04:39 ICT Thứ bảy, 20/04/2024

Giới Thiệu

Thiền sư Bác sơn

Hòa-thượng Bác Sơn (1575-1630), họ Sa, tên Đại Hy, tự là Vô Dị, người đời thường gọi là Ngài là Thiền-sư Vô Dị. Sư năm 16 tuổi phát chí xuất gia, đến chùa Ngõa Quan ở Kim Lăng nghe giảng kinh Pháp Hoa, cảm khái than : “Cầu điều đó ngay nơi mình, há có thể đuổi theo câu văn mà được ư ?” Sư bèn bỏ đi...

Danh mục chính

Liên Kết Trang

HUE NANG
TS DUC SON
TS NGUYET KHE

Trang nhất » Tông Phong Tàng Thư » Kinh » Kinh Lăng Nghiêm

Kinh Lăng Nghiêm - Quyển 5

Chủ nhật - 07/04/2013 01:24 Xem: 1818
phần đầu
46. Căn Bản Vô Minh.

A-nan bạch Phật rằng :

- Như-lai dù đã khai-thị nghĩa thứ hai, nhưng con xét những người mở thắt kết, nếu chẳng biết cái gốc của thắt kết, thì con tin chắc người ấy chẳng bao giờ mở được. Thế Tôn, con và hàng hữu học Thanh-văn trong Hội cũng như vậy; chúng con với vô minh cùng sanh cùng diệt từ vô thỉ, dù được thiện căn đa văn, mang tiếng là xuất gia, mà sự tu như người sốt rét cách nhật, lúc có lúc không. Xin Phật từ bi thương xót kẻ chìm đắm, khai-thị thế nào là cái thắt kết của thân tâm hiện hữu này, làm sao được mở, cũng khiến chúng sanh khổ não đời vị lai được ra khỏi luân hồi. Nói xong, cùng Đại Chúng năm vóc gieo sát đất, cung kính rơi lệ, mong đợi lời khai-thị vô thượng của Phật.

Bấy giờ, Thế Tôn thương xót A-nan và hàng hữu học trong Hội, đồng thời làm nhân xuất thế gian, chỉ đường cho tất cả chúng sanh đời vị lai, lấy tay xoa đầu A-nan. Liền đó, sáu thứ rung động khắp mười phương thế giới, vô số Như-lai trong các cõi ấy, mỗi mỗi đều từ đỉnh đầu phóng ra hào quang, đồng thời chiếu đến rừng Kỳ-đà, rọi vào đỉnh đầu Như-lai, cả Chúng đều được Pháp chưa từng có.

Lúc ấy, A-nan và Đại Chúng đều nghe mười phương Như-lai đồng thanh bảo A-nan rằng :

- Lành thay, A-nan ! Ngươi muốn biết cái Câu Sinh Vô Minh (Căn bản vô minh) là gốc thắt kết khiến ngươi lưu chuyển trong vòng sanh tử ấy, chính là lục Căn của ngươi chứ chẳng phải vật khác; ngươi lại muốn biết đạo Vô Thượng Bồ-đề khiến ngươi mau chứng quả tự tại giải thoát, tịch lặng thường trụ ấy, cũng chính là lục Căn của ngươi chứ chẳng phải vật khác.

A-nan dù được nghe Pháp-âm như vậy, tâm còn chưa rõ, cúi đầu bạch Phật :

- Tại sao khiến con bị sanh tử luân hồi và được tự tại giải thoát, đều là lục Căn, chẳng phải vật khác ?

Phật bảo A-nan :

- Căn trần cùng gốc, thắt mở chẳng hai, tánh thức hư vọng như hoa đốm trên không. A-nan, do trần phát tri, vì Căn kiến tướng; kiến và tướng chẳng có tự tánh, như những cây sậy gác vào nhau, cho nên ngươi nay lập tri kiến thành tri, tức là căn bản của vô minh, nếu đối với tri kiến chẳng chấp là tri kiến, ấy tức là Niết-bàn, trong sạch vô lậu, làm sao trong đó còn có thể dung nạp vật khác.

Bấy giờ, Thế Tôn muốn lập lại nghĩa trên, bèn nói kệ rằng :

Tánh hữu vi vốn không,

Duyên sanh nên như huyễn

Vô vi không sanh diệt,

Chẳng thật như hoa đốm,

Nói vọng để hiển chơn,

Vọng chơn là hai vọng

Phi chơn phi bất chơn

Làm sao kiến sở kiến ?

Trong đó chẳng thật tánh,

Nên như sậy gác nhau.

Thắt, mở đồng một nhân,

Thánh phàm chẳng hai đường,

Ngươi xem tánh gác nhau,

Không, Hữu thảy đều sai.

Mê muội tức vô minh,

Phát minh liền giải thoát.

Mở, thắt theo thứ tự,

Lục mở nhất cũng tiêu

Chọn Căn nào viên thông,

Nhập lưu thành Chánh-giác.

Đà-na-thức (thức thứ tám) vi tế,

Tập-khí như nước dốc.

Sợ chấp Chơn phi chơn,

Nên Ta chẳng khai giảng

Tự tâm chấp tự tâm,

Phi huyễn thành pháp huyễn.

Chẳng chấp chẳng phi huyễn

Phi huyễn còn chẳng sanh,

Pháp huyễn làm sao lập ?

Đây gọi Diệu Liên Hoa

Bửu giác như Kim Cang

Tu theo Tam-ma-đề,

Búng tay siêu vô học

Pháp này chẳng gì bằng,

Mười phương chư Như-lai,

Chỉ một cửa Niết-bàn.

LƯỢC GIẢI

Trước kia, A-nan hỏi Phật những phương tiện đầu tiên về ba thứ Thiền Quán : Sa-ma-tha, Tam-ma và Thiền-na, mà mười phương Như-lai đồng thanh đáp lại A-nan rằng : "Ngươi muốn biết cái Câu Sinh Vô Minh là gốc thắt kết khiến ngươi lưu chuyển trong vòng sanh tử ấy, chính là lục Căn của ngươi chứ chẳng phải vật khác; ngươi lại muốn biết Đạo Vô Thượng Bồ-đề, khiến ngươi mau chứng quả tự tại giải thoát, tịch lặng thường trụ ấy, cũng chính là lục Căn của ngươi, chứ chẳng phải vật khác".

Cũng như lời thí dụ băng nước kể trên, nước đóng thì thành băng, đâu thể cho lộn vật khác mà thành băng; băng tan thì thành nước, đâu thể cho lộn vật khác mà thành nước.

Lục Căn làm mai mối cho giặc, tự cướp của báu trong nhà, ấy là lục Căn; lục mở nhất tiêu, mau chứng Chánh-giác cũng là lục Căn. Vậy tức vọng tức chơn, tức chơn tức vọng, chỗ này cần phải có Diệu-ngộ mới được, chữ Diệu này lời nói chẳng thể diễn tả, ắt phải chuyển Thức thành Trí, khế hợp với Diệu-tâm sáng tỏ, mới có thể nói là Vô Thượng Bồ-đề.

Bửu-giác như Kim Cang : Tánh Kim Cang hay phá hủy tất cả, Thập Địa đều gọi là Tâm Kim Cang, như phá hủy Sơ-địa lên Nhị-địa, phá hủy nhị địa lên Tam-địa v.v... Nếu Bửu-giác này được hiện ra, chẳng những 'căn bản vô minh' liền tiêu, cả Tri-kiến Bồ-tát và Tri-kiến Phật cũng không còn. Ba thứ Thiền quán Sa-ma-tha, Tam-ma và Thiền-na chỉ cần tự ngộ, hễ ngộ thì liền đến địa vị Phật, nên trong búng ngón tay siêu việt bậc vô học của Nhị-thừa. Bậc vô học vì còn chấp vô kiến, tức còn lọt vào công dụng, đây Chơn-tánh hiện tiền, hữu vô đều lìa, một cửa sâu vào, chẳng phải nhờ công dụng, nên gọi là cửa Đốn Ngộ vậy. (chẳng nhờ công dụng là chẳng phải chẳng cần công phu).

*****

47. Lục Mở Nhất Tiêu.

A-nan và Đại Chúng nghe lời dạy vô thượng và bài tụng tinh túy, diệu lý trong suốt của Phật, tâm được sáng tỏ, tán thán pháp chưa từng có. A-nan chắp tay đảnh lễ bạch Phật :

- Nay con dù nghe pháp tánh chơn thật, vi diệu trong sạch của Phật, nhưng tâm còn chưa thấu nghĩa "Lục mở nhất tiêu" theo thứ tự của mở thắt, xin Phật rủ lòng từ bi, thương xót cả Hội này và chúng sanh đời vị lai, bố thí Pháp-âm và rửa sạch trần cấu cho chúng con.

Tức thời, Như-lai từ nơi tòa sư tử, chỉnh áo trong và sửa đại y, dựa vào ghế thất bảo, lấy cái khăn bông của cõi Trời Dạ-ma cúng dường ở trước mặt Đại Chúng thắt một cái kết, rồi hỏi A-nan : 

- Đây gọi là gì ?

A-nan và Đại Chúng đều đáp : 

- Gọi là thắt kết.

Như-lai thắt thêm một kết nữa, lại hỏi A-nan : 

- Đây gọi là gì ?

A-nan và Đại Chúng lại đáp : 

- Đây cũng gọi là thắt kết.

Phật tuần tự thắt sáu cái kết trên khăn, mỗi khi thắt xong một cái, đều lấy cái kết vừa thắt hỏi : 

- A-nan, Đây gọi là gì ? 

A-nan và Đại Chúng cũng tuần tự đáp lại Phật : 

- Đây gọi là thắt kết.

Phật bảo A-nan :

- Khi Ta mới thắt cái khăn thì ngươi gọi là thắt kết, khăn bông này vốn chỉ có một, tại sao lần thứ hai, lần thứ ba các ngươi cũng gọi là thắt kết ?

A-nan bạch Phật :

- Khăn này dù chỉ có một theo con nghĩ : Như-lai thắt một lần thì được gọi là một cái kết, nếu thắt đến trăm lần thì phải gọi là trăm cái kết, huống là khăn này chỉ có sáu kết, không lên đến bảy, cũng không ngưng ở năm, tại sao Như-lai chỉ cho cái đầu tiên được gọi là thắt kết, còn cái thứ hai, thứ ba thì chẳng gọi là thắt kết ?

Phật bảo A-nan :

- Ngươi biết khăn bông này vốn chỉ là một, khi Ta thắt sáu lần thì gọi là sáu kết. Ngươi hãy xét kỹ, bản thể của khăn là đồng, do thắt kết mà thành khác. Ý ngươi thế nào ? Cái thắt kết đầu tiên thì gọi là kết thứ nhất, như vậy cho đến cái kết thứ sáu, nay Ta muốn gọi cái kết thứ sáu thành kết thứ nhất, có được chăng ?

- Bạch Thế Tôn ! Sáu kết nếu còn thì cái thứ sáu chẳng thể gọi là cái thứ nhất, dẫu cho con dùng hết biện tài nhiều kiếp để sáng tỏ nghĩa lý, cũng chẳng thể khiến sáu thắt kết lộn tên được.

Phật nói :

- Đúng thế ! Sáu kết chẳng đồng chỉ do một khăn tạo ra, nhưng muốn làm cho sáu kết đảo lộn tên gọi, thì chẳng thể được. Lục Căn của ngươi cũng vậy, trong rốt cuộc đồng, sanh rốt cuộc khác, ngươi ắt chê sự khác nhau của sáu kết, mà mong muốn thành đồng một, thì phải làm sao mới được.

A-nan đáp :

- Thắt kết nếu còn thì thị phi mống khởi, trong đó tự sanh phân biệt kết này chẳng phải kết kia, kết kia chẳng phải kết này. Nếu hôm nay Như-lai giải tỏa tất cả, thắt kết chẳng sanh nữa thì không có bỉ thử, nhất còn chẳng có, làm sao thành lục ?

Phật bảo :

- Cái nghĩa "Lục mở nhất tiêu" cũng như thế, do tâm ngươi cuồng loạn từ vô thỉ, vọng sanh tri kiến, sanh mãi không thôi, như con mắt ngó lâu mỏi mệt phát ra cảnh trần, thì có hoa đốm lăng xăng vọng khởi nơi tánh trong lặng, các tướng thế gian như núi sông, đất đai, sanh tử, Niết-bàn v.v... tất cả đều là tướng hoa đốm điên đảo do mỏi mệt mà phát sanh.

A-nan hỏi :

- Cái mỏi mệt này cũng như cái thắt kết kia, làm sao mở được ?

Như-lai lấy tay cầm khăn đã thắt, kéo riêng mối bên trái, rồi hỏi A-nan :

- Thế này có mở được chăng ?

- Bạch Thế Tôn ! Không ạ. Phật lại lấy tay kéo riêng mối bên phải, hỏi A-nan :

- Thế này có mở được chăng ?

- Bạch Thế Tôn ! Không ạ.

Phật bảo A-nan :

- Nay Ta lấy tay kéo mối hai bên mà chẳng mở được, vậy ngươi có cách nào để mở chăng ?

- Bạch Thế Tôn ! Nên mở nơi trung tâm thắt kết thì tan rã ngay.

Phật nói :

- Đúng thế ! Đúng thế ! Muốn giải tỏa thắt kết thì phải mở nơi trung tâm thắt kết. A-nan, Ta thuyết Pháp từ nhân duyên ra, chẳng phải lấy tướng thô hòa hợp của thế gian. Như-lai phát minh pháp thế gian và xuất thế gian, đều biết rõ bản nhân của nó theo sở duyên gì mà ra; cho đến quá trình dời đổi của một giọt mưa ở ngoài Hằng-sa thế giới, trước mắt các thứ tòng thẳng, gai cong, cò trắng, quạ đen v.v.. đều rõ nguyên do. A-nan ! Nay tùy ngươi lựa chọn một Căn nơi lục Căn, nếu giải tỏa được gốc Căn thì tướng trần tự diệt, vọng tưởng liền tiêu, vậy chẳng phải Chơn là gì ?

- A-nan ! Ta lại hỏi ngươi : Cái khăn sáu kết này nếu cùng một lượt mở ra, có được chăng ?

- Bạch Thế Tôn ! Không ạ ! Kết này khi thắt có thứ tự, nay mở cũng phải theo thứ tự. Sáu kết dù đồng thể, nhưng thắt chẳng cùng thời, thì làm sao có thể mở cùng một lượt ?

Phật nói :

- Giải tỏa lục Căn cũng như vậy, Căn này vừa bắt đầu giải tỏa thì được Nhân Ngã Không, nếu tánh Không sáng tỏ thì Pháp Ngã giải thoát, thành tựu pháp giải thoát xong, cả hai thứ Không đều chẳng sanh, ấy gọi là từ Tam-ma-địa, chứng Vô Sanh Pháp Nhẫn của Bồ-tát.

A-nan và Đại Chúng nghe Phật khai-thị huệ giác viên thông, chẳng còn nghi hoặc, bèn chắp tay đảnh lễ, bạch Phật rằng :

- Nay chúng con thân tâm rõ ràng vô ngại, dù đã ngộ cái nghĩa "Nhất lục đều tiêu", nhưng còn chưa thấu đạt nguồn gốc của viên thông. Thế Tôn, chúng con bị trôi lăn lẻ loi từ nhiều kiếp, ngờ đâu lại được làm con của Phật, như đứa bé khát sữa bỗng được gặp mẹ, nếu nhân cơ hội này mà thành đạo, được mật ngôn của Phật, đồng với bổn ngộ của con, thì mới tự rõ : nghe và chưa nghe chẳng có sai biệt. Xin Phật rủ lòng từ bi ban cho bí nghiêm để con được thành tựu lời khai-thị cuối cùng của Như-lai. Nói xong, năm vóc gieo sát đất, lui về chỗ ẩn mật, mong Phật âm thầm mật thọ.

LƯỢC GIẢI

Phật khai-thị "Huệ giác viên thông" tức "Lục mở nhất tiêu" và đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn kể trên, do "Lục mở" nên thân được vô ngại; do "nhất tiêu" nên tâm được vô ngại, dù chưa đến nơi lục Căn thanh tịnh, nhưng nhổ nhất thì lục tiêu, lục tiêu thì nhất diệt, đã rõ ràng chẳng còn nghi hoặc, nhưng A-nan còn chưa ngộ nguồn gốc của viên thông ở đâu; căn nào viên thông nhất; dựa theo căn nào sâu vào mới mau chứng được viên thông.

Sự dựa theo căn viên thông, chứng quả viên thông, nơi A-nan thì do đó thành đạo, nơi Như-lai thì là lời khai-thị cuối cùng, nên A-nan mong Phật chẳng tiếc bí nghiêm (pháp vi diệu nhiệm mầu), mà âm thầm mật thọ. Nếu nói về Căn viên thông thì có thể hiển bày, so sánh Căn nào viên thông nhất để dựa theo đó vào Tam-ma-địa còn có thể được; nếu muốn ngay đó chứng ngộ thì phải mỗi mỗi tự tu tự chứng, đâu thể nhờ lời nói mà đến được ! Lời nói còn chẳng thể đến thì làm sao có thể mật thọ ?

Nhưng theo ý của A-nan, mong Phật mật thọ, tức là Phật chẳng dùng lời nói để nói, gọi là mật ngôn; A-nan chẳng dùng cái nghe để nghe, gọi là bổn ngộ, nên nói "Được mật ngôn của Phật, tức đồng bổn ngộ của con", có nghe đồng như chưa nghe, thường nghe khi chưa nghe, gọi là Chơn-nghe, nên lui về chỗ ẩn mật mà mong cầu mật thọ.

Giả sử Phật có thể truyền thọ, A-nan có thể đắc được, thì chẳng phải là bí mật rồi, nếu do đó mà được chứng viên thông thì chẳng phải viên thông rồi. Sự Chứng-ngộ phải do tự Ngộ, đâu thể do người khác ban cho mà được ?

Tác giả bài viết: thichdaophat

Nguồn tin: Tông Phong Tàng Thư

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn