05:53 ICT Thứ sáu, 29/03/2024

Trang nhất » Tông Phong Tàng Thư » Kinh » Kinh Lăng Nghiêm

Kinh Lăng Nghiêm - Quyển 6

Chủ nhật - 07/04/2013 01:42 Xem: 1521
phần đầu
49. Ba Mươi Hai Ứng Thân.

Lúc bấy giờ, Quán-thế-âm Bồ-tát liền đứng dậy, đảnh lễ bạch Phật :

- Con nhớ khi xưa, từ vô số Hằng-sa kiếp trước có Phật Quán-thế-âm ra đời, con phát tâm Bồ-đề nơi Phật ấy, Phật dạy con từ Văn, Tư, Tu nhập Tam-ma-địa (Văn, Tư, Tu là Văn nơi tai, Tư nơi Tâm, Tu nơi Hạnh).

- Bước đầu ở trong sự nghe được nhập lưu (chẳng chạy theo lục trần) mà quên cái sở nghe (vong, sở : vong nghĩa là quên). Sở nhập đã tịch, thì hai tướng động và tịnh chẳng sanh, như thế dần dần tiến thêm, thì năng nghe và sở nghe đều hết; sự hết năng sở của nghe cũng chẳng trụ. Còn biết chẳng trụ thì còn năng giác và sở giác, nên phải Không cái năng giác sở giác thì sự Không-giác ấy mới cực viên tròn; năng giác sở giác được Không đến cùng tột là nhập vào chỗ Không, nhập vào chỗ Không thì còn trụ nơi Không, nên năng không sở không cũng phải diệt. Năng sở của Không diệt rồi thì tất cả sự sanh và diệt đều hết, sanh diệt đã diệt, thì tịch diệt hiện tiền, thình lình siêu việt thế gian và xuất thế gian. Đến đây, khắp mười phương Pháp-giới đều sáng tỏ, được hai thứ thù thắng tròn đầy sáng tỏ :

l. Trên khế hợp với Giác-tâm vốn huyền diệu của mười phương chư Phật, với Như-lai đồng một Từ Lực (Phật độ chúng sanh cho vui, nhưng không có năng độ, gọi là Vô Duyên Từ).

2. Dưới khế hợp với tất cả mười phương chúng sanh lục đạo, với tất cả chúng sanh đồng một Bi Ngưỡng (chúng sanh cầu Phật độ lìa khổ, nhưng không có sở độ, gọi là Đồng Thể Bi).

Thế Tôn ! Do con cúng dường Quán-âm Như-lai, Phật dạy con y tánh Văn như huyễn, huân tu Kim Cang Tam-muội. Vì với chư Phật đồng một Từ Lực, nên khiến con được thành tựu 32 ứng thân vào các Quốc-độ.

1. Thế Tôn ! Nếu chư Bồ-tát vào Tam-ma-địa tu pháp vô lậu, thắng giải đầy đủ, thì con hiện thân Phật, thuyết Pháp cho họ, khiến được giải thoát.

2. Nếu có hàng hữu học được tịch tịnh diệu minh, thắng giải đầy đủ, thì con hiện thân Độc Giác, thuyết Pháp cho họ, khiến được giải thoát.

3. Nếu có hàng hữu học đoạn mười hai nhân duyên được thắng tánh hiện tiền, thắng giải đầy đủ, thì con hiện thân Duyên-giác, thuyết Pháp cho họ, khiến được giải thoát.

4. Nếu có hàng hữu học tu Đạo nhập Diệt, được pháp Không của Tứ Thánh Đế, thắng giải đầy đủ, thì con hiện thân Thanh-văn, thuyết Pháp cho họ, khiến được giải thoát.

5. Nếu có chúng sanh, muốn tâm minh ngộ, chẳng phạm dục trần, muốn thân trong sạch, thì con hiện thân Phạn Vương, thuyết Pháp cho họ, khiến được giải thoát.

6. Nếu có chúng sanh, muốn làm Thiên-chủ, lãnh đạo chư Thiên, thì con hiện thân Đế-thích, thuyết Pháp cho họ khiến được thành tựu.

7. Nếu có chúng sanh, muốn thân được tự tại, đi khắp mười phương, thì con hiện thân Tự Tại Thiên, thuyết Pháp cho họ, khiến được thành tựu.

8. Nếu có chúng sanh, muốn thân được tự tại, bay khắp hư không, thì con hiện thân Đại Tự Tại Thiên, thuyết Pháp cho họ, khiến được thành tựu.

9. Nếu có chúng sanh, muốn thống lãnh Quỷ-thần, cứu giúp Quốc-độ, thì con hiện thân Thiên Đại Tướng Quân, thuyết Pháp cho họ, khiến được thành tựu.

10. Nếu có chúng sanh, thích thống lãnh thế giới, bảo vệ chúng sanh, thì con hiện thân Tứ Thiên Vương, thuyết Pháp cho họ, khiến được thành tựu.

11. Nếu có chúng sanh, muốn sanh nơi Thiên-cung, sai khiến Quỷ-thần, thì con hiện thân Thái-tử của Tứ Thiên Vương, thuyết Pháp cho họ, khiến được thành tựu.

12. Nếu có chúng sanh, muốn làm Vua cõi người, thì con hiện thân Vua, thuyết Pháp cho họ, khiến được thành tựu.

13. Nếu có chúng sanh, thích làm chủ các dòng quý tộc, mọi người cung kính, thì con hiện thân Trưởng-giả, thuyết Pháp cho họ, khiến được thành tựu.

14. Nếu có chúng sanh, thích đàm luận những lời hay giữ mình trong sạch, thì con hiện thân Cư-sĩ, thuyết Pháp cho họ, khiến được thành tựu.

15. Nếu có chúng sanh, thích cai trị việc nước, trông coi các ban ấp, thì con hiện thân Tể-quan, thuyết Pháp cho họ, khiến được thành tựu.

16. Nếu có chúng sanh, thích các số thuật, tự nhiếp tâm giữ thân, thì con hiện thân Bà-la-môn, thuyết Pháp cho họ, khiến được thành tựu.

17. Nếu có Thiện-nam-tử, ham học pháp xuất gia, giữ gìn Giới-luật, thì con hiện thân Tỳ-kheo, thuyết Pháp cho họ, khiến được thành tựu.

18. Nếu có Thiện-nữ-nhân, ham học pháp xuất gia, trì các Giới cấm, thì con hiện thân Tỳ-kheo-ni, thuyết Pháp cho họ, khiến được thành tựu.

19. Nếu có Thiện-nam-tử, thích giữ ngũ Giới, thì con hiện thân Ưu-bà-tắc, thuyết Pháp cho họ, khiến được thành tựu.

20. Nếu có Thiện-nữ-nhân, tự giữ ngũ Giới, thì con hiện thân Ưu-bà-di, thuyết Pháp cho họ, khiến được thành tựu.

21. Nếu có Thiện-nữ-nhân, lập thân trong cung Vua, chủ việc nội chính, giúp việc nước nhà, thì con hiện thân Nữ-chủ (hoàng hậu), hay phu nhân, mệnh phụ, đại gia (nữ Giáo-sư của hoàng hậu và các cung phi), thuyết Pháp cho họ, khiến được thành tựu.

22. Nếu có con trai, chẳng hoại trinh nam, thì con hiện thân đồng nam, thuyết Pháp cho họ, khiến được thành tựu.

23. Nếu có con gái, muốn giữ trinh nữ, chẳng cầu sự xâm bạo, thì con hiện thân đồng nữ, thuyết Pháp cho họ, khiến được thành tựu.

24. Nếu có chư Thiên, muốn ra khỏi loài Trời, thì con hiện thân chư Thiên, thuyết Pháp cho họ, khiến được thành tựu.

25. Nếu có con Rồng, muốn ra khỏi loài rồng, thì con hiện thân rồng, thuyết Pháp cho họ, khiến được thành tựu.

26. Nếu có Dược-xoa (l) muốn ra khỏi loài mình, thì con hiện thân Dược-xoa, thuyết Pháp cho họ, khiến được thành tựu.

27. Nếu có Càn-thát-bà (2) muốn ra khỏi loài mình, thì con hiện thân Càn-thát-bà, thuyết Pháp cho họ, khiến được thành tựu.

28. Nếu có A-tu-la, muốn thoát khỏi loài mình, thì con hiện thân A-tu-la, thuyết Pháp cho họ, khiến được thành tựu.

29. Nếu có Khẩn-na-la (3), muốn thoát khỏi loài mình, thì con hiện thân Khẩn-na-la, thuyết Pháp cho họ, khiến được thành tựu.

30. Nếu có Ma-hầu-la-già (4) muốn thoát khỏi loài mình, thì con hiện thân Ma-hầu-la-già, thuyết Pháp cho họ, khiến được thành tựu.

31. Nếu có chúng sanh thích làm người, tu nghiệp người, thì con hiện thân người, thuyết Pháp cho họ, khiến được thành tựu.

32. Nếu có loài phi nhân, hoặc có hình, hoặc vô hình, hoặc có tưởng, hoặc vô tưởng, muốn thoát khỏi loài mình, thì con hiện thân như họ, thuyết Pháp cho họ, khiến được thành tựu.

- Ấy gọi là 32 Ứng-thân nhiệm mầu vào các Quốc-độ, những Thân ấy đều do vô tác diệu lực của sự huân tu Tam-muội tự tại thành tựu.

50. Mười Bốn Công Đức Vô Úy.

- Thế Tôn ! Con lại dùng vô tác diệu lực của sự huân tu Kim Cang Tam-muội này, cùng với tất cả chúng sanh lục đạo trong mười phương tam thế đồng một Bi Ngưỡng, nên khiến các chúng sanh nơi thân tâm con được 14 thứ công đức vô úy :

l. Do con chẳng quán âm thanh, tự quán kẻ quán, khiến chúng sanh khổ não mười phương tự quán âm thanh, liền được giải thoát.

2. Xoay tri kiến về Bản-tri, khiến chúng sanh dù vào đống lửa, lửa chẳng thể cháy.

3. Xoay cái nghe về Bản-văn, khiến chúng sanh bị nước cuốn trôi mà chẳng chìm đắm.

4. Vọng tưởng dứt sạch, tâm chẳng sát hại, khiến chúng sanh vào xứ quỷ, quỷ chẳng thể hại.

5. Huân tập cái nghe thành Bản-văn, tiêu cả lục căn thành một tánh Văn, khiến chúng sanh đang lúc bị giết hại, dao gãy từng đoạn, các binh khí chạm vào thân người, như cắt dòng nước, như thổi ánh sáng, mà bản tánh chẳng lay động.

6. Huân tập tánh Văn thuần nhất sáng tỏ, chiếu khắp Pháp-giới, dẹp tan tối tăm, khiến chúng sanh dù gặp các loài Dược-xoa, La-sát, yêu mị, Quỷ-thần ở gần bên cạnh mắt họ chẳng thể nhìn thấy.

7. Âm thanh tiêu sạch, tánh nghe trở vào, thoát khỏi trần vọng, khiến chúng sanh gặp những thứ gông, cùm, xiềng, xích đều chẳng thể trói buộc.

8. Âm thanh tiêu diệt, tánh Văn viên mãn, Từ Lực khắp nơi, khiến chúng sanh đi qua chỗ nguy hiểm, chẳng bị giặc cướp.

9. Huân tu tánh Văn, xa lìa cảnh trần, sắc dục chẳng thể lôi kéo, khiến tất cả chúng sanh đa dâm xa lìa tham dục.

10. Thuần âm vô trần, căn trần viên dung, chẳng năng sở đối đãi, khiến tất cả chúng sanh hay giận dữ lìa bỏ sân hận.

11. Xoay minh tiêu trần, trở về Bản-tánh, cả Pháp-giới, thân tâm đều như lưu ly, thấu triệt vô ngại, khiến những kẻ ngu muội chẳng tin Phật pháp, xa lìa hẳn sự si mê ám muội.

12. Tiêu dung hình thể, trở về Bản-văn, ngồi bất động đạo tràng, vào thế gian mà chẳng hoại pháp thế gian, đi khắp mười phương, cúng dường vô số Như-lai, nơi mỗi Như-lai làm Pháp-vương-tử, khi Pháp-giới chúng sanh cầu sanh con trai, được con trai có phước đức trí huệ.

13. Lục căn viên thông, sáng và soi không hai, khắp mười phương thế giới, lập Đại-viên-cảnh, Không Như-lai-tạng, thừa nhận Pháp-môn bí mật của vô số Như-lai, chẳng có thiếu sót, khiến Pháp-giới chúng sanh cầu sanh con gái, được con gái có tướng tốt, đoan chính, phước đức, dịu dàng, được mọi người yêu mến.

14. Trăm ức nhựt nguyệt chiếu khắp tam thiên đại thiên thế giới này, trong đó có 62 Hằng-sa Pháp-vương-tử đang trụ trì nơi thế gian, tu Chánh-pháp, làm mô phạm, mỗi mỗi dùng phương tiện và trí huệ chẳng đồng, tùy thuận căn tánh mọi người để giáo hóa chúng sanh.

- Do con được Nhĩ-căn-viên-thông, phát ra diệu dụng, nên thân tâm vi diệu, cùng khắp Pháp-giới, khiến chúng sanh người trì danh hiệu con so với người trì danh hiệu của 62 Hằng-sa Pháp-vương-tử, hai người được phước đức bằng nhau.

- Thế Tôn ! Sở dĩ một danh hiệu của con cân xứng với nhiều danh hiệu kia là do con tu tập đắc Chơn-viên-thông, ấy gọi là mười bốn thứ sức vô úy, thí cho chúng sanh phước đức đầy đủ.

Thế Tôn ! Do con tu chứng Vô Thượng Đạo, được căn viên thông này, nên khéo được bốn thứ diệu đức vô tác bất khả tư nghì :

l. Do con được Bản-văn huyền diệu, tâm diệu lìa văn : Kiến, Văn, Giác, Tri thành một Bửu-giác viên dung trong sạch, chẳng thể chia cách, nên hay hiện nhiều dung mạo vi diệu, thuyết vô biên bí mật Thần-chú, trong đó từ một đến tám vạn bốn ngàn con mắt và cánh tay, tùy nghi thị hiện, hoặc từ hoặc oai, hoặc định hoặc huệ, cứu giúp chúng sanh được tự tại.

2. Do sự Văn Tư của con thoát khỏi lục trần, như âm thanh vượt qua bức tường, chẳng bị ngăn ngại, nên con khéo hiện mỗi mỗi hình, mỗi mỗi Chú, những hình những Chú, đều hay thí cho chúng sanh được sức vô úy. Vì thế, mười phương vô số Quốc-độ đều gọi con là 'Người thí vô úy'.

3. Do con tu tập Nhĩ-căn trong sạch, được diệu tâm viên thông, nên đi khắp thế giới, đều có thể khiến chúng sanh xả bỏ thân mạng và châu báu cầu con thương xót.

4. Con được ngộ tâm Phật, chứng nơi cứu cánh, hay dùng các thứ châu báu cúng dường mười phương Như-lai, cho đến chúng sanh lục đạo trong Pháp-giới, cầu vợ được vợ, cầu con được con, cầu sống lâu được sống lâu, cầu Chánh-định được Chánh-định, như thế cho đến cầu Đại Niết-bàn được Đại Niết-bàn.

- Phật hỏi về viên thông, con từ Nhĩ-căn vào Viên-chiếu Tam-muội, tùy Tâm tự tại, từ sự Nghe nhập lưu, cho đến đắc Tam-ma-địa, thành tựu Bồ-đề là hơn cả.

- Thế Tôn ! Như-lai khen con khéo được Pháp-môn viên thông, ở trong hội thọ ký cho con hiệu là Quán-thế-âm, do con quán âm sáng tỏ mười phương, nên danh hiệu QUÁN ÂM khắp mười phương thế giới.

51. Nhĩ Căn Viên Thông

Bấy giờ, Thế Tôn nơi tòa Sư Tử, từ ngũ thể cùng phóng hào quang, chiếu soi đỉnh đầu của mười phương vô số Như-lai với các Pháp-vương-tử và chư Bồ-tát; các Như-lai ấy cũng trong ngũ thể cùng phóng hào quang, từ mọi nơi chiếu đến đỉnh đầu của Phật, với chư Đại Bồ-tát và A-la-hán trong Hội. Rừng cây, ao hồ đều diễn Pháp-âm, hào quang giao xen như lưới báu, Đại Chúng được Pháp chưa từng có, tất cả đều được Kim Cang Tam-muội. Tức thời, trời mưa bách bửu liên hoa, xanh, vàng, đỏ, trắng, xen lộn lẫn nhau; mười phương hư không hóathành màu sắc thất bửu, núi sông, đất đai nơi cõi Ta-bà này đều ẩn mất, chỉ thấy mười phương vô số Quốc-độ hợp thành một cõi, ca nhạc vang lừng, tự nhiên hòa tấu. 

Lúc đó, Như-lai bảo Văn-thù-sư-lợi Pháp-vương-tử rằng :

- Ngươi hãy xem 25 vị vô học Đại Bồ-tát và A-la-hán này, mỗi mỗi trình bày phương tiện thành đạo lúc ban đầu, đều nói tu tập viên thông chơn thật, lối tu của họ thật chẳng hơn kém và chẳng trước sau sai biệt. Nay Ta muốn khiến A-nan khai ngộ, trong 25 lối tu, lối nào thích hợp và sau khi Ta diệt độ, chúng sanh trong cõi này muốn vào Bồ-tát-thừa, cầu đạo Vô Thượng, từ cửa phương tiện nào để được thành tựu ?

Văn-thù-sư-lợi Pháp-vương-tử vâng theo ý chỉ của Phật, liền đứng dậy đảnh lễ chân Phật, thừa oai thần của Phật, nói kệ đáp rằng :

1- Biển-giác tánh trong lặng, 

Vốn đầy đủ vi diệu, 

Chấp sáng sanh sở chiếu, 

Sở lập tánh chiếu mất.

5- Mê vọng có hư không.

Do Không lập thế giới,

Tưởng lặng thành Quốc-độ,

Tri giác là chúng sanh.

9- "Không" sanh nơi Đại Giác 

Như biển nổi một bọt. 

Vô số nước hữu lậu, 

Đều từ Không sanh khởi,

Bọt bể Không đã diệt 

Đâu thể còn Tam-giới.

15- Về cội tánh chẳng hai, 

Phương tiện có nhiều lối, 

Bậc Thánh chẳng ngăn ngại, 

Thuận nghịch đều tùy nghi.

Sơ cơ vào Chánh-định,

Nhanh chậm chẳng đồng nhau.

21- Quán Sắc thành nội trần, 

Tinh vi chẳng thấu triệt. 

Nếu đã chẳng thấu triệt, 

Làm sao được viên thông ?

25- Âm thanh lộn ngữ ngôn, 

Chỉ nương tựa lời Phật. 

Một chẳng gồm tất cả, 

Làm sao được viên thông ?

29- Hương do hợp mới biết,

Ly thì chẳng có mùi. 

Hợp ly tánh chẳng thường, 

Làm sao được viên thông ?

33- Mùi vị chẳng tự sanh,

Đợi khi nếm mới có, 

Vị giác chẳng thường còn, 

Làm sao được viên thông ?

37- Xúc phải có sở xúc, 

Chẳng sở thì chẳng xúc, 

Hợp ly tánh chẳng định. 

Làm sao được viên thông ?

 41- Pháp gọi là nội trần, 

Nương trần ắt có sở. 

Năng sở chẳng cùng khắp, 

Làm sao được viên thông ?

45- Tánh kiến dù rõ ràng, 

Thấy trước chẳng thấy sau, 

Bốn phía thiếu một nửa, 

Làm sao được viên thông ?

49- Hơi Thở thông ra vào, 

Quán đến chẳng giao khí, (Giống như nín thở)

Lìa thở chẳng ngộ nhập, 

Làm sao được viên thông ?

53- Thiệt nhập chẳng vô cớ, 

Do vị sanh giác tri, 

Vị mất giác cũng mất, 

Làm sao được viên thông ?

57- Thân với xúc đồng nhau, (5)

Chẳng phải Viên Giác Quán, 

Chẳng hội không ngằn mé, 

Làm sao được viên thông ?

61- Ý căn lộn vọng tưởng, 

Chẳng thấy tánh trong lặng, 

Tưởng niệm chẳng giải thoát, 

Làm sao được viên thông ?

65- Kiến, Tướng, Thức hòa hợp, 

Cả ba vốn chẳng tướng, 

Tự thể đã chẳng định, 

Làm sao được viên thông ?

69- Tâm Văn khắp mười phương, 

Sanh nơi đại nguyện lực, 

Sơ cơ chẳng thể vào, 

Làm sao được viên thông ?

73- Quán Mũi là phương tiện, 

Chỉ khiến nhiếp tâm trụ, 

Trụ thành tâm sở trụ (6) 

Làm sao được viên thông ?

77- Thuyết Pháp dùng âm thanh, 

Khai ngộ người đã thành, 

Lời nói chẳng vô lậu, 

Làm sao được viên thông ?

81- Trì Phạm chỉ trói thân, 

Phi thân chẳng thể trói, 

Vốn chẳng khắp tất cả, 

Làm sao được viên thông ?

85- Thần Thông vốn sẵn đủ, 

Chẳng do luyện mới có, 

Tác ý không lìa vật, 

Làm sao được viên thông ?

89- Nếu quán theo tánh Địa, 

Ngăn ngại chẳng thông suốt, 

Hữu vi chẳng phải thánh, 

Làm sao được viên thông ?

93- Nếu quán theo tánh Thủy, 

Niệm tưởng chẳng chơn thật, 

Giác quán chẳng như như, 

Làm sao được viên thông ?

97- Nếu quán theo tánh hỏa, 

Có chán chẳng phải chơn, (chơn giải thoát)

Chẳng thích hợp sơ cơ, 

Làm sao được viên thông ?

101- Nếu quán theo tánh Phong, 

Động tịch là đối đãi, 

Chẳng phải vô thượng giác, 

Làm sao được viên thông ?

105- Nếu quán theo tánh Không, 

Ngoan không chẳng phải giác, 

Chẳng giác nghịch Bồ-đề, 

Làm sao được viên thông ?

109- Nếu quán theo tánh Thức, 

Sanh diệt chẳng thường trụ, 

Trạm nhiên vẫn hư vọng, 

Làm sao được viên thông ?

113- Các hạnh là vô thường, 

Tánh niệm vốn sanh diệt, 

Nhân với quả khác nhau, 

Làm sao được viên thông ?

117- Nay con bạch Thế Tôn, 

Phật hiện cõi Ta-bà, 

Giáo thể ở cõi này, 

Âm văn trong sạch nhất, 

121- Muốn đắc Tam-ma-địa, 

Nên từ Văn mà vào,

Lành thay Quán-thế-âm,

Lìa khổ được giải thoát,

Trải qua Hằng-sa kiếp,

Vào vô số cõi Phật,

Dùng sức đại tự tại,

Thí chúng sanh vô úy,

Diệu-âm Quán-thế-âm,

Phạn-âm Hải-triều-âm,

Cứu thế đều an lành,

Xuất thế được thường trụ.

133- Nay xin bạch Như-lai, 

Theo lời Quán-âm nói,

Như người đang yên tịnh, 

Mười phương đồng đánh trống, 

Mười chỗ nghe một lượt,

Là viên thông chơn thật.

139- Mắt chẳng thấu chướng ngại, 

Miệng mũi cũng như thế, 

Thân xúc hợp mới biết,

Tâm niệm thì lăng xăng.

Cách tường nghe âm vang,

Xa gần đều nghe được,

Ngũ căn chẳng thể bằng,

Là viên thông chơn thật.

147- Âm thanh có động tịnh, 

Nơi nghe thành có không, 

Tiếng dứt gọi chẳng nghe, 

Đâu phải dứt tánh nghe. 

Chẳng tiếng, nghe chẳng diệt, 

Có tiếng, nghe chẳng sanh. 

Sanh diệt thảy đều lìa, 

Ấy là thường chơn thật, 

Dẫu lúc đang nằm mơ, 

Không tưởng nghe vẫn còn, 

Giác quán vượt suy tư, 

Thân tâm chẳng thể đến.

Nay cõi Ta-bà này,

Thanh-giáo được giảng rõ. 

Chúng sanh mê Bản-văn, 

Đuổi theo tiếng lưu chuyển, 

A-nan dù nhớ hay, 

Chẳng khỏi kẹt tà tưởng.

Theo vật bị chìm đắm,

Phản Văn được lìa vọng,

A-nan hãy lắng nghe,

Ta thừa oai thần Phật,

Khai giảng pháp Kim Cang,

Chánh-định sanh chư Phật,

Như huyễn bất tư nghì. 

 

GHI CHÚ

(1) Dược-xoa (nhẹ nhàng, nhanh chóng), có ba loại :

Địa Dược-xoa : Dùng tài thí nên chẳng thể bay.

Không Dược-xoa : Thiên Dược-xoa : Dùng xe cộ bố thí nên bay được.

Khi Phật chuyển Pháp-luân. Địa Dược-xoa ca ngợi, Không Dược-xoa nghe. Thiên Dược-xoa ca ngợi. Tứ Thiên-vương cho đến Phạm-thiên nghe.

(2) Càn-thát-bà (tìm mùi hương) : Nhạc thần của Đế-thích.

(3) Khẩn-na-la : Phi nhân, giống người mà đầu có sừng.

(4) Ma-hầu-la-già : Đại mãnh xà, bụng lớn.

(5) Thân với xúc đồng nhau, chẳng phải Viên-giác quán :

Sự Xúc-giác rõ ràng, chỉ có thân mới biết, quên thân thuần giác, cũng chẳng phải Viên-giác, phải như Viên-giác Quán, thân tâm đều siêu việt, chẳng có ngằn mé, mới có thể chẳng nhờ thân biết mà thầm hội (ngộ) vạn pháp. Nay có thân có xúc, thì sự biết có ngằn mé, chẳng phải viên thông vậy.

(6) Trụ thành chấp sở trụ, làm sao được viên thông.

Sự nhiếp tâm thật là khó, trước kia tán loạn chỉ e chẳng trụ, sau được tịch tịnh, lại thành sở trụ của Tâm. Trụ và chẳng trụ đều chẳng phải bản thể của Vô-trụ, nên chẳng được viên thông.

Tác giả bài viết: thichdaophat

Nguồn tin: Tông Phong Tàng Thư

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn