15:39 ICT Thứ sáu, 29/03/2024

Giới Thiệu

Hoài niệm ân sư

I. THỜI THƠ ẤU :        Sư hiệu DUY LỰC, tự GIÁC KHAI, thế danh LA DŨ sanh ngày 05 tháng 05 năm 1923, tại làng Long Tuyền (Bình Thủy), Tỉnh Cần Thơ (VN). Cha tên La Xương và Mẹ tên là Lưu Thị làm nghề nông, nguyên là người làng Long Yên, huyện Phong Thuận phủ Triều Châu, tỉnh...

Danh mục chính

Liên Kết Trang

TS NGUYET KHE
HUE NANG
TS DUC SON

Trang nhất » Tông Phong Tàng Thư » Sách Hướng Dẫn Tham Thiền » Tham thiền phổ thuyết

Tham thiền phổ thuyết - phần VII

Thứ hai - 01/04/2013 04:25 Xem: 1690
từ bài 73 -> 84: 73. Trì-giới, 74. Nhẫn-nhục, 75. Tinh-tấn, 76. Thiền-định, 77. Trí-huệ, 78. Hỷ-xả, 79. Ái-ngữ, 80. Lợi-hành, 81. Đồng-sự, 82. Lập chí hướng thượng, 83. Trừ biếng nhác, 84. Cung-kính.
73. TRÌ GIỚI.

Một chữ Giới chẳng những Tăng-Ni phải hành mỗi ngày, không được tạm lìa một khắc mà ngay cả mọi người ở thế gian cũng chẳng được tạm lìa. Sao vậy ? Người tại gia có Giới cờ bạc, có Giới hút thuốc, có Giới tà dâm, có Giới lừa gạt, có Giới sát sanh, có Giới bất hiếu, có Giới bất trinh, có Giới uống rượu, có Giới bất từ (bi), có Giới ngỗ ngịch, có Giới bất chánh. Một chữ Giới này, đối với người tại gia thông dụng không thiếu, thiếu một điều không Giới liền thành tệ hại.

Bậc xuất-gia chúng ta đã thọ Tam đàn đại giới đàng hoàng, mười điều của Sa-di, hai trăm năm mươi điều của Tỳ-kheo, mười trọng bốn mươi tám khinh của Bồ-tát. Nếu giữ Giới kỹ lưỡng, một chữ cũng không sót, không chút vi phạm thì công cũng chưa lớn. Phải từ Giới vào Định, do Định phát Huệ, phá ngu si, mở Trí-huệ, dựng Pháp-tràng, lập Tông-chỉ, mới là công lớn của Giới.

Ước mong người học Phật chúng ta mau đem Tam-đàn Giới-bổn ra xem qua nhiều lần, xét nét kỹ lưỡng, nghiên cứu sự quan hệ trong Giới, danh nghĩa trong Giới-tướng, thấu triệt đúng như Pháp thì mới biết trong cuộc sống hàng ngày của mình, ngoài việc giữ Giới ra không có việc nào hơn nữa. Nếu lỡ phạm Thánh-giới, phải nói thật là phạm, chẳng nên che giấu. Che giấu ắt phạm thêm một Giới vọng-ngữ. Người lỡ phạm cũng chẳng nên sợ, chỉ sợ chẳng biết mình phạm hoặc biết mà chẳng sám-hối thì ngàn Phật cũng chẳng thể cứu. Nếu phạm liền sám-hối, sám-hối rồi vĩnh viễn không còn tái phạm thì sám-hối mới diệt được tội. Nếu sám-rồi chẳng hối cải, vẫn tạo tội phá Giới như cũ thì không cứu được. Phải biết, cái công tự mình trì Giới còn là nhỏ, cái công khuyên người trì Giới mới là lớn.    

74. NHẪN NHỤC.

Người đời thường nói : "Chữ Tha Thứ cao không bằng chữ Nhẫn-nhục, chữ Nhẫn trên Tâm có một cây Đao". Lời này thật không sai.

Phạn-ngữ "Ta-bà" Trung Hoa dịch là Kham-nhẫn, nói thẳng tức là thế giới nhẫn-nhục. Nếu có thể nhẫn được mọi việc, nhẫn được mọi nơi mọi lúc thì tự có thể từ nhẫn vào Đạo, Phật ở nhân địa bị vua Ca-lợi chặt cắt thân thể ra từng mảnh được thành hạnh nhẫn, được gọi là nhẫn nhục tiên nhơn, chứng được hạnh nhẫn-nhục trong Lục-độ. Chúng ta đang hành đạo nhẫn-nhục, như muỗi đậu trên đầu cắn ta đau chẳng thể nhẫn, phải nhịn cho nó cắn no rồi bay đi, còn sẵn sàng muốn nó đến cắn nữa, đó là nhẫn nhục thành. Lúc tọa-hương hoặc lạnh hoặc nóng chẳng màng, chỉ muốn nắm chặt công phu không để mất, đó là nhẫn thành. Hoặc người ở đơn bên cạnh hôi nách, mồ hôi chua, thân hôi, miệng thúi, chân hôi, nên xem là mùi hương, nghĩ là hương vị lâu ngày chẳng chán, đó là nhẫn thành. Trụ Tòng-lâm, bị các vị Chức-sự ức hiếp, càng ức hiếp chẳng những thân không vọng động mà ngay cả niệm cũng không vọng động, đó là nhẫn thành. Vị Chức-sự hoặc đánh ta mắng ta, chẳng những ta chẳng nổi phiền não, lại còn sanh tâm hoan hỷ, một khi qua rồi thì thôi, đó là nhẫn thành. Quần áo, đồ vật bị người ăn cắp, thà mặc áo rách hay ở trần cũng không nổi phiền não, không thấy lỗi người, đó là nhẫn thành. Như tâm dâm nổi dậy mạnh mẽ, liền cắn chặt hàm răng tham-thiền, thề rằng :

"Nếu ta dùng tâm dâm dâm dục với người, nguyện sanh xuống Địa-ngục, hoặc mù hai mắt, hoặc thổ huyết mà chết". Lại, hoặc có người muốn phá Giới-thể của ta, thà đưa đầu cho người ta chặt, chứ ép ta phá Giới thì chẳng được, đây gọi là Đại-nhẫn. Hoặc có người dụ dỗ ta ăn thịt uống rượu, ta thà ăn cứt, uống nước đái chớ chẳng nếm một chút rượu thịt, đây cũng gọi là Chân-nhẫn vậy.

75. TINH TẤN.

Hai chữ Tinh-tấn quan hệ rất lớn, tinh-tấn của hành Đạo, tấn đạo mà hành ắt thành Tứ-thánh, thối đạo mà hành ắt thành lục phàm. Như người đi đường, bắt đầu từ Địa-ngục, Ngạ-quỷ, Súc-sanh, cõi Người, Tu-la, cõi Trời, Thanh-văn, Duyên-giác, Bồ-tát, Phật, mỗi con đường một trăm dặm, mười con đường là một ngàn dặm. Chúng ta ở cõi người, trước có sáu trăm dặm, sau có ba trăm dặm, hướng tới trước tinh-tấn đi vào chỗ vui, hướng về phía sau tinh-tấn đi vào chỗ khổ. Hướng về phía trước hay phía sau đồng một tinh-tấn, người tu hành cần phải xét kỹ mới được. Chẳng gắng tinh-tấn ắt nhiều biếng nhác. Cái tệ của biếng nhác, không tiến tới thì sẽ thụt lùi, lâu ngày như con thuyền bị nước cuốn trôi xuống phía dưới (Địa-ngục), cho nên cần phải xét đúng sự thật, lựa chọn hành vi.

Chư Tăng chúng ta đối với các việc trái phép, phá Giới, chẳng nên làm, việc lợi người giúp vật phải nên làm. Náo loạn Tòng-lâm, trái phạm với Chức-sự chẳng nên làm. Tham-thiền sâu, phát khổ hạnh phải nên làm. Điều chẳng nên làm phải răn chừa, điều nên làm phải cố gắng thì đối với hai chữ Tinh-tấn mới chẳng dùng lầm. Bằng không thì đối với Giới-sát, thấy con rệp chẳng dùng nước sôi dội nó thì cũng dùng dầu lửa để tưới nó, thật là tinh-tấn của người phá Giới-sát. Kẻ tinh-tấn phá bốn Giới sau, theo đây suy ra thì biết.

Đạo-niệm của người tu hành, thế nào là tinh-tấn ? Thế nào là biếng nhác ? Người dụng tâm niệm niệm không gián đoạn, chẳng cho có một mảy may tạp niệm, thực hành lâu ngày như thế gọi là Chân-tinh-tấn. Nếu ban đầu Đạo-niệm kiên cố tinh nhuệ, kế đó lười biếng lơi lõng, rồi đến gián đoạn thôi nghỉ, đây gọi là biếng nhác. Nếu tinh mà chuyên tâm, tấn mà chẳng thối, tức là Tinh-tấn vậy.    

76. THIỀN ĐỊNH.

Chỉ tu Thiền-duyệt sanh lên cõi Trời Tứ Thiền, chỉ tu không-định sanh lên cõi Trời Tứ Không, tu cả hai thiền và định sanh lên 18 lớp của cõi Trời Sắc-giới.

Thiền-định của Thiền-tông, tiếng Phạn là Thiền-na, Trung Hoa dịch là Tịnh-lự. Phải biết, tịnh-lự tức là thiền, toàn thiền tức là định. Công của tịnh-lự chẳng phải cạn cợt dễ thấy, dễ biết đâu ! Cần phải trước tiên trong thân, ngoài thân chẳng khởi tướng động, rồi sau đó trong tâm ngoài tâm chẳng sanh tâm động. Tâm động chẳng sanh, tâm ấy tự tịnh. Tịnh này do thân tịnh tâm tịnh rồi sau đó là tịnh-lự, do lự rồi sau mới được định, chẳng phải đình chỉ cái tịnh-lự rồi mới thành định, lại cũng chẳng phải thân tâm bất động mới gọi là định. Chân tướng của định này là do công của tịnh-lự làm đến. Toàn tịnh-lự tức là định, toàn định tức là tịnh-lự. Thiền Tối-thượng-thừa của Tổ Đạt-ma và Lục-tổ nói là thiền này vậy.

Thế nên người tham-thiền chẳng được ngưng niệm, ngưng niệm tức đồng quán-chiếu. Công phu của quán-chiếu là không cho một niệm khởi. Công phu của tham-thiền là không cho một niệm ngưng (giữ nghi-tình).

Phải biết, một chữ THIỀN như cha sanh ra Phật & Tổ, một chữ ĐỊNH như mẹ sanh ra Phật & Tổ, cho nên Kinh nói : "Mười phương chư Phật huệ đều do THIỀN ĐỊNH sanh" là vậy. Kẻ bàng quan nhìn thấy người khắp thế gian trần lao lăn lóc, nghiệp-thức mênh mang, làm sao cho nó hết được ? Nếu có thể quày đầu, ngay đó liền Giác (phá Sơ-quan) thì mới là nhập vào biên giới của THIỀN ĐỊNH. Lại Giác nữa (phá Trùng-quan) ắt biết việc làm trước kia đều quấy, ngày nay đều phải. Nếu mọi người nếm được một chút ý vị của THIỀN ĐỊNH thì e không muốn làm người thế gian nữa !    

77. TRÍ HUỆ.

Trí hay phá ngu, Huệ hay phá si. Ngu tức là tâm của người, si tức là thân của người. Trí như Mặt-trời, Huệ như ánh sáng. Trí là cái thể Mặt-trời, Huệ là cái dụng ánh sáng. Hai chữ TRÍ HUỆ, đem đống vàng bạc thất bảo đầy cả hư-không đổi nó cũng chẳng thể được. Trí-huệ tuy quý hơn thất-bảo đầy cả hư không, song chỉ có một mình Phật có thể nói là đầy đủ, ngoài ra ai cũng kém hơn. Đạo của Trí-huệ cố nhiên người đời chẳng so bằng. Hàng chư Tăng chúng ta là những người phải tu Huệ-nghiệp mà còn chẳng biết Trí-huệ là vật gì, thật chẳng đáng than thở ư ?

Phải biết, Trí-huệ này hư-không chẳng thể bao bọc nó, Đại-địa không thể chứa đựng nó, nhà cửa không thể nhốt nó, cơm ăn áo mặc không thể nuôi nó. Dẫu cho hư-không có thể treo một hạt bụi, Trí-huệ cũng chẳng dính một vật nào. Ở đây hai chữ TRÍ HUỆ là mượn làm đề mục để lập ngôn, ngoài ra, Thiên-đường, Địa-ngục, các loài sống dưới nước, trên đất, trong hư-không, hữu tình, vô tình, đều là mê trí-huệ, theo ngu si, tùy nghiệp tạo thành, vốn không có căn cứ chân thật, cho nên Phật nói : "Nếu người phát Chân-quy-nguyên (kiến tánh) thì mười phương hư-không thảy đều tiêu mất". Thử hỏi : "Hư-không còn phải tiêu mất, tất cả các thứ đặt để ở chỗ nào ?".

Muốn biết cội nguồn của Trí-huệ, thực không thể chỉ ra vì da mặt lỗ mũi của ta, xương của con chó, đuôi của con bò, lỗ tai của Phật, cho đến gạch ngói sỏi đá đều là chỗ ẩn thân của Trí-huệ, muỗi mòng rận rệp đều là chỗ cội nguồn của Trí-huệ. Người ngộ Trí-huệ thành chư Phật, kẻ mê Trí-huệ thành chúng sanh. Người còn ở địa vị học Đạo cần phải chú ý.    

78. HỶ XẢ.

Hỷ-xả là một trong Tứ-nhiếp-pháp (hỷ-xả, ái-ngữ, lợi-hành, đồng-sự) của Bồ-tát. Xả cần phải hỷ-xả, nếu xả mà chẳng hỷ, chẳng gọi là chân xả, nếu hỷ mà chẳng xả, cũng chẳng gọi là hỷ-xả.

Người hành Đạo-bồ-tát, như có người muốn xin một tròng con mắt ta để làm thuốc, ta liền vui mừng móc tròng con mắt ra, dùng giấy gói lại, hai tay đưa cho họ, chẳng thấy đau đớn, còn an ủi họ rằng : "Nếu ông cần thêm xin hãy đến, ta sẽ biếu ông một tròng nữa". Khi ấy, dù thí hai con mắt mà xem như việc bình thường, không tỏ ra một chút tướng khổ hay khó chịu đối với họ. Lại chẳng nên nói với họ là ta học Đạo-bồ-tát. Tự hành cũng dạy người hành, dần dần dạy khắp người thế gian hành. Có thể làm đến mức người thí mắt nhiều, người xin mắt ít, như thế thì chúng sanh khắp mười phương thế giới có hy vọng độ hết.

Pháp xả của hỷ-xả tròng con mắt như vậy, pháp xả tất cả các Căn cũng như vậy. Ta xả như thế, ước mong tất cả Phật-tử cũng xả như thế.

Phải biết, chúng sanh dù vô biên nhưng chẳng ở ngoài hư không, chúng sanh nhiều đến mức nào cũng chỉ ở trong một hư không, nếu thêm một người xả tròng con mắt thì bớt đi một chúng sanh, thêm ngàn người xả tròng con mắt thì bớt đi ngàn chúng sanh, lâu ngày sẽ bớt đến hết vậy.    

79. ÁI NGỮ.

Ái-ngữ là Đạo của Bồ-tát phát tâm mang hình thức của các loài để độ chúng sanh. Thật ra khẩu nghiệp của con người có bốn thứ đều đưa mình xuống Địa-ngục. Bốn thứ này là : Vọng-ngôn (nói láo), ỷ-ngữ (thêu dệt), ác-khẩu (chửi mắng) và lưỡng-thiệt (hai lưỡi). Bốn thứ này ở trong loài người không thiếu một thứ nào. Cho nên Bồ-tát muốn cho tất cả chúng sanh trồng hạt giống lành của Phật, thường dùng lời từ ái để lợi ích hữu tình. Cuộc đời làm việc của chúng ta thành công ít mà thất bại nhiều đều do không có ái-ngữ. Như người học thỉnh khai-thị không có ái-ngữ, lạy ba lạy xong, nói : "Thầy hãy nói cho tôi nghe cách dụng công phu". Lời này chẳng cung kính, làm động niệm Thiện-tri-thức. Người có ái-ngữ sẽ nói : "Xin Hòa-thượng từ bi con là kẻ hậu học khổ não chẳng biết dụng công, thỉnh Hòa-thượng dạy bảo". Đây là ái-ngữ, là lời cung kính thỉnh Pháp.

Bậc trên đối với cấp dưới không có ái-ngữ, dụ như có người xông vào liêu phòng, thấy mặt liền mắng : "Cái thằng này làm loạn liêu phòng, bắt gặp mi một lần nữa, ta đánh cho một trận". Lời lẽ thô ác, tướng mạo hung hăng, làm cho người phạm lỗi sợ hãi chạy trốn.

Nếu người có ái-ngữ, thấy người xông vào liêu phòng, sẽ nói :

"Ông nên ở lại liêu phòng mình dụng công, siêng năng học tập, chớ phạm Quy-củ, lần sau không nên xông loạn vào liêu phòng người khác nữa". Lời lẽ ôn hòa tiếng nói êm tai khiến cho người phạm lỗi nghe qua vừa buồn vừa mừng, tự biết hổ thẹn.

Đạo của ái-ngữ, chẳng phải ái-ngữ của tình dục thế gian có thể so sánh. Người học Đạo chớ nên hiểu lầm.    

80. LỢI HÀNH.

Lợi-hành là Đạo của Bồ-tát làm việc lợi ích chúng sanh. Người ngộ Đạo là Bồ-tát, người chưa ngộ Đạo mà làm cái hạnh đồng với hạnh Bồ-tát cũng được là Bồ-tát. Theo thứ lớp, đầu tiên hỷ xả, dùng tài vật để kết duyên, kế dùng ái-ngữ để kết duyên, rồi dùng lợi-hành để kết duyên.

Lợi-hành có hai thứ :

l. Trợ giúp người hành Đạo là lợi-hành.

2. Lợi tất cả người là lợi-hành

Trợ giúp người hành Đạo : Như người muốn ở Tòng-lâm, không có y áo, không có lộ phí, thiếu Giới-điệp, thiếu hành trang, Bồ-tát tìm cách cho họ áo chăn của mình, bán y bát của mình cho họ làm lộ phí, đem Giới-điệp của mình cho họ dùng, đem cả gánh hành lý của mình cho họ. Chỉ lo cho người ấy đầy đủ, chẳng màng đến sự cần dùng của mình, thành tựu cho ngưới ấy đầy đủ hành lý vật dụng không chút bỏn xẻn. Nếu có người khác cũng phát tâm ở Tòng-lâm thì cũng thành tựu cho họ giống người trước không có một niệm chán nản.

Lợi tất cả người : Bồ-tát vì lợi tất cả chúng sanh khiến cho mọi người hoan hỷ an vui, lấy cái lợi của mình để làm lợi cho người, lấy cái pháp của mình đã ngộ đem dạy người, lấy cái hạnh của mình làm tập cho người làm. Người có trái Đạo, khuyên họ hối cải. Người có biếng nhác, khuyến khích họ siêng năng. Người có phá Giới, an ủi họ giữ Giới. người có lui sụt, khuyên họ tiến tới. Gặp người chán đời thì khuyên giải họ, khuyên người làm con hiều thảo, khuyên người hiếu sắc Giới-sắc khuyên người phản nghịch trở lại quy chánh.

Phải biết, tự mình hành Đạo là công nhỏ, khuyên người hành Đạo là công to, thế nên cái đạo lợi-hành vô tận vậy.    

81. ĐỔNG SỰ.

Bồ-tát muốn độ tất cả chúng sanh phải dùng Tứ nhiếp-pháp để nhiếp họ.

Đồng sự có hai :

l. Tự làm việc độ chúng sanh và giáo hóa người khác làm việc độ chúng sanh, đồng làm một sự.

2. Dùng Pháp giáo hóa mà chúng sanh chẳng nhận thì phải tùy hình hóa độ, tuỳ vật hóa độ, đồng làm một sự.

Cũng như muốn độ người ăn xin thì phải cùng người ấy làm nghề ăn xin để độ họ, muốn độ người làm nghề hạ tiện thì phải cùng người ấy làm nghề hạ tiện để độ họ, cho đến muốn độ con heo thì cũng đầu thai làm con heo để độ.... gọi là đồng-sự-nhiếp. Ngoài ra, những việc độ chúng sanh khác, theo đây suy ra mà biết.    

82. LẬP CHÍ HƯỚNG THƯỢNG.

Chí hướng thượng của người đời chẳng qua đi học sách Thánh-hiền. Chí hướng thượng của sự đi học chẳng qua được làm Quan. Chí hướng thượng của làm Quan chẳng qua được lên chức. Đây nói hướng thượng, chẳng nên hướng hạ vì hướng hạ không có con đường tiến thân.

Lại như người đi xin cơm nếu có chí hướng thượng thì thà chết đói bên đường chứ chẳng chịu ăn trộm ăn cắp. Do có chí này nên tự nhủ : "Ta học hành vi của người tốt, thà chết đói dọc đường chứ không xin cơm". Người đời thấy gã nghèo cùng này tâm niệm chánh đại, thân không làm bậy ắt thuê làm công, dần dần tiến lên, chẳng bao lâu thành người giàu sang. Sao vậy ? Vì tuy là kẻ nghèo đi xin cơm nuôi sống nhưng có chí hướng hơn người, nên có sự quang vinh này. Nếu hướng hạ thì tệ hại không thể tưởng.

Hàng Tăng-sĩ chúng ta nếu hàng ngày chỉ biết ứng phó Kinh-sám, đến lúc làm Phật-sự một chút cũng không biết bị người Chủ-trì cầm thước đập mạnh xuống bàn, liếc mắt một cái thì người ấy biết rằng cái chùa nhỏ này không ở lâu được, rồi liền lập chí quyết định dầu chết chẳng những không làm Kinh-sám, mà cả mão Tỳ-lư cũng chẳng còn muốn đội nữa. Thà ở Tòng-lâm mà chết, chứ chẳng ở Chùa-tư mà sống, đây là chí hướng thượng vậy.

Lại có người trụ Tòng-lâm suốt ngày để thời gian trôi qua, lâu ngày Đạo-niệm mỗi ngày một giảm, tập-khí mỗi ngày một tăng. Kẻ tiểu căn khi nghiệp-thức nổi lên thì tối Trời đen dất, nên phạm Quy-củ, liền bị đuổi ra, nghĩ lại sao mà ngu quá, hận mình không có chí hướng thượng. Người Đại-căn ở lâu ngày thấy đối với mình vô ích, với Đạo toàn trái, một mai mạnh mẽ lập chí xung Thiên, nhờ một chén cơm của Tòng-lâm nuôi ta tu Đạo. Như vậy, dù chết cũng chẳng theo tập-khí lưu chuyển, triệt để sửa lỗi, suốt ngày lấy Đạo làm niệm. Bằng không cứ ỷ lại Tòng-lâm nuôi thân mình mà không có chút Đạo-niệm, thành kẻ hướng hạ. Nay quyết tử vì Đạo, đó là lập chí hướng thượng.    

83. TRỪ BIẾNG NHÁC.

Trừ biếng-nhác là điều thế gian xuất thế gian đều phải có. Biếng-nhác là chất độc của thành công. Muôn việc ở đời nếu dính nhằm hai chữ biếng-nhác thì việc làm đó giả sử có thành công cũng nhất định là không tốt đẹp, người ta thường nói là chưa đạt đến mức hoàn mỹ.

Lại như lên núi lấy ngọc báu, phấn chấn tinh thần còn chẳng phải dễ đến, giả sử có biếng nhác chẳng những của báu thuộc về tay người mà tánh mạng cũng bị vùi chôn dưới núi, đâu có cái khổ nào bằng ? Phải biết hai chữ Biếng-nhác là vật độc ác hơn hết của thế gian. Làm việc gì, hễ có biếng-nhác kề cận thì chắc chắn việc ấy hỏng.

Chúng ta học hành Đạo-bồ-tát, ở trên việc lợi sanh chịu khổ giống như trên thân bị dao nhỏ cắt thịt hằng ngày, mỗi việc đau đớn, mỗi ngày đau đớn còn chẳng chán sự khổ não, đầy đủ tinh thần chẳng màng đến thân, làm cho người vui, khiến cho người tin. Hơi có dáng lười mỏi chẳng những việc độ người chẳng được mà tâm độ sanh cũng khó phát khởi.

Việc tham-thiền cũng vậy lúc mới bắt đầu, sức tin chân thiết, sức thân hùng tráng, ngày ăn một bữa, đêm không nằm ngủ, trải qua ba năm lại kết bạn cùng Quỷ biếng-nhác, tự mình làm chướng ngại mình. Chẳng nói : "Đạo chẳng phải là việc một ngày", thì cũng nói : "Phải đều thân cho tốt rồi thủng thẳng hành Đạo cũng được". Lại nghĩ rằng : "Còn thời gian dài ba mươi năm lo gì chẳng xong". Chẳng dè đã bị Quỷ biếng-nhác làm mê, tự chẳng hay biết, trái lại còn cho cái tư tưởng thối Đạo là phải. Đâu chẳng nghe sách Nho nói : "Đạo, chốc lát cũng không thể rời, rời được thì chẳng phải Đạo". Thử hỏi : "Người tham-thiền nên biếng nhác ư ? nên tinh tấn ư ? Cổ-đức nói : "Sáng siêng năng, chiều biếng nhác, chẳng những Đạo chẳng thành mà người cũng bị cuốn theo dòng thế tục".    

84. CUNG KÍNH.

Cung là lễ phép với người, Kính là trọng lời người dạy, ấy gọi là CUNG KÍNH. Người đời không có cung kính thì không có lễ độ. Lễ độ thiếu thì luân thường ắt rối loạn. Hai chữ cung-kính là cái chìa khóa rất lớn trên thế giới, an nhân tâm, chẳng nên có khoảnh khắc lơi lỏng. Chúng ta phải gắng sức thực hành hai chữ Cung Kính, chẳng nên bỏ qua. Sao vậy ? Người xưa nói : "Chúng sanh khắp mười phương đều là cha mẹ quá khứ của ta, cũng là chư Phật vị lai, ta lại là cha mẹ quá khứ của họ, là chư Phật vị lai của họ". Người biết được cái lý làm cha mẹ lẫn nhau, làm chư Phật lẫn nhau thì thế giới này thành thế giới Phật, đâu có kiếp nạn chiến tranh, nước lửa xoay vần, lại đâu có tội lớn sát sanh, trộm cắp, dâm dục, vọng ngữ để tạo. Nếu ai cũng nhận định mọi chúng sanh đều là cha mẹ của ta, đều là chư Phật vị lai thì đời nào mà chẳng thiện, người nào mà chẳng tốt.

Chúng ta là người học hạnh Bồ-tát, cần phải học gương của đức Thích-ca lúc ở nhân địa làm Bồ-tát Thường-bất-khinh, thấy người đang bắn chim, Ngài liền lễ bái nói : "Tôi chẳng dám khinh ông, ông sẽ thành Phật". Chữ Phật, Ngài nói rất to tiếng. Người săn bắn thấy Ngài lại mình, khẩu súng bắn chẳng trúng đích, giận thấu xương tủy, xua đuổi vị Bồ-tát này. Con chim nghe tiếng súng bay đi mất, như vậy cứu được hai mạng. Vì sao ? Người săn bắn nghe được tiếng Phật thì huệ-mạng được cứu, con chim nghe tiếng súng bay đi nơi khác, thì thân mạng được cứu. Lại gặp có nhiều ngưới đánh lộn, Bồ-tát liền nhảy đến ôm, nói : "Xin các ông hãy đánh tôi". Những người đánh lộn nghe nói như thế bèn giải tán. Nếu có người đánh Ngài, Ngài dập đầu lại nói : "Tôi chẳng dám khinh ông, ông sẽ thành Phật". Nếu có người dùng đá ném Ngài, Ngài cũng nói : "Tôi chẳng dám khinh các Ngài, các Ngài sẽ thành Phật". Người khắp thế gian học được hạnh của vị Bồ-tát này thì đạo cung kính thông đạt vậy.  

=> Phần 8  

Tác giả bài viết: Liễu Phàm

Nguồn tin: Tông Phong Tàng Thư

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn