20:21 ICT Thứ sáu, 29/03/2024

Trang nhất » Tông Phong Tàng Thư » Sách Hướng Dẫn Tham Thiền » Tham thiền phổ thuyết

Tham thiền phổ thuyết

Thứ hai - 01/04/2013 07:05 Xem: 7009
Trích dịch từ "Lai Quả Thiền Sư Ngữ Lục".
Cuốn Ngữ-lục này toàn là lời kinh nghiệm trực tiếp của Ngài, đối với việc tham-thiền rất có giá trị, nhưng tiếc rằng người biên tập đem ý mình xen vào trong đó thành có nhiều điều nghịch hẳn ý Ngài, như trong đó có một bài nói phải mua giấy vàng bạc để đốt cho người chết. Sự lỗi lầm không thể tưởng tượng được. Nên chúng tôi chỉ dịch những lời chính đúng ý của ngài Lai Quả, những lời nghịch ý Ngài đều lược bỏ. 
Ngữ-lục của Ngài gồm có hai quyển : 
Quyển 1 : Giải Báng Phù Tông Thuyết. 
Quyển 2 : Tham Thiền Phổ thuyết.
Hai quyển cộng chung có 200 bài, nhưng chúng tôi chỉ trích dịch 120 bài và dùng chung một đề tựa là THAM THIỀN PHỒ THUYẾT. Lời nói đầu của Tác-giả trong quyển một và quyển hai, chúng tôi cũng trích dịch ra để làm lời tựa của Ngài. Trong khi dịch có nhiều sơ xót không thể tránh khỏi, xin độc giả hoan hỷ chỉ giáo cho. 
Thích Duy Lực.

LỜI TỰA CỦA NGÀI LAI QUẢ

Đức Phật có nói rằng : "Theo Quán nhập vào chỗ huyền diệu chỉ thú sâu xa". Cho nên được ý phải quên lời. Lịch đại Tổ-sư truyền ý-chỉ Thiền-tông, Như-lai tiếp bậc căn khí đến. Nay gặp thời Mạt-pháp như lá rụng mùa thu, ngay lúc này phải có cách nào làm cho Phật-pháp hưng thạnh như cá lội dưới ao xuân. Tuy Phật-giáo có theo thời gian mà thay đổi, nhưng Tự-tâm xưa nay không khác. Mặc cho tội lỗi bị phiêu bạt như cánh hoa trôi cũng chỉ là diễn-sự, phù-trầm. Thấy Trăng lặn, Trăng mọc cũng đều là việc qua lại mà thôi. Nghĩ vật trong thân tợ như vô hình, động niệm thì khiến thân tạo tác. Xem ngoại cảnh kia như huyễn hóa không thật, nhắm mắt khoanh tay quy về ẩn tàng. Lửa giận bốc cháy, trời Sơ-thiền thành than. Sông ái vọt ra, đất Nhị-thiền sẽ chìm lĩm.

Than ôi ! Thích ở tha hương Địa-ngục, Thiên-đường như ở khách sạn, lại quên quê nhà. Súc-sanh, Ngạ-quỷ mà khen là bạn lành. Đi khắp Lục-đạo không sót một chỗ, ở trong Tứ-sanh không có lúc dừng. Vì vậy kiếp này thọ thân này, kiếp khác thọ thân khác, liền quên thân hình của Địa-ngục, thay đầu đổi mặt khó nhớ cái tướng của Ngạ-quỷ. Mở mắt nhìn ra, buồn thấy sanh linh đầy đất. Chỉ một loài trâu thôi, thảm trạng cũng khó nói hết, sừng dài trên đầu mà quên hình dạng xấu xí, đuôi ở sau đít thích xua đuổi muỗi mòng, bị đánh một roi, hai mắt rơi lệ, bước thiếu nữa bước, thân bị đòn đau. Đừng nói biến thành trâu là khổ, chưa bằng cái khổ Địa-ngục đâu. Ôi ! Đau đớn thay ! Khổ vui muôn ngàn sai khác toàn do một niệm, phàm Thánh khác xa đều tại chính mình. Đến hôm nay trụ quả tu nhân từ thân phàm mà huân nghiệp Thánh. Mang nhân tu quả, ngộ Tâm-địa mà quét cảnh duyên.    

Diệu Thọ tôi viết ra sách này là việc cần thiết trước mắt, tỏ bày tình thật chỉ lối cho người tu hành. Đầu tiên nêu ra GIẢI BÁNG (để giải toả sự phỉ báng lẫn nhau của các Tông-phái) để khử bỏ gai gốc trên đường tu tập của các Tông như : Thiền-tông, Giáo-tông, Luật-tông, Tịnh-độ-tông. Vì sáng tỏ lý thuyết của các Tông, có đề ra một trăm bài, trong đó từ chỗ địa vị phàm phu nói đến địa vị bậc Thánh do trải qua nhiều kinh nghiệm sự thực, việc này đối với bậc Thượng-căn, im lặng vô ngôn cũng có thể ngộ Đạo; đối với Trung-căn ắt phải nhờ lời nói chỉ dẫn, hành đúng rồi mới ngộ Đạo; đối với bậc Hạ-căn cần phải chỉ đạo nhiều cách, nói Tánh, nói Tướng, nói Đốn, nói Tiệm, huân tập lâu ngày mới ngộ Đạo. Cũng như lên núi lấy của báu, người Căn-khí-lớn ngay đó quay đầu lấy được, bậc Trung-căn cứ đi thẳng lên lấy được, bậc Hạ-căn thì lên rồi tiến thêm nữa tìm kiếm mới lấy được. Trong đó cũng có người tìm không thấy bảo vật, đi về bàn tay không, cũng có người vì cầu bảo vật mà xả thân. Căn-cơ không phải một thứ, Thuyết này (Tham Thiền Phổ Thuyết) hợp với mọi căn cơ Thượng, Trung, Hạ. Xin mời người đọc hãy thí nghiệm một phen xem ! Người chưa dụng công cảm thấy dường như văn nhiều. Nếu người tiến sâu e trách là nghĩa cạn, chẳng những trách cạn mà còn cho là quá sơ lược. Tôi trước tác sách này chẳng tránh khỏi sự chê trách, song tôi chẳng nệ quê mùa đem hết chỗ thấy của tôi để báo ân Phật. Nhưng ân Phật, dùng hư-không vi trần, một vi trần là một Lai Quả tan xương nát thịt cũng khó báo hết. Chỉ có học Phật-pháp, đem Pháp làm lợi chúng sanh, dẫu người nghiệp dày, người khổ sâu, tôi ắt chịu cực theo Chúng khổ, khổ đến ngoài mười Pháp-giới, quày đầu tìm một mảy may bùn đất bất khả đắc, thật là quy về vô-sở-đắc vậy; không kể khổ đến mức nào, tất cả đều là bổn phận của tôi, tôi sẽ chịu hết để đền ơn Phật.

Quốc-chủ là Vua trị nước trị dân. Đức Phật là thầy cứu người, cứu tâm. Tăng-đồ chúng ta nên dũng mãnh phấn khởi hành việc khó hành, nhẫn việc khó nhẫn, chịu cái khổ của cứu người cứu Tâm, cần phải biết hoàn cảnh của con người, gặp kẻ thân ác nên dùng pháp cải tà qui chánh để khuyến khích họ, gặp kẻ tâm ác nên dùng cái đạo bỏ vọng về chơn để gia trì họ, ấy là Thiên-chức độ người của Tăng-sĩ Phật-giáo. Lại cứu thế chẳng bằng cứu người, cứu người chẳng bằng cứu Tâm, cái Pháp cứu Tâm phải trừ gốc chớ không trừ ngọn mới là Đại-pháp căn bản. Tại sao vậy ? Thế giới thiện là do con người thiện, con người thiện là do tâm con người thiện, tâm người thiện thì từ xưa đến nay, đời này đời sau, thế giới này thế giới khác, xưng là mười phương thế giới đều thiện. Nhưng cái thiện của thế giới là chỉ thẳng cái tâm thiện. Tâm này dù thiện nhưng thực chưa trọn thiện, tại sao ? Vì Tâm là bổn nghiệp của hư-không Đại-địa, Tâm là trung tâm của Thiên-đàng, Địa-ngục; Tâm là nhà vui của phú quí công danh, Tâm là thành phố lo âu của nghèo nàn hạ tiện, tâm thiện thì chiêu cảm ở đất thiện, tâm ác thì chiêu cảm sanh nơi đất ác, do đó thiện ác chia thành lối tẻ. Chúng sanh trường kỳ qua lại trong đó mà chẳng tự biết, vì người thế gian đem tâm để làm vui cho ta, nên tạo mê luân bị lưu chuyển mà chẳng thể trở về Tự-tánh, cái lỗi lầm lớn này là lỗi tại tâm.

Hoặc có người hỏi :

- Con người trong hằng ngày lấy gì làm thiện tâm, lấy gì làm ác tâm ?

Đáp rằng : "Sát, đạo, dâm của thân. Vọng ngôn, ỷ ngữ, ác khẩu, lưỡng thiệt của khẩu. Tham, sân, si của ý. Tạo mười ác nghiệp này là ác tâm, trái lại tức là thiện tâm".

Nay nói thêm cái tâm thiện ác có phải sai lầm chăng ? Ước mong các Cao-nhân Đại-trí chớ nên cho trái tim là Tâm, cũng chớ nên cho kiến, văn, giác, tri là Tâm, cũng chớ nên cho buồn giận, mừng vui là Tâm, cũng không nên cho trí ngu lợi độn là Tâm, những tâm này đều chẳng phải là Chân-tâm. Nếu cho những tâm kể trên là Tâm thì hư không đại địa, mỗi mỗi xứ sở không còn chỗ để cho chúng ta cắm dùi. Vậy muốn cầu chẳng bị tâm mê, chẳng bị thế chuyển, chẳng lạc vào lối tẻ, đều chẳng thể được. Nếu người muốn đạt đến nguồn gốc của Chân-tâm. Kính xin mọi người trước tiên phải kính trọng Phật-pháp, kế tin Tăng-sĩ. Bởi vì, Phật-pháp là Pháp cứu Tâm, Tăng-sĩ là người chỉ ra Tâm. Không những tự mình tin Tam-bảo, còn phải khuyên tất cả người cùng kính Tam-bảo. Cái Tâm tin Tam-bảo là cái Sơ-tâm của thành Phật, người tin Tam-bảo là người thiện nhân học Phật. Từ một người tin Tam-bảo cho đến người khắp thế gian tin Tam-bảo, người khắp thế gian có lòng tin này mới là đi đúng cái đường bỏ vọng về Chân. Vọng đã trở về Chân thì tà đâu có thể còn. Đã về chỗ Chân thì còn gì chánh hơn nữa, nên biết cái công của Phật-pháp, cái đức của Tăng-sĩ, e rằng muôn kiếp cũng không thể kể xiết.

Lai Quả không nhẫn thấy Tâm người bị chìm đắm, Tam-bảo bị thất lạc, thành thật đem THAM THIỀN PHỒ THUYẾT để cứu Tâm, dùng mở mang cho đương-cơ. Ước mong người đọc được chuyển niệm trở về với Tự-tánh, khiến cho cái nhân chẳng thể cứu cũng nhất định cảm cái quả thành Phật.

Kính xin người đọc y theo Pháp chẳng y theo người, ấy là việc rất may mắn vậy !

Mục Lục
01. Phần 1: từ bài 1 (Phát tâm học Đạo) đến bài 12 (Chán trụ Tòng lâm).
02. Phần 2: từ bài 13 (Thích ở núi sâu) đến bài 24 (Toan tính thối lui).
03. Phần 3: từ bài 25 (Biết sám hối) đến bài 36 (Vọng tâm tạm nghỉ).
04. Phần 4: từ bài 37 (Ngoài thân tạm quên) đến bài 48 (Giới luật sai trái).
05. Phần 5: từ bài 49 (Tâm  pháp đều tịch) đến bài 60 (Miên mật dụng).
06. Phần 6: từ bài 61 (Chẳng gián đoạn dụng) đến bài 72 (Bố thí).
07. Phần 7: từ bài 73 (Trì giới) đến bài 84 (Cung kính).
08. Phần 8: từ bài 85 (Cúng dường) đến bài 96 (Phát thệ nguyện lớn).
09. Phần 9: từ bài 97 đến bài 108 (Công phu chẳng bị thân chuyển).
10. Phần 10 từ bài 109 đến 120 (Chánh pháp trụ lâu)./.

Tác giả bài viết: Liễu Phàm

Nguồn tin: Tông Phong Tàng Thư

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin cũ hơn