15:27 ICT Thứ năm, 25/04/2024

Giới Thiệu

Thiền sư Liễu Quán

Nhằm tăng cường lòng tin Pháp-môn, chúng tôi giới thiệu cùng các bạn Thiền-sư Liễu Quán (1667 - 1743), đời Pháp thứ 35 tông Lâm Tế, một người Việt Nam tham thiền đạt ngộ. Tư liệu này được trích trong sách "Lịch sử Phật giáo Đàng Trong VN" của Nguyễn Hiền Đức.          ...

Danh mục chính

Liên Kết Trang

HUE NANG
TS DUC SON
TS NGUYET KHE

Trang nhất » Tông Phong Tàng Thư » Kinh » Kinh Kim Cang

Kinh Kim Cang - phần cuối

Chủ nhật - 31/03/2013 02:37 Xem: 2637

16. Năng Tịnh Nghiệp Chướng.

- Lại nữa, Tu-bồ-đề ! Như Thiện-nam tín-nữ thọ trì đọc tụng Kinh này, nếu bị người khinh rẻ, thì những nghiệp nhân đời trước đáng lẽ phải đọa ác đạo, vì nay bị người đời khinh rẻ, nên những nghiệp nhân đời trước liền được tiêu diệt, lại còn được đắc đạo Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác. 

Tu-bồ-đề ! Ta nhớ đời quá khứ, trước Phật Nhiên-đăng vô lượng vô số kiếp, được gặp tám trăm bốn nghìn muôn ức na-do-tha chư Phật, Ta đều cúng dường thờ phụng, chẳng bỏ sót Phật nào. Lại, nếu có người đời Mạt-kiếp hay thọ trì đọc tụng Kinh này, được nhiều công đức, đem công đức cúng dường chư Phật của Ta so với công đức ấy, chẳng bằng một phần trăm, một phần nghìn, muôn ức, cho đến toán số, thí dụ đều chẳng thể sánh bằng. 

Tu-bồ-đề ! Nếu ở đời Mạt-kiếp, có Thiện-nam tín-nữ thọ trì đọc tụng Kinh này, được công đức vô lượng. Nếu Ta kể ra hết, hoặc có người nghe rồi tâm liền cuồng loạn, nghi ngờ chẳng tin. Tu-bồ-đề ! Phải biết ý nghĩa Kinh này bất khả tư nghì, quả báo cũng bất khả tư nghì. 

17. Cứu Kính Vô Ngã.

Lúc bấy giờ, Tu-bồ-đề thưa rằng : 

- Bạch Thế-tôn ! Những Thiện-nam tín-nữ phát tâm Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác nên an trụ tâm như thế nào ? Hàng phục tâm như thế nào ? Phật bảo Tu-bồ-đề : 

- Những Thiện-nam tín-nữ phát tâm Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác, nên sanh tâm như thế này : Ta phải diệt độ cho tất cả chúng sanh, diệt độ tất cả chúng sanh rồi mà chẳng có một chúng sanh nào được diệt-độ. Tại sao ? Tu-bồ-đề ! Nếu Bồ-tát có ngã-tướng, nhơn-tướng, chúng-sanh-tướng, thọ-giả-tướng thì chẳng phải Bồ-tát. Tại sao ? Tu-bồ-đề ! Vì thật chẳng có pháp gì để phát tâm Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác. 

Tu-bồ-đề ! Ý ngươi thế nào ? Như-lai ở nơi Phật Nhiên-đăng có đắc pháp Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác chăng ? 

- Bạch Thế-tôn, không. Theo con hiểu nghĩa của Phật nói, Như-lai ở nơi Phật Nhiên-đăng thật chẳng có đắc pháp Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác. 

Phật bảo : 

- Đúng thế ! Đúng thế ! Tu-bồ-đề ! Như-lai thật chẳng đắc pháp Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác. Tu-bồ-đề ! Nếu Như-lai có đắc pháp Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác thì Phật Nhiên-đăng chẳng thọ-ký cho Ta rằng : "Về đời sau ngươi sẽ được thành Phật, hiệu là Thích-ca Mâu-ni". Bởi thật chẳng có đắc pháp Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác, nên Phật Nhiên-đăng mới thọ-ký cho Ta. Tại sao ? Nói Như-lai tức là các pháp như nghĩa. Nếu có người nói rằng Như-lai đắc Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác là chẳng đúng như nghĩa. Tu-bồ-đề ! Vì thật ra Phật chẳng đắc pháp Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác. Tu-bồ-đề ! Nói Như-lai đắc Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác, ở trong đó vô thật vô hư. 

Cho nên Như-lai nói : "Tất cả các pháp đều là Phật-pháp". Tu-bồ-đề ! Nói tất cả pháp, tức phi tất cả pháp, thị danh tất cả pháp. Tu-bồ-đề ! Ví như thân người cao lớn đã kể trên, nghĩa là siêu việt số lượng. 

Tu-bồ-đề thưa rằng : 

- Bạch Thế-tôn ! Như-lai nói thân người cao lớn, tức phi thân lớn, thị danh thân lớn. 

- Tu-bồ-đề ! Bồ-tát cũng như thế. Nếu nói rằng Ta phải diệt-độ vô lượng chúng sanh thì chẳng thể gọi là Bồ-tát. Tại sao ? Tu-bồ-đề ! Thật chẳng có pháp gọi là Bồ-tát. Cho nên Phật thuyết tất cả pháp vô ngã, vô nhơn, vô chúng sanh, vô thọ giả. 

Tu-bồ-đề ! Nếu Bồ-tát nói rằng Ta phải trang nghiêm cõi Phật thì chẳng thể gọi là Bồ-tát. Tại sao ? Vì Như-lai nói trang nghiêm cõi Phật, tức phi trang nghiêm, thị danh trang nghiêm. 

Tu-bồ-đề ! Nếu Bồ-tát thông đạt Pháp-vô-ngã thì Như-lai nói ấy mới gọi là Chơn-bồ-tát.

Ghi Chú : Các pháp như nghĩa là đúng như thật nghĩa, thật nghĩa vô nghĩa cũng như Phật nói 'Thật-tướng vô tướng' vậy.  

18. Nhất Thể Đồng Quán.

- Tu-bồ-đề ! Ý ngươi thế nào ? Như-lai có Nhục-nhãn chăng ?

- Bạch Thế-tôn, đúng thế ! Như-lai có Nhục-nhãn. 

- Tu-bồ-đề ! Ý ngươi thế nào ? Như-lai có Thiên-nhãn chăng ? 

- Bạch Thế-tôn, đúng thế ! Như-lai có Thiên-nhãn. 

- Tu-bồ-đề ! Ý ngươi thế nào ? Như-lai có Huệ-nhãn chăng ? 

- Bạch Thế-tôn, đúng thế ! Như-lai có Huệ-nhãn. 

- Tu-bồ-đề ! Ý ngươi thế nào ? Như-lai cóPháp-nhãn chăng ? 

- Bạch Thế-tôn, đúng thế ! Như-lai có Pháp-nhãn. 

- Tu-bồ-đề ! Ý ngươi thế nào ? Như-lai có Phật-nhãn chăng ?

- Bạch Thế-tôn, đúng thế ! Như-lai có Phật-nhãn. 

- Tu-bồ-đề ! Ý ngươi thế nào ? Như số cát trong sông Hằng kia, Phật nói là cát chăng ?

- Bạch Thế-tôn, đúng thế ! Như-lai nói là cát. 

- Tu-bồ-đề ! Ý ngươi thế nào ? Như có những sông Hằng nhiều bằng số cát trong một sông Hằng, rồi lại có cõi Phật nhiều bằng số cát trong những sông Hằng ấy, như thế có phải là nhiều chăng ? 

- Bạch Thế-tôn, rất nhiều. 

Phật bảo Tu-bồ-đề : 

- Bao nhiêu thứ tâm niệm của chúng sanh trong cõi Phật ấy, Như-lai đều biết rõ. Tại sao ? Như-lai nói các Tâm, đều là phi Tâm, thị danh là Tâm. Tại sao ? Tu-bồ-đề ! Tâm quá khứ bất khả đắc, tâm hiện tại bất khả đắc, tâm vị lai bất khả đắc (phá chấp Tâm là thật có). 

19. Pháp-giới Thông Hóa.

- Tu-bồ-đề ! Ý ngươi thế nào ? Nếu có người đem thất bửu chất đầy Tam thiên đại thiên thế giới dùng để bố thí, người ấy nhờ nhân duyên đó, được phước đức nhiều chăng ? 

- Bạch Thế-tôn, đúng thế ! Người ấy nhờ nhân duyên đó, được phước đức rất nhiều. 

- Tu-bồ-đề ! Nếu phước đức có thật thì Như-lai chẳng nói được phước đức nhiều. Vì phước đức vốn chẳng thật nên Như-lai nói được phước đức nhiều. 

20. Ly Sắc Ly Tướng.

- Tu-bồ-đề ! Ý ngươi thế nào ? Có thể nhờ Sắc-thân đầy đủ thấy Phật chăng ? 

- Bạch Thế-tôn, không. Chẳng nên nhờ Sắc-thân đầy đủ mà thấy Phật. Tại sao ? Như-lai nói sắc thân đầy đủ, tức phi sắc thân đầy đủ, thị danh sắc thân đầy đủ

- Tu-bồ-đề ! Ý ngươi thế nào ? Có thể nhờ các tướng đầy đủ thấy Như-lai chăng ? 

- Bạch Thế-tôn, không. Chẳng nên nhờ các tướng đầy đủ mà thấy Như-lai. Tại sao ? Như-lai nói các tướng đầy đủ, tức phi các tướng đầy đủ, thị danh các tướng đầy đủ. 

21. Phi Thuyết Sở Thuyết.

- Tu-bồ-đề ! Ngươi chớ nói Như-lai có nghĩ rằng "Ta phải có thuyết Pháp" đừng nghĩ vậy. Tại sao ? Nếu người nào nói Như-lai có thuyết Pháp tức là phỉ báng Phật, chẳng hiểu lời nói của Ta. Tu-bồ-đề ! Nói thuyết Pháp là chẳng có Phápđể thuyết, thị danh thuyết Pháp. 

 Bấy giờ, Huệ-mạng Tu-bồ-đề thưa Phật rằng : 

- Bạch Thế-tôn ! Những chúng sanh đời vị lai nghe được Pháp này sanh lòng tin chăng ? 

Phật bảo : 

- Tu-bồ-đề ! Những chúng sanh ấy là phi chúng sanh, phi bất chúng sanh. Tại sao ? Tu-bồ-đề ! Chúng sanh cho là chúng sanh, Như-lai nói phi chúng sanh, thị danh chúng sanh. 

Ghi Chú : Huệ-mạng : Pháp-thân là thể của Tự-tánh, Huệ-mạng là dụng của Tự-tánh; sự nghiệp hoằng Pháp độ sanh chẳng gián đoạn gọi là Huệ-mạng.  

22. Vô Pháp Khả Đắc.

Tu-bồ-đề thưa rằng : 

- Bạch Thế-tôn ! Phật đắc Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác là vô-sở-đắc chăng ? 

- Đúng thế ! Đúng thế ! Tu-bồ-đề ! Ta ở nơi pháp Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác, thật chẳng đắc một chút gì cả, thị danh Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác. 

23. Tịnh Tâm Hành Thiện.

- Lại nữa, Tu-bồ-đề ! Pháp ấy bình đẳng, chẳng có cao thấp, gọi là Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác. Vì vô ngã, vô nhơn, vô chúng sanh, vô thọ giả mà tu tất cả thiện pháp, thì liền được Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác. Tu-bồ-đề ! Như-lai nói thiện pháp tức phi thiện pháp, thị danh thiện pháp. 

24. Phước Trí Vô Tỷ.

- Tu-bồ-đề ! Nếu có người đem thất bửu chất đầy bằng núi Tu-di trong Tam thiên đại thiên thế giới dùng để bố thí, với người thọ trì đọc tụng Kinh này, cho đến chỉ hành theo bốn câu Kệ và giảng giải cho người khác nghe, thì phước đức bố thí so với phước đức thọ trì chẳng bằng một phần trăm, một phần nghìn, muôn ức, cho đến toán số thí dụ cũng chẳng thể sánh bằng. 

25. Hóa Vô Sở Hóa.

- Tu-bồ-đề ! Các ngươi chớ cho Như-lai có nghĩ rằng "Ta phải độ chúng sanh".Tu-bồ-đề, đừng nghĩ vậy ! Tại sao ? Thật chẳng có chúng sanh mà Như-lai độ. Nếu nói Như-lai có độ chúng sanh, thì Như-lai mắc vào bốn tướng ngã, nhơn, chúng sanh và thọ giả. Tu-bồ-đề ! Như-lai nói có ngã tức phi có ngã, mà phàm phu chấp là có ngã. Tu-bồ-đề ! Như-lai nói phàm phu tức phi phàm phu, thị danh phàm phu. 

26. Pháp Thân Phi Tướng.

- Tu-bồ-đề ! Ý ngươi thế nào ? Có thể dùng ba mươi hai tướng để quán Như-lai chăng ? 

 Tu-bồ-đề đáp : 

- Đúng thế ! Đúng thế ! Có thể dùng ba mươi hai tướng quán Như-lai. 

Phật bảo Tu-bồ-đề : 

- Nếu dùng ba mươi hai tướng để quán Như-lai thì Chuyển-luân-thánh-vương cũng là Như-lai sao ? (Chuyển-luân-thánh-vương cũng có ba mươi hai tướng) 

 Tu-bồ-đề thưa rằng : 

-  Bạch Thế-tôn, như con hiểu ý nghĩa lời Phật, thì chẳng nên dùng ba mươi hai tướng để quán Như-lai. 

Khi ấy, Đức Thế-tôn nói kệ rằng : 

Nếu dùng sắc thấy Ta, 

Dùng âm thanh cầu Ta. 

Người nầy đi sai đường, 

Chẳng thể thấy được Ta. 

27. Vô Đoạn Vô Diệt.

- Tu-bồ-đề ! Nếu ngươi nghĩ rằng : "Như-lai vì chẳng nhờ tướng đầy đủ mới đắc Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác". Tu-bồ-đề, đừng nghĩ như vậy ! Nói Như-lai vì chẳng nhờ tướng đầy đủ mới đắc Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác là chẳng đúng. 

Tu-bồ-đề ! Nếu ngươi nghĩ như thế thì người phát tâm Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác là nói các pháp đoạn diệt sao ?! Đừng nghĩ vậy. Tại sao ? Vì người phát tâm Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác, nơi pháp chẳng nói tướng đoạn diệt. 

Lược Giải : Phần 20 nói "Chẳng nên nhờ các tướng đầy đủ mà thấy Như-lai" là phá chấp sắc tướng. Phần 27 nói "Chớ nên nghĩ rằng Như-lai vì chẳng nhờ tướng đầu đủ mới đắc Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác" là phá chấp phải lìa sắc tướng. Vì chấp sắc tướng và chấp lìa sắc tướng đều chẳng thể đạt đến Kiến-tánh. 

28. Bất Thọ Bất Tham.

- Tu-bồ-đề ! Nếu Bồ-tát đem thất bửu chất đầy những thế giới như số cát sông Hằng dùng để bố thí, với Bồ-tát biết tất cả pháp vô ngã, được thành tựu Pháp-nhẫn (lòng tin vững chắc), thì Bồ-tát này được công đức hơn Bồ-tát kia. Tại sao ? Tu-bồ-đề, vì các Bồ-tát này chẳng thọ phước đức. 

Tu-bồ-đề thưa rằng : 

- Bạch Thế-tôn ! Sao nói Bồ-tát chẳng thọ phước đức ? 

- Tu-bồ-đề ! Vì Bồ-tát làm việc phước đức chẳng sanh khởi lòng tham, cho nên nói chẳng thọ phước đức. 

29. Oai Nghi Tịch Tịch.

- Tu-bồ-đề ! Nếu có người nói rằng "Như-lai hoặc đến, hoặc đi, hoặc ngồi, hoặc nằm" thì người ấy chẳng hiểu được ý nghĩa lời Ta nói. Tại sao ? Vì Như-lai chẳng từ đâu đến, cũng chẳng đi về đâu, nên gọi là Như-lai. 

Lược Giải : Tự-tánh cùng khắp không-gian và thời-gian, khắp không gian thì chẳng có khứ lai, nên gọi là Như-lai, khắp thời gian thì chẳng có gián đoạn (chẳng có sanh diệt), nên gọi là Niết-bàn. 

30. Nhất Hợp Tướng Lý.

- Tu-bồ-đề ! Nếu có Thiện-nam tín-nữ, đem cõi Tam thiên đại thiên thế giới nghiền nát ra thành vi trần, ý ngươi thế nào ? Những vi trần chúng có phải nhiều chăng ? 

Tu-bồ-đề thưa rằng : 

- Bạch Thế-tôn, rất nhiều. Tại sao ? Nếu những vi trần chúng là thật có thì Phật chẳng nói là vi trần chúng. Tại sao ? Vì Phật nói vi trần chúng, tức phi vi trần chúng, thị danh vi trần chúng. Bạch Thế-tôn ! Như-lai nói Tam thiên đại thiên thế giới, tức phi thế giới, thị danh thế giới. Tại sao ? Nếu thế giới thật có, tức là nhất hợp tướng. Như-lai nói nhất hợp tướng, tức phi nhất hợp tướng, thị danh nhất hợp tướng. 

31. Tri Kiến Bất Sanh.

- Tu-bồ-đề ! Nếu có người nói Phật thuyết ngã kiến, nhơn kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến là thật, Tu-bồ-đề ! Ý ngươi thế nào ? Người ấy có hiểu được ý nghĩa lời Ta nói chăng ? 

- Bạch Thế-tôn, không ! Người ấy chẳng hiểu ý nghĩa của Như-lai nói. Tại sao ? Như-lai nói ngã kiến, nhơn kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến, tức phi ngã kiến, nhơn kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến, thị danh ngã kiến, nhơn kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến. 

- Tu-bồ-đề ! Người phát tâm Vô-thượng Chánh-đẳng Chánh-giác, đối với tất cả pháp nên Tri như thế, Kiến như thế, Tín-giải như thế, chẳng sanh Pháp-tướng. Tu-bồ-đề ! Như-lai nói Pháp-tướng, tức phi Pháp-tướng, thị danh Pháp-tướng. 

32. Ứng Hóa Phi Chơn.

- Tu-bồ-đề ! Nếu có người đem thất bửu chất đầy vô lượng A-tăng-kỳ thế giới dùng để bố thí, với Thiện-nam tín-nữ phát Tâm-bồ-đề thọ trì đọc tụng Kinh này, cho đến chỉ hành theo bốn câu Kệ và giảng giải cho người khác nghe thì phước đức hơn người kia. Vậy phải giảng giải như thế nào ? Nên giảng giải như thế này : 'Như-như bất động, chẳng nên chấp nơi tướng'. Tại sao ? 

Tất cả pháp hữu vi, 

Như mộng, huyễn, bọt, bóng, 

Như sương mù, điện chớp, 

Nên quán theo như thế.

Phật thuyết Kinh này xong, Trưởng-lão Tu-bồ-đề với các Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di và tất cả thế gian, Trời, người, A-tu-la, nghe lời Phật thuyết, đều rất hoan hỷ, tín thọ phụng hành. 

Lược Giải : Như-như bất động, chẳng nên chấp nơi tướng : Theo lời Phật thì hai chữ Như-như là như thật tế, là như bản thể của Tự-tánh. Hai chữ 'bất động' chẳng phải đối với động mà nói bất động, vì Tự-tánh bất nhị, chẳng có biến chuyển nên nói bất động. Về bề mặt thì chẳng thể diễn tả, nếu tả theo bề trái thì chẳng động chẳng tịnh, chẳng thêm chẳng bớt, chẳng lớn chẳng nhỏ, chẳng một chẳng nhiều ... Nên chỉ có thể nói là như-như bất động. Tất cả những đối đãi như động - tịnh, lớn - nhỏ, v.v... cho đến Bồ-đề - Niết-bàn đều là tướng, chẳng chấp nơi tướng mới được gọi là 'như-như bất động'.

HẾT

Tác giả bài viết: thichdaophat

Nguồn tin: Tông Phong Tàng Thư

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin cũ hơn