11:57 EDT Thứ sáu, 29/03/2024

Giới Thiệu

Thiền sư Bác sơn

Hòa-thượng Bác Sơn (1575-1630), họ Sa, tên Đại Hy, tự là Vô Dị, người đời thường gọi là Ngài là Thiền-sư Vô Dị. Sư năm 16 tuổi phát chí xuất gia, đến chùa Ngõa Quan ở Kim Lăng nghe giảng kinh Pháp Hoa, cảm khái than : “Cầu điều đó ngay nơi mình, há có thể đuổi theo câu văn mà được ư ?” Sư bèn bỏ đi...

Danh mục chính

Liên Kết Trang

TS DUC SON
TS NGUYET KHE
HUE NANG

Trang nhất » Tông Phong Tàng Thư » Luận, Giảng

Đại Thừa Tuyệt Đối Luận - phần I

Thứ sáu - 29/03/2013 17:13 Xem: 3490
Phần đầu
Phật Thích-ca dùng Trí-huệ vô thượng sáng lập pháp Thiền-trực-tiếp vốn chẳng có tương đối và tuyệt đối, nhưng vì hướng dẫn chúng sanh lìa khỏi hư vọng, gọi là tương đối, để bước lên Quốc-độ chân thật gọi là Tuyệt-đối, nên mới có sự thuyết Pháp để độ chúng sanh. Pháp ấy chẳng ngoài phủ định tương đối tức là phá Ngã-chấp, Pháp-chấp và Không-chấp (1) để chứng minh Tuyệt-đối tức là phát huy Chân-như (2). 

(1). Ngã-chấp, Pháp-chấp, Không-chấp :

- Ngã-chấp : Chấp thật cái thân thể và sự suy nghĩ của bộ não là Ta.

- Pháp-chấp : Chấp thật vạn sự, vạn vật trong vũ trụ Pháp-giới do ta hiểu biết được cho là có Thật-tánh, Thật-tướng.

- Không-chấp : Phá được Ngã chấp, Pháp chấp, thấy tất cả đều không, chấp cái Không này là thật.

(2). Chân-như là biệt danh của : Tự-tánh, Tự-tâm, chân thật đúng như bản thể.

Phật Thích-ca gọi cái Pháp của Ngài truyền dạy là 'Pháp-bản-trụ'. Nói bản-trụ nghĩa là xưa nay vốn sẵn có. Như vậy, nên Pháp-môn Đại-thừa dùng những cơ-xảo đặc biệt để phủ nhận tương đối nhập vào tuyệt đối, ấy là do bản tánh của con người tự nhiên như thế. Bởi vì tất cả sự vật trong vũ trụ do trí óc của con người nhận biết được đều là tương đối, từ chỗ tương đối thì phải sanh ra mâu thuẫn và từ mâu thuẫn ắt phải sanh ra khổ não, do đó nên mới cần phải phủ định tương đối. Sự phủ định đến chỗ cùng tột thì vũ trụ tương đối kết thúc, vũ trụ tuyệt đối bắt đầu.

Trong vũ trụ tuyệt đối chẳng có tương đối nên chẳng có mâu thuẫn, không mâu thuẫn nên không cần phủ định nữa. Tất cả đều là tuyệt đối, bản trụ sẵn sàng, vĩnh viễn chẳng biến đổi. Như thế vũ trụ mới có sự viên mãn cuối cùng, cuộc sống của con người mới được đi đến chỗ đầy đủ hạnh phúc.

Tại sao nói từ sự tương đối sanh ra khổ não ? Vì tương đối thì có lợi ắt phải có hại cũng như Khoa-học văn minh hiện tại mỗi năm đào tạo nhân tài Khoa-học, phát minh và cải tạo máy móc, tăng gia sản xuất, để cung cấp cho đời sống của con người được nhiều phương tiện và phong phú hơn. Đấy là cái phần có lợi cho xã hội, nhưng do cái lợi này lại phải sanh ra cái hại nhiều hơn. Tại sao vậy ? Theo sự thực tế đã xảy ra, ví như số nhân tài Khoa-học đào tạo hàng năm, chỉ một số rất ít có năng khiếu thiên tài đặc biệt, phát minh hoặc cải thiện máy điện toán và đủ thứ máy móc, còn một số không ít nhân tài trình độ thông thường lại kiếm không ra việc làm vì những đơn vị chức vụ đã bị máy điện toán tối tân thay thế rồi, nên phải chịu cái khổ thất nghiệp không tránh khỏi. Số còn lại kiếm được việc làm thì lại vừa làm vừa phải học thêm mới có thể theo kịp sự tiến bộ của Khoa-học, vậy ắt phải chịu sự gánh vác nặng nề về thời gian lẫn tinh thần làm cho cuộc sống căng thẳng và khổ não vô cùng.

Nay đề ra một Công-án trong lịch sử Thiền-tông để tiêu biểu cho pháp Thiền Trực Tiếp, cũng để chứng tỏ pháp bản-trụ, và đồng thời cũng chính là tiêu biểu cho Tuyệt-đối-luận này để cho độc giả được tăng cường lòng tin Tự-tâm và do đó quyết tâm thực hành theo để phát hiện tiềm năng vô biên vốn sẵn có của chính mình.

Đạo Lâm Thiền-sư có một thị-giả tên là Hội Thông, ngày kia muốn từ giã thầy để đi nơi khác.

Sư hỏi : Ngươi muốn đi đâu ?

Đáp : Hội Thông vì Pháp mới xuất gia, lâu nay Hòa-thượng chẳng có dạy bảo gì, nên con muốn đi nơi khác học Phật-pháp.

Sư nói : Nếu là Phật-pháp thì ở đây ta cũng có chút ít.

Hội Thông nói : Thế nào là Phật-pháp của Hòa-thượng ?

Sư liền ở trên áo mình nhổ một sợi lông vải thổi một cái “Ù”, Hội Thông ngay đó khai ngộ.

Công-án này tức là pháp Thiền-trực-tiếp truyền từ Phật Thích-ca cũng là ở trong sát-na, từ Quốc-độ tương đối bước vào Quốc-độ tuyệt đối vậy.

Hễ vào được cảnh giới tuyệt đối thì những cái bị phủ định như ngã, vạn hữu, các pháp v.v.... đều biến thành tuyệt đối, hoàn toàn được thừa nhận trở lại. 

Đến đây tất cả đều là cảnh giới chân thật nên trong kinh Đại Niết-bàn nói : “Thấy tất cả Không chẳng thấy Bất-không chẳng gọi là Trung-Đạo (1) cho đến thấy tất cả Vô-ngã chẳng thấy có Ngã cũng chẳng gọi là Trung-đạo”.

Trung-đạo gọi là Phật-tánh (2), vì phủ định nên không, vì thừa nhận nên bất không, vì phủ định nên vô ngã, vì thừa nhận nên có ngã.

Có thể phủ định mà chẳng thể thừa nhận là người Tiểu-thừa.

Có thể phủ định mà cũng có thể thừa nhận là người Đại-thừa.

Chẳng nói phủ định cũng chẳng nói thừa nhận là Phật.

Lúc phủ định thì nhất vọng nhất thiết vọng, khi thừa nhận thì nhất chân nhất thiết chân. Khi chưa lìa tương đối thì tất cả đều tương đối, đã vào tuyệt đối thì tất cả đều tuyệt đối, chẳng phải ngoài tương đối có tuyệt đối, chẳng phải ngoài tuyệt đối có tương đối, nên Uế-độ tức là Tịnh-độ, Địa-ngục tức là Thiên-đàng, Phiền-não tức là Bồ-đề (3), chúng sanh tức là chư Phật. Nói tóm lại Tương-đối tức là Tuyệt-đối, tất cả bình đẳng gọi là 'Pháp-môn bất nhị' (4), cũng gọi là Nhất-thừa (5), như trong kinh Pháp Hoa nói : “Trong mười phương Quốc-độ chỉ có pháp Nhất-thừa, chẳng hai cũng chẳng ba, trừ phương tiện của Phật, chỉ dùng giả danh tự, dẫn dắt cho chúng sanh, duy nhất sự thật này, ngoài ra đều chẳng Chân” là nghĩa này vậy.

(1) Trung-đạo : Nghĩa thường là không có nhị biên tương đối, nói sát nghĩa hơn là Vô-sở-trụ, cũng như chẳng trụ nơi có, chẳng trụ nơi không, chẳng trụ nơi cũng có cũng không, chẳng trụ nơi chẳng có chẳng không.

(2) Phật-tánh : Tánh giác ngộ.

(3) Bồ-đề (tiếng Phạn) dịch nghĩa là Giác-ngộ.

(4) Pháp-môn Bất nhị : Bất nhị có nghĩa hiển bày thể dụng của Tự-tánh cùng khắp không gian và thời gian chẳng thể dùng tư tưởng để suy lường nên vượt ra ngoài đối đãi và cũng chẳng phải một. Pháp-môn tu tập để đưa đến chỗ bất nhị này gọi là Pháp-môn Bất nhị.

(5) Pháp Nhất-thừa : Tức là Phật-thừa, Kinh Pháp Hoa nói là chẳng hai cũng chẳng ba.

Đến đây, nên ghi nhớ rằng cảnh giới tuyệt đối Chân-như chẳng phải văn tự lời nói có thể diễn đạt, nên Phật Thích-ca thuyết Pháp xong liền phủ định ngay, nói rằng : “Ta 49 năm thuyết Pháp chưa từng nói một lời”, lại nói : “Ta từ đêm ấy đắc Chánh-giác, cho đến đêm ấy nhập Niết-bàn chẳng thuyết một lời nào cả”, lại nói : “Ta đối với Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác cũng chẳng được một chút pháp nào cả”.

Các giới tư tưởng Tây-phương ít thấy có người đến gần chỗ tuyệt đối là vì đường lối thực hành chẳng đồng. Chỉ có nhà Triết-học Hy Lạp, Parmenides, tư tưởng ông này đến gần chỗ tuyệt đối hơn những triết gia khác. Sự giải thích bản thể tuyệt đối của ông giống như lời Phật Thích-ca, ông cho rằng : “Thế giới do cảm giác mà biết được là thế giới hư vọng chẳng thật, chẳng qua là một thứ ảo tượng, chẳng phải là tồn tại chân thật, mà bản chất của vũ trụ duy nhất mới thực tồn tại. Tồn tại tuyệt đối chẳng thể xen lộn với phi tồn tại. Nó là tuyệt đối bất biến, bất động, bất sanh, bất diệt, vô thủy vô chung, bởi vì giả sử như sự tồn tại mà có bắt đầu thì cái tồn tại ấy nếu không sanh khởi nơi tồn tại ắt cũng phải sanh khởi nơi phi tồn tại. Nếu nói tồn tại sanh khởi nơi tồn tại thì chẳng thể nói có bắt đầu, nếu nói tồn tại sanh khởi nơi phi tồn tại thì thuyết ấy chẳng thông vì cái không có chẳng thể sanh ra cái có (Exnihilo nihilfit)”.

Lời nói trên là tiêu biểu cho tư tưởng của Parmenides. Ông lại nói : “Sự tồn tại chân thật thì chẳng có quá khứ, hiện tại và vị lai, nó là vĩnh viễn chẳng thể phân chia. Theo sự thực, ngoài tồn tại chỉ có phi tồn tại. Sự tồn tại là chẳng động, chẳng loạn, vì vận động và nhiễu loạn đều là hiện tượng biến hóa, có biến hóa thì chẳng phải tồn tại. Tồn tại tuyệt đối kỳ thực tự nó như là nó, tồn tại vĩnh viễn như thế quyết chẳng biến đổi, cái bản chất duy nhất của nó là tồn tại. Tồn tại chẳng thể nói là cái này hay cái kia, chẳng thể nói có tánh chất này hay tánh chất kia, cũng chẳng thể nói ở nơi này hoặc nơi kia, lúc này hoặc lúc kia. Nó chỉ là tồn tại, tồn tại tức Có (Sness)”. (Cái Có này có nghĩa siêu việt số lượng, không nằm trong phạm vi tương đối, nghĩa là chẳng phải đối với không mà nói Có).

Rất tiếc rằng, ông ấy (Parmenides) không biết dùng phương pháp nội chiếu để phá vỡ thành trì bế tắc của Duy-tâm và Duy-vật và để có thể đạt đến chỗ cảnh giới thực tế của tồn tại. Chứng tỏ sự suy lý của ông đứng trên tuyệt đối mà phát huy thì có thể được kết quả giống như Phật Thích-ca và chẳng lọt vào nhị nguyên luận, lại nữa tất cả sự tranh luận về Duy-tâm và Duy-vật của các nhà Triết-học Tây-phương cũng chẳng thể phát sinh. Mặc dù từ xưa nay cả hai Phái đều tôn ông ta làm Thủy-tổ mà cho đến ngày này con cháu của hai Phái vẫn tiếp tục đả kích nhau đến kỳ cùng. Gốc tai họa ấy là do dùng bộ não suy lường vậy.

Cho đến ngày nay, những phương pháp tìm cầu chân lý của các nhà Triết-học Tây-phương nếu chẳng phải dùng Duy-tâm thì cũng dùng Duy-vật. Kỳ thực, duy-tâm và duy-vật chẳng qua là hai đầu của một sự vật, nghĩa là nằm trong phạm vi tương đối, nếu nhờ nó để suy diễn ra chân lý thì lý ấy đương nhiên cũng là tương đối mà thôi. Ông Parmenides chẳng phải không muốn đem Tồn-tại thuyết thành một nguyên lý Nhất-nguyên-luận viên mãn nhưng dù biết có Một mới đúng là khi suy diễn ra, kết quả lại biến thành Hai. Cái sai lầm ấy là do dùng bộ não để phân biệt, suy luận, mà chẳng biết cách dùng bộ não để đập tan 'vô-thủy-vô-minh'. Cách đó chính là pháp Thiền-trực-tiếp truyền thừa từ Phật Thích-ca, cũng gọi là Bồ-đề-đạt-ma thiền và ngày nay gọi là pháp tham Tổ-sư-thiền vậy.

Cũng có nhà Triết-học Tây-Phương họ muốn nghiên cứu về tư tưởng Đông-phương, người đầu tiên chịu ảnh hưởng của Đông-phương là ông Arthur Schopenhauer, mà tiếc rằng ông gặp người Tiểu-thừa. Phái Tiểu-thừa khiến ông thành bi quan yếm thế, khiến ông phủ định dục vọng, ý chí, khái niệm, thế giới v.v.... rốt cuộc chỉ được một chữ “Vô”. Nếu tất cả đã vô thì sự sống đâu còn ý nghĩa gì ? Ông tiếp tục cái khổ-quán (1) của Tiểu-thừa cho rằng dục vọng là nguồn gốc của thống khổ cho nên phải phủ định dục vọng để đạt đến sự yên tịnh hòa bình. Nhưng ông lại biết dục vọng là chẳng thể dứt hẳn, cho nên lọt vào cái hầm sâu bi ai. Rất tiếc ông không gặp người Đại-thừa, nếu ông gặp được thì sẽ cảm thấy đời sống phong phú đầy đủ ý nghĩa, ắt sự thành tựu của ông sẽ vĩ đại hơn.

(1). Khổ Quán : Cho tất cả là khổ.

Tinh nghĩa của Phật-pháp ở nơi Thực-tướng, Thực-hành, Thực-dụng, nhưng học giả Tây-phương lại đặt cái tên gọi là Hư-vô (Buddhistic Nihlism) thực là sai lầm lớn. Ấy là vì học giả Tây-phương chưa rõ được giới hạn Tam-thừa của Phật-pháp mà lại lấy lý Tiểu-thừa cho là toàn bộ tư tưởng của nhà Phật. 

Chúng ta xem nhà Triết-học Arthur Schopenhauer lọt vào tiêu cực thì biết.

Thế nào gọi là tuyệt đối ? Tuyệt-đối tức là Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác. Vì nói Phật-tánh chẳng có gì để so sánh và thí dụ được, như trong Kinh nói : “Ví như Chân-như chẳng thể thí dụ”.

Ông biết được Bản-thể cuối cùng của vũ trụ chăng ?

Ông biết được Thực-tướng của một hạt cát chăng ?

Cũng như ông Newton nói : “Sự hiểu biết của tôi còn không bằng một hạt cát trên bãi biển”. Người ta vì câu nói này mà khâm phục ông là một nhà Khoa-học rất vĩ đại và khiêm tốn. Kỳ thật, ông Newton đã có phần tự hào, tự tin, đánh giá phần tri thức của mình quá cao rồi vậy. Nếu ông ấy chứng nhập Tuyệt-đối thì sẽ biết lời nói trên là sai mà nên nói lại như vầy : “Tôi đối với Thực-tướng của một hạt cát cũng không biết một chút nào cả”.

Bởi vì sự phát minh của tất cả nhà Khoa-học và Triết-học chẳng qua là chân lý tương đối, chân lý có giới hạn, chẳng phải chân lý tuyệt đối cuối cùng và vô hạn. Vì định luật của ông Newton kiến lập đã bị Einstein lật đổ và định luật của Einstein kiến lập sau này cũng có thể bị người khác lật đổ. Cái chân lý mà có thể bị lật đổ thì đâu còn giá trị gì nữa.

Khi con mắt Thần-linh của tuyệt đối nhìn thẳng tất cả chúng sanh thấy mỗi mỗi đều đang đoán mò hoặc cắm cúi dùng kính hiển vi hoặc là dùng tư tưởng suy lường, với tất cả tinh thần siêng năng làm việc, mong phát hiện được một chân lý nào, thì thấy buồn cười rằng : “Dẫu cho các ông vận dụng hết tim óc vẫn chẳng biết một tí gì về ta. Bởi vì các ông dùng tư tưởng cảm giác là tương đối, tương đối chẳng thể biết Tuyệt-đối, cho nên ông là ông, ta là ta, ông muốn nhận thức tất cả trước tiên nên nhận thức ta, nếu không nhận thức ta thì ông chẳng thể nhận thức tất cả. Nhưng chỉ khi nào ông buông bỏ tất cả tìm cầu, buông bỏ tất cả hình thức và danh tự mà dùng tâm hồn trong sạch để nội-chiếu, khi cơ-duyên đến hoát nhiên đại-ngộ (1), khi ấy ông sẽ tự buồn cười rằng : “À, mình vốn là nó.”

(1) Hoát nhiên đại-ngộ : Không qua bộ não lý giải mà Chơn-tâm đột ngột sáng tỏ, tự động hiểu biết đúng như thực tế.

Không-gian và thời-gian là môi trường hoạt động của tất cả nhà Khoa-học và Triết-học cũng là môi trường hoạt động của tất cả vật chất và tinh thần, nếu lìa khỏi không gian và thời gian thì khoa-học với triết-học chẳng thể hoạt động, vật chất và tinh thần cũng không có chỗ để y chỉ và tồn tại. Nhưng không-gian và thời-gian là căn nhà do tư-tưởng & cảm-giác của loài người tự kiến tạo ra, nếu không có tư-tưởng và cảm-giác thì căn nhà này không thể thành lập.

Cho nên tư tưởng cảm giác khi bị phủ định thì không-gian và thời-gian cũng phải bị phủ định, không-gian thời-gian bị phủ định thì tất cả vật chất tinh thần cũng phải bị phủ định, tất cả Khoa-học Triết-học cũng phải bị phủ định. Vậy thì tất cả thế giới vạn vật đều mất hết chỗ đứng chân.

Bởi vì tư tưởng cảm giác là tương đối cho nên không gian thời gian cũng là tương đối, vì không gian thời gian tương đối cho nên vật chất tinh thần cũng là tương đối, Khoa-học Triết-học đều là tương đối. Từ đây suy rộng ra thì tất cả vũ trụ vạn vật đều là tương-đối.

Tương-đối là đối lập nhau, phủ định với nhau, nói tóm lại cả vũ trụ vạn vật đều tự nó phủ định chính nó.

Nhưng khi ông bước vào cảnh giới Tuyệt-đối thì sở thấy của ông sẽ là mênh mông vô biên, vô thủy vô chung, vô cùng vô tận, ấy là tồn tại của Tuyệt-đối. Ngay đó chẳng thể tưởng tượng thế nào gọi là không-gian và thời-gian, thế nào gọi là vật-chất và tinh-thần, nhưng mà những cái trên mỗi mỗi tự an nơi ngôi vị nó, hoàn toàn đầy đủ, vĩnh viễn tồn tại nơi Quốc-độ tuyệt đối.

Ở nơi Quốc-độ tuyệt đối, vật chất và tinh thần là bình đẳng và cộng thể mà cùng nhau tồn tại, chẳng thể phân chia. Ấy là bông hoa đẹp vĩnh viễn tồn tại không bao giờ héo tàn. Ở đất này vĩnh viễn không có Duy-tâm-luận và Duy-vật-luận, vĩnh viễn không có dấu tích của kẻ duy tâm luận và duy vật luận. Họ chẳng thể dẫm chân vào đất này bởi vì cánh cửa của tuyệt đối không bao giờ tư tưởng và cảm giác có thể mở ra.

Đường lối Khoa-học và Triết-học hiện nay chỉ là xu hướng đến chỗ sa mạc hoang vu của tương đối. Con thuyền suy lý và biện chứng hiện đang phiêu lưu nơi biển cả của vô-minh, vĩnh viễn không đến được bờ Tuyệt-đối.

Tư tưởng cảm giác là Hóa-thân của nhất niệm vô minh. (1)

Vô thủy vô minh (2) là hang ổ của nhất niệm vô minh.

(1) Nhất niệm vô minh : Từ nguồn gốc vô niệm của bộ não khởi lên một niệm (suy nghĩ).

(2) Vô thủy vô minh : Nguồn gốc phát sinh ra ý thức phân biệt sai lầm, cũng là chỗ đen tối mịt mù.

Khi nhất niệm vô minh chưa ra đời thì thời gian và không gian chẳng thể bị bộ não cảm biết được, chẳng thể bị tính toán được. Khi nhất niệm vô minh đã sanh khởi thì thời gian bị giả lập rồi, không gian bị tính toán rồi, sinh mạng được thừa nhận rồi, tự ngã bị tham luyến rồi.

Sự bắt đầu của thời gian không gian cũng là bắt đầu của sinh mạng, cũng là bắt đầu của tự ngã, cũng là bắt đầu của vạn sự vạn vật, cũng là bắt đầu của tất cả sự mâu thuẫn, nói tóm lại tức là bắt đầu của cả vũ trụ tương đối.

Khi nhất niệm vô minh im lặng trở về hang ổ vô thủy vô minh thì tự ngã theo đó tiêu diệt, vạn sự vạn vật cũng theo đó tiêu diệt, cả vũ trụ thời gian và không gian cũng theo đó tiêu diệt, tất cả mâu thuẫn cũng theo đó tiêu diệt, chỉ còn lại miếng đất đen tối mênh mông, hoang vu của vô thủy vô minh, cũng là hang ổ của kẻ tương đối.

Vô thủy vô minh giống như một bức màn đen che khuất tất cả thể tướng chân thật, nó là ranh giới giữa tuyệt đối và tương đối, ranh giới ngăn cách giữa chân với giả.

Khi nhất niệm vô minh từ trong bóng tối của màn đen xuất hiện thì tất cả tuồng kịch của thiện ác, thị phi, buồn vui, tan hợp... ngay đó bắt đầu, tất cả mưa gió giông bão bắt đầu, vận mạng biến đổi không chừng cũng bắt đầu, tất cả lịch sử mâu thuẫn xung đột đấu tranh đổ máu đều từ đó bắt đầu cả.

Nhưng, tất cả những điều trên đều là ảo thuật hư vọng, chỉ có Phật Thích-ca nhìn thấu sự thật, dùng bàn tay Bát-nhã (1) của Phật mở ra bức màn đen tối của vô thủy vô minh thì trong khoảnh khắc tất cả tuồng kịch vui buồn của tương đối đều tiêu diệt, tất cả mưa gió giông bão đều yên bình trở lại, Trời đất hoát nhiên sáng tỏ, ngay đó Tuyệt-đối bắt đầu, Chân-ngã (2) tự hiện, ngay trước mắt đều là vũ trụ tuyệt đối, tất cả hoàn toàn đầy đủ chẳng thiếu chẳng dư, cho đến một hạt bụi cũng tự hiện ra hình tướng chân thật.

(1) Bát-nhã : Thể dụng của trí huệ Tự-tánh, không cần qua bộ não tác ý, tự động tùy duyên hiện ra sức dụng.

(2) Chân-ngã : Tức Tự-tánh, cũng gọi là Chân-như Phật-tánh.

Đời sống của Tuyệt-đối là vô cùng phong phú vô cùng an lạc đẹp đẽ chẳng gì so bằng. Ở đây không có sanh tử, không có thiện ác, không có giàu nghèo, không có giai cấp, không có trí ngu, không có thị phi, không có tốt xấu, không có mâu thuẫn, không có tất cả danh tự và hình thức của tương đối. Ở đây chỉ có hoàn toàn bình đẳng vô hạn của tuyệt đối, tự do chân chính, an lạc vô cùng, cuối cùng đến chỗ không sanh không diệt, cũng là vĩnh sanh của tuyệt đối vậy.

Thế giới tuyệt đối này tức là miếng đất trong sạch của Niết-bàn do mười phương chư Phật cùng nhau tán thán. Phật Thích-ca đã dùng bốn chữ :  Thường Lạc Ngã Tịnh để tán thán cảnh đẹp của Niết-bàn này.

Ở đây chẳng sanh chẳng diệt, chẳng phải do sáng tạo mà là bản nhiên, ấy là chữ Thường của tuyệt-đối.

Ở đây vô khổ vô lạc, chẳng có bó buộc và giải thoát, ấy là chữ Lạc của tuyệt-đối.

Ở đây vô ngã, vô nhơn, vô Phật vô chúng sanh, chẳng phải siêu thăng mà là bản trụ, ấy là chữ Ngã của tuyệt-đối.

Ở đây vô cấu vô tịnh, vô tội vô phúc, chẳng cần tu tập mà bổn lai trong sạch, ấy là chữ Tịnh của tuyệt-đối.

Đem tất cả cảnh giới tương đối buông bỏ rồi tức là giải thoát, ấy là phương pháp duy nhất để tiến vào tuyệt đối nên gọi là Pháp-môn 'bất khả tư nghì'. Bất khả tư nghì tức là tuyệt đối Chân-như, nghĩa là chẳng thể dùng tư duy cảm giác để đạt đến, chẳng thể dùng ngữ ngôn văn tự để diễn tả, chỉ do phủ định tương đối mới có thể tiến đến Quốc-độ tự do bình đẳng của tuyệt đối.

Phương pháp của Phật Thích-ca đem tất cả tương đối đều hoàn nguyên trở lại thành tuyệt đối cho nên tất cả đều là nguyên nhân tự kỷ (cội nguồn do mình), ngoài nguyên nhân tự kỷ ra chẳng có nguyên nhân nào khác, cho nên gọi là Vô-dư Niết-bàn (1) cũng gọi là Vô-lậu Giải-thoát (2). Đã chẳng có nguyên nhân nào khác tức là hoàn toàn tự chủ, hoàn toàn tự do bình đẳng, chẳng có giai cấp và xung đột.

(1) Vô-dư Niết-bàn : Niết là không sanh, Bàn là không diệt. Bản thể của Niết-bàn cùng khắp không-gian và thời-gian (Tự-tánh).

(2) Vô lậu giải thoát : Chẳng còn phiền não tập-khí được tự do tự tại.

Cái bản thể của tuyệt đối là 'như như bất động', nếu nó có biến động thì chẳng phải là tuyệt đối, nếu nó có biến động ắt phải có một thứ nguyên nhân nào khác hoặc sức mạnh lay động nó, ấy tức là tương đối rồi, nên chẳng thể được tôn xưng là duy nhất nguyên nhân của tuyệt đối.

Nhà Triết-học Immanuel Kant (1724-1804) nói : “Mỗi mỗi cảm giác vui hoặc buồn chẳng phải do ngoài cảm giác ảnh hưởng mà sanh khởi, là do tình cảm của mỗi cá nhân tự mình sanh ra, vì vậy nên trong khi một người cảm thấy vui mừng thì người khác có thể cảm thấy chán ghét, một người vì ái tình đau khổ, trong khi kẻ tình địch thì cảm thấy sung sướng, cảm tình mỗi mỗi vốn là chẳng đồng là lại mong cầu một thứ cảm giác đồng nhất ấy là đều chẳng thể được, từ đây mà sanh ra tranh biện thực là ngu si. Xem như thế thì trên thế giới đâu có món nào chẳng phải tương đối, có gì là tiêu chuẩn chân chính, cho nên sự an lạc của tương đối đồng thời cũng là đau khổ”.

Nhà Triết-học Friedrich Wilhelm Nietzsche cho là : “Con người mỗi mỗi tự tạo cho mình một cái “Chuồng người”, nếu muốn ra khỏi nó phải làm siêu nhân, nhưng siêu nhân lại biến thành “Chuồng người” nữa, bởi vì có một cái chuồng người giống như ác ma dính sát trên cơ thể con người mà nó chỉ biết đả phá chuồng người bên ngoài mà không chịu trở lại tìm chuồng người nơi bản thân mình để tự phá, cho nên mặc kệ ông chạy trốn đến chân trời góc biển nào đều chẳng thể thoát thân. Muốn tìm cách thoát ra, khôi phục tự do của loài người ấy là công lao của Immanuel Kant”.

Khi ông rõ được tác dụng của nhất niệm vô minh thì ông sẽ biết được tại sao tất cả đều thành “nhị” (tương đối), khi ông rõ được tác dụng tuyệt đối của Phật-tánh thì ông sẽ hiểu được tại sao tất cả đều “bất nhị” (tuyệt đối) nhưng chớ lầm nhận vô thủy vô minh là “cảnh giới bất nhị”, bề mặt nó dù giống “bất nhị” mà có chủng tử “nhị”, khi nhất niệm vô minh từ nó sanh khởi thì tất cả đều thành “nhị” rồi.

Khi tất cả đều thành “nhị” rồi thì sự vật ở ngay trước mặt ông, ông cũng chẳng có cách nào để biết được 'thực-tướng' của nó. Khi tất cả đều “bất nhị” thì sự vật dù ở xa ngoài địa cầu ông cũng được biết hết chẳng thiếu sót. Hiện tại ông biết như thế, quá khứ cũng phải như thế, vị lai cũng phải như thế, vì ông tự mình tức là tuyệt đối, tuyệt đối tức là ông, khi ấy ông đã siêu việt không gian và thời gian rồi.

Phật Thích-ca từng nói “biết hết sự vật trong mười phương tam thế”, nếu ông hiểu rõ đạo lý tuyệt đối thì ông sẽ nhìn nhận lời của Phật Thích-ca rất chính xác. Cái sinh mạng vĩnh viễn không chết, cái chân lý vĩnh viễn không thay đổi, sự chính xác này đâu có gì để so bằng được, đâu có ý nghĩa gì có thể hơn nữa.

Từ xưa đến nay, tất cả nhà Triết-học chưa từng có người nào bước đến cửa tuyệt đối, lại chú ý những việc tương đối như thị phi, thiện ác, quá khứ vị lai, sanh trưởng hủy diệt, quyền lực sinh mạng v.v..., kết quả chẳng có một món nào chẳng bị chìm đắm nơi biển cả tương đối, theo Phật-nhãn (1) mà xem xét ấy là ngu dại đáng thương xót biết bao! Cái hiệu quả của tư tưởng cảm giác chẳng qua là một phê phán điên đảo và trong “mở mắt chiêm bao” (2), do họ hôn mê và hiểu lầm làm cho cả loài người đều lọt vào vận mạng bi thảm.

(1). Phật-nhãn : Dụng của Tự-tánh chiếu soi khắp không gian & thời gian.

(2). Mở mắt chiêm bao : Lúc ngủ chỉ một mình ý thức hoạt động hiện ra cảnh giới chiêm bao, lúc thức thì sáu Thức ( Nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân, ý ) cùng nhau hoạt động mà hiện ra cuộc sống hằng ngày... gọi là 'mở mắt chiêm bao'. Muốn ra khỏi phải tham-thiền đến Kiến-tánh mới được thức tỉnh, còn gọi là Giác-ngộ.

Bởi vì khổ với vui là tương đối chẳng thể phân chia, ví như trên mặt người có thể hiện ra hào quang vui vẻ cũng có thể đắp lên đám mây u sầu bi thảm. 

Hai cái buồn vui liên kết với nhau cho nên ai muốn được an vui tối cao ắt phải chuẩn bị lãnh thọ thống khổ tối cao, trái lại kẻ đã chịu đựng thống khổ nhiều nhất thì có thể cảm giác đến sự an vui nhiều nhất, bởi vì an vui và thống khổ đối đãi lẫn nhau, chẳng có thống khổ thì an vui cũng chẳng thể thành lập.

Kỳ thật, khổ vui đều là hóa thân của nhất niệm vô minh, nhất niệm vô minh ẩn giấu nơi hầm sâu của vô thủy vô minh tức là cái kho tàng bí mật thâm sâu của A-lại-da thức (1). Khi nhất niệm vô minh chạy ra khỏi cửa bí mật đó liền biến thành những thứ tình cảm mừng giận buồn vui mỗi mỗi chẳng đồng chen vào tâm trí của ông để chi phối ông, lúc ấy ông đã thành một người múa rối rồi.

(1) A-lại-da thức là Thức thứ tám (Tàng-thức) chứa tất cả pháp.

Tác giả bài viết: thichdaophat

Nguồn tin: Tông Phong Tàng Thư

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn