03:35 ICT Thứ sáu, 29/03/2024

Giới Thiệu

Thiền sư Đại Huệ

Đại Huệ Thiền-sư (1088 - 1163) đời thứ 12 phái Lâm Tế là một Thiền-sư triệt ngộ, phương tiện cơ xảo rất xuất sắc nổi tiếng từ lúc đương thời cho đến ngày nay. Các bậc Sĩ-phu, Quan lại triều đình từ Thừa-tướng, Thượng-thư... đều quy y học thiền với Ngài và có nhiều người đã được Chứng-ngộ. Ngữ-lục...

Danh mục chính

Liên Kết Trang

HUE NANG
TS DUC SON
TS NGUYET KHE

Trang nhất » Tông Phong Tàng Thư » Ngữ Lục

Duy Tâm Quyết

Chủ nhật - 31/03/2013 08:02 Xem: 2905
Trích từ ngữ lục của thiền sư Vĩnh minh diên thọ

Nói đến chữ Tâm chẳng phải chơn, vọng, hữu, vô có thể phân biệt được; chẳng phải văn tự lời nói có thể diễn tả được. Nhưng các bậc Thánh ca ngợi, các Hiền triết giải thích, ngàn lối khác nhau, chỉ là tùy theo đương-cơ mà giả lập phương tiện, cuối cùng đều qui về một Pháp mà thôi.

Nên kinh Bát-nhã nói Bất-nhị, Pháp Hoa nói Nhất-thừa, Tư Ích nói Bình-đẳng Như-như, Hoa Nghiêm nói Thuần-chơn Pháp-giới, Viên Giác kiến lập tất cả, Lăng Nghiêm bao gồm mười phương, Đại Tập nhiễm tịnh dung thông, Bảo Tích căn trần hòa hợp, Niết-bàn an nơi bí tạng, Tịnh Danh đạo tràng khắp nơi… tất cả tổng nhiếp bao gồm, tỏ hết sự và lý chẳng có thiếu sót. Cho nên một Pháp ngàn tên, tùy duyên lập hiệu, người học Đạo chớ nên mê lầm việc tùy sự lập danh, kẹt vào lời nói phương tiện mà cho chúng sanh là giả, chư Phật là thật ! Nếu ngộ được nhất pháp thì vạn pháp viên thông, sự mắc kẹt nhiều kiếp ngay đó tan rã, vô biên diệu nghĩa nhất thời đều thông, thấu triệt nguồn gốc của Tâm-pháp, rõ hết phương tiện của chư Phật, chẳng tốn một chút công lực, chẳng rời một bước mà du lịch Hằng-sa thế giới, không một Phật-sát đạo tràng nào mà chẳng đến, không một Pháp-hội nào mà chẳng dự, không một tướng nào mà chẳng phải Thật-tướng, không một nhân nào mà chẳng viên nhân (cái nhân tròn đầy bao gồm tất cả tâm pháp), Hằng-sa Như-lai rõ ràng ngay trước mắt, mười phương Phật-pháp sáng tỏ trong bàn tay, núi sông cao thấp cùng chuyển căn bản Pháp-luân, hàm linh lớn nhỏ phổ hiện Sắc-thân Tam-muội. Ở một chỗ mà mười phương cùng hiện, giảng một âm mà Pháp-giới đồng nghe, nói huyền nói diệu mà chẳng hoại pháp thế gian, muôn ngàn biến hóa mà chưa rời chỗ thật tế. Cùng tam thế chư Phật nhất thời hành đạo, với mười loại chúng sanh đồng chứng Niết-bàn, đánh trống Phật-pháp nơi cung Ma, sấm sét Phật-pháp nơi xứ tà, đi ngược mà tự thuận, nơi cương mà tự nhu, lên cao mà chẳng nguy, nước đầy mà chẳng tràn, ở yên trên đất tuyệt học, sâu vào nguồn gốc vô vi, nhập cửa huyền của chúng diệu, dạo cảnh giới của Thật-tướng.

Chẳng một pháp vốn có, chẳng một pháp mới thành, diệt trung biên, tuyệt tiền hậu, ấn đồng dị (đồng và dị cùng trong một Pháp-ấn), nhất khứ lai. Muôn cảnh cùng quán, nhất tâm bình đẳng, tiếng Phật thường nghe, huệ quang thường chiếu, đây là Đại-tịch Tam-muội Kim-cang Định-môn Thánh phàm bằng nhau, cổ kim đều vậy. Như tánh ướt của giọt nước với biển cả vốn đồng, sự dung nạp của cái lổ nhỏ bằng hạt cải so với hư không chẳng khác, kẻ tin được thì công siêu nhiều kiếp, kẻ ngộ được thì rõ trong sát-na.

Cái Pháp-môn của Nhất-tâm này thật là Đại-đạo chẳng có phương sở, tụ tập bụi trần mà chẳng phải hợp, tan rã Quốc-độ mà chẳng phân (phân tán), hòa quang mà bất quần (chẳng phải nhiều chúng hợp lại), đồng trần mà chẳng nhiễm, siêu xuất mà chẳng lìa, dung hợp mà chẳng tụ, nuôi dưỡng Thánh phàm mà chẳng có hình tướng thật chất để thấy, kiến tạo Pháp-giới mà chẳng có tên họ để gọi, che khắp cỏ cây, phủ khắp cổ kim, cùng khắp hư không Pháp-giới, bầu trời chẳng thể che lấp bản thể, thường chiếu thường hiện, Địa-ngục chẳng thể ẩn giấu ánh sáng, vô trụ vô y, trần lao chẳng thể đổi cái tánh, phi thuần phi tạp, muôn pháp chẳng thể giấu cái chơn, vắng lặng mà âm thanh khắp nơi, vô tướng mà hình tượng đầy Trời, dung hợp lẫn nhau mà cảnh vật muôn ngàn sai biệt, hình tướng sum la chỉ là một, chẳng tụ chẳng chia, chẳng vì việc hỏng mà mất Bản-thể, cũng đồng cũng khác, tùy duyên mà chẳng cần giữ Tánh, tức Tướng là Tánh nên chẳng ngại kiến lập; tức Lý là Sự nên chẳng hoại Chơn-thường. Dùng cái không của hữu, đâu ngại đủ thứ sanh khởi; dùng cái động của tịnh, đâu ngại muôn cảnh tịch lặng, nói một thì lớn nhỏ khác nhau, nói khác thì cao thấp đều bằng, nói có thì chơn lý tịch diệt, nói không thì sự dụng chẳng bỏ, dù sanh mà thường tịch, tướng thế gian trống rỗng, dù động mà thường trụ, muôn pháp chẳng dời; dù ẩn mà thường khởi, thích ứng tùy cơ. Chẳng giả mà ảo tưởng hòa hợp, chẳng thật mà Chơn-tánh trạm nhiên, chẳng thành mà đủ loại cùng sáng, chẳng hoại mà các duyên tự tuyệt. Cảnh dù hiện mà chẳng có tánh hiện, trí dù chiếu mà chẳng có công chiếu, tịch và dụng chẳng khác, năng và sở chỉ một. Đồng như gương sáng mà vạn tượng chẳng thể giấu hình, tánh như hư không mà các tướng chẳng rời Bản-thể, làm tạng thường trụ, làm cửa biến thông, trạm nhiên kiên cố thường tùy vật biến hóa, lăng xăng tạo tác mà chẳng động được Chơn-như, thân nam ẩn, thân nữ hiện, phương Đông nhập, phương Tây xuất, đang còn mà thường diệt, đang nắm mà thường buông, phổ biến mà ánh sáng chẳng động, khắp nơi mà một vật chẳng có, một hạt bụi gồm vô biên Quốc-độ, một niệm tưởng lập vô tận cổ kim. Tức tịnh thường nhiễm, ở Thật-tướng mà chẳng phải thăng (cấp bậc cao), tức đục thường trong, vào lục Đạo mà chẳng phải đọa.

Nhìn bên ngoài chẳng dư, nhìn bên trong chẳng thiếu, đầy mắt mà chẳng thấy, đầy tai mà chẳng nghe, đầy lòng mà chẳng biết, đủ lượng mà chẳng hay, đã thành mà chẳng phải cũ, nay hiện mà chẳng phải mới, chẳng mài mà tự sáng tỏ, chẳng chùi mà tự trong sạch, Chơn-tánh độc lập, Diệu-thể thường trụ, linh quang xán lạn, công đức đầy tràn.

Diệu-dụng của hàm linh phổ hội, làm vua của muôn Pháp, Tam-thừa và Ngũ-tánh (năm thứ chủng tánh : Tam-thừa, Ngoại-đạo và Bất định chủng tánh) qui tụ, làm mẹ của ngàn Thánh, độc tôn độc quý, chẳng gì sánh bằng, là Chơn-pháp-yếu, là thật Đại-đạo, tông tích nhiệm mầu chẳng định, tùy theo tánh vật mà vuông tròn, diệu-dụng thích ứng tự nhiên, tùy theo căn cơ mà ẩn hiện, cho nên gốc sanh ngọn mà ngọn tùy gốc, thể dụng lẫn nhau; Chơn thành tục mà tục lập Chơn, Thánh phàm cùng tỏ; chính ta giúp người mà người giúp ta chủ bạn cùng tham.

Chúng sanh thành Phật mà Phật độ chúng sanh, nhân quả rõ ràng. Cảnh chẳng tự tánh mà người khác thành tự kỷ, tâm chẳng tự tánh mà tự kỷ thành người khác, lý chẳng thành tựu mà một tức nhiều, sự chẳng thành tựu làm nhiều tức một, tướng dù giả mà âm thầm một thể, tánh dù thật mà thường nơi vạn duyên. Dù hiển lộ mà tìm cầu rất khó, dù siêu tuyệt mà đại dụng chẳng ngại, hiện ra ảo tượng nơi một Tánh mà dung Chơn (dung hợp Chơn-đế), Tịch-diệt linh thiêng, nhờ sum la mà hiển tướng. Đế và Trí (Đế : Chơn-đế, Tục-đế; Trí : Quyền-trí, Thật-trí) phát minh lẫn nhau, nhiễm và tịnh huân tập lẫn nhau, tùy sức yếu mạnh mà chìm nổi vô thường, tùy duyên tụ tán mà nắm buông chẳng định, nhiếp nhau thì vi trần chẳng hiện, giúp nhau thì muôn cảnh đều sanh, đến như bóng trăng bỗng hiện trong nước, đi như đám mây bỗng tan trên trời, động tịnh vô ngại, trống rỗng thấu nhập, tương sanh tương khắc, linh thông khó lường, chẳng trong chẳng ngoài, Diệu-tánh khắp nơi.

Biển Trí mênh mông dung nạp tất cả chẳng kẻ thiếu sót, Linh-châu (Tự-tánh) sáng tỏ, chiếu khắp mười phương chẳng từng mảy may ẩn giấu. Như vàng thiệt tùy theo đồ dùng làm ra đủ thứ khuôn hình, muôn ngàn sai biệt mà chẳng ngại, như nước trong lặng nổi nhiều làn sóng, hiển tướng mà Bản-thể chẳng chút mất mát. Đều đúng đều sai, cũng tà cũng chánh, chẳng có mà thị hiện có, mơ hồ như trong mộng, chẳng thành mà tựa như thành, thấm thoát như huyễn hóa. Tùy nguồn Không mà sanh diệt, pháp-pháp vô tri, theo biến ảo mà thịnh suy, duyên-duyên tuyệt đối (đối đãi). Cho nên, đỉnh núi chót vót mà chẳng vực thẳm, biển rộng không đáy mà chẳng thâm sâu, tam độc, tứ đảo (điên đảo) mà chẳng phải phàm, bát giải lục thông mà chẳng phải Thánh, đồng ở đất Chơn-như tịch diệt, cùng vào cửa bất-nhị vô-sanh. Tạo tác trong đạo giải thoát, trùng trùng vô tận hiển hiện trong bất tư nghì, mỗi mỗi khó tìm, đâu thể kiến lập thủy chung, chỉ định xứ sở ? Đâu cần sùng Chơn chê vọng, chán dị ham đồng ?

Lại muốn hoại thân thể huyễn hóa, muốn dứt ý thức chiêm bao; mà chẳng biết mỗi niệm đều là Thích-ca ra đời, mỗi bước đều là Di-lặc hạ sanh, phân biệt là hiện cái Tâm của Văn-thù, động tịnh là hành cái Hạnh Phổ-hiền, mọi cửa đều là cam lồ, mọi vị đều là đề-hồ, thường ở nơi thế giới Liên-hoa-tạng. Chói rọi không vật nào chẳng soi thấu, rõ ràng sáng tỏ đầy mắt, khỏi nhờ biện tài diễn tả, chẳng cần thần thông hiển thị, động tịnh thường gặp, sáng tối chẳng lìa, chẳng phải xưa thạnh nay suy, đâu phải ngu chìm mà Trí hiện ?!

Nói nín thường khế hợp, đầu đuôi thầm dung thông, Đạt-ma đâu cần đến Đông-độ, bảy Phật đâu cần thị hiện trên đời ? Hễ Tâm-không thì trời đất hư tịch, Tâm-hữu thì quốc-độ sum sê, niệm khởi thì sơn nhạc lay động, niệm lặng thì sông ngòi yên tịnh, ứng cơ cao tột thì lời lời liễu-nghĩa, Trí-huệ sáng tỏ thì niệm niệm hư huyền, căn khí lớn thì pháp pháp đầy đủ, độ lượng rộng thì trần trần vô tận, ý địa trong thì thế giới sạch, tâm thủy đục thì cảnh tượng tối, đề ra một mà bao gồm toàn bộ, khang trang bình đẳng, sẵn sàng cụ-túc, chỉ ở nơi Chánh-quán mà thôi.

Muôn pháp vốn do người tạo, Chơn-như tự đủ nhiều đức, vô-niệm mà công-đức sẵn có, vô-tác mà diệu-hạnh đều viên. Chẳng tạo mà thành, Linh-tri sẵn sàng, chẳng tìm tự đắc, Diệu-tánh thiên chơn, mới biết lý trí viên dung, Đại-đạo chẳng ở bên ngoài, tuyệt một hạt bụi mà độc lập, có tướng nào để tung hoành ? Vì vậy, ngay nơi âm thanh tức là nghe, ngoài sự thấy chẳng có pháp khác (Bản-văn cũng là Bản-kiến, cùng khắp không gian và thời gian) sắc đẹp chẳng thể mê hoặc, âm diệu chẳng thể lôi chìm, như nước biển hội đủ mùi vị của ngàn sông, như núi Tu-di nuốt hết sắc tướng của quần đảo, không một tên nào chẳng hoằng danh hiệu của Như-lai, không một vật nào chẳng tỏ hình tướng chư Phật, cây cối nhà cửa tự tỏ Diệu-tướng vô biên, khỉ kêu chim hót đều nói Diệu-âm bất nhị, si ái thành nguồn chơn giải thoát, tham sân tỏ đại dụng Bồ-đề, vọng tưởng khởi mà Niết-bàn hiện, trần lao sanh mà Phật đạo thành. Từ Bản-thể làm nên mà Hóa-thân, Báo-thân tịch lặng, tùy duyên hiển hiện mà Pháp-thân đầy đủ khắp nơi, thật là chỗ quy về của Giáo-pháp, Linh-ngộ của Thánh-hiền, thực tế của chúng sanh, căn bản của vạn vật, đại cương của Chánh-pháp, bản ý của xuất thế, đường lối của Tam-thừa, bến đò của Phật-đạo, linh nguyên của Bát-nhã, quê nhà của Niết-bàn.

Bởi vì Diệu-lý mầu nhiệm sâu xa, huyền-chỉ hy hữu khó lường, kẻ cuồng huệ uổng nhọc tinh thần, kẻ si thiền chỉ có thể tự trói. Kỳ thật thì con đường của ngôn ngữ cắt tuyệt, ý thức phân biệt dứt bặt, tinh thần trong sạch, trí huệ tự nhiên, không hữu song dung, căn trần trống rỗng như nhìn thấu trời xanh, như ở dưới mặt trời chói chang, không một Pháp-môn nào chẳng hiện, không một chí lý nào chẳng rõ. Chẳng động tình thức, dưới ao sâu mà lượm nhằm thất bảo, chẳng phí Tâm-lực; trong nước đục mà tự được huyền Châu, quán Đại-thiên-thế-giới ngay trước mắt, chỉ Hằng-sa quốc độ nơi bên cạnh, nắm chúng sanh trong bàn tay, ôm vạn vật trong lòng, chẳng tốn chút công, thành tựu Lăng Nghiêm đại định; chẳng nhìn một chữ, xem hết tất cả Kinh-điển, nghĩa của Tứ-cú thông, đường của Bách-phi tuyệt. Dọc xuyên tam tế, ngang thấu mười phương, duy nhất Tổng-trì (Tổng nhất thiết pháp, Trì nhất thiết nghĩa, hiệu Đại-tự-tại).

Thần-quang hiển hách, oai đức lẫy lừng, Ngoại-đạo kinh hồn, tà ma sợ hãi, phiền não tan rã, sanh tử bay mất, tình ái rửa sạch, ngạo mạn sụp đổ, thong thả vô ngại, đạm bạc rộng rãi, vô đắc vô cầu, khoáng đạt tự tại, cao rộng quá hư không, ánh sáng hơn nhật nguyệt, vậy thì Quyền-trí và Thật-trí đi đôi, từ bi & trí huệ song hành, cứu thế như huyễn, độ sanh đồng không, vào hữu mà chẳng trái vô, hành chơn mà chẳng ngại tục, như Trời che đất chở, như nhật nguyệt cùng sáng, thị Thánh hiện phàm, xuất sanh nhập tử, đem Thật-tướng ấn Tâm, dựng Đại-pháp-tràng tạo một ánh sáng mà cứu tế muôn loài, khiến tro lạnh bừng lên sức ấm, hạt giống cháy sống lại làm thuyền. Từ nơi biển khổ, làm Đạo-sư cho kẻ lạc đường. Che và Chiếu tự động, nắm buông tùy Trí, dù vô-tri mà muôn pháp viên thông, dù vô-kiến mà tất cả rõ ràng. Chỉ cần khế hợp ý-chỉ này thì Bản-thể vốn tự nhiên, như mùa xuân nảy mầm, như đất sanh vạn vật, Thập-thân bỗng hiện, Tứ-trí đồng khởi, là Như-ý-tràng (cây lọng), là Thất-bảo tụ, pháp tài phong phú, lợi sanh chẳng cùng, nên gọi là Vô-tận-tạng, hiệu rừng công đức, đâu thể ánh nắng mà chẳng chiếu, có đèn đốt mà chẳng sáng ?

Chớ nên dùng tâm có giới hạn mà sanh kiến giải có ngằn mé, đo lường rộng hẹp của hư không, xác định biên thùy của Pháp-giới, khiến cho tình thức phân biệt, chẳng siêu việt cảnh trần, vọng tâm bừng dậy nơi đất Chơn-như, đánh lên làn sóng ý thức trong biển Tịch-diệt; hạn chế sự thấy trong ống nhòm (nhìn), trộm cắp ánh sáng nơi kẽ vách, vọng lập cái tri của năng sở, lầm khởi cái kiến giải của tốt xấu, đuổi theo lời nói văn tự để định đoạt Tông-chỉ, cũng như con muỗi muốn bay theo chim đại bàng, đom đóm muốn so với Mặt-trời vậy !

Tự-tánh khởi dụng dung nạp mười phương hư không trong một lỗ chân lông, hiện muôn ức Phật-sát trong một sát-na, mỗi mỗi thân cùng khắp mỗi mỗi Phật-sát, mỗi mỗi Phật-sát bao gồm vô biên thân, rút nhiều kiếp trong khoảnh khắc, ném quả đất ra ngoài vũ trụ, trong một lỗ chân lông phóng ra vô tận quang minh, trong một lời nói tỏ hết tất cả Giáo-pháp, ấy là bổn phận của chúng sanh, sức bằng với chư Phật, không một pháp nào mà chẳng phải vậy, hễ có Tâm là sẵn sàng, chẳng nhờ sức của thần thông, chẳng do tu chứng mà được, đức lượng như như, tất cả đầy đủ, nếu bỏ biển mà nhận bọt, ý chí thấp kém mà tự khinh mình, chôn vùi gia tài mà không biết dùng !

- Người học Đạo chẳng tin tự Tâm hoặc muốn bỏ vọng mà giữ chơn; hoặc cho mình chẳng có phần mà cam chịu trần lao; hoặc nhận vọng làm chơn mà hành theo Tà-đạo; hoặc chấp phương tiện mà khổ tu tiệm hạnh; hoặc chấp cao vị mà suy tôn cực Thánh; hoặc tích chứa công đức, hy vọng mãn ba A-tăng-kỳ kiếp để thành Phật, chẳng biết toàn thể hiện tiền, lại mong cầu Diệu-ngộ, chẳng biết xưa nay vốn đầy đủ mà chờ đợi sự thành công. Nếu chẳng nhập Viên-thường ắt phải chịu luân hồi !

- Chỉ vì mê muội nơi Đức-tánh, chẳng phân biệt Chơn-tông, buông Giác theo Trần, bỏ gốc tìm ngọn, theo lưới ma của hữu vô, vào rừng tà của đồng dị, mổ xẻ Chơn-không, phân chia Pháp-tánh, sanh diệt theo trần, hữu vô tùy cảnh, chấp đoạn mê thường, lấy duyên bỏ Tánh, vọng khởi tri giải, lầm lẫn tu hành.

- Hoặc hòa thần dưỡng khí mà chấp tự nhiên; hoặc cho khổ thân hủy hình là hành theo Chí-đạo; hoặc chấp lấy cái cột vô trước để dựng lên thành cảnh trước mắt; hoặc cầu Tịnh-lự mà đè nén vọng tâm; hoặc gọt tình diệt pháp để kết thành không; hoặc theo hình bóng của nhân duyên pháp trần mà ôm thành tướng; hoặc bỏ mất chơn của Linh-tâm; hoặc hủy hoại Chánh-nhân của Phật-pháp.

- Hoặc kết tụ tinh thần cắt tuyệt tâm thức; thọ báo thành loài vô tình; hoặc tĩnh tâm bặt sắc trụ quả nơi trời Tứ-không; hoặc chấp thật , lạc vào thành huyễn hóa; hoặc chấp không lại đồng như sừng thỏ; hoặc tuyệt kiến giải, đọa vào nhà đen tối; hoặc lập chiếu soi, trở thành chấp sở tri; hoặc nhận hữu giác là hình của chơn Phật, hoặc nhận vô tri như loài gỗ đá; hoặc chấp vọng bằng với quả cứu cánh, cũng như nhận đất là bình; hoặc bỏ duyên để vào cửa giải thoát, cũng như vạch sóng tìm nước.

- Hoặc đuổi theo ngoại cảnh, vọng tạo việc trong chiêm bao; hoặc trong giữ u nhàn, ở yên nơi ngu si; hoặc chấp đồng, cho vạn vật đều bằng nhau; hoặc chấp dị, mỗi mỗi tự lập Pháp-giới; hoặc cam chịu ngu si, cho chẳng có phân biệt là Đại-đạo, hoặc ham Không-kiến (tri kiến chấp không), bài xích thiện ác cho là Chơn-tu; hoặc hiểu lầm Tánh-bất-tư-nghì lọt vào ngoan không; hoặc cho Diệu-tánh chơn thiện là thật có; hoặc trầm cơ tuyệt tưởng (cơ : linh động) đồng như cõi Trời-hữu-lậu; hoặc Giác-quán tư duy đọa nơi tình lượng (tình thức suy lường); hoặc chẳng cứu xét vọng tánh, cho ấy là thời hỗn độn sơ khai của Trời đất; hoặc mê muội nơi ảo thể, lấy “Tuyệt không” làm Tông-chỉ.

- Hoặc nhận bóng làm chơn; hoặc lấy vọng để tìm thật; hoặc nhận tánh kiến văn cho là hữu tình; hoặc chỉ cảnh huyễn hóa cho là loài vô tình; hoặc khởi ý trái với tịch tri; hoặc dứt niệm phế bỏ Phật-dụng; hoặc mê tánh công đức, khởi tri kiến của tâm sắc; hoặc căn cứ lời “Tất cánh không” sanh tâm đoạn diệt; hoặc chấp chí lý liền bỏ trang nghiêm; hoặc mê tiệm thuyết (đốn tiệm tương đối), luôn luôn tạo tác; hoặc chiếu theo “Bản-thể lìa duyên” kiên cố ngã chấp; hoặc tiêu diệt tất cả, giữ lấy tự kỷ; hoặc quyết định “Người và pháp tự nhiên” thành Ngoại-đạo vô nhân; hoặc chấp cảnh và Trí hòa hợp, đọa vào cộng kiến; hoặc chấp Tâm và cảnh lẫn lộn, thành pháp năng sở; hoặc chấp sự phân biệt chơn tục, bị buộc nơi ngu xuẩn của tri chướng.

- Hoặc giữ “Nhất như bất biến”, lọt vào thường kiến; hoặc thấy Tứ-tướng dời đổi, chìm nơi đoạn-kiến; hoặc chấp vô tu, lìa bỏ Thánh-vị; hoặc nói có chứng trái ngược Thiên-chơn; hoặc đam mê y-báo, chánh-báo theo thế tục luân hồi; hoặc chán sanh tử lạc mất Chơn-giải-thoát; hoặc mê chấp Chơn-không, sùng nhân trước quả; hoặc mê muội thực tế, ham Phật ghét Ma; hoặc chấp thuyết phương tiện tùy nghi, cho lời Phật Tổ là chơn.

- Hoặc bỏ mất thật tướng âm thanh, muốn lìa ngôn ngữ cầu nơi nín lặng; hoặc tuân theo Giáo-thừa, phá hoại định thể của Tự-tánh; hoặc hoằng Thiền-quán, bài xích lời giải thích của Kinh-liễu-nghĩa; hoặc vì tranh đoạt danh lợi, đặt ra lời kỳ lạ, bị chìm vào biển ý thức; hoặc muốn tịnh khiết tìm cầu huyền bí lại đọa vào thành ngũ Ấm; hoặc khởi tri giải thù thắng, móc thịt đắp ghẻ; hoặc trụ nơi bản tánh trong sạch mà chấp thuốc thành bệnh; hoặc theo văn tìm nghĩa, thích ăn đàm dãi của người khác.

- Hoặc cố giữ thanh nhàn, ngồi nơi Pháp-trần; hoặc sanh tâm có đắc để bàn luận Đại-thừa Vô-tướng; hoặc dùng tư tưởng suy lường để tìm huyền-chỉ bên ngoài vật; hoặc phế bỏ ngôn thuyết sanh kiến giải tịnh khẩu; hoặc chấp sự giải thích kỹ càng cho ngón tay là mặt trăng; hoặc nhận lầm sự dụng làm nguồn gốc của sanh diệt; hoặc chuyên ghi nhớ, trụ trong thức tưởng; hoặc hay sắp đặt, đánh mất bản tánh của Viên-giác; hoặc phóng túng đi lầm cửa Đạo; hoặc muốn thân tâm tinh tấn kẹt nơi hữu-vi.

- Hoặc chấp Chơn-tánh vô vật, bị trói nơi Trí-huệ; hoặc siêng tu niệm, mất nơi Chánh-thọ (chánh định); hoặc bắt chước “Tự tại vô ngại” bỏ sự tu hành; hoặc ỷ “Bản-tánh vốn không”, tùy thuận tập khí; hoặc chấp “Thật có ràng buộc” nên muốn dứt trừ.

-Đối với Phật-pháp, kẻ quý trọng thì sanh trưởng Pháp-ái, kẻ khinh mạn thì hủy hoại nhân Phật; hoặc cầu tiến mà trái với Bản-tâm; hoặc lui sụt lại trở thành buông lung; hoặc thể và dụng khác nhau, trái với Phật-thừa; hoặc trầm không trệ tịch, làm mất bản tánh của đại bi; hoặc bặt duyên chán giả, vi phạm Pháp-môn sẵn đủ; hoặc mê muội Chơn-ngã vốn không mà chấp ngã kiến; hoặc cố chấp Phật-pháp, mê lầm hiện lượng (pháp ngã vốn không); hoặc có giải chẳng có tín, mống lên tà kiến; hoặc có tín chẳng có giải, sanh trưởng vô minh.

- Hoặc cho người đúng pháp sai; hoặc cho cảnh sâu trí cạn; hoặc chấp lấy nên mê Pháp-tánh; hoặc xả bỏ thành trái Chơn-như; hoặc chấp Tánh-lìa nên nghịch với nhân; hoặc chấp thường trụ nên trái với quả; hoặc chấp cái sai phỉ báng cái thật; hoặc chấp cái đúng phá hoại sự tùy nghi; hoặc chán vô minh, xa trái bất động trí môn; hoặc ghét vọng cảnh, tổn thương Pháp-tánh tam-muội; hoặc chấp cái lý đồng, hành Tăng-thượng-mạn; hoặc bác cái tướng dị, hoại cửa phương-tiện.

- Hoặc chấp Bồ-đề là thật, phỉ báng Chánh-pháp-luân; hoặc chấp chúng sanh là giả, hủy hoại chơn Phật-thể; hoặc chấp thật-trí mà bỏ Quyền-trí; hoặc chấp sự tùy cơ giáo hóa mà mê muội Chánh-tông; hoặc kẹt trên lý, lọt vào hầm vô-vi; hoặc chấp nơi sự, nhảy vào lưới hư huyễn; hoặc xóa bỏ dấu tích đối đãi, trái ngược với sự song chiếu (thể và dụng đi đôi); hoặc chấp nơi Trung-đạo, làm mất bản ý phương tiện; hoặc có Định mà chẳng có Huệ, làm mầm Đạo bị cháy; hoặc cố chấp hạnh nguyện, thành chôn vùi giống Phật; hoặc tu hạnh Vô-tác mà trở thành Bồ-đề hữu vi; hoặc chấp cái Tâm vô-trước nên thành Bát-nhã tương tự (chẳng phải Bát-nhã chân thật); hoặc ham tướng tịnh mà thành cấu bẩn của Thật-tánh; hoặc trụ nơi Chánh-vị (ngôi pháp) làm mất cái Tự-tánh vốn không; hoặc kiến lập Thiền-quán vô tướng làm chướng ngại Chơn-như.

- Hoặc sanh khởi Tâm-liễu-tri, thành phản bội Pháp-tánh; hoặc chấp Chơn-thuyên (lời giải thích kỹ càng) sanh ngữ kiến (tà kiến chấp ngôn ngữ), như uống cam-lồ mà chết sớm; hoặc ôm chí lý tròn đầy, khởi tâm chấp trước, như uống đề-hồ mà trúng độc vậy.

Một trăm hai mươi thứ Tà-tông kiến-giải kể trên, đều là mê trái tông-chỉ, làm mất Bản-chơn, cũng như dụi mắt nên thấy hoa đốm trên không; leo cây để tìm cá. Mùi đắng chẳng làm được giống ngọt; đất cát đâu thể nấu thành cơm ?! Ấy đều vì chẳng biết Pháp-tánh dung thông, nên mê lầm lời phương tiện của chư Phật, chư Tổ, chìm nơi kiến-chấp, tự chướng Bản-tâm, chẳng nhập Trung-đạo, bò lết trên đường thăng trầm, ràng buộc trong lòng thủ xả, nơi Vô-tâm mà muốn đoạn trừ, nơi Vô-sự mà muốn lìa bỏ, lấy Pháp-không làm thành cảnh si ái, đem Chơn-trí lập thành tư tưởng chướng ngại, luôn luôn theo đuổi bát Phong, khó ra khỏi lưới chấp trước. Thật chẳng biết cái lý sanh tử âm thầm khế hợp với Đạo, vọng vốn là Bồ-đề, xưa nay dung thông Giác-tánh, sáng thường trụ nơi tối, nước chẳng lìa băng, diệu dụng vô tận Linh-trí thường tồn.

Sao lại dứt niệm tưởng để cầu tịch lặng, diệt phiền não để chứng Chơn-như ? Vọng tu vọng tập, tự khó tự dễ mà không biết bản tánh Viên-giác vốn chẳng bí mật, kho tàng Như-lai thật chẳng che giấu ?!

Nên biết, lý của Viên-thường chẳng thiếu, chỉ vì lòng tín giải không đủ, cũng như thấy Bồ-tát đứng trên mũi kim, thấy chỉ mành treo trên núi Tu-di, chỉ biết tán thán hy hữu kỳ lạ mà chẳng biết tại sao ! Như trong kinh Pháp Hoa, con đi ăn xin mà chẳng biết Cha (Tự-tánh) là triệu phú, chẳng dám thừa kế gia tài của mình, suốt ngày tìm cầu bên ngoài mà chẳng tự tỉnh ngộ, bỏ vàng lượm sỏi, cam chịu nghèo khổ.

Cho nên, chư Phật thương tiếc, chư Tổ xót xa, đều nói chúng sanh chẳng chịu đi thẳng đến chỗ thực tế, lạc mất Bản-tâm, chỉ theo vọng thức thăng trầm, đuổi theo cảnh trần so đo chấp trước, chẳng biết muôn pháp vô thể, tất cả vô danh, tùy ý hiện hình, theo ngôn lập hiệu, ý tùy tưởng sanh, ngôn theo niệm khởi. Kỳ thật, Tưởng và Niệm đều không, gốc ngọn phi hữu. Cho nên, Tam-giới vô vật, vạn hữu trống rỗng, tà chánh đồng nhau, thiện ác không khác. Chúng sanh vì ôm chặt tư tưởng chấp thật, bỏ hết Đại-nghĩa của Phật-pháp, chẳng trở về được Tự-tánh, lại ở nơi Vô-tâm mà phân chia đồng dị, ở trong Nhất-thể mà vọng lập ly hợp, vừa lập mình và người thì liền sanh sự thuận nghịch, dấy lên đầu mối đấu tranh, kết thành nghiệp quả mê hoặc, dệt thành lưới thị phi, tạo thành cái lồng của yêu ghét, nhìn bóng tượng trong gương phân biệt xấu đẹp, nghe tiếng dội trong hang mống khởi buồn vui, trách hạnh kiểm của người huyễn hóa, mà chẳng biết năng sở song tịch, lý sự đều không. Đã tạo cái nhân mê hoặc thì phải chịu cái quả huyễn hóa.

Muốn rõ Diệu-lý nên truy cứu Tự-tâm, một niệm Chứng-ngộ liền tiêu Hằng-sa ác nghiệp, một đèn đốt lên liền phá ngàn năm đem tối, muôn cảnh đối diện mà chẳng lập danh tướng, mê ngộ chẳng còn, trạm nhiên trong sạch, thân tâm thấy nghe tùy duyên dưỡng Tánh, phóng khoáng tung hoành, tiêu dao tự tại, sự tiếp xúc hằng ngày đều là giải thoát bất tư nghì, cũng là Đạo-tràng đại tịch diệt.

Nay khuyên các vị hậu hiền nên đi theo đường lối này, dẫu cho nghe mà chẳng tin, cũng được gieo trồng giống Phật; dẫu cho học mà chưa thành cũng được phước báo trời người, huống là chứng quả thành Phật, chẳng có gì bằng !

Những lời trên đây đều có ghi đủ trong Kinh-điển của Phật, chẳng phải khi không mà đặt ra, xin học giả hãy tự xem xét kỷ !

*****

Tác giả bài viết: thichdaophat

Nguồn tin: Tông Phong Tàng Thư

Từ khóa: Duy Tâm Quyết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn