13:11 ICT Thứ ba, 23/04/2024

Giới Thiệu

Lời Bạt

Một lần gặp mặt một lần già, Một lần gió thổi một lần lạnh!          Khi lược qua trang này có bạn đặt câu hỏi với ban biên tập (Bbt) rằng : Xin cho biết thầy hoằng pháp Giáo môn hay là Tổ Sư Thiền (TST) vậy ? Con nghĩ thầy hãy đề rõ ràng tin tức để tránh hiểu lầm....

Danh mục chính

Liên Kết Trang

HUE NANG
TS NGUYET KHE
TS DUC SON

Trang nhất » Tông Phong Tàng Thư » Sách Hướng Dẫn Tham Thiền » Tham thiền phổ thuyết

Tham thiền phổ thuyết - phần III

Chủ nhật - 31/03/2013 20:14 Xem: 1882
từ bài 25 -> 36: 25. Biết sám hối, 26. Biết hổ thẹn, 27. Phát khởi lòng tin, 28. Nghe được lãnh hội, 29. Thấy có tương ưng, 30. Tự nguyện dụng công, 31. Quên mệt nhọc, 32. Nghi-tình chẳng đắc lực, 33. Thân tâm bực bội, 34. Tâm thối lui bỗng nổi dậy, 35. Nhận sự khuyến thỉnh của Đại-chúng, 36. Vọng tâm tạm nghỉ.
25. BIẾT SÁM HỐI.

Người hành đạo ở Thiền-đường chưa được châm tham, nghi Pháp nghi người đều do tự cao tự phụ. Ông chẳng nghe ư ? Người thế gian và người xuất thế gian không có ai bằng Phật. Pháp thế gian và xuất thế gian không gì hơn Kinh. Lúc Phật ra đời, người có duyên với Phật đều được Phật độ. Người có duyên với Pháp có thể theo Pháp tu hành. Cái Pháp của Phật đích thân thuyết cần phải tùy thuận nhân duyên. Cho nên Phật có ba điều chẳng làm được là :

l. Định nghiệp chúng sanh chẳng thể chuyển.

2. Chúng sanh không có duyên chẳng thể độ.

3. Số lượng của chúng sanh chẳng thể biết.

Nay ông là người gì ? Người còn ở địa vị học Đạo mà chẳng biết sám hối tự trách ư ? Cái tội khinh Pháp, cái lỗi phỉ báng Thiện-tri-thức, cái ngu thối đạo, ăn năn hối hận đâu kịp. Cần nên ở trước Phật lập lại thệ nguyện, lập chí hướng mới, cái Pháp đang hành quyết tử thực hành, người đáng thân cận quyết tử thân cận, cái lỗi thối lui quyết tử sửa đổi. Thà giữ Đạo mà chết chứ chẳng nên thối Đạo mà sống. Dù cho Phật, Tổ đích thân bảo ta chẳng tin Pháp, bảo ta chẳng tin Thiện-tri-thức, bảo ta thối Đạo-tâm, làm cho ta nát xương như tro bụi thì được, chứ bảo ta chẳng tin thì không thể được, thì cái đạo biết sám hối được viên mãn vậy.    

26. BIẾT HỒ THẸN.

Hổ là không cô phụ người, thẹn là không cô phụ mình. Cô phụ người là làm cho người thiện mắc cỡ, chê cười người có sở trường, khinh khi người có liêm sỉ, phụ lòng người có ân đức. Phụ mình là làm cái nhân sai lầm, tham cái quả hư vinh, làm hỏng cái thiện của mình, chôn vùi cái khả năng của mình. Nếu người mà bên trong không thẹn với mình bên ngoài không thẹn với người, thì đó là người tự trọng vậy.

Phàm tất cả việc phải hành theo Chánh-hạnh, phải làm theo Trung-đạo, xả thân vì người, cứu người nguy khốn. Rộng lượng đối với người, khen người có đức độ, hiển dương điều hay của người, che giấu điều dở của người. Chẳng màng đến điều hại cho mình, chỉ cầu người khác được lợi. Cho đến công phu được nhập chỗ thâm sâu, phải biết ơn dậy bảo khuyến khích của thầy bạn, lấy tan xương nát thịt mà báo đáp. Chẳng những chẳng hổ với người mà thật cũng chẳng thẹn với mình.

Thường thường người không biết hổ thẹn dù được nghe Pháp thâm sâu, được sự giáo dục kỹ, được lợi ích rộng lớn, nhận được ân huệ nhiều, ngẫu nhiên thầy có chút không toại lòng mình liền trở mặt phản đối, xem như kẻ thù, âm mưu tìm cách ly gián, xúi dục chống nghịch đến nỗi tổn thương danh dự. Trái lại, chẳng biết ngậm máu phun người, trước dơ miệng mình. Như vậy hủy hoại Già-lam, ngỗ nghịch Sư-trưởng, tội lỗi lớn lao không gì so bằng. Tất cả đều từ không biết Hổ Thẹn mà ra.

27. PHÁT KHỞI LÒNG TIN.

Kinh nói : "Lòng tin là nguồn Đạo, là mẹ công đức, nuôi dưỡng tất cả thiện căn". Thành Phật làm Tổ, chẳng phải do lòng tin thì khó thành. Biến trâu biến ngựa, chẳng phải do lòng tin thì khó nhập vào bụng trâu bụng ngựa. Lòng tin là cửa của các điều thiện cũng là cửa của các điều ác. Người đời đối với việc tin tâm hiểu lầm chẳng ít. Đã nói tin tâm, trước tiên phải biết nguồn gốc của tâm, lấy gì làm tâm, diện mục thế nào ? Tại sao tin tâm ? Người cả thế gian chỉ tin tất cả mà xưa nay chưa tin tự tâm. Người thường nói tin tâm, giả sử bị người hỏi : "Ông đã tin tâm ắt biết tướng của tâm, thấy nó là vật gì xin nói ra coi ?". Người nói tin tâm thình lình bị hỏi, cứng miệng không đáp được. Tâm còn chẳng biết thì lòng tin từ đâu mà có ? Sự lầm lạc sâu xa này chẳng phải chỉ mới ngày nay. Hoặc thấy việc nào đó nổi tâm ưa thích, chẳng gọi là tin tâm, chỉ gọi là tin việc. Đem sự tin việc cho là tin tâm, ấy chỉ là giả tin tâm. Chỉ có người của Thiền-tông, chỗ giảng chính là tâm, chỗ tham chính là tâm, chỗ nói chính là tâm, chỗ dụng chính là tâm, chỗ mê chính là tâm, chỗ ngộ chính là tâm.

Trong cuộc sống hàng ngày, bất cứ lúc nào chỗ nào đều chẳng rời tâm, cho đến trực ngộ tánh lý, tâm đã không thì tín tự tịch, tín tịch tức là Tâm-không, vậy khắp mặt đất đều là tâm, cả hư không đều là tín. Tín tâm bất nhị, quăng quả đất lên phương trên, bất nhị tín tâm, ném hư không xuống phương dưới, người học Đạo tin được Tâm này đối với những việc đó đều không đáng kể.   

28. NGHE ĐƯỢC LÃNH HỘI.

Người mới trụ Thiền-đường, tánh thô tâm cứng, trăm thứ sai biệt, chạm việc gặp người, nghe không vào lỗ tai, thấy cũng không quan tâm.

Kẻ tánh thô thì thân lỗ mãng, ví như đụng té người khác, tự chẳng biết lỗi, hoặc ho khạc, súc miệng, mạnh tay nặng chân tự mình khó nghe thấy. Cần phải theo Chúng huân tập lâu ngày, tánh dần bình hòa, thân dần ung dung.

Người tâm cứng thì thông minh lấp bít, thấy tất cả việc khó nhập vào tâm, nghe tất cả tiếng khó để vào tai. Những việc đã nghe từ trước chất đầy trong bụng nên tất cả việc khác một chút cũng khó lãnh hội.

Hoặc người mới trụ Thiền-đường, tất cả mọi việc vội vàng chẳng kịp ghi nhớ, dẫu có ghi nhớ cũng khó lãnh hội. Thân tâm trụ lâu thì cuộc sống hàng ngày, đối với công việc hoặc lời nói nghe qua có thể hiểu. Huân tu lâu ngày chướng thô tự trừ, nghe qua liền lãnh hội được.

Người tâm duyên ngoại cảnh lăng xăng, lỗ tai ngăn cách với tiếng, đối với tiếng chưa nghe quen càng khó tương ưng. Nếu tâm để ý nghe, nghe lâu thành quen nên tiếng vừa chạm vào tai thì âm tự thanh, nghĩa tự rõ. Trong Thiền-đường nghe giảng khai-thị cũng giống như vậy. Pháp thế gian và xuất thế gian, nếu kẻ nghe không vào lỗ tai thì cũng như không nghe, còn loại người nghe lãnh hội được thì tăng cường tín tâm, về sau có thể khai ngộ. Người xưa có nói : "Một nghe ngàn ngộ" là vậy. Lại nói, nghĩa cạn thì dễ biết, lý sâu thì khó hội. Người có thể ở Thiền-đường năm ba mươi năm xa lìa trần cấu, đối với Như-lai Thiền, Tổ-sư Thiền chẳng nghe cũng tự có thể lãnh hội.    

29. THẤY CÓ TƯƠNG ƯNG.

Tương ưng có hai :

l. Cùng Đạo tương ưng.

2. Cùng tình tương ưng.

Cùng tình tương ưng : Một chữ tình phạm vi rất rộng, mười phương Phật, Tổ là hữu tình, loài sâu bọ hàm linh là hữu tình, Thiên-đường địa-ngục là hữu tình, đất đai hư không là hữu tình, sỏi đá gạch ngói là hữu tình, hữu tình vô tình là hữu tình (có sự tương ưng với vô tình tức là hữu tình), tứ sanh lục đạo là hữu tình, người và phi người đều là hữu tình.

Cùng Đạo tương ưng : Một chữ Đạo phạm vi bằng với chữ tình. Tình lớn bao nhiêu thì Đạo cũng lớn bấy nhiêu. Cùng Đạo tương ưng thì lìa tình, cùng tình tương ưng thì lìa Đạo. Tình với Đạo đồng như băng lửa. Nay người ở chốn Tòng-lâm dụng công tuy có phần tương ưng, nhưng còn xa với Đạo. Sao vậy ? Vì giữ Quy-củ, dụng công phu, khai đại ngộ, liễu sanh tử đều thuộc về tình. Vậy thế nào là Đạo ? Không thấy có sự tương ưng và chẳng tương ưng mới được gọi là Đạo. Người mắt chưa sáng (chưa ngộ) hãy chớ nên tự làm tài khôn. Lại nữa, lìa tục gia thì tương ưng với xuất gia, bỏ nghiệp chướng thì tương ưng với người hành Đạo, bỏ tập-khí thì tương ưng với công phu, bỏ phiền não thì tương ưng với thanh tịnh. Những tương ưng này mặc dù là tốt song chẳng bằng không tương ưng còn tốt hơn. Cần phải xét kỹ ! (Tự-tánh bất nhị có cái này tương ưng với cái kia là nhị).    

30. TỰ NGUYỆN DỤNG CÔNG.

Dụng công có hai :

l. Người khuyên dụng công.

2. Tự nguyện dụng công.

Người khuyên dụng công : Ban đầu dẫu người phát tâm đến trụ Tòng-lâm cũng chỉ mang cái hư danh, chứ chẳng có thực lòng, giả hình thức bề ngoài, chỉ đến xem thử gia-phong, tự biết thời gian trụ chẳng lâu mong đi qua nơi khác làm đại nhân vật, nên suốt ngày chẳng màng đến việc khác. Sau này có người đồng Đạo khuyên rằng : "Làm trụ-trì chẳng thể liễu sanh tử, làm Quốc-sư chẳng thể liễu sanh tử, trụ danh sơn chẳng thể liễu sanh tử, làm Quản-chúng chẳng thể liễu sanh tử. Chỉ có tham thoại-đầu mới liễu được sanh tử, sao chẳng chịu học tập ?". Người ấy được sự khuyến khích liền bỏ tất cả chuyên lo hành Đạo. Như vậy Đạo-niệm vững chắc, dụng công miên mật, hốt nhiên đạp vỡ Thiền-sàng (ngộ), mới biết là Thiện-tri-thức đều từ dụng công hành Đạo mà ra.

Tự nguyện dụng công : Người đã ở Tòng-lâm, trước tiên phải biết những điều phải làm hàng ngày, tất cả Quy-củ phép tắc, ăn gậy, bị hét, chịu các thứ khổ đều là để thành tựu cho thân tâm người hành Đạo. Nếu chẳng hành Đạo thì chịu khổ đâu có lợi ích gì ? Cho nên biết, chẳng phải hành Đạo thì không trụ Tòng-lâm. Như vậy chăm chăm lấy Đạo làm niệm, lâu ngày Đạo-niệm thuần thục, công phu đắc lực, mới biết cái việc hành Đạo chẳng phải việc thế gian có thể sánh được. Người chẳng biết hành Đạo thì luân hồi trong lục đạo, qua lại trong bốn loài tự chẳng hay biết. Nay đã thấy đến một chữ Đạo này siêu Phật vượt Tổ, tôn quý hơn tất cả pháp, nếu chẳng hết lòng tự nguyện dụng công thì chẳng thể đến được chỗ này.    

31. QUÊN MỆT NHỌC.

Quên mệt nhọc có hai :

l. Người xuất-gia mà chuyên lo phục vụ thế pháp, ứng phó Kinh-sám, ham được tiếng khen, để tâm nơi lợi dưỡng, hạnh Phật hoàn toàn thiếu sót, đi sâu vào hạnh thế tục đến chỗ cực điểm, khiến cho quên cả bổn phận làm người, đâu phải là quên mệt nhọc vì hành Đạo ư ? Thật đáng buồn thay !

2. Thân ở Tòng-lâm, tâm thường lo âu ăn cơm, uống trà lãng phí của thí-chủ, nếu chẳng tu hành, nợ này làm sao đền trả. Như vậy, chẳng màng thân tâm, chẳng kể đêm ngày, trước giữ Thanh-quy, kế kính Chức-sự, một khi được kêu gọi làm công tác, liền xung phong đi trước, để người khác theo sau, mau mắn như đi rước châu báu. Tự thẹn không có tài năng, nên đem sức bản thân ra đóng góp, chỉ biết có công việc làm chứ không kể đến thân, từ sáng đến chiều, ngày nào cũng thường làm như thế. Lại nữa, thân bận rộn vì phước, tâm tu hành vì huệ, suốt năm rất ít nói chuyện, hàng ngày ít làm sai trái. Oai-nghi tế-hạnh cử chỉ hơn người. Công phu miên mật chẳng có giờ rảnh. Niệm sanh tử thiết, khổ hạnh càng sâu, ngày chẳng đủ thời giờ phải nối tiếp đến đêm. Áo rách không rảnh may vá, bệnh nặng không dùng thuốc trị. Thường nói : "Một hơi thở chẳng hít vào, thân này thuộc về ai ?". Thống thiết như thế, ngày đêm quên mệt nhọc, chỉ lo Đạo-nghiệp khó thành, chẳng lo thân tâm an toàn. Nhân cách người này làm gương mẫu cho hiện tại, là kim chỉ nam cho đời Mạt-pháp. Mong người học Đạo hãy bắt chước theo, chớ nên bắt chước những kẻ giả quên mệt nhọc, sáng siêng năng chiều lười biếng.    

32. NGHI TÌNH CHẲNG ĐẮC LỰC.

Đây là bệnh lớn của người dụng tâm, chẳng dễ gì chữa trị. Sao vậy ? Như người phạm tội nặng bị phán tử hình. Kẻ phạm biết tánh mạng khó giữ, vội tìm cách thoát nạn. Như vậy, chẳng sợ mất mặt, dập đầu lạy người, chẳng tiếc của cải, cầu người đảm bảo. Lúc nào cũng bôn ba, tất cả chẳng màng, chỉ cần cứu mạng, chẳng từ cực khổ.

Thử hỏi : Kẻ tội phạm này còn có giờ rảnh để xem hát, vui chơi được chăng ? E rằng chậm trễ một chút tánh mạng khó giữ.

Chúng ta dụng tâm chẳng đắc lực, nếu y theo cái thí dụ trên đây mà làm thì cái bệnh lớn chẳng đắc lực đó có thể lập tức trừ được. Sao vậy ? Đang khi dụng tâm, phải nghĩ mình phạm pháp sanh tử, ắt phải chịu báo, nếu trễ một chút bị Diêm-vương bắt đi, bỏ vào chảo dầu sôi. Người phạm pháp thế gian đang bị đuổi bắt, mình thấy rõ ràng còn có thể lẩn trốn được, hoặc may mắn được miễn xá. Người phạm pháp sanh-tử bị đuổi bắt chẳng cho ông thấy, một phen bị bắt rồi tức là thân tiêu, so với việc phạm pháp khác thật là nghiêm khắc, tất khó trốn thoát. Như vậy phải mau mau đem câu thoại-đầu để ở trên tâm, quên thân quên mạng mà tham để liễu sanh tử đi ! Việc tham này buộc phải bỏ người bỏ mình, nhanh chóng như lửa nháng điện chớp, đắc lực hay chẳng đắc lực đều chẳng màng đến, mặc áo ăn cơm cũng chẳng màng đến, cái chẳng màng đến cũng chẳng màng, cứ như thế hành đi đâu còn gì chẳng đắc lực ư ?    

33. THÂN TÂM BỰC BỘI.

Như người đi xa quê hương, sống khó khăn một mình làm việc cực khổ, chẳng những chưa dành dụm được chút tiền mà lúc bình thường bụng cũng khó được no. Tình cảnh khổ sở như thế, nếu chẳng làm thì không có chỗ ở, nếu làm thì đời sống khó khăn. Suy nghĩ trăm cách cũng không giải quyết được, buồn bực vô cùng, tiến thoái lưỡng nan. Chi bằng lấy việc cực khổ làm vui, lấy thân đói miệng khát làm no. Thử nghĩ, nhà giàu sang mùa đông ngồi bên bếp lửa sưởi ấm, kẻ nghèo hèn mùa lạnh xuống nước bắt cá, người ấm mà thêm lửa còn có cái lo sợ lạnh, kẻ mùa lạnh mà xuống nước có cái vui của quên lạnh. So sánh như thế, thì bực bội ở chỗ nào ?

Người ở chốn Tòng-lâm dụng công dễ sanh bực bội là tại sao ? Vì mới trụ Tòng-lâm phát thệ nguyện lớn, lập chí hướng lớn, thề suốt đời ở chốn Tòng-lâm, hàng ngày lấy Đạo-niệm (tham-thiền) làm thân, chẳng những phát nguyện trước Phật mà còn tuyên bố với người. Nhưng một mai thân bị thiệt thòi, Quy-củ vượt hơn chí nguyện, hoàn cảnh luôn luôn trái ý, khiến sanh bực bội nên muốn thối chí. Nhưng có thệ nguyện chứng minh, chẳng dám trái với lời thề, rốt cuộc bực bội càng thêm. Sao chẳng tham-thiền để giải muộn, tin lập hạnh để bỏ bực bội. Càng bực bội càng khẩn thiết gia công dồn đến chỗ thân tâm đều không mới biết ngàn Phật muôn Tổ đều được sản xuất từ trong bực bội.  

34. TÂM THỐI LUI BỖNG NỒI DẬY.

Người đã trụ Tòng-lâm nhiều năm, tham-thiền dụng công chẳng phải một ngày, thấy người mới trụ công phu sâu và kiến giải cao, tự nghĩ : "Mình tuổi cao hơn họ, tham-thiền cũng lâu hơn, họ đã được ngộ, mình vẫn còn mê, họ đảm nhiệm chức Thủ-lãnh, còn mình vẫn là Thanh-chúng. Thật là hổ thẹn biết bao !".

Lại nữa, thấy người buông lung thì tâm phiền, thấy người lén trốn đi thì ý động. Các thứ bức bách, đối với hạnh toàn trái, mọi việc để trong lòng, nơi thân làm sao an tịnh ? Chẳng bằng tìm một ngôi Chùa-tư hoặc trụ một cái Cốc nhỏ, thân mình tự yên, ý mình tự nhàn. Nghĩ như thế rồi sanh niệm thối lui, liền lấy hành lý muốn trốn đi mà không dám đi cửa chánh, lại chui lỗ chó mà ra. Vừa gặp vị Chức-sự trong Chùa thì cứng miệng không trả lời được, liền nói : "Xin phép đi chữa bệnh", hoặc nói : "Vì công tác mà đi ra ngoài". Thảm trạng như thế thật đáng buồn thay !

Nếu người thật có chí vì Đạo, thiền-tham đã lâu, thân tâm thuần thục, thì đối với Quy-củ chẳng lưu tâm mà tự hợp, đối với thoại-đầu chẳng đề khởi mà tự tham. Công phu lão-tham như thế thì đâu cam chịu đi học ở nơi khác, cần phải mãnh tỉnh, chớ phụ cái phát tâm ban đầu. Đường đến nhà chẳng còn xa, thời gian thiệt thòi sắp hết. Một ngày nào đó, 'Ồ' lên một tiếng (ngộ), chỗ nào cũng là diện mục của ông. Còn chỗ nào để cho ông thối lui nữa ?.    

35. NHẬN SỰ KHUYẾN THỈNH CỦA ĐẠI CHÚNG.

Từ khi đức Thế-tôn mới thành Phật, quán khắp căn cơ chúng sanh thấy không có một ai đắc độ. Phật nói : "Chánh-pháp này thật chẳng phải hạng chúng sanh đây có thể lãnh thọ", rồi tính nhập Niết-bàn. Ngay lúc ấy, các vị cõi Trời rơi lệ ân cần khổ thỉnh xin Phật trụ thế chuyển Pháp-luân, cho đến ba bốn lần, Phật mới chịu nhận lời, vì độ chúng sanh mà lưu lại thế gian. Nhận người khuyến thỉnh, Phật & Tổ đều có.

Vậy mà ngày nay ở chốn Tòng-lâm có các Chức-sự như Đường-đầu, Ban-thủ, Hành-đơn hoặc vì việc nhiều hoặc vì thân bệnh hoặc vì trong ngoài bất hòa hoặc vì trên dưới nghi nhau, khi mãn nhiệm kỳ thì muốn từ chức, làm Thanh-chúng cho thân an nhàn. Thói quen như thế, xưa nay đều có. Phải biết, người được làm Thủ-lãnh dù khổ thân mình nhưng cao chí mình, làm gương mẫu cho kẻ hậu lai, làm kim chỉ nam cho người hậu học. Nếu được Chúng hết lời khuyến thỉnh ở lại, phải nên nhận lãnh. Nghĩ đến Tòng-lâm sắp suy, xem thấy Đại-pháp đang yếu, có thể chẳng đau lòng ư ?

Đại-chúng lấy Thiền-đường làm chỗ tu Huệ, ngoại liêu làm chỗ bồi phước. Cẩn thận gìn giữ Thanh-quy, nghiêm trì Giới-hạnh, chẳng trái lời dạy răn, chẳng phạm vào lúa mạ. Dẫu có duyên khác cũng chẳng bằng trụ nơi Thiền-đường. Dẫu có chỗ tốt cũng chẳng bằng Đạo-tràng. Cần phải tin lời khuyến thỉnh, đừng nên chấp lấy cái ngu của mình, chuyển được thân tâm thành Pháp-khí lớn lao, còn gì vui hơn mà chẳng nhận ?    

36. VỌNG TÂM TẠM NGHỈ.

Như người đời ngày đêm dụng tâm bận rộn công việc gia đình, chẳng từng nói đến Tâm thì đâu thể biết được sự thôi nghỉ của nó. Người học Đạo hàng ngày bị vọng lôi đi, khởi rồi lại dừng mà chẳng biết chỗ dừng, dừng rồi lại khởi mà chẳng biết chỗ khởi, vì chưa kịp để ý đến chỗ nầy.

Phải biết, vọng vốn không có nguyên nhân, như sóng đuổi theo nhau, gió dừng thì sóng lặng, khi biển yên sóng lặng quày đầu lại tức là Giác. Người đời trong ngoài lay động, biết rồi lại mất, thấy rồi lại dời, làm sắc làm không, hoặc ẩn hoặc hiển, man mác chẳng thật, nói chung đều là vọng. Đã biết được vọng ắt phải biết Chân, nay cho nhiều tâm là vọng, một tâm là chân, đã kiến lập một tâm, ắt phải trừ vọng. Phương pháp trừ vọng, quý ở tham-thiền. Hằng ngày có Thiền thì tự có thể thôi vọng. Người xưa nói : "Cuồng tâm nhưng nghỉ, ngưng nghỉ tức Bồ-đề", Cổ-nhân ngay dưới chữ Bồ-đề quở là thằng chết, đến đây một tâm cũng bất khả đắc. Đã là Bồ-đề, tại sao nói là thằng chết ?.

Nay thử hỏi : Các ông thích Bồ-đề hay thích thằng chết ?

Nếu muốn ngừng nghỉ vọng tâm, hãy gánh Bồ-đề đi ! Muốn tiến tới nữa thì hãy trả thằng chết lại cho ta !

Chỗ thấy như vậy, phải hiểu như thế nào ? Còn nói : "Ông hãy đem vọng tâm ra cho ta xem, ta mới nói với ông" và đừng bắt chước Công-án của Nhị-tổ :

"Con tìm tâm trọn chẳng thể được.

- Ta đã an tâm cho ngươi rồi".  

=> Phần 4

Tác giả bài viết: Liễu Phàm

Nguồn tin: Tông Phong Tàng Thư

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn