21:55 ICT Thứ ba, 23/04/2024

Giới Thiệu

Thiền sư Minh Bổn

Minh Bổn Thiền-sư (1263-1323), phái Thiền Lâm Tế đời thứ 19, họ Tông, người Tiền Đường, mẹ nằm mộng thấy ông già Vô Mông Khai cầm lồng đèn đến nhà, sau đó bà hạ sanh. Ngay khi mới hiểu biết đôi chút, không cần dùng đến tả lót nữa và đã biết ngồi kiết-già. Vừa biết nói là đã ca ngay bài Tán Phật....

Danh mục chính

Liên Kết Trang

HUE NANG
TS NGUYET KHE
TS DUC SON

Trang nhất » Tông Phong Tàng Thư » Ngữ Lục » Lâm Tế Ngữ Lục

Lâm Tế Ngữ Lục - phần III

Thứ sáu - 29/03/2013 20:19 Xem: 1807
Phần 1
Phần 2
Phần 3 (đang xem)
Phần 4
Hỏi : Thế nào là kiến-giải chân chính ? Xin khai-thị lại.

Sư đáp : "Ngươi chỉ cần đối với tất cả, vào phàm vào Thánh, vào nhiễm vào tịnh, vào các Quốc-độ chư Phật, vào lầu các Di-lặc, vào thế giới Tỳ-lô-giá-na, chỗ chỗ đều hiện Quốc-độ thành, trụ, hoại, không. Phật ra đời chuyển Đại-pháp-luân vào Vô-dư Niết-bàn, chẳng thấy có tướng mạo khứ lai, cầu việc sanh tử trọn chẳng thể đắc, liền vào Pháp-giới vô-sanh, dạo qua các Quốc-độ nơi nơi, vào thế giới Hoa-tạng, thấy hết các pháp toàn chân đều là Thực-tướng. Chỉ có Đạo-nhân vô-y (Tự-tánh) đang nghe Pháp là mẹ của chư Phật, bởi vì chư Phật đều từ vô-y sanh. Nếu ngộ được hai chữ vô-y (không chỗ nương), Phật cũng vô đắc. Nếu thấy được như thế, tức là kiến-giải chân chính. Học-nhân không hiểu, chấp danh cú, bị danh phàm Thánh chướng ngại. Do đó chướng ngại Đạo-nhãn của họ, chẳng được sáng tỏ. Thực ra mười hai phần Giáo nói ra đều chỉ là hiển bày lẽ này, kẻ học không lãnh hội được bèn hướng vào danh cú mà vọng sanh kiến-giải, ấy đều là có y có dựa, lọt vào nhân quả chưa ra khỏi sanh tử luân hồi trong Tam-giới.

Các ngươi, nếu muốn đi ở tự do trong sanh tử, thì phải nhận thức người đang nghe Pháp đây, vốn là vô hình, vô tướng, vô căn, vô bản, không trụ xứ, mà hoạt bát rõ ràng, ứng dụng muôn thứ, chỗ dùng chỉ là không có chỗ (vô sở trụ).

Nếu kẻ muốn tìm thì lại càng xa, muốn cầu thì lại càng sai; nên có hiệu là Bí-mật. Các ông chớ nhận lấy kẻ bạn mộng huyễn (ý nói thân ngũ Uẩn) trong khoảng sát-na sẽ trở về vô thường. Các ông đến trong thế giới này tìm vật gì làm giải thoát ? Tìm lấy một chén cơm mà ăn, một manh áo mà mặc. Chớ nên uổng qua thời giờ, đuổi theo sự vui thích mà uổng phí một đời, ngày giờ đáng tiếc, niệm niệm vô thường, nếu thô (lớn) thì bị bốn thứ đất, nước, gió, lửa bức bách, nếu tế (nhỏ) thì bị sanh, trụ, dị, diệt (bốn tướng) bức bách; đến khi nào mới xong ?".

Các ông ! Thời nay cần phải nhận biết bốn thứ cảnh vô tướng, mới khỏi bị cảnh lôi kéo.

Hỏi : Thế nào là bốn thứ cảnh vô tướng ?

Sư đáp :

Các ngươi một niệm tâm ái bị nước nhấn chìm.

Các ngươi một niệm tâm sân bị lửa đốt cháy.

Các ngươi một niệm tâm nghi bị đất làm ngại.

Các ngươi một niệm tâm hỷ bị gió thổi bay.

Nếu thấu hiểu được như thế thì chẳng bị cảnh chuyển. Nơi nơi dùng được cảnh, nổi bên Ðông lặn đằng Tây, nổi bên Nam lặn đàng Bắc, nổi ở giữa lặn ở biên, nổi ở biên lặn ở giữa, đi trên nước như đi trên đất, đi trên đất như đi trên nước. Tại sao được như vậy ? Vì đã thấu đạt tứ Đại như mộng huyễn.

Các ngươi hiện nay đang nghe Pháp đó, chẳng phải tứ Đại của các ngươi, chính cái đó hay dùng được tứ Đại, mà không bị tứ Đại dùng. Nếu thấy được như vậy là đi ở tự do. Chỗ thấy của Sơn-tăng là cái pháp không thể chê. Nếu ngươi ghét phàm yêu Thánh thì bị cảnh Thánh phàm buộc.

Có một số học-nhân lên núi Ngũ Ðài cầu gặp Văn-thù đã là sai lầm rồi vậy. Trên Ngũ Ðài không có Văn-thù.

Các ngươi muốn biết Văn-thù chăng ? Chỉ là chỗ dùng trước mắt của các ngươi, xưa nay chẳng khác, mọi nơi chẳng ngại, cái ấy là Văn-thù sống. Các ngươi một niệm tâm sáng suốt không sai biệt, nơi nơi thảy là Phổ-hiền. Các ngươi một niệm tâm tự tại, tùy chỗ giải thoát ấy là Quán-thế-âm. Ba pháp thay phiên nhau làm chủ - bạn, hiển thì nhứt thời hiển, ẩn thì nhứt thời ẩn, một tức ba, ba tức một.

Hiểu được như thế mới có thể xem Kinh-giáo. Ðại Thiện-tri-thức mới dám báng Phật báng Tổ, mới dám thị phi Thiên-hạ, bài xích Tam-tạng Giáo-điển, chưởi mắng nơi nơi như mắng tiểu nhi. Hướng trong cảnh nghịch thuận mà tìm người, nên nói ta ở trong mười hai năm (thập nhị nhân duyên) tìm một nghiệp tánh nhỏ như hạt cải cũng chẳng thể được. Nếu như kẻ bị xưng là "Thiền-sư cô dâu mới" thì phải sợ bị đuổi ra khỏi Thiền-viện hay bị phạt không cho ăn cơm, suốt ngày không yên ổn. Các bậc tiền bối xưa đến nơi nào cũng bị người không tin đuổi ra, vậy mới biết ấy là quý. Nếu đến chỗ nào đều có người tin thì kham làm cái gì ? Nên nói Sư-tử rống lên một tiếng thì con chó Sói bể đầu bể óc".

*****

Các ông ! Các nơi đều nói có Đạo để tu, có Pháp để chứng, ngươi nói thử xem chứng Pháp nào ? tu Đạo nào ?

Nay chỗ dụng của ngươi có thiếu vật gì, tu bổ chỗ nào, kẻ Tiểu-sư hậu học không hội được, lại đi tin bọn Dã-hồ-tinh, bọn chúng thuyết những việc trói buộc người khác, họ nói rằng : "Lý-hạnh tương ưng, hộ nhiếp tam nghiệp (nói và làm phù hợp với nhau thì giữ được thân, khẩu, ý chẳng tạo nghiệp) mới được thành Phật". Kẻ thuyết như thế nhiều như mưa phùn mùa xuân.

Người xưa có nói :

Giữa đường gặp người thông đạt Đạo

Tốt nhất chớ nên hướng vào Đạo.

Cho nên nói :

Nếu người tu Đạo, Đạo chẳng hành

Muôn thứ cảnh tà giành nhau sanh,

Kiếm Trí-huệ ra, không một vật

Bên sáng chưa hiện, bên tối sáng.

Cho nên người xưa nói : "Tâm bình thường là Đạo".

Các Ðại-đức, còn muốn tìm vật gì, kẻ Đạo-nhân vô y trước mắt hiện đang nghe Pháp đó phân minh rõ ràng chưa từng thiếu sót cái gì. Nếu ngươi muốn so bằng Tổ bằng Phật, chỉ cần thấy như vậy, chẳng còn nghi ngờ, Tâm-tâm chẳng khác của ngươi gọi là Tổ sống. Tâm nếu có khác thì tánh tướng khác, vì tâm chẳng khác nên tánh tướng chẳng khác.

Hỏi : "Thế nào là chỗ Tâm-tâm chẳng khác ?"

Sư đáp : "Ngươi muốn hỏi đã là khác rồi vậy, tánh tướng đã phân biệt khác nhau. Các ông chớ hiểu lầm, các pháp thế gian và xuất thế gian đều chẳng tự tánh cũng chẳng sanh tánh, chỉ có không danh mà danh-tự cũng không. Ngươi cứ nhận lầm cho rằng cái tên gọi là thật có, ấy là sai lầm lớn rồi đó. Giả sử là có, đều chỉ là cái cảnh y biến có, như : Bồ-đề y, Niết-bàn y, giải thoát y, tam thân y, cảnh trí y, Bồ-tát y, Phật y... Ngươi cứ hướng vào trong Quốc-độ y biến, tìm vật gì ? Cho đến Tam-thừa mười hai phần Giáo đều chỉ là giấy lau chùi những bất tịnh. Phật là huyễn hóa thân, Tổ là Tỳ-kheo già, ngươi còn là kẻ có mẹ sanh mình chăng ? Ngươi nếu cầu Phật thì bị Ma-phật nhiếp. Ngươi nếu cầu Tổ thì bị Ma-tổ buộc. Ngươi nếu có cầu đều là khổ não, chẳng bằng vô sự thì tốt.

Có bọn Tỳ-kheo trọc đầu nói với người học Đạo rằng : "Phật là cứu cánh, trải qua ba A-tăng-kỳ kiếp tu hành viên mãn mới thành Đạo quả". Các ông nếu nói Phật là cứu cánh vì sao mà tám mươi năm sau, lại đến rừng Sa-la Song Thọ nằm ngang mà chết đi ? Nay Phật ở chỗ nào ? Thế thì biết rõ sanh tử của Phật so với sanh tử của ta cũng chẳng khác. Ngươi nói nếu ba mươi hai tướng tốt, tám mươi thứ vẻ đẹp là Phật, vậy Chuyển-luân Thánh-vương cũng phải là Phật, vì Chuyển-luân Thánh-vương cũng có ba mươi hai tướng tốt vậy, nên biết tất cả chỉ là huyễn hóa.

Người xưa có bài Kệ rằng :

Ðức Phật hiện Thân-tướng

Vì thuận tình thế gian

E người sanh đoạn kiến

Phương-tiện lập giả danh

Giả nói có ba hai

Tám mươi cũng vẫn không

Có thân phi Giác-thể

Không-tướng là hình chân.

Ngươi nói Phật có lục Thông là bất khả tư nghì. Vậy tất cả chư Thiên, Thần-tiên, A-tu-la, Đại-lực-quỷ cũng có thần thông phải là Phật chăng ?

Các ông chớ sai lầm, cũng như A-tu-la cùng Ðế-thích đánh nhau, bị thua rồi lãnh 84 ngàn quyến thuộc giấu trong lỗ củ sen, thế là Thánh chăng ? Những việc kể của Sơn-tăng đều là nghiệp thông, y thông. Cái lục Thông của Phật thì chẳng phải vậy. Nghĩa là : Vào Sắc-giới chẳng bị sắc mê hoặc, vào Thanh-giới chẳng bị thanh mê hoặc, vào Hương-giới chẳng bị hương mê hoặc, vào Vị-giới chẳng bị vị mê hoặc, vào Xúc-giới chẳng bị xúc chạm mê hoặc, vào Pháp-giới chẳng bị pháp mê hoặc. Cho nên nói thấu đạt sáu thứ : Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp đều là Tướng-không, chẳng bị trói buộc, ấy là Đạo-nhân vô-y. Dù mang thân xác ngũ Uẩn cũng là Địa hành thần thông.

Các ông phải biết : Chơn-phật vô hình, Chơn-pháp vô tướng. Các ông cứ muốn ở trên đầu huyễn hóa, làm dáng làm điệu, đủ thứ mong cầu, dẫu cho cầu được cũng là Dã-hồ-tinh, chẳng phải là chân Phật, đều thuộc kiến giải Ngoại-đạo. Nếu là người chân học đạo thì chẳng lấy Phật, lấy Bồ-tát, La-hán, chẳng lấy thù thắng của Tam-giới, thản nhiên độc thoát, chẳng bị Tâm - cảnh giựt trói, dù Trời-đất đảo lộn ta cũng không nghi, mười phương chư Phật hiện tiền cũng không có một niệm tâm vui mừng, Địa-ngục tam đồ bỗng hiện cũng không nổi một niệm sợ hãi; tại sao như thế ? Tại ta thấy chư Phật tướng Không, biến hóa thì có, chẳng biến hóa thì Không.

Tam-giới duy Tâm, vạn pháp duy Thức, nên nói như mộng huyễn, như hoa đốm trên không, cần gì phí sức nắm bắt. Thực ra chỉ có các ông là người hiện nay đang nghe Pháp ngay trước mắt đây, vào lửa chẳng thiêu, vào nước chẳng chìm, vào Địa-ngục tam đồ như đi dạo vườn hoa, vào Ngạ-quỷ súc sinh mà chẳng thọ ác báo. Tại sao như thế ? Theo cái pháp không có chỗ chê này thì :

Nếu ngươi yêu Thánh ghét phàm

Chìm nổi trong biển sanh tử

Phiền não do tâm mới có

Không tâm phiền não ở đâu ?

Chẳng nhọc phân biệt lấy bỏ

Tự nhiên ngay đó Đạo thành.

Các ông cứ muốn đuổi theo nhà này nhà nọ, gắng sức mà cầu học. Dẫu cho học được trong ba A-tăng-kỳ kiếp, rốt cuộc lọt vào sanh tử, chẳng bằng vô sự, hướng vào góc sàn trong Tùng-lâm xếp bằng mà ngồi.

*****

Các ông muốn được đúng như Pháp, cần phải có lòng tin vững chắc, chớ nên sanh tâm nghi ngờ. Bản-thể của Chân-tâm phóng thì trùm khắp Pháp-giới, mà thu thì tơ hào chẳng lập, sáng tỏ chiếu soi rõ ràng chưa từng thiếu sót, mắt không thấy, tai không nghe gọi là việc gì ? người xưa nói rằng : "Nói tựa như một vật thì không đúng". Các ông hãy tự xem còn có cái gì để nói nữa. Mỗi mỗi tự dụng công phu đi ! Trân trọng !

*****

Các ông nên tin rằng chỗ dụng trước mắt của các ông với Tổ, với Phật chẳng khác. Chỉ vì không tin bèn hướng ngoại tìm cầu. Chớ nên sai lầm, hướng ngoại chẳng có pháp, hướng nội cũng bất khả đắc. Các ông muốn lấy lời nói trong miệng của Sơn-tăng, không bằng thôi nghỉ chớ tạo nghiệp, hãy làm người vô sự đi !

Nếu niệm đã khởi chớ nên tiếp tục, nếu niệm chưa khởi đừng cho sanh khởi. Làm được như thế thì hơn đi hành cước mười năm. Ðừng để bất cứ nội ngoại vật nào trói buộc, gặp chướng ngại nào cứ đạp bỏ : Gặp Phật giết Phật, gặp Tổ giết Tổ, cho đến gặp gì cũng giết cả. Ðó là con đường duy nhất để đi đến giải thoát (chữ "Giết" ở đây là ám chỉ giết cái tâm chấp trước của chúng sanh, nên gặp gì giết nấy để khỏi bị tâm và cảnh dính mắc, cũng là cái nghĩa vô-sở-trụ vậy.).

Các ông nên biết, chỗ một niệm tâm thôi nghỉ của ông gọi là cây Bồ-đề. Chỗ một niệm tâm không thể thôi nghỉ gọi là cây vô-minh. Vô-minh chẳng có trụ xứ, vô minh chẳng có thủy chung, nếu tâm của ngươi niệm niệm thôi nghỉ chẳng được thì leo lên cây vô minh, đi vào tứ sinh lục đạo mang lông đội sừng. Nếu ngươi thôi nghỉ được, tức là Thanh-tịnh Pháp-thân. Nếu ngươi một niệm chẳng sanh thì leo lên cây Bồ-đề, vận thần thông trong Tam-giới, biến hóa thân tự tại.  

Có một bọn mù trọc đầu ăn cơm no rồi ngồi thiền Quán-hạnh, chụp bắt niệm lậu không cho sanh khởi, tránh ồn ào, cầu tĩnh lặng; ấy là pháp Ngoại-đạo. Tổ-sư nói : Nếu ngươi trụ tâm khán tịnh, cử tâm ngoại chiếu, nhiếp tâm nội trừng (trong lặng), ngưng tâm nhập định ; bọn người như thế đều là tạo tác. Người hiện nay đang nghe Pháp này làm sao muốn tu nó, chứng nó, trang nghiêm nó. Nó vốn chẳng phải vật để cho tu, chẳng phải vật để trang nghiêm được. Nếu bảo nó trang nghiêm ông được, thì tất cả vật đều được trang nghiêm.

Sơn-tăng nói hướng ngoại chẳng có pháp, Học-nhân không lãnh hội được bèn cho là hướng trong, rồi liền dựa vách ngồi trạm-nhiên chẳng động; chấp lấy cái này là Phật-pháp của Tổ-môn, thực là sai lầm lớn. Nếu ngươi chấp lấy cảnh thanh tịnh bất động là đúng. Vậy tức là ngươi nhận cái vô-minh làm Chúa-tể.

Người xưa nói chỗ hầm sâu đen tối mịt mù thật đáng ghê sợ là lý này vậy. Nếu ngươi nhận cái động là phải, thì tất cả cỏ cây cũng đều biết động, cũng nên gọi là Đạo chăng ? Thực ra kẻ động là Phong-đại, bất động là Địa-đại. Ðộng với bất động chẳng có tự tánh. Nếu ngươi hướng vào chỗ động mà nắm bắt nó thì nó hướng vào chỗ bất động đứng. Nếu ngươi hướng vào chỗ bất động bắt nó thì nó lại hướng nơi chỗ động đứng. Ví như con cá ẩn trong suối nhảy ngược dòng.

Các Ðại-đức ! Động với bất động là hai thứ cảnh, còn Đạo-nhân vô y thì động cũng dùng, bất động cũng dùng.

=> Phần 4

Tác giả bài viết: Liễu Phàm

Nguồn tin: Tông Phong Tàng Thư

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn