03:11 ICT Thứ sáu, 29/03/2024

Giới Thiệu

Thiền sư Liễu Quán

Nhằm tăng cường lòng tin Pháp-môn, chúng tôi giới thiệu cùng các bạn Thiền-sư Liễu Quán (1667 - 1743), đời Pháp thứ 35 tông Lâm Tế, một người Việt Nam tham thiền đạt ngộ. Tư liệu này được trích trong sách "Lịch sử Phật giáo Đàng Trong VN" của Nguyễn Hiền Đức.          ...

Danh mục chính

Liên Kết Trang

TS DUC SON
TS NGUYET KHE
HUE NANG

Trang nhất » Tông Phong Tàng Thư » Ngữ Lục » Đại Huệ ngữ lục

Đại Huệ ngữ lục - thư giải đáp phần III

Thứ sáu - 29/03/2013 09:21 Xem: 1878
25. KHAI THỊ TĂNG THÚC TRÌ, 26. THƯ ĐÁP HỨA THỌ NGUYÊN, 27. KHAI THỊ TRẦN MINH TRỌNG, 28. KHAI THỊ TRỊNH THÀNH TRUNG, 29. THƯ ĐÁP VƯƠNG ĐẠI THỤ, 30. THƯ ĐÁP LÝ TỰ BIỂU, 31. THƯ ĐÁP TRƯƠNG DƯƠNG THÚC, 32. THƯ ĐÁP LÝ BỈNH (TỰ HÁN LÃO), 33. ĐÁP I, 34. HỎI II, 35. ĐÁP II, 36. THƯ ĐÁP GIANG THIẾU MINH.
KHAI THỊ TĂNG THÚC TRÌ.

Cổ-đức nói : ‘Từ xưa nay vốn chẳng có pháp để cho người, chỉ vì người chỉ đường mà thôi’. Lại nói : ‘Hễ có sở đắc là Chó sói kêu, vô-sở-đắc là Sư-tử rống’. Phật là người thông suốt, trong 49 năm thuyết Pháp hơn 360 Hội, tùy căn tánh chúng sanh mà dẫn dắt họ, nên ở trong 10 Pháp-giới giảng thuyết một âm, chúng sanh tùy loại mỗi mỗi đều được lợi ích. Ví như gió đông thổi qua một cái thì muôn ngàn bông hoa cùng rộ nở, Phật thuyết Pháp cũng như thế. Nếu có ý nơi 10 Pháp-giới để làm lợi ích, cho là có Ta thuyết Pháp, cho là có chúng sanh được độ, vậy thành có ngã chấp rồi, Như Xá-lợi-phất ở trên hội Bát-nhã hỏi Văn-thù rằng :

- Chư Phật có giác ngộ Pháp-giới chăng ?

Văn-thù đáp :

- Không, Xá-lợi-phất ! Chư Phật còn bất khả đắc thì làm sao có Phật mà giác ngộ Pháp-giới  ?! Pháp-giới cũng bất khả đắc thì làm sao có Pháp-giới cho chư Phật giác ngộ.

Xem qua sự vấn đáp của hai Ngài thì đâu từng trụ chỗ nào. Từ xưa chư Phật, chư Tổ thuyết Pháp đều có thể cách như thế, chỉ vì con cháu sau này thất lạc tông-chỉ, mỗi mỗi tự lập Môn-phái, tác yêu tác quái mà thôi.

 

THƯ ĐÁP HỨA THỌ NGUYÊN.

Ông đủ lòng tin Chân-chánh, lập chí Chân-chánh, đó là nền tảng để thành Phật làm Tổ vậy.

Kẻ quê mùa này lấy hai chữ Trạm-nhiên (lóng trong) chẳng động thì hư minh tự chiếu, chẳng nhọc Tâm-lực. Pháp thế gian và xuất thế gian chẳng ngoài Trạm-nhiên, không mảy mai sót lọt. chỉ dùng cái này ấn định hết thảy chỗ, không gì phải, không gì chẳng phải, mỗi mỗi đều giải thoát, mỗi mỗi đều minh diệu, mỗi mỗi đều chân thật, lúc dùng cũng Trạm-nhiên, lúc không dùng cũng Trạm-nhiên.

Tổ-sư nói : ‘Hễ có tâm phân biệt so đo cái tự tâm hiện lượng này thì thảy đêu là mộng’. Nếu Tâm-thức tịch diệt, chẳng có chút động niệm, gọi là Chánh-giác. Giác đã Chánh thì hàng ngày trong mười hai thời thấy sắc, nghe tiếng, ngửi mùi, nếm vị, cảm giác, phân biệt, đi, đứng, nằm, ngồi, nói, nín, động, tịnh thảy đều Trạm-nhiên, cũng chẳng tự khởi tưởng điên đảo, có tưởng, không tưởng, thảy đều thanh tịnh. Đã được thanh tịnh, lúc động thì hiển bày cái dụng của Trạm-nhiên, lúc bất động thì quy về thể của Trạm-nhiên. Thể-dụng tuy khác mà Trạm-nhiên là một, như chiết cây Chiên-đàn thì mỗi nhánh đều là Chiên-đàn.

Ngày nay có một bọn Tà-sư ‘Đặt điều’, sự ngộ của họ chẳng thật, cứ dạy người nhiếp tâm tĩnh tọa, ngồi đến bặt hơi thở. Bọn này thật đáng thương sót !

Ông hãy thực hiện công phu như lời Tôi chỉ dạy. Kẻ quê mùa nầy có dạy Ông như thế cũng chỉ là việc bất đắc dĩ, nếu thật có việc thực hiện công phu như thế tức là làm nhiễm ô Ông. Tâm này vốn chẳng thực thể thì làm sao thu nhiếp được ? Thu nhiếp rồi đặt ở chỗ nào ? Đã không có chỗ đặt thì vô thời, vô tiết, vô cổ, vô kim, vô phàm, vô Thánh, vô đắc, vô thất, vô tịnh, vô loạn, vô sanh, vô tử, cũng không có cái tên Trạm-nhiên, cũng không có người nói Trạm-nhiên. 

 

KHAI THỊ TRẦN MINH TRỌNG

         Phật thuyết tất cả Pháp

         Vì độ tất cả Tâm,

         Ta chẳng tất cả Tâm

         Đâu cần tất cả Pháp.

Pháp vốn vô pháp, tâm cũng vô tâm, Tâm-pháp đều không là tướng chân thật. Hiện nay người học Đạo phần nhiều sợ lọt vào không, kiến-giải như thế là lầm nhận phương-tiện, cho bệnh là thuốc, rất đáng thương xót ! Nên Bàng Uẩn nói : ‘Ngươi chớ sợ lạc vào không, lạc vào không cũng chẳng phải xấu’, lại nói ‘Nguyện không những gì mình đã có, chớ nhận những gì mình đã không’. Nếu thấu rõ được lời này thì vô biên ác nghiệp ngay đó tan rã. Cả Đại-tạng Giáo-điển do Phật thuyết cũng chú giải câu này không được.

Hành-giả nếu đủ lòng tin quyết định biết được có Pháp đại giải thoát như thế, chỉ ở chỗ biết được đó ‘Bất chợt đụng nhằm quan khiếu’ (thừa lúc sơ hở mà vào được) thì một lời của Bàng Uẩn với Đại-tạng chẳng hai chẳng khác, chẳng trước chẳng sau, chẳng xưa chẳng nay, chẳng thiếu chẳng dư, cũng chẳng thấy có tất cả pháp, cũng chẳng thấy có tất cả tâm, mười phương thế giới mênh mông trống rỗng, cũng chớ cho là không, nếu cho là không thì có kẻ thuyết không, có kẻ nghe thuyết không, có tất cả pháp để nghe, có tất cả tâm để chứng. Đã có nghe có chứng thì trong có tâm năng chứng, ngoài có pháp sở chứng, nếu bệnh này chẳng trừ, Giáo-môn gọi là chấp ‘Có ta thuyết Pháp’, cũng gọi là phỉ báng Phật, Pháp, Tăng.

Như Kinh nói : ‘Nếu chấp Pháp-tướng tức dính mắc ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. Nếu chấp Phi-pháp-tướng cũng dính mắc ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả’. Ở trên nói : ‘Trong có tâm năng chứng, ngoài có pháp sở chứng’ tức là Đạo-lý này vậy.

Có một Phật-tử tên là Trần Thuần biết thân là vọng, biết pháp là huyễn, ở nơi mộng huyễn khán Công-án ‘Con chó không Phật-tánh’, bỗng khi rửa mặt đụng nhằm lỗ mũi đã viết thư trình kiến-giải về thiền như : ‘Cọp mới sanh ba ngày, sức mạnh đã nuốt con Trâu’. Chỗ trình của ông ấy tuy còn hơi dính mắc nhưng cơ bản đã Chánh, dù Đại-pháp chưa rõ, cũng chỉ là cái bệnh của người mới Nhập-đạo mà thôi. Nếu được biết việc này rồi gạt qua một bên, lại đem Diệu-ngôn của chư Phật, chư Tổ nhất thời cắt đứt, hướng về phía Oai-âm-vương để làm công phu, mới có thể ở nơi Pháp được tự tại vậy.

Phật nói : ‘Nếu chỉ tán thán Phật-thừa thì chúng sanh lặn hụp nơi biển khổ’. Đã tin biết việc như thế, nên dùng sở chứng của mình để khuyếch sung thêm rồi mới chẳng bị pháp trói buộc, chẳng cầu pháp giải thoát, như thế cũng được, chẳng như thế cũng được. Phàm có ngữ cú, phàm có thọ dụng đều như ‘Tráng-sĩ xuất chiêu’ chẳng nhờ tha lực, như tên đã lìa cung không quay trở về, ấy chẳng phải cố tình mà vì pháp vốn như thế. Được đến chỗ này rồi mới có thể nói những việc vô thiện, vô ác, vô Phật, vô chúng sanh.

Nếu Đại-pháp chưa rõ mà nói những lời như thế, ắt đọa vào chỗ Ngài Vĩnh Gia nói : ‘Trống rỗng không, xóa nhân quả ; Mênh mênh mônh mông chiêu tai họa’. Việc này nên biết.

Hễ được gốc chớ lo ngọn, huân tập lâu ngày thuần thục khỏi lo công phu chẳng thành khối. Gắng tham đi. 

 

KHAI THỊ TRỊNH THÀNH TRUNG.

Hiện nay người chưa rõ Tâm-địa thì phải nghi rằng : ‘Thế-giới từ đâu sanh khởi ? Sau này lại hướng chỗ nào mà tiêu diệt ? Lại thế giới có trước hay con người có trước ?’. Nếu nói thế giới có trước thì Cổ-đức chẳng nên nói Tam-giới duy tâm, vạn pháp duy thức ?. Nếu nói con người có trước, vậy thế giới chưa có, con người cư trú ở chỗ nào ? Như thế, nói thế giới có trước cũng không phải. Nếu Đại-pháp được rõ thì chẳng cần suy lường mà tự nhiên rõ ràng. 

 

THƯ ĐÁP VƯƠNG ĐẠI THỤ.

Chẳng biết sau khi từ biệt nhau hằng ngày ông thực hiện công phu như thế nào ? Nếu như đã từng ở trên Lý-tánh được mùi vị, trong Kinh-giáo được mùi vị, trên lời nói Tổ-sư được mùi vị, chỗ mắt thấy tai nghe được mùi vị, chỗ đi đứng nằm ngồi được mùi vị, chỗ tâm nghĩ ý tưởng được mùi vị thì tất cả mùi vị đó đều chướng ngại sự tham-thiền. Nếu muốn thôi nghỉ triệt để thì hãy chớ màng đến những mùi vị đã được trước kia, mà hướng vào chỗ không để mò bắt, chỗ không có mùi vị, xem đó là cái gì ? Nếu xem xét chẳng được, mò bắt chẳng được, càng không có cán để nắm, ý-thức, nghĩa-lý đều chẳng thông, như gỗ đất, như ngói đá…, khi ấy chớ nên sợ lọt vào không. Đấy là chỗ buông thân xã mạng của hành-giả. Lưu ý ! 

 

THƯ ĐÁP LÝ TỰ BIỂU.

Ông muốn Diệu Hỷ này viết thư khai-thị cho chỗ cốt yếu thì ngay cái niệm cầu khai-thị ấy đã là đút đầu vào chỗ trói buộc rồi. Chẳng nên trên đầu lại mọc thêm đầu. Dù nói vậy nhưng có hỏi thì phải có đáp. Xin Ông hãy đem hết các thứ đã đắt được ngày trước như : Nhờ tự xem Kinh-giáo, nhờ Khán-thoại-đầu, hoặc nhờ người dạy bảo khai-thị, mà được mùi vị hoan hỷ, đều nhất thời buông hết, y như trước vẫn trăm điều chẳng biết, trăm điều chẳng hội giống như đứa bé ba tuổi có thức-tánh mà chưa biết dùng. Lại hướng vào chỗ trước khi chưa khởi một niệm cầu khai-thị cốt yếu đó mà khán, Khán đi khán lại, cảm thấy càng không mùi vị, trong tâm càng không yên ổn, lúc ấy càng phải tiến lên. chỗ này chính là chỗ cắt đứt đỉnh đầu của ngàn Thánh (sắp ngộ). Thường thường người học Đạo phần đông đến chỗ này lại thối lui. Ông nếu tin nổi chỉ cần hướng vào chỗ trước khi chưa khởi niệm cầu khai-thị mà khán. Khán đi khán lại, hốt nhiên như nằm mơ thức dậy. Việc này không sai. 

 

THƯ ĐÁP TRƯƠNG DƯƠNG THÚC.

Trong mọi hành vi của lão Cư-sĩ đều đã thầm hợp với Đạo, nhưng chưa thể đến được chỗ bùng vỡ cuối cùng. Nếu hằng ngày ứng duyên chẳng mất công phu, dù chưa được ‘Ồ’ lên một tiếng (kiến Tánh) thì lúc lâm chung Diêm-vương còn phải chấp tay đầu hàng huống là một niệm tương ưng ư ?

Diệu Hỷ tuy chưa đích thân gặp mặt, nhưng biết Ông làm việc lớn nhỏ tùy nghi, không thái quá, không bất cập, như thế tức là chỗ hợp với Đạo. Đến đây chẳng cần cho là trần lao, chẳng cần cho là Phật-pháp. Phật-pháp, trần lao đều là việc bên ngoài, cũng chớ nên cho là việc bên ngoài. Chỉ cần hồi quang phản chiếu xem những cái suy nghĩ kể trên từ đâu mà có ? Lúc làm việc có hình thái gì ? Khi làm việc đã xong, thỏa mãn ý mình chẳng có thiếu sót, đang lúc ấy là nhờ ân lực của ai ? Thực hiện công phu như thế như người học bắn lâu ngày chầy tháng tự nhiên bắn trúng đích vậy.

Chúng sanh điên đảo mê mình theo vật, tham đắm một chỗ hương vị của dục lạc mà cam tâm chịu vô lượng khổ. Mỗi ngày lúc chưa mở mắt ra, lúc chưa bước xuống giường, lúc nửa thức nửa ngủ, tâm-thức đã lăng xăng theo vọng tưởng trôi nổi rồi. Làm thiện tạo ác, tuy chưa phát lộ, nhưng lúc chưa bước xuống giường, Thiên-đường Địa-ngục ở trong tâm đã nhất thời thành tựu rồi, đâu cần đợi đến lúc phát ra.

Phật nói : ‘Tất cả các Căn đều do Tự-tâm hiện ra. Thế giới, thân, tâm đều từ tướng vọng tưởng biến hiện như suối chảy, như giống mầm, như đèn đuốc, như gió thổi, như mây bay, biến đổi từng sát-na; loạn động như khỉ vượn, ham hôi thối như ruồi nhặng, chẳng nhàm chán như lửa gặp gió. Tập-khí hư ngụy từ vô-thủy như cái bánh xe quạt nước …’.

Nếu hiểu thấu được bèn gọi là cái Trí vô ngã vô nhân. Phải biết Thiên-đường Địa-ngục chẳng ở nơi khác, chỉ ở trong tâm người hành-giả lúc nữa ngủ nửa thức, lúc chưa bước xuống giường, chứ không phải từ bên ngoài đến. Khi phát hay chưa phát, khi giác hay chưa giác đều cần phải tham-cứu. Lúc tham-cứu cũng nên chớ dùng sức, nếu dùng sức ắt phí sức vậy. Tam-tổ nói : ‘Động ngưng thì trở về ngưng, cái ngưng ấy lại càng thêm động’.

Cho nên hàng ngày trong trần lao, khi vừa biết dần dần ít phí sức tức là chỗ đắc lực của hành-giả, chỗ làm Phật làm Tổ của hành-giả, chỗ biến Địa-ngục thành Thiên-đường của hành-giả, chỗ ngồi yên ổn của hành-giả, chỗ ra khỏi sanh tử của hành-giả, chỗ giúp Vua trị nước của hành-giả, chỗ bệnh nặng được lành của hành-giả, chỗ để phước cho con cháu của hành-giả. Đến chỗ này rồi nói Phật nói Tổ, nói Tâm nói Tánh, nói huyền nói diệu, nói lý nói sự, nói tốt nói xấu, tất cả việc tương đối đều là việc bên ngoài. Những chuyện như thế còn thuộc về bên ngoài, huống là làm những việc mà bậc Thánh xưa thường quở sao ? Làm việc tốt còn không cho là tốt, há lại cho làm việc không tốt ư ? Nếu tin nổi lời này thì lời ngài Vĩnh Gia nói :

Đi cũng thiền, ngồi cũng thiền,

Nói nín, động tịnh tự an nhiên.

Chẳng phải là lời nói dối vậy, hãy y theo đây thực hành chẳng bao giờ thay đổi thì dù chưa ngộ, nhưng chỗ lạ (nghi-tình) đã thành quen, chỗ quen (tập-khí) đã thành lạ rồi vậy. 

 

THƯ ĐÁP LÝ BỈNH (TỰ HÁN LÃO).

HỎI I.

Bỉnh gần đây được vào Thất thân cận, nhờ Ngài khích lệ và khai phá ám muội cho, bỗng có tỉnh ngộ.

Con tự xét căn cơ thấp kém, một đời học hỏi, hiểu biết đều lọt vào tình-thức (kiến-chấp), buông cái này bắt cái kia như mở dây xích này lại buộc dây xích khác. Ngày nay nhờ Ngài bỗng được mở trói, vui mừng biết bao  ! Nếu chẳng phải Đại Tông-sư rũ lòng từ bi thì đâu được như thế.

Từ khi được mở trói thì mặc áo ăn cơm, dắt con bồng cháu mỗi mỗi vẫn y như cũ, nhưng tình cảm trói ngại đã quên và cũng chẳng cho là kỳ lạ. Ngoài ra những tập-khí xưa, nghiệp chướng cũ tự nhẹ bớt dần dần.

Lời dặn của Ngài con chẳng dám quên. Song nghĩ lại, con mới được vào cửa, Đại-pháp chưa thấu, ứng cơ tiếp vật, gặp việc chưa thể vô ngại, nên con rất mong được Ngài dạy bảo thêm, khiến cho tiến tới để khỏi làm hổ thẹn Giáo-pháp của Ngài. 

ĐÁP I.

Đọc thư Ông viết : ‘Từ khi mở trói, mặc áo ăn cơm, dắt con bồng cháu mỗi mỗi y như cũ, nhưng tình cảm trói ngại đã quên, cũng chẳng cho là kỳ lạ. Ngoài ra những tập-khí xưa, nghiệp-chướng cũ cũng nhẹ bớt dần dần’. Biết được Ông như vậy, Tôi cảm thấy rất hoan hỷ. Đây là học Phật có hiệu nghiệm vậy.

Nếu chẳng phải bậc Đại-trượng-phu ngộ một cái liền siêu việt số lượng thì chẳng thể biết nhà mình quả thật có cái Diệu-dụng chẳng thể truyền. Nếu không được như thế thì hai chữ "nghi, ngộ" trong Pháp-môn, đến tận cùng vị lai cũng chẳng thể tiêu hoại. Dẫu cho miệng Tôi bằng hư không, cây cỏ ngói đá đều phát ra ánh sáng trợ giúp Tôi thuyết Pháp cũng chẳng làm gì được, mới tin rằng việc nhân duyên nầy chẳng thể truyền, chẳng thể học, cần phải tự chứng tự ngộ mới đến triệt để. Ông nay nhất ngộ đã quên sở đắc thì đâu còn gì để nói nữa.

Phật nói :

Chẳng chấp ngôn thuyết của chúng sanh

Tất cả hữu vi đều hư vọng

Dù chẳng y theo lời ngôn ngữ

Nhưng cũng chẳng chấp vô ngôn thuyết.

Trong thư Ông nói đã quên tình cảm trói ngại cũng chẳng cho là kỳ lạ, ấy là âm thầm phù hợp với lời Phật. Thuyết nầy gọi là Phật thuyết. Lìa thuyết này gọi là Tà-ma thuyết.

Sơn Tăng trước kia có đại nguyện : ‘Thà đem thân này thay tất cả chúng sanh chịu khổ Địa-ngục, chớ không bao giờ dùng miệng này lấy Phật-pháp vị nhân tình mà làm mù mắt chúng sanh’.

Ông đã đến nơi điền địa này, tự biết việc này chẳng từ người khác mà được, vậy cứ y như trước đâu cần hỏi nữa. Đại-pháp rõ hay chưa rõ, ứng cơ ngại hay chẳng ngại ? Nếu còn nghĩ vậy thì chẳng phải như trước rồi.

Trước kia thấy Ông hoan hỷ quá nên chẳng dám nói trắng ra, e ngại kẹt trong lời nói. Nay sự hoan hỷ đã qua mới dám chỉ ra việc này. Ông được đến mức này chẳng phải là dễ, nhưng cần phải sanh tâm hổ thẹn mới được.

Thường những kẻ lợi căn Thượng-trí khi chứng đắc cảm thấy chẳng phí sức liền sanh tâm cho là dễ quá, chẳng chịu tu hành. Phần nhiều bị cảnh giới trước mắt lôi kéo đi, làm chủ chẳng được, lâu ngày dài tháng mê muội chẳng thể trở về. Đạo-lực không thắng nghiệp-lực thì nhất định sẽ bị bọn Ma nhiếp trì. Lúc lâm chung cũng chẳng đắc lực. Hãy nhớ lấy cho.

Lời nói hôm trước : ‘Lý thì đốn ngộ, theo ngộ cùng tiêu. Sự thì tiệm trừ, lần lần mới hết’, đi, đứng, ngồi, nằm chớ nên quên mất. Ngoài ra đủ thứ lời sai biệt của Cổ-nhân đều chẳng thể cho là thật, cũng chẳng thể cho là giả. Lâu ngày thuần thục, tự nhiên âm thầm khế hợp Bản-tâm vậy. Chẳng cần cầu kỳ lạ thù thắng nào khác.

Xưa kia Hòa-thượng Thủy Lạo hỏi Mã Tổ :

     - Thế nào là ý của Tổ-sư từ Ấn-độ đến ?

     - Lại gần đây Ta nói cho nghe.

Thủy Lạo vừa đến gần định lễ bái, bị Mã Tổ dùng chân đá nhào, Thủy Lạo bất giác đứng dậy vỗ tay cười ha hả.

Tổ hỏi : Ngươi thấy Đạo-lý gì mà cười ?

Đáp : Muôn ngàn Pháp-môn, vô lượng Diệu-nghĩa, hôm nay bị đá một trận thì biết được nguồn gốc tận đáy.

Mã Tổ cũng không nói gì thêm.

 

Tuyết Phong biết Cổ Sơn cơ duyên đã thuần thục. Một hôm Ngài bỗng chụp ngay ngực Cổ Sơn hỏi rằng : Cái gì vậy ?

Cổ Sơn ngay đó liễu ngộ, cả cái Tâm-liễu cũng mất luôn, chỉ mỉm cười và khoát tay mà thôi.

Tuyết Phong hỏi : Ông được Đạo-lý sao ?

Cổ Sơn lại khoát tay nói : Hòa-thượng, đâu còn Đạo-lý nào nữa ?

Tuyết Phong liền thôi.

Đem Công-án kể trên so với cái ngộ của Ông, hay dở thế nào xin Ông tự đoán xem. Đâu còn có Đạo-lý kỳ lạ gì khác nữa. Nếu còn có cái khác thì chẳng thể gọi là ngộ rồi. Chỉ cần biết làm Phật chớ đừng lo Phật chẳng biết nói. Xưa nay những người đắc Đạo, tự mình đã viên mãn, đều dùng cái của mình sẵn có tùy cơ tiếp vật như gương sáng trên đài, ngọc sáng trong tay, nam đến thì hiện hình nam, nữ đến thì hiện hình nữ, mà chẳng cần tác ý vậy. Nếu có tác ý ắt có pháp thật cho người rồi. Ông muốn thấu rõ Đại-pháp, ứng cơ vô ngại, hãy cứ vẫn y như trước, chẳng cần hỏi người, lâu ngày sẽ tự gật đầu vậy.

Lời Tôi nói khi chia tay xin chép lại để bên cạnh chỗ ngồi. Ngoài ra chẳng có lời khác để thuyết, đối với bổn phận của Ông cũng thành lời thừa rồi.  

HỎI II.         

Vừa được lời đáp khai-thị đã thấu ý chỉ thâm sâu. Bỉnh tự thấy có ba điều hiệu nghiệm. Một là gặp việc nghịch thuận tùy duyên ứng phó, chẳng lưu lại trong lòng. Hai là tập-khí lâu đời chẳng cần dứt trừ mà tự nó nhẹ dần dần. Ba là đối với Công-án của Cổ-đức trước kia cảm thấy mờ mịt, nay lại thấy rõ ràng không còn ám muội nữa.

Thư trước nói Đại-pháp chưa rõ là vì sợ rằng được ít cho là đủ nên muốn được khuyếch-sung thêm, chứ đâu dám cầu kiến-giải thù thắng nào khác. ‘Tẩy trừ tập-khí hiện hành’ lý ấy chẳng phải không ! Lời dạy của Ngài con rất khâm phục. 

ĐÁP II.

Được thư sau thấy có tiến thêm, chẳng biết gần đây được tùy duyên phóng khoáng, như ý tự tại chăng ? Trong tứ oai nghi chẳng bị trần lao dính mắc chăng ? Thức ngủ nhị biên được như một chăng ? chỗ ‘vẫn y như cũ’ có dời đổi chăng ? Tâm sanh tử còn tương tục chăng ?.

Chỉ cần tẩy sạch phàm-tình, thực chẳng có Thánh-giải khác. Ông đã được ngộ, Khai mở Chánh-nhãn, tin tức sở đắc xưa bỗng quên mất thì đắc lực hay chẳng đắc lực như người uống nước lạnh nóng tự biết vậy. Nhưng trong cuộc sống hằng ngày nên y theo lời dạy của Phật : ‘Một là tu tập trừ các trợ nhân, hai là chơn tu nạo sạch Chánh-tánh (dâm dục), ba là tinh tấn xoay ngược hiện nghiệp’. Đây là chân phương tiện trong vô phương tiện, chân tu chứng trong vô tu chứng, chân thủ xả trong vô thủ xả của người đã xong việc.

Cổ-đức nói : ‘Lớp da đã lột hết, chỉ còn một chân thật’. Cũng như nhánh lá của cây Chiên-đàn róc sạch hết, chỉ còn lại cây Chiên-đàn chân thật. Ấy là lý cùng tột của ba việc ‘Trừ các trợ nhân, nạo sạch Chánh-tánh và xoay ngược hiện nghiệp’ vậy. Ông nghĩ thử xem, lời nói như thế đối với bổn phận của người đã xong việc mặc dù như cây quạt trong mùa đông, song e miền nam khí Trời lạnh nóng bất thường nên thiếu nó chẳng được. Một tiếng cười.

Lúc Phú Quí Thân ở Tam Cù có thư đến hỏi Đạo, nhân đó bất đắc dĩ Tôi buông lời phương-tiện chẳng ít. Nhưng ông ta vẫn kẹt nơi mặc-chiếu, chắc chắn đã bị bọn Tà-sư dẫn vào hang quỷ.

Nay Tôi được thư kế tiếp, biết ông ta vẫn còn chấp tĩnh-tọa cho là tốt. Ông ta cố chấp như thế làm sao tham được Tổ-sư-thiền ? Lần này đáp thư, Tôi không tiếc khẩu nghiệp, dài dòng thống thiết phá chấp cho ông ta, nhưng chẳng biết ông ta có chịu quay đầu lại khán câu thoại đầu hay không.

Bậc Thánh xưa nói : ‘Thà có thể phá Giới như núi Tu-di, quyết chẳng để bị Tà-sư huân một tà niệm nhỏ như hạt cải vào trong Tàng-thức, như đổ dầu vào trong bún thì không làm sao lấy ra được’. Ấy là tình trạng của ông ta.

Nếu Ông có gặp ông ta thì hãy đọc thử thư Tôi đáp cho ông ta nghe. Theo đó mà làm phương-tiện cứu vớt ông ta. Trong pháp Tứ-nhiếp của Bồ-tát, Đồng-sự-nhiếp là mạnh nhất, Ông nên khai triển Pháp-môn nầy khiến ông tăng cường lòng tin vào Tự-tâm, như vậy chẳng những tiết kiệm được nửa sức Sơn-tăng mà cũng khiến ông ta chịu xa lìa hang ổ cũ vậy.

THƯ ĐÁP GIANG THIẾU MINH.

Đời người một trăm năm, thời gian có là bao. Ông xuất thân từ nhà nghèo hèn tiến lên Quan-chức, ấy là có phước nhất thế gian. Ông lại biết hổ thẹn hồi tâm hướng về Đạo, học Pháp xuất thế gian để thoát ly sanh tử, ấy là người khéo lựa chọn nhất trên đời. Cần phải quyết tử dụng công phu, chẳng màng đến việc khác, chẳng để cho người khác chi phối, tự làm chủ cho mình. Chỗ cuối cùng được chứng tỏ rõ ràng mới là bậc Đại-trượng-phu đã xong việc thế gian và xuất thế gian vậy.

Liên tiếp mấy ngày, Ông cùng với Lý Hán Lão đàm luận về Đạo, lành thay, lành thay ! Cho ông ta đã dứt được tâm rong ruỗi tìm cầu, đến chỗ ‘Đường ngôn ngữ dứt, Chỗ tâm hành diệt’, ngay chỗ muôn ngàn sai biệt thấy được chân tay Cổ-nhân, chẳng bị phương tiện văn tự của Cổ-nhân trói buộc. Sơn-tăng thấy ông ta như thế, chẳng hề bảo ông ta một lời, vì e làm trở ngại ông ta. Đợi khi ông ta muốn nói chuyện với Sơn-tăng, lúc ấy mới cùng ông ta giải rõ việc nầy chớ chẳng phải ngưng luôn đâu. Người học Đạo nếu tâm tìm cầu chẳng dứt thì dẫu có cùng họ giải rõ cũng vô ích, vì họ là kẻ ngu si cuồng loạn chạy ở vòng ngoài.

Cổ-đức nói : ‘Gần gũi với người lành như đi trong sương móc, tuy chẳng ướt áo nhưng cũng được thấm nhuần’. Ông thường qua lại hầu chuyện với Lý Hán Lão, Tôi rất mong, rất mong !

Ông chớ nên đem lời dạy của Cổ-đức ra bày đặt bậy bạ, như Nam Nhạc nói với Mã Tổ rằng : ‘Ví như trâu kéo xe, nếu trâu chẳng đi thì đánh xe là phải hay đánh trâu là phải ?’. Mã Tổ nghe xong ngộ ngay. Về mấy lời nầy, Tông-sư các nơi chẳng hội được, lại đoán mò bậy bạ, dù thuyết pháp như sấm sét cũng chỉ là hiểu theo lời nói. Ấy là phỉ báng Tổ-sư.

Xem thư Ông gửi Châu Phong, Ông tự ý đặt điều chú-giải cho Như-lai-thiền là Tổ-sư-thiền, Sơn-tăng đọc qua bất giác bật cười.

Bài Tụng gởi đến kỳ nầy, xem kỷ thấy khá hơn hai bài Tụng trước, nhưng từ nay hãy ngưng hẳn, nếu cứ Tụng đi Tụng lại mãi thì đến chừng nào mới xong. Như Lý Hán Lão, ông ta há chẳng biết làm Kệ-tụng sao, tại sao ông ta không làm một chữ ? Ông ta ngẫu nhiên lộ ra một đầu sợi lông thì tự nhiên gãi nhằm chỗ ngứa của Sơn-tăng. Như câu ‘Gặp người khắp nơi, gạt người trước mặt’ trong bài tụng Xuất Sơn Tướng, đáng làm thuốc điểm nhãn cho Tòng-lâm. Một ngày nào đó Ông sẽ tự thấy, chẳng cần Sơn-tăng nói trắng ra. 

Tác giả bài viết: thichdaophat

Nguồn tin: Tông Phong Tàng Thư

Theo dòng sự kiện

Xem tiếp...

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn