12:56 ICT Thứ ba, 19/03/2024

Giới Thiệu

Thiền sư Hoàng Bá

Hoàng Bá Thiền-sư pháp danh Hy Vận, người tỉnh Phúc Kiến. Thủa nhỏ xuất gia tại núi Hoàng Bá thuộc Hồng Châu, trên trán có một bướu thịt giống hạt Châu, giọng nói nhu nhuần trong sáng, ý chí đạm bạc. Ngài là đệ tử nối Pháp của Tổ Bá Trượng và là thầy truyền Pháp của Tổ Lâm Tế. Ngài từng được...

Danh mục chính

Liên Kết Trang

HUE NANG
TS DUC SON
TS NGUYET KHE

Trang nhất » Tông Phong Tàng Thư » Kinh » Kinh Duy-ma-cật

Kinh Duy-ma-cật - phẩm Quán chúng sanh

Thứ ba - 02/04/2013 18:06 Xem: 1533
PHẨM QUÁN CHÚNG SINH

Bấy giờ, Văn-thù hỏi Duy-ma-cật rằng : Bồ-tát nên quán chúng sanh như thế nào ?

Duy-ma-cật nói : Ví như nhà huyễn thuật thấy người huyễn của mình hóa ra. Bồ-tát nên quán chúng sanh như thế. Như người Trí thấy trăng trong nước, thấy hình trong gương, như dương-diệm, như tiếng vang, như mây giữa trời. Cho đến những vật chẳng thể tưởng tượng như : Lông rùa, sừng thỏ, v.v... Bồ-tát nên quán chúng sanh như thế.

Văn-thù nói : Nếu Bồ-tát quán như thế làm sao hành việc Từ ?

Duy-ma-cật nói : Bồ-tát quán như thế rồi tự nghĩ rằng : Ta nên vì chúng sanh thuyết Pháp này. Ấy tức là Hạnh-từ chơn thật. Hạnh-từ tịch diệt vì vốn 'vô sanh'. Hạnh-từ chẳng nóng nảy vì 'vô phiền não'. Hạnh-từ bình đẳng vì Tam-thế bình đẳng. Hạnh-từ vô tranh vì 'vô sở khởi'. Hạnh-từ bất nhị vì 'trong ngoài bất hợp'. Hạnh-từ chẳng hoại vì 'vốn là không thật'. Hạnh-từ kiên cố vì 'tâm chẳng hoại diệt'. Hạnh-từ trong sạch vì 'Pháp-tánh trong sạch'. Hạnh-từ vô biên vì 'như hư không'. Hạnh-từ A-la-hán vì 'phá kết tặc phiền não'. Hạnh-từ Bồ-tát vì 'cho chúng sanh yên tâm'. Hạnh-từ Như-lai vì 'đắc tướng Như-như'. Hạnh-từ chư Phật vì 'giác ngộ chúng sanh'. Hạnh-từ tự nhiên vì 'vô nhân mà đắc'. Hạnh-từ Bồ-đề vì 'bình đẳng nhất vị'. Hạnh-từ vô đẳng vì 'đoạn dứt ái nhiễm'. Hạnh-từ đại bi vì 'dẫn dắt theo Đại-thừa'. Hạnh-từ chẳng nhàm chán vì 'quán pháp Không - Vô Ngã'. Hạnh-từ pháp thí vì 'chẳng luyến tiếc'. Hạnh-từ trì Giới vì 'độ người phá Giới'. Hạnh-từ nhẫn nhục vì 'hộ cho mình và người'. Hạnh-từ tinh tấn vì 'gánh vác chúng sanh'. Hạnh-từ thiền định vì 'chẳng thọ Thiền-vị'. Hạnh-từ trí huệ vì 'vô sở bất tri'. Hạnh-từ phương tiện vì 'thị hiện tất cả'. Hạnh-từ chẳng ẩn dấu vì 'tâm trong sạch ngay thẳng'. Hạnh-từ thâm tâm vì 'chẳng hành tạp nhiễm'. Hạnh-từ chẳng dối vì 'chẳng hư giả'. Hạnh-từ an lạc vì 'khiến người được an vui của Phật'. Hạnh-từ của Bồ-tát là như thế.

Văn-thù lại hỏi : Thế nào là Bi ?

Ðáp : 'Công đức sở hành của Bồ-tát đều cùng chung với tất cả chúng sanh'.

- Thế nào là Hỷ ? 'Hoan hỷ làm việc chúng sanh mà chẳng hối tiếc'.

- Thế nào là Xả ? 'Dù làm việc phước đức mà chẳng có mong cầu chi cả'.

Văn-thù lại hỏi : Ðối với sanh tử đáng sợ, Bồ-tát nên y nơi đâu ?

Ðáp : 'Nên y nơi sức công đức của Như-lai'.

- Bồ-tát muốn y sức công đức của Như-lai phải trụ nơi nào ? 'Nên trụ nơi độ thoát chúng sanh'.

- Muốn độ thoát chúng sanh phải trừ những gì ? 'Muốn độ thoát chúng sanh, nên trừ phiền não của họ'.

- Muốn trừ phiền não phải hành thế nào ? 'Nên hành nơi Chánh-niệm'.

- Thế nào là hành nơi Chánh-niệm ? 'Nên hành chẳng sanh, chẳng diệt'.

- Pháp nào chẳng sanh, pháp nào chẳng diệt ? 'Bất thiện chẳng sanh, thiện pháp chẳng diệt'.

- Thiện với bất thiện lấy gì làm gốc ? 'Lấy thân làm gốc'.

- Thân lấy gì làm gốc ? 'Lấy tham dục làm gốc'.

- Tham dục lấy gì làm gốc ? 'Lấy hư vọng phân biệt làm gốc'.

- Hư vọng phân biệt lấy gì làm gốc ? 'Lấy điên đảo tưởng làm gốc'.

- Ðiên đảo tưởng lấy gì làm gốc ? 'Lấy Vô-trụ làm gốc'.

- Vô-trụ lấy gì làm gốc ? 'Vô-trụ thì chẳng có gốc'.

Nói đến đây, Duy-ma-cật liền nhấn mạnh rằng : Văn-thù ! Từ gốc Vô-trụ lập tất cả các pháp. Như thế là thật Vô-sở-trụ vậy.

Bấy giờ, trong phòng Duy-ma-cật có một Thiên-nữ thấy các vị Trời người đang nghe thuyết Pháp, liền hiện hình Thiên-nữ rãi hoa trên thân các Bồ-tát và Đại-đệ-tử. Hoa đến thân các Bồ-tát liền rơi xuống đất, đến các Đại-đệ-tử thì dính trên thân chẳng rơi xuống. Tất cả Đệ-tử dùng thần lực phủi hoa cũng chẳng phủi rớt.

Lúc ấy, Thiên-nữ hỏi Xá-lợi-phất rằng : Tại sao phủi hoa ?

Ðáp : Hoa nầy chẳng đúng Pháp nên phủi.

Thiên-nữ nói : Chớ bảo hoa này chẳng đúng Pháp. Tại sao ? Vì hoa này chẳng có phân biệt, tại nhơn-giả tự sanh phân biệt tưởng mà thôi. Người ở nơi Phật-pháp xuất gia, có 'tâm phân biệt' là chẳng đúng Pháp, nếu chẳng phân biệt tức là đúng Pháp. Nay thử xem các vị Bồ-tát chẳng dính hoa là vì đã đoạn diệt phân biệt tưởng vậy. Ví như người đang có khiếp sợ thì phi nhơn mới được dịp mê hoặc. Cũng thế, các vị Đệ-tử vì đang sợ sanh tử thì sắc, thanh, hương, vị, xúc mới được dịp mê hoặc. Kẻ đã lìa được khiếp sợ thì tất cả Ngũ-dục đều chẳng thể mê hoặc. Kẻ kiết-tập (tập-khí trói buộc) chưa sạch, hoa mới dính vào thân. Kẻ kiết-tập đã sạch thì hoa chẳng dính vậy.

Xá-lợi-phất hỏi : Thiên-nữ ở trong phòng này được bao lâu ?

Ðáp : Tôi ở trong phòng này lâu như ông được giải thoát.

- Ở đây lâu chăng ?

- Như ông giải thoát cũng có lâu mau sao ?

Xá-lợi-phất im lặng chẳng đáp.

Thiên-nữ hỏi : Tại sao bậc kỳ cựu đại trí lại nín lặng ?

Ðáp : Sự giải thoát vốn chẳng ngôn thuyết, nên tôi chẳng biết nói gì.

Thiên-nữ nói : Ngôn thuyết văn tự đều là tướng giải thoát. Tại sao ? Vì sự giải thoát chẳng ở trong, ngoài và khoảng giữa. Văn tự cũng như thế. Cho nên, Xá-lợi-phất ! Chẳng có sự lìa văn tự mà thuyết Pháp giải thoát. Tại sao ? Vì tất cả các pháp là tướng giải thoát rồi.

Xá-lợi-phất hỏi : Chẳng cần lìa tham sân si mà được giải thoát ư ?

Ðáp : Phật vì đối với kẻ Tăng-thượng-mạn mà nói lìa tham sân si là giải thoát mà thôi. Nếu kẻ chẳng phải Tăng-thượng-mạn thì Phật nói tánh tham sân si tức là giải thoát vậy.

Xá-lợi-phất nói : Lành thay ! Lành thay ! Nàng đắc được gì, chứng được gì mà biện tài như thế ?

Thiên-nữ đáp : Tôi 'vô đắc vô chứng' nên biện tài như thế. Tại sao ? Vì kẻ có đắc có chứng ở nơi Phật-pháp gọi là Tăng-thượng-mạn.

Xá-lợi-phất hỏi : Nàng ở nơi Tam-thừa có chí cầu gì ?

Ðáp : Dùng pháp Thanh-văn hóa độ chúng sanh thì tôi làm Thanh-văn. Dùng pháp Nhân-duyên hóa độ chúng sanh thì tôi làm Duyên-giác. Dùng pháp Đại-bi hóa độ chúng sanh thì tôi làm Đại-thừa.

Xá-lợi-phất ! Như người vào rừng huỳnh hoa, chỉ ngửi mùi hương huỳnh hoa, chẳng ngửi mùi hương khác. Cũng thế, nếu vào phòng này, chỉ ngửi mùi hương của công đức Phật, chẳng ưa ngửi mùi hương của công đức Nhị-thừa.

Xá-lợi-phất ! Những vị Thích-phạm Tứ-thiên-vương và Thiên-long, Quỷ, Thần, v.v... vào trong phòng này, được nghe Thượng-nhơn giảng thuyết Chánh-pháp, đều ưa mùi hương công đức Phật mà phát tâm Đại-thừa.

Xá-lợi-phất ! Tôi ở phòng này mười hai năm, chưa từng nghe pháp Nhị-thừa, chỉ nghe Phật-pháp đại từ đại bi bất khả tư nghì của Bồ-tát.

Xá-lợi-phất ! Phòng này thường hiện tám thứ Pháp khó đắc, chưa từng có.

Tám thứ ấy là :

1) Trong phòng thường có ánh sáng màu vàng ngày đêm chiếu soi, chẳng nhờ ánh sáng nhật nguyệt.

2) Kẻ vào phòng này chẳng bị các cấu bẩn làm cho phiền não.

3) Trong phòng này thường có Thích-phạm Tứ-thiên-vương và Bồ-tát ở nơi phương khác đến tụ hợp chẳng gián đoạn.

4) Phòng này thường thuyết sáu Ba-la-mật và Pháp-bất-thối-chuyển.

5) Phòng này thường trỗi âm nhạc bậc nhất của Trời người, vang ra vô lượng Pháp-âm.

6) Phòng này có bốn kho tàng lớn chứa đầy bửu vật, cứu giúp kẻ nghèo, hễ cầu liền được.

7) Phòng này vô lượng chư Phật nơi mười phương như Phật Thích-ca, Phật A-di-đà cho đến Phật Sư-tử-hống, Phật Nhất-thiết-lợi-thành v.v... Khi Thượng-nhơn khởi niệm, liền đền rộng thuyết Pháp-tạng bí mật của chư Phật, thuyết xong trở về.

8) Phòng này tất cả cung điện của chư Thiên và cõi Tịnh-độ của chư Phật đều hiện trong đó.

Ấy là tám thứ Pháp chưa từng có.

Xá-lợi-phất ! Phòng này thường hiện tám Pháp như thế. Người thấy việc bất khả tư nghì này, đâu còn ưa pháp Thanh-văn nữa !

Xá-lợi-phất hỏi : Nàng sao chẳng chuyển biến thân nữ đi ?

Thiên-nữ đáp : Tôi từ mười hai năm cầu tướng người nữ trọn bất khả đắc mà chuyển cái gì ? Ví như nhà huyễn thuật hóa ra huyễn nữ. Nếu có người hỏi sao chẳng chuyển biến thân nữ đó đi, vậy người hỏi đó có đúng không ?

Xá-lợi-phất nói : Không ạ ! Huyễn chẳng tướng nhất định, làm sao mà chuyển.

Thiên-nữ nói : Tất cả pháp chẳng có tướng nhất định cũng như thế, sao lại hỏi chẳng chuyển biến thân nữ đi ? !

Tức thì Thiên-nữ dùng sức thần thông biến Xá-lợi-phất thành Thiên-nữ, tự mình hóa thân như Xá-lợi-phất mà hỏi rằng :

- Sao chẳng chuyển biến thân nữ đi ?

Xá-lợi-phất mang tướng thân nữ mà đáp rằng :

- Nay tôi chẳng biết tại sao chuyển biến làm thân nữ ?

Thiên-nữ nói :

- Nếu Xá-lợi-phất chuyển được thân nữ này thì tất cả thân nữ cũng chuyển được. Như Xá-lợi-phất chẳng phải người nữ mà hiện thân nữ, tất cả người nữ cũng như thế, dù hiện thân nữ mà chẳng phải người nữ. Cho nên phật thuyết : Tất cả pháp phi nam, phi nữ.

Tức thì Thiên-nữ thu nhiếp thần lực lại, thân Xá-lợi-phất trở lại như cũ. Thiên-nữ hỏi Xá-lợi-phất rằng :

- Tướng thân nữ của ông nay còn đâu ?

Xá-lợi-phất nói : Tướng thân nữ chẳng còn, chẳng không còn.

Thiên-nữ nói : Tất cả pháp cũng như thế, chẳng còn, chẳng không còn. Sự chẳng còn, chẳng không còn đó là do Phật sở thuyết.

Xá-lợi-phất hỏi Thiên-nữ : Nàng diệt nơi đây, rồi sẽ sanh nơi nào ?

Ðáp : Phật biến hóa sở sanh. Tôi cũng theo đó sanh. Nếu Phật biến hóa sở sanh thì chẳng phải diệt và sanh. Chúng sanh cũng chẳng phải diệt và sanh.

Xá-lợi-phất hỏi : Nàng bao lâu sẽ đắc Vô-thượng Bồ-đề ?

Ðáp : Khi Xá-lợi-phất trở lại phàm phu thì tôi sẽ thành Vô-thượng Bồ-đề.

Xá-lợi-phất nói : Tôi làm phàm phu thì chẳng có chỗ đúng.

- Tôi đắc Vô-thượng Bồ-đề cũng chẳng có chỗ đúng. Tại sao ? Bồ-đề chẳng nơi trụ, nên chẳng có kẻ đắc.

Xá-lợi-phất nói : Nay chư Phật đắc Vô-thượng Bồ-đề, đã đắc, sẽ đắc như Hằng-sa. Những việc này gọi là gì ?

- Ấy là dùng văn tự, số lượng của thế tục mà nói có tam thế, chứ chẳng phải Bồ-đề có quá khứ, hiện tại, vị lai. Xá-lợi-phất ! Ông đắc đạo A-la-hán ư ?

Ðáp : Vì vô-sở-đắc mà đắc.

Thiên-nữ nói : Chư Phật Bồ-tát cũng thế. Vì vô-sở-đắc mà đắc.

Bấy giờ Duy-ma-cật nói với Xá-lợi-phất rằng : Thiên-nữ này đã từng cúng dường chín mươi hai ức chư Phật. Ðã đắc du hý thần thông của Bồ-tát, nguyện lực đầy đủ, đắc Vô-sanh-pháp-nhẫn, trụ nơi chẳng thối chuyển. Vì theo bổn nguyện, nên tùy ý thị hiện để giáo hóa chúng sanh.

>> Phẩm Phật đạo.

 

Tác giả bài viết: Liễu Phàm

Nguồn tin: Tông Phong Tàng Thư

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn