Quyết Nghi

Thầy Duy Lực giải đáp thắc mắc về TST
Thầy Thích Duy Lực
       Có người hỏi tôi (Duy Lực) rằng :

       + Thiền tông cần có nghi-tình, vậy tại sao trong kinh Pháp Bảo Đàn tôi không thấy Lục Tổ dạy Chúng tham-thiền khởi nghi ? 

       Tôi nói : Nếu Ngài dạy người ta khởi nghi-tình thì không có tư cách làm Tổ. Bởi vì trước đời nhà Tống (TQ) chư Tổ đều dùng thủ-đoạn (cơ xảo). Thủ-đoạn làm cho người tham-thiền nhưng không biết là mình đang tham, đã khởi lên chân-nghi mà tự mình không hay. Lúc ngài Hoài Nhượng đến tham học, Tổ hỏi :

       - Vật gì đến thế này ?

       Hoài Nhượng không trả lời nổi, phát nghi tới tám năm sau mới ngộ.

*

       + Con có đi đến một Thiền-đường kia để tham dự, thấy vị Sư dẫn Chúng tu như sau : Trong giờ tham, Chúng đều mặc áo Tràng (áo Giới), Sư hỏi chỉ định “Niệm Phật là Ai ? Sắc tức thị không, không tức thị sắc”, đi hương thật chậm, hai tay để trước ngực, Chúng đi trước, Sư đi sau, trong Thiền-đường có giờ học về Giáo-môn. Vậy có tu đúng Pháp-môn không ? Kính xin Hòa-thượng khai-thị.

       - Những gì bà nói là không phải Tổ-sư Thiền, Tổ-sư Thiền chỉ có Khán thoại-đầu và Tham thoại-đầu là dùng cái không-biết để tu và không có nghi-thức gì cả.

*

        + Khi nghi-tình thành khối sẽ như thế nào và làm sao đập bể ?

      - Lai Quả Thiền-sư thí dụ : "Khối này lớn lắm, siêu việt số lượng, bao hàm hư-không, nếu như lấy cây đập nó một cái, thì cây đó cũng ở trong khối; lấy chân đá một cái cũng ở trong khối, bất cứ làm cách nào cũng ở trong khối đó". Lúc đã thành khối rồi thì nghi-tình 24 giờ chẳng giây phút gián đoạn mới được gọi là thành khối, nếu có một giây phút gián đoạn cũng không được gọi là thành "khối", chính giây phút gián đoạn ấy khiến sanh tử nổi lên, khiến vọng tưởng từ đó nổi lên, khiến Diêm-la-vương thấy được, tiểu quỷ bắt được.

       Lúc nghi-tình thành khối thì câu thoại tự mất, chỉ còn nghi-tình, khi ấy muốn tự ý buông bỏ nghi-tình, buông bỏ chẳng được; cố ý muốn nổi lên một vọng tưởng nào cũng chẳng được, cảnh giới ấy gọi là nghi-tình thành khối, là đứng trước đầu sào trăm thước, hễ tiến lên một bước, lìa khỏi ý-thức là ngộ, chẳng đại ngộ cũng tiểu ngộ, phá được Sơ-quan.

       Cái Tiểu-ngộ mà tôi thường nói ấy chỉ là giải-ngộ, chẳng phải Chứng-ngộ, chưa phá được Sơ-quan. Vì giải-ngộ còn nằm trong ý-thức, chưa lìa ý-thức, còn Đại-ngộ là đã lìa ý-thức rồi.

*

        + Tướng của nghi-tình thế nào ? Muốn phá vỡ nghi-tình bằng cách nào ?

      - Không đươc nổi ý phá nghi-tình, nếu khởi ý muốn phá nghi-tình ấy là hồ-nghi, chẳng phải Chánh-nghi, là dùng ý-thức đi tìm hiểu, vĩnh viễn phá không được. Chúng ta cứ tham mãi, tham liên tục và miên mật, đến nghi-tình thành khối rồi, gặp nhân duyên thuần thục sẽ tự phá. Như quá khứ chư Tổ, có vị bị đập một cái được phá, có vị thình lình thấy con khỉ leo cây cũng được phá v.v. Ấy là thình lình tự phá chứ chẳng phải khởi tâm tìm cách muốn phá. Nếu đến được chỗ đầu sào trăm thước rồi, đó là cửa vô-minh, chưa có phá được, chưa có qua được, Ngoại-đạo đến chỗ này, thấy phía trước thanh thanh tịnh tịnh, chẳng còn đường đi, tưởng là cứu cánh, cho là đến cứu cánh Niết-bàn, nhưng sự thật thì chưa, cũng còn dính líu ý-thức. Đến đây nếu buông nghi-tình xuống, không tiếp tục nữa, vẫn còn nằm trong ý-thức, là nguồn gốc của ý-thức. Như cõi Trời Phi tưởng phi phi tưởng, mặc dù vọng tưởng không nổi lên trong nửa Đại-kiếp, nhưng sau đó vọng tưởng vẫn nổi lên.

*

       + Làm thế nào khiến nơi nào cũng Thiền-đường, ở đâu cũng Thiền-thất, để công phu được đắc lực ?

       - Trong bài Kệ trong Kinh Hoa Nghiêm : "Nhược nhơn dục liễu tri, tam thế nhất thiết Phật, ưng quán Pháp-giới-tánh, nhất thiết duy Tâm tạo". Tất cả đều do Tâm tạo, khắp không-gian thời-gian, tất cả đều chẳng ở ngoài Tâm. Thiền-đường cũng là do Tâm tạo, do người đời chấp Tâm quá nặng, nên Tổ-sư mới lập ra Thiền-đường, tạo điều kiện cho mọi người tham-thiền.

        Người chơn thật tu hành muốn giải quyết việc sanh-tử thì nơi nào cũng là Thiền-đường, lúc nào cũng là Thiền-thất, bất cứ đang lao động, đang làm nghề gì cũng tham được, chẳng phải ở nơi vắng lặng mà tham. Đó là tùy theo căn cơ trình độ của mỗi người, dĩ nhiên có Thiền-đường sẽ dễ thực hành hơn, tăng trưởng lòng tin. Như Lục Tổ nói : "Tất cả đều chẳng chướng ngại", nếu quyết tử tham-thiền thì không có phân biệt, cứ tùy duyên mà tu tập.

*

        + Tự-tánh là gì ? Làm sao nắm chắc ?

       - Bây giờ nhiều người hiểu lầm hai chữ Tự Tánh. Do phương tiện nên nói mỗi chúng sanh đều có Tự-tánh, nhưng chẳng phải là tôi có cái Tự-tánh của tôi, ông có cái Tự-tánh của ông, người kia có cái Tự-tánh kia. Nếu thế thì chỉ là ngã chấp chứ chẳng phải Tự-tánh. Vì Tự-tánh là giác ngộ, hễ giác ngộ là phá hết ngã chấp, đâu còn cái Tự-tánh của người này người kia ? Nên Phật nói "Tất cả pháp đều chẳng có tự tánh".

       Tại sao trước nói "Chúng sanh đều có Tự-tánh", bây giờ lại nói "Tất cả pháp đều không có tự tánh" ? Ấy có mâu thuẫn không ? Lại, nói "Tự-tánh bất nhị" là thế nào ?

       Đã nói Tự-tánh bất nhị, nếu có một pháp nào có Tự-tánh tức thành nhị rồi ! Nếu tôi có Tự-tánh thì tất nhiên ông cũng có Tự-tánh, ấy là nhị rồi ! Bởi do mỗi pháp mỗi khác, vì tất cả pháp đều không có tự tánh, cho nên bất nhị. 

 

Tác giả bài viết: thichdaophat

Nguồn tin: Ghi lại từ audio "Giải đáp thắc mắc TST"