Bá Trượng Ngữ Lục - phần IV

Phần này trích trong THIỀN HỌC ĐẠI THÀNH

Thiền-sư Tây Đường hỏi Sư  :

- Về sau Ông làm sao khai-thị cho người ?

Sư lấy tay nắm lại buông ra hai lần. Tây Đường hỏi : Còn gì nữa ?

Sư lấy tay điểm vào đầu ba cái.

*

Tăng nói : Y Kinh giải nghĩa, Tam thế Phật oan, lìa Kinh một chữ đồng như Ma thuyết là thế nào ?

Sư đáp : Trụ nơi động tịnh Tam thế Phật oan, ngoài Tâm cầu Pháp đồng như Ma thuyết.

*

Nhân lúc Tăng-chúng khai khẩn đất ruộng về Sư hỏi Hoàng Bá rằng : Ông khai khẩn đất ruộng không dễ.

Hoàng Bá đáp : Chúng-tăng làm việc.

Sư nói : Có dụng nhờ đạo.

Hoàng Bá nói : Đâu dám từ chối việc lao động.

Sư nói : Khai khẩn được bao nhiêu ?

Hoàng Bá làm thế cuốc ruộng, Sư bèn hét. Hoàng Bá bịt tay đi ra.

*

Sư hỏi Hoàng Bá : Ông vừa đi đâu về ?

Hoàng Bá : Hái nấm ở dưới núi về.

Sư hỏi : Ở dưới núi có một con hổ, Ông thấy chăng ?

Hoàng Bá giả tiếng hổ gầm. Sư cầm búa làm thế chém. Hoàng Bá ngăn lại rồi bạt tay Sư một cái.

Tối hôm đó, Sư thăng tòa : Này Đại-chúng, ở dưới núi có một con hổ, các Ông qua lại hãy coi chừng. Sáng nay chính lão Tăng đã bị cắn một cái.

*

Lúc Qui Sơn làm đầu bếp trong Thiền-hội, Tư-mã Đầu-đà kể Công-án con chồn rồi hỏi ý Qui Sơn như thế nào ? Qui Sơn lay cánh cửa ba lần.

Tư-mã nói : Thô lỗ quá.

Qui Sơn nói : Phật-pháp chẳng phải lý lẽ này.

 

Hoàng Bá hỏi : Người xưa lấy Pháp gì bố thí cho người ?

Sư im lặng thật lâu mà chưa đáp.

Hoàng Bá hỏi : Con cháu đời sau lấy gì truyền thụ ?

Sư đáp : Tưởng ông là một con người.

Rồi trở về phương trượng.

*

Khi Sư cùng Qui Sơn làm việc.

Sư hỏi : Có lửa không ?

Qui Sơn đáp : Có.

Sư hỏi : Ở đâu ?

Quy Sơn lấy một khúc củi thổi một cái rồi đưa cho Sư.

Sư cầm lấy nói : Như sâu ăn cây.

*

Hỏi : Thế nào là Phật ?

Sư nói : Ông là ai ?

Đáp : Là Tôi.

Sư hỏi : Ông biết Tôi chăng ?

Đáp : Rõ ràng.

Sư đưa phất trần lên hỏi : Ông thấy cây phất trần chăng ?

Đáp : Thấy.

Sư bèn im.

*

Sư thăng tòa thị Chúng rằng : Ta cần một người đi gởi lời cho Tây Đường hòa-thượng, có ai đi được không ?

Ngũ Phong nói : Con đi được.

Sư hỏi : Ông đi nói thế nào ?

Đáp : Đợi gặp Tây Đường thì nói.

Sư hỏi : Gặp rồi nói thế nào ?

Đáp : Thì kể với Hòa-thượng.

*

Sư nói : Kinh Báo Ân nói : Ma-da phu nhân sanh năm trăm Thái-tử đều đắc quả Bích-chi-phật. Mỗi vị đều được xây Tháp cúng dường lễ bái mà bà còn than rằng : "Không bằng sanh một đứa con đắc 'Vô-thượng Bồ-đề' ít phí Tâm-lực của ta". Nay tìm ở trong Chúng trăm nghìn muôn người, có một người đắc Đạo thì giá trị bằng Tam-thiên-đại-thiên-thế-giới. Do đó ta thường khuyên mọi người phải nên huyền-giải tự lý (ngộ), tự lý nếu huyền-giải thì sai khiến được phước-trí như người sang sai khiến kẻ hèn, cũng như xe vô trụ (Phật-thừa). Nếu chấp trước cái này làm tri giải thì gọi là hạt Châu thường trong búi tóc, cũng gọi là hạt Châu có giá, cũng gọi là chở phẩn vào. Nếu chẳng chấp cái này làm tri giải thì như hạt minh châu trong búi tóc nhà Vua, cũng gọi là vô giá đại bảo, cũng gọi là chở phẩn ra. Phật chính là người ở ngoài sự trói buộc, lại vào trong vòng trói buộc mà làm Phật, Ngài chính là người bên kia bờ sanh tử, là chính là người bên kia bờ huyền tuyệt lại trở qua bờ bên này làm Phật. Người cùng khỉ vượn đều không thể làm được, người dụ cho hàng Thập-địa, khỉ vượn dụ cho phàm phu.

Đọc Kinh xem Giáo cầu tất cả tri giải phải chăng là không cho. Dù hiểu được Tam-thừa-giáo là khéo được đồ Anh-lạc trang nghiêm, được ba mươi hai tướng, nhưng tìm Phật thì chẳng phải. Kinh nói : "Người học giả tham chấp Tam-tạng Giáo-thừa còn không cho thân cận huống chi tự mình cho là đúng". Trong kinh Niết-bàn Tỳ-kheo phá Giới và danh tự A-la-hán bị liệt vào trong mười sáu ác Luật-nghi, đồng với người săn bắn, lưới cá vì lợi dưỡng mà giết hại sinh vật. Loại kinh Đại-thừa Phương-đẳng cũng như cam-lồ, tiêu không được thì như thuốc độc. Người học Kinh xem Giáo nếu không hiểu được đó là lời nói sống hay là lời nói chết (tử ngữ) thì chắc chắn không thấu nghĩa cú, thà đừng học còn tốt hơn.

Cũng nói : Cần xem Giáo mà cũng cần tham học với bậc Thiện-tri-thức, nhất là cần phải có mắt để biện biệt lời nói sống hay lời nói chết mới được. Nếu biện biệt chẳng được thì chắc chắn thấu qua không nổi, chỉ là chồng thêm dây trói buộc Tỳ-kheo, vì thế dạy người học huyền-chỉ không cho học văn tự. Như bảo nói thể chẳng nói tướng, nói nghĩa chẳng nói văn, người nói như vậy gọi là chân thuyết. Nếu nói theo văn tự thì đều là phỉ báng, đây gọi là tà thuyết. Phải làm cho chúng sanh trì tâm chẳng trì sự, trì hạnh chẳng trì pháp, nói người chẳng nói chữ, nói nghĩa chẳng nói văn.

Nói Dục-giới không có Thiền đó là lời nói của người chột mắt. Đã nói Dục-giới không có Thiền thì dựa vào đâu để lên Sắc-giới ? Đầu tiên ở nhân địa tu tập hai thứ Định, về sau mới lên Sơ-thiền, hai thứ Định ấy là Hữu-tưởng-định và Vô-tưởng-định. Hữu-tưởng-định sanh vào các cõi trời Tứ-thiền ở Sắc-giới. Vô-tưởng-định sanh vào các cõi trời Tứ-không ở Vô-sắc-giới. Dục-giới hiển nhiên là có Thiền, Thiền chẳng phải chỉ ở Sắc-giới mới có.

Hỏi : Hư không sanh trong Đại-giác như hòn bọt nổi trong biển cả là như thế nào ?

Đáp : Hư không dụ cho bọt, nước biển dụ cho Tự-tánh. Tự-tánh linh giác của chính mình siêu việt hư không nên nói hư không sanh trong Đại-giác như hòn bọt nổi trong biển cả.

*

Hỏi : Bồ-tát vô biên thân chẳng thấy đảnh tướng của Như-lai là như thế nào ?

Đáp : Do vì có cái thấy hữu biên và vô biên nên chẳng thấy được đảnh tướng của Như-lai. Chỉ như nay không có cả cái 'thấy có' và cũng không cái 'thấy không có' đó gọi là đảnh tướng hiện.

Hỏi : Như hiện nay các thầy Sa-môn đều nói : Tôi y theo lời Phật dạy học một Kinh, một Luận, một Thiền, một Luật, một Tri, một Giải đáng thọ nhận bốn sự cúng dường của Thí-chủ, như thế có tiêu được không ?

Đáp : Theo như nay chiếu dụng một thanh, một sắc, một hương, một vị cho đến tất cả các cảnh pháp có-không, đều không có mảy may đắm nhiễm, cũng chẳng y trụ vào sự không đắm nhiễm và cũng không khởi tri giải về sự chẳng y trụ, người được như vậy mỗi ngày ăn một lượng vàng ròng cũng tiêu. Như nay chiếu soi tất cả pháp có-không... Nơi cửa lục Căn dẫu có cạo gọt mà đối với tham ái có một mảy may trị chẳng hết thì người này dù cho đến xin Thí-chủ một hột cơm, một sợi chỉ đều phải mang lông đội sừng, kéo cày chở nặng, mỗi mỗi đều phải trả nợ Thí-chủ mới được vì họ chẳng y theo Phật. Phật là người vô-trước, vô-cầu, vô-y (chắng nương tựa). Như nay cứ lăng xăng tham đi tìm Phật đều là trái vậy.

Cho nên nói :

Nhiều kiếp gần bên Phật

Chẳng tự biết Phật-tánh

Lại để người cứu thế (Phật-tánh)

Luân hồi trong lục đạo

Tu mới thấy được Phật

Lại nói Phật khó gặp.

Sư nói : Như nay hễ có tất cả tâm mong cầu đều gọi là Tỳ-kheo phá Giới, là danh tự A-la-hán, gọi là con chồn, hiển nhiên là không tiêu được đồ cúng dường của người. Chỉ cần hiện tại nghe tiếng như vang, ngửi hương như gió, lìa tất cả pháp có-không, cũng chẳng trụ nơi lìa, cùng chẳng có tri giải về chẳng trụ. Người này tất cả tội cấu không thể buộc ràng được.

Vì nguyện cầu Vô-thượng Bồ-đề, Niết-bàn nên gọi là Xuất-gia, vẫn còn là nguyện tà, huống là sự tranh luận hơn thua ở thế gian, như nói  : Tôi làm được, Tôi hiểu được. Tham thêm một môn đồ, thương một đệ tử, lưu luyến một chỗ ở, cầu duyên với một Thí-chủ, một manh áo, một chén cơm, một danh, một lợi mà lại nói : Ta được tất cả đều vô ngại. Đó chỉ là tự dối mình.

Chỉ cần hiện tại đối với ngũ Ấm của mình chẳng bị nó làm chủ, bị người chặt đứt thân thể ra từng khúc vẫn không có tâm oán ghét, cũng không phiền não cho việc đệ-tử của mình bị người đánh đập, đối với những việc kể trên đều không có sanh tâm nhân ngã. Song, nếu còn y trụ nơi không có một niệm trên cho là đúng, đây gọi là sự nhơ bẩn của pháp trần. Hàng Thập-địa nếu thoát chưa được vẫn còn bị trôi vào dòng sanh tử. Do đó ta thường khuyên mọi người phải sợ phiền não của pháp trần như sợ Tam-đồ thì mới có phần. Giả sử có một pháp nào hơn cả Niết-bàn đi nữa, cũng không sanh ra ý tưởng quí trọng thì những người này một bước đi là Phật, chẳng cần đạp hoa sen, chẳng cần phân thân trăm ức. Nếu hiện tại đối với các pháp 'có, không' có tâm ái nhiễm bằng một mảy lông thì dầu cho chân có đạp hoa sen cũng đồng như Ma làm.

*

Hỏi : Trong hai mươi năm thường đi trừ phẩn là thế nào ?

Đáp : Chỉ cần dứt tất cả tri kiến 'có, không'; chỉ cần dứt tất cả các sự tham cầu; mỗi mỗi đều thấu suốt 'nghĩa ba câu' thì gọi là trừ phẩn. Còn như nay cầu Phật, cầu Bồ-đề, cầu tất cả các pháp có-không... thì đó là chở phẩn vào, không phải là chở phẩn ra. Nếu hiện tại khởi ra Phật-kiến, Phật-giải; hễ có sở kiến, sở cầu, sở trước đều gọi là phẩn-hý-luận, cũng gọi là vô ngôn, cũng gọi là lời nói chết.

Như nói : ''Biển lớn không chứa tử thi''. Bình thường nói chuyện chẳng gọi là hý-luận. Lời nói biện biệt thanh trược gọi là hý-luận. Trong Kinh có nói chung hai mươi thứ Không là để gạn lọc trần lụy của chúng sanh.

Bậc Sa-môn trì Trai giữ Giới, nhẫn nhục nhu hòa, từ bi hỷ xả, đó là phép tắc thông thường của Tăng-sĩ. Đã biết như thế là rõ ràng làm theo lời Phật dạy, song không nên chấp trước. Nếu hy vọng được Phật, được Bồ-đề và các pháp... thì khác nào để tay chạm vào lữa. Ngài Văn-thù nói : Nếu khởi Phật-kiến, Pháp-kiến, thì sẽ tự hại mình. Vì thế Ngài cầm gươm bên Phật, ông Ương-quật cầm đao bên Thế-tôn.

Như nói : Bồ-tát làm ngũ vô-gián tội mà chẳng bị vào địa-ngục vô-gián, vì các Ngài huyền thông vô gián nên không đồng như chúng sanh tạo tội ngũ nghịch vô gián.

Từ Ma-ba-tuần thẳng đến Phật đều là cáu ghét. Không có mảy may y chấp như thế gọi là đạo Nhị-thừa, huống chi tranh luận tìm sự hơn thua thì chỉ được gọi là Tranh-luận-tăng, chẳng được gọi là Vô-vi-tăng.

Hiện tại chỉ cần không tham nhiễm tất cả các pháp có-không thì gọi là vô-sanh, cũng gọi là Chánh-tín. Tin mà còn chấp trước vào tất cả thì gọi là lòng tin chẳng đủ, cũng gọi là lòng tin không trọn vẹn, cũng gọi là lòng tin lệch lạc. Vì lòng tin chẳng đủ nên gọi là Nhất-xiển-đề. Như nay muốn được hoát nhiên đại ngộ thì chỉ cần nhân pháp đều bặt, nhân pháp đều dứt, nhân pháp đều không, thấu suốt nghĩa ba câu, đây gọi là người bất đọa chư số (không lọt vào số lượng) đó là tin Pháp, đó là giới thính văn huệ... Bồ-tát chịu nhịn chẳng thành Phật, chịu nhịn chẳng làm chúng sanh, chịu nhịn chẳng trì Giới, chịu nhịn chẳng phá Giới, cho nên nói là không trì không phạm.

Hỏi : Ba Thân một Thể, một Thể ba Thân là thế nào ?

Đáp : Ba Thân là :

1. Pháp-thân Thật-tướng-phật : Pháp-thân-phật không sáng không tối. Sáng tối thuộc về huyễn hóa. Thật-tướng là do đối với hư tướng mà đặt tên, thật ra nó vốn không có tất cả tên gọi. Như nói : Pháp-thân vô vi bất đọa chư số... đều là lời nói nhẹ như gánh một lon một chén. Do tên trược mới đặt tên thanh nên nói : Pháp-thân Thật-tướng-phật, cũng gọi là Thanh-tịnh Pháp-thân Tỳ-lô-giá-na-phật, cũng gọi Hư-không Pháp-thân-phật, cũng gọi Đại-viên-cảnh-trí, cũng gọi Đệ-bát-thức, cũng gọi Chánh-tông, cũng gọi Không-tông, cũng gọi Phật ở cõi Không-tịnh Không-uế, cũng gọi Sư Tử ở tại hang, cũng gọi là Kim Cương Hậu-đắc-trí, cũng gọi là Huyền-chỉ. Tam Tổ nói : Chẳng biết Huyền-chỉ uổng công niệm tịnh.

2. Báo-thân-phật : Phật dưới cội Bồ-đề, cũng gọi là Huyễn-hóa-phật, cũng gọi là Tướng-hảo-phật, cũng gọi là Ứng-thân-phật, cũng gọi là Viên-mãn Báo-thân Lô-xá-na-phật, cũng gọi là Bình-đẳng-tánh-trí, cũng gọi là Đệ-thất-thức, cũng gọi là Thù nhân đáp quả Phật, đồng với Thiền-na trong sáu Ba-la-mật, đồng với A-la-hán, Bích-chi-phật, đồng với tất cả Bồ-tát, tuy cùng chịu các khổ sanh diệt mà không đồng nghiệp khổ ràng buộc của chúng sanh.

3. Hóa-thân-phật : Hiện tại đối với các pháp có-không đều không tham nhiễm, cũng không có cả cái không tham nhiễm, lìa ngoài Tứ-cú. Tất cả ngôn thuyết biện tài đều gọi là Hóa-thân-phật, cũng gọi là Thiên-bá-ức Hóa-thân Thích-ca-mâu-ni-phật, cũng gọi là Đại-thần-biến, cũng gọi là Du-hý-thần-thông, cũng gọi là Diệu-quan-sát-trí, cũng gọi là Đệ-lục-thức.

Ba Thân kể trên vốn là một Thể.

Sư nói : Kinh Bảo Tích nói :

- Pháp-thân không thể dùng kiến văn giác tri để cầu, không thể dùng ngũ Nhãn để thấy. Nhục-nhãn không thấy được vì nó vô Sắc, Thiên-nhãn không thấy được vì nó vô Vọng, Huệ-nhãn không thấy được vì nó lìa Tướng, Pháp-nhãn không thấy được vì nó lìa Hành, Phật-nhãn không thấy được vì nó lìa Thức.

Nếu không có những tri kiến trên thì gọi là Tri-kiến-phật. Đồng sắc mà chẳng đồng hình nên gọi là Chân-sắc; đồng không mà chẳng phải thái hư nên gọi là Chân-không. Sắc với Không cũng là lời nói, thuốc với bệnh để trị nhau (chấp Sắc lấy Không trị, chấp Không lấy Sắc trị).

Pháp-giới-quán nói : Chớ nói tức sắc cùng chẳng tức sắc, cũng chớ nói tức không cùng chẳng tức không. Nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý không lãnh nạp tất cả pháp có - không gọi là tiến vào đệ Thất-địa. Bồ-tát lại không lui sụt Thất-địa. Từ Bồ-tát Bát-địa đến Bồ-tát Thập-địa tâm địa trong sạch sẵn hiện diệu dụng của Tự-tánh, như nói lữa thì lữa liền cháy.

Hữu-tác-giới là Giới của Thanh-văn, chẳng phải thân làm thì không có lỗi. Vô-tác-giới là Giới của Bồ-tát, cũng gọi là Vô-biểu-giới, cũng gọi là Vô-lậu-giới. Nay chỉ cần không bị các cảnh có - không làm mê hoặc, cũng chẳng y trụ vào nơi không mê hoặc, cũng không có tri giải về chẳng y trụ, đây gọi là Biến-học (phổ biến), cũng gọi là Cần-tán-niệm (cần : siêng, tán : khen), cũng gọi là Quảng-lưu-bố (lưu hành phổ biến).

*

Sư hỏi Tăng : Thấy chăng ?

Tăng đáp : Thấy.

Sư lại hỏi : Sau khi thấy thì thế nào ?

Tăng đáp : Cái thấy không hai.

Sư nói : Đã nói cái thấy không hai thì không được lấy 'kiến' để kiến cái 'kiến'. Nếu Kiến lại thêm Kiến thì thành hai cái đầu. Vậy thì Kiến trước phải hay Kiến sau phải ? Vì thế không hành Kiến-pháp, không hành Văn-pháp, Giác-pháp, Tri-pháp thì chư Phật liền thọ ký cho.

Hỏi : Kiến-pháp đã chẳng phải là lời thọ-ký thì dùng cái gì để thọ-ký ?

Đáp : Người đã ngộ Tông thì chẳng bị các pháp có - không trói buộc như giặt áo bẩn vậy, nên nói : Lìa Tướng (vô sở trụ) gọi là Phật, hư thật đều không còn, trung đạo độc huyền, huyền đạt không lối (1), kẻ đồng tham hậu học khế hợp đến bậc đó, nên nói thọ-ký vậy.

(1). Trung-đạo là Tự-tánh, Độc huyền là bất khả tư nghì; Tự-tánh huyền diệu bất khả tư nghì phải tự Ngộ mới được.

Vô minh là Cha, Tham ái là Mẹ, tự kỷ là bệnh, tự kỷ là thuốc. Tự kỷ là dao giết cha vô minh, mẹ tham ái của chính mình, nên nói giết cha hại mẹ đó là một cách nói để phá tất cả Pháp. Người ăn phi thời cũng vậy : Hiện tại đắm nhiễm tất cả pháp có - không đều gọi là ăn phi thời thực, cũng gọi là ác thực, là thức ăn nhơ để trong chén báo, là phá Giới, là làm nhơ chén, là tạp thực.

Phật là người không cầu, hiện nay tham cầu tất cả pháp có - không, hễ có sở tác đều là quấy cả, tức là phỉ báng Phật, hễ còn tham nhiễm đều gọi là thọ thủ (trao tay). Còn như nay không tham nhiễm, cũng chẳng y trụ vào không tham nhiễm, cũng không có tri giải về chẳng y trụ, đây gọi là lửa Bát-nhã; lửa đốt ngón tay, là không tiếc thân mạng, là cắt thân ra từng mảnh, là xuất thế gian, là cầm thế gian trong lòng bàn tay ném qua phương khác.

Hiện tại đối với mười phần Giáo và tất cả pháp có - không ở trong Tạng-phủ còn một mảy may lưu giữ là chưa ra khỏi lưới. Hễ̉ có sở cầu sở đắc, có khởi tâm động niệm đều là con chồn. Như nay chỉ cần trong Tạng-phủ đều vô-sở-cầu, vô-sở-đắc thì người này là đại-thí-chủ, là Sư-tử-rống. Lại cũng chẳng y trụ vào vô-sở-đắc, cũng không có tri giải về chẳng y trụ, đây gọi là Lục-tuyệt-sư-tử.

Nhân ngã chẳng sanh, các điều ác không khởi đó là để núi Tu-di vào trong hạt cải, chẳng khởi tất cả tham sân và bát phong... đó là hút được tất cả nước bốn biển lớn vào miệng, chẳng thọ nhận tất cả ngôn ngữ hư vọng đó là chẳng lọt vào lỗ tai. Chẳng cho thân tạo các điều ác đối với người, đây gọi là nạp tất cả lữa vào trong bụng. Hiện tại chỉ cần đối với mọi cảnh chẳng mê lầm, chẳng tán loạn, chẳng giận chẳng mừng, nơi cửa lục Căn của mình phải cạo gọt cho sạch sẽ, đó là 'người vô-sự' hơn hẳn tất cả những người tri giải, đầu đà tinh tấn, gọi là Thiên-nhãn, cũng gọi là Liễu-chiếu-nhãn, cũng gọi là Pháp-giới-tánh, cũng gọi là 'xe chở nhân quả'.

*

Hỏi : Phật xuất thế độ chúng sanh là như thế nào ?

Đáp : Niệm trước không sanh, niệm sau không tiếp nối, nghiệp trong niệm trước đã hết gọi là độ chúng sanh. Niệm trước nếu giận hờn thì liền đem thuốc hoan hỷ để trị tức gọi là có Phật độ chúng sanh. Tất cả ngôn-giáo chỉ là thuốc trị bệnh, vì bệnh chẳng đồng nên thuốc có khác, cho nên có lúc nói có Phật, có lúc nói không Phật. Lời chân thật dùng để trị bệnh, nếu trị lành được bệnh thì mỗi lời đều là lời chân thật, còn nếu trị bệnh chẳng lành thì mỗi lời đều là hư vọng. Lời chân thật thành lời hư vọng vì sanh kiến chấp, lời hư vọng thành lời chân thật vì dứt được điên đảo của chúng sanh. Bởi vì bệnh là hư vọng nên dùng thuốc hư vọng để trị.

Phật xuất thế độ chúng sanh là chín bộ Giáo-ngữ, là Giáo-ngữ bất-liễu-nghĩa. Giận hờn và hoan hỷ, bệnh tật và thuốc men đều là tự kỷ chớ không có ai khác, thì chỗ nào có Phật xuất thế, chỗ nào có chúng sanh để độ ? Như kinh Kim Cương nói : Thật không có chúng sanh để độ; cũng nói : Không ưa thích Phật, Bồ-đề, không tham nhiễm các pháp có - không gọi là độ tha, cũng chẳng chấp lấy tự kỷ gọi là tự độ.

Vì bệnh không đồng thuốc cũng không đồng, cho toa cũng không đồng, không được cố chấp. Y theo Phật, y theo Bồ-đề và các pháp... đều là có sở y. Cho nên người Trí chẳng được y theo một pháp nào cả. Lời trong Kinh dụ như lá vàng, cũng như nắm tay không để gạt trẻ con. Nếu người chẳng biết lý này thì gọi là đồng với vô minh. Như nói : 'Bồ-tát thực hành Bát-nhã chẳng nên chấp lấy lời Ta và y theo lời dạy'.

Sân như vách đá, ái như nước sông. Hiện nay chỉ cần không sân, không ái thì thấu được núi sông vách đá.

Không y trụ vào tất cả pháp có - không thì gọi là Bất Trụ Hữu Duyên, chẳng y trụ vào không y trụ thì gọi là Bất Trụ Không Nhẫn.

Người có kiến giải chấp tự kỷ là Phật, tự kỷ là Thiền, Đạo gọi là nội-kiến, chấp nhân duyên tu chứng mà thành gọi là ngoại-kiến. Ngài Chí Công nói : "Nội-kiến, ngoại-kiến đều sai".

Mắt, tai, mũi, lưỡi mỗi cái không tham nhiễm tất cả pháp có - không gọi là thọ trì bốn câu kệ, cũng gọi là Tứ Quả Lục Nhập không dấu tích, cũng gọi là Lục Thông. Hiện tại chỉ cần không bị các pháp có - không làm ngại, cũng chẳng y trụ nơi vô ngại và cũng không tri giải về chẳng y trụ, đây gọi là Thần-thông. Không chấp Thần-thông này là đúng, gọi là không Thần-thông. Như bảo : 'Bồ-tát không Thần-thông, dấu chân không thể tìm, là người hướng lên Phật, là người không thể bàn, tức là tự kỷ'.

Đây dùng hai chữ 'Trời, người' để thí dụ cho cảnh và tâm : Trời tức là trí chiếu soi. Khen ngợi liền vui mừng, vui mừng thuộc về cảnh. Cảnh là Trời, khen ngợi là người. Trời người giao tiếp cả hai được thấy nhau. Cũng nói : Tịnh-trí là Trời, Chánh-trí là người, vốn chẳng phải là Phật mà nói với họ là Phật, là Thể-kết. Như nay chỉ cần chớ có tri giải Phật, cũng chẳng y trụ nơi không tri giải Phật đây gọi là Diệt-kết, cũng gọi là Chân-như, cũng gọi là Thể-như.

Cầu Phật, cầu Bồ-đề gọi là hiện thân ý. Hiện tại nếu có tất cả tâm cầu thì đều gọi là hiện thân ý. Như nói : Cầu Bồ-đề tuy là sự mong cầu tốt nhưng chỉ là chồng thêm trần lụy. Cầu Phật là Phật-chúng, cầu tất cả pháp có - không là chúng-sanh-chúng. Hiện tại cái Giác-chiếu-soi chỉ cần chẳng y trụ nơi tất cả pháp có - không gọi là : Bất Nhập Chúng Số.

Hiện tại đối với các môn sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp... không yêu thích, đối với mọi cảnh không tham đắm, hễ không có mười câu trược tâm (là mười câu Ma-ngữ đã nói ở trước) là Liễu-nhân thành Phật. Học văn cú, tìm tri giải gọi là Duyên-nhân thành Phật.

Thấy Phật, biết Phật thì được, nói Phật có biết có thấy tức là phỉ báng Phật. Nếu nói Phật biết, Phật thấy, Phật nghe, Phật nói thì không được, như nói thấy lửa thì được mà nói lửa thấy thì không được; như dao cắt vật thì được nhưng vật cắt dao thì không được. Người biết Phật, người thấy Phật, người nghe Phật, người nói Phật thì trong muôn người không có một. Còn người nói Phật biết, Phật thấy, Phật nghe, Phật nói thì nhiều như số cát sông Hằng. Chỉ vì tự mình không có mắt, mượn mắt người khác làm mắt, trong Kinh gọi là Tỷ-lượng-trí, như nay tham lam tri giải Phật cũng gọi là Tỷ-lượng-trí.

Thí dụ của thế gian là thí dụ thuận, Giáo-bất-liễu-nghĩa là thí dụ thuận, Giáo-liễu-nghĩa là thí dụ nghịch, xả bỏ đầu mắt não tủy là thí dụ nghịch. Như nay chẳng thích các pháp Phật, Bồ-đề... là thí dụ nghịch, rất khó chấp nhận. Chấp trước tất cả cảnh pháp có - không gọi là đầu, bị tất cả các cảnh pháp có - không làm não loạn gọi là tay. Lúc chưa chiếu soi tiền cảnh gọi là não tủy.

Sư nói : Theo Giáo-lý Tam-thừa thì có sự thọ nhận tín thí cúng dường của Trời người, nếu họ ở trong Địa-ngục thì Bồ-tát phải thể hiện đồng loài với họ để hóa độ họ, chứ chẳng nên thường ở Niết-bàn.

Lại nói : Như lửa, thấy lửa đừng chạm tay vào thì lửa chẳng đốt người. Hiện tại chỉ cần không có mười câu trược tâm, mỗi câu đều có 'ba câu', nếu thấu suốt được 'nghĩa ba câu' thì tất cả chiếu-dụng mặc tình tung hoành, tất cả cử động làm việc, nói nín, khóc cười đều là Phật-huệ.

Phiền các Vị đã đứng lâu, trân trọng cám ơn.

 

TIỂU SỬ

Tác-giả húy Hoài Hải, họ Vương, người Trường Lạc, Phước Châu. Thuở bé theo mẹ vào chùa lễ Phật, chỉ tượng Phật hỏi mẹ : Đây là ai ?

Mẹ nói : Là Phật.

Sư nói : Hình dạng Phật với người chẳng khác, con sau nầy cũng sẽ làm Phật. 

Sư xuất gia từ thuở thiếu thời, tam học đều thông, ham thích Thiền-đốn-ngộ, nghe Thiền-sư Mã Tổ Đạo Nhất khai hóa ở Nam Khang (nay là núi Mã Tổ ở Giang Tây), Sư bèn hết lòng y-chỉ.

Sau khi nối pháp Mã Tổ, Sư được đàn-tín thỉnh Trụ-trì Đại Trí Thọ Thánh Thiền Tự ở núi Đại Hùng thuộc Hồng Châu, núi cao chót vót, nước suối Ngô Nguyên bay xuống ngàn thước, nên có tên là núi Bá Trượng.

Sư Trụ-trì chưa đầy một tháng, người bốn phương đến tham học vân tập hơn một nghìn, trong đó Qui Sơn và Hoàng Bá làm thượng-thủ. Từ đó Pháp-môn càng ngày càng hưng thạnh, Tông-phong lừng lẫy, Sư bèn quyết ý lập ra Thiền-viện đầu tiên. Trước kia các Tự-viện Thiền-tông đều nhờ vào Chùa của Luật-tông, từ nay mới được lập riêng.

Sư là người khởi sáng cho Thiền-tự được độc lập, soạn định chế độ Tòng-lâm, gọi là Bá Trượng Thanh Quy, nên cũng được tôn xưng là Tổ Trung Hưng của Thiền-tông. 

Sư là người siêng năng làm việc, mỗi khi có việc nhà Chùa đều tự mình làm trước cả Đại-chúng; người Chủ-sự lén giấu dụng cụ canh tác của Sư, mời Sư nghỉ ngơi, Sư nói : "Đức ta không đủ, đâu dám trút sự lao động của mình cho người khác". Tìm dụng cụ không được thì ngày đó không ăn, cho nên mới có câu : "Một ngày không làm, một ngày không ăn".

Vì thế mới biết được Gia-phong của Sư chân thật như thế nào, thật đáng làm mô phạm cho muôn đời. 

Ngày 17 tháng giêng năm Nguyên Hòa thứ 9 đời nhà Đường (CN 814), Sư thị tịch, thọ 9l tuổi, đệ-tử được phó Pháp là Qui Sơn Linh Hựu Thiền-sư, Hoàng Bá Hy Vận Thiền-sư, v.v... tất cả có 28 người, hết thảy đều là môn đồ xuất sắc (kỳ lân, phụng hoàng) trong Phật-pháp. Ngoài tác phẩm này ra còn có Bá Trượng Thanh Qui 2 quyển. Năm Trường Khánh thứ nhất đời Đường Mục Tông, Sư được sắc ban là Đại Trí Thiền-sư, Tháp hiệu là Đại Bảo Thắng Luân./.

Tác giả bài viết: thichdaophat

Nguồn tin: Tông Phong Tàng Thư