa-la Thiền Kinh hai quyển, ngài Cưu-ma-la-thập có dịch Thiền Bí Yếu Pháp Kinh ba quyển, Tọa Thiền Tam Muội Kinh hai quyển, Thiền Pháp Yếu Giải hai quyển, Tư Duy Lược Yếu Pháp một quyển… Ngoài ra còn nhiều lắm chẳng thể kể xiết.

Các Kinh kể trên phần nhiều thuộc pháp Thiền Tiểu-thừa, Trung-thừa, các Sư như An Thế Cao và Giác Hiền chuyên hoằng về pháp Thiền Tiểu-thừa, Cưu-ma-la-thập là người Đại-thừa mà dịch Kinh chẳng giống Đại-thừa, cho đến Đạt-ma-đa-la Thiền Kinh và Tọa Thiền Tam Muội Kinh xưa kia được xem là Đại-thừa Thiền, nhưng ở trong cũng xen vào Thiền Trung-thừa và Tiểu-thừa. Đủ thứ pháp Thiền kể trên gọi là Thiền Số Chi Học, khác hẳn với Thiền “Chẳng lập văn tự” của Thiền-tông.

Thiền Số Chi Học là Thiền tu tập theo thứ lớp, từ nhân đến quả, mà pháp Thiền của tổ Đạt-ma là chỉ thẳng Bản-tâm, Đốn-ngộ thành Phật, chẳng có giai cấp và thứ lớp. Người ta thấy đệ tử ngài La-thập là Đạo Sanh có cái thuyết “Đốn-ngộ thành Phật”, bèn cho Thiền-tông xuất phát từ Cưu-ma-la-thập, ấy là sai lầm.

Cùng thời với Tổ Đạt-ma có Bửu Chí Hòa-thượng, Bố Đại-sĩ, Hàn Sơn, Thập đắc, Bố Đại Hòa-thượng, đều là người 'minh Tâm kiến Tánh', nhưng thừa kế thầy nào chẳng rõ, sở duyên ngộ đạo cũng chẳng thể khảo sát.  

V. THIỀN TÔNG TRUYỀN TỪ TỔ ĐẠT MA.

Trước khi Tổ Đạt-ma chưa đến, Thiền-pháp Trung-quốc phần nhiều Trung, Tiểu, Nhị-thừa; kẻ nghiên cứu Giáo-tướng về lối tu ngày càng phức tạp và chi ly, học giả ít được chứng ngộ. Khi Tổ Đạt-ma đến, chuyên truyền Pháp-môn Tâm-địa của Như-lai, Pháp ấy lại giản dị trực tiếp, thấu thoát ra ngoài cương yếu của Giáo-môn, chỉ thẳng tâm người, thấy Tánh thành Phật. Từ đó pháp Thiền riêng mở một trạng thái mới lạ. Lúc ban sơ vì phương pháp cao siêu, ít người được khế hội, nên ngồi im lặng chín năm để đợi người đặng truyền thừa, về sau người tin càng đông thêm, sự ảnh hưởng làm cho pháp Thiền và Giáo-lý đã truyền từ xưa bị lay động, nên đã sáu lần bị đầu độc, nhưng Pháp-môn trực chỉ của Thiền-tông đã thay thế cho địa vị pháp Thiền cũ mà thịnh hành khắp Trung-quốc.

Xem qua lời vấn đáp của Tổ Đạt-ma đều là Pháp chỉ thị Phật-tánh, thẳng vào cội nguồn Bản-thể. Trong Truyền Đăng Lục có ghi : “Nhập Đạo Tứ Hạnh” của Tổ dạy, cứu xét kỹ do người khác giả mạo, so với ý nghĩa lời nói của Ngài hoàn toàn khác hẳn, như trong bài nói “Bỏ vọng về chơn”, “Im lặng ngó hẳn vách tường”, “Dứt tưởng chẳng cầu, có cầu đều khổ, chẳng cầu mới vui”, “Chẳng có bỏn xẻn đối với thân mạng tiền tài, theo hạnh xả bỏ bố thí, tâm chẳng hối tiếc”… Những lời này toàn là lời dạy của Trung, Tiểu nhị thừa, so với lời “Quách nhiên vô thánh”, “Vô hữu công đức” của Tổ Đạt-ma thì ý chỉ tuyệt nhiên xa cách, Trí thông với nghẽn đã phân biệt rõ ràng.

Thiền-tông sau khi ngộ đạo chẳng nhờ tu tập, nếu có tu thì chẳng phải triệt ngộ, Tổ Đạt-ma là bậc Thánh đã ngộ, đâu cần hướng vách tu thiền ? Lại từ xưa nay chư Tổ của Thiền-tông đều phản đối sự lắng tâm tĩnh tọa, Lục-tổ nói : “Kẻ mê lắng tâm tĩnh tọa, trăm điều chẳng nghĩ, tự xưng là Đại, bọn này chẳng thể dạy bảo, vì tà kiến đã sẵn”. Lại nói : “Trụ tâm quán tịnh là bệnh chẳng phải Thiền, ngồi lâu trói thân, có ích lợi gì ?”

Pháp-thiền của Tổ Đạt-ma phế bỏ hư văn, chỉ ngay thực tế, khiến người đốn-ngộ cội nguồn, thẳng chứng quả Phật, nên được quét sạch những tệ đoan phức tạp và chi ly, khiến Thiền học từ suy sụp trở thành thịnh vượng, thành một Tông-phái lớn. Ngài truyền kinh Lăng Già để ấn Tâm và chư Tổ đời sau dùng hét dùng gậy, dùng phẫn nộ chửi mắng, cho đến dùng nhướng mày chớp mắt để tiếp dẫn hậu học, với Tông-chỉ Lăng Già 'niêm hoa thị Chúng'đều chẳng khác biệt.

Tổ Đạt-ma được tôn làm Sơ-tổ của Thiền-tông, truyền cho Nhị-tổ Huệ Khả, Tam-tổ Tăng Xán, Tứ-tổ Đạo Tín, Ngũ-tổ Hoằng Nhẫn, đến Lục-tổ Huệ Năng, môn đồ của Lục-tổ ngộ đạo rất nhiều, Thiền phong đại thịnh, Tứ-tổ có chi nhánh Pháp Dung Thiền-sư ở núi Ngưu Đầu, cũng rất thịnh vượng, người đời xưng là Ngưu Đầu Thiền, hành trạng và lời khai-thị của chư Tổ đều có ghi trong Truyền Đăng Lục.  

VI. LỤC TỔ HUỆ NĂNG VỚI KINH PHÁP BẢO ĐÀN.

Tổ Đạt-ma truyền pháp 'Thiền trực chỉ' của Phật Thích-ca, đến lục tổ Huệ Năng được phát huy cùng tột, từ đó Thiền-tông được đại thành tựu. Lục-tổ vốn là một Sa-môn không biết chữ, nhưng Trí-huệ tuyệt đỉnh, phàm sở phát huy đều xuất phát từ Biển-giác của Như-lai, trực tiếp rốt ráo, cắt đứt tất cả dây dưa, trừ bỏ tất cả sai lầm, rất là thân thiết, rất là thấu triệt.

Trước kia trong Phật-giáo đối với lý đốn-tiệm của Pháp-thân Tự-tánh, phần nhiều kẹt nơi văn tự. Lục-tổ trực tiếp chỉ ra, như thổi tan mây mù mà bỗng hiện trong sáng, chẳng còn một hạt bụi để ngăn cách, do đó Thiền-tông truyền bá rất rộng, người được lợi ích rất nhiều, cho đến kẻ cu ly hạ tiện, bà già tay bưng vai gánh rêu rao mua bán ngoài đường đều biết Tham-thiền, đều được ngộ đạo. Từ lúc ấy, người minh Tâm kiến Tánh chẳng thể kể xiết, thật là việc hưng thịnh từ xưa nay chưa từng có.

Bản sắc “chẳng lập văn tự” của Thiền-tông từ Sơ-tổ cho đến Ngũ-tổ Hoằng Nhẫn, những lời dạy bảo truyền thừa rất ít, đến Lục-tổ Huệ Năng mới có kinh Pháp Bảo Đàn ra đời, pháp Thiền của Tổ Đạt-ma tới đây mới được trọn vẹn hiển bày. Lý đạo phát huy trong kinh Pháp Bảo Đàn hoàn toàn xuất phát từ Tự-tánh, mỗi lời mỗi chữ đều chẳng lìa Tự-tánh, bởi vì sau khi chứng ngộ thì trong Tâm thất thông bát đạt, tùy tiện đem ra đều là Tự-tánh.

Pháp của Lục-tổ nói là : Trì Tự-tánh-giới, phát Tự-tánh-nguyện, nhờ Tự-tánh-lực, độ Tự-tánh-chúng-sanh, quy-y Tự-tánh-phật. Lục-tổ nói : “Thiện-tri-thức, nơi niệm niệm tự thấy Bản-tánh trong sạch, tự tu, tự hành, tự thành Phật-đạo”. Lại nói : “Pháp sở thuyết của Ta chẳng lìa Tự-tánh, nếu lìa Bản-thể thuyết pháp gọi là Tướng-thuyết, làm cho Tự-tánh thường mê. Phải biết tất cả vạn pháp đều từ Tự-tánh khởi dụng, ấy là Giới-Định-Huệ chơn thật”.

Thiền-tông lấy 'Niết-bàn Diệu-tâm' làm bản thể. Niết-bàn diệu Tâm tức là Lục-tổ nói : “Bản nguyên Tự-tánh”, vậy kinh Pháp Bảo Đàn nói : “Nếu khởi chơn chánh Bát-nhã, trong một sát-na vọng niệm đều diệt, nếu biết Tự-tánh, hễ ngộ liền đến địa vị Phật. Thiện-tri-thức, Trí-huệ quán chiếu, trong ngoài sáng tỏ, nhận tự Bản-tâm, nếu nhận được Bản-tâm, tức vốn giải thoát; nếu được giải thoát tức là Bát-nhã tam-muội”.

Thế nào là Bát-nhã tam-muội ? Người tham thiền cần phải biết rõ, nay đặc biệt giảng rõ như sau : 

Bát-nhã có ba thứ :

1/ Thật-tướng Bát-nhã (thể).

2/ Quán-chiếu Bát-nhã (trí).

3/ Phương-tiện Bát-nhã (dụng).

Nói một cách khác : Thật-tướng Bát-nhã tức là Phật-tánh, quán-chiếu Bát-nhã là 'kiến văn giác tri', phương-tiện Bát-nhã tức là lục Căn. Lúc đang tu hành, dùng quán-chiếu Bát-nhã làm chủ, sai khiến phương-tiện Bát-nhã để đập tan 'vô thỉ vô minh' thì chứng Thật-tướng Bát-nhã. Sau khi chứng ngộ, Thật-tướng tức là Bản-thể Phật-tánh, quán-chiếu và phương-tiện là diệu dụng Phật-tánh. Thật-tướng là Định, quán-chiếu phương-tiện là Huệ; Thật-tướng (Phật-tánh) là Pháp-thân, Quán-chiếu (kiến văn giác tri) là Báo-thân, Phương-tiện (lục căn) là Ứng-thân, ba tức một, một tức ba, gọi là nhất thể Tam-thân, thể dụng như một, Định Huệ bình đẳng, diệu dụng Hằng-sa.

Kinh Pháp Bảo Đàn nói : “Tâm lượng rộng lớn, cùng khắp Pháp-giới, dụng tức liễu liễu rõ ràng, ứng dụng liền biết tất cả. Tất cả là một, một là tất cả, khứ lai tự do, tâm thể vô ngại, tức là Bát-nhã”. Lại nói : “Tất cả trí Bát-nhã đều từ Tự-tánh mà ra, chẳng từ ngoài vào, chớ nhận lầm tự tâm, gọi là Chơn-tánh tự dụng”.

Về việc phá tan 'vô thỉ vô minh', kinh Pháp Bảo Đàn nói : “Nên dùng Đại-trí-huệ (quán chiếu Bát-nhã) phá tan ngũ Uẩn trần lao (vô thỉ vô minh), tu hành như thế nhất định thành Phật”. Lúc dụng công phu tham thiền, dùng Trí-huệ Bát-nhã hướng ngay chỗ 'hầm sâu vô minh' chiếu soi, chiếu đến khi sơn cùng thủy tận, cơ duyên thuần thục, “Ồ” lên một tiếng thì hầm sâu vô minh bị phá tan, trong một sát-na Phật-tánh được hiện tiền, kinh Duy-ma-cật nói : “Ngay đó hoát nhiên, liền đắc Bản-tâm” là vậy, lúc ấy Tam-thân, Tứ-trí, Ngũ-nhãn, Lục-thông, viên mãn đầy đủ chẳng thiếu chẳng dư, gọi là Bát-nhã tam-muội, cũng gọi là 'minh Tâm kiến Tánh'.  

VII. HÀ TRẠCH THẦN HỘI ĐỊNH TÔNG CHỈ NAM TÔNG.

Lục-tổ Huệ Năng và Thần Tú Đại-sư đều là đệ tử của Ngũ-tổ, Thần Tú chủ trương Tiệm tu, chưa minh Tâm kiến Tánh, nên bài kệ “Thân như cây Bồ-đề” là phát huy nơi Nhân-địa. Lục-tổ đã minh Tâm kiến Tánh, nên bài kệ “Bồ-đề vốn chẳng cây” là phát huy nơi Quả-địa, ngay đó đem Niết-bàn Diệu-tâm trọn vẹn trình ra được Ngũ-tổ ấn khả, truyền cho Y&Pháp.

Lúc Lục-tổ đang hoằng Tông-chỉ Đạt-ma ở Tào Khê, Thần Tú Đại-sư thì xướng pháp Thiền tiệm tu ở Nam Kinh, gọi là Bắc-tông. Sau khi Lục-tổ viên tịch, Pháp-tiệm-tu của Bắc-tông ngày càng hưng thịnh, môn đồ của Thần Tú có ba vị Quốc-sư, trong đó có Phổ Tịch Thiền-sư danh giá cao nhất, từng làm Quốc-sư trải qua ba đời vua Tắc Thiên, Trung Tông và Duệ Tông. Phổ Tịch tôn Thần Tú làm lục tổ, tự xưng là thất tổ, Tông-chỉ của Tào Khê ngày càng chìm lặng, do đó đệ tử của Lục-tổ là Thần Hội Thiền-sư, phấn chấn đứng ra chỉ trích môn Tiệm tu của Bắc-tông chẳng phải chánh thống của tổ Đạt-ma, chỉ có Tông-chỉ Tào Khê mới là đích truyền.

Ngày 15 tháng giêng năm thứ 20 niên hiệu Khai Nguyên, Ngài ở Hoạt Đài (Hoạt Huyện tỉnh Hà Nam) Đại Vân Tự thiết lập Vô giá đại Hội, xác định Pháp-thống Thiền-tông do tổ Đạt-ma truyền.

Năm thứ 8 niên hiệu Thiên Hữu, một lần nữa xác định Tông-chỉ Nam-tông tại Lạc Dương, từ đó chánh thống Thiền-tông là Lục-tổ Tào Khê mới được xác định.

Thần Hội xác định Tông-chỉ là công thần của Thiền-tông mà lịch sử ít ghi chuyện này, nơi thạch động Đôn Hoàng có ghi bài “Bồ-đề Đạt-ma Nam Tông Thị Phi Luận'' do Độc Cô phái soạn, hiện nay lưu tại viện bảo tàng Pari (Pháp), trong bài này là ghi việc định Tông-chỉ của ngài Thần Hội ở Đại Vân Tự (Hoạt Đài).

Thần Hội còn có bài Hiển Tông Ký để hiển bày Tông-chỉ của Tào Khê, ngoài ra tác phẩm Chứng Đạo Ca cũng làm cùng lúc xác định Tông-chỉ. Nay Chứng Đạo Ca đổi tên là Vĩnh Gia Chứng Đạo Ca, nhưng tôi đã từng thấy một bản đời nhà Tống ghi rõ tác-giả là Thần Hội, nay trích ra mấy đoạn trong Chứng Đạo Ca để chứng tỏ :

Dựng Pháp-tràng, lập Tông-chỉ,

Rõ ràng Tào Khê là kế thừa,

Bắt đầu Truyền-đăng từ Ca-diếp, 

Hai mươi tám đời truyền từ Ấn,

Pháp-lưu Đông vào đất này,

Bồ-đề-đạt-ma làm Sơ-tổ,

Sáu đời truyền Ythiên hạ hay,

Đời sau đắc Đạo vô số kể.

Khi xác định Tông-chỉ giành chánh thống ở Hoạt Đài, bằng chứng hiệu lực nhất là việc truyền Y&Pháp, trong Hiển Tông Ký có nói : “Sau khi Thế-tôn nhập diệt, hai mươi tám vị Tổ ở Ấn-độ cùng nhau truyền Tâm-vô-trụ, đồng thuyết tri kiến của Như-lai, cho tới Tổ Đạt-ma đến Trung-quốc là Sơ-tổ, truyền Y để làm tin cho Pháp, Pháp là chỗ nương của Y, Thiền-tông lấy Y&Pháp tương truyền, ngoài ra chẳng có pháp khác. Trong truyền Tâm-ấn để ấn chứng Bản-tâm, ngoài truyền Cà-sa để đại biểu Tông-chỉ”.

Trong Nam Tông Định Thị Phi Luận có nói : “Nay Thần Hội có thiết lập Vô giá đại Hội trang nghiêm đạo tràng, chẳng vì công đức, chỉ muốn xác định Tông-chỉ cho người học khắp thiên hạ, vì tất cả người học Đạo phân rõ thị phi”.

Than Mạt-pháp, thời ác thế,

Chúng sanh phước kém khó dạy dỗ,

Cách xa bậc Thánh tà kiến sâu,

Ma mạnh Pháp yếu nhiều oán ghét.

Vừa nghe Đốn-giáo của Như-lai, 

Liền muốn diệt cho tan rã hết.

Pháp Viên-đốn chẳng nhơn tình,

Nghi chẳng giải quyết cần phải giành,

Chẳng phải Sơn-tăng chấp nhơn ngã,

Tu hành sợ đọa hầm đoạn thường.

Theo việc tranh luận của ngài Thần Hội là muốn phá cửa Tiệm tu của Thanh-tịnh-thiền mà kiến lập cửa Đốn-ngộ của Tổ-sư-thiền vậy.

Mặc người phỉ, mặc người báng,

Lấy lửa đốt trời tự lao nhọc,

Ta nghe đồng như uống cam lồ,

Tiêu tan bỗng vào bất tư nghì.

Quán ác ngôn là công đức,

Phỉ báng ta là Thiện-tri-thức,

Chẳng vì phỉ báng nói yêu ghét,

Sao tỏ vô-sanh T-nhẫn-lực.

Khi ngài Thần Hội định Tông-chỉ, bị người Bắc-tông vu khống mà bị Vua đày, nên mới có lời nói trên. Trong Nam Tông Định Thị Phi Luận nói : “Nay ta hoằng dương Đại-thừa, kiến lập Chánh-pháp, khiến tất cả chúng sanh đều hay biết, đâu tiếc thân mạng !”

Mặt trời lạnh, mặt trăng nóng,

Bọn Ma chẳng thể hoại Chánh-thống.

Xe voi trên đường đang tiến tới,

Bọ ngựa đâu thể chận lại được ?

Voi lớn chẳng dạo đường con thỏ,

Đại ngộ chẳng kẹt nơi việc nhỏ.

Chớ nhìn ống hẹp bóng hư không,

Nay ta vì ông giải quyết xong.

Ngoài ra như :

“Gọi người gỗ máy lên để hỏi,

Dụng công cầu Phật lúc nào thành”.

“Yêu quái trăm năm uổng mở miệng”… đều là chỉ trích môn Tiệm tu Thanh-tịnh-thiền. Xét kỹ toàn bộ Chứng Đạo Ca đều là ngài Thần Hội vì xác định Tông-chỉ mà nói ra, so với ý chỉ trong Vĩnh Gia Tập hiển nhiên chẳng đồng. Ngài Vĩnh Gia trước học Thiên Thai, lời nói trong tập còn nhiều giọng nói giống tông Thiên Thai, nên biết Chứng Đạo Ca là tác phẩm của ngài Thần Hội, có thể vì người đời sau muốn tránh sự ác cảm của Bắc-tông, nên gán tên cho ngài Vĩnh Gia mà thôi. Thiền-tông ở ngày nay gai gốc khắp đường, lý Đốn-Tiệm hỗn độn chẳng thể phân biệt, có ai kế tiếp theo ngài Thần Hội, phấn chấn khởi lên tái định Tông-chỉ của Tào Khê chăng ?  

=>> Xem tiếp

Tác giả bài viết: Liễu Phàm

Nguồn tin: Tông Phong Tàng Thư