17:32 ICT Thứ sáu, 29/03/2024

Giới Thiệu

Thiền sư Lai Quả

  Sư tên Diệu Thọ tự Lai Quả, hiệu là Tịnh Như, con nhà nông họ Lưu, quê ở huyện Hoàng Cương, tỉnh Hồ Bắc.  Năm lên bảy, Sư nghe vị Tăng bên cạnh tụng câu "Vô trí diệc vô đắc" trong Tâm Kinh, Sư có tỉnh ngộ. Năm 12 tuổi, Sư có chí thoát trần, trốn đi xuất gia, bị người anh tìm bắt trở...

Danh mục chính

Liên Kết Trang

HUE NANG
TS DUC SON
TS NGUYET KHE

Trang nhất » Tông Phong Tàng Thư » Kinh » Kinh Kim Cang

Kinh Kim Cang - phần đầu

Chủ nhật - 31/03/2013 02:34 Xem: 2294

NỘI DUNG

1. Pháp Hội Nhân Do.

Tôi nghe như vầy, một thuở Phật ở nước Xá-vệ, nơi Tịnh-xá Kỳ-hoàn, cùng chúng Đại Tỳ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi vị. Bấy giờ đến giờ ăn, Thế-tôn đắp Y mang Bát vào đại thành Xá-vệ, theo thứ tự khất thực từng nhà trong thành xong, trở về chổ ở thọ Trai, rồi cất Y&Bát, Đại-chúng rửa chân, trải tọa cụ cùng ngồi. 

2. Thiện Hiện Khởi Thỉnh (Tu-bồ-đề là tiếng Phạn, nghĩa Hán là Thiện Hiện).

Khi ấy, Trưởng-lão Tu-bồ-đề ở trong Đại-chúng từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai áo tay phải, quỳ gối chân phải, chắp tay cung kính bạch Phật rằng : 

- Hy hữu Thế-tôn ! Như-lai khéo hộ niệm cho các Bồ-tát, khéo phó chúc cho các Bồ-tát. Bạch Thế-tôn ! Những Thiện-nam,Tín-nữ phát tâm Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác nên an trụ tâm như thế nào, hàng phục tâm như thế nào ? 

Phật bảo : 

Lành thay ! Lành thay ! Tu-bồ-đề ! Theo như ngươi nói, Như-lai khéo hộ niệm cho các Bồ-tát, khéo phó chúc cho các Bồ-tát. Nay ngươi hãy lắng nghe, Ta sẽ vì ngươi nói rõ. Những Thiện-nam tín-nữ phát tâm Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác nên an trụ tâm như vầy, hàng phục tâm như vầy. 

- Bạch Thế-tôn, con rất mong được nghe. 

3. ĐạiThừa Chánh Tông.

Phật bảo Tu-bồ-đề :

- Các Bồ-tát Ma-ha-tát nên hàng phục Tâm như vầy : Tất cả các loài chúng sanh, hoặc noãn sanh, hoặc thai sanh, hoặc thấp sanh, hoặc hóa sanh, hoặc hữu sắc, hoặc vô sắc, hoặc hữu tướng, hoặc vô tướng, hoặc phi hữu tướng, hoặc phi vô tướng, ta đều khiến vào Vô-dư-niết-bàn mà diệt-độ. Diệt-độ vô lượng vô số chúng sanh như thế, mà thật ra chẳng có chúng sanh nào được diệt-độ cả. Tại sao ? Tu-bồ-đề ! Nếu Bồ-tát có ngã-tướng, nhơn-tướng, chúng-sanh-tướng, thọ-giả-tướng ắt chẳng phải Bồ-tát. 

Lược Giải : Tứ tướng có hai thứ : 

1) Mê Thức Tứ Tướng của phàm phu : Chấp thật cái thân ngũ Uẩn này là Ta, gọi là ngã-tướng. Bỏ ngã-tướng chấp vào toàn nhân loại gọi là nhơn-tướng. Bỏ nhân loại chấp vào toàn chúng sanh gọi là chúng-sanh-tướng. Bỏ chúng-sanh-tướng cho là chỉ có Chơn-như Phật-tánh vĩnh viễn tồn tại trong thời gian gọi là thọ-giả-tướng (thọ là thời gian). 

2) Mê Trí Tứ Tướng của bậc Thánh : Bậc Thánh tâm biết có sở chứng, dù chứng đến thanh tịnh Niết-bàn đều thuộc về ngã-tướng. Nay ngộ thêm một bậc, biết chẳng phải ta chứng, siêu việt tất cả chứng, nhưng còn cái tâm năng ngộ gọi là nhơn-tướng. Nay tiến thêm một bậc nữa, liễu tri năng chứng năng ngộ là ngã tướng nhơn tướng, chỗ ngã tướng nhơn tướng chẳng thể đến (năng chứng năng ngộ chẳng thể đến), chỉ còn tâm-liễu-tri, gọi là chúng-sanh-tướng. Rồi tiến thêm một bậc nữa, chiếu soi tâm liễu tri cũng bất khả đắc, chỉ một Giác-thể thanh tịnh gọi là Cứu-kính-giác, tất cả Tịch-diệt, cũng gọi là Niết-bàn. Nếu còn trụ nơi Niết-bàn thì mạng-căn chưa dứt, gọi là thọ-giả-tướng.

4. Diệu Hạnh Vô Trụ.

- Lại nữa, Tu-bồ-đề ! Bồ-tát ở nơi các pháp, nênvô-sở-trụ mà hành việc bố thí, tức là chẳng trụ sắc bố thí, chẳng trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp bố thí. Tu-bồ-đề ! Bồ-tát bố thí nên chẳng trụ nơi tướng như thế. Tại sao ? Nếu Bồ-tát chẳng trụ nơi tướng bố thí thì phước đức chẳng thể suy lường. 

- Tu-bồ-đề ! Ý ngươi thế nào ? Hư không bên phương đông có thể suy lường chăng ? 

- Bạch Thế-tôn, không. 

- Tu-bồ-đề ! Hư không bên các phương nam, tây, bắc và trên, dưới có thể suy lường được chăng ? 

- Bạch Thế-tôn, không. 

- Tu-bồ-đề ! Bồ-tát bố thí chẳng trụ nơi tướng, phước đức cũng như vậy, chẳng thể suy lường. Tu-bồ-đề ! Bồ-tát cần an trụ Tâm như Ta đã bảo. 

5. Như Lý Thật Kiến.

- Tu-bồ-đề ! Ý ngươi thế nào ? Có thể nhờ thân tướng mà thấy Như-lai chăng ? 

- Bạch Thế-tôn, không. Chẳng thể nhờ thân tướng thấy được Như-lai. Tại sao ? Như-lai nói thân tướng tức phi thân tướng.

Phật bảo Tu-bồ-đề : Phàm tất cả tướng đều là hư vọng. Nếu thấy các tướng phi tướng, tức là thấy Như-lai. 

Lược Giải : Ý Phật ở đây là phá chấp tướng. Nếu thấy các pháp có tướng là chấp vào tướng có. Nếu thấy các pháp không tướng là chấp vào tướng không. Nên ở đây Kinh nói "Các tướng phi tướng", mà nếu chấp vào phi tướng cho là chẳng phải tướng, cho là không tướng thì vẫn còn chấp tướng. 

6. Chánh Tín Hy Hữu. 

Tu-bồ-đề Thưa rằng : 

- Bạch Thế-tôn ! Nếu có chúng sanh được nghe những lời nói, văn tự kể trên có thể sanh lòng tin chơn thật chăng ? 

Phật bảo : 

- Tu-bồ-đề, đừng nói vậy ! Sau khi Như-lai diệt độ năm trăm năm về sau, từ Tượng-pháp cho đến Mạt-pháp, nếu có người tu phước trì Giới đối với lời nói, văn tự kể trên được sanh lòng tin, cho đó là thật. Phải biết người ấy đã nghe lời nói văn tự này, cho đến được một niệm sanh khởi lòng tin trong sạch, là vì đã từng gieo trồng thiện căn nơi muôn ngàn vô lượng Phật, chứ chẳng phải gieo trồng thiện căn nơi một Phật, hoặc ba, bốn, năm Phật. Tu-bồ-đề ! Như-lai biết rõ, thấy rõ những chúng sanh ấy được vô lượng phước đức như thế. Tại sao ? Vì những chúng sanh ấy chẳng còn có ngã-tướng, nhơn-tướng, chúng-sanh-tướng, thọ-giả-tướng, chẳng chấp Pháp-tướng, cũng chẳng chấp Phi-pháp-tướng. Tại sao ? Vì những chúng sanh ấy nếu khởi tâm chấp Tướng (tiền trần) tức là dính mắc bốn tướng ngã, nhơn, chúng sanh, thọ giả. Nếu chấp pháp-tướng (pháp trần) cũng là dính mắc bốn tướng ngã, nhơn, chúng sanh, thọ giả. Nếu chấp phi-pháp-tướng (là bóng phân biệt của pháp trần), cũng là dính mắc bốn tướng ngã, nhơn, chúng sanh, thọ giả. Vì thế chẳng nên chấp pháp, chẳng nên chấp phi pháp. Do nghĩa này Như-lai thường nói : Các Tỳ-kheo phải biết lời thuyết Pháp của Ta ví như chiếc bè qua sông, đến bờ thì phải bỏ bè; vậy Pháp còn phải bỏ, huống là phi-pháp ?!   

7. Vô Đắc Vô Thuyết.

- Tu-bồ-đề ! Ý ngươi thế nào ? Như-lai có chứng đắc Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác chăng ? Như-lai có thuyết Pháp chăng ? 

Tu-bồ-đề đáp : 

- Như con hiểu nghĩa của Phật nói thì chẳng có pháp nhất định gọi là pháp Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác, cũng chẳng có pháp nhất định cho Như-lai thuyết. Tại sao ? Vì Pháp của Như-lai thuyết đều chẳng thể chấp thật, chẳng thể nói là pháp, là phi pháp hay phi phi pháp. Tại sao ? Vì tất cả Hiền-thánh đều dựa theo Pháp-vô-vi mà nói có sai biệt. 

Lược Giải : Tất cả Hiền-thánh đều dựa theo pháp vô vi mà nói có sai biệt : Pháp-vô-vi tức là pháp-vô-sanh, chẳng thể tu chứng, chẳng thể suy lường, chẳng thể diễn tả. Nay dựa theo đường đi vô-vi, vì chưa đến chỗ vô-vi nên mới có đủ thứ sai biệt như thập-tín, thập-trụ, thập-hạnh, thập-hồi-hướng, cho đến thập-địa, đẳng-giác, nếu đã đến Diệu-giác tức là chỗ vô-vi thì chẳng còn sai biệt.  

8. Y Pháp Xuất Sanh.

- Tu-bồ-đề ! Ý ngươi thế nào ? Như có người đem thất bửu đầy khắp cõi Tam thiên đại thiên thế giới dùng để bố thí, người ấy được phước đức nhiều chăng ? 

Tu-bồ-đề đáp : 

- Bạch Thế-tôn, rất nhiều. Tại sao ? Phước đức ấy tức phi phước đức tánh, nên Như-lai nói là phước đức nhiều. 

Phật bảo : 

- Nếu có người thọ trì (tín thọ mà thực hành) Kinh này, cho đến chỉ thực hành theo bốn câuKệ rồi giảng cho người khác nghe, thì phước đức lại nhiều hơn người kia. Tại sao ? Tu-bồ-đề ! Tất cả chư Phật và pháp Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác của chư Phật đều từ Kinh này ra. Tu-bồ-đề, gọi là Phật-pháp, tức phi Phật-pháp. 

9. Nhất Tướng Vô Tướng.

- Tu-bồ-đề ! Ý ngươi thế nào ? Tu-đà-hoàn có thể nghĩ rằng "Ta đắc quả Tu-đà-hoàn" chăng ? 

Tu-bồ-đề đáp : 

- Bạch Thế-tôn, không ạ. Tại sao ? Tu-đà-hoàn gọi là Nhập-lưu mà vô-sở-nhập; chẳng nhập sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, ấy gọi là Tu-đà-hoàn. 

- Tu-bồ-đề ! Ý ngươi thế nào ? Tư-đà-hàm có thể nghĩ rằng "Ta đắc quả Tư-đà-hàm" chăng ? 

- Bạch Thế-tôn, không ạ. Tại sao ? Tư-đà-hàm gọi là Nhất-vãng-lai mà thật chẳng vãng-lai, ấy gọi là Tư-đà-hàm. 

- Tu-bồ-đề ! Ý ngươi thế nào ? A-na-hàm có thể nghĩ rằng "Ta đắc quả A-na-hàm" chăng ? 

- Bạch Thế-tôn, không. Tại sao ? A-na-hàm gọi là Bất-lai mà thật chẳng phải bất-lai, ấy gọi là A-na-hàm. 

- Tu-bồ-đề ! Ý ngươi thế nào ? A-la-hán có thể nghĩ rằng "Ta đắc đạo A-la-hán" chăng ? 

- Bạch Thế-tôn, không. Tại sao ? Thật chẳng có pháp gọi là A-la-hán. Thế-tôn ! Nếu A-la-hán nghĩ rằng "Ta đắc đạo A-la-hán", tức là dính mắc bốn tướng ngã, nhơn, chúng sanh, thọ giả. Thế-tôn ! Phật nói con đắc Vô Tranh Tam-muội là hạng nhất trong loài người, là hạng nhất trong bậc ly dục A-la-hán. Thế-tôn ! Nhưng con nghĩ rằng con là ly dục A-la-hán. Thế-tôn, nếu con nghĩ rằng con đắc đạo A-la-hán, thì Thế-tôn chẳng nói Tu-bồ-đề là một hành giả thanh tịnh hạnh. Vì Tu-bồ-đề vốn là vô-sở-hành, nên mới gọi Tu-bồ-đề là hành giả thanh tịnh hạnh. 

10. Trang Nghiêm Tịnh Độ.

Phật bảo : 

- Tu-bồ-đề ! Ý ngươi thế nào ? Xưa kia Như-lai ở nơi Phật Nhiên-đăng có đắc Pháp gì chăng ? 

- Bạch Thế-tôn, không. Như-lai ở nơi Phật Nhiên-đăng thật vô-sở-đắc.

- Tu-bồ-đề ! Ý ngươi thế nào ? Bồ-tát có trang nghiêm Phật-độ chăng ?

- Bạch Thế-tôn, không. Tại sao ? Nói trang nghiêm Phật-độ, tức phi trang nghiêm, thị danh trang nghiêm. 

- Cho nên Tu-bồ-đề ! Chư Bồ-tát Ma-ha-tát nên sanh tâm trong sạch như thế là chẳng nên khởi tâm trụ sắc, chẳng nên khởi tâm trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp, nên chẳng có chỗ trụ mà sanh tâm. 

- Tu-bồ-đề ! Ví như có người thân như núi chúa Tu-di, ý ngươi thế nào ? Thân ấy có đại chăng ? 

- Bạch Thế-tôn, rất đại. Tại sao ? Phật nói phi thân thị danh đại-thân (Chữ đại ở đây là siêu việt số lượng). 

Lược Giải : Nói trang nghiêm Phật-độ, tức phi trang nghiêm, thị danh trang nghiêm. Đây là nghĩa ba câu trong Kinh này : Câu thứ nhất cho trang nghiêm Phật-độ là thật; câu thứ nhì dùng chữ phi để phá cái chấp thật của câu thứ nhất; câu thứ ba cho tất cả tên gọi đều là giả danh. Câu thứ nhất trang nghiêm Phật-độ là giả danh, câu thứ nhì phi trang nghiêm cũng là giả danh, câu thứ ba thị danh trang nghiêm cũng là giả danh. Vậy giả danh thì chẳng có nghĩa thật, cho nên Phật nói : "Phàm là lời nói đều chẳng phải nghĩa thật".  

11. Vô Vi Phước Thắng.

- Tu-bồ-đề ! Như có nhiều sông Hằng bằng số cát trong một sông Hằng. Ý ngươi thế nào ? Số cát ở trong những sông Hằng ấy có phải nhiều chăng ? Tu-bồ-đề đáp : 

- Bạch Thế-tôn, rất nhiều. Chỉ những sông Hằng ấy cũng nhiều vô số rồi, huống chi là cát. 

- Tu-bồ-đề ! Nay Ta nói thật cho nghe, như có Thiện-nam tín-nữ, đem thất bửu chứa đầy các Đại thiên thế giới bằng số cát kể trên dùng để bố thí, được phước nhiều chăng ? 

- Bạch Thế-tôn, rất nhiều. 

Phật bảo Tu-bồ-đề : 

- Nếu có Thiện-nam tín-nữ thọ trì Kinh này, cho đến chỉ thực hành theo bốn câu Kệ, rồi giảng cho người khác nghe, thì phước đức lại nhiều hơn người kia. 

12. Tôn Trọng Chánh Giáo.

- Lại nữa, Tu-bồ-đề ! Bất cứ nơi nào có thuyết Kinh này, cho đến chỉ thuyết bốn câu Kệ, phải biết nơi đó tất cả thế gian, Trời, người, A-tu-la đều nên cúng dường như Tháp miếu của Phật, huống chi có người được thọ trì đọc tụng cả Kinh này. Tu-bồ-đề ! Nên biết người ấy thành tựu Pháp hy hữu tối thượng hạng nhất. Vậy phàm nơi nào có Kinh-điển này tức là có Phật, được Phật-tử tôn trọng. 

13. Như Pháp Thọ Trì. 

Khi ấy Tu-bồ-đề thưa rằng : 

- Bạch Thế-tôn ! Kinh này nên đặt tên gì ? Chúng con phải thọ trì như thế nào ? Phật bảo Tu-bồ-đề : 

- Kinh này tên là Kim Cang Bát-nhã Ba-la-mật, ngươi cứ theo tên gọi thọ trì. Tại sao ? Tu-bồ-đề, Phật nói Bát-nhã Ba-la-mật, tức phi Bát-nhã Ba-la-mật, thị danh Bát-nhã Ba-la-mật (đây cũng là nghĩa ba câu đã được giải ở trên). 

- Tu-bồ-đề ! Ý ngươi thế nào ? Như-lai có thuyết Pháp chăng ? 

- Bạch Thế-tôn, Như-lai vô-sở-thuyết. 

- Tu-bồ-đề ! Ý ngươi thế nào ? Tất cả vi trần trong Tam thiên đại thiên thế giới có nhiều chăng ? 

Tu-bồ-đề thưa : 

- Bạch Thế-tôn, rất nhiều. 

- Tu-bồ-đề ! Như-lai nói những vi trần ấy tức phi vi trần, thị danh vi trần. Như-lai nói thế giới tức phi thế giới, thị danh thế giới. Tu-bồ-đề ! Ý ngươi thế nào ? Có thể nhờ ba mươi hai tướng thấy Như-lai chăng ? 

- Bạch Thế-tôn, không. Chẳng thể nhờ ba mươi hai tướng thấy được Như-lai. Tại sao ? Như-lai nói ba mươi hai tướng tức là phi tướng, thị danh ba mươi hai tướng. 

- Tu-bồ-đề ! Như có Thiện-nam tín-nữ đem thân mạng nhiều bằng số cát sông Hằng dùng để bố thí; với người thọ trì kinh này, cho đến chỉ thực hành theo bốn câu Kệ và giảng cho người khác nghe, thì được phước hơn người kia rất nhiều.

14. Ly Tướng Tịch Diệt.

Bấy giờ Tu-bồ-đề nghe Phật thuyết Kinh này, hiểu thấu nghĩa thâm sâu, xúc động chảy nước mắt mà bạch Phật rằng : 

- Hy hữu Thế-tôn ! Phật thuyết Kinh-điển thâm sâu như thế, con từ khi được Huệ-nhãn đến nay, chưa từng được nghe Kinh như vậy. Bạch Thế-tôn ! Lại nếu có người nghe được Kinh này lòng tin trong sạch, liền sanh Thật-tướng, phải biết ngươì ấy thành tựu được Công-đức hy hữu hạng nhất. 

Bạch Thế-tôn ! Đây nói Thật-tướng tức là Phi-tướng, cho nên Như-lai nói giả danh Thật-tướng. 

Bạch Thế-tôn ! Nay con được nghe Kinh này tín, giải, thọ trì chẳng cho là khó. Nếu năm trăm năm về sau, đời vị lai có chúng sanh nghe được Kinh này, tín, giải, thọ trì thì người ấy là hy hữu hạng nhất. Tại sao ? Vì người ấy vô ngã tướng, nhơn tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng. Tại sao ? Vì ngã tướng tức là phi tướng, nhơn tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng cũng là phi tướng. Tại sao ? Lìa tất cả chư tướng, tức gọi là chư Phật. 

Phật bảo Tu-bồ-đề : 

- Đúng thế ! Đúng thế ! Lại nếu có người được nghe Kinh này mà chẳng kinh ngạc, chẳng khiếp sợ, phải biết người ấy rất là hy hữu. Tại sao ? Tu-bồ-đề ! Như-lai nói đệ nhất Ba-la-mật, tức phi đệ nhất Ba-la-mật, thị danh đệ nhất Ba-la-mật. 

Tu-bồ-đề ! Như-lai nói nhẫn nhục Ba-la-mật, tức phi nhẫn nhục Ba-la-mật, thị danh nhẫn nhục Ba-la-mật. Tại sao ? Tu-bồ-đề ! Như Ta xưa kia bị vua Ca-lợi xẻ nát thân thể, lúc đó Ta vô ngã tướng, nhơn tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng. Tại sao ? Vì xưa kia khi Ta bị phanh xé thân thể từng miếng, nếu có ngã tướng, nhơn tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng thì phải sanh tâm sân hận. 

Tu-bồ-đề ! Nhớ lại kiếp quá khứ, Ta làm tiên nhẫn nhục trãi qua năm trăm đời, những đời ấy đều vô ngã tướng, nhơn tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng. Tu-bồ-đề ! Vì thế Bồ-tát phát tâm Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác phải lìa tất cả tướng. Chẳng nên sanh tâm trụ nơi sắc và cũng chẳng nên sanh tâm trụ nơi thanh, hương, vị, xúc, pháp, nên sanh tâm vô-sở-trụ; nếu tâm có trụ tức là phi trụ, thị danh tâm trụ. 

Cho nên Phật nói tâm của Bồ-tát chẳng nên trụ nơi sắc bố thí, chẳng nên trụ nơi thanh, hương, vị, xúc, pháp bố thí. Tu-bồ-đề ! Bồ-tát vì lợi ích tất cả chúng sanh, cần phải bố thí như thế. Như-lai nói 'Tất cả các tướng tức là phi tướng', lại nói 'Tất cả chúng sanh tức phi chúng sanh'. 

Tu-bồ-đề ! Như-lai là người chơn ngữ, thật ngữ, như ngữ, bất cuống ngữ, bất dị ngữ. Tu-bồ-đề ! Pháp của Như-lai chứng đắc, ấy là Pháp vô thật vô hư. 

Tu-bồ-đề ! Nếu tâm của Bồ-tát trụ nơi pháp mà hành việc bố thí thì cũng như người vào chỗ tối chẳng thấy gì cả. Nếu tâm của Bồ-tát chẳng trụ nơi pháp mà hành việc bố thí, thì cũng như người có mắt dưới ánh sáng mặt trời, tất cả thấy rõ đủ thứ sắc tướng. 

Tu-bồ-đề ! Về đời sau này, nếu có Thiện-nam tín-nữ thọ trì, đọc tụng Kinh này thì trí huệ của Như-lai biết rõ người ấy, thấy rõ người ấy, đều được thành tựu công đức vô lượng vô biên. 

Lược Giải : Ngũ ngữ : Chơn-ngữ, thật-ngữ, như-ngữ, bất-cuống-ngữ, bất-dị-ngữ. Phật thuyết chơn-ngữ là nghĩa chung với Nhị-thừa (có sanh để diệt, có Niết-bàn để chứng), thật-ngữ là nghĩa chung với Bồ-tát (nghĩa Đại-thừa, sanh tử Niết-bàn đều như hoa đốm trên không), như-ngữ là nghĩa chung với Tam-thừa (trí huệ chẳng thể suy lường, lời nói chẳng thể diễn tả), bất-cuống-ngữ : chẳng dối tức là vô hư; bất dị ngữ : thấy trước việc chưa đến gọi là bất dị, tức là vô thật, nên Phật nói 'Pháp ấy là vô thật vô hư'. 

15. Trì Kinh Công Đức.

- Tu-bồ-đề ! Nếu có Thiện-nam tín-nữ, buổi sáng bố thí thân thể nhiều bằng số cát sông Hằng, buổi trưa lại bố thí thân thể nhiều bằng số cát sông Hằng, buổi chiều cũng bố thí thân thể nhiều bằng số cát sông Hằng, cứ bố thí thân thể như thế cho đến vô lượng trăm, nghìn, muôn ức kiếp. Với người nghe Kinh-điển này lòng tin vững chắc thì được phước nhiều hơn người kia, huống chi lại còn biên chép, thọ trì, đọc tụng, giảng giải cho người khác nghe. 

Tu-bồ-đề ! Nói tóm lại, Kinh này có công đức vô biên, bất khả tư nghì, chẳng thể suy lường. Như-lai vì người phát tâm Đại-thừa và người phát tâm Tối-thượng-thừa mà thuyết. Nếu có người nào hay thọ trì đọc tụng, phổ biến cho người, thì Như-lai biết rõ người ấy, thấy rõ người ấy đều được thành tựu vô biên công đức, bất khả tư nghì, chẳng thể suy lường. Những người như thế mới là gánh vác được đạo Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác của Như-lai. Tại sao ? Tu-bồ-đề ! Nếu người ưa Pháp-tiểu-thừa, dính mắc ngã kiến, nhơn kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến (chẳng ngoài sáu mươi hai kiến chấp), thì chẳng thể tín thọ, đọc tụng Kinh này và giảng giải cho người khác nghe. 

Tu-bồ-đề ! Bất cứ nơi nào, nếu có Kinh này, tất cả thế gian, Trời, người, A-tu-la, đều nên cúng dường. Phải biết chỗ đó chính là Tháp Phật, đều nên cung kính lễ bái, dùng các thứ hương hoa rải quanh chỗ đó.  

=> Xem tiếp Phần cuối =>

Tác giả bài viết: Liễu Phàm

Nguồn tin: Tông Phong Tàng Thư

Những tin mới hơn