20:06 ICT Thứ sáu, 29/03/2024

Giới Thiệu

Thiền sư Bác sơn

Hòa-thượng Bác Sơn (1575-1630), họ Sa, tên Đại Hy, tự là Vô Dị, người đời thường gọi là Ngài là Thiền-sư Vô Dị. Sư năm 16 tuổi phát chí xuất gia, đến chùa Ngõa Quan ở Kim Lăng nghe giảng kinh Pháp Hoa, cảm khái than : “Cầu điều đó ngay nơi mình, há có thể đuổi theo câu văn mà được ư ?” Sư bèn bỏ đi...

Danh mục chính

Liên Kết Trang

TS NGUYET KHE
HUE NANG
TS DUC SON

Trang nhất » Tông Phong Tàng Thư » Kinh » Kinh Viên Giác

Kinh Viên Giác - quyển 4

Chủ nhật - 07/04/2013 12:41 Xem: 1506

Khi ấy Thanh-tịnh-huệ Bồ-tát ở trong Đại-chúng từ chỗ ngồi đứng dậy, đi nhiễu quanh Phật ba vòng, đảnh lễ chân phật, chấp tay quỳ gối bạch Phật rằng :

- Đại bi Thế-tôn ! Vì chúng con giảng rõ Pháp bất tư nghì như thế, vốn là việc chưa từng thấy nghe, nay chúng con nhờ Phật dạy dỗ khéo léo, được lợi ích lớn, cảm thấy thân tâm thư thái. Xin Phật vì tất cả Pháp-chúng ở đây giảng lại Giác-tánh viên mãn của Pháp-vương, những sở chứng sở đắc của tất cả chúng sanh, Bồ-tát và Như-lai sai biệt như thế nào, khiến chúng sanh đời Mạt-pháp nghe Thánh-giáo này, tùy thuận căn cơ tu theo thứ lớp mà được khai ngộ".

Ngài Thanh-tịnh-huệ Bồ-tát nói xong, năm vóc gieo sát đất, đảnh lễ thưa thỉnh ba lần như vậy.

Bấy giờ Phật bảo Thanh-tịnh-huệ Bồ-tát rằng :

- Lành thay ! Lành thay ! Thiện-nam-tử ! Ngươi khéo vì các Bồ-tát và chúng sanh đời Mạt-pháp hỏi Như-lai về pháp tu hành theo thứ lớp và sai biệt. Nay ngươi hãy lắng nghe, Ta sẽ vì ngươi mà thuyết.

Lúc ấy Thanh-tịnh-huệ Bồ-tát và Đại-chúng hoan hỷ vâng lời Phật dạy, im lặng mà nghe.

- Thiện-nam-tử ! Tự-tánh của Viên-giác vô-sở-trụ (Phi tánh tánh hữu), chẳng trụ nơi Có và Không, chỉ tùy theo tánh nhân duyên sanh khởi, chẳng thủ chẳng chứng. Ở trong Thật-tướng, thật chẳng có Bồ-tát và những chúng sanh. Tại sao ? Vì Bồ-tát chúng sanh đều là huyễn-hoá, nếu huyễn-hoá diệt thì chẳng có kẻ thủ chứng. Ví như nhãn-căn chẳng tự thấy nhãn, Pháp-tánh vốn bình đẳng mà chẳng có kẻ bình đẳng.

Lược giải : Tự-tánh của Viên-giác vô-sở-trụ (phi tánh tánh hữu) : Nói "phi Tánh" vì chẳng chấp Tự-tánh là thật, tức là chẳng trụ nơi có; nói "Tánh hữu" vì Thánh phàm đều sẵn đầy đủ tức là chẳng trụ nơi không.

Chúng sanh mê muội, chưa thể diệt trừ tất cả huyễn hoá, lúc đang dụng công diệt trừ, muốn diệt mà chưa diệt thì hiện ra sai biệt. Nếu được tùy thuận Bản-tánh tịch diệt của Như-lai, rốt cuộc chẳng có sự tịch diệt và kẻ tịch diệt.

Thiện-nam-tử ! Tất cả chúng sanh tử vô thỉ đến nay, do mê Giác-tánh thành vọng tưởng, chấp nhân ngũ Uẩn là ngã, và ngã-kiến kiên cố, thành kẻ ái luyến ngã mà chẳng tự biết vọng tâm niệm niệm sanh diệt, chìm đắm ngũ dục nên sanh khởi lòng yêu ghét.

Nếu gặp thầy bạn tu Chánh-pháp giáo hoá, khiến cho khai ngộ Giác-tánh trong sạch tròn đầy, được thấu rõ nguồn gốc của sự sanh diệt mới biết sanh này vốn vô sanh thì tâm trần lao cũng là Tự-tánh vậy.

Lại nếu có người dứt hẳn trần lao, được Pháp-giới trong sạch, ngay cái kiến giải trong sạch ấy tự làm chướng ngại cho mình, nên ở nơi Viên Giác chẳng được tự tại, đây gọi là tùy thuận Giác-tánh của phàm phu.

Thiện-nam-tử ! Tất cả Bồ-tát do kiến-giác chiếu soi, biết kiến-giải là chướng ngại, dù đoạn được chướng ngại của kiến-giải (sở chiếu) nhưng kiến-giác (năng chiếu) vẫn còn, trụ nơi kiến-giác cũng thành chướng ngại mà chẳng thể tự tại, đây gọi là tùy thuận Giác-tánh của những Bồ-tát chưa vào Sơ-địa.

Thiện-nam-tử ! Có chiếu soi có kiến-giác đều gọi là chướng ngại, cho nên Thường-giác của Bồ-tát chẳng trụ năng sở, năng chiếu và sở chiếu đồng thời tịch diệt. Ví như có người tự chặt đầu mình, khi đầu đã chặt đứt thì chẳng còn kẻ năng chặt. Vậy dùng tâm chướng ngại tự diệt các chướng ngại, nếu chướng ngại đã đoạn diệt thì chẳng có kẻ năng diệt chướng ngại.

Kinh-liễu-nghĩa của Phật như ngón tay chỉ mặt Trăng, nếu thấy được mặt Trăng thì biết ngón tay chẳng phải mặt trăng, đủ thứ ngôn thuyết của tất cả Như-lai để khai-thị cho Bồ-tát cũng là như thế, đây gọi là tùy thuận Giác-tánh của những Bồ-tát đã vào Sơ-địa.

Thiện-nam-tử ! Tất cả chướng ngại cũng là Cứu-cánh-giác, đắc niệm thất niệm đều là giải-thoát; pháp thành tựu, pháp phá hoại đều gọi là Niết-bàn; Trí-huệ, ngu si cùng là Bát-nhã, pháp thành tựu của Bồ-tát và Ngoại-đạo đồng là Bồ-đề; vô-minh với Chơn-như cảnh giới chẳng khác, những giới định huệ và tham sân si đều là Thanh-tịnh-hạnh, cõi chúng sanh và cõi Phật đồng một Pháp-tánh, Địa-ngục & Thiên-cung đều là Tịnh-độ, hữu tánh & vô tánh cùng nhau thành Phật, tất cả phiền não tức giải-thoát. Dùng Trí-huệ biển giác chiếu soi các tướng trong Pháp-giới đều như hư không bình đẳng bất nhị, đây gọi là tùy thuận Giác-tánh của Như-lai.

Thiện-nam-tử ! Những Bồ-tát và chúng sanh đời Mạt-pháp phải an trụ tâm như thế này : Bất cứ lúc nào chẳng khởi vọng niệm, đối với vọng tâm cũng chẳng dừng nghỉ và diệt trừ, nơi cảnh vọng tưởng không cho liễu tri, đối với sự không liễu tri cũng chẳng phân biệt là thật không liễu tri.

Lược giải : Bất cứ lúc nào chẳng khởi vọng niệm tức là vô niệm; đối với vọng tâm cũng chẳng dừng nghỉ và diệt trừ tức là chẳng diệt vọng; nơi cảnh vọng tưởng không cho liễu tri tức là chẳng cho chấp thật có vọng; đối với sự không liễu tri cũng chẳng phân biệt là thật không liễu tri tức là chẳng cho chấp thật không có vọng. Tu theo như vậy tức là giữ được chánh niệm cũng gọi là an trụ tâm vậy.

Nếu những chúng sanh đối với Pháp-môn khó tin khó hiểu khó trì (khó thực hành) này, nghe rồi mà chẳng sanh tâm kinh ngạc và khiếp sợ, ấy gọi là tùy thuận Giác-tánh. Thiện-nam-tử ! Các ngươi nên biết, những chúng sanh này đã từng cúng dường trăm ngàn muôn ức Hằng-sa chư Phật và Đại-bồ-tát, gieo trồng nhiều phước đức thiện căn, nên Phật nói người ấy gọi là thành tựu Nhất-thiết-chủng-trí quyết định sẽ thành Phật.

Lúc ấy Thế-tôn muốn giảng lại nghĩa này mà thuyết Kệ rằng :

Thanh-tịnh-huệ nên biết,

Tánh Bồ-đề viên mãn.

Chẳng thủ cũng chẳng chứng,

Chẳng Bồ-tát chúng sanh.

Khi muốn giác chưa Giác,

Có thứ lớp sai biệt.

Chúng sanh bị giải (kiến giải) chướng,

Bồ-tát chưa lìa giác.

Vào Thập-địa tịch diệt,

Chẳng trụ tất cả tướng.

Đại-giác đều viên mãn,

Gọi tùy thuận cùng khắp.

Chúng sanh đời Mạt-pháp,

Tâm chẳng sanh hư vọng.

Phật nói người như thế,

Hiện đời tức Bồ-tát.

Cúng dường Hằng-sa Phật,

Công đức đã đầy đủ.

Dù có nhiều phương tiện,

Đều gọi tùy thuận Trí (Giác-tánh).

Khi ấy Oai-đức-tự-tại Bồ-tát ở trong Đại-chúng từ chỗ ngồi đứng dậy, đi nhiễu quanh Phật ba vòng, đảnh lễ chân phật, chấp tay quỳ gối bạch Phật rằng :

Đại bi Thế-tôn ! Đã vì chúng con giảng rõ tùy thuận Giác-tánh như thế, khiến cho những Bồ-tát nghe lời Phật dạy Giác-tâm sáng tỏ, chẳng nhờ tu tập mà được lợi ích lớn. Bạch Thế-tôn ! Ví như thành phố lớn có bốn cửa thành, người vào thành từ mọi phương đến chẳng đi cùng một đường, tất cả Bồ-tát trang nghiêm cõi Phật và thành quả Bồ-đề cũng chẳng thực hành theo một phương-tiện duy nhất. Xin Thế-tôn vì chúng con giảng rõ tất cả phương-tiện thứ lớp và người tu hành gồm có mấy loại ? Khiến Bồ-tát trong Hội và chúng sanh đời Mạt-pháp, kẻ cầu Đại-thừa mau được khai ngộ, vào biển Đại-tịch-diệt của Như-lai.

Ngài Oai-đức-tự-tại Bồ-tát nói xong, năm vóc gieo sát đất, đảnh lễ thưa thỉnh ba lần như vậy.

Bấy giờ Phật bảo Oai-đức-tự-tại Bồ-tát rằng :

- Lành thay ! Lành thay ! Thiện-nam-tử ! Ngươi khéo vì các Bồ-tát và chúng sanh đời Mạt-pháp, hỏi Như-lai về những phương tiện như thế, nay ngươi hãy lắng nghe, Ta sẽ vì ngươi mà thuyết.

Khi ấy Oai-đức-tự-tại Bồ-tát và Đại-chúng hoan hỷ vâng lời Phật dạy, im lặng mà nghe.

- Thiện-nam-tử ! Vô-thượng Diệu-giác cùng khắp mười phương không-gian và thời-gian, sanh ra Như-lai và tất cả pháp, bản thể đồng nhau, bình đẳng bất nhị, nên những người tu hành thật chẳng có hai. Nếu tùy thuận phương-tiện thì số ấy vô lượng, nay qui nạp lại, theo các tánh sai biệt phải có ba thứ.

1. Thiện-nam-tử ! Nếu các Bồ-tát ngộ biết Viên-giác vốn trong sạch, dùng Giác-tâm trong sạch ấy phát khởi quán-chiếu, lấy tịnh làm hạnh quán tâm thể chẳng động. Do lắng lặng các niệm, vọng tưởng ngừng nghỉ thì thấy tướng tập-khí sanh diệt trong Thức thứ tám, quán lâu thì tịnh huệ sanh khởi, bỗng thấy khách trần lăng xăng của thân tâm từ nay diệt hẳn, trong tâm liền cảm thấy tịch tịnh khinh an. Vì tâm được tịch tịnh nên thấy tâm của Như-lai trong mười phương thế giới đều hiển hiện trong đó như hình tượng hiện trong gương, phương tiện này gọi là Thiền-quán Sa-ma-tha.

2. Thiện-nam-tử ! Nếu các Bồ-tát ngộ biết Viên-giác vốn trong sạch, dùng Giác-tâm trong sạch ấy phát khởi quán chiếu, biết tánh của Giác-tâm và Căn-trần đều do huyễn hoá mà sanh khởi các huyễn, nay dùng huyễn-trí (thỉ giác) diệt trừ kẻ huyễn (vô minh), thì hiện thân biến hoá như huyễn, khai phá vô-minh để độ chúng huyễn. Do huyễn thân hoá độ chúng sanh mà chẳng chấp tướng chúng sanh nên trong tâm cảm thấy đại bi khinh an. Tất cả Bồ-tát từ đây khởi hạnh theo thứ lớp tiến lên, cái huyễn của trí năng quán kia chẳng đồng với cái huyễn của cảnh sở quán. Trí-năng-quán tuy chẳng đồng với cảnh-sở-quán, nhưng cũng là huyễn, vì sở diệt mà năng còn; nếu chấp năng-quán vẫn chưa lìa huyễn, vì năng-quán & sở-quán đều là huyễn, chẳng đồng với kẻ chấp thật có người để lìa hai thứ huyễn (năng sở). Sở-quán đã diệt thì năng-quán cũng tiêu, cảnh & trí đều tuyệt, vậy mới được lìa hẳn tướng huyễn.

Những Bồ-tát này tu theo Chánh-hạnh kể trên thì được Diệu-hạnh viên mãn, cũng như mầm Chơn-như trưởng thành nơi đất Pháp-thân. Phương-tiện này gọi là Thiền-quán Tam-ma-bát-đề.

3. Thiện-nam-tử ! Nếu các Bồ-tát ngộ biết Viên-giác vốn trong sạch, dùng Giác-tâm trong sạch ấy phát khởi quán-chiếu, chẳng chấp huyễn hoá và tướng tịnh, liễu tri thân tâm đều là chướng ngại, nay chẳng chấp Giác-minh (giác minh là cội gốc của vô minh) chẳng kẻ chướng ngại, thì được diệt hẳn cảnh ngại và vô ngại. Sự thọ dụng tâm & thế giới là tướng phiền não, Niết-bàn ở nơi phiền não của cõi trần cũng như âm thanh ở nơi chuông trống, chuông trống dù nhỏ hẹp, nhưng âm thanh vượt ra ngoài xa, chẳng bị khuôn khổ của chuông trống chướng ngại. Như thế Niết-bàn vượt ra ngoài tướng phiền não, cùng khắp Pháp-giới, cũng chẳng bị phiền não chướng ngại vậy. Tu theo Thiền-quán kể trên thì trong tâm được tịch diệt khinh an, tùy thuận cảnh giới tịch-diệt của Diệu-giác thì thấy bốn tướng ngã (tự), nhơn (tha), chúng sanh, thọ mạng đều là vọng tưởng trôi nổi, tất cả thân tâm đều chẳng thể đến chỗ Diệu-giác. Phương-tiện này gọi là Thiền-na.

- Thiện-nam-tử ! Ba thứ Pháp-môn này đều là Viên-giác, vì mười phương Như-lai tu hành nơi nhân địa được thân cận tùy thuộc ba môn này, nên do đó thành Phật.

Đủ thứ phương-tiện và tất cả đồng dị của mười phương Bồ-tát đều tu hành theo ba thứ Pháp-môn kể trên mà viên mãn chứng nhập, thành quả Viên-giác.

Thiện-nam-tử ! Giả sử có người tu hành Thánh-đạo, giáo hoá chúng sanh, thành tựu trăm ngàn muôn ức quả A-la-hán và Bích-chi-phật, chẳng bằng người nghe Pháp-môn vô ngại của Viên-giác này mà tùy thuận tu tập trong một sát-na (Pháp-môn Viên-giác là Chánh-nhân thành Phật, nên hơn quả nhiều quả chứng của Nhị-thừa).

Lúc ấy Thế-tôn muốn giảng lại nghĩa này mà thuyết Kệ rằng :

Oai-đức ngươi nên biết,

Vô-thượng Đại-giác-tâm.

Bản-thể vốn bất-nhị.

Nếu tùy thuận phương-tiện,

Thì số ấy vô lượng.

Như-lai qui nạp lại,

Thành có ba Pháp-môn.

Sa-ma-tha tịch tịnh,

Như gương soi các tướng.

Tam-ma-đề huyễn hoá,

Như mầm tăng trưởng dần.

Thiền-na tướng tịch diệt,

Như tiếng trong chuông trống.

Ba thứ diệu Pháp-môn,

Đều tùy thuận Viên-giác.

Mười phương chư Như-lai,

Và các Đại-bồ-tát,

Do đó được thành Đạo.

Ba môn chứng rốt ráo,

Gọi cứu cánh Niết-bàn.


Mời xem tiếp =>  Quyển 1Quyển 2Quyển 3Quyển 4Quyển 5Quyển 6

Tác giả bài viết: Liễu Phàm

Nguồn tin: Tông Phong Tàng Thư

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn